CỎ THƠM HOA RỤNG
Đại sư Chiêu Hiền ở Lộc Uyển, Trường Sa thừa kế Pháp của Nam Tuyền, là người đồng thời với Triệu Châu và Tử Hồ. Cơ phong sư nhanh bén.
Ai hỏi kinh, lấy kinh đáp; ai muốn kệ, liền cho kệ. Nếu ông muốn cùng lão thông gặp nhau, liền dùng lão thông gặp nhau.
Ngưỡng Sơn thường được coi là thuộc hàng cơ phong bậc nhất. Một hôm sư với Trường Sa cùng nhau ngắm trăng, Ngưỡng Sơn chỉ mặt trăng, nói:
- Mọi người đều có cái này, chỉ là dùng chẳng được.
Trường Sa nói:
- Đúng vậy, ông dùng được chăng?
Ngưỡng Sơn nói:
- Sư thúc thử dùng xem.
Trường Sa liền cho Ngưỡng Sơn một đạp té nhào. Ngưỡng bò dậy nói:
-Tôn thúc giống như con cọp.
Do đó, người sau gọi Trường Sa là “Sầm Con Cọp.”
Một hôm, Trường Sa đi dạo núi về đến cổng chùa, vị tăng thủ tọa, cũng là người trong hội chúng Trường Sa, hỏi:
- Hòa thượng đi đâu về vậy?
Trường Sa đáp:
- Đi dạo núi về.
Thủ tọa hỏi tiếp:
- Hòa thượng đã đến chỗ nào về?
Trường Sa đáp:
- Trước theo cỏ thơm đến, sau theo hoa rụng về.
Thủ tọa nói:
- Rất giống ý xuân.
Trường Sa nói:
- Còn hơn cả sương thu trên hoa sen.
(Bích Nham Lục)
No comments:
Post a Comment