Monday, August 23, 2021

Cổ Học Tinh Hoa - Gió lớn mới biết cỏ cứng

 Gió lớn mới biết cỏ cứng, cám dỗ mới thấy tiết tháo của một người


Người xưa có câu: “Gió lớn mới biết cỏ cứng, gian nguy mới biết ai là trung thần”, chỉ vào lúc gặp khó khăn gian nan mới có thể nhận ra được tín niệm và khí tiết của một người.
Từ bản chất của con người mà xét thì ban đầu vốn là thiện ác rõ ràng, chính và tà không thể cùng tồn tại. Nhưng, nếu như ở vào thời kỳ yên ổn bình hòa thì rất khó để phân biệt ra một người là gian trá hay chân thật và nhân phẩm là cao hay thấp.
Đây là bởi vì họ có thể dùng “hoa ngôn xảo ngữ” để che giấu những gian trá này đi. Người xấu cũng có thể tùy lúc mà đeo cho mình một bộ mặt “giả nhân giả nghĩa” để trở thành người tốt. Bởi vậy, phần nhiều là ở vào lúc gặp khó khăn gian nan mới có thể hình thành khảo nghiệm đối với tín niệm và khí tiết của một người.

Khổng Tử là người có phẩm hạnh và đạo đức cao thượng, cả đời tận lực vì sự nghiệp dạy học. Dù cả cuộc đời ông sống trong cảnh nghèo túng, chưa từng ra làm quan, nhưng vị thế là bậc tôn sư của ông không vì thế mà mất đi trong lòng hậu thế.

Còn Tần Cối từng làm quan đến chức Thừa tướng vào triều nhà Tống (960 – 1276). Ông ta nắm giữ quyền lực hiển hách, chức quan dù to nhưng hành động không có đạo đức tương xứng khi hại người trung thực ngay thẳng, bán nước cầu vinh làm ô danh thiên cổ.

Từ hai trường hợp trên cho thấy, một cuộc đời thành công được người đời tôn kính không nhất định phải làm quan to hay giàu có. “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, ý rằng giàu có không bị cám dỗ, nghèo túng không dễ thay đổi, quyền uy không thể bị khuất phục mới là tiết tháo mà con người nên giữ gìn.

Bởi vậy, nếu muốn biết ý chí của một người như thế nào, có đáng tin cậy hay không, hãy nhìn vào khả năng của người đó trước sự cám dỗ của danh lợi là có thể biết rõ. Người có tiết tháo, ý chí kiên định sẽ chiến thắng những dụ dỗ, đe dọa, luôn tiến lên theo con đường hay mục tiêu mình đã chọn.

Tô Vũ (140 – 60 TCN) thời Hán Vũ Đế phụng mệnh đi sứ nước Hung Nô, thủ lĩnh nước Hung Nô dùng nhiều thủ đoạn (của cải, quan tước…) để dụ dỗ ông hàng phục nhưng đều thất bại. Cuối cùng họ liền bắt ông đến vùng sơn cước xa xôi chăn dê, cắt nguồn lương thực, muốn dùng cuộc sống khổ cực nghèo hèn để ép ông vào khuôn phép.

Nhưng Tô Vũ là người uy vũ không khiến ông khuất phục, nghèo túng không khiến ông thay lòng, không thể dùng phú quý mê hoặc được. Cho nên, dù ngồi tù suốt 19 năm ở nước Hung Nô nhưng tiết tháo của ông không hề thay đổi. Cuối cùng, thủ lĩnh Hung Nô không làm gì được đành phải để ông về nước Hán.
Vào triều nhà Hán, Hoàng Bá và Lệnh Hồ Tử Bá là bạn thân cùng quê. Khi Lệnh Hồ Tử Bá làm Thừa tướng nước Sở thì Hoàng Bá chỉ giữ một chức quan địa phương nhỏ.

Một hôm, Lệnh Hồ Tử Bá sai con trai mình đi chuyển đến cho Hoàng Bá một phong thư. Sau khi những quan khách đã ra về hết nhưng Hoàng Bá vẫn ngồi “tê liệt” trên ghế một hồi lâu mà không thể dậy nổi.

Vợ của ông thấy lạ liền hỏi: “Ông đang có chuyện gì thế?”.

Hoàng Bá đáp: “Tôi vừa thấy người con trai của Lệnh Hồ Tử Bá phong thái đĩnh đạc, dáng vẻ phóng khoáng, nét mặt sáng ngời, còn bản thân tôi thì lôi thôi nhếch nhác giống như một ông lão già yếu vậy. Thấy người ta tiền đồ huy hoàng, phát đạt mà mình thì không có gì, cũng chẳng có mối quan hệ nào, nghĩ đến việc không thể mang lại cho con cái chúng ta cuộc sống sung túc vẻ vang làm lòng tôi vô cùng áy náy!”.

Vợ của Hoàng Bá sau khi nghe thấy thế thì vô cùng tức giận, liền to tiếng: “Xem trọng thanh liêm tiết tháo, xem nhẹ công danh lợi lộc là con người của ông xưa nay. Bây giờ xem bề ngoài của Lệnh Hồ Tử Bá vinh hiển cũng chẳng qua chỉ là sự khác biệt trong lựa chọn đường đời của cá nhân. Có gì phải lấy ra so sánh? Ông không nên vì chuyện này mà quên mất chí hướng vốn có của mình, không cần phải cảm thấy hổ thẹn với con cái”.

Hoàng Bá sau khi nghe vợ mình khuyên thì như được đánh thức mà tỉnh lại, cảm thấy khâm phục suy nghĩ thấu đáo của vợ.

Ở vào mỗi một khoảng thời gian khó khăn, ở vào nghịch cảnh, thậm chí là ở vào lúc nguy hiểm đến sinh mệnh nếu như vẫn có thể kiên trì theo đuổi tín ngưỡng và đức hạnh của bản thân mình thì đó mới thực sự là “trung thần nghĩa sĩ”, là người quân tử đáng tôn kính. Đây chính là lý do mà từ thời thiên cổ đến nay, cho dù rất nhiều “trung thần nghĩa sĩ”, rất nhiều người cho dù là bị thất bại thảm hại những vẫn được hậu nhân tán dương và kính trọng.

“Tật phong tri kính thảo, bản đãng thức thành thần” (Tạm dịch: Gió lớn mới biết cỏ cứng, hỗn loạn mới biết trung thần). Đây là câu nói giàu tính triết lý và có mang tính chất gợi ý. Trong lúc “gió yên” thì “cỏ cứng” sẽ hòa lẫn vào với những loại cỏ thông thường khác, cũng giống như trong cuộc sống bình hòa thì “trung thần” cũng dễ dàng bị lẫn lộn trong người thường vậy.

Tính đặc thù này không có hoàn cảnh để thể hiện ra nên thật khó để phân biệt. Chỉ có trải qua “gió lớn mãnh liệt” và “thời cuộc hỗn loạn” khảo nghiệm thì mới có thể nhận ra cỏ nào là mạnh và người nào là người tận tâm, trung thành, có phẩm chất cao quý mà thôi.

Một chính nhân quân tử sẽ giữ được ý chí và tiết tháo kiên định, không dễ dàng thay lòng vì vật chất cám dỗ. Cho dù không có quan tước hiển vinh và giàu sang phú quý thì họ vẫn luôn là tấm gương cho người khác về nhân cách, về đạo đức cao thượng không gì lay chuyển được. Dù cho người khác không nói ra nhưng trong lòng họ vẫn tôn sùng những người như vậy bởi ở bất kỳ đâu thì nhân cách cao thượng cũng luôn tỏa ánh hào quang chiếu rọi.

Theo Daikynguyenvn

No comments:

Post a Comment