Sunday, July 31, 2022
Truyện ngắn - Phần thưởng
Phần Thưởng
Vị diễn giã nổi tiếng bắt đầu bài thuyết trình của mình bằng cách giơ lên tờ giấy bạc có mệnh giá lớn trong căn phòng có tới 200 người, ông hỏi: "Ai muốn tờ giấy bạc này ?". Mọi cánh tay đều giơ lên .
Ông nói: "Tôi sẽ cho một trong các bạn tờ giấy bạc này, nhưng trước khi cho để tôi làm điều này đã". Ông ta vò nhàu tờ giấy bạc rồi hỏi: "Ai vẫn còn muốn lấy tời giấy bạc này ?" Tất cả mọi cánh tay vẫn giơ lên .
"Thôi được rồi - ông nói - Để xem thế nào đây nếu tôi làm điều này". Và ông thả tờ bạc rơi xuống đất rồi dùng mũi giày gí nó trên nền nhà . Ông nhặt lên, trông nó dơ bẩn và nhàu nát: "Sao, còn ai muốn tờ bạc này ?". Những cánh tay vẫn giơ lên .
Các bạn thân mến, tất cả các bạn đã học một bài học rất quí giá . Không cần biết tôi đã làm gì với tờ bạc này, các bạn vẫn muốn nó bởi vì giá trị của nó đã không hề giảm đi, mệnh giá của nó không hề thay đổi . Rất nhiều lần trong cuộc sống của mình chúng ta ngã gục, bị tơi tả, bị giẫm đạp tơi bời .
Trong những trường hợp như vậy, chúng ta cứ ngỡ mình thật vô dụng, chẳng ra gì . Nhưng không cần biết bất cứ chuyện gì xảy ra và sẽ xảy ra, chúng ta quyết sẽ không bao giờ đánh mất giá trị của mình .
Đừng bao giờ để những thất vọng của ngày hôm qua che mờ những giấc mơ rực sáng của ngày mai".
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
TIẾNG HÉT CỦA TODEN
Yoriyasu là một samurai tự phụ và hiếu chiến. Vào mùa xuân năm 1314, anh ta được thuyên chuyển từ Kofu đến Kamakura, ở đây anh ta đến viếng Toden, vị sư thứ 45 ở chùa Kiến Trường, để hỏi Thiền.
Sư Toden nói:
- Ấy là trực tiếp biểu hiện Hành Động Vĩ Đại trong trăm mối quan tâm về cuộc sống. Khi nó trung như một samurai, ấy là trung của Thiền. Trung viết theo chữ Hán là kết hợp chữ “trung” và chữ “tâm”, vậy nó có nghĩa ông chủ ở giữa con người. Phải là không phiền não sai lầm. Nhưng hôm nay lão tăng đây nhìn chiến sĩ, có kẻ trung tâm nghiêng về danh và tiền, có kẻ nghiêng về rượu và sắc dục, và có kẻ nghiêng về quyền lực và can đảm. Tất cả bọn họ đều ở trên những cái dốc đó, và không thể có tâm trung. Làm sao họ có thể trung đối với quốc gia? Nếu ông, thưa Ngài, muốn tu Thiền, trước hết hãy tu trung, và đừng trượt chân vào dục vọng sai lầm.
Chiến sĩ nói:
- Trung của chúng tôi là Hành Động Vĩ Đại trực tiếp trên chiến trường. Chúng tôi cần sự thuyết pháp của nhà sư để làm gì?
Sư đáp:
- Ngài là một anh hùng trong tranh biện, tôi là kẻ thanh nhã hòa bình--chúng ta có thể không có gì để nói với nhau.
Lúc ấy chiến sĩ rút kiếm ra, nói:
- Trung ở trong lưỡi kiếm của anh hùng, nếu thầy không biết điều này thì chẳng nên nói đến trung.
Sư đáp:
- Lão tăng đây có kiếm báu Vua Kim Cương, nếu ông không biết nó, chớ nên nói đến trung.
Chiến sĩ nói:
- Trung của Kiếm Kim Cương -- thứ đó dùng làm gì trong chiến đấu thật sự?
Sư liền nhảy tới hét lên một tiếng Katsu!, khiến chiến sĩ hoảng hốt đến độ mất hết ý thức. Sau đó một chút, sư lại hét nữa và chiến sĩ liền bình phục.
Sư nói:
- Trung trong lưỡi kiếm của anh hùng, ở đâu rồi? Nói!
Kinh hãi quá, chiến sĩ xin lỗi rồi rút lui.
(Thiền và Đạo Thuật)
Cổ Học Tinh Hoa - Bán mộc bán giáo
Bán mộc bán giáo
Có người nước Sở làm nghề vừa bán mộc(1), vừa bán giáo(2). Ai hỏi mua mộc, thì anh ta khoe rằng:
- Mộc này thật chắc, không gì đâm thủng. Ai hỏi mua giáo thì anh ta khoe rằng:
- Giáo này thật sắc, gì đâm cũng thủng.
Có người nghe nói, hỏi rằng: “Thế bây giờ lấy giáo của bác đâm vào mộc của bác thì thế nào?”
Anh ta không làm sao đáp được.
Hàn Phi Tử
Lời bàn:
”Ôi! Một cái chắc, đâm không sao thủng, với một cái sắc, đâm gì cũng thủng, hai cái phản đối hẳn nhau thì cùng đi với nhau sao được! Thế mà người nước Sở dám khoe mộc, lại khoe giáo luôn ngay một lúc. Chẳng qua là chỉ vì mối lợi mà thành ra nói dối. Nhưng cái trò nói dối hay cùng, khi người ta hỏi đến lẽ, là không đối đáp làm sao được nữa. Có khác gì kẻ đem tượng gỗ ra chợ bán, khoe rằng: “Ai mua tượng về nhà, thì được giàu sang”. Đến lúc có người bẻ: “Thế sao bác không để ở nhà cho được giàu sang, lại mang ra chợ bán làm gì?” thì tắc khẩu mà đành vác tượng ra về.
----------------------------
(1) Đồ binh khí bằng gỗ hình bầu dục dùng để đỡ khi mũi nhọn đâm xỉa. Cái khiên thì đan bằng mây và hình tròn
(2) Đồ binh khí, đầu nhọn, cán dài, dùng để đâm. Trong bài này, chữ “giáo” dịch từ chữ “mâu” (vật để đâm), chữ “mộc” dịch từ chữ “thuẫn” (vật để chống đỡ). Do đó mà Từ Hán Việt “mâu thuẫn” được dùng với nghĩa phổ biến như hiện nay.
Truyện cười trong ngày
Giấc mơ đẹp
Vợ chồng già trò chuyện với nhau: "Bà nó ạ, đêm qua tôi thấy một giấc mơ thật tuyệt. Tôi còn là trai tân và đến cầu hôn bà...".
- Vậy có gì mà ông cho là tuyệt?
- Vì trong mơ, bà đã từ chối lời cầu hôn của tôi.
Saturday, July 30, 2022
Truyện ngắn - Chăn bông sưởi ấm cho người hay người sưởi ấm cho chăn bông
Chăn bông sưởi ấm cho người hay người sưởi ấm cho chăn bông
Bài sưu tầm
Trong một ngôi chùa cũ nát, tiểu hòa thượng phàn nàn với lão hòa thượng rằng:
“Trong ngôi chùa nhỏ bé này chỉ có hai hòa thượng chúng ta, lúc con đi uống núi hóa duyên, mọi người đều nói chúng ta là hòa thượng hoang, còn nói những lời ác ý khác nữa”.
Tiểu hòa thượng nói tiếp: “Hôm nay, con đi khất thực, trời lạnh như vậy mà không có một ai mở cửa cho con, đến cơm cũng bố thí được ít. Chùa Bồ Đề chúng ta muốn trở thành một ngôi chùa tiếng tăm lừng lẫy như Sư phụ nói, con e là khó”.
Tiểu hòa thượng than thở với lão hòa thượng về thái độ bàn tán của chúng sinh.
Lão hòa thượng im lặng một lúc, cuối cùng mở to mắt và hỏi: “Bên ngoài đang có gió bấc thổi mạnh, lại có tuyết rơi đầy, con có thấy lạnh không?”
Tiểu hòa thượng run rẫy nói: “Con lạnh đến nỗi toàn thân tê cóng hết cả lên rồi!”.
Lão hòa thượng nói: “Thế thì chúng ta đi ngủ thôi!”.
Nằm được một lúc, lão hòa thượng hỏi: “Bây giờ con có thấy ấm hơn không?”
Tiểu hòa thượng trả lời: “Đương nhiên là con thấy ấm rồi, giống như đang sưởi ấm dưới ánh mặt trời vậy!”.
Lão hòa thượng nói:
“Lúc nãy, chăn bông để trên giường thì lạnh nhưng khi có người nằm vào lại trở nên ấm áp. Vậy con nói xem, chăn bông sưởi ấm cho người hay người sưởi ấm cho chăn bông đây?”.
Nghe xong, tiểu hòa thượng cười rồi nói: “Sư phụ à, người thật hồ đồ, chăn bông làm sao có thể sưởi ấm cho người được, phải nói là con người làm cho chăn bông ấm lên chứ ạ!”.
Lão hòa thượng tiếp: “Chăn bông đã không cho ta sự ấm áp mà ngược lại còn cần ta đi sưởi ấm nó, vậy chúng ta còn đắp chăn bông làm gì?”
Tiểu hòa thượng nghĩ một lát rồi nói: “Mặc dù chăn bông không sưởi ấm chúng ta nhưng nó dày lại có thể giữ hơi ấm cho chúng ta, giúp ta có được giấc ngủ thoải mái”.
Lão hòa thượng cười giảng giải tiếp: “Chúng ta là hòa thượng tụng kinh, không phải là giống người nằm dưới chăn bông hay sao? Còn những chúng sinh kia chẳng phải họ là cái chăn bông dày đó sao? Chỉ cần chúng ta một lòng hướng thiện thì chắc chắn chiếc bông lạnh kia cũng sẽ được chúng ta sưởi ấm. Lúc đó, chiếc chăn bông dày cũng sẽ biết giữ ấm cho chúng ta. Chúng ta ngủ trong cái chăn bông đó chẳng phải rất ấm áp sao? Ngôi chùa tiếng tăm lừng lẫy còn có thể là trong mơ được sao?”.
Tiểu hòa thượng nghe xong bừng tỉnh, hiểu ra mọi chuyện.
Từ hôm đó trở đi, tiểu hòa thượng đều dậy rất sớm đi xuống núi hóa duyên. Cậu ta vẫn gặp những lời đồn thổi ác ý như trước kia nhưng tiểu hòa thượng vẫn giữ thái độ nho nhã và lễ độ đối với mọi người.
Mười năm sau, chùa Bồ Đề trở thành ngôi chùa rộng lớn, có rất nhiều hòa thượng và du khách đến đây hành hương. Tiểu hòa thượng cũng trở thành chủ của ngôi chùa đó.
Mỗi người chúng ta trên thế giới này đều đang nằm trong chăn bông và người khác chính là chăn bông của chúng ta. Khi chúng ta một lòng muốn sưởi ấm chăn bông thì chăn bông cũng sẽ giữ ấm cho chúng ta. Một đạo lý vô cùng đơn giản nhưng sâu sắc.
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
MIẾNG NÀO CŨNG NGON NHẤT
Khi Bàn Sơn (Banzan) đi ngang qua một khu chợ, sư nghe xa xa cuộc nói chuyện giữa người bán thịt và một khách hàng.
“Anh lựa cho tôi miếng thịt ngon nhất nhé,” cô khách mua thịt nói .
“Miếng nào trong tiệm tôi cũng ngon nhất,” anh bán thịt trả lời. “Ở đây cô không thể tìm ra miếng nào không ngon nhất.”
Nghe những lời ấy, Bàn Sơn tỉnh ngộ.
(Thiền Cốt Thiền Nhục)
Cổ Học Tinh Hoa - Cách cư xử ở đời
Cách cư xử ở đời
Thầy Nhan Uyên, hỏi Đức Khổng Tử: "Hồi nầy muốn nghèo mà cũng được như giàu, hèn mà cũng được như sang, không phải khỏe mà có oai, chơi bời với người ta suốt đời không lo sợ gì, muốn như vậy, có nên không?"
Đức Khổng Tử nói:
"Người hỏi thể phải lắm. Nghèo, mà muốn cũng như giàu, thế là biết bằng lòng số phận không ham mê gì. Hèn, mà cũng muốn như sang, thế là biết nhún nhường và có lễ độ. Không khỏe, mà muốn có oai, thế là biết thận trọng, cung kính không lầm lỗi gì. Chơi bời với mọi người mà muốn suốt đời không lo sợ, thế là biết chọn lời rồi mới nói."
Lời Bàn:
Không cần công danh phú quí thế là biết giữ thiên tước hơn là nhân tước, không để ai khinh lờn được, thế là biết trọng phẩm giá mình, không muốn đeo cái lo vào mình, thế là biết giữ thân không phiền lụy đến ai. Ở đời mà giữ trọn vẹn được mấy điều như thế, tưởng thật là một cách vui thú rất cao thượng vậy.
----------------
Khổng Tử Tập Ngữ: sách chép những lời nói, những truyện về đức Khổng Tử. - Khổng Tử tên là Khưa, tên tự là Trọng Ni, người nước Lỗ, thời Xuân Thu nhà Chu, học về Lễ, Nhạc, Văn chương đời cỗ, đi nhiều nước chư hầu không được dụng bỏ về làm kinh Xuân Thu, san định các kinh Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc và dạy học trò được ba nghìn người, có bảy mươi hai người giỏi. Nước Tàu xưng làm Tổ đạo Nho.
Nhan Uyên: tên là Hồi, người nước Lỗ, thời Xuân Thu, học trò giỏi nhất của Đức Khổng Tử.
Hồi: theo lễ xưa, hầu chuyện những bậc trên, như vua, cha, thầy học, thường hay xưng tên.
Lễ độ: phép tắc mực thước. Thận trọng: cẩn thận, trọng hậu.
Truyện cười trong ngày
Đi tìm tự do
Đứa con trai đi chơi đến khuya về, vừa bước vào cửa bà mẹ lao ra tát một cái rõ đau.
- Mày có biết bây giờ là mấy giờ rồi không? Đi chơi suốt ngày không lo học hành gì cả.
Đứa con uất ức:
- Con chịu hết nổi rồi. Con không thể ở trong cái nhà này nữa. Con sẽ ra đi, đi thật xa để tìm tự do. Bố mẹ đừng có cản con.
Ông bố lật đật chạy đến:
- Dừng lại thằng kia!
- Con đã bảo đừng cản con mà!
- Bố không cản mày đâu, nhưng mày cho bố theo với. Bố cũng muốn đi tìm tự do.
Friday, July 29, 2022
Truyện ngắn - Bốn lạng đẩy ngàn cân
Bốn lạng đẩy ngàn cân
Bài sưu tầm trên Net
Có một cậu bé đang di chuyển tảng đá lớn trong sân. “Con trai, chỉ cần con cố gắng hết sức, con sẽ làm được” người cha đứng bên cạnh cổ vũ. Nhưng tảng đá quá nặng nên cậu bé không thể di chuyển được nó. Cậu bé nói “Cha ơi! Tảng đá nặng quá con đã cố hết sức mà vẫn không thể làm nó di chuyển được”. “Con chưa thật sự dùng hết sức của mình đó thôi! Con trai à!” người cha mỉm cười và giải thích “Ta luôn ở bên cạnh con, tại sao con lại không nhờ ta giúp nhỉ?”
Lắm lúc, chúng ta cũng giống như đứa trẻ ấy. Thông thường, khi xét xem mình có thể làm được việc nào đó hay không, ta chỉ xét đến năng lực của bản thân mà không nghĩ đến việc nhờ sự trợ giúp từ người khác. Kỳ thực, không có ai quy định rằng ta phải một mình làm cho thật tốt việc nào đó. Trong cuộc sống hiện nay, cũng có rất nhiều người thành công. Không phải là họ có năng lực lớn đến thế, mà chỉ là họ biết “dùng người” – hợp tác cùng với những người có năng lực. Hay còn gọi là “Mượn lực”.
Nhắc đến “mượn lực” thì phải nhắc đến Gia Cát Lượng sống trong thời Tam Quốc, là một trong những người sử dụng chiến thuật này tài tình nhất.
Ngày nọ, Chu Du nói với Gia Cát Lượng rằng “Nội trong ba ngày ngươi phải giao nộp cho ta đủ 10 vạn mũi tên. Về cơ bản đây là việc không thể thực hiện được. Vậy tại sao Gia Cát Lượng vẫn đồng ý? Không chế tạo được nhưng ta có thể mượn kia mà! Ta muốn giết ngươi, hãy cho ta mượn 10 vạn mũi tên!” Gia Cát Lượng nghĩ đến Tào Tháo. Ông thật sự đã làm vậy với Tào Tháo và trừ khi đầu óc của Tào Tháo có vấn đề hắn mới chấp nhận việc này!
Tuy Tào Tháo dù đầu óc không có vấn đề nhưng ông đã thật sự cấp cho Gia Cát Lượng 10 vạn mũi tên. Vào một buổi sớm, sương mù che phủ khắp đất trời, Gia Cát Lượng cho hai mươi chiếc thuyền gỗ chở các hình nộm bằng rơm rạ, giả vờ tiến đánh sang nơi Tào Tháo ở. Ông tưởng Gia Cát Lượng muốn giết mình thật nên đã ra lệnh cho tất cả các Cung Thủ đồng loạt bắn tên về phía những chiếc thuyền chở hình nộm. Chưa đến một canh giờ, Gia Cát Lượng đã thu lượm được hơn 10 vạn mũi tên do Tào Tháo bắn tới. Về sau câu chuyện lịch sử nổi tiếng này được lựu lại với tên gọi là “Thuyền cỏ mượn tên”.
Ai nói chỉ có thể “mượn lực” từ những người cộng sự, bạn bè hay người thân của ta nào? Đôi khi, đối thủ của mình lại là đối tượng tốt nhất để ta “mượn lực ”. Chỉ khi ta có bước đột phá trong tư tưởng thì mới có thể thấy thế giới này bao la đến dường nào.
Có một thư viện nổi tiếng thế giới ở Anh quốc với lượng sách khổng lồ gồm các bộ sưu tập sách đa dạng, phong phú. Một lần, người ta muốn dọn dẹp lại thư viện và chuyển sách sang “nơi ở mới”. Tuy nhiên, sau khi tính toán thì số tiền vận chuyển lên đến con số quá lớn – Phải làm sao đây? Có người đưa ra cách giải quyết thế này.
Đầu tiên, thư viện cho đăng mẫu tin như sau: “Bắt đầu từ hôm nay, bất kỳ người dân nào trong thành phố cũng đều có thể đến thư viện mượn miễn phí 10 quyển sách”. Kết quả là rất nhiều người chen chúc nhau đến. Chỉ trong vài ngày, sách trong thư việc đã được mượn sạch. Sau đó, thư viện chỉ cần thông báo địa điểm mới để mọi người đến đọc và trả sách đã mượn. Cứ như vậy, thư viện đã “mượn lực” của mọi người để chuyển hết số sách của mình sang “nhà mới” mà không phải mất khoản tiền khổng lồ cho việc vận chuyển.
Chắc hẳn bạn cũng muốn được như thư viện Đại Anh dùng “bốn lạng đẩy ngàn cân” phải không? Nếu bạn có thể phát hiện ra “bốn lạng” của mình và dám đem “bốn lạng” đó để “đẩy ngàn cân” (cũng giống như: lượng sách báo khổng lồ trong thư viện và việc cho mọi người mượn sách miễn phí) thì “ngàn cân” không là gì cả. Đôi khi, cho đi cũng là một loại “mượn lực” hữu hiệu đó chứ !
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
ĐẤT TRỜI TAN VỠ
Tadamasa, một viên chức hộ vệ lâu năm của quan nhiếp chính Bắc Điều Cao Thời, có pháp danh là An Sơn. Ông ta là một tín đồ mẫn nhuệ của Thiền, đã tới lui thiền đường dành cho nam cư sĩ ở chùa Kiến Trường trong hai mươi ba năm. Vào năm 1331, khi đánh nhau xảy ra khắp nơi, ông ta bị thương và chạy như bay đến chùa Kiến Trường để gặp Sosan, vị sư thứ 27 của chùa. Lúc đó chùa đang có Trà thang (Cha no yu). Sosan thấy người đàn ông mặc áo giáp đến, liền để một tách trà phía trước ông ta, nói:
- Cái này thế nào?
Chiến sĩ lập tức dẫm nát cái tách trà dưới chân và nói:
- Trời đất cùng tan vỡ.
Sư nói:
- Khi trời đất tan vỡ thì ông thế nào?
An Sơn đứng thẳng hai tay khoanh trước ngực. Sư đánh ông ta và ông ta miễn cưỡng kêu lên vì các vết thương bị đau.
Sư nói:
- Trời đất vẫn chưa hoàn toàn tan vỡ.
Tiếng trống vang lên từ trại lính phiá núi bên kia và Tadamasa chạy thật nhanh về trại. Sáng hôm sau, ông ta trở lại chùa, mình dính đầy máu, để gặp sư. Sư bước ra, lại nói:
- Khi trời đất tan vỡ thì ông thế nào?
An Sơn nương mình lên thanh kiếm đẫm máu, hét một tiếng Yaa! lớn rồi chết đứng trước mặt sư.
(Thiền và Đạo Thuật)
Cổ Học Tinh Hoa - Đạo vợ chồng
Đạo vợ chồng
Tưởng mình sắp chết, thấy vợ trẻ trung, không muốn để cho ở vậy thế là quá yêu thương vợ, thể tất cho vợ lắm. Sợ chồng tiếc đẹp, chết đi không dứt, mà khoét mắt để tỏ ra thành tật cho yên lòng chồng, thế là chí tình và nhất tâm với chồng lắm.
Lư phu nhân, vợ ông Phòng Huyền Linh là người tuyệt đẹp và có đức hạnh.
Ông lúc tuổi trẻ hàn vi lắm. Một khi ốm nặng tưởng đã sắp chết, ông gọi Lưu thị đến bảo rằng:
- Tôi bệnh nguy quá, nàng tuổi còn trẻ không nên ở vậy, liệu mà ăn ở cho tử tế với người chồng sau.
Lư thị nghe nói, nức nở khóc. Đoạn vào trong màn khoét một mắt bỏ đi, có ý tỏ cho chồng biết rằng dù chồng bất hạnh có chết, cũng không lấy ai nữa.
Không bao lâu, ông Huyền Linh khỏi bệnh.
Sau ông thi đỗ, làm quan đến chức Tể tướng. Ông một niềm yêu mến, kính trọng Lư thị vô cùng, không hề lấy người tì thiếp nào nữa.
Người ngoài cho thế là tại ông sợ Lư thị có tính hay ghen.
Chính vua Đường Thái Tôn, muốn thử Lư phu nhân, một hôm cho hoàng hậu gọi vào bảo:
- Theo phép thường, các quan to vẫn có tì thiếp. Quan nhà ta tuổi đã cao, vua muốn ban cho một người mỹ nhân.
Lư thị nhất quyết không nghe. Vua nổi giận mắng rằng:
- Nhà ngươi không ghen thì sống, mà ghen thì chết.
Rồi sai người đưa cho một chén rượu, giả làm chén thuốc độc, phán rằng:
- Đã vậy thì phải uống chén thuốc độc này.
Lư thị không ngần ngại chút nào, cầm chén, uống hết ngay. Vua thấy thế, nói:
- Ta cũng phải sợ, nữa là Huyền Linh.
Lời bàn:
Tưởng mình sắp chết, thấy vợ trẻ trung, không muốn để cho ở vậy thế là quá yêu thương vợ, thể tất cho vợ lắm. Sợ chồng tiếc đẹp, chết đi không dứt, mà khoét mắt để tỏ ra thành tật cho yên lòng chồng, thế là chí tình và nhất tâm với chồng lắm.
May khỏi bệnh, sau lại làm đến Tể tướng, ông chỉ biết có bà mắt khoét, không thiết gì đến tì thiếp xinh đẹp, thế là ông muốn giữ cho được trọn vẹn cái tình đối với bà. Còn bà không muốn để cho ông có tì thiếp, tuy gọi là thói ghen thường tình, nhưng cũng là vì chung tình với ông, không muốn cùng ai san sẻ mối tình nữa. Quý thay! Đôi vợ chồng này, chân tình và chí tình, suốt đời kính yêu nhau, vợ chỉ biết có chồng, chồng cũng chỉ biết có vợ, chồng một vợ một, không những thoát khỏi cái nạn “đa nhân duyên nhiều đường phiền não” mà còn gây được cái hạnh phúc lâu dài cho thân, cho gia đình, cho con cháu sau nữa.
Truyện cười trong ngày
Phân biệt tinh tế
- Quan tòa: Jerry Bowden, anh bị buộc tội là đã lái xe trong tình trạng say rượu. Anh có gì để bào chữa không?
- Bị cáo: Tôi vô tội! Tôi có năng khiếu phân biệt tinh tế. Chính nó cho tôi biết không hề say mà chỉ hơi thấm men.
- Quan tòa: Tòa án tôn trọng năng khiếu phân biệt tinh tế của anh. Tòa không phạt anh một tháng tù giam mà chỉ 30 ngày tù thôi
Thursday, July 28, 2022
Truyện ngắn - Cái bẫy chuột
Cái bẫy chuột
Bài sưu tầm
Một con chuột nhìn qua vết nứt của vách tường và trông thấy một bác nông dân cùng với vợ đang mở một chiếc hộp. ” Hẳn là có đồ ăn gì trong hộp?”. Con Chuột tự hỏi. Nhưng liền sau đó, nó hốt hoảng khi phát hiện ra đó lại là cái bẫy chuột..
Chuột ta bèn chạy ra ngoài vườn và la làng la xóm: ”có một cái bẫy chuột trong nhà! Có một cái bẫy chuột trong nhà!”
Chị gà cục ta cục tác chạy tới: ” Chú Chuột này, đây quả thật là mối lo ngại ghê gớm đối với chú, nhưng nó chẳng phiền hà gì với tôi. Tôi không thể nào bị vướng một cái bẫy chuột.”
Chuột quay sang nói với anh Heo với vẻ lo lắng: ” Anh Heo ơi, trong nhà ta có một cái bẫy Chuột”.Anh Heo tỏ ra thông cảm: “Tôi rất lấy làm tiếc, cậu em ạ! Tôi chẳng thể làm gì được, nhưng tôi sẽ cầu nguyện cho chú”.Chuột chạy tới bác Bò tỉ tê. Bác Bò một lần nữa trấn an: ” Tôi rất hiểu cậu, nhưng tôi chẳng thể giúp gì”. Chuột lẳng lặng bước vào nhà. Lòng buồn thỉu buồn thiu, một mình nhìn cái bấy chuột tàn nhẫn của bác nông dân.
Thể rồi đêm nọ, một tiếng động vang lên trong ngội nhà, hệt như tiếng sập bẫy. Vợ của bác nông dân chạy tới để xem có bắt được con chuột nào không. Trong đêm tối, loạn cha loạn choạng, bà đã bị một con rắn độc cắn khi bà mon men tới cái bẫy vốn đang sập vào đuôi con rắn.
Bác nông dân nhanh chóng đưa vợ vào trạm xá. Khi về nhà, bà đã bị sốt, mọi người đều biết rằng ăn cháo có thể giảm cơn sốt, vì thế bác nông dân bắt chị Gà mần thịt để nấu cháo cho vợ.
Thế nhưng bệnh tình vợ ông cũng không giảm. Bạn bè ông và xóm giềng đã tới thăm hởi, để thiết đãi họ, ông đã mần thịt anh Heo.
Sau nhiều ngày chống chọi với cơn bệnh, vợ ông đã qua đời. Nhiều người đến lễ tang và vì thế bác nông đan đã mổ thịt bác Bò để có đủ thức ăn đãi khách, những người đã rất quan tam tới gia đình ông.
Vì vậy, một khi bạn nghe thấy ai đó đang gặp khó khăn dù chuyện đó chẳng ” ăn nhập” gì tới bạn, hãy nhớ rằng khi một người trong chúng ta gặp nguy khốn, nghĩa là tất cả chúng ta đều có nguy cơ gặp nguy khốn. Tất cả chúng ta đều đồng hành trên chuyến hành trình mang tên là cuộc đời. Hãy để mắt tới mọi người, luôn động viên và cùng họ vượt qua khó khăn!
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
ĐƯỜNG ĐẾN NIẾT BÀN
Một ông tăng hỏi hòa thượng Càn Phong:
- Chư bậc Đại Tự Tại mười phương đều do một đường thẳng đến Niết bàn. Dám hỏi con đường ấy bắt đầu từ đâu?
Càn Phong lấy gậy vạch một đường trên mặt đất, nói:
- Ngay đây.
(Chơn Không Gầm Thét)
Cổ Học Tinh Hoa - Lẽ sống chết
Lẽ sống chết
Người ta ở đời, kẻ thì mến đời không muốn chết, hoặc có kẻ lại chán đời không muốn sống. Như thế đều là nhầm cả. Sự sống chết không phải tự cho mình có chủ quyền được, thì mình đem tâm lo nghĩ, cầu khẩn về việc sống, chết, mà có ích gì!
Mạnh Tôn Dương hỏi Dương Tử: “Có kẻ mến đời, yêu thân, cầu cho không chết có nên không?”.
Dương Tử nói: “Có sống thì phải có chết, lẽ nào mà không chết được?”.
- Thế cầu sống có nên không?
- Lẽ nào sống lâu được? Người ta không phải thích sống mà sống mãi được, yêu thân mà thân còn mãi được. Vả chăng, sống lâu để làm gì? Thế tình hay dở, xưa cũng như nay; thân thể an nguy xưa cũng như nay; việc đời vui khổ, xưa cũng như nay; biến đổi trị loạn, xưa cũng như nay; cái gì cũng đã nghe thấy, đã trông thấy, đã từng trải cả rồi, thì sống trong khoảng trăm năm cũng đủ lấy làm chán, huống còn cầu lấy sống lâu để cho khổ làm gì?”.
Mạnh Tôn Dương nói: “Nếu như thế, thì chóng chết còn hơn là sống lâu. Ta nên xông vào gươm giáo, nhảy vào nước lửa để chết ngay đi có thỏa không?”.
Dương Tử nói: “Không phải thế. Đã sinh ra đời thì lúc sống cứ tự nhiên mặc, muốn làm gì thì làm, cho đến lúc chết. Lúc sắp chết, cũng tự nhiên mặc, muốn hóa ra gì thì hóa cho đến lúc cùng. Lúc sống, lúc chết, lúc nào cũng tự nhiên như không, hà tất phải quan tâm sống lâu hay chóng chết làm gì?”.
Dương Tử[1]
Lời bàn:
Người ta ở đời, kẻ thì mến đời không muốn chết, hoặc có kẻ lại chán đời không muốn sống. Như thế đều là nhầm cả. Sự sống chết không phải tự cho mình có chủ quyền được, thì mình đem tâm lo nghĩ, cầu khẩn về việc sống, chết, mà có ích gì!
Thà rằng: Từ lúc sống đến lúc chết, việc mình, mình làm, còn ngoại giả phó mặc ở sự tự nhiên cho gọi là số, là mệnh, là tạo hóa cũng không cần. Thói đời, thường tình vẫn tham sống, sợ chết. Nhưng chết, vị tất là khổ hẳn. Mà sống, cũng không ai bảo là toàn sướng được! Như xưa có kẻ sống hơn trăm tuổi, ai chẳng cho sống lâu là quý! Thế mà người ấy thường vẫn ta thán rằng: “Sống làm chi cho nhục!”. Sống lâu cho vô ích mà chỉ trông nhiều cảnh tang thương thì có hay gì.
------------------------------
[1] Dương Tử: Người thời Chiến Quốc tên là Tử Cư, tôn chỉ học thuyết là: “Mất một cái lông mà lợi thiên hạ cũng không cho, được cả thiên hạ phụng sự một mình cũng không làm, người nào cũng không chịu thiệt, người nào cũng không ham lợi thì thiên hạ tự nhiên thái bình”. Học thuyết ấy rất thịnh hành thời Chiến Quốc và người đời bây giờ cho là học thuyết “Vị ngã”.
Truyện cười trong ngày
Lịch sự
Cả nhà chuẩn bị ăn tối, ông bố phát hiện tay bé Tommi lấm lem bụi đất, bèn dạy con:
- Tommi, nếu bố ngồi vào bàn mà tay dơ như con thì con sẽ nói sao?
- Bố đừng lo, Tommi trả lời, con sẽ giữ lịch sự không nói gì cả.
Wednesday, July 27, 2022
Truyện ngắn - Những hòn đá cuội
Những hòn đá cuội
Trong một buổi nói chuyện với một nhóm các doanh nhân, một chuyên gia trình bày về cách sử dụng thời gian có hiệu quả. Đứng trước những người khá thành đạt trong cuộc sống, ông mỉm cười: "Sau đây là một câu hỏi trắc nghiệm". Ông ta lấy từ gầm bàn một cái lọ rộng miệng cỡ 4 lít và một túi chứa những hòn đá cuội to bằng nắm tay. Ông lần lượt đặt từng hòn đá vào lọ cho đến khi không thể bỏ vào được nữa. "Cái lọ có đầy chưa?" - ông hỏi.
"Đầy rồi" - mọi người đáp. "Thật không?" - ông lấy từ gầm bàn ra một túi sỏi nhỏ đổ từ từ vào lọ và lắc cho các hòn sỏi chen vào tất cả các khoảng trống giữa các hòn đá cuội. Ông nhoẻn miệng cười và hỏi: "Cái lọ đầy chưa?".
Lần này thì mọi người dường như bắt kịp ông. Ai đó trả lời: "Chắc là chưa".
"Tốt!" - ông nói và lấy ra một túi cát đổ vào lọ và cát chen đầy vào các khoảng trống giữa những hòn đá cuội và hòn sỏi. Một lần nữa, ông hỏi: "Cái lọ đầy chưa ?".
"Chưa" - mọi người nhao nhao. "Tốt" - ông lặp lại và vớ lấy bình nước đổ vào lọ cho đến khi nước ngập đến miệng lọ. Ông ngước nhìn mọi người và hỏi: "Minh họa này nói lên điều gì?".
Một nhà kinh doanh nhanh nhảu đáp: "Vấn đề là cho dù kế hoạch làm việc của bạn có sít sao thế nào đi nữa, nếu cố gắng bạn luôn có thể làm thêm nhiều việc nữa!"
"Có thể" - ông đáp - Nhưng đó không phải là vấn đề. Điều mà minh họa vừa rồi nói lên là bạn không đặt những hòn đá cuội vào lọ trước, bạn sẽ không bao giờ có thể nhét chúng vào được".
Cái gì là những "hòn đá cuội" trong cuộc sống của bạn? Có thể là một dự án, một hoài bão mà bạn muốn thực hiện, thời gian với những người mà bạn thương yêu, học vấn của bạn, sức khỏe của bạn ... Nhưng nhớ đặt những "hòn đá cuội" đó vào lọ trước hoặc bạn sẽ không bao giờ nhét chúng vào được. Chúng ta luôn cố gắng làm thật nhiều việc trong khoảng thời gian giới hạn của mình. Nhưng điều quan trọng là những việc mà bạn đang làm có thật sự có ý nghĩa.
Thế thì tối nay hay sáng mai khi bạn suy ngẫm về câu chuyện này, hãy tự hỏi chính bản thân mình rằng điều gì là những "hòn đá cuội" trong cuộc sống của chính bạn và hãy đặt chúng vào trong lọ trước.
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
BÀN TAY CỦA MẶC TIÊN
Thiền sư Mặc Tiên (Mokusen) sống trong một ngôi chùa ở tỉnh Tamba. Một trong những đệ tử của sư phàn nàn về tính hà tiện của bà vợ.
Mặc Tiên đến viếng vợ của người đệ tử. Sư đưa nắm tay siết chặt ra trước mặt bà ta.
Người đàn bà ngạc nhiên hỏi: “Thầy muốn nói gì vậy?”
Sư nói: “Giả sử bàn tay tôi luôn luôn như thế này, chị gọi nó là cái gì?”
Người đàn bà đáp: “Dị dạng.”
Rồi sư xoè bàn tay ra để ngay trước mặt người đàn bà và hỏi: “Giả sử nó luôn luôn thế này, thì thế nào?”
Người đàn bà đáp: “Dị dạng.”
Mặc Tiên kết thúc: “Nếu chị hiểu được như vậy, chị là người vợ hiền.” Rồi sư bỏ đi.
Sau cuộc viếng thăm của sư, chị vợ giúp chồng chi tiêu cũng như dành dụm.
(Thiền Cốt Thiền Nhục)
Cổ Học Tinh Hoa - Lợi mê lòng người
Lợi mê lòng người
Nước Tống có kẻ mất cái áo thâm. Anh ta ra đường tìm. Thấy người đàn bà mặc áo thâm, níu lại đòi rằng: "Tôi vừa mất cái áo thâm, chị phải đền trả tôi cái nầy". Rồi cứ giữ chặt cái áo không buông ra nữa. Người đàn bà cãi:
"Ông mất áo thâm, tôi biết đấy là đâu? Áo tôi mặc đây là áo của tôi, chính tay tôi may ra". Anh kia nói: "Chị cứ phải đền trả áo cho tôi. Cái áo thâm tôi mất dầy, cái áo thâm chị mặc mỏng. Lấy áo thâm mỏng của chị đền cho áo thâm dầy cho tôi, còn phải nói gì lôi thôi nữa!
Lời Bàn:
Mất áo trong nhà mà ra đường tìm, đã là chuyện bật cười. Mất áo đàn ông mà đòi áo đàn
bà lại là chuyện bật cười. Mất áo thâm dầy bắt đền áo thâm mỏng mà cho là phải, lại là chuyện bật cười nữa. Ôi cái lợi nó làm cho lòng người mê muội, chỉ biết có mình không biết có ai, chỉ vụ lợi cho mình mà quên cả phải trái. Kẻ nào đã vụ lợi như thế, thì cái gì mà chẳng dám làm, cái gì mà chả dám nói! Than ôi! Cái đời kim tiền bây giờ biết bao nhiêu phường đòi áo như người nói trong chuyện này.
Nước Tống: một nước chư hầu thời Xuân Thu sau phải nước Tề lấy mất, ở vào huyện
Thượng Khưu tỉnh Hà Nam bây giờ.
--------------
Áo thâm: áo sắc đen
Truyện cười trong ngày
không biết gì hết
Lần đầu tiên đến trường, Tomy khoe với bố mẹ:
- Con thich cô giáo lắm ạ.
- Thế cô dạy con những gì?
- Cô chẳng biết gì hết, chỉ luôn miệng hỏi: Ai nói cho cô biết nào?
Tuesday, July 26, 2022
Truyện ngắn - Câu bé chờ thư
Cậu bé chờ thư
Hồi đó tôi làm giáo sư một trường trung học con trai. Một học sinh tên là Bob, trái hẳn với các bạn, không bao giờ nhận được một bức thư nào cả. Vậy mà buổi chiều nào em cũng mau chân nhất, chạy lại chỗ đặt các hộc riêng chăm chú ngó vào hộc của em cho tới khi thư phát hết rồi mới quay ra.
Không phải là gia đình em quên em đâu. Tiền ăn ở trong trường, tiền tiêu vặt của em vẫn gởi tới đều đều đúng hạn. Tháng sáu, ông Hiệu trưởng nhận được thư xin cho em đi nghỉ ở một trại hè. Thì ra viên thư ký của thân phụ em lãnh nhiệm vụ lo cho em tất cả những chi tiết dó.
Nhưng song thân em không ai viết cho em một bức thư nào cả. Khi em kể lể với tôi rằng ba má em đã ly thân nhau, tôi mới hiểu tất cả nguyên do. Và tội nghiệp em, em vẫn tiếp tục trông thư một cách tuyệt vọng. Tôi thường đem tình cảm sầu thảm của em ra nói với một ông bạn đồng nghiệp, ông Joe Hargrove. ông ấy bảo:
- Nếu em đó ít lâu nữa mà không nhận được bức thư nào cả thì đáng ngại cho em lắm, có thể tai hại.
Thế rồi một bạn học thân nhất của em, tên là Laurent nảy ra một sáng kiến. Laurent ở trong một gia đình hòa thuận, có hạnh phúc, tuần nào cũng nhận được nhiều bức thư của cha mẹ, cả của anh chị em nữa. Một hôm Bob rầu rĩ ngó xấp thư Laurent cấm trong tay. Laurent thấy vậy, bảo ngay:
- Bob, vô trong phòng tôi di, tôi đọc thư của má cho Bob nghe.
Một lát sau tôi thấy hai em ngồi sát nhau cùng bàn tán về bức thư đó. Chiều hôm sau tôi nhận thấy khi phát thư, Bob chẳng những ngó hộc của em mà còn ngó hộc của Laurent nữa. Bob hỏi bạn:
- Lại có thư của má anh nữa hả?
- Không, hôm nay là thư của chị tôi.
Rồi Bob hỏi một bạn khác:
- Anh có thư của má anh không?
- Có !
- Anh cho tôi đọc chung với nhé?
- Ừ! Để tôi đọc lớn tiếng lên nhé!
Từ hôm đó, Bob tha hồ đọc thư của bạn. Khắp tứ phía nhao nhao lên:
- Ê, Bob, hôm nay muốn đọc thư của má không?
Tụi con trai đôi khi có vẻ tàn nhẫn, không giữ ý gì cả, nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy một em nào thốt một lời mỉa mai bóng gió hay chế giễu gì em Bob cả. Một hôm tôi kinh ngạc nghe em Bob tự do hỏi ngay Laurent:
- Hôm nay chúng mình có thư không?
Như vậy có dễ thương không chứ! Nên thưởng cho các em nhiều kẹo, nhiều bi mới phải ! Laurent mỉm cười đáp liền, không hề do dự:
- Có, hôm nay chúng mình có một bức.
Chuyện đó làm cho ông Joe Hargrove quyết tâm hành động. Tôi thì tôi cho má em Bob là hạng người ra sao rồi. Nhưng ông Joe đã gặp bà ta nhiều lần, định làm liều xem sao. Một hôm ông ta lại kiếm tôi, tay cầm sáu bức thư đánh máy và sáu bao thư đề địa chỉ của Bob, dán cò sẵn sàng. ông ta bảo:
- Coi này, tôi gởi cho bà Lennoux đây. Bà ta chỉ cần ký tên: "Má của con" rồi mỗi tuần bỏ một bức vào thùng thư.
Tôi đọc những bức thư đó. Viết được lắm, ít bữa sau, Bob cũng lại ngong ngóng đợi ở chỗ đặt các hộc riêng, nhưng chú hết ý vào cái hộc của Laurent. Bỗng học sinh lãnh việc phát thư, la lên:
- Ê, Bob, mày có thư này ! Có thư này! Bob nhẹ nhàng đưa hai tay lên, cử chỉ y hệt một thiên thần đương cầu nguyện, để đỡ lấy bức thư. Em nói ,như thể vẫn chưa tin:
- Ờ có tên tôi ngoài bao thư nè!
Rồi em la lên:
- A ! Tôi cũng có thư! Tôi cũng có thư! Anh em ơi, có ai muốn đọc thư của tôi không? Những đứa khác cũng vui mừng, đồng thanh la lớn:
- Có ! Có ! Bob, đọc thư của bồ lên, đọc lên?
Cuộc phát thư tức thì tạm ngưng lại. Chúng đun Bob lên cho đứng trên một cái bàn rồi cả bọn vây chung quanh. Bob ngập ngừng đọc:
- Con cưng của má !
Rồi ngẩng lên nói:
- Tôi không đọc nhanh được !
Laurent bảo:
- Không sao, Bob! Cứ đọc chầm chậm, càng tốt. Đọc chậm mới hiểu rõ từng chữ chớ.
Và Bob chậm chạp đọc bức thư đó, lời lẽ âu yếm như bức thư của bất kỳ bà mẹ nào gởi cho con.
Tháng sáu, buổi phát phần thưởng, tôi thấy má em Bob lại dự. Tôi không ngạc nhiên về điều đó vì, sau khi gởi hết mấy bức thư ông Joe viết sẵn cho rồi, bà ta đích thân viết cho con , quả là một phép màu ! Bob đã cho tôi coi bức thư bà báo trước sẽ tới dự buổi lễ. Phát phần thưởng xong, bà ta kéo tôi ra một chỗ, hỏi tôi:
- Bà thấy thư tôi viết cho cháu được không?
- Được lắm!
Bà ta nói tiếp giọng hơi ngập ngừng:
- Tôi nhờ bà nói về tôi cho cháu Bob nghe...
- Vợ chồng tôi đã hòa thuận với nhau hơn trước, và chúng tôi tính với nhau nghỉ hè này cho cháu về nhà, và... chúng tôi sẽ tìm cách hiểu cháu hơn.
- Xin bà yên tâm, tôi sẽ hết sức giúp bà.
Tôi có cần gì nói thêm rằng không có công việc nào làm cho tôi vui bằng công việc đó không?
Louise Baker
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
MỌI PHÚT THIỀN
Những người học Thiền thường ở với thầy ít nhất mười năm trước khi họ bắt đầu dạy người khác. Tenno đã qua thời gian tu học và trở thành sư, một hôm đến viếng Thiền sư Nam Ẩn. Bất ngờ hôm ấy trời mưa, nên Tenno đi guốc và che dù. Sau khi chào hỏi xong, Nam Ẩn nói: “Giả sử ông để đôi guốc của ông ở tiền đình. Tôi muốn biết cây dù của ông ở bên phải hay bên trái đôi guốc.”
Tenno bối rối và không trả lời ngay được. Sư nhận ra rằng mình chưa thể hiện được Thiền trong mọi phút. Sư trở thành đồ đệ của Nam Ẩn và học thêm sáu năm nữa để hoàn thành Thiền trong mọi phút.
(Thiền Cốt Thiền Nhục)
Cổ Học Tinh Hoa - Cậy người không chắc bằng ở mình
Cậy người không chắc bằng ở mình
Người làm vua, điều cần nhất là phải giữ hết nghĩa làm vua và thương yêu giáo hoá dân. Cái chính sách giao hiếu với kẻ mạnh chỉ là cái thế phải thế, cái chính sách tự lo cho mạnh mới là toàn bằng cái lý ở mình. Vì rằng mình tự vào người, tất mình khinh mà mình phải e nể. Đã gặp cái cảnh khinh, cảnh e nể không chóng thì chầy an toàn sao cho được.
Văn Công nước Đằng(1) hỏi thầy Mạnh Tử rằng:
- Nước Đằng ta là một nước nhỏ ở vào khoảng giữa nước Tề và nước Sở là hai nước lớn. Kể phận thì phải chiều cả hai nước, nhưng kể sức thì không thể chiều được cả. Chiều nước Tề chăng? Chiều nước Sở chăng? Ta thực không biết nên tựa vào nước nào để cho nước ta được yên, nhờ thầy mưu tính(2) hộ cho ta.
Thầy Mạnh Tử thưa:
- Phàm việc mà cứ trông cậy vào người thì không thể chắc được. Chiều Tề thì Sở giận, chiều Sở thì Tề giận; mưu ấy chúng tôi không thể nghĩ kịp. Xin nói chỉ có một cách là tự giữ lấy nước, đào hào cho sâu, đắp thành cho cao, cai trị một cách cố kết(3) lòng dân, cùng dân giữ nước. Hoặc như có biến cố gì xảy ra, vua đã liều chết để giữ nước, thì chắc dân cũng liều chết để giữ nước, không nỡ bỏ vua. Thế là ta dùng cái lòng dân để giữ lấy đất nước, tự cường mà lo toan lấy việc nước. Còn chiều Tề hay Sở thì tôi không thể quyết được.
Lời bàn:
Người làm vua, điều cần nhất là phải giữ hết nghĩa làm vua và thương yêu giáo hoá dân. Cái chính sách giao hiếu với kẻ mạnh chỉ là cái thế phải thế, cái chính sách tự lo cho mạnh mới là toàn bằng cái lý ở mình. Vì rằng mình tự vào người, tất mình khinh mà mình phải e nể. Đã gặp cái cảnh khinh, cảnh e nể không chóng thì chầy an toàn sao cho được. Đã đành rằng, nước nhỏ phải nể nước lớn, cũng là một cách giao tế không thể thiếu được.
Nhưng đây vì Văn Công chỉ chăm chăm việc thờ kẻ mạnh, nên ông Mạnh mới bảo như thế. Mà phải thật, người lãnh đạo dân đã cùng dân cùng sống chết cả dân cũng can tâm cùng sống chết cả. Thế là cả nước một lòng, cái sức mạnh vô hình ấy, hồ dễ nước nào đã dám xâm phạm. Đã được như thế có việc gì phải sợ hãi ai.
Tuy vậy, thời thế ngày nay, có phần khác xưa, nội trị dù có đầy đủ, ngoại giao càng cần phải sáng suốt khôn ngoan thì nước mới đứng vững ở trên thế giới này được.
----------------------
(1) Đằng: tên một nước nhỏ thời Chiến Quốc tức là huyện Đằng tỉnh Sơn Đằng bây giờ
(2) Mưu tính: trù liệu đắn đo một việc gì rồi mới làm
(3) Cố kết: buộc chặt lại với nhau.
Truyện cười trong ngày
Đổ xô đi tìm chó
Nhà triệu phú nọ mất một con chó quý, đăng báo tìm và hứa sẽ thưởng 10.000 đô la.
Chờ mãi không thấy báo phát hành, ông bèn tới toà soạn thì chỉ gặp một em bé. Ông níu lại hỏi:
- Ở đây không còn có ai cả sao?
- Dạ không, nghe nói tất cả nhân viên toà soạn đang bận đi tìm con chó của ai đó bị lạc.
Monday, July 25, 2022
Subscribe to:
Posts (Atom)