TÂM NÓNG GIẬN CHÍNH LÀ LIỀU THUỐC ĐỘC GIẾT CHÍNH BẢN THÂN MÌNH
Nuôi sự tức giận trong tâm hồn giống như việc bạn tự uống thuốc độc giết chết chính bản thân mình.
Hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây
Một bà cụ có tính tình cau có, thường xuyên nổi giận vì những sự việc nhỏ nhặt, hơn nữa, mỗi khi tức giận hay dùng lời lẽ ác độc, vô tình đã làm tổn thương nhiều người, vì thế bà ta giao tiếp với hàng xóm bạn bè đều không được hài hòa.
Bà ta cũng biết khuyết điểm của mình, mong muốn sửa lại lỗi lầm thành tật này. Nhưng mỗi khi tức lên thì chính bà ta cũng không thể khống chế được tâm mình.
Một hôm, một người đã nói với bà : “Chùa gần đây có một vị thiền sư, cũng là vị cao tăng, tại sao bà không đến xin lời chỉ dạy, biết đâu thiền sư có thể giúp được cho bà.”
Bà ta cũng cảm thấy có lý, đã đến tham vấn với thiền sư.
Khi bà ta thổ lộ tâm trạng của mình, bà ta có thái độ rất thành khẩn, rất mong muốn có được một vài lời khai thị từ vị thiền sư đó. Vị thiền sư im lặng nghe bà kể lể, chờ cho bà ấy nói hết, mới dẫn bà ta vào một thiền phòng, sau đó khóa cửa thiền phòng và rời khỏi đó.
Bà ta một lòng muốn có được lời chỉ dạy của thiền sư, nhưng không ngờ thiền sư đã nhốt bà ta vào trong một thiền phòng vừa lạnh vừa u tối. Bà ta tức tối hét lên, cũng như ngày thường, bà ta buông những lời nhục mạ quái ác. Nhưng cho dù bà ta có la hét cách nào, nhưng ở ngoài vẫn im lặng, thiền sư hình như không nghe thấy lời nào.
Khi không còn chịu đựng được nữa, thì bà ta thay đổi thái độ cầu xin thiền sư thả mình ra, nhưng thiền sư vẫn không động lòng thay đổi cách hành xử của mình, vẫn mặc kệ bà ta tiếp tục nói gì thì nói.
Qua một hồi rất lâu, cuối cùng trong thiền phòng cũng không còn tiếng la hét hay nói năng của bà ta nữa, thì lúc này, phía ngoài thiền phòng mới có tiếng nói của thiền sư hỏi : “Bà còn giận không ?”
Thế là bà ta giận dữ trả lời : “Tôi chỉ giận tôi, tôi hối hận sao phải nghe lời người khác, tìm đến cái nơi quỷ quái này để xin ý kiến của ngươi.”
Thiền sư ôn tồn nói : “Kể cả chính mình bà cũng không chịu buông tha, thì bà làm sao có thể tha lỗi cho người khác chứ ?” Nói xong thiền sư lại im lặng.
Sau một thời gian im lặng, thiền sư lại hỏi : “Bà còn giận không ?”
Bà ta trả lời : “Hết giận rồi !”
“Tại sao hết giận !”
“Tôi giận thì có ích gì? Không phải vẫn bị ông nhốt tôi trong cái phòng vừa u tối vừa lạnh lẽo này hay sao ?”
Thiền sư nói với vẻ lo lắng : “Bà xử sự kiểu này càng đáng sợ hơn đấy, bà đã đè nén cơn tức giận của mình vào một chỗ, một khi nó bộc phát ra thì càng mãnh liệt hơn.” Nói xong, thiền sư lại quay đi.
Lần thứ 3 thiền sư quay lại hỏi bà ta, bà ta trả lời : “Tôi không giận nữa, ông không xứng đáng để tôi giận !”
Thiền sư nói : “Cái gốc tức giận của bà vẫn còn, bà cần phải thoáng ra khỏi vòng xoáy của tức giận trước đã.”
Sau một hồ lâu, bà ta đã chủ động hỏi thiền sư : “Bạch thiền sư, ngài có thể nói cho con biết tức giận là cái gì không ?”
Thiền sư bước vào, vẫn không nói chuyện, chỉ có động tác như vô tình đổ đi ly nước trong cái ly trên tay.
Lúc này thì bà ta hình như đã hiểu.
Thì ra mình không bực tức, thì làm gì có tức tối giận hờn? Tâm địa trống không, không có một vật gì, thì làm gì có tức tối?
Trong lòng không có bực tức, thì làm sao có cơn giận?
Thật ra tức tối không những tự làm cho mình khổ đau, và những người xung quanh cũng theo đó mà buồn lòng. Lúc tức tối tức giận, không gì ngăn cản cái miệng, buông lời quái ác, một số lời lẽ trong đó có thể làm đau lòng người nghe, thậm chí có cả những người yêu thương quan tâm mình.
”Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”, chỉ một niệm khởi sân mà kết quả là muôn ngàn chướng ngại nẩy sinh.
Thực ra tức giận là cảm xúc mà bất cứ ai cũng từng trải qua.
Tuy nhiên, Phật khuyên mọi người chúng ta không nên nóng giận. Phật không phân biệt nóng giận vì có lý do chính đáng hay không chính đáng, hợp lý hay không hợp lý. Ngài cũng không nói rõ là trong những trường hợp nào thì không nên nóng giận và cũng không bảo chúng ta phải dùng phương cách nào để diệt trừ cơn nóng giận.
Điều làm Ngài quan tâm là trạng thái tinh thần của con người khi nóng giận. Ngài biết rằng lúc nóng giận thì con người không còn đủ bình tĩnh để kiểm soát hành vi và ngôn ngữ của mình.
Phật khuyên vắn tắt là Không Nên Nóng Giận dầu rằng bộc lộ cử chỉ phẫn nộ nhiều khi có thể làm dịu bớt sự bực bội trong lòng, nhưng chung quy nóng giận sẽ đem lại phiền não cho người giận cũng như cho người bị giận.
Phật nói : “Hãy từ bỏ nóng giận thì phiền não sẽ không đến với các người”.
Mục tiêu chính yếu của Giáo lý Đạo Phật là “Diệt trừ phiền não và mọi khổ đau” nên Phật đã lưu ý đến việc khuyên chúng sinh từ bỏ nóng giận, vì đó là nguyên do tạo ra phiền não.
Không giận hờn là giữ được bình tĩnh trước những cảnh trái ý nghịch lòng. Giận hờn là tính xấu tai hại chẳng khác ngọn lửa tàn bạo, đốt cháy cả người giận lẫn những người chung quanh.
Kinh Hoa Nghiêm có nói : “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”, là “Một ý niệm giận hờn nổi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra”.
Và tiếp theo còn nói “Nhất sân chi hoả, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn” là “Lửa giận hờn một khi đã phát ra, có thể đốt cháy và làm tiêu tan muôn mẫu núi rừng công đức”.
Khổng giáo cũng nói “Nhẫn nhất thời chi khí, miễn bá nhật chi ưu” nghĩa là “Dằn cơn giận trong một lúc thì khỏi ưu phiền cả trăm ngày”.
Bao nhiêu phiền não xảy đến đều do ta chẳng biết dằn cơn giận mà ra. Phật khuyên ta nên lấy lòng từ bi và tính ôn hoà để thắng phẫn nộ. Đồng thời ta còn phải thận trọng lời nói, giữ gìn ngôn ngữ cho nhẹ nhàng, đúng đắn và không bao giờ nên thốt ra những lời nặng nề thô lỗ làm đau lòng người khác.
Điều khó nhất là diệt trừ phẫn nộ ngay từ trong tâm. Khi tâm ta không còn nghĩ đến giận hờn thì tự nhiên cơn phẫn nộ sẽ không bộc phát. Và khi tập được tánh không giận hờn thì ta có được đức tính nhẫn nhục cao quý. Ta sẽ dùng tình thương và lòng bao dung để đáp lại mọi trường hợp mà người phàm tục cho là đáng giận, trong những lúc họ tranh giành phải trái hơn thua với nhau.
SƯU TẦM
No comments:
Post a Comment