Trí tuệ của Lão Tử: Cứng cỏi thì chết, mềm mại mới sống…
Lão Tử (600 – 500 TCN) là nhà tư tưởng, người sáng lập Đạo giáo thời Xuân Thu. Ông thường dùng “Đạo” để giải thích về sự phát triển biến hóa của vạn vật trong vũ trụ, đồng thời ông cũng truyền đạt lại rất nhiều triết lý nhân sinh cho con người.
Truyền thuyết về Lão Tử
“Lão Tử” tên thật là Lý Nhĩ, tự Bá Dương, là người sáng lập Đạo giáo, đồng thời là tác giả cuốn “Đạo Đức Kinh”, một tác phẩm kinh điển truyền đời. Liên quan tới cuộc đời Lão Tử cho tới nay dân gian vẫn lưu truyền hai câu chuyện, thứ nhất là khi ông xuất sinh và thứ hai là khi ông cưỡi trâu xanh qua Hàm Cốc quan.
Trước tiên là câu chuyện ly kỳ khi Lão Tử xuất sinh. Theo các cổ thư của Đạo giáo, Lão Tử đã có mặt từ thời viễn cổ rất xa xưa, trải qua nhiều lần của “chu kỳ tám mươi mốt vạn năm” (81000 năm), sau mới giáng sinh vào nhà bà Huyền Diệu Ngọc Nữ.
Tương truyền rằng, khi mẹ Lão Tử đang giặt quần áo bên bờ sông thì bỗng nhìn thấy một quả mận trôi bồng bềnh trước mặt. Lúc đó bà rất khát nước nên đã vớt quả mận lên ăn, sau đó thì mang thai. Bà mang thai suốt 81 năm, vào giờ Mão ngày rằm tháng Hai, Lão Tử được sinh ra tại nước Sở.
Lão Tử ra đời dưới gốc một cây mận (trong tiếng Hán, chữ “mận” và chữ “Lý” là đồng âm), vừa sinh ra đã biết nói, chỉ cây mận mà bảo rằng: “Lý, chính là họ của ta đó”. Cũng bởi tai của Lão Tử khi sinh ra khá to nên được gọi là Lý Nhĩ. Vì nằm trong bụng mẹ quá lâu nên từ lúc sinh ra thì đầu tóc của Lý Nhĩ đã bạc phơ, do đó mới gọi là “Lão Tử”. Dần dần tên gọi này nổi tiếng hơn tên thật của ông.
Còn có một cách lý giải khác về cái tên “Lão Tử”. Mọi người đều biết “Lão” là ý gọi người tuổi cao đức trọng, “Tử” là cách gọi bày tỏ lòng tôn kính. Lão Tử được người đời sau tôn xưng như vậy cũng bởi tầm ảnh hưởng của ông với hậu thế, cho tới ngày nay ông vẫn là danh nhân nổi tiếng không chỉ ở riêng Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới.
Vào đời Chu Văn Vương, Lão Tử làm quan giữ kho của nhà vua, đến đời Vũ Vương được thăng chức Trụ Hạ. Về sau, thấy nước Chu ngày càng suy vong nên đến đời Chiêu Vương, Lão Tử đã từ quan về ở ẩn. Lão Tử là nhà tư tưởng lớn cuối thời Xuân Thu, được Đạo giáo tôn làm Tổ Sư khai sáng đạo Lão.
Ở Bắc Lộc núi Chung Nam tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, có đài Lâu Quan nổi tiếng mà dân gian vẫn cho rằng là nơi giảng kinh của Thái Thượng Lão Quân xưa kia. Đài Lâu Quan tọa lạc ở nơi có phong cảnh rất đẹp, dựa lưng vào núi nhìn ra dòng nước, được người đời gọi là“Động thiên phúc địa”. Đây là thánh địa của Đạo giáo, lịch sử kể rằng đài Lâu Quan đã có từ hơn 2.500 năm trước. Đời nhà Chu, vị quan giữ ải tên là Doãn Hỷ ở cửa ải Hàm Cốc đã cho dựng ở đây một cái đài bằng cỏ tranh, gọi là “Thảo Lâu Quán”, để quan sát tinh tú trên trời.
Ngày 1/9/478 TCN, Lão Tử đi về nước Tần. Lúc đi qua cửa ải Hàm Cốc, quan lệnh Doãn Hỷ xem thuật toán đã biết trước là sẽ có một Thần nhân đi qua đây, bèn sai người quét dọn sạch sẽ 40 dặm đường để nghênh đón. Quả nhiên Lão Tử tới.
Doãn Hỷ nói: “Tiên sinh đã muốn ẩn cư, sau này không còn được nghe ngài dạy bảo nữa, kính xin tiên sinh viết sách để truyền lại cho hậu thế”.
Lão Tử tại Trung Nguyên chưa từng truyền thụ lại điều gì. Ông biết Doãn Hỷ trong mệnh đã định là sẽ đắc Đạo, bèn tạm dừng lại nơi này một thời gian ngắn, viết nên cuốn sách nổi tiếng ngàn đời “Đạo Đức Kinh”. Sau đó, Lão Tử ra khỏi cửa Hàm Cốc đi về phía Tây, vượt qua vùng Lưu Sa, cũng là vùng sa mạc lớn ở Tân Cương, không ai biết cuối cùng ông đã đi về đâu.
No comments:
Post a Comment