Saturday, July 2, 2016

Chuyện ngắn - Người hát ru hồn

NGƯỜI HÁT RU HỒN
(truyenngan.com.vn) 
Ngoài kia, màn đêm đen kịt đã phủ kín mặt người. Mưa vẫn lất phất rơi, từng cơn gió thỉnh thoảng lại rít lên, vả vào mấy tàu lá chuối nghe sột soạt. Tiếng hát của người đàn bà điên vẫn văng vẳng lúc gần lúc xa. Tiếng hát như từ cỏi âm ty vô cùng vọng về, như oán, như than, như khóc lại như rên rỉ "À.....à........ơi.....! Chứ con ơi, con ngủ cho ngoan, ngày mai khôn l...ớn....., à........à........ơi......! Ngày mai khôn lớn dựng xây cuộc đời........ời!"

Người dân khắp xóm này đã quá quen với cái tiếng hát vô hồn đó. Người ta bảo "Bà già điên ấy lại về nữa rồi?"...

***

Chuyện xảy ra từ hơn chục năm trước. Khi đó, cái xóm nghèo này còn vắng lặng lắm. Phía con đường cái rộng hơn chục mét được đổ dầu nhẵn thín kia còn là một đồng cát rộng mênh mông....

Rồi một đêm trăng sáng, người ta nghe thấy có tiếng động cơ xe máy quanh quẩn ở ngoài đồng, tiếng thì thầm khe khẽ, tiếng thút thít khóc, tiếng cuốc xẻng va vào nhau lạt thếch. Đến sáng, đã thấy ở đó mọc lên một đụn cát nhỏ như cái thúng một nằm úp khum khum. Quanh quẩn rơi rác vài cái hoa cúc trắng, mấy chân nhang, vài tờ giấy bạc.

Nhưng ở cái làng quê nghèo xơ xác này thì có ai rảnh đâu để mà chú ý đến ba cái mộ hoang lạ hoắc lạ huơ ấy. Thỉnh thoảng cũng có dăm ba người buộc miệng "Sao chôn gì mà tội vậy trời, đã mất công chôn thì khơi luôn cái nấm lớn lớn tý để "họ" nằm cho rộng rãi chút cũng được vậy". Dăm ba cái chép miệng thôi thế cũng an ủi cho một vong hồn vô danh nào đó.
Độ vài hôm, người ta lại thấy có bóng người thấp thoáng trong đêm với đèn nhang líu ríu. Khu đất trống mọc lên thêm đôi cái nấm con con. Dân làng bắt đầu bàn tán to nhỏ. Mấy ngôi mộ đất vẫn mọc lên như nấm sau mưa.

Rồi người ta nghe có tiếng hát ru văng vẳng trong đêm quanh quất khu mộ hoang kỳ lạ nọ. Tiếng hát ban đầu còn khe khẽ, thỉnh thoảng vút lên rồi tắt ngấm. Đám trẻ con trong làng hiếu kỳ kéo nhau lén nhìn xem sao. Đêm đầu, chúng chạy toáng loạng, mặt mày tái mét, miệng la thất thanh "Ma! Ma! Bớ làng ơi! Có ma!"

Tiếng hát tắt lịm như ngọn đèn lụn dầu.

- Ngoài đó có con ma mặc áo trắng, tóc xõa phủ kín cả mặt, hắn bay là là hết nấm mồ này qua nấm mồ khác, hắn le cái lưỡi dài nhằng ra liếm láp quanh mồ như con chó mẹ liếm lông cho đàn con vậy.

Bọn trẻ con kháo nhau, chụm đầu lại kể với khối chuyện mà chúng thấy, chúng chưa kịp thấy hay chỉ là tưởng tượng ra?

Người già trong làng bắt đầu thắp hương khấn vái. Họ cấm bọn trẻ con quanh quất ở khu mộ hoang đó. Người ta đồn đại, rồi thì tin rằng đó là mồ của những đứa trẻ lạc lối.

- Hôm qua, tôi còn thấy người ta đêm đến một cái vại con con. Tôi nín thở mò lại gần, lúc người ta mở ra tôi còn trông thấy rõ mấy ngón tay nhỏ xíu thò ra ngoài...

Lúc đầu, người ta còn đếm xem đã có bao nhiêu cái nấm mọc lên, nhưng có ai rãnh hơi đâu mà đếm mãi thế kia. Ở cái nổng cát vắng lạnh đó đã có gần ngót một trăm hay hơn một trăm gì đó những cái lụm đất khum khum như cái thúng một nằm úp.

Tiếng hát cũng theo đó mà vọng đều trong đêm. Bóng ma trắng toát, tóc xõa ngang lưng tha thẫn hết nấm mộ này đến nấm mộ khác như ru, như ôm ấp, như vỗ về cho từng sinh linh nằm lặng yên trong lòng đất lạnh. Thỉnh thoảng có đôi ba chân nhan, đôi ba cái bánh khảo vứt lại dưới chân mộ.

Người ta kháo nhau rằng trong những đêm trăng sáng, ở ngoài ấy có bọn trẻ con đứng thành vòng tròn quanh người đàn bà rồi nhảy múa, hát vang mấy câu mà chẳng ai hiểu. Những đêm gió thốc, con ma lớn lại dắt díu bọn trẻ vô làng xin ăn. Cũng vì thế, họ lập lên chi chít là khóm đất quanh làng để làm phúc cho đám vong hồn ăn mày trẻ con.

Sự đời vốn vậy, cái gì mới, lạ còn gây chút tò mò, đàm tiếu sau dần thành quen. Chẳng thấy ai trong xóm nghèo ấy còn sợ khu mồ hoang đó nữa. Cả tiếng hát ru khô quạch, lạc thếch trong đêm cũng thành không.

Mùa đông năm nào đó mà chẳng ai còn thèm nhớ, bất chợt xuất hiện một túp lều tranh thấp lè tè ngay cạnh khu mồ hoang với người đàn bà điên áo quần xộc xệch nhàu nát, mái tóc buông thỏng, đều đặn đi về. Đêm đêm, người ta thấy mụ tha thẩn hát ru bên mấy nấm mồ không tên thay cho bóng ma trắng toát hôm nào.

Dự án mở đường được đưa về. Dân nghèo trong xóm gọi nhau đi họp, đi bàn, đi tính tiền, tính công giải tỏa đền bù. Riêng mụ đàn bà điên với khu mộ tội nghiệp kia là chẳng ai nói tới. Chừng đâu ba bốn tháng sau, cái xóm nghèo bắt đầu nhộn nhịp. Bao nhiêu là xe ủi, xe xúc, xe lu ùn ùn kéo về. Nó sang bằng tất cả những gì trên đường nó đi qua.

Mụ đàn bà điên cuống quýt lên, mụ lăn ra chặn ngay đầu xe, mụ chửi bới tứ tung, mụ rủa cái đám vô đạo đức nào đó muốn ủi bằng khu mộ của mụ. Đêm đó, người ta nghe mụ hát rất to. Tiếng hát khản lại, đặc quánh rồi bung ra, vút lên hằn học. Đêm sau nữa, tiếng hát ru nghe đến não nùng như nhấn chìm cả cái xóm nghèo trong ai oán. Rồi tiếng hát tắt lịm. Khu mồ hoang chỉ còn lỗ chỗ những cái hố con con xoáy tít như những đôi mắt mở thố lố nhìn thấu vào tận lòng trời.

Người đàn bà điên không còn nữa. Khu mồ không còn nữa.

Nơi đó giờ đây là con đường lộ khang trang. Một khu nhà văn hóa uy nghi đến lạnh lùng.

Nghe đâu, sau khi người đàn bà điên đó bỏ đi, một vài người tò mò chui vô túp lều của mụ xem sao. Đó là túp lều sạch sẽ đến tinh tươm, mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn và được bài trí khéo léo, gọn gàng bởi con người cẩn thận đến tỷ mẫn. Người ta cũng tìm thấy vất vưởng trên vách lá tấm thẻ thẳng cứng có ảnh của vị nữ bác sĩ xinh đẹp, đôi mắt ngời lên niềm phúc hậu cùng đôi dòng chữ "Bệnh viện X; Khoa phụ sản; Bs chuyên khoa II: Nguyễn Thị Y".

Lần cuối cùng người ta thấy nữ bác sĩ Y trong bệnh viện cũng là lần cô đã làm cái việc kinh tởm của loài người cho một bà mẹ sinh viên. Bào thai được lấy ra với đầy đủ chân tay, hình hài. Bác sĩ khóc, bệnh nhân khóc. Tiếng khóc đã xé tan ranh giới cuối cùng giữa một nữ bác sĩ tài hoa và người đàn bà điên đêm đêm vẫn hát ru hồn cho những sinh linh chưa kịp chào đời.

Cũng từ sau cái đêm khu mồ hoang biến mất, thỉnh thoảng người ta lại nghe trong đêm tiếng hát ru hồn vọng lên quanh quất đâu đó. Tiếng ru cho những vong nhi chưa kịp đi theo đồng bọn hay còn nấn ná lại như chờ đợi ai đó.

Xuân Võ

No comments:

Post a Comment