Saturday, April 30, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Bó hoa có lõi

 Bó hoa có lõi


Với mẹ, hoa là thứ không ăn được, tất nhiên, trừ loại có lõi vừa mới xuất hiện vài năm trở lại đây. Ai sáng kiến ra cái kim tây cũng hay.

Họ đem hoa bày bán ở cổng trường, nhiều hoa giả, và cả hoa tươi. Bà mẹ đảo một vòng rồi chọn mua hoa nhựa.

Bên trong nó, như cô bán hàng quảng cáo, có một cây kim tây dùng để kẹp chặt phong bì. Bà mẹ cuộn bao thư có tờ giấc bạc hai trăm ngàn đồng vào trong bó hoa,.
dùng kim giữ nó chặt vào cành hoa vô cảm, dặn đứa bé con vào sân trường mang tới tặng cô ngay, cấm chạy nhảy, phải cầm hoa dựng thẳng lên như thế này thế này.

- Có tiền trong đó, con đừng để rơi rớt mất, nhớ nghen.

Mẹ dặn đi dặn lại làm em bé căng thẳng, nó đi ngập ngừng như thể đang cầm một bó hoa thủy tinh, dễ vỡ. Đường từ cỗng trường vào lớp tự dưng xa.

Hôm nay là ngày 20/11, Lễ nhà giáo Việt.

Hôm qua một bà mẹ khác cũng đặt tiền vào bao thơ, bảo con hai tay tặng hai cô giáo mầm non.

Bà mẹ vẫn thường tặng quà kiểu này cho cô giáo, không vì dịp lễ lạt nào. Ban đầu còn lấm lét dúi vào tay cô, sau nhận ra kẻ tặng người nhận đều cóm róm như tội phạm nên quyết định đưa phong bì một cách đĩnh đạc.

Mẹ biết ơn cô đã chăm sóc con mình ngày này sang ngày khác, một việc mà chính mẹ cũng sợ hãi mỗi khi hè đến. Trẻ con, như chị Vàng Anh nói đại ý cũng như cảnh đẹp, chơi một chút rất thích nhưng chơi lâu đâm ngán ngược. Nên món quà của mẹ không nhằm mục đích để cô chăm chút con hơn (nếu ai cũng tặng thì cô biết thiên vị trò nào), chỉ là lời cảm ơn thiết thực. Cô giáo mầm non, trăm đường cực.

Thí dụ, chuẩn bị cho ngày hai mươi tháng mười một, cô phải tham gia đội múa của trường đi thi cấp thành phố. Tập dượt cực khổ đã đành, nghe nói trường còn phải thuê một anh ở đoàn ca múa tới huấn luyện. Mẹ nghe chuyện, hơi tức mình, tiền ấy dùng để làm quà cho các cô có phải ý nghĩa hơn không.

Trường nghèo, lớp ít, đông học trò, giáo viên lưa thưa, khích lệ được chút nào hay chút ấy. Không thể nói đây chỉ là phong trào văn nghệ văn gừng thôi, vì cái chất ăn thua đã thể hiện rõ ràng trong việc mời chuyên gia ca múa về dạy. Những cái thành tích hão thì không ăn được, và nếu sướng chỉ lãnh đạo trường sướng.

Cô giáo của con mẹ thì không. Ngày mai là ngày Tết của mình, hôm nay cô còn phải dạy tụi nhỏ múa hát trình diễn trong buổi lễ, và cái gọi là "món quà của các cháu dành cho cô" thực ra là một thứ hoa cô trao từ tay phải qua tay trái.

Hoa ấy mà có lõi, cũng chẳng phải là một bó hoa xấu.

Bà mẹ vẫn thường ghét hoa, gửi quà cho cô giáo tiểu học đang dạy thằng con lớn, mẹ ép phong bì vào cuốn sách văn chương. Với mẹ, hoa là thứ không ăn được, tất nhiên, trừ loại có lõi vừa mới xuất hiện vài năm trở lại đây. Ai sáng kiến ra cái kim tây cũng hay.

Bạn của mẹ nghe chuyện tặng quà, hơi phẫn nộ. Nhà bạn sát vách một trường mẫu giáo khác, hôm nào cũng nghe cô bên ấy mắng trẻ con. "Sao đái dầm nữa rồi ông cố nội?", "má ơi má tự xúc cơm ăn cho con khỏe coi", "không ngủ đi còn hát hoài vậy bà ngoại?", lời của những cô chăn trẻ trường công nghe sợ không ? Như dân chợ trời.

Các cô giáo không nghĩ lời nói cũng để lại những tì vết, vô hình, cứ tưởng tan loang đi không bằng chứng. Họ không trọng cái bản thân của họ, thì ai trọng, bạn mẹ nói. "Em có tự tin sẽ tìm lại thái độ dịu dàng tử tế của mấy cô giáo bên đó bằng một bó hoa có lõi không ?", bạn hỏi.

Mẹ đắn đo. Nếu lớp học vẫn là một chiến trường cho cả cô và cháu, chật chội và nóng nực, đầy những áp lực thành tích, vừa phải đưa trẻ đi vệ sinh vừa phải trang điểm múa hát, hoặc ôm bụng bầu tám tháng lặc lè mà phải chăn năm chục đứa trẻ thì một năm chỉ bó hoa (có lõi hoặc không) cũng chẳng ích gì.

Mẹ sẽ vẫn tặng quà cho các cô, những cái phong bì phẳng lì không nhàu nếp, như biết ơn và kính trọng. Sự tôn trọng không hao hụt đi nếu mẹ thấy cô giáo đem quăng vào thùng rác những bông hoa nhựa (sau khi đã lấy lõi ra). Nhưng bà mẹ cũng ao ước chính các cô hãy kính trọng chính mình, tôn trọng cái nghề giáo được xem là cao quý và có ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội này.

Nguồn http://truyenhay.vn/bo-hoa-co-loi.html#ixzz4vhyMwwW3 
Bài viết từ : TruyenHay.Vn - Website đọc truyện hay online 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Tiếng Vỗ Của Một Bàn Tay



Mokurai là thiền sư của chùa Kennin, biệt danh là Tịnh Sấm. Ngài có một đệ tử được gởi gấm tên là Toyo, chỉ mới có mười hai tuổi. Mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối Toyo thấy các đệ tử lớn tuổi hơn thường đến viếng sư phụ mong được chân truyền thiền học và chỉ dạy công án để định tâm.

Toyo cũng ước được tọa thiền.

"Hãy ráng chờ thêm nữa," Mokurai bảo. "Con hãy còn bé lắm."

Nhưng đứa trẻ cứ nài nĩ mãi nên sư phụ cũng chiều lòng.

Một buổi tối Toya đến bên ngoài cửa phòng của sư phụ đúng giờ. Cậu đánh chiêng báo hiệu, đãnh l ba lần ngoài cửa rồi đến ngồi trước mặt sư phụ trong sự yên lặng kính cẩn.

"Con đã nghe tiếng vỗ của hai bàn tay," Mokurai bảo. "Bây giờ chỉ cho ta tiếng vỗ của một bàn tay."

Toyo cúi lạy và lui về phòng mình mà quán chiếu đến công án này. Từ cửa phòng cậu ta có thể nghe văng vẳng tiếng nhạc của các cô đầu geisha. "Ồ! có rồi!" cậu reo lên.

Ðêm hôm sau, khi sư phụ bảo cậu din tả tiếng vỗ của một bàn tay, Toyo bắt đầu đàn bài nhạc của các cô đầu.

"Không, không,ẽ thiền sư Mokurai bảo. "Chẳng phải thế đâu. Ðó không phải là tiếng vỗ của một bàn tay. Con chẳng hiểu gì cả."

Cho rằng tiếng nhạc văng vẳng quấy rầy quá, Toyo bèn tìm một căn phòng vắng lặng hơn. Cậu ta nghĩ miên man. "Thế nào là tiếng vỗ của mộât bàn tay?" Cậu chợt nghe có tiếng nước rơi. "Ta được rồi," cậu tưởng.

Khi cậu gặp lại sư phụ, Toyo bắt chước tiếng nước rơi.

"Cái gì vậy?’ thiền sư Mokurai hỏi. "Ðó là tiếng giọt nước rơi, nhưng không phải là tiếng vỗ của một bàn tay. Ráng nữa đi."Thất vọng, Toyo mặc tưởng đến tiếng vỗ của một bàn tay. Cậu nghe tiếng gió thỏang. Nhưng lại bị gạt đi.

Cậu nghe tiếng cú kêu. Lại cũng bị từ chối.

Tiếng vỗ của một bàn tay lại không phải là của bầy châu chấu.

Toyo đến và đi cũng phải mười bận viếng Thầy với nhiều tiếng động khác nhau. Tất cả đều sai bét. Cả một năm cậu cứ suy nghĩ về tiếng vỗ của một bàn tay là thế nào.

Cuối cùng, cậu bé Toyo đi vào thiền định và quán chiếu tất cả các tiếng động. "Con chẳng còn biết thêm tiếng động nào khác nữa," cậu giải thích về sau này, "do đó con đạt đến tiếng động vô thanh."

Toyo đã ngộ được tiếng vỗ của một bàn tay.

Cổ Học Tinh Hoa - Tham lợi trước mắt, quên hại sau lưng

 THAM LỢI TRƯỚC MẮT, QUÊN HẠI SAU LƯNG


Vua nước Ngô muốn đem quân đi đánh nước Kinh. Đã nhiều người ngăn cản, vua nhất định không nghe. Sau lại hạ lệnh rằng: “Ai can ta đánh nước Kinh thì phải xử tử.”

Có một viên quan trẻ tuổi muốn can ngăn nhà vua mà không giám nói, luôn ba ngày, cứ sáng sớm cầm cung tên đến đứng vườn sau nhà vua, sương xuống ướt đầm cả áo.

Hôm thứ ba, vua gặp mới hỏi rằng: “Ngươi đến đây làm gì mà để sương xuống ướt đầm cả áo như thế?”

Viên quan thưa rằng: “Trong vườn có một cây cổ thụ. Chót vót trên ngọn cây có con ve sầu hút gió uống sương, rả rích kêu cả ngày, tưởng đã được yên thân lắm. Biết đâu đằng sau có con bọ ngựa, đang giơ hai càng chực bắt. Chính con bọ ngựa muốn bắt con ve sầu lại biết đâu đằng sau có con chim sẻ nghển cổ chực mổ. Chính con chim sẻ muốn bắt con bọ ngựa lại biết đâu dưới gốc cây có tôi cầm cung tên chực bắn. Chính tôi đây muốn bắn con chim sẻ mà không biết sương xuống ướt cả áo…Như thế đều là chỉ vì cái lợi trước mắt mà quên hẳn cái hại ngay say lưng vậy”.

Vua nghe nói tỉnh ngộ bèn thôi không đánh nước Yên nữa.

Thanh Lê Tử
GIẢI NGHĨA

Ngô: Tên nước thời Xuân Thu bây giờ vào địa phận phía Nam sông Hoài, sông Tử cho đến tỉnh Triết Gian bây giờ.

Thanh Lê Tử: tức là Lưu Hướng, người nhà Hán làm quan Gián Nghị đại phu, giỏi về văn chương lại kiêm cả kinh thuật và thiên văn.

Truyện cười trong ngày

 Cổ điển và hiện đại


Giáo sư đại học nọ hỏi một sinh viên trong giờ văn học.

- Em hãy cho biết làm thế nào để phân biệt được một tác phẩm văn học cổ điển với một tác phẩm văn học hiện đại?

- Thưa giáo sư, trong tác phẩm văn học cổ điển ta chỉ thấy được nụ hôn của nhân vật từ trang 99 trở đi, còn ở tác phẩm văn học hiện đại thì họ đã có con với nhau ngay ở trang đầu tiên.

Friday, April 29, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Cám dỗ là mây mờ chê phủ lí trí

 CÁM DỖ LÀ MÂY MỜ CHE PHỦ LÍ TRÍ


Cho dù dùng cả cuộc đời để có được tất cả tiền bạc của cả thế giới, nhưng tiền bạc của cả thế giới cũng không mua lại được cuộc đời của bạn. 

Một con cáo phát hiện một chuồng gà, nhưng con cáo đó vì quá mập nên không thể chui lọt qua hàng rào để ăn gà. Thế là nó nhịn đói suốt ba ngày, cuối cùng đã vào được. Tuy nhiên, sau khi ăn no nê rồi, chiếc bụng phình to nên lại không ra được nữa, đành phải bắt đầu nhịn đói lại ba ngày mới ra được. Cuối cùng nó xót xa than thở rằng, bản thân mình ngoài nhất thời sướng miệng ra, trên cơ bản hoàn toàn là phí công vô ích.

Đời người không phải cũng như vậy sao. Đến trần truồng mà ra đi cũng trần truồng. Không ai có thể mang theo tài sản và danh vọng mà mình đã vất vả kinh doanh một đời để theo cùng.Dùng tuổi trẻ để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được tuổi trẻ.

Dùng mạng sống để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được mạng sống;Dùng hạnh phúc để đổi lấy tiền, nhưng tiền lại không mua lại được hạnh phúc. Dùng thời gian để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được thời gian.

Cho dù dùng cả cuộc đời để có được tất cả tiền bạc của cả thế giới, nhưng tiền bạc của cả thế giới cũng không mua lại được cuộc đời của bạn. Vậy nên những lúc nên làm việc thì hãy làm việc, những lúc nên nghỉ ngơi thì hãy nghỉ ngơi, vui vẻ làm việc, tận hưởng cuộc sống, trân quý tất cả những gì mà mình có được, hãy yêu thương những người mà bạn yêu thương, vui vẻ mà sống trọn từng ngày.

Sống một ngày vui vẻ là sống một ngày, sống một ngày không vui vẻ cũng là sống một ngày.......Vậy tại sao chúng ta lại không trân quý hết thảy, vui vẻ mà sống trọn một ngày chứ!

Sưu tầm

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Một Cốc Trà


Nan-In, một thiền sư Nhật vào thời Minh - Trị (1868- 1912), tiếp một vị giáo sư đại học đến tham vấn về Thiền. Nan-In đãi trà. Ngài chế một cốc đầy và vẫn tiếp tục rót. Vị giáo sư nhìn cốc nước tràn cho đến khi không nhịn được, bèn lên tiếng: "Nó đã đầy tràn rồi, không thêm được nữa đâu!"

"Thì cũng như chiếc cốc này" Nan-In thong thả nói, "ông đã mang đầy tư kiến và thành kiến. Làm sao tôi có thể chỉ cho ông về Thiền nếu ông không cạn cốc của ông?"

Cổ Học Tinh Hoa - Say, tỉnh, đục, trong

 Say, tỉnh, đục, trong


Có ông lão đánh cá trông thấy, hỏi rằng:
- Ông có phải là Tam Lư Đại Phu(1) không? Sao mà đến nỗi khốn khổ như vậy?
Khuất Nguyên nói: “Cả đời đục cả, một mình ta trong; mọi người say cả, một mình ta tỉnh; bởi vậy nên ta phải bị bãi chức”.
Ông lão đánh cá nói: “Thánh nhân không câu nệ việc gì, lại hay tuỳ thời. Có phải cả đời đục cả, sao không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục một thể; loài người say cả, sao ông không ăn cả men, húp cả bã cho say một thể? Việc gì mà phải lo xa, nghĩ sâu, để cho đến nỗi phải phóng khí?”.
Khuất Nguyên nói: “Tôi nghe: Mới gội đầu tất phải chải mũ, mới tắm ra tất phải thay áo; có đâu lại chịu đem cái thân trong sạch mà để cho vật dơ bẩn dính vào mình được? Chẳng thà nhảy xuống sông Tương(2), vùi xác vào bụng cá, chớ sao đang trắng lôm lốp, lại chịu để vấy phải bụi dơ”.
Ông lão đánh cá nghe nói tủm tỉm cười, quay bơi chèo đi, rồi hát rằng:
“Sông Tương nước chảy trong veo.
Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta.
Sông Tương nước đục phù sa
Thì ta lội xuống để mà rửa chân”.
Hát xong, đi thẳng không nói gì.

Khuất Nguyên

Giải Nghĩa:

(1) Quan Đại Phu Tam Lư, Tam Lư họ của Khuất Nguyên
(2) Tương tức là sông Tương Giang, một con sông lớn chảy qua tỉnh Hồ Nam, rồi nhập vào động Đình Hồ.

Lời bàn: 

Bài này, tác giả chính là Khuất Nguyên, mượn lời lão đánh cá mà đặt lời vấn đáp. Mấy câu hát của lão đánh cá có ý khuyên Khuất Nguyên hoà quang đồng trần với đời, mấy câu Khuất Nguyên nói thì lại phản đối lại: chết thời thôi chứ không chịu theo thời, không chịu dày dạn, sống đục, không bằng thác trong. Ôi! Không nỡ bỏ nước nhà mà lẩn lút đi ở nơi khác, lại cũng không chịu cùng tiểu nhân mà cẩu thả sống, cho qua đời, sau quả nhiên vùi xác vào bụng cá trong sông Mịch La, lấy nước sông Mịch mà tẩy uế sự nhơ bẩn, thật là nghìn thu trung nghĩa, dòng nước trong xanh, khiến cho ai đem chuyện Khuất Nguyên cũng ngậm ngùi thương nhớ và sinh lòng phấn khởi.

Truyện cười trong ngày

 OAN !!!


Ai cũng biết là Việt Nam, Lào là anh em.

Nhưng một sự thật phũ phàng là: Cái gì tệ ở Việt Nam cũng gán cho cái mác Lào. - Đôi dép mang gớm
nhất, rẻ nhất là đôi dép Lào (15k 2 đôi). - Bệnh thì có bệnh lang ben, hắc Lào. - Cái thứ thuốc hút gớm nhất cũng là thuốc Lào. - Cơn gió khắc nghiệt nhất cũng gọi là gió Lào.

Và ...... Có một ông doanh nhân nọ người Lào sang Việt Nam làm việc cũng đã lâu. Trong một chuyến đi công tác Hà Lội, trên xe buýt, ông ta ngồi chung với 1 người Hà Lội. Sau khi đến trạm dừng, người Hà Lội kia phát hiện là đôi dép mình không cánh mà bay. Ông ta la lên:

-" Thằng lào, thằng lào nấy ?" .

Thursday, April 28, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Hãy Sống Với Những Gì Mình Thật Có

 Hãy Sống Với Những Gì Mình Thật Có

Ngày xửa ngày xưa, dưới chân Hy Mã Lạp Sơn có một vương quốc trù phú tên gọi Thắng Man. Dù là một vương quốc giàu mạnh nhưng lòng người ở đây không thành thật, sống trên những giá trị giả dối, phù phiếm. Tại ngôi chợ bên ngoài hoàng thành có một người đàn ông sống bằng nghề bán mũ. Mũ của anh chàng này rất đẹp nhưng không hiểu sao hàng ế ẩm nên anh chàng toan tính bỏ nghề, tìm nghề khác sinh sống.

Trên đỉnh núi quanh năm tuyết phủ có một nhà tiên tri, theo lời đồn có lẽ tu hành cả trăm năm và đã thành tiên. Nhân vương quốc cho mở đại hội để người dân vui chơi, ăn uống thỏa thích, nhà tiên tri chống gậy xuống núi để quan sát nhân tình, nhân đó tiên đoán vận mệnh của vương quốc.

Trong dòng người hỗn độn, đủ thứ trò vui chơi vô cùng náo nhiệt, nhà tiên tri dừng lại bên cửa hàng bán mũ. Thấy một người đàn ông đang ngồi ủ rũ, nhà tiên tri hỏi:

- Con có chuyện gì không, sao trông buồn quá vậy?

Người đàn ông đáp:

- Thưa ngài, hàng bán ế thì làm sao vui được? Ngài thấy không, trong dòng người cuồng nhiệt kia, người ta bỏ tiền ra mua những thứ chỉ cầm trong tay trong chốc lát rồi quăng bỏ. Họ tung tiền ra để tham dự những trò vui chơi lố lăng của trẻ con mà không thấy tiếc. Trong khi mũ của con là vật dụng hữu ích thì chẳng ai thèm ngó ngàng tới.

Nhà tiên tri khẽ thở dài, nói:

- Thế con có muốn mũ của con bán được không?

- Thế thì còn gì bằng? Nếu bán được con xin hậu tạ ngài.

Nhà tiên tri nói:

- Ta chẳng quan tâm đến chuyện hậu tạ.

Rồi chỉ tay ra ngoài đường, nhà tiên tri hỏi:

- Con có thấy bộ quần áo mà cô gái kia đang mặc không? Có phải nó tầm thường không? Nhưng nếu bộ quần áo đó được cô công chúa mặc vào thì nó trở nên vô cùng quý giá và người ta sẽ đua nhau mua để mặc?

- Dạ đúng vậy.

Nhà tiên tri nói tiếp:

- Muốn cho chiếc mũ của con được nguòi ta ưa chuộng, ngoài giá trị thật của nó con phải gán cho nó một giá trị giả tạo mà người ta ưa thích.

Người đàn ông ngạc nhiên hỏi:

- Ngoài giá trị thực của chiếc mũ này là che mưa nắng, nó còn có giá trị nào khác nữa đâu? Mà làm thế nào con có thể gắn cho nó một giá trị giả tạo?

Nhà tiên tri lấy gậy gõ nhẹ lên đầu người đàn ông ba cái rồi nói:

- Con hãy nghe ta nói. Ngày mai đây con đem chiếc mũ này biếu cho một người nổi tiếng đạo đức của kinh thành. Sau khi nhà đạo đức đã đội chiếc mũ của con. Con đứng ra quảng cáo ầm ĩ cho chiếc mũ. Rồi con sẽ trở nên giàu có.

Nói xong nhà tiên tri bước ra, thoắt một cái đã biến mất. Khi nhà tiên tri đi rồi, người đàn ông suy nghĩ miên man. Nhưng vô kế khả thi, nhất là hàng bán ế ẩm, không tiền nuôi vợ, nuôi con. Thôi thì thử một phen, bất quá chỉ mất một chiếc mũ, chẳng đáng bao nhiêu.

Theo lời chỉ dạy, người đàn ông tìm đến một nhà đạo đức nổi tiếng của kinh thành tên Nakaya, kính cẩn thưa:

- Thưa đức ông. Đã từ lâu con nghe đức ông là nhà đạo đức cao quý của kinh thành này nhưng không có gì để bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Con chỉ là một anh chàng bán mũ nghèo, nay con xin biếu đức ông chiếc mũ đẹp nhất của con đề bày tỏ lòng cung kính. Xin đức ông nhận cho lòng thành kính của con. Và xin đức ông đội nó và chỉ một lần thôi cũng được. Nhà đạo đức vô cùng ngạc nhiên là tại sao lại có một gã ở giai cấp tầm thường như thế này mà cũng biết đến mình cho nên vui vẻ nhận chiếc mũ.

Mấy ngày sau, đợi cho chính mắt mình nhìn thấy nhà đạo đức đã đội chiếc mũ, người đàn ông mở cửa hàng, lớn tiếng rao:

- Mại vô! Mại vô! Thưa bà con cô bác. Chiếc mũ của chúng tôi không phải là chiếc mũ bình thường mà nó mang một giá trị đặc biệt. Những người đạo đức, những bậc trưởng thượng, những người cao quý trong xã hội mới đội mũ của chúng tôi. Quý vị hãy kiểm chứng xem có phải ngài Nakaya đã đội mũ của chúng tôi không? Thưa quý vị, khi đội chiếc mũ này, nó giống như một biểu hiện cho người khác thấy quý vị là con người cao quý. Xin quý vị hãy thử xem. Mại vô! Mại vô!

Nghe quảng cáo vậy, người hiếu kỳ tụ tập lại xem nhưng còn bán tín bán nghi không biết nhà đạo đức Nakaya đã có đội chiếc mũ này không. Nhưng chỉ vài ngày sau, có lẽ đã kiểm chứng đúng nhà đạo đức có đội chiếc mũ, người ta xúm lại hỏi mua.

Rồi khách hàng mỗi lúc mỗi đông khiến người đàn ông phải mướn thêm thợ để sản xuất. Chẳng mấy chốc kinh thành Thắng Man xuất hiện một phong trào đội mũ. Các quan chức triều đình cũng đua nhau đội mũ vì chiếc mũ là tiêu biểu cho đạo đức. Mà có đạo đức thì người dân tôn thờ và ngôi vị bền vững. Rồi các thương buôn cũng đua nhau đội mũ vì chiếc mũ biểu hiện cho sự tin cậy. Khi đã có lòng tin thì việc buôn bán trôi chảy, tiền vào như nước. Thậm chí những kẻ chuyên sống bằng nghề lường đảo cũng bảo nhau đội mũ và làm ăn khấm khá vì người ta tin tưởng những kẻ đội mũ là những người lương thiện. Chiếc mũ của người đàn ông đã trở thành một thời trang, một biểu hiện của giá trị trong đời sống của kinh thành Thắng Man. Và anh chàng bán mũ trở nên giàu có. Nghĩ tới nhà tiên tri, anh chàng đem mấy chục lạng vàng, lần mò lên Hy Mã Lạp Sơn để hậu tạ. Thế nhưng nhà tiên tri nói:

- Con đem về đi. Ta đâu cần tiền bạc. Nhưng con hãy bán hết nhà cửa để dời sang một đô thị khác. Những giá trị vay mượn, giả dối không tồn tại lâu dài. Khi sự thực được phơi bày thì những kẻ sống với giá trị giả dối là kẻ đạo đức giả. Thế nhưng trong cái thế giới Ta Bà này, đạo đức giả là cần thiết. Cần thiết để che dấu sự thực ở bên trong. Nghe lời nhà tiên tri, anh chàng bán mũ lấy cớ về thọ tang mẹ, dọn nhà và từ đó không ai biết tung tích của anh chàng nữa.


Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Mùi Vị Của Lưỡi Kiếm BanZo


Matajuro Yagyu là con trai của kiếm sĩ Nhật lừng danh. Cha anh cho rằng tài nghệ của con ông quá tầm thường khó mong chức phận làm thầy, nên ông đã từ, không dạy.

Vì thế Matajuo đến núi Futara và tìm được một kiếm sĩ lừng danh khác ở đó là Banzo. Banzo lại xác định lời phán quyết của cha anh. Banzo nói : “ Anh muốn ta dạy anh kiếm thuật phải không ? Anh không đủ điều kiện để học kiếm đâu.”

Matajuro một mực hỏi tiếp : “ Nhưng nếu con luyện tập chuyên cần thì con phải mất bao nhiêu năm để trở thành một kiếm sư ?”

Banzo đáp : “ Cả quảng đời còn lại của anh ?”

Matajuro giải thích : “ Con không thể chờ lâu đến thế. Con sẽ vượt qua bất cứ khó nhọc nào, nếu thầy dạy con. Nếu con làm một người hiến mình giúp việc cho thầy thì con phải mất bao lâu ?”

Banzo hơi dễ dãi : “Ồ có lẽ mười năm.”

Matajuro hỏi tiếp: “ Cha con đã già rồi và con phải sớm săn sóc ông. Nếu con luyện tập chuyên cần hơn nữa thì phải mất bao lâu ?”

Banzo đáp : “Ồ, có lẽ ba mươi năm.”

Matajuro hỏi : “ Sao thế ? Trước thầy bảo mười năm bây giờ ba mươi năm. Con sẽ vượt qua bất cứ cực nhọc nào để nắm vững kiếm thuật trong một thời gian ngắn nhất.”

Banzo đáp : “Ðược, với điều kiện anh phải ở lại đây với ta bảy năm. Một người quá nóng nảy muốn đạt kết quả như anh, ít khi học nhanh được.”

Sau cùng, Matajuro hiểi rằng mình đang bị trách mắng vì không có tánh kiên nhẫn. Anh ta kêu lên : “ Hay lắm , Con đồng ý.”

Matajuro không bao giờ nghe nói một lời nào về kiếm thuật và cũng không bao giờ đụng tới thanh kiếm. Matajuro nấu ăn cho thầy, rửa chén bát, dọn giường ngủ quét sân quét nhà, săn sóc vườn, nhất nhất không nói một lời nào về kiếm thuật.

Ba năm trôi qua, Matajuro vẫn làm việc. Nghĩ đến tương lai, anh ta buồn. Matajuro vẫn chưa bắt đầu học thứ nghệ thuật mà anh ta đã hiến mình cho nó.

Nhưng một hôm Banzo bò đến sau lưng Matajuro và tặng anh ta một đường kiếm rợn tóc gáy bằng một thanh kiếm gỗ.

Ngày hôm sau, lúc Matajuro đang nấu cơm, thình lình Banzo nhảy bay qua người anh ta.

Sau đó, ngày đêm Matajuro phải phòng vệ những cú đánh bất ngờ như thế. Bất cứ ngày nào, không một phúc nào Matajuro không suy nghĩ đến ý vị của lưỡi kiếm Banzo.

Matajuro học rất nhanh. Anh mang lại cho thầy những nụ cười vui vẻ. Matajuro trở thành một kiếm sĩ vĩ đại nhất nước.

Cổ Học Tinh Hoa - Trước khi đánh người phải biết giữ mình

 TRƯỚC KHI ĐÁNH NGƯỜI PHẢI BIẾT GIỮ MÌNH


Vua Công nước Tấn đem quân sang đánh nước Vệ. Giữa đường gặp một ông lão đang bừa ruộng, cứ ngẩng mặt lên trời cười khanh khách mãi. Văn Công cho đòi lại, hỏi: “Ngươi cười gì thế?”

Ông lão trả lời: “Tôi cười người láng giềng nhà tôi. Anh ta đưa vợ đi chơi nhà bà con. Giữa đường gặp người con gái hái dâu, anh ta thích quá lén vợ rẽ xuống ruộng dâu, nói chuyện với người con gái. Một chốc ngoảnh lên xem vợ đi đến đâu, thì thấy một chàng đang vẫy vợ anh ta đi. Ấy câu chuyện chỉ có thế, tôi nghĩ mà không nhịn cười được”.

Văn Công nghe nói tự nhiên tỉnh ngộ, kéo quân về, về chưa đến nơi thì đã thấy báo có giặc ở ngoài vào xâm phạm trên mạn bắc trong nước.

Liệt Tử

GIẢI NGHĨA

Tấn: xem truyện số 15

Văn Công: vua giỏi nước chư hầu thời Xuân Thu, đứng vào bậc ngũ bá.

Vệ: Tên một nước thời Xuân Thu ở vào vùng tỉnh Trực Lệ và Hà Nam bây giờ.

Truyện cười trong ngày

 Nỗi khổ của các ông chồng

Một buổi tối, bà vợ đứng trước gương ngắm nghía một lúc rồi bật tiếng thở dài:

– Trời ạ, tôi đã già, béo và xấu xí đến mức này sao?

Thấy chồng không mảy may chú ý, bà vợ tiếp tục than:

– Phụ nữ đúng là số khổ mà. Có chồng con xong nhan sắc tàn tạ, giờ thảm đến mức soi gương cũng không dám nữa.

Ông chồng ngồi đọc báo gần đó lên tiếng:

– Bà còn may mắn hơn tôi chán, than thở gì chứ?

Bà vợ bực mình:

– Đàn ông các ông thì có phải lo lắng gì đâu mà xuống sắc, lại còn bảo tôi may hơn.

Ông chồng buông tờ báo thở dài:

– Bà tự ngắm mình trước gương có mấy phút thôi đã đau khổ vậy rồi. Còn tôi phải ngắm bà suốt từ ngày này sang tháng nọ mà có được than vãn tiếng nào đâu.

– !?!

Wednesday, April 27, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Đôi găng

                                                                         Đôi găng


Mariusz Kwiatkowski

Căn hộ bị xáo tung như một bãi chiến trường. 

- Bình tĩnh nào anh yêu. Có lẽ chúng ở trong tủ ấy.

- Để cho anh yên một chút nào - Người chồng vừa rút đầu ra khỏi tủ vừa hét lên – Anh đã kiếm trong tủ ít nhất mười lần rồi. Chắc chắn anh đã để quên chúng trong taxi. Anh còn nhớ đã đeo chúng lúc ra khỏi nhà Joseph mà.

- Có thể người lái taxi sẽ đem trả lại...

- Thật ngốc mới nghĩ như thế!

- Đồ đạc đánh rơi vẫn được đem trả lại đấy. Em đã từng đọc trên báo...

- Đó chỉ là tuyên truyền nhảm nhí. Họ chỉ muốn chúng ta tin rằng vẫn còn những người lương thiện. Anh thì không tin. Em đừng ảo tưởng nữa, tên lái xe sẽ không bao giờ mang trả đâu. Đơn giản là vì hắn ta đã ăn cắp chúng. Đồ vô lại! Bây giờ thì hắn có thể ra vẻ sang trọng bằng tiền của anh.

- Có thể anh ta đã nộp chúng cho văn phòng công ty taxi.

- Cứ cho là hắn đang làm thế đi, thế rồi sao nữa? Em nghĩ là bọn nhân viên văn phòng của cái công ty ấy không bao giờ đeo găng à? Anh đã tưởng tượng thấy cảnh tay giám đốc vui mừng vì bỗng nhiên có một đôi găng tay trên trời rơi xuống. 

- Bình tĩnh đi anh yêu, anh sẽ bị lên cơn đau gan đấy. Lỡ anh để quên chúng ở nhà Joseph thì sao?

- Có thể là anh để quên chúng thật.... Anh biết rõ bạn anh, cái gia đình Joseph ấy. Bọn họ không bao giờ để cơ hội vuột mất. Chắc chắn bọn họ sẽ tặng cho ông nội, cái lão già lẩm cẩm chưa bao giờ dám mơ một đôi găng tay đẹp như thế!

- Nhưng... đó chỉ là giả thiết. Rất có thể anh đã để quên chúng trên taxi. 

- Hừm!... Có thể lắm. Nếu thế thì mọi việc rõ như ban ngày. Chính Kazio đã lấy chúng. Hắn xuống xe trước anh và ngay lập tức chạy vắt giò lên cổ. Thậm chí không thèm chào tạm biệt anh nữa. Thật là một tên xảo trá! Đồ đểu giả! Chưa bao giờ anh tin hắn cả. Khi anh mua đôi găng đó, hắn tỏ ra ghen tị. Và hắn đã không bỏ lỡ ngay khi có cơ hội ăn cắp. Ngày mai anh sẽ không bắt tay hắn, và anh sẽ nói thẳng vào mặt hắn toàn bộ sự thật. 

Có tiếng chuông cửa. Ngoài cửa là người gác dan với đôi găng trong tay.

- Của tôi đấy. Ông thấy chúng ở đâu vậy?

- Một người lái taxi đã mang chúng đến đây, anh ta thấy đôi găng tay trên xe. 

- Ê! Nhưng sao ông biết đây là găng tay của tôi? 

- Đơn giản là vì tối thứ bảy nào ông cũng về trễ, khi chúng tôi bắt đầu chơi bài. 

Người gác dan đi rồi, người vợ mừng rỡ:

- Anh thấy chưa, em đã nói mà.

- Ngốc quá! Em không thấy cái cách lão ấy nhìn anh à? Lão ta biết tất, kể cả việc anh chơi bài mỗi tối thứ bảy. Rõ ràng hắn đến đây để do thám. Đồ giả dối! Hắn đã theo dõi kỹ càng xung quanh và không có gì có thể lọt khỏi mắt hắn. Ôi! Cái thời đại này thật kỳ quặc!
Truyện châm biếm Balan

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Dạo Mát Nữa Đêm


Nhiều đệ tử đang theo học thiền định dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Sengai. Một người trong bọn họ thường hay dậy ban đêm, vượt tường ra phố để dạo mát cho thỏa thích.

Một đêm, Sengai đi giám thị phòng ngủ, thấy một đệ tử vắng mặt và cũng khám phá ra được chiếc ghế đẩu cao mà anh ta thường dùng để leo qua tường. Sengai dời chiếc ghế chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Khi anh chàng rong chơi trở về, không biết rằng Sengai là chiếc ghế, anh ta đặt chân lên đầu thầy và nhảy xuống đất. Khám phá ra sự việc mình làm, anh ta hoảng sợ.

Sengai bảo nhỏ nhẹ : “ Sáng sớm này trời lạnh lắm. Con hãy cẩn thận kẻo bị cảm.”

Người đệ tử không bao giờ ra ngoài ban đêm nữa.

Cổ Học Tinh Hoa - Không nên sát phạt lẫn nhau

 KHÔNG NÊN SÁT PHẠT LẪN NHAU



Văn Quân đất Lỗ Dương sắp đem quân sang đánh nước Trịnh. Mặc Tử nghe thấy đến can nói rằng:

Ví như bây giờ trong đất Lỗ Dương này, tỉnh lớn đánh tỉnh nhỏ, nhà lớn đánh nhà nhỏ giết người lấy của lẫn nhau thì nhà vua nghĩ như thế nào?

Văn Quân nói:
Bao nhiêu người ở Lỗ Dương đều là tôi con của ta cả. Vì tỉnh lớn đánh tỉnh nhỏ, nhà lớn đánh nhà nhỏ, để cướp lẫn nhau thì ta tất đem trị tội thật nặng.

Mặc Tử nói:
Bao nhiêu người trong thiên hạ đều là tôi con của trời cũng như bao nhiêu người trong đất Lỗ Dương là tôi con của nhà vua, nay nhà vua đem quân đánh Trịnh thì há tránh khỏi được vạ trời hay sao!

Văn Quân nói:
Sao tiên sinh lại ngăn ta đánh Trịnh. Ta muốn đánh Trịnh là thuận cái chí của trời. Vua nước Trịnh ba đời giết cha, trời đã ra tai, làm mất mùa ba năm. Nay ta phải giúp trời mà giết Trịnh.

Mặc Tử nói:
Vua nước Trịnh ba đời giết cha, trời đã ra tai, làm mất mùa ba năm, trời phạt như thế cũng là đủ. Nay nhà vua lại còn đem quân đánh Trịnh mà nói rằng :”Ta đánh Trịnh là thuận ý trời” thì là nghĩa thế nào? Vì như ngay đây có một đứa con ngang ngạnh, cha nó đã cầm roi đánh nó, người cha bên láng giềng lại còn vác gậy ra đánh hôi, bảo rằng:”Ta đánh nó là thuận cái chí của cha nó”. Nói như thế có nghe được không?

Mặc Tử

GIẢI NGHĨA 

Lỗ Dương: tên một ấp lớn của nước Sở về thời Xuân Thu, tức là huyện Lỗ Sơn tỉnh Hà Nam bây giờ.

Can: nói để ngăn ai đừng làm việc gì

LỜI BÀN

Khi mình cậy sức, cậy nhiều, cậy khôn, cậy tài mà hà hiếp kẻ kém mình, thường cứ hay viện lẽ nọ, cớ kia, để như cho mình là phải mà che mắt thế gian, lấp miệng thiên hạ. Nhưng dù viện lẽ gì cớ gì cũng vẫn không được chính đáng. Danh bất chính thì ngôn bất thuận. Mình đã rắp tâm đè nén người ta, tham lấy của người ta, là mình làm điều phi nghĩa rồi, không bao giờ rửa sạch được cái ô danh nữa. Làm việc bậy mà lấy câu nói phải để tế toái đi có khác gì lấy vóc gấm phủ ngoài cành khô hay tượng đất mà bảo người ta là thánh thần đấy.

Truyện cười trong ngày

 Phục vụ tận tình.

Cửa hàng nọ quảng cáo sẽ thỏa mãn vô điều kiện bất kỳ nhu cầu nào của khách hàng. Một người đàn ông vào hỏi mua một đôi găng tay.

– Ngài thích loại màu nào ạ?

– Xin cho tôi loại màu đen.

– Loại găng tay mùa đông hay mùa thu ạ?

– Loại mùa thu.

– Loại dùng với áo khoác ngoài, áo bành tô hay áo bu-dông ạ?

– Với áo khoác ngoài! Thế bao giờ các anh mới bán cho tôi đấy – Người khách hỏi với vẻ bắt đầu bực dọc.

– Thưa ngài, chúng tôi e rằng ngài phải mang chiếc áo ấy đến đây cho chúng tôi xem. Cam đoan khi ấy ngài sẽ tìm được đôi găng tay đúng ý ngài nhất.

Ông già đứng bên cạnh xen vào:

– Đừng tin họ! Lão đã phải cởi quần dài, phải mang cả bô đến mà cuối cùng vẫn chưa mua được giấy vệ sinh của họ đấy!

Tuesday, April 26, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Chết vì khoe tài

 Chết vì khoe tài


Truyện Dương Tu

Tào Tháo có lập một sở hoa viên. Lập rồi, đến xem, không chê mà cũng không khen, chỉ viết một chữ hoạt rồi ra đi, không ai rõ ý gì cả.
Dương Tu nói: “Trong cửa mà viết chữ hoạt thành ra chữ khoát có nghĩa là rộng. Thừa tướng chê cửa này rộng. Thợ bèn sửa nhỏ lại một ít. Tào Tháo đến xem, cả mừng hỏi: “Ai mà biết ý ta hay vậy?”. Kẻ tả hữu thưa: “Ấy là Dương Tu”.
Tháo nghe nói, khen, nhưng trong lòng không thích.
Lại có một khi ngoài ải Bắc đem dưng một thố cơm rượu. Tháo bèn đề nơi nắp thố: “Nhất hiệp tô”, rồi để trên ghế.
Dương Tu vào, thấy ba chữ ấy, liền dở ra, lấy muỗng múc mà chia cho mỗi người một muỗng. Ăn rồi, Tháo ra hỏi: “Vì ý gì vậy?”. Tu thưa: “Trên thố ấy, Thừa tướng đề rõ ràng ‘Nhất hiệp tô’ nghĩa là ‘Nhất nhơn nhất khẩu tô’, mỗi người một miếng cơm rượu, cho nên tôi vâng lời Thừa tướng”.
Tháo khen, nhưng lòng đã ghét…
Tháo thường hay sợ thích khách, nên dặn kẻ hầu hạ: “Khi ta ngủ, bây đừng lại gần, vì ta chiêm bao hay giết người”.
Một ngày kia Tháo đương ngủ ngày, rớt mền. Có một tên hầu cận lật đật lấy mền mà đắp lại. Tháo ngồi dậy rút gươm chém quách, rồi liền lên nằm mà ngủ lại, giây lâu mới thức dậy, giả đò thất kinh nói: “Vậy chứ ai giết kẻ hầu cận của ta?”. Mấy người kia cứ thiệt mà trả lời. Tháo khóc ròng, khiến chôn cất tử tế, ai ai cũng đều tin Tào Tháo thiệt chiêm bao giết người. Dương Tu biết ý Tào Tháo, cho nên khi chôn tên hầu cận ấy, bèn chỉ cái hòm nói: “Không phải Thừa tướng chiêm bao, mà chính mi chiêm bao đấy!”
Tháo hay đặng thì lại càng ghét lắm.
… Tháo đóng binh nơi Tà Cốc đã lâu ngày, muốn tấn binh thì bị Mã Siêu ngăn đón, tới không nổi, muốn thối binh lại e người Thục chê cười… Trong lòng đương do dự, xảy người nấu ăn bưng lên dâng một tô canh thịt gà. Tháo thấy có gân gà, cầm lên ăn. Đang ngẫm nghĩ thì Hạ Hầu Đông bước vào xin cho tiếng khẩu hiệu trong đêm nay. Tháo nghe nói liền ra khẩu hiệu: “Gân gà, gân gà”.
Hạ Hầu Đôn vâng lệnh ra truyền cho các quan đêm nay khẩu hiệu: “gân gà”. Hành quân chủ bộ Dương Tu khi nghe truyền hai tiếng khẩu hiệu gân gà, thì khiến quân của mình sắm sửa đồ hành trang đặng chuẩn bị trở về.
Có người vào báo cho Hạ Hầu Đôn. Đông cả kinh cho mời Dương Tu đến trại mà hỏi: “Sao ông lại khiến sắm sửa đồ hành trang vậy?”. Tu nói: “Lấy theo lời khẩu hiệu đêm này của Ngụy Vương, thì ý Ngụy Vương sẽ lui binh nội ngày mai. Gân gà là ăn nó không có thịt, mà bỏ thì tiếc vì nó có mùi. Nay tấn binh thì thắng không nổi, còn thối đi thì tiếng thiên hạ cười. Song ở đây hoài cũng vô ích, chi bằng về phứt đi. Nội ngày mai ắt là Ngụy Vương rút binh chớ chẳng không. Vậy tôi khiến sắm sửa lần, để ngày mai khỏi chộn rộn”.
Đôn khen: “Ông thật là thông minh, biết trong tim đen của Ngụy Vương”. Bèn khiến quân mình cũng sắm sửa đồ hành trang nữa. Các tướng thấy vậy đều bắt chước sắm sửa lo về.
Đêm ấy, Tào Tháo lo lắng nằm ngủ không yên, bèn xách búa đi tuần các trại. Thấy trại Hạ Hầu Đôn đều sắm sửa lo về. Tháo lấy làm lạ, vội vàng trở về, khiến đòi Hạ Hầu Đôn lại hỏi: “Vì cớ gì binh lính sắm sửa hành trang lo về khi chưa có lệnh của ta?”. Hầu Đôn thưa: “Hành quân chủ bộ Dương Tu đã biết trước trong lòng của Đại Vương”. Tào Tháo cho đòi Dương Tu đến hỏi: “Sao mi dám bày điều làm loạn lòng quân?”. Bèn kêu đao phủ thủ khiến dẫn ra chém, lấy thủ cấp bêu lên làm hiệu lệnh ngoài cửa ngọ môn.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Khi Mệt



Một thiền sinh hỏi Thầy của anh.

"Thưa Thầy, cái gì là sự giác ngộ?"

Vị thiền sư trả lời,

"Khi đói, thì ăn. Khi mệt, thì ngủ."

Cổ Học Tinh Hoa - Diều gỗ

 DIỀU GỖ


Mặc Tử làm cái diều gỗ, ba năm mới xong. Lúc thả cho bay, được một hôm thì diều hỏng.

Học trò khen rằng:

Thầy làm diều gỗ mà bay được thật là khéo!

Mặc tử nói:

Ta làm cái diều ba năm mới xong, diều bay mới được một ngày đã hỏng, cho là khéo thế nào được. Sao bằng người làm cái xe gỗ chỉ tốn một ít công không hết một buổi, mà chở được nặng, đi được xa, dùng được lâu năm. Có thế mới gọi là khéo.

Huệ Tử nghe câu chuyện, bảo:

Mặc Tử nói thế thật là người khéo.

Mặc Tử

LỜI BÀN

Diều gỗ mà bay được, ai không chịu là khéo? Nhưng công làm mất ba năm, dụng chỉ được một ngày, thì cái dụng tưởng như không bổ với cái công. Cho nên Mặc Tử, vốn là người tiết kiệm, chỉ vụ sự làm ăn thiết thực, không cần sự văn hoa vô dụng, ý cho một vật gì sở dĩ gọi là khéo, không phải chỉ là việc làm tinh xảo hơn người, nhưng cốt phải lợi dụng được việc cho người trước. Huệ Tử khen Mặc Tử là cũng theo một cái lý thuyết ấy. Tuy vậy, xét ra ở đời cái khéo và cái dùng không cần gì cứ phải đi đôi với nhau. Thường cái khéo, cái đẹp không cần là hữu dụng hay vô dụng: miếng gỗ, chạm cái tranh vẽ, giọng hát bài đàn chỉ có cho khéo, không thiết dụng mà thực là có ích cho người lắm.

Truyện cười trong ngày

 

3 chữ


Em à, đã bao đêm anh nằm khóc một mình trong đau khổ, vì đã không nói ra 3 chữ ấy.
Anh biết là anh đã sai khi không bày tỏ với em. Và anh cũng biết là nếu anh không nói thì sau này sẽ càng hối hận.

Vì hết tháng này là chúng ta đã không còn bên nhau nữa…

Em lên xe hoa về nhà người, anh lang thang nơi đất khách. Anh rất buồn vì điều ấy.
Nên hôm nay, anh sẽ nói ra điều này, anh không cần em trả lời ngay đâu, chỉ cần em nghe anh nói thôi.

3 chữ đó là: "Trả anh tiền!"

Monday, April 25, 2022

Suy Niệm Trong ngày




 

Truyện ngắn - Biết "cúi xuống"

 BIẾT “CÚI XUỐNG”


Cách đây rất lâu, có một chàng thanh niên người Na Uy đã vượt biển đến nước Pháp để ghi danh thi vào học viện âm nhạc Paris nổi tiếng.

Trong giờ thi, mặc dù anh ta đã cố gắng hết sức để thể hiện khả năng của mình với một trạng thái tốt nhất nhưng vẫn không được ban giám khảo tuyển chọn.

Chàng thanh niên không một đồng xu trong người, đi đến con phố phồn hoa cách học viện đó không xa, đứng dưới một thân cây, và tiếng vĩ cầm vang lên theo nhịp kéo của anh.

Anh ta chơi hết bản nhạc này đến bản nhạc khác, thu hút rất đông người dừng chân lắng nghe.

Chàng thanh niên đói khát cuối cùng nâng hộp đàn của mình lên, những người xem xung quanh xúm lại lấy tiền ra và bỏ vào hộp đàn.

Có một tên ngạo mạn khinh thường anh ta và ném những đồng tiền xuống dưới chân của người thanh niên.

Người thanh niên nhìn tên vô lại rồi cúi người xuống nhặt những đồng tiền trên mặt đất, đưa cho người ngạo mạn và nói: “Thưa ngài, tiền của ông rơi xuống đất này”.

Người ngạo mạn cầm tiền rồi lại một lần nữa ném xuống dưới chân của người thanh niên và nói: “Tiền này đã là của ngươi rồi, ngươi phải nhận lấy”.

Người thanh niên lại một lần nữa nhìn nhìn người ngạo mạn rồi cúi người thật sâu xuống cám ơn người ngạo mạn và nói: “Thưa ngài, cảm ơn sự giúp đỡ của ngài, vừa rồi tiền của ngài rơi xuống mặt đất, tôi đã cúi người xuống nhặt lên, bây giờ tiền của tôi rơi xuống mặt đất, xin phiền ngài cũng nhặt lên giúp tôi”.

Người ngạo mạn kinh ngạc trước hành vi của người thanh niên, nhưng cuối cùng cũng nhặt những đồng tiền trên mặt đất bỏ vào hộp đàn của người thanh niên, rồi bước đi với bộ mặt xám xịt.

Những người vây xung quanh đều yên lặng dùng ánh mắt chăm chú mà theo dõi người thanh niên này, người ngạo mạn đó chính là vị Giám khảo ban nãy.

Cuối cùng vị Giám khảo đó lại đưa chàng thanh niên về học tại học viện. Chàng thanh niên này tên là Bill Sardinia.


Trong cuộc sống có thời điểm mà chúng ta lâm vào ngưỡng thấp nhất của cuộc đời, có thể sẽ gặp phải một số sự khinh thường vô duyên vô cớ. Khi chúng ta ở vào giây phút khó khăn cùng cực nhất của cuộc sống, có thể gặp phải sự chà đạp nhân phẩm của người đời. Phản kháng lại một cách gay gắt là bản năng của chúng ta, nhưng thông thường sẽ khiến cho hành động của những người thiếu hiểu biết, thiếu đạo đức đó càng thêm tệ hại hơn. Chúng ta không dùng lý trí để phản kháng, mà dùng một loại tâm thái khoan dung độ lượng để đối đãi cũng có thể bảo vệ được danh dự của mình. Khi đó, bạn sẽ khám phá ra rằng, bất luận là người có dã tâm nào đi nữa, khi đứng trước chính nghĩa thì đều không cách nào đứng vững nổi. Đôi khi “cúi xuống nhặt lên” lại thể hiện phẩm chất vô giá của bạn! Biết “cúi xuống” mới là trưởng thành, biết “hạ mình” mới là cao thủ.


Có một vị Tổng giám đốc của một công ty lớn nảy ra một ý nghĩ thú vị, anh ta muốn đi trải nghiệm cuộc sống của những người dân thường trên xe buýt, không ngờ lại bị một cô gái xấu xí làm cho mất mặt…

Vị TGĐ.mỗi ngày đều chen lên xe buýt ngồi, mặc dù cũng có chút kham khổ nhưng trong lòng anh lại cảm thấy rất lạ lẫm và vui vẻ.

Thế rồi, có một chuyện không bình thường đã xảy ra…Hôm ấy anh ta cũng lên xe buýt và ngồi xuống ghế. Trong lúc còn đang nhìn ngó quanh quẩn thì đột nhiên, một giọng nói như thét vào mặt anh: “Anh không thể nhường ghế cho người khác à? Không đáng mặt đàn ông gì cả!”

Anh ngước lên thì thấy một người phụ nữ trạc ngoài hai mươi tuổi đang bế cậu con trai nhỏ. Còn người vừa lên tiếng mắng anh là một cô gái có phần “xấu xí”. Lúc anh còn đang sững sờ thì cô gái ban nãy lại to tiếng: “Nhìn cái gì mà nhìn? Tôi nói anh đấy!”

Tất cả những người trên xe buýt đều hướng về phía anh với đôi mắt tò mò, thậm chí “lườm lườm”. Mặt anh bỗng đỏ bừng lên mà không nói được lời nào…

Không còn cách nào khác, anh từ từ đứng lên và nhường ghế ngồi cho hai mẹ con cô gái kia. Đến trạm dừng xe tiếp theo, anh vừa chật vật vừa xấu hổ “trốn” khỏi chiếc xe buýt ấy. Anh không ngờ rằng mình lại gặp phải một việc như vậy. Trước khi xuống xe, anh cũng đã kịp nhìn qua mặt của cô gái “xấu xí” ấy một lần để ghi nhớ.

Không ngờ, một tuần sau đó cô gái “xấu xí” kia lại có mặt trong vòng phỏng vấn tuyển dụng nhân viên của công ty anh. Hơn nữa, anh lại là người trực tiếp phỏng vấn và quyết định tuyển.

Cô gái kia vừa nhìn thấy anh cũng phát hiện ra, nét mặt cô có phần lo lắng, dường như trên trán cô vã cả mồ hôi…

Vị Tổng giám đốc nói: “Cô lau qua một lượt giày của ban tuyển dụng, thì có thể được nhận vào làm”.

Cô gái đứng ở đó một lúc và do dự thật lâu. Cô nghĩ: “Kinh tế trong nhà mình đã khó khăn lắm rồi, mình quá cần công việc này!”

Thực tế, cô ấy rất có năng lực và những thành tích mà cô đạt được cũng rất cao. Tuy nhiên, bởi vì cô có dung nhan hơi xấu nên dù đã đến dự tuyển ở một số công ty nhưng đều bị từ chối.

Cô lại phân vân: “Bây giờ cơ hội bày ra trước mặt mình, chỉ cần mình buông tự tôn, lau giày cho họ thì sẽ có việc làm. Thế nhưng mà mình sao có thể đổi sự tôn nghiêm của mình đây?”

Vị Tổng giám đốc cũng cho rằng: “Cô ta ngang ngược thế chắc sẽ không hạ mình đâu!” Thế là anh ta nhắc lại một lần nữa như để khiêu khích cô, thúc giục cô.

Cô gái lập tức ngồi xổm xuống, cầm giẻ lau và bắt đầu lau giày cho những vị giám khảo kia.

Vị Tổng giám đốc thắc mắc: “Cô ta chắc không phải là một cao thủ, nhưng sao lại không có phản ứng gì hết?”

Khi cô gái bắt đầu lau đến giày của anh, anh ta còn cố ý ngồi bắt chéo và giơ chân lên. Tuy nhiên, bất giác anh ta lại cảm thấy mình có chút gì đó quá đáng. Anh thầm nghĩ: “Cô ta dù làm mất mặt mình trên xe buýt nhưng cũng là vì việc tốt, có chút nghĩa hiệp!”

Nghĩ vậy, anh ta liền xem hồ sơ của cô, không ngờ trước mắt anh là những thành tích tốt mà cô đạt được, vượt xa những người khác. Từ mọi phương diện, dường như cô đều xuất sắc, hơn nữa không thể nuốt lời được. Thế là, sau khi cô gái đã lau hết giày cho mấy vị tuyển dụng, anh tuyên bố trước mặt mọi người: “Cô đã trúng tuyển!”

Cô gái cũng không bộc lộ vẻ vui mừng mà chỉ hướng về phía giám khảo nói lời nhỏ nhẹ: “Tôi xin cảm ơn!”

Sau đó, cô quay người sang phía vị Tổng giám đốc và nói: “Tính cả giày của ngài là 5 đôi, mỗi đôi tôi lấy 20.000, tổng cộng là 100.000. Sau khi ngài trả xong tiền, tôi mới bắt đầu đi làm.”

Vị Tổng giám đốc không biết nói thế nào, mà cũng không thể rút lại quyết định của mình, nên đành phải trả cho cô gái 100.000.

Tuy nhiên, điều khiến anh ta kinh ngạc hơn là cô gái sau khi nhận 100.000 ra về. Lúc cô vừa đi đến cổng công ty thì cô liền đưa hết số tiền đó cho một ông lão nhặt ve chai.

Vị Tổng giám đốc từ sau hôm đó lại có phần nể phục cô gái. Và cũng từ sau khi được tuyển vào công ty, cô gái làm việc rất xuất sắc, đã thay vị tổng giám đốc ký được nhiều hợp đồng lớn.

Có một hôm, vị Tổng giám đốc nhịn không được liền hỏi cô: “Hôm cô đến phỏng vấn, tôi làm khó cho cô như vậy, cô có oán trách tôi không?”

Cô gái trả lời ngay lập tức: “Tôi cúi người xuống, chỉ vì muốn đổi một cơ hội để có thể ngóc đầu lên!”


Nhất thời “cúi người” không có nghĩa là đánh mất tự trọng, càng biết lúc cần “cúi người” thì tương lai càng ngẩng được cao đầu!

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Hà Tiện Lời Dạy  


Một y sĩ trẻ ở Tokyo tên là Kusuda gặp một người bạn đang nghiên cứu Thiền . Vị y sĩ trẻ này hỏi bạn :

_ “ Thiền là gì ? “. 

Người bạn đáp : 

_ “ Tôi không thể bảo bạn nó là gì , nhưng điều chắc chắn , nếu bạn hiểu Thiền , bạn không sợ chết nữa . “ 

Kusuda nói :

_ “ Hay , Tôi sẽ thử coi . Tôi tìm thầy ở đâu bây giờ ? “ .

Người bạn đáp :

_ “ Hãy đến thầy Nanin “. 

Vì thế Kusuda đến viếng Nan-in . Anh ta manh theo một lưỡi kiếm sài hai tấc rưỡi để coi thầy Nanin có sợ chết không cho biết . Chợt thấy Kusuda , Nan-in kêu lên :

_ “Ồ chào anh . Anh khỏe không ? Chúng ta lâu lắm rồi không gặp nhau !” . 

Việc này khiến Kusuda bối rối , anh ta đáp :

_ “ Trước giờ chúng ta chưa bao giờ gặp nhau mà “.

Na-in đáp : 

_ “Ðúng thế . Tôi nhầm anh với một y sĩ khác đã theo học Thiền ở đây “. 

Việc bắt đầu như thế , Kusuda mất cơ hội thử thầy , anh ta xin Nan-in học Thiền một cách rất miễn cưỡng . Nan-in bảo :

_ “ Thiền không khó . Nếu anh là y sĩ hãy chữa trị tử tế cho bệnh nhân . Ðó là Thiền “.

Kusuda viếng Nan-in ba lần . Mỗi lần Nan-in đều bảo :

_ “ Một y sĩ không được phí thời giờ ở đây . Hãy về săn sóc bệnh nhân đi “.

Thật là tối mù mù đối với Kusuda , làm sao một lời dạy như thế có thể làm cho ai hết sợ chết được . Vì thế , trong lần viếng thứ tư , anh ta phàn nàn :

_ “ Bạn con bảo rằng một người học Thiền sẽ không sợ chết . Mỗi khi con đến đây thầy đều bảo về chăm sóc bệnh nhân , Con hiểu điều đó lắm . Nếu cái đó là cái được Thầy gọi là Thiền , con không viếng Thầy nữa đâu “.

Nan-in mỉm cười vổ nhẹ Y sĩ :

_ “ Ta xử với anh hơi có nghiêm khắc . Ðể ta cho anh một công án “. 

Nan-in giới thiệu cho Kusuda công án : KHÔNG của thiền sư Triệu Châu để vượt qua. Nó là vấn đề giác ngộ tâm đầu tiên trong một cuốn sách gọi là Vô Môn Quan .

Kusuda suy tư về công án “ Không “ này trong hai năm . Sau cùng , anh ta nghĩ rằng mình đã đạt được cái tánh chắc chắn của tâm . Nhưng Nan-n phê bình :

“ Con chưa vào được “. 

Kusuda tiếp tục chú tâm thêm một năm rưỡi nữa . Tâm anh ta trở nên yên tịnh . Các vấn đề được hóa giải . Cái Không trở thành chân lý , Kusuda phục vụ bệnh nhân tử tế , và không có ngay cả việc hiểu nó nữa , Kusuda thoát khỏi sự lo âu sống chết .

Rồi khi Kusuda viếng Nan-in . Ông thầy già của Kusuda chỉ mỉm cười .

Cổ học Tinh Hoa - Bắt chước nhăn mặt

 BẮT CHƯỚC NHĂN MẶT

Nước Việt có nàng Tây Thi nổi tiếng đẹp một thời. Nàng có chứng đau bụng, mà khi nào đau ôm bụng nhăn mặt, thì lại càng đẹp lắm. Có người đàn bà ở cùng làng thấy mặt nhăn mà đẹp, muốn bắt chước, về nhà cũng ôm bụng mà nhăn mặt. Người làng trông thấy, tưởng là ma quỷ; nhà giàu thì đóng cửa chặt không dám ra, nhà nghèo thì bồng bế vợ con mà chạy trốn.
Trang Tử
GIẢI NGHĨA
Tây Thi hoặc còn gọi là Tây Tử:
Người con gái nước Việt ở thôn Trữ La, làm nghề dệt vải, cha thì bán củi. Nàng nổi tiếng đẹp, sau vua nước Việt là Câu Tiễn vì thua nước Ngô đem nàng hiến cho vua Ngô là Phù Sai.
Trang Tử: Sách của Trang Chu soạn đến đời Đường gọi là Nam Hoa Chân kinh. Trang Tử, học đạo Lão tử, sau người ta vẫn xưng Lão tử với Trang tử là tổ của Đạo gia.
LỜI BÀN

Chỉ biết nhăn mặt là đẹp. Không biết nét mặt phải thế nào thì nhăn mới đẹp. Thực là đáng tiếc! Kẻ quên phận mình, chỉ muốn bắt chước người thì có khác gì người xấu muốn bắt chước nàng Tây Thi nói trong truyện này không? Ôi! bắt chước là một cái hay, nhưng nếu không chịu suy nghĩ cứ nhắm mắt bắt chước liều như con lừa thổi sáo, con nhái muốn to bằng con bò, thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ, chẳng những không được lợi gì mà lại thiệt đến bản thân.