Sunday, August 29, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Nhặt được của rơi

 NHẶT ĐƯỢC CỦA RƠI


Đang đi vô mục đích như vậy thì bỗng thấy trên mặt đường: cái gì thế này? Một chiếc ví con bằng nhung màu đỏ. Và có vẻ không rỗng ruột mà chật căng tiền.

***

Một hôm tôi và chị Liôla nhặt được một chiếc hộp đựng kẹo rỗng. Chúng tôi bèn bỏ vào hộp một con ếch và một con nhện. Chúng tôi lấy giấy sạch gói chiếc hộp, buộc bằng một chiếc nơ xanh sang trọng và đặt nó bên vệ đường trước vườn nhà mình. Giống như kiểu ai đó vừa đi ngang qua và đánh rơi cái gói mới mua về.

Đặt cái gói sau cột đá, chúng tôi nấp trong vườn nhà mình, cố nhịn cười và sốt ruột chờ xem điều gì sẽ xảy ra.

Chờ một lúc thì có người đi qua.
Nhìn thấy chiếc hộp, dĩ nhiên là ông ta dừng lại, mừng rỡ, thậm chí còn xoa xoa hai tay vào nhau. Còn phải nói: ông ta nhặt được hộp kẹo – có phải ngày nào cũng gặp may như thế đâu!

Tôi và chị Liôla nín thở xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Người qua đường cúi xuống cầm cái gói lên, nhanh chóng mở nó ra, thấy chiếc hộp đẹp thì lại càng mừng hơn nữa.

Rồi nắp hộp được bật ra. Con ếch của chúng tôi ngồi buồn mãi trong bóng tối, đến lúc ấy vội nhảy thẳng vào tay người ấy. Ông ta kinh hoàng kêu lên và ném phắt chiếc hộp xuống.

Tôi và chị Liôla cười lăn ra bãi cỏ. Chúng tôi cười to đến nỗi người qua đường nhìn vào phía bọn tôi và hiểu ra mọi chuyện. Ông ta nhảy qua hàng rào hòng dạy cho chúng tôi một bài học.

Chúng tôi thét lên và vùng chạy vào nhà. Nhưng tôi vấp chân vào luống đất và ngã lăn ra. Người qua đường tóm được tôi và véo tai tôi rất đau. Tôi kêu ầm lên. Nhưng người kia cho tôi hai cái bạt tai rồi bình thản đi ra khỏi vườn. Nghe tiếng kêu, bố mẹ tôi chạy ra.

Vừa đỡ chiếc tai sưng tấy vừa khóc lóc, tôi lại gần bố mẹ kể lể về chuyện vừa xảy ra. Mẹ tôi định sai ông quét sân đuổi theo người kia và bắt ông ta. Chị Liôla toan đi gọi ông lao công nhưng bố tôi ngăn lại. Bố bảo chị Liôla và mẹ:

- Đừng gọi ông lao công làm gì. Và cũng đừng bắt người đi đường kia. Tất nhiên, ông ấy chẳng nên kéo tai Minka, nhưng có lẽ ở vào địa vị ông ta, bố cũng đã làm như vậy.

Nghe bố nói thế, mẹ nổi giận và nói:

- Anh thật là ích kỉ!

Tôi và chị Liôla cũng giận bố nhưng không nói gì cả. Tôi vừa xoa chiếc tai của mình vừa khóc toáng lên. Cả chị Liôla cũng sụt sịt khóc.

Mẹ nắm tay tôi và bảo bố:

- Thay vì bênh người qua đường kia và làm cho các con phát khóc, anh hãy giải thích cho các con hiểu chúng đã hành động xấu ở chỗ nào. Bản thân em thì thấy chẳng có gì xấu cả. Và em vẫn cho rằng đó chỉ là trò nghịch ngợm của trẻ con mà thôi.

Bố tôi chẳng biết trả lời như thế nào. Ông chỉ nói:

- Rồi sẽ có lúc bọn trẻ lớn lên và chúng sẽ tự mình hiểu được, vì sao lại không nên làm như thế.
Thời gian dần trôi. Năm năm qua đi. Rồi mười năm trôi qua. Cuối cùng, mười hai năm đã trôi qua. Mười hai năm sau, từ một thằng bé con tôi đã trở thành một cậu sinh viên mười tám tuổi. Tất nhiên tôi đã quên và không còn nghĩ tới trường hợp đó nữa. Nhiều ý nghĩ thú vị hơn nhiều đã xâm chiếm đầu óc tôi.

Nhưng rồi có lần đã xảy ra chuyện như thế này:

Mùa xuân, sau khi thi học kì xong, tôi đến vùng Kavkaz ([3]). Thời đó sinh viên thường nhận việc để làm thêm trong mùa hè và thường đi về các địa phương. Tôi cũng nhận làm người soát vé trên tàu hỏa.

Tôi vốn là một sinh viên nghèo và không có tiền. Thế mà bây giờ người ta cho đi Kavkaz không mất tiền vé mà lại còn cho nhận lương nữa. Cho nên tôi nhận làm công việc đó. Và tôi đã lên đường.

Đầu tiên, tôi đến thành phố Rostov, vào sở hỏa xa để nhận tiền, giấy tờ và cái kìm bấm lỗ soát vé. Nhưng đoàn tàu của tôi bị chậm giờ. Thay vào buổi sáng, nó về ga vào lúc năm giờ chiều. Tôi gửi chiếc vali của mình vào phòng gửi hành lí ở nhà ga rồi đi tàu điện đến văn phòng Sở Hỏa xa.

Khi tôi đến nơi, người gác cửa nói:

- Rất đáng tiếc, anh đến muộn quá, chàng trai ạ. Văn phòng đã đóng cửa rồi.

- Sao lại đóng cửa? – tôi nói. - Hôm nay tôi cần phải nhận tiền và giấy chứng nhận mà.

Người gác cửa nói:

- Mọi người về hết rồi. Ngày kia mời anh lại đến.

- Sao lại ngày kia? – tôi nói. – Thôi thế thì mai tôi lại đến vậy.

Người gác nói:

- Ngày mai là ngày lễ, văn phòng không làm việc. Ngay kia anh cứ đến mà nhận những thứ cần thiết.

Tôi bước ra phố. Và đứng đực ra đó. Tôi không biết mình phải làm gì.

Phía trước còn hai ngày. Trong túi tôi không có tiền – tất cả còn đúng ba kôpếch. Ở thành phố xa lạ này tôi chẳng quen biết ai. Tôi sẽ ăn đâu, ngủ đâu, hoàn toàn không thể nào biết được.

Tôi lại đến nhà ga để lấy trong vali một thứ gì đó, áo sơmi hoặc khăn mặt để đem ra chợ bán lấy tiền. Nhưng ở nhà ga người ta bảo tôi:

- Trước khi anh muốn lấy vali thì phải trả tiền gửi đồ đi đã, rồi sau đó muốn làm gì với nó thì cứ việc làm.

Tôi chỉ còn đúng ba đồng xu nên không thể trả tiền gửi hành lý được. Thế là đành lủi thủi ra phố, lòng đầy hoang mang. Giá như bây giờ thì tôi sẽ không bị hoảng loạn như thế. Nhưng lần ấy tôi cảm thấy vô cùng lúng túng. Tôi đi lang thang vô định trên đường phố, lòng đầy đau khổ.
Đang đi vô mục đích như vậy thì bỗng thấy trên mặt đường: cái gì thế này? Một chiếc ví con bằng nhung màu đỏ. Và có vẻ không rỗng ruột mà chật căng tiền.

Trong giây lát tôi dừng lại. Những ý nghĩ mừng vui thoáng hiện trong đầu tôi. Tôi như thấy mình sau cánh cửa hiệu bánh mì. Sau đó, tôi thấy mình trên giường khách sạn, tay cầm một phong sôcôla.

Tôi tiến lên một bước về phía chiếc ví. Và đưa tay về phía nó. Đúng lúc đó chiếc ví (hay là tôi tưởng như vậy) chạy xa tay tôi một chút.

Tôi lại đưa tay định nhặt chiếc ví. Nhưng nó lại chuyển động xa hơn nữa, như để tránh bàn tay tôi.

Không hiểu chuyện gì xảy ra, tôi lao đến chiếc ví.

Vừa lúc đó, sau hàng rào, phía trong vườn, có tiếng cười của trẻ con vang rộ lên. Và chiếc ví được buộc bằng sợi chỉ biến khỏi mặt đường nhựa.

Tôi đến gần hàng rào. Mấy đứa trẻ đang cười lăn lộn trên mặt đất. Tôi muốn lao vào phía chúng. Và đã nắm lấy hàng rào để nhảy vào. Đúng lúc ấy tôi chợt nhớ ra trò nghịch ngợm của mình hồi bé.

Lập tức mặt tôi đỏ bừng lên. Tôi rời khỏi hàng rào. Và tôi chậm rãi bước đi tiếp.

Các bạn nhỏ! Trong cuộc đời, điều gì rồi cũng qua đi. Hai ngày ấy cũng đã trôi qua.

Chiều hôm ấy, tôi ra ngoại ô, đến một cánh đồng và thiếp đi trên một bãi cỏ.

Sáng hôm sau, khi mặt trời lên, tôi tỉnh dậy. Tôi dùng ba kôpếch mua một funt  bánh mì để ăn và uống nước trắng. Và tôi lại lang thang đi dạo trong thành phố cho hết ngày.

Đến chiều, tôi lại ra ngoại ô, nằm trên bãi cỏ để ngủ. Nhưng hôm ấy không may trời đổ mưa, tôi bị ướt như chuột lột.

Sáng sớm hôm sau tôi đứng sẵn trước cổng ngôi nhà để chờ văn phòng mở cửa. Cửa mở. Tôi bước vào văn phòng, vừa ướt át vừa bẩn thỉu. Các nhân viên văn phòng nhìn tôi đầy ngờ vực. Thoạt đầu họ không muốn phát tiền và giấy tờ cho tôi. Rốt cuộc rồi họ cũng phát cho.

Chẳng bao lâu sau, sung sướng và rạng rỡ, tôi lên đường đi Kavkaz.

Mikhail Zoshchenko

Nguyễn Thị Kim Hiền dịch

Cổ Học Tinh Hoa - Đáng sợ gì hơn cả

 Đáng sợ gì hơn cả


Loài yếu sợ loài khoẻ, kẻ dại sợ kẻ khôn như chó sợ hùm, mường mọi sợ người văn minh vẫn có. Nhưng cái sợ ấy là cái sợ hoạ hoằn. Chớ cái sợ kẻ đồng loại, người đồng nghiệp mới là cái sợ thường có luôn, cái sợ thực đáng sợ luôn vậy.

Tại lầu sách nhà kia có con hồ tinh(1) không hiện hình ra bao giờ, nhưng thường vẫn hay trò chuyện. Chuyện nói rất lý thú, ai nghe cũng phải phục.

Một hôm, tân khách(2) họp đông, họ mời rượu ước với nhau rằng: “Ai sợ gì thì phải nói, mà nói vô lý thì phải phạt rượu”.

Bấy giờ, cử toạ(3) lần lượt nói, nào sợ người học rộng, nào sợ người nhà giàu, nào sợ người quan to, sợ người nịnh giỏi, nào sợ người khiêm tốn quá, sợ người lễ phép câu nệ quá, nào sợ người thận trọng ít nói, sợ người hay nói nửa chừng...

Sau cùng hỏi đến hồ tinh, thì hồ tinh đáp: ta chỉ sợ hồ tinh.

Ai nấy đều cười, bảo rằng: “Người ta sợ hồ tinh mới phải, anh là đồng loại can gì mà sợ? Phạt anh một chén rượu”.

Hồ tinh cười nói: “Thiên hạ duy có đồng loại là sợ nhau. Con cùng cha mới tranh gia sản; gái cùng chồng mới hay ghen tuông; kẻ tranh quyền nhau, tất là quan lại đồng triều, kẻ tranh lợi nhau tất là lái buôn một chỗ. Bức nhau thì trở ngại nhau, trở ngại nhau thì khuynh loát nhau. Nay lại còn người bắn con trĩ thì dùng con trĩ làm mồi, không dùng con gà, con ngỗng, người săn hươu thì dùng con hươu làm mồi, không dùng con dê, con lợn. Phàm những việc phản gián đều là phải dùng đồng loại cả. Cứ thế mà suy thì tài nào mà chẳng sợ hồ?”

Cử toạ đều cho câu nói của hồ tinh là xác đáng.

Lời bàn:

Loài yếu sợ loài khoẻ, kẻ dại sợ kẻ khôn như chó sợ hùm, mường mọi sợ người văn minh hoặc vẫn có. Nhưng cái sợ ấy là cái sợ hoạ hoằn. Chớ cái sợ kẻ đồng loại, người đồng nghiệp mới là cái sợ thường có luôn, cái sợ thực đáng sợ luôn vậy. Người phải sợ người hơn là sợ hùm beo, sư tử, người đồng loại, kẻ đồng nghiệp sợ lẫn nhau hơn là sợ người ngoài? Tại sao? Tại chỉ có cùng nhau một loài, cùng nhau một nghề mới phải cạnh tranh đá chọi lẫn nhau. Mà đã cạnh tranh nhau, tất hay dòm dỏ nhau, tìm cách hại lẫn nhau để cầu lợi cho mình, thậm chí tàn sát nhau đến chôn sống hàng vạn quân, giết chết hàng triệu người mà vẫn không chán. Thảm thương thay! Người lại hại người!

--------------------

(1) Hồ tinh: Tục truyền giống hồ sống nghìn năm thành hồ tinh hay quấy nhiễu người.

(2) Tân khách: chỉ gồm những người đến thăm nom vui chơi với chủ. Nói tách ra là quý khách và khách thường

(3) Cử toạ: tất cả bao nhiêu người cùng ngồi một chỗ

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Một Cốc Trà


Nan-In, một thiền sư Nhật vào thời Minh - Trị (1868- 1912), tiếp một vị giáo sư đại học đến tham vấn về Thiền. Nan-In đãi trà. Ngài chế một cốc đầy và vẫn tiếp tục rót. Vị giáo sư nhìn cốc nước tràn cho đến khi không nhịn được, bèn lên tiếng: "Nó đã đầy tràn rồi, không thêm được nữa đâu!"

"Thì cũng như chiếc cốc này" Nan-In thong thả nói, "ông đã mang đầy tư kiến và thành kiến. Làm sao tôi có thể chỉ cho ông về Thiền nếu ông không cạn cốc của ông?"

Truyện cười trong ngày

 Bắt đầu


Bố: "Sao mới vào học con đã bị điểm 0?"
Con: "Thầy dạy toán bảo: "Chúng ta phải bắt đầu từ số 0".

Saturday, August 28, 2021

Suy Niệm Trong Ngày




 

Truyện ngắn - Bầu trời nức nở

                                           Bầu trời nức nở


- Cái gì ở ngoài đường thế kia? - Chị vợ Manhia hỏi chồng.

Nhà văn Ackhiđây Môtưga nhìn qua cửa sổ một lúc, suy nghĩ một lúc rồi quay vào nói với vợ:

- Bầu trời đang nức nở khóc than. Qua màn lệ trong suốt như một làn khói nhẹ, tôi trông thấy toàn cảnh thành phố chúng ta đang đắm chìm trong mưa. 

- Anh lẩm bẩm cái gì mà dài dòng vậy! Chị Manhia sốt ruột ngắt lời chồng – Thà rằng anh cứ nói đơn giản là trời đang mưa có hơn không.

- Em chẳng hiểu gì cả - Môtưga phản đối – Anh là nhà văn, anh phải suy nghĩ bằng hình ảnh, và anh không thể nói khác được. 

- Còn em thì yêu cầu anh hãy nói như một con người. Anh hãy ra ngoài bao lơn và gọi thằng Aliôsa về nhà đi. 

Môtưga im lặng bước ra ngoài bao lơn và kêu to khắp cả sân với một vẻ thống thiết: 

- Hỡi tuổi thơ yêu dấu của ta! Con trai Aliôsa của ta. Ta kêu gọi con hãy làm trọn nghĩa vụ của mình. Con yêu quý, hãy hưởng ứng lời kêu gọi. Hãy tạm rời bỏ những thú vui với bạn bè của mình. 

Tối hôm đó, chị Manhia bắt chồng ngồi vào bàn và đọc cho anh ghi những công việc làm gấp ở nhà trong ngày mai. Bản kê công việc được ghi khá dài và công việc thì không lấy gì làm hứng thú, cho nên Môtưga có vẻ buồn rầu.

Nhưng buổi sáng hôm sau, số phận cứu anh: Anh được mời đi họp gấp ở ban biên tập tạp chí Bơrưs, cơ quan ngôn luận của những người chơi mèo Xiêm. 

Môtưga thuyết phục vợ một cách hùng hồn và tha thiết:

- Manhia, em yêu quý! Anh là uỷ viên ban biên tập Bơrưs bị đe dọa không ra khơi được vào lúc này, lúc này 67 người đặt mua dài hạn đang đỏ mắt trông chờ báo ra, đó là chưa kể hơn bốn mươi số sẽ đưa bán lẻ...

Nói thêm ít lời nữa về trách nhiệm của những người sống đối với các sinh vật sống, Môtưga vội vã ra đi. Còn vợ và mẹ anh bắt đầu nghiên cứu xem những công việc nội trợ cần làm đã được ghi trong bản kê của anh.

Thế này nhé - mẹ anh đọc - điểm thứ nhất : "Hãy dùng hành động nhẹ nhàng để xua tan bóng tối, xua tan màn đêm bằng ánh nắng chói chang...". Cái gì thế này? Xua bóng tối? Có thể là con nhờ nó lau cửa sổ à? 

- Đừng hòng mà nhờ nhà con việc ấy. Không mẹ ạ, chuyện này đơn giản nhiều: có nghĩa là anh ấy phải thay hộ con cái bóng đèn bị cháy trong bếp.

- Tinh thật! Bây giờ đến điểm thứ hai: "Ôi, những âm thanh lạc lõng chán chường đã phá tan điệu nhạc tuyệt vời của những giấc mơ kỳ diệu. Ta phải bay lên mà chấm dứt cung đàn ngang trái!"

Chị Manhia khoát tay giải thích:

- Trời đất, viết lách cái gì đến kỳ! Đã mấy lần con nhờ anh ấy lên tầng trên đề nghị ông láng giềng đừng có mà phập phình cái đàn Balalaica sau mười một giờ đêm để cho hàng xóm ngủ chứ. Thôi để lát nữa con phải lên gặp ông "Môda" ấy mới được. Thế còn việc gì nữa? 

- Càng ngày càng khó hiểu... – Bà mẹ nhăn nhó bóp trán suy nghĩ "... Ta phải đem về nhà màu trắng trinh bạch của tuyết, vị thơm trong sạch của bông và màu thiên thanh của trời hè!". Nghe đây, Manhia! Mẹ lo cho sức khỏe chồng con đấy. Sao nó lại lẩn thẩn giữa tháng sáu mà đòi mang tuyết về nhà là thế nào? 

- Ôi mẹ ơi, điều này rõ rồi – Manhia mỉm cười vẻ tự hào vì đã có kinh nghiệm - Tức là anh ấy muốn nói đến quần áo và đệm trắng mà con nhờ anh ấy đi lấy ở xưởng giặt về. Thật là con có tỏ ý lo ngại chỉ sợ họ quá ta hồ lơ, lại thành màu thiên thanh thì khổ.

Hai ngày sau, khi đang lúi húi trong bếp, tình cờ chị Manhia nghe lỏm được câu chuyện điện thoại sau đây của chồng mình với nhà xuất bản: 

- "... Quỷ tha ma bắt các anh! – Môtưga nói to tiếng – Các anh định trả tôi có một trăm rúp cho một trang tác giả, trong khi nhà xuất bản keo kiệt nhất cũng đã trả tôi nhiều hơn một trăm rúp rồi. Nếu thế thì xin đủ, tôi không bằng lòng đâu. Các anh hãy tìm những thằng ngốc khác trên cánh đồng kỳ diệu!".

Manhia lấy chiếc khăn mặt che mồm, và những giọt lệ sung sướng lăn trên gò má ửng hồng của chị. Chị âu yếm nghĩ: "Anh Môtưga yêu quý, thế là anh cũng biết nói như người thường chứ không phải chỉ bằng hình ảnh".

Và lần đầu tiên từ nửa năm nay, chị đã cho mặn muối làm hỏng mất soong súp bắp cải.

Truyện hài hước Nga

Cổ Học Tinh Hoa - Cơ tâm

 CƠ TÂM

Thầy Tử Cống đi qua đất Hán Âm thấy một ông lão làm vườn đang xuống giếng gánh từng thùng nước, đem lên tưới rau.

Thầy Tử Cống nói:

Kia có cái máy một ngày tưới được hàng trăm khu đất, sức dùng ít mà công hiệu nhiều. Cái máy ấy đằng sau nặng, đằng trước nhẹ, đem nước lên rất dễ và tên gọi là “ máy lấy nước”.

Ông lão làm vườn nói:

Máy tức là cơ giới, kẻ có cơ giới tất có cơ sự, kẻ có cơ sự tất có cơ tâm. Ta đây có phải không biết cái máy ấy đâu, chỉ nghĩ xấu hổ mà không muốn dùng vậy.

Trang Tử

GIẢI NGHĨA

Trang Tử: sách của Trang Chu soạn đến đời Đường gọi là Nam Hoa Chân kinh. Trang Tử, học đạo Lão Tử, sau người ta vẫn xưng Lão Tử với Trang Tử là tổ của Đạo gia

Tử Cống: học trò Đức Khổng Tử giỏi về khoa ngôn ngữ.

Hán Âm: tên đất hiện ở vào phủ Hưng An tỉnh Thiểm Tây bây giờ.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Bài học trăm lạng vàng


Ngày xưa có một nhà hiền triết treo biển trước nhà nói rằng: “Ai chịu lễ một trăm lạng vàng thì sẽ dạy cho một bài học rất hay”.

Một vị quốc vương lúc ấy đi dạo chơi, thấy vậy động lòng hiếu kỳ liền đem một trăm lạng vàng cho nhà hiền triết để xin bài học. Nhà hiền triết dạy rằng bài học đó chỉ có một câu: “Phàm làm bất cứ việc gì, trước hết phải nghĩ đến hậu quả của nó”.

Câu ấy giản dị đến nỗi phần đông cận thần của vua đều bĩu miệng trề môi cho giá một trăm lạng vàng là quá đáng. Nhưng sau khi nghĩ kỹ, vua nhận thấy lời ấy rất hay và truyền khắc câu ấy trên các tấm cửa cung điện và các vật dụng của vua, để hàng ngày nhớ mãi không quên. Nhờ câu ấy mà vua xóa bỏ được nhiều điều tệ hại, phát huy được nhiều điều hay, làm cho nước nhà mỗi ngày mỗi thêm thịnh vượng.
Lúc ấy có những hoàng thân muốn ngấm nghé ngôi báu nên âm mưu làm phản, họ thông đồng với quan ngự y để đầu độc nhân khi vua đau ốm.

Rồi một hôm long thể bất an, vua đòi quan ngự y đến làm thuốc, quan ngự y chế thuốc độc rót vào chén ngự để dâng vua. Nhưng may thay, trong lúc rót thuốc, quan ngự y thấy nơi chén có câu: “Phàm làm bất cứ việc gì, trước hết phải nghĩ đến hậu quả của nó”. Quan ngự y giật mình, nghĩ đến hậu quả, thấy sự phản nghịch chẳng những làm cho mình phải bị tru di tam tộc mà còn gây biết bao tai họa cho dân, cho nước. Quan ngự y tỉnh ngộ, liền đem tất cả việc đầu độc tâu cho vua rõ.

Nhờ sự thú nhận mà cả bọn gian thần đều bị trừng trị và ngai vàng càng thêm bền vững.

Nhân Quả là quy luật. Quy luật này không đặc ân cho ai. Nhân là mảnh đất, ta gieo hạt nào thì ra cây nấy. Quả là biểu thị nơi nhân, là vị trí kết thúc của vấn đề. Cho nên, Đức Phật dạy: “Phàm làm bất cứ việc gì, trước hết phải nghĩ đến hậu quả của nó”.

Truyện cười trong ngày

 DÂN GIẦN QUAN..


Có hai anh lính hầu hạ quan lâu ngay, thấy quan đã ác lại hay ăn tiền, cứ có việc vào cửa quan là y như bị đánh đập tàn tệ, đến lúc xì tiền ra mới thôi.

Một hôm, rỗi rãi, hai anh ngồi kháo chuyện với nhau, nói xấu quan. Một anh bảo:
- Ác thế thì có ngày dân nó quật lại cho mà xem! 

Quan quán quạt chi quàn quan

Dân dấn dận chi dần dân Quan là quan, quan quàn dân

Dân là dân, dân giần quan.

Chẳng ngờ quan đi qua nghe được trợn mắt hỏi:

- Bay nói gì thế? 

Anh kia nói chữa:

- Bẩm quan, con bảo: “Quan quản dân, dân… cần quan. Không có quan thì ai cai trị dân”.

Friday, August 27, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Đi với ma mặc áo giấy

 Đi với ma mặc áo giấy


Người khách bước vào phòng giám đốc chào và nói rất tự nhiên: 

- Xin chào Is-can-dơ Ma-gie-no-vich, thủ trưởng vẫn khoẻ chứ ạ? Vừa rồi em đã nộp đơn xin thủ trưởng nhận em vào cái chỗ ghế còn trống ấy, thủ trưởng xem thế nào?

- Có, tôi đã nhận được đơn - Ông giám đốc đáp - Nhưng có thể là cậu không hợp với chức vụ ấy.

- Như thế nghĩa là ông không nhận em vào chỗ ghế khuyết?

- Không.

- Như vậy là ông đã quyết định một cách đúng đắn đó - Người khách nói và bước đến bên bàn ngồi xuống chiếc ghế cạnh đấy - Bởi vì ai thu nạp một kẻ ranh ma như em đều có tội với Nhà nước. Nếu ông muốn biết tại sao, thì em xin thú thật rằng, cái tính em khó sống nổi một ngày nếu không đánh lừa ai, nếu không vơ vét bỏ túi một cái gì. Cái tác phong ấy như một chứng bệnh kinh niên ở em. Nhưng điều tai hại là cho tới nay chưa có đoàn kiểm tra nào phát hiện được những cái bị hụt do em cuỗm... Nhưng em tin rằng, ở cơ quan này, dưới tài lãnh đạo của thủ trưởng may ra em có thể sửa được. Đôi khi em có đấu tranh với bản thân, với sự cám dỗ, nhưng con sói dù có ra khỏi rừng thì lông nó vẫn xám, đánh chết cái nết không chừa... - Người khách dừng lại có vẻ xúc động, lấy tay châm chấm nước mắt - Lại còn cái tác phong nịnh bợ, đút lót cấp trên nữa chứ. Ví dụ, ở phòng thủ trưởng mới đây nhất, tháng nào em cũng "bỏ quên" trăm rưỡi rúp, khi thì trong ngăn kéo bàn, khi thì dưới tờ báo. Cứ thứ bảy em thường mang biếu thủ trưởng cũ của em khi thì chai rượu cô-nhắc, khi thì hộp bánh ga-tô, lúc thì hộp trứng cá đỏ... Người khách lại xúc động và im bặt.

Bỗng giám đốc hỏi một cách đột ngột:

- Chẳng lẽ chưa lần nào cậu bị người ta phát hiện ư?

- Không, chưa hề một lần nào cả, chỉ có thủ trưởng cũ của em biết.

- Thôi được, cậu cứ chuẩn bị hồ sơ lý lịch. Coi như tôi nhận cậu vào chức vụ đang trống. Thử xem tài nghệ cậu sẽ phát huy được như thế nào với tôi...


Truyện hài hước Nga

Cổ Học Tinh Hoa - Chọn người rồi sau hãy gây dựng

 CHỌN NGƯỜI RỒI SAU HÃY GÂY DỰNG

Dương Hổ làm tướng nước Vệ, phải tội, chạy trốn sang nước Tấn, vào yết kiến Triệu Giản Tử nói rằng:

-Tự nay trở đi, ta nhất quyết không gây dựng cho ai nữa.

Triệu Giản Tử hỏi:

Vì cớ gì mà ông lại nói thế?

Dương Hổ nói:

-Khi tôi ở nước tôi, các quan hầu cận nhà vua, tôi gây dựng cho quá nửa, các quan ở triều đình, tôi cũng gây dựng cho quá nửa, đến cả các quan ở biên thùy tôi cũng gây dựng cho nữa. Thế mà bây giờ các quan hầu cận nhà vua thì gièm pha tôi, các quan triều đình thì đem pháp luật trị tôi, các quan biên thùy thì dùng binh khí hiếp tôi. Thế cho nên từ nay trở đi, tôi nhất quyết không gây dựng cho ai nữa.

Triệu Giản Tử bảo:

-Ông nói câu ấy thì lầm. Ai trồng cây đào, cây mận thì mùa hè được bóng mát nghỉ, mùa thu được quả ngon ăn. Ai trồng cây tật lê, thì mùa hè bóng mát không có, mùa thu chỉ được những chông gai. Cứ như vậy, thì có phải là tại do cây mình trồng lúc trước không? Nay ông sở dĩ đến nỗi thế, là vì ông gây dựng toàn cho những kẻ không ra gì cả. Cho nên người quân tử phải chọn người trước, rồi sau mới gây dựng.

Hàn Thi Ngoại Truyện

GIẢI NGHĨA

Hàn Thi Ngoại Truyện: là bộ sách chép những câu nói đời xưa, dưới mỗi bài có những chứng dẫn mấy câu thơ của Hàn Anh làm. Hàn Anh là người đời nhà Hán làm bác sĩ đời vua Văn Ðế lấy những ý trong thơ của người ta mà làm Nội, Ngoại truyện gọi là Hàn Thi, bây giờ chỉ còn ngoại truyện mà thôi.

Dương Hổ: tức là Dương Hóa, người nước Lỗ thời Xuân Thu, làm quan nước Lỗ là người quyền thần chuyên chính.

Lỗ: một nước chư hầu nhỏ, thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.

Vệ: tên một nước thời Xuân Thu ở vào vùng tỉnh Trực Lệ và Hà Nam bây giờ.

Tấn: một nước đời Xuân Thu, đến đời Chiến Quốc bị họ Hàn, họ Triệu, họ Ngụy lấy mất và chia làm ba nước, ở vào tỉnh Sơn Tây và một phần Trực Lệ bây giờ.

Triệu Giản Tử: một danh thần nước 6*9Triệu đời Xuân Thu.

LỜI BÀN

Dương Hổ gây dựng cho người ta, mà về sau lại bị người ta quay lại hại mình, thật chẳng khác nào nuôi ong tay áo, nuôi hổ để chịu vạ lây, đáng tức giận lắm thay. Cho nên Hổ  phàn nàn với Triệu Giản Tử và có ý như thề rằng, thôi từ nay không làm ơn cho ai nữa, vì loài người đã bội bạc lại còn thêm độc ác. Triệu Giản Tử bác đi mà giảng giải thế, là có ý quy cái tội cho Dương Hổ, tức là tội làm đại thần mà tham lam, mà ưa nịnh, chỉ thích gây dựng cho tiểu nhân để lo bè đảng thì khi thất thế, phải chịu lấy cái vạ của tiểu nhân.

Có người nói: làm ân mà phải chọn người trước, kể cũng hẹp hòi lắm. Nhưng làm ơn là một việc, vì tổ quốc mà chọn người, gây dựng cho người để giúp nước giúp dân là một việc. Như kéo bè kéo đảng, gây dựng cho cả kẻ gian ác có địa vị, có quyền thế để chúng làm mưa làm gió gieo tai gieo vạ cho nhân dân thì không những không được báo ơn mà còn hại đến thân đắc tội với tổ quốc nữa.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

                                                  Gặp trà uống trà, gặp cơm ăn cơm


(Bản Triều Tham Thiền Lục)

Hòa Thượng Oánh Sơn (1268 - 1325), vị tổ khai sơn Tổng Trì Tự nhân nghe câu chuyện Bình Thường Tâm Thị Đạo (tâm bình thường là đạo) do thầy mình là Hòa Thượng Triệt Thông ( 1232 -1309) kể mà đại ngộ, khi ấy ông thét to lên rằng:

- Ta ngộ rồi!

- Ngộ thế nào? Triệt Thông hỏi.

- Ngọc Côn Lôn đen thui chạy trong đêm. Oánh Sơn đáp.

Có nghĩa rằng viên ngọc đen tròn đen thùi lùi bay trong đêm tối. Oánh Sơn muốn nói lên tâm cảnh chơn thật vô tướng, bình đẳng nhất như ( vô tâm vô ngã, tiêu tan hết thảy sai biệt) của mình. Nghe vậy Triệt Thông bảo rằng:

- Cũng chưa đúng, nói lại đi.

- Gặp trà thì uống trà, gặp cơm thì ăn cơm. Oánh sơn đáp ngay.

- Ngươi ngày sau sẽ làm rạng rỡ tông phon. Triệt Thông nói xong mĩm cười và ấn khả cho Oánh Sơn. Nếu như tâm bình thường là đạo thì khi uống trà cứ uống, ăn cơm cứ ăn, vậy thôi. Tuy nhiên, có chứng cứ của Thiền định tam muội (cảnh giới vô ngã, thân tâm thống nhất) của cái gọi là "ngọc Côn Lôn đen thui chạy trong đêm", thì không phải là bậc Thiền hành trì đúng đắn được. Đó chính là chuyện đại sự.

Truyện cười trong ngày

 Tài của bác sĩ


Bệnh nhân là một nam giới, mới ngoài ba mươi tuổi:
- Thưa bác sĩ, vợ tôi bị mất tiếng không nói năng gì được. Cô ấy tỏ ra buồn khổ lắm. Xin bác sĩ chữa trị, tiền nong bao nhiêu, tôi xin thanh toán ngay bây giờ ạ! Thuốc men chữa bệnh tôi không tiếc tiền bao giờ, thưa bác sĩ!
- Chữa bệnh ấy dễ ợt à. Khỏi lo tốn kém tiền nong. Ðêm nay, anh cứ về nhà vào lúc 3 giờ sáng!...

Thursday, August 26, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Búp Bê Lật Đật

 BÚP BÊ LẬT ĐẬT


Phải cho nó biết tự vươn vai đứng dậy trước những khó khăn thách thức thì sau này nó mới can trường được con à! 

***
Có cậu bé kia sinh thành trong một gia đình khá giả, ngày ngày cứ nũng nịu ăn vạ với bố mẹ. Tình cờ một lần đang chơi ngoài vườn lỡ vấp phải quả bóng, cậu ta bị ngã lăn ra ngay trên bãi cỏ, nhưng lại chẳng buồn ngồi dậy. Nghe tiếng la khóc bên ngoài, người mẹ tất bật chạy ra xem sao sự tình.

- Ấy chết! Con có sao không?

Cậu bé được đỡ dậy từ đôi bàn tay của mẹ, hết khóc rồi lại ra vẻ bức bối.

- Chỉ tại quả bóng đáng ghét này mà mới bị như vậy. Con ghét nó, kể từ giờ con sẽ không thèm chơi với nó nữa!

Người mẹ chỉ biết lắc đầu trước thái độ ngang ngạnh của đứa con trai cưng mới bước vào mẫu giáo. Còn bà nội cậu ta khi đứng cạnh đó thầm nghĩ: "Dù gì cháu nó cũng đã cứng cáp hơn đôi chút ở cái độ tuổi này. Các bạn cùng trang lứa đã biết đi xe đạp nhỏ hết rồi, còn cháu mình thì..."

Nghĩ vậy, bà bàn với con dâu...

- Con này, mẹ nghĩ mình nên mua xe đạp cỡ nhỏ cho cháu nó tập dần từ bây giờ đi. Ngộ nhỡ sau này lớn rồi mà chưa biết đi xe đạp chúng bạn nó cười cho.

- Nhưng mà mẹ thấy đó, tính cháu nhút nhát lại hay mít ướt. Trước giờ mình chỉ cho cháu chơi xe ba bánh, thậm chí cả xe ô tô điện nữa. Còn bây giờ tự dưng bắt tập xe đạp với hai bánh, con sợ cháu sẽ té đau, lúc đó có mà dỗ dành cả buổi mới xong.

- Đâu chỉ mình con lo lắng cho cháu nó, mẹ cũng thương lắm. Nhưng mà cũng đành lòng, có ngã đau thì mới nên được, cũng như có nếm đắng cay thì mới có hưởng ngọt bùi chứ.

Thấy con dâu mình còn lưỡng lự trước chuyện này, bà lại phân trần tiếp.

- Phải cho nó biết tự vươn vai đứng dậy trước những khó khăn thách thức thì sau này nó mới can trường được con à! Đây chỉ là chuyện nhỏ nhặt, là của bắt đầu thôi. Để một mai khi bước vào đời sẽ luôn vững tin mà đối mặt và đương đầu với bao khó khăn trong cuộc sống, như thế thì mới nên người được!

Người mẹ như thấu hiểu những lời lẽ ấy của mẹ chồng, vì chính bản thân mình cũng mong mỏi ở con như vậy, chỉ là quá thương con trong sự mềm lòng mà thôi. Thế là ngày hôm sau, người bố trong chuyến công tác trên tỉnh có đem về một chiếc xe đạp mi ni mới toanh thật đẹp mắt. Thoạt nhìn, cậu bé có vẻ thích thú đan lẫn sự bỡ ngỡ trước chiếc xe mới lạ và đẹp đẽ đến thế.

Những lần đầu được mẹ kèm cập kĩ lưỡng, cậu ta tỏ ra vô cùng phấn khởi khi lần đầu tiên được chạy băng băng trên hai chiếc bánh xe lăn tròn. Nụ cười nở trên khuôn mặt thơ ngây ấy, đó như là niềm hạnh phúc của người bà đang đứng ở ngoài cỗ vũ hết mình cho cháu. Nhưng chỉ sau vài lần được vịn giữ thăng bằng, giờ phải tự chạy lấy thì cậu ta đã phải thay đổi thái độ sau những lần té ngã, rồi lại trở nên chán nản với chuyện này.

- Ôi! Con đau quá bố mẹ ơi!

- Ấy ấy! Con không sao chứ? Con đã bảo mẹ rồi mà...

Người bà tỏ ra buồn lòng vì sự nhu nhược của con dâu. Bà lại động viên cháu tập lại.

- Hãy cố gắng lên nào, cháu của bà! Đây chỉ là chuyện nhỏ thôi mà, cháu phải biết gượng dậy và vượt qua chứ!

- Không! Cháu không tập nữa đâu, bị té đau lắm.

Lúc này người mẹ mới cảm thấy hơi khó chịu trong chuyện này. Rồi lại quay sang nựng con.

- Đã bảo chuyện này không hay mà mẹ lại... Thôi, giờ dẹp hết đi, không cho con trai cưng phải tập nữa.

Đứa bé như được nuông chiều quá mức, nên thừa lúc được bênh vực lại quay sang trách móc bà.

- Con ghét bà, bà làm con đau.

Rồi lại bật khóc om sòm khó mà dỗ được. Người bà như không hề trách trẻ thơ , lại thấy thương cháu hơn khi cháu phải chịu đau. Thấy vậy, người mẹ đỡ lời.

- Thôi nào, sao con lại trách bà. Bà nội chỉ muốn tốt cho con thôi mà.

- Con không chịu đâu, con không chịu tập xe đạp nữa đâu! Bây giờ con chỉ muốn ăn thôi, mẹ phải mua Táo cho con cơ!

Tính tình ưa làm nũng của cậu cả hai đều quá rõ, người bà cũng muốn làm gì đó cho cháu để bù đắp lại đôi chút, cũng ra sức dỗ dành.

- Được rồi, được rồi! Để mai bà đi chợ rồi mua cho, được chưa nào?

- Không cơ, cháu muốn bây giờ cơ!

Rồi lại khóc toáng lên. Người bà cũng đành chiều cháu, cũng làm bộ xách giỏ ra chợ dù biết rằng mùa này ngoài chợ làm gì có Táo mà mua. Nhưng rồi bà cũng tạt qua chỗ khác mà mua cái gì đó về làm quà cho cháu.

Ở nhà, cu cậu đang xem phim hoạt hình chờ bà đem Táo về cho. Chiếc xe đạp mới mua cũng đã vứt vào nhà kho tuy chỉ mới được sử dụng được một lần. Khi người bà về đến nhà...

- A... Bà có mua Táo cho cháu không ạ?

- Không cháu ạ, mùa này làm gì có Táo mà bán với mua.

- Không! Cháu không chịu đâu, bà phải mua bằng kì được cho cháu, cháu đang rất thèm Táo.

Rồi lại lăn ra sàn nhà nằm ăn vạ như mọi khi, la khóc ỏm tỏi. Đang nằm lăn lốc giãy giụa thì bỗng có một vật gì đó được thả trước mặt, lăn quay ra mấy vòng rồi lại lắc lư, lắc lư. Làm cậu ta tò mò và nhìn chầm chầm vào món đồ ấy với hai con mắt tròn xoe trông thật hồn nhiên.

- Cháu hãy nhìn con Lật Đật này mà xem. Dù cho người ta có xô ngã như thế nào đi chăng nữa, với đủ mọi chiều hướng, mạnh hay yếu thì nó vẫn luôn biết tự đứng dậy. Chẳng nhẽ cháu lại không bằng đến cả một con búp bê vô tri vô giác thế sao?

Lúc này cậu bé mới thôi nín hẳn. Và dường như cậu ta đã thấu hiểu được chuyện này, bèn đưa tay gạt ngang những giọt nước mắt yếu đuối, rồi gượng đứng dậy không còn ăn vạ dưới đất nữa.

Hôm sau...

- Mẹ cho con tập chạy xe ngay bây giờ nhé!

Người mẹ ngạc nhiên trước sự thay đổi đột ngột ấy của con trai, phần lo nhưng phần cũng mừng lòng.

- Con không sợ bị ngã đau sao? Mà hãy cứ để đấy chiều rồi hẳn tập, giờ đang còn nắng thế này...

- Không ạ! Con đang rất muốn được tập bây giờ!

Không thể làm mất hứng của con, người mẹ cũng đành chấp thuận cho cậu bé tập lại ngay sau đó. Và chỉ sau vài lần té ngã bởi thiếu kinh nghiệm, cậu bé đã biết tự đứng dậy và chạy thành thạo như bao bạn khác. Nụ cười nở trên khuôn mặt với niềm vui sướng khi đi được xe đạp, sau bao nét nhăn nhó vì đau đớn xác thân mỗi khi bị té ngã. Và đó cũng chính là niềm hạnh phúc, phần thưởng xứng đáng sau một quá trình gian khó để đạt được thành công như bây giờ đây.

* * *

Mười năm sau...

Giờ đây, ở trước mặt cậu bé của hôm nào là nấm mồ với những đất đá, bên trên phủ một màu cỏ xanh tốt tươi. Người bà năm xưa đã từng yêu thương vỗ về giờ đã không còn, đã bỏ đi về một phương trời xa nào rồi!? Đến viếng mồ bà nhưng không một đồ cúng, không một cành hoa mà chỉ là một con búp bê Lật Đật được đặt ở trên mộ. Và... cậu bé của ngày đó lại mới chính là một "con Lật Đật" mạnh mẽ nhất của đời bà.

Cổ Học Tinh Hoa - Đời người

 ĐỜI NGƯỜI

Sống bảy mươi năm đã mấy người!

Trước thì tuổi trẻ, sau già lão.

Thì giờ quãng giữa được bao lâu?

Lại còn viêm lương cùng phiền não.

Hoa quá mùa xuân, hoa kém tươi,

Trăng quá mùa thu, trăng kém sang.

Hoa tươi trăng sáng, ta ngâm nga.

Rượu năm, ba chén say chuếnh choáng.

Tiền của càng nhiều, càng oán to.

Quan chức càng cao, càng nhọc xác.

Quan to tiền nhiều, lòng những lo,

Chỉ tổ làm cho đầu chóng bạc.

Xuân đi, hạ lại, thu sang đông,

Chóng như thoi đưa, như nước chảy.

Vừa tiễn buổi chiều, chuông chùa kêu,

Đã báo rạng đông, gà sáng gáy.

Ta thử tính xem người nhãn tiền,

Một năm đã thấy khuất vô số.

Lô nhô nắm đất cánh đồng hoang,

Quá nửa không ai người tảo mộ.

Đường Bá Hổ

GIẢI NGHĨA

Đường Bá Hổ: người thời Tống tên là Trường Nhụ ở Đan Lang, chuyên học kinh Dịch, kinh Xuân Thu, trị gia rất có phép, ông có bài ca nhân sinh mà đây dịch ra. 

LỜI BÀN

Đời người trăm năm sống được sáu bảy mươi năm đã hiếm. Trong khoảng sảu, bảy mươi năm ấy, trừ lúc tuổi chưa khôn, tuổi già hết khỏe, quãng giữa còn được vài ba mươi năm có là bao, mà lại còn gặp biết bao nhiêu những sự đau đớn phiền não! Ôi đời người rút lại như thế có mấy lúc là sống cho ra sống.

Nên chi, hằng năm, hễ gặp được thắng cảnh, lương thời, thì ra kíp nên vui chơi cho sung sướng thỏa thích, hơi đâu mà cứ mài miệt theo đuổi lấy cái sang giàu giả dối chốc lát để là lụy đến tấm thân.

Lúc sống thì người chóng già, khó giữ lâu được cái thân, lúc chết thì thiên hạ chóng quên khó giữ lâu được mồ mả. Thời giờ mau chóng, thói đời viêm lương, vậy người ta lúc sống, mà tự khổ thân quá, tưởng cũng là khờ vậy! Đối với cái thời gian, không gian vô cùng vô hạn thì một người và một đời người kể có thấm vào đâu?

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 XUẤT BẢN KINH 


Tetsugen, một người nhiệt tình với thiền tại Nhật Bản, đã quyết định xuất bản kinh, ở thời đó chỉ có thể có được ở nước Trung Hoa mà thôi. Những cuốn sách được khắc trên những khúc gỗ số bản in ra bảy ngàn cuốn, một công cuộc kinh doanh to lớn.

Tetsugen bắt đầu bằng một cuộc du hành và thu thập những sự quyên cúng cho mục đích này. Một vài người có cảm tình đã đóng góp cho ông trăm miếng vàng, nhưng phần lớn thời gian ông nhận được chỉ là những tiền cắc nhỏ. Ông cảm ơn từng người đóng góp với sự biết ơn bằng nhau. Sau mười năm Tetsugen có đủ số tiền để bắt đầu công việc của ông ta.

Một chuyện xảy ra rằng tại thời điểm đó sông Uji dâng tràn. Nạn đói kém theo sau. Tetsugen lấy tiền qũy mà ông đã thu được, để giúp dân chúng mình.

Cho đến lần thứ ba ông bắt đầu công việc của ông ta, và sau hai mươi năm sự mong mỏi của ông đã mãn nguyện. Bản in khắc mà xuất bản kinh đầu tiên có thể tìm thấy ngày hôm nay ở tu viện Obaku tại Kyoto.

Những người dân Nhật kể cho con cháu họ rằng Tetsugen đã làm ba bộ kinh, và hai bộ đầu không ai thấy được thì vượt hơn hẳn bộ chót

Truyện cười trong ngày

 Không có kẻ thù


Giảng xong bài kinh về lòng vị tha, sư thày hỏi, ai trong số các phật tử sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù. Tất cả mọi người đều đưa tay lên trừ một ông lão ngồi bên dưới.

- Chẳng lẽ cụ không thể tha thứ cho kẻ thù của mình ư?

- Tôi không có kẻ thù.

- Thật là đức độ. Thế cụ bao nhiêu tuổi rồi?

- 90 tuổi.

- Cụ hãy cho mọi người biết bí quyết sống đến 90 tuổi, mà không có một kẻ thù nào.

- Ông lão cao giọng nói: Chỉ có một cách là phải tiêu diệt hết lũ chúng nó mà thôi!

Wednesday, August 25, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Câu chuyện ngắn về tình yêu

 CÂU CHUYỆN NGẮN VỀ TÌNH YÊU


 Sự hiểu lầm có thể làm cho con người ta mất đi vĩnh viễn 1 thứ gì đó mà ta rất yêu quý, để rồi, khi nhận ra thì đã quá muộn... 
Có một chàng trai đã gấp 1.000 con hạc giấy tặng người anh yêu. Mặc dù lúc đó anh chỉ là một nhân viên quèn trong công ty, tương lai chẳng có vẻ gì sáng lạn nhưng họ vẫn luôn rất hạnh phúc bên nhau.

Rồi cho đến một hôm người yêu của anh nói rằng nàng sẽ đi Paris, sẽ không bao giờ còn có dịp gặp lại anh nữa. Nàng rất lấy làm tiếc về điều này và an ủi chàng rằng rồi nỗi đau của chàng cũng sẽ trở thành dĩ vãng. Hãy để cho nó ngủ yên trong ký ức của mỗi người. 

Chàng trai đồng ý nhưng trái tim tan nát. Anh lao vào làm việc quên cả ngày đêm, cuối cùng anh đã thành lập được công ty của riêng mình. Nó không chỉ giúp anh vươn đến những điều mà trước đây vì thiếu nó mà ngưới yêu đã rời bỏ anh, nó còn giúp anh xua đuổi khỏi tâm trí mình một điều gì đó của những tháng ngày xưa cũ. 

***

Một ngày mưa tầm tã, trong lúc lái xe, chàng trai tình cờ trông thấy một đôi vợ chồng già cùng che chung một chiếc ô đi trên hè phố. Chiếc ô không đủ sức che cho họ giữa trời mưa gió. Chàng trai nhận ngay ra đó là cha mẹ của cô gái ngày xưa. Tình cảm trước đây anh dành cho họ dường như sống lại.

Anh chạy xe cạnh đôi vợ chồng già với mong muốn họ nhận ra anh. Anh muốn họ thấy rằng anh bây giờ không còn như xưa, rằng anh bây giờ đã có thể tự mình tạo dựng một công ty riêng, đã có thể ngồi trong một chiếc xe hơi sang trọng. Vâng, chính anh, chính người mà trước đây con gái họ chối từ đã làm được điều đó.

Đôi vợ chồng già cứ lầm lũi bước chậm rãi về phía nghĩa trang. Vội vàng, anh bước ra khỏi xe và đuổi theo họ. Và anh đã gặp lại người yêu xưa của mình, vẫn với nụ cười dịu dàng, đằm thắm nàng từng đem đến cho anh, đang dịu dàng nhìn anh từ bức chân dung trên bia mộ.

Cạnh cô là món quà của anh, những con hạc giấy ngày nào. Đến lúc này anh mới biết một sự thật: nàng đã không hề đi Paris. Nàng đã mắc phải căn bệnh ung thư và không thể qua khỏi. Nàng đã luôn tin rằng một ngày nào đó anh sẽ làm được nhiều việc, anh sẽ còn tiến rất xa trên bước đường công danh. Và nàng không muốn là vật cản bước chân anh đến tương lai của mình. Nàng mong ước cha mẹ sẽ đặt những con hạc giấy lên mộ nàng, để một ngày nào đó khi số phận đưa anh đến gặp nàng một lần nữa, anh có thể đem chúng về bầu bạn.

Chàng trai bật khóc.
Chúng ta cũng vậy, như chàng trai kia, cũng chỉ nhận ra giá trị lớn lao về sự có mặt của một người mà cuộc đời đã ban tặng cho cuộc sống của chúng ta khi một sáng mai thức giấc, người ấy đã không còn ở bên ta nữa. Có thể họ đã chẳng yêu bạn như cách mà bạn mong đợi ở họ nhưng điều này không có nghĩa rằng họ không dâng hiến tình yêu của họ cho bạn bằng tất cả những gì họ có. 

Một khi bạn đã yêu, bạn sẽ mãi mãi yêu. Những gì trong tâm trí bạn có thể sẽ ra đi, nhưng những gì trong tim bạn thì mãi mãi ở lại.

Cổ Học Tinh Hoa - Hay dở đều do mình cả

                                                 Hay dở đều do mình cả


Kẻ có quốc gia mà đã bất nhân thì tâm thần mê muội, công việc đảo điên, không còn biết phải trái là gì nữa, nguy cũng mặc, tai cũng mặc, đến mất đứt cũng mặc. Kịp khi đã bại hoại, diệt vong rồi thì lại đổ cho mệnh giời, quy tội cho người, có biết đâu là tự chính mình gây nên mối hoạ cho mình cả.

Người làm quận trưởng một quốc gia nếu mà bất nhân thì không thể nào nói phải với họ được nữa! Quốc gia suy yếu, ngoại biến đến nơi, họ vẫn cho là yên; thiên tai nhân họa xảy ra luôn luôn, họ không biết là hại; xa xỉ ăn chơi, bạo ngược tàn ác đi đến con đường diệt vong, họ vẫn lấy làm vui sướng. Hạng bất nhân ấy, nếu còn phải được với họ thì đã chả đến nỗi có những chuyện mất nước tan nhà!

Ngày trước có đứa trẻ hát câu:

“Thương Lang chi thuỷ thanh hề, khả dĩ trạc ngã anh.

Thương Lang chi thuỷ trọ hề, khả dĩ trạc ngã túc”.

Nghĩa là: Nước sông Thương Lang nếu mà trong thì ta dùng để giặt giải mũ ta. Nước sông Thương Lang nếu mà đục, thì ta dùng để rửa chân ta.

Khổng Tử nghe thấy, bảo học trò rằng:

- Chúng con nghe đấy: Nước trong thì tự khắc người ta mới giặt giải mũ, đục thì tự khắc người ta chỉ để rửa chân. Đó đều là do nước tự thủ(1) cả.

Ôi! Việc thiên hạ cái gì mà chẳng do tự thủ! Người ta tất tự khinh(2) mình trước, rồi người ngoài mới khinh sau; nhà mình tất tự huỷ(3) nhà mình trước, rồi người ngoài mới huỷ sau; nước mình tất tự phạt(4) nước mình trước, rồi người ngoài mới phạt sau.

Cũng tức như câu ở thiên Thái Giáp(5): “Thiên tác nghiệt, bất khả vị. Tự tác nghiệt bất khả hoạt”. Nghĩa là giời làm tai vạ còn tu tỉnh để mà tránh được, nếu mình gây ra tai vạ thì mình làm mình chịu, chẳng có thể trốn tránh mà thoát chết được.

Mạnh Tử

Lời bàn:

Kẻ có quốc gia mà đã bất nhân thì tâm thần mê muội, công việc đảo điên, không còn biết phải trái là gì nữa, nguy cũng mặc, tai cũng mặc, đến mất đứt cũng mặc. Kịp khi đã bại hoại, diệt vong rồi thì lại đổ cho mệnh giời, quy tội cho người, có biết đâu là tự chính mình gây nên mối hoạ cho mình cả. Có thân không biết tu, có nhà không biết trị, có nước không biết giữ, thế là khiến cho người ta khinh mình, bảo cho người ta phá mình, mời cho người ta đánh mình. ÔI! Sự biến cố mấy khi tự dưng mọc ra đâu, muôn sự do tự mình hết cả. Nên người có trách nhiệm giữ quốc gia nên nhớ lấy cái nghĩa “tự thủ” để tránh lấy cái tai vạ “tự túc”.

(1) Tự thủ: mình tự chuốc lấy cho mình không dự gì đến người khác.

(2) Tự khinh: tự mình làm đê tiện nhân cách của mình.

(3) Tự huỷ: tự mình làm cho mình hỏng nát.

(4) Tự phạt: tự mình phá hại làm cho mình tồi tàn

(5) Thái Giáp: tên một thiên trong Kinh Thư