Sunday, October 9, 2022

Cổ Học Tinh Hoa - Người thất tín sẽ không còn chỗ đứng trên thế gian này

 Cổ nhân: Người thất tín sẽ không còn chỗ đứng trên thế gian này

Cổ nhân coi chữ tín giống như sinh mệnh thứ hai của mình. Họ giảng rằng, lời nói ra phải có sự tin tưởng tuyệt đối. Một khi đã phụ tín nghĩa, người ta cảm thấy những năm tháng cuộc đời về sau là không còn ý nghĩa gì nữa.

1. Bảo kiếm của Quý Trát

Thời Xuân Thu, có một người tên Quý Trát, là con út của vua Ngô vương Thọ Mộng. Một lần, Quý Trát đại diện cho nước Ngô đi sứ đến nước Lỗ, trên đường đi có ngang qua nước Từ. Vua nước Từ là người hiếu khách, liền tổ chức yến tiệc để chiêu đãi Quý Trát.

Trong khi dùng bữa, vua Từ thường nhìn chằm chằm vào thanh bảo kiếm mà Quý Trát đeo trên người, mấy lần muốn nói nhưng lại không tiện mở miệng.

Quý Trát là người thông minh nên chỉ liếc mắt đã hiểu thấu lòng vua Từ, định tặng lại thanh bảo kiếm cho vua nước Từ. Nhưng dựa theo lễ nghi mà nói, khi đi sứ nước khác cần phải đeo bảo kiếm, đây là một sự tôn trọng cũng là lễ tiết. Vậy nên, Quý Trát đã tự hứa trong lòng mình rằng: “Đợi khi đi nước Lỗ trở về, nhất định ta sẽ tặng lại thanh bảo kiếm này cho vua Từ”.

Sau hơn 1 năm ở nước Lỗ, Quý Trát bắt đầu trở về nước và cũng không quên lời hứa tặng lại thanh bảo kiếm cho vua nước Từ. Đáng tiếc là khi trở lại Từ quốc, thì vua nước Từ đã qua đời. Quý Trát liền đem thanh bảo kiếm treo lên cây chỗ mộ của vua Từ.

Đoàn người tùy tùng đi theo ông vội ngăn cản và nói: “Chủ nhân, thanh bảo kiếm là quốc bảo của nước Ngô, sao có thể tùy tiện đem tặng cho người khác? Huống hồ, ngài cũng chưa từng hứa sẽ tặng cho ông ta, mà cho dù có hứa tặng, thì bây giờ vua Từ cũng đã qua đời, cũng đâu cần phải treo kiếm ở lại đây chứ?”

Quý Trát nghe vậy liền trả lời: “Lần trước trong lúc nói chuyện cùng với vua Từ, ta không tặng bảo kiếm cho ngài là vì ta còn phải có nhiệm vụ đi sứ nước Lỗ. Nhưng trong lòng ta sớm đã hứa sẽ tặng nó cho vua Từ rồi.

Đã hứa rồi, sao có thể vì vua Từ đã mất mà lừa gạt lương tâm của mình đây? Hơn nữa, ta là công tử và sứ giả của nước Lỗ mà lại không coi trọng chữ tín, nếu như điều này truyền đi thì đâu còn mặt mũi nào mà đối mặt với mọi người? Người khác sẽ nhìn chúng ta như thế nào?”

Hành động này của ông khiến thần dân nước Từ ai ai cũng ngợi ca, họ còn sáng tác một ca khúc để ca tụng về ông. Cũng từ đó câu chuyện “Quý Trát treo kiếm” được lưu truyền cho đến thời nay.


No comments:

Post a Comment