Monday, April 6, 2015

Cổ Học Tinh Hoa - Hai phải

Hai phải

Lý sự là cái nguồn bắt phải, bắt trái đều được cả. Cho nên Đặng Tích mới có chốn xúi bẩy được cả đôi bên kiện tụng lẫn nhau mà ngấm ngầm lấy lợi cho mình. Thế tức là cái chủ nghĩa “hai phải” ngụy biện, rất hại cho dân gian ngu dại mà lại hay kiện tụng.

Sông Vĩ(1) nước lên to. Một nhà giàu không may có người chết đuối. Có kẻ vớt được xác.

Người nhà giàu xin chuộc, kẻ ấy đòi nhiều tiền. Người nhà giàu đem câu chuyện thưa với Đặng Tích(2).

Đặng Tích bảo:

- Cứ để yên. Nó còn bán cái xác cho ai được mà sợ?

Kẻ vớt được xác, thấy nhà kia không hỏi nữa lấy làm lo, cũng đem câu chuyện thưa với Đặng Tích. Đặng Tích bảo:

- Cứ để yên. Nó còn mua cái xác ấy của ai được mà sợ?

Lã Thị Xuân Thu

LỜI BÀN:

 Cứ như người giảng giải việc nói trong bài này cho phải đạo lý, thì một bên, nên khuyên người nhà giàu liệu trả kẻ vớt được xác thêm ít nhiều tiền, mà lấy ngay xác về, còn một bên, nên dụ kẻ vớt được xác chớ có coi sự chẳng may của người ta làm một món bổng, mà bắt bí người ta. Giữ cái xác, không cho chuộc, chẳng những không được tiền, mà lại còn phải tội nữa. Nhưng khốn thay! Lý sự là cái nguồn bắt phải, bắt trái đều được cả. Cho nên Đặng Tích mới có chốn xúi bẩy được cả đôi bên kiện  tụng lẫn nhau mà ngấm ngầm lấy lợi cho mình. Thế tức là cái chủ nghĩa “hai phải” ngụy biện, rất hại cho dân gian ngu dại mà lại hay kiện tụng. Biện bác mà không đáng lý tức là giả dối, khôn ngoan mà không đáng lý, tức là gian trá, những kẻ ấy phải trừng phạt thì mới yên dân, lợi nước được. Người trị dân tưởng phải thấu cái tình, để xét cái lý, mới là người trị dân sáng suốt vậy.

Thích nghĩa

(1) Tên sông, chảy ở địa phận Hà Nam (Trung Quốc)

(2) Quan đại phu nước Trịnh thời Xuân Thu, một nhà luật pháp giỏi

No comments:

Post a Comment