Thursday, March 31, 2016

Ngày 31-3-2016 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Hãy vứt chiếc mũ

Hãy vứt chiếc mũ

ôi là một đứa ngại khó khăn, công việc hơi khó tý là đã đầu hàng ngay. Làm bài tập toán một lúc gặp bài khó là tôi bắt đầu nản và không muốn học nữa. Việc gì cũng vậy, khó có thể theo đuổi đến cùng. Một hôm nọ, trên đường đi thấy một tổ chim ri, tôi thích lắm nhưng nhìn lại thì bờ rao cao quá. Tôi chần chừ mãi không muốn bước đi.
Bố tôi thấy thế liền nói: “Con hãy vứt chiếc mũ qua hàng rào kia đi”.

Tôi thắc mắc hỏi: “Tại sao lại phải vứt hả bố?”

Bố tôi liền vứt lấy mũ vứt qua bên kia hàng rào và nói tôi qua bên đó lấy. Tôi ngạc nhiên nhưng vì chiếc mũ mới mua nên dù cao mấy tôi cũng cố qua.

Khi lấy được mũ rồi, bố nói: “Con bắt tổ chim luôn đi”.

Sau khi lấy được mũ và tổ chim, bố nói: “Khi con muốn có được gì mà sợ khó khăn thì hãy cố gắng làm. Cũng như việc bắt tổ chim, con muốn có được nó nhưng ngại bờ rào cao thì hãy vứt chiếc mũ qua, con sẽ có được cả hai”.

Tôi ngộ nhận ra một điều, sau này gặp khó khăn tôi cũng sẽ vứt “một chiếc mũ” vào đó để có động lực bước tiếp.

Thành công chỉ dành cho những ai biết vượt qua thử thách và tự tạo thử thách cho chính mình.

Những chuyện ngụ ngôn hay - Ngỗng đẻ trứng vàng

Ngỗng đẻ trứng vàng

Một người được thần Hermes ban cho con ngỗng đẻ trứng vàng. Nhưng thỉnh thoảng ngỗng mới đẻ ra một trứng thì lâu giàu lắm.

Anh ta nghĩ: "Trong bụng ngỗng chứa toàn vàng, chi bằng mổ nó ra mà lấy". Nghĩ sao làm vậy. Nhưng anh ta hết sức thất vọng vì chỉ được bộ lông ngỗng và không còn thấy trứng vàng nữa.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

TÍNH CHẤT RỖNG KHÔNG 

Vị hoàng đế, một người mộ đạo Phật, mời vị Thiền Sư nổi tiếng đến hoàng cung để thỉnh một vài câu hỏi về đạo Phật.
"Cái gì là chân đế cao qúi nhất của học thuyết thần thánh của Phật giáo?" vị hoàng đế hỏi.
"Tính chất rỗng không rộng lớn...... và không có dấu tích gì về thần thánh," vị Thiền Sư trả lời.
"Nếu ở đó không có tính chất thần thánh," vị hoàng đế nói, "vậy Ngài là ai và là gì?"
"Tôi không biết," vị Thiền Sư trả lời

Những Điển Tích Hay - Bịt tai trộm chuông

Bịt tai trộm chuông

Tên trộm đến nhà người họ Phạm ăn trộm, nhưng khi đến nơi thì mọi thứ trong nhà đều đã dọn đi cả, không có gì để lấy, chỉ còn lại một cái chuông lớn trong sân, tên trộm nghĩ: Cái chuông này có thể bán kiếm được chút tiền, thế là hắn nhấc lên thử nhưng nó quá nặng, không cách nào chuyển đi nổi. Hắn bèn nghĩ: Nếu đập vỡ cái chuông ra từng mảnh thì có thể đem về được, thế là hắn tìm một cái búa gõ nhẹ một cái, nhưng âm thanh lại vang đi rất xa. “Chết rồi! nếu bị hàng xóm nghe được thì làm sao đây?” Nghĩ thế, hắn liền bịt hai tai mình lại và gõ mạnh hơn. Người dân xung quanh nghe thấy tiếng chuông đổ xô và nhà họ Phạm, thế là tên trộm bị bắt.

Tên trộm cho rằng mình không nghe được tiếng chuông thì người khác cũng không nghe được. Bạn nghĩ xem, hắn hành động như thế có thông minh không? Hắn tự dối được mình, nhưng có thể dối được người khác chăng!

Ý nghĩa: 
Khi bạn làm một việc gì sai thì nên thừa nhận, vì trước sau gì mọi người cũng đều biết việc của bạn làm. “Bịt tai trộm chuông” chẳng khác gì tự mình dối mình... 

Chuyện cười trong ngày

Có hại cho sức khỏe

Hai anh chàng nói chuyện với nhau:

- Này, nghe nói hôn rất có hại cho sức khỏe, có đúng không nhỉ?

- Đúng đấy! Hồi nọ, tớ hôn một cô đã có chồng, thế là phải nằm viện mất những 5 tháng...!

Wednesday, March 30, 2016

Ngày 30-3-2016 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Người cha mù

Người cha mù

Tôi còn nhớ ngày tôi biết nói thì đôi mắt bố đã không còn nữa, lúc đó tôi không biết vì sao lại thế.

Ngày tôi bước chân vào cấp 1, bố đã vui mừng thức cả 1 đêm chỉ để đợi tới sang mai gọi tôi dạy bắt đầu một cuộc sống mới, trước khi đi bố có dặn: “Đi học, là niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có, vì thế con nên cố gắng học cho tốt, ở nơi đó là một thế giới khác chứa đựng biết bao điều lạ, con hãy học nó rồi về nói lại cho bố nhé!”.
Tôi nhát lắm, những ngày đi học tôi chẳng dám chơi với ai cả, thấy các bạn nô đùa làm tôi cũng háo hức. Rồi tôi cũng quen dần và kết thân nhiều bạn, mỗi ngày đi học là một niềm vui với tôi, những gì ở trường tôi học được thì tôi đều về kể cho bố nghe, bố hòa cùng niềm vui với tôi, cùng tôi trò chuyện những chuyện ở lớp, bố có thể nhớ hết tên các bạn mà tôi chơi mặc dù chưa được gặp. Những lúc ấy, bố như một người bạn của tôi.

Thời gian cứ thế trôi đi, tôi lớn dần và câu chuyện về “đôi mắt” ấy vẫn là một ẩn số đối với tôi. Tôi vô tâm và không hề biết.

***

Ngày tôi học lớp 5, trong giờ tập làm văn viết một đề tài tả cảnh nhưng đột nhiên cô lại chỉnh lại đề bài với nội dung là: “Hãy kể về người bạn thân nhất của em”.

Tôi không biết kể về ai, người duy nhất trong đầu tôi lúc ấy là bố tôi. Tôi đặt bút viết, tôi miêu tả tất cả từ hình dáng tới khuôn mặt và cả lúc cha cười như thế nào, duy chỉ có đôi mắt cha thì tôi không nói tới. Giờ làm văn đầu tuần sau bài văn của tôi được điểm rất cao, cô thắc mắc hỏi tôi là các bạn khác thì viết về những người bạn bằng tuổi nhưng tôi lại viết về bố của mình, tôi hớn hở trả lời vì đó là người bạn thân nhất của em. Cô bắt đầu đọc bài của tôi cho các bạn cùng lớp nghe, các bạn ngưỡng mộ tôi lắm, đứa nào cũng ước là có được người bố như tôi.
Rồi tới ngày tổ chức liên hoan lớp, mẹ bận không thể đi cùng tôi, bố ngỏ ý để bố đi cùng, tôi đồng ý vì các bạn trong lớp rất muốn gặp bố xem có đúng như trong bài văn tôi viết không, thấy vẻ mặt mẹ lo lắng lắm nhưng được sự thuyết phục của bố cuối cùng bố cũng được đi. Bố đi chậm lắm, vừa đi vừa phải bước từng bước một, tôi dắt tay bố mà cứ bắt bố phải đi nhanh, bố chỉ cười.

Khi tới lớp, thấy mọi người đã chuẩn bị hết mọi thứ, mọi người ngồi nói chuyện với nhau bỗng có một đứa bạn đứng lên và nói:

– Ơ, bố nó mù à, thế mà nó viết tả bố nó khác cơ mà.

Cả lớp im lặng không một chút tiếng động nào, dường như 80 cặp mắt đang đổ dồn về tôi, tôi không biết nói gì, tôi xấu hổ với mọi người và chạy về nhà đóng chặt cửa lại mà quên mất còn bố đang ở đó, tôi úp mặt vào gối và khóc.

Mẹ về thấy tôi khóc và hỏi bố đâu, tôi bảo bố đi đâu kệ bố tôi không cần biết, còn nhớ vẻ mặt mẹ hốt hoảng lắm, chạy ngay đi tìm bố, vừa ra tới cửa nhà thì thấy bố được bác hàng xóm đưa về, quần áo bố bẩn hết, nghe bác hàng xóm nói là bố bị ngã trên đường về, mẹ tức tôi quá, lôi tôi ra đánh cho một trận, bố đứng đó và can không cho mẹ đánh tôi, tôi gạt tay bố ra và chạy lên gác, lúc ấy tôi ghét bố lắm, chỉ vì bố không còn nhìn thấy gì nữa, chỉ vì bố …”mù”.

***

Dòng thời gian cứ lặng lẽ âm thầm quay theo nhịp của nó, và vết thương về câu chuyện của quá khứ đã là nỗi niềm ám ảnh tôi , tôi không bao giờ kể gì về bố cho mọi người cả, khi có ai muốn qua nhà tôi chơi tôi đều lấy cớ là không có nhà hoặc một lý do nào đó.

Năm tôi 17 tuổi, chẳng biết từ khi nào và từ bao giờ dòng máu nghệ sĩ lại chảy vào người tôi mạnh mẽ như thế, tôi muốn theo con đường nghệ thuật, tôi muốn được làm một nghệ si chơi vĩ cầm, tôi không bỏ lỡ một buổi biểu diễn nào của các nghệ sĩ violon, tôi tìm tất cả các tài liệu về nghiên cứu.

Và vào một buổi tối trước lúc ăn cơm tôi kể chuyện sau này sẽ ước mơ trở thành một nghệ sĩ violon tài ba, sự hưng phấn khi kể về mơ ước của tôi chưa được một giây sau câu nói đó đã bị một tiếng động mạnh làm tan biết. Mẹ đặt mạnh bát xuống bàn và quát với tôi:

– Mày muốn làm gì thì làm nhưng không được làm nghệ sĩ violon.

Lại thêm một điều nữa mà tôi không hiểu, quay sang nhìn bố tôi thấy khuôn mặt bố cũng không còn nụ cười hằng ngày trước mỗi bữa cơm nữa, tối hôm ấy không khí thật nặng nề.

Là một chàng trai của tuổi 17, tôi bắt đầu muốn khẳng định cái tôi của mình, những buổi đi chơi về muộn hơn thường ngày bắt đầu diễn ra nhiều hơn, và mỗi lần như thế bố lại đứng ở đầu ngõ đợi tôi về dù trời nhiều sương hay mưa tầm tã. Nhưng đến một ngày cái tôi trong tôi vượt quá giới hạn vốn có của nó, tôi đi chơi qua đêm với lũ bạn mà không mảy may nhớ tới là có một người đang đứng đợi tôi, người đó bị “mù”.

Hôm sau tôi mò về thì mẹ đã đợi sẵn tôi ở nhà, tôi bình tĩnh bước vào thì nghe thấy tiếng ho của bố, mẹ không nói một câu nào nhưng tôi tự hiểu, cả đêm qua vì lo cho tôi mà bố đã không ngủ, đứng ngoài trời đợi tôi trong đêm sương rơi thấm đẫm cả những chiếc lá.
Tôi vào xin lỗi bố, giọng bố ho nhưng vẫn thương tôi lắm, bảo tôi lần sau đi chơi ngủ nhà bạn thì nhớ gọi điện về báo với gia đình.

Ngỡ tưởng sau lần đó tôi không còn thế nữa, nhưng với sự lôi kéo của chúng bạn tôi bắt đầu thay đổi một phần nào đó, tôi ngày càng đòi nhiều hơn, tôi muốn có điện thoại muốn nhiều thứ lắm, được sự hậu thuẫn của bố những điều đó tôi đều đạt được chính vì thế tôi ngày cành được đằng chân lân đằng đầu, tôi đòi mua xe máy để đi chơi, lần này bố không đồng ý vì tôi chưa đủ tuổi, tôi ức lắm không làm gì, tôi bỏ đi tới tối muộn mới về, vẫn là bố đứng đó đợi tôi. Khi tiếng xe máy phanh lại ở đầu ngõ và nghe thất tiếng tôi bố bảo:

– Về rồi hả con, sao hôm nay về muộn thế, thôi vào nhà đi.

– Ai thế? – Thằng bạn ngơ ngác hỏi tôi

Sự ám ảnh của nhiều năm trước lại hiện về trong tôi, tôi không biết gì nữa và trả lời thằng bạn:

– Ông hàng xóm ấy mà.

Thằng bạn quay lại nói với bố một câu mà khiến tôi đau như cắt:

– Ông già, ông lo chuyện người khác ít thôi, về lo cho con ông ấy, đã mù rồi lại còn đi lang thang ngoài đường.

Tôi chết lặng, không dám nói gì, bố bảo về đi, quãng đường từ ngõ tới nhà không xa lắm nhưng mọi vật xung quanh như đang bị đóng băng lại, bố không nói gì, im lặng suốt.

Về tới nhà, thấy bố thần người mẹ hỏi nhưng bố không nói gì, suốt một tuần liền tôi không còn thấy nụ cười của bố nữa, nhưng tôi ghét bố vì không cho tôi mua xe, rồi câu chuyện của đêm hôm trước cũng bị mẹ tôi biết qua lời kể của một người hàng xóm ở nơi mà bố vẫn hay đợi tôi trước cửa nhà họ.

Mẹ nổi giận, chưa bao giờ tôi thấy mẹ nổi giận như thế, mẹ còn biết tôi đã lén đi học nhạc nữa, mẹ quát tôi và hỏi tôi vì sao lại nói như thế, sự nông nổi của tuổi trẻ khiến tôi phải day dứt suốt đời, tôi trả lời:

– Vì …ông ấy bị “mù “.

Sự tức giận của mẹ không còn kiểm soát được nữa, mẹ tát tôi mội cái khiến tôi choáng váng và mẹ khóc, lúc đó tôi đâu có biết bố đang ở ngoài cửa và đang định xin cho tôi. Bố lặng lẽ bước xuống cầu thang mà đôi chân run run và bước vào phòng, bố cứ như vậy suốt và một hôm bố nói bố muốn về que thăm họ hàng một tháng, mẹ không đồng ý, lúc ấy tôi không nói gì, bố chỉ bảo là về thăm họ hàng làng xóm, lâu rồi chưa được về nên nhớ mọi người thôi.

Chiếc xe đưa bố và mẹ đi về quê đã dần khuất xa phía cuối con đường, tôi quay lại nhà và dọn dẹp vài thứ, bước lên trên căn gác nhỏ, tôi lôi tất cả các thứ ra lau dọn và thấy một cái hộp màu đen đã bị thời gian làm cho cũ kỹ bằng một lớp bụi dày đặc, tôi tò mò mở ra xem thì thật bất ngờ đó là 1 cây đàn violon đã cũ, tôi sung sướng và cất nó đi rồi hàng ngày lôi ra tập, cứ thế tôi bắt đầu luyện tập vào mỗi buổi sáng sau khi mẹ đi làm .

Một ngày như bao ngày khác, tôi bắt đầu mang cây đàn mà tôi cho là món quà của ông trời đã ban cho tôi ra tập, tôi mải mê say sưa theo từng note nhạc mà không để ý thấy tiếng cổng mở, mẹ về. Nghe theo tiếng nhạc mẹ đứng ngoài nhìn tôi chơi đàn với niềm vui của một nghệ sĩ , và niềm vui bị đánh mất bởi 1 tiếng hắng giọng của mẹ, tôi run rẩy, miệng lắp bắp không nói lên lời.

Trái ngược với suy nghĩ của tôi, mẹ vào nhìn chiếc đàn, và ôm nó vào lòng, tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mẹ bảo tôi ngồi xuống mẹ kể cho tôi nghe một bí mật, bí mật về đôi mắt của bố.

20 năm trước, vào một hôm trường có tổ chức buổi liên hoan và có mời một đoàn văn công tới biểu diễn, ở đó mẹ đã gặp bố, một nghệ sĩ vĩ cầm. Một người hiền lành, tài hoa và đặc biết là có rất nhiều cô gái theo đuổi. Tôi giật mình:

– Mẹ nói cái gì?

– Bố.

– Vĩ cầm?

Mẹ gật đầu, rồi mẹ kể tiếp. Từ lúc ấy, bố và mẹ thường xuyên gặp nhau hơn và mẹ đã yêu bố lúc nào không hay nữa, chuyện tình không suôn sẻ như thế, 2 gia đình phản đối nhưng rồi bố và mẹ đã quyết định lấy nhau bỏ qua sự ngăn cản của mọi người. Mẹ kể, lúc ấy cũng mệt mỏi lắm, ông bà bảo nếu mẹ mà theo bố thì ông bà không nhận mẹ nữa, và rồi nghe theo tiếng gọi nơi trái tim mẹ đã quyết định làm một việc mà nghĩ lại chắc mẹ cũng không dám làm.

Cuộc sống của một đôi vợ chồng mới cưới có nhiều khó khăn lắm, những lúc như thế bố luôn là người động viên mẹ. Vào một ngày mẹ được cử đi công tác xa, trên đường đi xe ô tô của đoàn bị tại nạn và trong sự cố đó mẹ đã mất đi đôi mắt của mình. Tôi ngạc nhiên không hiểu gì, và hỏi ” Mắt mẹ vẫn còn đấy còn gì, mẹ nói bịa chuyện cho con nghe à!”, mẹ cáu giận nhưng vẫn nuốt vào lòng và kể tiếp. Lúc ấy nhà nghèo lắm, không có tiền chữa, ông bà ngoại sau chuyện ấy càng ghét bố nhiều hơn, bố ân hận lắm, và thề là sẽ mang lại ánh sáng cho mẹ, mẹ lúc ấy tuyệt vọng, mọi thứ trước mắt mẹ chỉ là một màu đen, một màn đêm trải dài vô tận.

Bố vẫn ngày ngày tìm và hỏi các bác sĩ cách chữa trị cho mẹ, nhưng điều khó khăn nhất không phải là tiền chữa trị mà muốn mang lại ánh sáng cho mẹ thì cần phải có một đôi mắt khác, đôi mắt mẹ không còn chữa được nữa, mà muốn tìm được đôi mắt khác thì gần như vô vọng. Rồi bố cũng có một tin vui cho mẹ, mẹ vui sướng và hét lên khi biết là mình có thế sắp được nhìn thấy ánh sáng trở lại, bố bảo bố không ở bên mẹ được khi mẹ làm phẫu thuật vì bố phải đi công tác ở xa , mẹ vui mừng quá và bảo là bố đi về cũng là lúc mẹ được nhìn thấy bố.

Rồi ngày hôm ấy mẹ hồi hộp đợi chờ đến lúc được tháo băng, mẹ đã vui sướng phát khóc khi thấy những tia nắng đầu tiên trở lại với mẹ, mẹ vui mừng viết thư cho bố, rồi những bức thư ấy được hồi âm trở lại, mẹ vui mừng kể lại tất cả những gì mẹ được nhìn thấy sau khi được nhìn lại, mẹ kể cả những cảm giác khi bị chìm vào trong bóng đêm ra sao, tất cả những cái đó mẹ đều kể với bố nhưng mẹ đâu biết ngày mẹ được nhìn lại cuộc sống này cũng là lúc bố bước vào thế giới của màn đêm nơi mẹ đã từng bước tới, đôi mắt mẹ có được không của ai khác chính là đôi mắt của bố đã tặng cho mẹ, mẹ ân hận, mẹ khóc, mẹ hận chính bản thân mình, trái lại bố thì không, bố bảo vì tình yêu của bố, bố hi sinh như thế còn ít lắm và bảo với mẹ đó là điều duy nhất bố có thế cho mẹ và mẹ hãy giữ nó cẩn thận, từ đó mẹ không cho phép bất cứ ai nói tới đôi mắt của bố với ý nghĩa xấu cho dù người đó là ai.

Và cây vĩ cầm kể từ đó cũng nằm im theo thời gian, nó là kỉ vật thiêng liêng nhất mà mẹ còn giữ lại được cho bố. Tôi như chết lặng người khi nghe câu chuyện mẹ kể, tôi ân hận vì nhữn gì mình đã làm, những điều mình đã nói, tôi đâu biết tôi có một người cha vĩ đại như thế, tôi hổ thẹn với chính bản thân mình, và nhận thấy mình đã ngu ngốc biết nhường nào .

Mẹ nói bố không bao giờ nhắc tới chuyện cây đàn đó nữa, có một lần mẹ hỏi bố sao lại cho mẹ nhiều như thế, bố chỉ trả lời điều bố cho mẹ chỉ là một nhưng mẹ đã cho bố nhiều hơn thế, mẹ đã cho bố tình yêu của mẹ, niềm tin của mẹ và đã cho bố đôi mắt của bố chính là tôi, bố nói đi đổi như thế là lãi lắm rồi, mẹ cười mà nước mắt cứ rơi trên hai gò má, giờ tôi đã hiểu vì sao mẹ đã không cho tôi học đàn vì sao mẹ lúc nào cũng bảo vệ đôi mắt của mình kỹ như vậy.
Ngày bố về, tôi không ra đón được, lúc tôi về tới nhà đã thấy bố ngồi đó, trông bố gầy hơn trước, nước da cũng đen hơn nhưng thần sắc thì có lẽ cũng khá hơn, tôi lặng lẽ bước vào chào bố, bố mỉm cười và bảo tôi ngồi xuống, bố bỏ cái ba lô đã cũ xờn và lấy ra trong đó một cái túi và bảo đây là quà mà mọi người dưới quê gửi lên cho tôi, tôi nhìn bố mà trong long nghẹn ngào, tôi không nói được gì, tôi cũng không hỏi trong thời gian đó bố sống ra sao, bố có trách tôi sau những chuyện đã xảy ra không, tôi im lặng.

Bố ngồi đó và kể cho tôi nghe những câu chuyện ở quê, chuyện bọn trẻ con ở đó chơi những trò gì mà ở ngoài thành phố không có, bố kể với vẻ mặt tươi vui lắm nhưng bố đâu có biết lúc ấy tôi đã bước vào phòng, mẹ ngồi cạnh và nghe những câu chuyện bố kể, tôi lặng lẽ mang một thứ xuống, đó là cây đàn mà năm xưa bố đã từng chơi, tôi cầm nó và chơi bản nhạc đầu tiên mà tôi tự học được, bố đang kể chuyện bỗng khựng lại, vẻ mặt bố bắt đầu chuyển từ tươi sang trầm ngâm, bố dường như đang sống lại thời quá khứ của bố với cây đàn năm xưa, kí ức dần dần tái hiện lại trong bố theo thời gian qua từng nốt nhạc.

Khi bản nhạc kết thúc cũng là lúc bố đã được sống lại với chính mình, trong khoảnh khắc ấy tôi cảm nhận được những giọt nước mắt trong bố.

Những chuyện ngụ ngôn hay

Lừa và Hải Cẩu

Một cái cây đẹp mọc ngay giữa đồng. 

Bác Lừa ta chạy băng đồng, mải nhìn ngang nhìn ngửa nên đâm bổ vào, nẩy đom đóm mắt. 

Lừa giận lắm, bác ta đến bờ sông, gọi Hải Cẩu:

- Hải Cẩu ơi ! Anh có biết giữa cánh đồng có một cái cây mọc không? 

- Sao lại không biết!

- Thế thì anh đi hạ cái cây ấy đi ! Răng anh sắc lắm mà...

- Để làm gì? 

- Tôi vừa va phải nó, sưng hết cả mặt mũi lên đây này! Khốn khổ làm sao!

- Anh nhìn đi đâu? 

- Nhìn đâu... nhìn đâu... Tôi mới mải nhìn có một tý mà ra nông nỗi này đây... Đi mà hạ cái cây đi cho rồi!

- Hạ đi thì tiếc lắm. Nó làm đẹp cho cả cánh đồng.

- Nhưng nó cản trở việc đi lại của tôi. Hạ nó đi anh !

- Tôi không muốn.

- Khó nhọc lắm sao? 

- Không khó nhọc nhưng tôi sẽ không hạ. 

- Tại sao? 

- Tại vì nếu tôi hạ cái cây ấy xuống thì anh sẽ lại va vào gốc.

- Thế thì anh hãy đào cả gốc nó đi !

- Tôi mà đào cả gốc thì anh lại rơi xuống hố, què chân. 

- Tại sao? 

- Tại vì anh là con Lừa !

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

PHỤC VỤ NGƯỜI KHÁC 

Câu chuyện về một người không ngừng cầu nguyện để tìm ra bí quyết thành công trong đời sống. Một đêm nọ, ông ta mơ thấy tìm được câu trả lời khi đi vào rừng . Hôm sau, ông ta đi vào rừng và lang thang hàng giờ để tìm ra nơi cất giấu câu trả lời. Sau cùng, khi ông ta dừng lại nghỉ ngơi, ông ta thấy một con cáo không chân nằm trong bóng mát giữa hai tảng đá. Tò mò không biềt làm sao một con cáo không có chân lại có thể sống sót được, ông ta chờ đến khi mặt trời lặn xuống. Rồi ông ta thấy một con sư tử đến và bỏ thịt xuống trước con cáo. “A, ta đã hiểu, người đàn ông trên tự nhủ. “ Bí quyết thành công trong cuộc sống là phải tin rằng Thượng Đế sẽ lo cho tất cả nhu cầu của ta. Ta không cần phải tự đi tìm. Những gì ta cần làm là hòan tòan dựa vào Thượng Đế. Hai tuần sau, đói khát và không còn chút sức lực, ông ta lại có một giấc mơ khác. Trong mơ, ông ta nghe nói như sau: Đồ ngốc, hãy là con sư tử, không phải là con cáo!” 

Những Điển Tích Hay - Châu sa

Châu Sa

Lòng đâu sẵn món thương tâm
Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm CHÂU SA
(Câu 81,82. Kiều khóc trước mộ Đạm Tiên)

"Lại càng ủ dột nét hoa,
Sầu tuôn đứt nối, CHÂU SA ngắn dàị"
(Câu 103, 104. Kiều khóc trước mộ Đạm Tiên)

"Ngại ngùng một bước một xa
Một lời trân trọng, CHÂU SA mấy hàng".
(Câu 561, 562. Kim Kiều chia tay)

CHÂU SA là nước mắt rơi xuống. Nước mắt của người đẹp được ví như hạt châu theo tích xưa sau đây:

Đời Thượng Cổ dưới bể Nam Hải có một giống người gọi là Giao Nhân. Giống người này hàng năm lên bờ sinh sống, buôn bán với người trần thế, đến cuối năm phải trở về đáy biển để chầu vua Thủy Tề.

Những lần chia tay từ biệt người trần thế, những Giao Nhân thân tình với người trần đều khóc lóc thảm thiết, tỏ ra quyến luyến lắm. Những Giao Nhân này khóc bao nhiêu thì nước mắt rơi ra trở thành ngọc châu hết bấy nhiêụ

Do tích này mà về sau giới văn nhân thi sĩ ví nước mắt như giọt châu mà gọi là Châu Sa.

Chuyện cười trong ngày

Chọn Túi Nào?

Có một chàng thanh niên lần đầu tiên đến ra mắt bố vợ. Anh gặp ông bố vợ là người chuyên nói về đạo đức. Ông hỏi:

- Nếu có 2 túi: một túi đựng tiền, một túi đựng đạo đức thì anh chọn túi nào?

Anh chàng nhanh nhảu trả lời:

- Con sẽ chọn túi đựng tiền ạ!

Nghe vậy, ông bố vợ không mấy được vui liền nói:

- Thanh niên các anh thời nay chán thật. Cái quan trọng nhất của con người là đạo đức, thì các anh lại quên mất. Nếu là tôi thì tôi sẽ chọn cái túi đạo đức .

Anh thanh niên vội chống chế:

- Thưa bố, theo con nghĩ là ai thiếu cái gì thì lấy cái đó ạ !

Tuesday, March 29, 2016

Ngày 29-3-2016 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Vứt bỏ sự nghi hoặc

Vứt bỏ sự nghi hoặc, hãy tin tưởng mọi người

Có một phạm nhân trong thời gian cải tạo khi đang tu sửa lại đường đi, anh ta nhặt được 2 triệu đồng, anh ta không mảy may suy nghĩ liền mang số tiền này đến chỗ cảnh sát. Nhưng viên cảnh sát lại nói với anh bằng một giọng mỉa mai: “Anh đừng có tới đây để lôi kéo chúng tôi, anh tưởng rằng có thể dùng tiền để lừa bịp, hối lộ chúng tôi được sao, anh tưởng rằng có thể dùng tiền để mua được sự ân xá sao, các anh cũng thuộc loại người không chân thực rồi”.

Người phạm nhân này nghe xong cảm thấy vô cùng thất vọng và nghĩ rằng trên thế gian này không còn ai tin tưởng anh ta nữa. Buổi tối, anh ta quyết định vượt ngục. Anh ta đã lấy trộm tiền của mọi người để chuẩn bị cho cuộc trốn chạy. Khi anh ta lấy đủ số tiền rồi, liền lấm lét lên tàu hoả, trên tàu khách rất đông, đã chật cứng không còn chỗ ngồi, anh ta phải đứng ngay bên cạnh chiếc toilet trên tàu.

Lúc đó bỗng nhiên xuất hiện một cố gái xinh đẹp đi vào toilet, nhưng cô chợt phát hiện ra cái khuy cửa đã bị hỏng, cô gái liền nhẹ nhàng bước ra nói với anh ta: “Thưa anh, anh có thể giữ cửa giúp tôi được không?”

Anh ta sững người một lúc, nhìn cô gái với ánh mắt dịu dàng và thuần khiết, anh ta khẽ gật đầu. Cô gái đỏ mặt bước vào bên trong toilet còn anh ta lúc này trông giống như một người vệ sĩ trung thành, nghiêm nghị giữ cái cánh cửa phòng toilet.

Và trong cái thời khắc ngắn ngủi ấy, anh ta đột nhiên thay đổi ý định, khi tàu dừng lại anh ta rời khỏi đó và đến đồn cảnh sát tự thú…

Lòng tin cũng chính là bàn đạp thực tế, có người nói rằng: “Tin tưởng người khác thật là nguy hiểm, bạn có thể phải chịu sự lừa gạt của họ” chúng ta giả sử là thiên hạ luôn luôn tồn tại sự lừa dối, như vậy thì câu nói đó đúng là có lý, lòng tin không nên xuất phát từ trong ảo giác. Bạn biết rõ với người thích nói nhiều thì không nên đem bí mật của mình mà kể cho họ nghe. Thế giới không hẳn là một chiếc sân vận động an toàn mà người ở trên đó không phải ai ai cũng có thiện ý, chúng ta buộc phải đối mặt với sự thật này. Lòng tin chân chính, không phải là sự cả tin.

Không tin tưởng người khác, thì không thể thành nghiệp lớn, cũng không thể trở thành vĩ nhân. Xin hãy ghi nhớ câu nói này: “Bạn tin tưởng người khác, thì họ mới tin tưởng bạn, trung thực với bạn. Hãy lấy phong độ của một vĩ nhân đối với người khác, họ mới có thể biểu hiện ra cái phong độ vĩ nhân mà họ có với bạn”.

Chúc các bạn luôn được sống trong niềm tin!

Những chuyện ngụ ngôn hay - Tôi muốn húc

Tôi muốn húc

Đó là một chú Dê con với một đôi sừng bé tẹo tèo teo nhưng lại hay cà khịa. Chú chẳng biết làm gì nên cứ hay di cà khịa với mọi người.

- Tôi muốn húc! Nào, ta húc nhau một cái chơi!

- Để cho ta yên! - Bác Gà Trống Tây nói rồi trịnh trọng tránh ra.

- Nào, ta húc nhau chơi nào! - Chú Dê lân la đến gạ lợn con.

- Lui ra! - Chú Lợn con đáp lại rồi đưa chân sau quào đất.

Dê ta lại chạy đến một bác Cừu già.

- Nào, ta húc nhau một cái chơi!

- Đi chỗ khác! - Bác Cừu khẩn khoản - Hãy để ta yên! Ta không mặt mũi nào đi húc nhau với chú.

- Nhưng tôi muốn! Thôi, ta cứ húc nhau một cái chơi!

Bác Cừu không nói gì, lẳng lặng đi chỗ khác.

Dê ta lại nhìn thấy một chú Chó con.

- Chà! Ta húc một cú xem nào!

- Nào, bắt đầu! - Chú Chó con hăm hở lao đến cắn ngay vào chân Dê một miếng thật đau.

- Ôi! Hượm đã! - Chú Dê ta bật khóc - Tớ thì tớ muốn húc, thế mà cậu lại gì thế này?

- Còn tớ thì tớ muốn cắn! - Chú Chó con đáp và bồi thêm cho Dê ta một miếng rõ đau nữa.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

ĐÚNG VÀ SAI 

Khi Bankei tổ chức những tuần an cư để thiền định, các thiền sinh từ nhiều nơi trên nước Nhật Bản tới tham dự. Trong một lần của những buổi hội họp này một thiền sinh bị bắt về tội ăn trộm. Công chuyện được trình lên Bankei với lời thỉnh cầu rằng kẻ phạm tội phải bị trục xuất. Bankei đã bỏ qua nội vụ.

Sau đó thiền sinh này bị bắt trong một hành động như vậy, và Bankei lại vẫn không quan tâm đến sự việc. Điều này làm những thiền sinh khác tức giận, họ liền thảo một tờ thỉnh nguyện đòi đuổi tên trộm cắp ra, tuyên bố rằng nếu không làm vậy thì họ sẽ cùng nhau bỏ đi.

Khi Bankei đọc xong tờ thỉnh nguyện ông gọi tất cả thiền sinh lại trước mặt ông. "Các anh là những anh em khôn ngoan," ông nói với họ. "Các anh biết cái gì là đúng và cái gì không đúng. Các anh có thể đi nơi khác để tu học nếu các anh muốn, nhưng người anh em đáng thương này lại không biết đến cả phân biệt đúng với sai. Ai sẽ dạy dỗ anh ấy nếu ta không dạy. Ta sẽ lưu giữ anh ấy ở đây cho dù tất cả các anh còn lại có bỏ đi hết."

Một suối nước mắt đã rửa sạch khuôn mặt người anh em trộm cắp. Mọi tham muốn trộm cắp đều biến mất đi.

Những Sự Tích Việt Nam - Tai sao sông Tô Lịch và sông Thiên Phù hẹp lại

Tại sao sông Tô Lịch và sông Thiên Phù hẹp lại

Ngày xưa về đời nhà Lý có một ông vua bị bệnh đau mắt. Mấy ông thầy thuốc chuyên môn chữa mắt ở trong kinh thành cũng như ngoài nội đều được vời vào cung chạy chữa, trong số đó cũng có những tay lương y nổi tiếng, nhưng tất cả mọi cố gắng đều vô hiệu. Cặp mắt của vua cứ sưng húp lên, đêm ngày nhức nhối rất khó chịu. Đã gần tròn hai tháng vua không thể ra điện Kính Thiên coi chầu được. Triều đình vì việc vua đau mà rối cả lên. Những cung giám chạy khắp nơi tìm thầy chạy thuốc, và lễ bái các chùa đền nhưng mắt của thiên tử vẫn không thấy bớt. Một hôm có hai tên lính hầu đưa vào cung một ông thầy bói từ núi Vân Mộng về. Ông thầy chuyên bói dịch nổi tiếng trong một vùng. Sau khi gieo mấy đốt cỏ thi, ông thầy đoán:

-Tâu bệ hạ, quẻ này có tượng vua rất linh nghiệm. Quả là bệ hạ bị "thủy phương càn tuất" xuyên vào mắt cho nên bệnh của bệ hạ không thể bớt được, trừ phi trấn áp nó đi thì mới không việc gì.

Vua bèn sai hai viên quan trong bộ Lễ đi về phía Tây bắc kinh thành. Thuở ấy ở phía Tây bắc thành Thăng Long có hai con sông nhỏ: Tô Lịch và Thiên Phù đều hợp với nhau để thông ra sông Cái ở chỗ cứ như bây giờ là bến Giang Tân. Họ tới ngã ba sông dựng đàn cúng Hà Bá để cầu thần về bệnh của hoàng đế. Đêm hôm đó, một viên quan ăn chay nằm sẵn trước đàn cầu mộng. Thần cho biết: đến sáng tinh sương ngày ba mươi cho người đứng ở bên kia bến đò, ai đến đó trước tiên lập tức bắt quẳng xuống sông phong cho làm thần thì trấn áp được. Nghe hai viên quan tâu, vua lập tức sai mấy tên nội giám chuẩn bị làm công việc đó. Một viên đại thần nghe tin ấy khuyên vua không nên làm việc thất đức, nhưng vua nhất định không nghe. Con mắt của hoàng đế là rất trọng mà mạng của một vài tên dân thì có đáng kể gì. Hơn nữa sắp sửa năm hết tết đến, việc vua đau mắt sẽ ảnh hưởng nhiều đến những nghi lễ long trọng và quan hệ của triều đình. ở làng Cảo thuộc về tả ngạn sông Tô hồi ấy có hai vợ chồng làm nghề bán dầu rong, người ta vẫn quen gọi là ông Dầu bà Dầu. Hàng ngày hai vợ chồng buổi sáng đưa dầu vào thành bán, buổi chiều trở ra: vợ nấu ăn, chồng đi cất hàng.

Hôm đó là ngày ba mươi tháng Một, hai vợ chồng định bụng bán mẻ dầu cho một số chùa chiền vào khoảng cuối năm, người ta cần dùng nhiều dầu để thắp tết. Họ dậy thật sớm chồng gánh chảo vợ vác gáo cùng rảo bước đến ngã ba sông Tô Lịch Thiên Phù. Đến đây họ vào nghỉ chân trong chòi canh đợi đò. Đường vắng tanh vắng ngắt chưa có ai qua lại. Nhưng ở trong chòi thì vẫn có hai tên lính canh đứng gác. Vừa thấy có người, chúng liền từ trong xó tối xông ra làm cho hai vợ chồng giật mình. Họ không ngờ hôm ấy lại có quân cấm vệ đứng gác ở đây. Tuy thấy mặt mũi chúng hung ác, nhưng họ yên tâm khi nghe câu hỏi của chúng:

-Hai người đi đâu sớm thế này? Họ cứ sự thật trả lời. Họ có ý phân vua việc bán dầu hàng ngày của mình chỉ vừa đủ nuôi miệng. Nhưng chúng cứ lân la hỏi chuyện mãi. Chúng nói:

-à ra hai người khổ cực như thế đó. Vậy nếu có tiền thừa thãi thì hai người sẽ thích ăn món gì nào. Nói đi! Nói đi, rồi chúng tôi sẽ kiếm cách giúp cho. Thấy câu chuyện lại xoay ra như thế, ông Dầu bà Dầu có vẻ ngạc nhiên. Nhưng trước những lời hỏi dồn của chúng, họ cũng phải làm bộ tươi cười mà trả lời cho qua chuyện:

-Tôi ấy à?

-Người chồng đáp.

-Tôi thì thấy một đĩa cơm nếp và một con gà mái ghẹ là đã tuyệt phẩm. Người vợ cũng cùng một ý như chồng nhưng có thêm vào một đĩa bánh rán là món bà ấy thèm nhất. Thấy chưa có đò, hai vợ chồng lấy làm sốt ruột. Nói chuyện bài bây mãi biết bao giờ mới vào thành bán mẻ dầu đầu tiên cho chùa Vạn Thọ được. Hai người bèn bước ra nhìn xuống sông. Hai tên lính từ nãy đã rình họ, bấy giờ sẽ lén đến sau lưng, thình lình bịt mắt họ và lôi đi sềnh sệch. Họ cùng van lên:

 "Lạy ông, ông tha cho chúng cháu, chúng cháu chẳng có gì". 

Nhưng hai thằng khốn nạn chẳng nói chẳng rằng, cứ cột tay họ lại và dẫn đến bờ sông. Chúng nhấc bổng họ lên và cùng một lúc ném mạnh xuống nước. Bọt tung sóng vỗ. Và hai cái xác chìm nghỉm. Rồi đó, hai thằng cắm cổ chạy.

* * *

Lại nói chuyện mắt vua sáng mồng một tháng Chạp tự nhiên khỏi hẳn như chưa từng có việc gì. Nhưng ông Dầu bà Dầu thì căm thù vô hạn. Qua hôm sau, hai tên cấm vệ giết người không biết vì sao tự treo cổ ở gốc đa trong hoàng thành. Rồi giữa mồng một Tết, lão chủ quán bên kia Giang Tân phụ đồng lên giữa chùa Vạn Thọ nói toàn những câu phạm thượng. Hắn nói những câu đứt khúc, nhưng người ta đều hiểu cả, đại lược là: 

"Chúng ta là ông Dầu bà Dầu đây... Chúng mày là quân man rợ bạc ác, chúng mày là quân giết người lương thiện... Chúng mày sẽ chết tuyệt chết diệt... Họ Lý chúng mày sẽ không còn một mống nào để mà nối dõi... Chúng tao sẽ thu hẹp hai con sông Tô Lịch và Thiên Phù lại... Chừng nào bắt đầu thì chúng mày đừng hòng trốn thoát...". 

Những tin ấy bay về đến tai vua làm cho vua vô cùng lo sợ. Vua sai lập một cái đền thờ ở trên ngã ba Giang Tân và phong cho hai người làm phúc thần. Mỗi năm cứ đến ba mươi tháng Một là có những viên quan bộ Lễ được phái đến đấy cúng ông Dầu bà Dầu với những món ăn mà họ ưa thích. Nhưng đúng như lời nguyền của ông Dầu bà Dầu, ngôi báu nhà Lý chẳng bao lâu lọt về tay nhà Trần. Dòng dõi Lý quả nhiên chết tuyệt chết diệt, đến nỗi chỉ người nào đổi qua họ Nguyễn mới hòng trốn thoát. Sông Thiên Phù quả nhiên cứ bị lấp dần, lấp dần cho mãi đến ngày nay chỉ còn một lạch nước nhỏ ở phía Nhật Tân. Sông Tô Lịch cũng thế: ngày nay chỉ là một rãnh nước bẩn đen ngòm. Duy có miếu thờ ông Dầu bà Dầu thì hàng năm dân vùng Bưởi vẫn mang lễ vật theo sở thích của hai vợ chồng đến cúng lễ vào ngày ba mươi tháng Một.

Chuyện cười trong ngày

Sang ngay

Có tiếng gõ cửa, chủ nhà chạy ra mở:

- Cháu đấy à, vào đi, vào đi. Nào cháu cần gì?

- Bố cháu muốn mượn bác cái mở nút chai.

- Mắt ông ta sáng lên: Nút chai à! Về nhà nói với bố chuẩn bị thêm cái chén, bác sẽ... tự tay mang ngay sang bây giờ nhé.

Monday, March 28, 2016

Ngày 28-3-2016 Suy Niệm Trong Ngày

Bài sưu tầm - Xà phòng Cô Ba

Xà phòng Cô Ba

(www.thanhnien.com.vn)

Sự nghiệp để lại cho đời sau của Trương Văn Bền chỉ vỏn vẹn bốn chữ Xà bông Việt Nam bởi sản phẩm này ra đời và tồn tại như một trong những biểu tượng tinh thần dám cạnh tranh của người Việt, như cuộc xiển dương “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” khi mà nền kinh tế nước nhà đang nằm trong tay ngoại bang.

Phục vụ đại chúng

Tại sao lại là xà bông, chứ không là một sản phẩm nào khác? Hãy nghe ông Trương Khắc Cẩn - Tổng giám đốc Công ty Trương Văn Bền và các con trong thập niên 1970, con trai ông Bền, cho biết: “Vào năm 1930, sau khi lăn lộn trong các hoạt động kinh doanh khác, lúc bấy giờ chừng 50 tuổi ba tôi bảo muốn hoạt động trong một ngành có tính cách phục vụ đại chúng. Có hai loại sản phẩm mà hầu như mọi người phải dùng: giấy và xà bông, và ba tôi chọn xà bông”.

 Trương Văn Bền


Ông Trương Văn Bền (1883 - 1956) sinh tại Chợ Lớn (Sài Gòn) trong một gia đình có truyền thống làm nghề thủ công. Năm 25 tuổi, ông lập nhà máy ép dầu dừa, công việc làm ăn phát đạt. Về sau, ông còn lập nhà máy xay lúa; cộng tác với Viện Nghiên cứu nông nghiệp Đông Dương khai thác và tái tạo rừng thông ở Đồng Nai Thượng. Năm 31 tuổi, ông lập một đồn điền cao su cỡ nhỏ ở Thủ Đức, sau đó mấy năm, ông mở rộng kinh doanh bằng cách lập công ty khai khẩn ruộng ở Đồng Tháp Mười; lại có sở đồn điền trên 10.000 ha ở ĐBSCL ...

Trong tập Pháp du hành trình nhật ký của nhà văn hóa Phạm Quỳnh - ông chủ bút Nam phong tạp chí lừng lẫy một thời cho biết vào ngày 14.3.1922: “3 giờ chiều, ông Trương Văn Bền là một nhà công nghiệp to ở Chợ Lớn, năm trước cũng có ra xem hội chợ ở Hà Nội, đem xe hơi ra đón các phái viên Bắc kỳ về xem nhà máy dầu và máy gạo của ông ở Chợ Lớn. Xem qua cái công cuộc ông gây dựng lên đã to tát như thế, mà chúng tôi thấy hứng khởi trong lòng, mong mỏi cho đồng bào ta ngày một nhiều người như ông ngõ hầu chiếm được phần to trong trường kinh tế nước nhà và thoát ly được cái ách người Tàu về đường công nghệ thương nghiệp”.

Thành công được nhiều việc là do ông không ngừng học hỏi, không bằng lòng với những gì đang có. Ông từng phát biểu rằng: “Trước khi bắt tay vào kinh doanh bất cứ việc gì, mình phải biết rõ việc ấy. Người Tây trước khi làm việc gì họ cũng học trước cả. Cho đến một việc đứng bán hàng, ta cho là tầm thường và tưởng ai ai cũng có thể làm được, nhưng đối với họ đó là việc quan trọng, cũng có sách có trường dạy hẳn hoi, dạy từ cách tiếp khách, khoe hàng làm sao cho người khách mua rồi còn trở lại. Như tôi đây cơ sở vững vàng rồi mà ngày nào cũng tìm sách, tìm báo đọc thêm. Sức khỏe, sự học hỏi, sự bền chí là những điều kiện của sự thành công”.

Cạnh tranh với người Pháp, người Hoa

Ông Trương Khắc Cẩn kể: “Ngay từ buổi đầu công ty đã tọa lạc tại đường Kim Biên (Chợ Lớn). Ba tôi nấu xà bông trong một căn phố nhỏ theo lối tiểu công nghệ. Hồi đó việc kinh doanh sản xuất rất khó khăn và kỹ nghệ thì do người Pháp khai thác và việc phân phối do Hoa kiều làm chủ. Để đoan chắc có đủ nguyên liệu cho việc sản xuất, ba tôi đã tổ chức những hợp tác xã những chủ vườn dừa ở Bến Tre và Mỹ Tho”. Bấy giờ, xà bông nhãn hiệu Xà bông Việt Nam (có hình biểu tượng là Cô Ba nên sau này người tiêu dùng quen gọi là Xà bông Cô Ba) được sản xuất hình vuông, nhiều cỡ 125 gr, 250 gr, 500 gr, mỗi cục xà bông đều có in nổi hình đầu người phụ nữ. Về sau để hạ giá thành, ông Bền cho đổ thành cây 0,8 kg, 1 kg người mua đem về tự cắt thành bánh lớn nhỏ tùy thích. Xà bông Cô Ba bán khắp 3 nước Đông Dương, đủ ạnh tranh với xà bông sức cMerseille của người Pháp đang thống lĩnh thị trường.

Trong thập niên 1930, việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, công ty của ông Bền chỉ mới phân phối ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa; còn lại phải nhờ đến hệ thống của người Hoa. Về sau, việc phân phối này cũng đã được cải tiến. Ông Tăng Long, người làm việc cho hãng từ năm 1945, đến thập niên 1970 trên cương vị là giám đốc thương mại cho biết: “Trước năm 1959, hãng dùng các đại lý để phân phối sản phẩm đến các tỉnh. Tuy nhiên, nếu ta dùng đại lý thì người mua bị thiệt thòi, hãng không thể nào thực hiện được mong muốn bán giá rẻ phẩm chất tốt. Một điều bất lợi nữa là khách hàng không biết về hãng và hãng không nắm được nhu cầu của khách hàng”. Vì vậy, trong thời điểm của những năm 1959, ông Tăng Long xin phép sử dụng ngân sách của công ty gần nửa triệu đồng. Với số tiền không nhỏ này, ông Long thuê một đoàn... võ thuật đi cổ động cho sản phẩm Cô Ba từ Sài Gòn ra đến sông Bến Hải. Không chỉ đến chợ búa mà họ còn đi vào tận các làng, xã, đến đâu là họ biểu diễn võ thuật, văn nghệ để lôi cuốn đám đông và trực tiếp bán hàng cho dân chúng. Ai mua bao nhiêu cũng bán, cốt là để người tiêu dùng quen với mặt hàng của mình... Nhờ thế, tiếng tăm và xà bông Cô Ba ngày càng nhiều người biết đến.


Khơi dậy lòng tự hào dân tộc

Tại sao khi bắt tay vào việc lập hãng xà bông Việt Nam với mục tiêu phục vụ đại chúng, ông Trương Văn Bền lại đưa ra sản phẩm được gọi tên “Cô Ba”? Có hai lý do, thứ nhất là do vợ của ông được mọi người quen gọi cô Ba. Lý do thứ hai mới quan trọng hơn, mới là ý nguyện mà ông Bền bày tỏ một cách kín đáo về lòng tự hào dân tộc: nhãn hiệu xà bông của ông có in hình phụ nữ búi tóc, tiêu biểu cho người con gái Nam bộ, người tiêu dùng quen gọi là cô Ba. Theo cụ Vương Hồng Sển: “Trong giới huê khôi, nghe nhắc lại, trước kia hồi Tây mới đến, có cô Ba con thầy Thông Chánh là đẹp không ai bì, không răng giả, không ngực keo cao su nhân tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt ướt và thơm phức dầu dừa mới thắng, đẹp vì không son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem Nhà Dây thép và một hiệu xà bông xin phép làm mẫu rao hàng xà bông Cô Ba”.

Cô Ba con gái thầy Thông Chánh - tên thật Nguyễn Văn Chánh, còn gọi Nguyễn Trung Chánh - là người dám cầm súng bắn chết tên biện lý Joboin, bị tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19.6.1893 và bị tử hình tại Trà Vinh. Theo bài vè Thầy Thông Chánh lưu hành tại Nam kỳ đầu thế kỷ 20, thầy hành động như thế vì tay biện lý Joboin đã ve vãn vợ con mình.

Nhưng chuyện thầy Thông Chánh đâu “ăn nhập” gì với cô Ba, để đến nỗi ông Trương Văn Bền in hình lên sản phẩm của mình? Yếu tố để ông Bền mạnh dạn làm điều đó vì khi thực dân đưa thầy Thông Chánh ra tòa kết án, cô đã mắng nhiếc chúng không tiếc lời, vì thương cha.

Hành động “nữ nhi anh hùng” của cô Ba ít nhiều có ý nghĩa tích cực khơi dậy trong quần chúng tinh thần bất khuất của dân tộc, đánh trúng vào tâm lý của những người thấp cổ bé miệng. Nếu ông Bạch Thái Bưởi lấy tên các anh hùng dân tộc đặt cho thuyền bè của mình thì việc ông Trương Văn Bền dùng tên Cô Ba quảng bá cho sản phẩm cũng có chung một ý nghĩa. Đó là ý nghĩa vận dụng tinh thần và hành động phản kháng nhằm khai thác tinh thần tự tôn dân tộc. Trên thương trường những năm đầu giữa thế kỷ 20 thì nó cũng như một vũ khí sắc bén để chiến thắng đối thủ cạnh tranh.

(www.thanhnien.com.vn)

Những chuyện ngụ ngôn hay - Một kẻ hợm mình

Một kẻ hợm mình

Anh Gà Trống bay lên đậu trên hàng rào rồi rướn cao đầu lên trời.

- Anh đang ngắm bầu trời đấy à? - Chị Vịt thấy thế liền hỏi.

- Bầu trời là cái gì đối với tôi cơ chứ ! – Gà Trống đáp lại và rướn cao đầu hơn - Một khoảng không gian ngu xuẩn chất đầy hành tinh đến nỗi không còn chen vào đâu được. Một sự luân phiên nhàm chán giữa ngày và đêm. Tất cả những cái đó đã quá quen thuộc. 

- Thế mà từ lâu em không biết anh là một người thú vị đến thế ! Anh có những ý tưởng mới cao siêu làm sao! Chị Vịt thốt lên. 

- Tôi dang đôi cánh của mình – Anh Gà Trống tiếp tục nói – Tôi sẽ bay cao hơn cả bầu trời, sẽ thách thức với tất cả các hành tinh và rồi bí ẩn nhưng kiêu hãnh, tôi sẽ quay trở về với biển xanh khôn cùng và ... tôi sẽ chìm. 

Nói đến đây, Gà Trống chóng mặt mất thăng bằng, ngã nhào xuống vũng nước. 

- Ôi ! - Chị Vịt sợ hãi – Anh đang chìm đấy ư? 

- Ừ ! Đang chìm ! – Gà Trống tức giận trả lời, và rồi nhìn thấy một chú giun, anh ta liền mổ, nuốt chửng. 

Hệt như tất cả những anh gà khác !

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

ĐỜI SỐNG VÔ DỤNG 

Một người nông dân đã lớn tuổi ông không thể làm việc ngoài đồng ruộng được nữa. Do vậy ông sử dụng ban ngày vào việc chỉ ngồi nơi hàng hiên. Con trai của ông, vẫn làm việc đồng ruộng, thỉnh thoảng nhìn lên và nhìn thấy người cha của anh đang ngồi nơi đó.

"Ông ta thì không dùng được nữa," người con nghĩ một mình, "Ông không làm gì hết!"

Một ngày nọ người con đã nản chí về điều này, anh ta đóng một cái quan tài gỗ, kéo nó để nơi hàng hiên, và nói với người cha của anh vào bên trong. Không nói điều gì, người cha trèo vào bên trong. Sau khi đóng nắp quan tài, người con kéo cái quan tài đến bờ rìa của cánh đồng nơi đó là vách đá cao nhô ra biển. Lúc anh gần như thả nó xuống, anh ta nghe tiếng vỗ nhẹ phát ra từ bên trong nơi nắp quan tài. Anh mở nắp ra. Vẫn nằm đó bình thản, người cha nhìn lên người con.

"Cha biết con sẽ liệng cha xuống vực thẳm, nhưng trước khi con làm điều đó, cha có thể cho con một gợi ý không?"

"Điều gì?" người con trả lời.

"Liệng cha xuống vực thẳm, nếu con thích," người cha nói, "Nhưng hãy để dành cái quan tài gỗ này. Các con của con có thể sẽ dùng tới nó." 

Những Điển Tích Hay - Nếm mật nằm gai

Nếm mật nằm gai

Đời Xuân Thu (722-479 trước D.L.), hai nước Ngô và Việt đánh nhau. Sau trận đại bại tại Cối Kê, vua Việt là Câu Tiễn phải mình trần sang lạy vua Ngô là Phù Sai xin hàng. Ngô vương bắt vợ chồng Câu Tiễn phải sang Ngô làm con tin, có quan Tướng Quốc là Phạm Lãi theo hầu. Cả ba đều bị giam trong ngục đá. Hằng ngày vợ chồng Câu Tiễn và Phạm Lãi phải cắt cỏ, hốt phân ngựa, gánh nước rửa dọn chuồng ngựa, kiếm củi nấu cơm... 

Suốt thời gian ba năm, chúa tôi sống một cách vô cùng vất vả cực nhọc, những vẫn bền chí đợi thời. Một hôm vua Ngô đau, Câu Tiễn nghe theo lời của Phạm Lãi là chịu nếm phân của vua Ngô để được vua Ngô tin kẻ hàng giữ dạ trung thành. Nhờ đó mà cả ba được phóng thích về nước. 

Được trở về cố quốc, nhớ đến nỗi thất bại nhục nhã và bị giam cầm làm nô lệ, Câu Tiễn vô cùng căm uất, lòng canh cánh mưu toan báo thù. Tướng quốc Phạm Lãi nói:

 - Chúa công chớ lúc nào quên cái nhục ở ngục đá thì mới có cơ báo thù được nước Ngô. 

Câu Tiễn đáp:

 - Xin vâng lời dạy bảo! 

Bấy giờ giao quốc chính cho Văn Chủng, giao quân chính cho Phạm Lãi, nhà vua tôn hiền đãi sĩ, kính người già, thương kẻ nghèo, đối xử trăm họ như anh em nên được mọi người mến phục. Đến mùa làm ruộng, Câu Tiễn cũng vác cày đi cày. Vương phi Câu Tiễn cũng chăm việc dệt cửi. Cùng đám dân chia sự lao khổ, ăn mặc rất tiết kiệm. Muốn gấp báo thù, Câu Tiễn cố sức chăm chỉ làm việc suốt ngày đêm. Khi nào buồn ngủ thì lấy cỏ lục (rau răm) xoa vào mắt cho cay làm mắt phải mở. Chân lạnh muốn co thì dầm nước lạnh. Mùa đông lạnh thì ôm giá. Mùa hè nóng nực thì ngồi bên lửa. Bỏ cả giường nệm, lấy gai lấy củi lót nằm. Quả mật luôn luôn treo ở chỗ ngồi, chỗ nằm, thỉnh thoảng lại nếm một ít như để nhắc lại nỗi tủi nhục, khổ đau. Đêm nào cũng sùi sụt khóc. Khóc chán lại thở dài. Hai chữ "Cối Kê" lúc nào cũng lẩm nhẩm ở miệng. Theo 7 kế phá Ngô của Văn Chủng, mới thi hành được 3 thì nước Việt hưng thịnh, nước Ngô suy. Cuối cùng nước Việt báo được thù, thôn tính nước Ngô, và vua Ngô tự tử.

 Câu thành ngữ này được sử dụng để thể hiện ý chí biết vượt qua gian khổ để đạt được mục đích

Chuyện cười trong ngày

Chưa thử nên không rõ

Sĩ quan hải quân hỏi nhóm tân binh:

- Trong số các anh ai biết bơi?

- Cả tiểu đội trả lời biết, trừ một người lúng túng không biết nói thế nào, câu hỏi được nhắc lại: Binh nhì Ryan, anh có bơi được không?

- Tôi không rõ... nghĩa là tôi chưa thử bơi bao giờ.

Sunday, March 27, 2016

Ngày 27-3-2016 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Bài học cả đời

BÀI HỌC CẢ ĐỜI

Một thanh niên vì muốn tìm hiểu nước Đức, nên một mình đến nước Đức thuê chung cư ở. Chủ nhà là một ông lão hòa ái, dễ gần; sau khi xem phòng, anh thấy rất hài lòng, liền muốn ký hợp đồng thuê dài hạn với ông chủ.

***

Ông chủ cười nói: "Không! Chàng thanh niên, anh chưa từng ở đây, còn chưa biết chỗ này tốt hay không, chúng ta nên ký hợp đồng ở thử, sau khi có những trải nghiệm thực tế, khi ấy sẽ cân nhắc có nên thuê dài hạn không."

Anh nghe xong thấy có lý, cuối cùng đồng ý ký hợp đồng 5 ngày với ông lão. Gian phòng rất ấm áp, ông lão cũng rất tin tưởng anh, nên không hề đến kiểm tra đồ đạc. Ngoài ra, rác thải không cần đem xuống phía dưới, đặt ở cửa ra vào sẽ có công nhân vệ sinh đến lấy theo lịch, cả hành lang sạch sẽ đến mức không có một hạt bụi.

Hạn 5 ngày đã đến, anh muốn thảo luận với ông lão để có thể thuê dài hạn, thì xảy ra một chuyện ngoài ý muốn, anh bất cẩn làm vỡ một ly thủy tinh. Anh rất khẩn trương, cảm giác thấy cái ly này giá trị xa xỉ, e rằng làm vỡ ly thủy tinh, ông lão sẽ không cho anh tiếp tục thuê phòng.

Nhưng khi anh gọi điện nói cho ông lão, ông lão nói: "Không sao, anh không phải cố ý mà, cái ly thủy tinh đó rất rẻ." Anh rất vui mừng và hy vọng ông lão sẽ đến ký hợp đồng dài hạn, ông lão đồng ý, rồi cúp điện thoại.

Anh nhanh tay quét dọn những mảnh vỡ thủy tinh và rác cho vào một cái bao, đặt ở bên ngoài. Một lát sau, ông lão đến, không đợi anh mở lời, ông lão nói: "Những mảnh vỡ thủy tinh kia đâu rồi?"

Anh trả lời: "Tôi đã thu dọn xong và để ngoài cửa đó." Ông lão mở bao rác ra xem, sắc mặt không vui liền đi vào phòng và nói: "Ngày mai anh có thể chuyển đi, ta không cho anh thuê phòng nữa."

Anh không thể tưởng tượng nổi, liền hỏi: "Có phải tôi đã làm vỡ cái ly mà ông yêu thích khiến ông phật ý chăng?"

Ông lão nói: "Không phải! Lý do là vì trong tâm anh không nghĩ cho người khác."

Anh bị nói đến ngẩn ngơ không hiểu, đúng lúc này, liền thấy ông lão cầm một cây bút cùng một cái bao khác, mang theo cây chổi cùng một cái kẹp, đi ra bên ngoài, ông đổ hết rác trong bao kia ra, phân loại một lần nữa.

Ông lão chọn lựa rất cẩn thận, qua một hồi lâu, đem tất cả mảnh vở thủy tinh chứa vào một bao, lấy bút viết lên: "Bên trong là mảnh vở thủy tinh, nguy hiểm!" Sau đó, mới đổ các loại rác khác vào một cái bao khác, viết lên: "An toàn".

Anh ở bên cạnh đứng nhìn, từ đầu đến cuối, trong lòng hết sức kính nể, không biết nói gì nữa. Vài năm về sau, anh vẫn không ngừng nhắc lại chuyện này, mỗi lần đều liên tục cảm thán.

Theo NTDTV
Biên dịch: Minh Quân

Những chuyện ngụ ngôn hay

Thần Gió và Mặt Trời

Sau khi gây ra thiên tai, bão táp làm đổ sập nhà cửa, cây cối, Thần Gió càng lúc càng tỏ ra ngạo mạn. Một hôm Thần Gió tranh cãi với Mặt Trời xem ai là kẻ mạnh nhất. Nhìn xuống mặt đất, thấy một khách bộ hành khoác chiếc áo tơi đang đi, Mặt Trời bảo: "Chẳng cần cãi nhau làm gì, hễ ai làm cho người khách bộ hành kia phải cởi chiếc áo ra sẽ thắng cuộc và là kẻ mạnh nhất!"

Thần Gió bắt đầu dương oai, thổi làm cát bụi bốc lên mù mịt, cây cối đổ rạp. Những cơn cuồng phong liên tiếp nổi lên, kèm với cái lạnh buốt da, buốt thịt. Tuy nhiên, gió càng lớn chừng nào thì người bộ hành càng cố giữ chặt chiếc áo tơi của mình, làm cho Thần Gió không cách nào lột được chiếc áo kia ra. 

Đến phiên Mặt Trời, từ trong đám mây đen, Mặt Trời từ từ ló dạng. Những tia nắng vàng tỏa ra khắp nơi, làm người bộ hành cảm thấy ấm áp, thoải mái. Mặt Trời càng lúc càng nóng ấm. Thế rồi người bộ hành tự động cởi bỏ chiếc áo tơi vô dụng kia ra.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

SỰ RA ĐI CỦA ESHUN

Khi Eshun, thiền sư ni, đã ngoài sáu mươi tuổi và sắp lìa cõi dương gian này, bà bảo một vài sư chất củi thành đống ở trong sân.

Đích thân ngồi vững vàng ngay giữa giàn hỏa táng, bà ra lệnh châm lửa ở xung quanh giàn.

"Sư bà ơi!" một sư kêu lớn lên, "trong đó có nóng không?"

"Chuyện như thế chỉ có kẻ ngu xuẩn như ngươi mới quan tâm đến mà thôi," Eshun trả lời.

Ngọn lửa bốc lên cao, và bà qua đời.

Những Điển Tích Hay - Chắp cánh, liền cành

Chắp cánh, liền cành

"Chắp cánh, liền cành" tức là "Chim chắp cánh, cây liền cành".
Cũng đoạn lời của Kiều khuyên Kim Trọng, có câu:

Mây mưa đánh đổ đá vàng
Quá chiều nên đã chán chường yến oanh
Trong khi chắp cánh liền cành
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên
(câu 513 đến 516)

            "Chắp cánh liền cành" nguyên Hán văn là "Tỷ dực điểu" và "Liêm lý chi" (chim chắp cánh cùng bay; cây kết liền cành nhau cùng sống)

            Sách "Nhĩ nhã" chép": chim Kiêm giống chim le le, lông màu xanh, chỉ có một cánh và một mắt, ở phương Nam. Mỗi khi muốn bay thì hai con cùng chắp cánh nhau mới bay được. 
            Chim này gọi là tỷ dực điểu, cũng gọi là Kiêm Kiêm.
Cây liền cành là cành của hai cây giao nhau.

Nguyên đời Chiến Quốc (479-221 trước D.L.) vua nước Tống tên Yển vốn người hiếu sắc, dâm bạo. Một hôm đến chơi ở gò Phong Phụ, bắt gặp một phụ nữ hái dâu rất đẹp. Vua dọ hỏi biết là vợ của nho sĩ Hàn Phùng, người họ Tức. Vua liền cho đòi Hàn, bảo đem vợ lại hiến mình. Hàn sợ uy quyền, về thuật cho vợ nghe và khóc hỏi có bằng lòng không? Tức Thị làm thơ để tỏ ý mình:

Núi nam có con chim
Núi bắc giăng lưới bắt.
Chim mặc sức bay cao,
Lưới kia đành quăng vất.

Vua Tống say mê sắc đẹp của nàng, theo đuổi không thôi. Liền sai người đến tận nhà Hàn, cướp lấy người ngọc. Hàn thấy vợ bị bắt đưa lên xe đi, lòng như dao cắt, biết không phương giải cứu, kiếp này khó họp, đau đớn quá mà tự tử.

Vua Tống đem Tức Thị lên đài Thanh Lăng, cưỡng bách, bảo nàng:

- Ta đây là vua một nước, có đủ uy quyền sinh sát trong tay. Muốn phúc, ta cho phúc. Muốn họa, ta cho họa. Phương chi chồng nàng đã chết, nàng còn ở với ai. Nếu bằng thờ quả nhân, cùng tay bắt mặt kề thì sẽ được phong hoàng hậu.

Tức Thị nổi giận làm thơ tỏ ý mình:
Chim có trống mái,
Chẳng theo phượng hoàng.
Thiếp là thứ dân,
Chẳng thích Tống Vương.

Vua Tống tức quá, bảo:

- Nàng đến đây rồi, dẫu không muốn thờ ta cũng không thể được.

Tức Thị thấy thế cùng, nói:

- Để thiếp tắm gội, thay áo, lạy linh hồn chồng cũ rồi sẽ xin hầu đại vương.

Vua Tống bằng lòng cho.

Tức Thị tắm gội, thay áo xong, ngửa trông lên không, chắp tay vái hai vái rồi từ trên lầu đâm đầu xuống. Vua Tống hoảng hốt, vội níu lại nhưng không kịp, trông nàng đã tắt thở rồi. Khám xem trong mình nàng có một bức thư. Đại ý nói: sau khi chết xin cho đem thi thể cùng chôn một mộ với chồng, dưới suối vàng sẽ đội ân sâu.

Vua Tống cả giận, cho người chôn riêng một nơi, làm hai mộ cách xa nhau. Được ba hôm, bỗng một đêm có giống cây Văn Tử mọc ở cạnh hai ngôi mộ. Chỉ trong tuần nhật, cây ấy dài hơn ba thước, những cành quấn quít lấy nhau như một. Thỉnh thoảng có một đôi chim uyên ương đậu ở trên cành, giao đầu kêu nhau một giọng bi thương. Người trong xóm thương xót, cho đó là oan hồn của vợ chồng Hàn Phùng hóa sinh; và gọi thứ cây ấy là "Cây tương tư".

Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du có câu:

Trong khi chắp cánh liền cành,
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.
"Chắp cánh liền cành" ý nói: vợ chồng gắn bó.
Trong "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn, có câu:
An đắc tại thiên vị tỷ dực điểu,
Tại địa vị liên lý chi.
Bà Đoàn Thị Điểm diễn nôm:
Thiếp xin về kiếp sau này,
Như chim liền cánh, như cây liền cành.

Trong "Trường hận ca" của Bạch Cư Dị đời nhà Đường bên Tàu, đoạn thuật lời thề giữa đêm thất tịch của Đường Minh Hoàng cùng Dương Quí Phi tại điện Trường Sinh, có câu:

Tại thiên nguyệt tác tỷ dực điểu,
Tại địa nguyện vi liên lý chi.
Nghĩa là:
Trên trời nguyện hóa chim liền cánh,
Dưới đất làm cây nhánh dính liền

để nói ý: vợ chồng gắn bó chung thủy đời đời, không bao giờ xa rời nhau.

Chuyện cười trong ngày

Gọi từ đâu?

Buổi sáng ở văn phòng, một doanh nhân mở báo ra đọc và hết sức ngạc nhiên khi thấy đăng cáo phó của mình, vội gọi điện về nhà hỏi vợ:

- Này, em đã đọc báo sáng nay chưa?

- Bà vợ mếu máo: Vâng, em cũng vừa mới biết tin. Nhưng em tưởng ở cõi đấy thì không có điện thoại?!

Saturday, March 26, 2016

Ngày 26-3-2016 - Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Ai mới là người hạnh phúc

Ai mới là người hạnh phúc

Có chú quạ nọ sống trong một khu rừng. Cậu ta vẫn luôn hài lòng với cuộc sống của mình cho tới ngày mà cậu nhìn thấy một con thiên nga. “Thiên nga trắng quá!”, quạ nghĩ, “còn mình… đen thui thủi. Hẳn thiên nga chính là con chim hạnh phúc nhất trên thế giới này rồi.”

Quạ bày tỏ nỗi lòng của mình với thiên nga. “Thật ra thì…”, thiên nga đáp, “Tôi cũng từng cảm thấy mình chính là con chim hạnh phúc nhất cho tới khi tôi nhìn thấy một chú vẹt, chú ta có những hai màu. Giờ đây tôi nghĩ vẹt mới là con chim hạnh phúc nhất của tạo hóa.” Quạ bèn đến gặp và bày tỏ với vẹt. Vẹt giải thích rằng, “Tôi đã sống một cuộc đời hạnh phúc cho tới khi tôi nhìn thấy công. Tôi chỉ có hai màu, còn công thì có rất nhiều màu sắc.”

Quạ đến tìm gặp công ở sở thú và thấy có đám đông hàng trăm người đang nhìn ngắm công. Sau khi mọi người rời đi, quạ liền tới chỗ công. “Công thân mến”, quạ nói, “Bạn đẹp quá. Mỗi ngày có hàng ngàn người muốn được trông thấy cậu. Còn khi thấy tôi thì họ lập tức xua đuổi. Tôi nghĩ bạn là con chim hạnh phúc nhất hành tinh.”

Công đáp lại, “Tôi luôn nghĩ mình là con chim xinh đẹp nhất, hạnh phúc nhất trên hành tinh này. Những bởi vì tôi đẹp mà bị bắt nhốt vào đây. Tôi đã quan sát sở thú rất kỹ và nhận ra rằng ở đây chỉ có quạ là loài không bị giam giữ. Vì vậy mà mấy ngày qua tôi đã nghĩ, nếu được là quạ, tôi đã có thể tự do rong chơi khắp muôn nơi.”

Đây cũng chính là vấn đề của chúng ta, luôn so sánh mình với người khác rồi trở nên sầu não. Chúng ta quên đi nhưng giá trị của mỗi người – trong đó có bản thân ta. Điều này sẽ dẫn chúng ta vào vòng luẩn quẩn của sự bất hạnh.

Học cách trở nên hạnh phúc là tập trung vào những gì bạn có thay vì những thứ mà bạn không có. Sẽ luôn có một ai đó sở hữu nhiều hoặc it hơn những gì mà bạn có.

Về một khía cạnh nào đó thì người hài lòng với những gì mà mình có là người hạnh phúc nhất trên thế giới!

Những chuyện ngụ ngôn hay - Cuộc kiểm nghiệm

Cuộc kiểm nghiệm
Mikhankôp

Có một anh Vẹt sau khi học được vài ba tiếng Người thì lấy làm hãnh diện và tự phụ lắm. Anh ta tuyên bố: 

- Ta biết nói tiếng Người. Từ nay các người sẽ không bao giờ nghe ta nói một lời nào bằng tiếng chim nữa !

- Ồ, ồ ! - Mấy chị chim Chìa Vôi thốt lên – Thông minh làm sao ! Anh ta chỉ nói bằng tiếng Người ! Anh ta khinh rẻ tiếng chim !

- Anh ta biết nói tiếng Người ư? – Bác Quạ già hỏi – Thì đã sao ! Thế càng tốt ! Nhưng như thế không có nghĩa là anh ta thông minh hơn tất cả những kẻ khác. Tôi cũng biết nói tiếng Người nhưng chưa bao giờ tôi cho mình là một nhà thông thái. 

- Thế thì bác nói đi, nói với anh ta bằng tiếng Người đi ! Mấy chị chim Chìa Vôi năn nỉ - Chúng em cam đoan là anh ta chẳng bao giờ nói với bác bằng tiếng chim đâu. Đấy, rồi bác sẽ thấy !

- Nào, để tôi thử xem ! – Bác Quạ nói rồi nhảy sang cành cây, nơi anh Vẹt đang ngồi với vẻ quan trọng. 

- Chào anh Vẹt ! – Bác Quạ cất tiếng chào và tự giới thiệu bằng tiếng Người rất rành rẽ - Tôi là Quạ !

- Vẹt là thằng ngu ! Vẹt là thằng ngu ! – Anh Vẹt cũng đáp lại bằng tiếng Người rất trịnh trọng - Vẹt là thằng ngu !

- Bác nghe thấy chưa ? - Mấy chị Chìa Vôi thán phục reo lên – Anh ta đã làm cho bác tin rồi chứ ? Anh ta nói toàn bằng tiếng Người, bác tin rồi chứ ?

- Vâng, tôi tin ! Và tôi công nhận là anh ta nói rất đúng !

Anh Côi dịch

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

TỤNG KINH

Một người nông dân thỉnh một Thầy thuộc giáo phái Tendai về tụng kinh cho vợ, người vừa mới qua đời. Sau khi tụng kinh đã xong, người nông dân hỏi: "Thầy có nghĩ rằng vợ tôi sẽ được phước vì việc này không?"
"Không những chỉ vợ anh, mà tất cả chúng sinh hữu tình đều được hưởng phước trong việc tụng kinh," Thầy trả lời.

"Nếu thầy nói mọi chúng sinh hữu tình đều được hưởng phước," người nông dân nói, "vợ tôi có lẽ rất yếu đuối và những người khác sẽ dành mất phần của bà ấy, tranh phần phước mà bà ấy đáng lẽ được hưởng. Cho nên xin thầy làm ơn chỉ tụng kinh cho bà ấy thôi."

Vị Thầy giải thích rằng mong ước của một người Phật tử là hồi hướng phước báu và công đức cho tất cả mọi chúng sinh.

"Đó là một lời dạy cao thượng," người nông dân kết luận, "nhưng xin Thầy hãy cho một ngoại lệ. Tôi có một người hàng xóm hắn thô lỗ và xấu ác với tôi. Chỉ xin thầy loại bỏ tên đó ra khỏi thành phần chúng sinh hữu tình kia vậy."

Sự Tích Dân Gian - Đèo Phật Tử

Sự tích đèo Phật tử

(Truyện cổ dân tộc Cao Lan)

Ngày xưa có bốn người đêm ngày đọc kinh niệm phật quyết tu cho thành đạo. Bốn người có bốn họ khác nhau: Hoàng, Trần, Lí, Lắm. Ba người là đàn ông, riêng người họ Lắm là con gái. 

Sau hàng chục năm tụng kinh, niệm phật, ăn chay tu chí trong chùa, họ đều trở thành những tăng ni đắc đạo. Chọn được ngày lành tháng tốt, họ liền cùng nhau tìm đường lên núi Thiên Sơn để hóa Phật. Đường đi Thiên Sơn xa lắc xa lơ, thành thử họ phải đi ròng rã mấy năm trời mới tới nơi. Đến chân núi Thiên Sơn, cả bốn người đều mệt nhọc không sao tả xiết. Nhưng ai cũng nghĩ đã tu thân quyết chí đến được đây mà bỏ cuộc thì uổng quá. Nên dù trời đã gần tối, họ vẫn theo đường mòn để leo lên đỉnh núi. Khi tới đỉnh đèo, đêm đã khuya lắm, trời tối như mực, bụng đói cồn cào, họ kiệt sức, không đi tiếp được nữa. 

Cái đói và mệt nhọc buộc họ phải dừng lại nghỉ nhưng không ai chợp mắt nổi. Bỗng một người trong bọn họ lên tiếng: 

- Bây giờ nếu có một cây gậy ước thì các bậc đàn anh muốn ăn gì nào? 

Mọi người đã quá đói và mệt nên họ không còn giữ gìn nữa, ai thích thứ gì dù những người tu hành phải kiêng, nay cũng nói toạc ra. 

Thoạt tiên người họ Trần nói: 

- Tôi ước được chén một bữa thịt chó, có đủ gia vị, cúc tần, giềng lát, rau mùi, húng chó… 

Người họ Trần đang kể lể thì người họ Hoàng ngắt lời: 

- Tôi mơ ước một bữa thịt trâu. Trâu càng già càng dai, nhai càng đã răng. 

Người họ Lí nói tiếp lời luôn: 

- Tôi chỉ muốn bữa thịt gà luộc có lá chanh. 

Sau cùng ni cô Lắm nói: 

- Tôi chỉ thích một bữa rau luộc cho mát ruột và húp cho đỡ khát thôi. 

Sáng dậy, khi mọi người đang chuẩn bị xuống đèo đi tiếp, thì có một ông già râu róc bạc phơ chống gậy từ chân dốc đi lên, vẻ mệt nhọc nhưng cất giọng sang sảng hỏi: 

- Các người ở đâu đến đây? 

- Thưa cụ! Bầy tăng chúng tôi tìm đường lên núi Thiên Sơn để hóa Phật đấy ạ. Dám mong cụ chỉ đường giúp cho. 

Nghe xong câu trả lời, ông già nói: 

- Được, ta sẽ đưa các người đến núi Thiên Sơn nhưng bây giờ các người hãy nhổ nước bọt xuống lá cây xem đã. 

Nói xong, ông già rút từ trong túi ra bốn cáo lá bồ đề to như nhau, rồi đặt trước mặt cho từng người nhổ vào đất. Bốn người nhổ xong, đều cảm thấy lợm giọng, ruột gan nao nao buồn nôn. Trong nháy mắt cả bốn người đều nôn tống nôn tháo. Quái lạ là đêm hôm qua ai ước ăn gì đều nôn ra thứ đó. Thấy ba người nôn nào là thịt gà, thịt trâu, thịt chó, duy chỉ có ni cô họ Lắm là nôn ra rau xanh. Ông già bèn nói: 

- Chính đây là đỉnh núi Thiên Sơn, các người đã đến cõi Phật rồi. Nhưng nôn ra toàn những thứ kiêng kị thì sao gọi là chân tu được. Các người không thể hóa Phật được đâu. 

Rồi ông già lại chỉ vào ni cô họ Lắm nói: "Người này cứ theo đỉnh chóp mà lên, chớ đi xuống, sắp tới nơi rồi."

Ni cô họ Lắm theo đường mà lên, rồi hóa thành Phật Bà Quan Âm. Phật Bà có nhiều phép lạ để trị bọn âm binh quấy nhiễu, giữ gìn phúc lành cho muôn dân. Ngày nay họ Lắm thờ phật Quan Âm trong nhà và mỗi khi Tết đến cúng Phật Bà, đều phải có một bát canh rau. 

Còn ba người kia xấu hổ vì không được hóa Phật lại mất bao công sức tu thân, nên buồn rầu mà chết ở giữa đỉnh đèo. Họ chết ơ nơi hoang vắng đó, chẳng ai hay mà chôn cất, nên sau này người đời truyền nhau khi đi qua đèp đều phải mang theo nắm đất hay hòn đá ném vào chỗ đó để đắp thành mộ. Chỗ đất ấy người ta gọi là mộ "Phật". Từ đó mộ "Phật" ngày một lên cao và tên đèo được đổi thành đèo Phật tử.

Chuyện cười trong ngày

Kịch bản bóng đá

Bố là dân điện ảnh đưa con trai nhỏ đi xem bóng đá. Người cha vui vẻ giảng giải cho con:

- Trong bóng đá, con có thể coi khán giả là người xem phim, huấn luyện viên là đạo diễn, còn các cầu thủ là diễn viên.

- Thế ai là người viết kịch bản hả bố?

- Ừm... là giới cá cược con ạ!

Friday, March 25, 2016

Ngày 25-3-2016 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Định kiến

ĐỊNH KIẾN

Hãy bắt đầu một ngày mới không định kiến
Tôi xin bắt đầu bài viết bằng một câu chuyện cười, mà nhiều người chắc cũng biết.

Có một thanh niên mắc bệnh sợ gà, cứ trông thấy gà là chạy.

Hỏi tại sao thì anh ta trả lời: "Con gà nó nghĩ tôi là con giun, nên phải chạy ngay không nó mổ chết".

Gia đình đưa anh ta đến bệnh viện tâm thần để chữa trị. Hàng ngày, ngoài việc uống thuốc, anh phải học thuộc lòng câu "tôi không phải là giun, nên tôi chẳng việc gì phải sợ gà".

Sau ba tháng chữa trị, bác sĩ làm bài kiểm tra:

- Anh có phải là giun không?

- Tôi không phải là giun.

- Anh có còn sợ gà không?

- Tôi không phải là giun, nên tôi chẳng việc gì phải sợ gà.

Thấy không còn triệu chứng gì bất thường, bác sĩ cho anh ra viện.

Vừa ra tới cổng bênh viện, nhìn thấy một con gà, anh ta vẫn sợ hãi, chạy bán sống bán chết. Mọi người xúm vào hỏi:

- Anh có phải là giun đâu mà sợ gà?

Anh ta trả lời:

- Đúng thế. Nhưng ba tháng qua chỉ có mình tôi được học, nên chỉ mình tôi biết, tôi không phải là giun. Chứ con gà có được học hành gì đâu. Nhỡ nó vẫn tưởng tôi là giun thì sao?

Bài học ở đây rất thú vị.

Ví dụ, ban đầu bạn là một nhân viên yếu kém. Đối với sếp, bạn chỉ là một con giun. Rồi sau đó bạn cố gắng học tập, rèn luyện và trở thành một con người khác. Nhưng đối với sếp, có thể bạn vẫn chỉ là một con giun, vì ông ta không biết bạn đã thay đổi. Lúc này bạn chỉ có một trong hai lựa chọn: hoặc tìm cách làm cho sếp biết mình không còn là "con giun" nữa mà đã tiến bộ rất nhiều (việc này tuyệt nhiên là rất khó), hoặc tìm chỗ làm mới.

Nhiều lãnh đạo, khi đánh giá nhân viên trong một kỳ mới, thường bị chi phối bởi những định kiến có sẵn từ kết quả đánh giá của các kỳ trước. Vì thế, những nhân viên bị sếp có ấn tượng xấu, mãi mãi bất lợi.

Thỉnh thoảng chúng ta cũng có dịp gặp lại bạn bè thời học phổ thông. Ngày xưa ai học giỏi bây giờ vẫn được tôn trọng, ai học kém vẫn tiếp tục bị coi thường. Mấy chục năm xa cách, mọi người đều thay đổi rất nhiều, nhưng cái định kiến về thứ hạng vẫn giữ nguyên!

Sống lâu sẽ có nhiều kinh nghiệm. Kinh nghiệm nói chung là tốt, nhưng nó cũng hình thành trong ta vô số định kiến, khiến cho ta không nhìn được cái mới. Chúng ta sẽ không tin thiên nga lại có thể mầu đen, vì quen nhìn thấy thiên nga mầu trắng. Một thí sinh vẽ tranh thủy mạc, vẽ cây trúc mầu đỏ. Các giám khảo bĩu môi hỏi "làm gì có trúc mầu đỏ"? Nhưng nếu thí sinh này vẽ trúc mầu đen thì lại bình thường, mặc dù cũng không có cây trúc nào mầu đen. Chẳng qua, các bức tranh thủy mạc từ xưa tới nay luôn vẽ trúc mầu đen.

Định kiến là thứ rất khó tẩy khỏi não. Trong hồi ký của mình, Nelson Madela thú nhận: "Một lần lên máy bay, nhìn thấy phi công là người da đen, tôi đã rất lo lắng và cảm giác lo lắng đó kéo dài cho đến hết chuyến bay. Sau đó tôi đã rất xấu hổ, vì bản thân mình cũng là người da đen, cả cuộc đời đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, nhưng lại không tin nổi một người da đen có thể lái máy bay an toàn".

Để giảm bớt tác hại của định kiến, chúng ta phải hết sức cảnh giác với những kinh nghiệm của chính mình, đồng thời phải nhận thức được sự vận động liên tục của vạn vật: cái gì cũng có thể tốt lên hoặc xấu đi. Ngày xưa có câu: ba ngày không gặp nhau, gặp lại sẽ là người khác.

Hãy bắt đầu một ngày mới không định kiến. Nếu bạn là lãnh đạo thì điều này càng quan trọng, bởi vì, định kiến của lãnh đạo chính là sự cản trở lớn nhất đối với sự phát triển nhân viên.

Hoàng Minh Châu

(Theo tumblr cuongdc)

Những chuyện ngụ ngôn hay - những ngón tay

Những ngón tay

Một hôm, những ngón tay tranh luận với nhau xem những ngón nào là quan trọng hơn cả. Thoạt tiên, ngón tay giữa nói:

- Tôi chiếm vị trí trung tâm của bàn tay, không có tôi thì bàn tay chẳng ra bàn tay nữa.

Các ngón khác đều cãi rằng:

- Tuy cậu ở vị trí trung tâm và cao hơn tất cả nhưng chỉ ngồi đó cho có vị thôi, chứ có giúp được việc gì cho bàn tay để cầm nắm đâu!

Ngón tay đeo nhẫn vênh mặt nói một cách tự hào rằng hắn đóng vai trò quan trọng nhất: chính hắn là người mang dấu hiệu tượng trưng cho sự trưởng thành của chủ, tức là đeo nhẫn cưới.

Nhưng các ngón tay khác đều cười và nhận xét rằng:

- Thà cậu im đi còn hơn. Chiếc nhẫn cưới ấy ông chủ cất trong túi nhiều hơn, cốt để các cô gái trẻ tưởng ông ấy chưa lập gia đình, chứ có đeo đâu. Ngoài ra cậu có làm được việc gì khác đâu?

- Quan trọng nhất vẫn là tôi! – Ngón tay trỏ nói – Ai là người chỉ đường? Ai là người vạch ra những thiếu sót của cơ quan? Chính là tôi. Thử nghe ông chủ thường nói: Các bạn, nguyên nhân sự chậm tiến của chúng ta chính là ở đây..., mọi người đều sợ tôi trỏ vì không ai muốn mình là nguyên nhân chậm tiến của cả tập thể.

- Bạn nhầm rồi, bạn thân mến ạ - Ngón tay cái phản đối – không phải chỉ mình bạn biết chỉ. Tôi cũng chỉ, nhưng chỉ một cách khéo léo, tế nhị hơn cơ. Tôi không chỉ thẳng vào người ta mà lại chỉ qua bên phải, qua sau lưng, nhưng vẫn trúng thủ phạm như thường. Hơn nữa, trong một số trường hợp, khi muốn thoái thác trách nhiệm, tôi giúp ông chủ chỉ cho khách sang cửa khác, gặp người khác mà cầu xin, phản đối...

Từ nãy chỉ có ngón tay út im lặng. Vả lại, nó còn biết khoe khoang gì nữa: nó vốn là ngón tay bé nhất. Nhưng...

- Kìa, tại sao chú út không nói gì? - Những ngón tay khác hỏi.

- Em cũng biết chỉ đấy chứ. Vì em vốn nhỏ bé cho nên trong những lúc ông chủ cần tự phê bình, ông ấy dùng em chỉ vào ngực mình thì chẳng ai trông thấy cả. Ngoài ra, em còn được việc trong những khi cần móc ngoặc: nếu thỏa thuận với ai, chỉ cần nói xong ngay. Thế là cả hai người đều chìa em ra móc với nhau. Nhiều khi được việc ra phết đấy!

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Trận Đấu Trà 

Một thiền trà sư trong xã hội cổ xưa Nhật Bản một lần tình cờ khinh thường một người chiến sĩ. Ông vội vã xin lỗi, nhưng thay vì gây gỗ thì người chiến sĩ yêu cầu vị thiền sư sắp đặt một buổi đọ kiếm tay đôi. Vị thiền sư trà không có kinh nghiệm về đấu kiếm, ông đã xin ý kiến người bạn là một thiền Sư người có sự tinh xảo về kiếm thuật. Trong lúc được người bạn tiếp đãi, vị Thiền Sư kiếm sĩ không thể giúp đỡ nhưng đã nhận xét là như thế nào mà vị thiền trà sư thực hiện kỷ xảo với sự tập trung hoàn hảo và yên tĩnh.

"Ngày mai," vị Thiền Sư kiếm sĩ nói, "khi bạn đấu với người chiến sĩ, hãy giữ vũ khí trên đầu bạn, như là sẵn sàng để tấn công, và nhìn ông ta với sự tập trung và yên tĩnh giống như khi bạn thực hiện thiền trà."

Ngày hôm sau, tại thời điểm và địa điểm cho cuộc đấu, vị thiền trà sư đã làm theo lời khuyên. Người chiến sĩ, đã sẵn sàng để tấn công, nhìn chăm chăm rất lâu vào gương mặt tập trung hoàn toàn nhưng điềm tỉnh của vị thiền sư trà. Cuối cùng, người chiến sĩ hạ cây kiếm của mình xuống, tạ lỗi cho tính cao mạn của mình, và rời khỏi không gây chiến nữa.

Những Điển Tích Hay - Diệp Công hiếu long

Diệp Công hiếu long

Thời Xuân Thu, có một người nước Sở tên là Thẩm Gia Lương, tự Tử Cao, Huyện doãn Diệp Địa, do đó tự xưng là Diệp Công, nhưng mọi người đều g̣ọi ông là "Diệp Công Tử Cao". 

Việc Diệp Công say mê rồng đã đồn đại khắp nơi, ngoài chuôi kiếm mà ông thường ngày vẫn đeo có khắc hình rồng, mà ngay đến cột xà trong nhà ông đều điêu khắc hình rồng, trên tường nhà cũng có vẽ hình rồng, Thiên Long trên thượng giới biết được việc này vô cùng cảm động, bèn quyết định xuống trần gian một chuyến để cảm ơn Diệp Công. 

Một hôm, khi Diệp Công đang ngủ trưa trong nhà, thì trời bỗng mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đùng. Diệp Công giật mình tỉnh giấc, ông vội vàng chạy ra đóng cửa sổ, thì bỗng thấy đầu Thiên Long thò vào cửa sổ, khiến ông sợ mất vía, khi ông quay người chạy vào trong nhà thì lại nhìn thấy một cái đuôi rồng to tướng vắt ngang trước mặt. Diệp Công không biết chạy đâu cho thoát, kinh khiếp đến nỗi mặt mày tái mét, chân tay bủn rủn, rồi ngã vật xuống không còn biết trời đất gì nữa, Thiên Long thấy Diệp Công ngất đi, thì chẳng hiểu ra làm sao, liền cụt hứng bay về thiên giới. 

Kỳ thực, Diệp Công là người không thực lòng say mê rồng, mà chỉ ưa thích những thứ như rồng nhưng lại không phải là rồng. Nên ngụ ý của câu thành ngữ này, là có ý châm biếm những kẻ bề ngoài thì tỏ ra rất say mê một sự vật nào đó, nhưng không thực lòng