CHUYỆN VỀ LOẠI THỰC VẬT MANG TÊN BÌNH BÁT
Phải nói ngay rằng trong đời sống người bình dân miền Tây Nam bộ có hai loài thực vật rất quen thuộc có cùng tên là bình bát.
Loại bình bát thân gỗ cao khoảng năm, ba thước tây. Lá đơn, mọc so le, lá có mùi hôi đặc trưng. Vùng đất thấp ven sông, có nhiều phèn, cùng với khí hậu nóng ẩm là điều kiện để cây bình bát – một loại cây hoang mọc đầy, tạo nên một màu xanh ngát cả vùng.
Bình bát sống trên dưới chục năm. Cây bình bát thường được làm củi đốt. Người bình dân thường đốn bình bát về ngâm, bỏ lớp da ngoài, lấy lớp da trong làm dây bện thắt thành những chiếc võng đưa, vừa dai, vừa chắc. Bình bát trổ bông màu trắng, cánh hình trái tim. Bông cho qua non màu xanh, da sần sùi, đến khi bình bát chín trái ngả sang màu vàng tươi. Trái chín gặp cơn gió nhẹ là rụng xuống đất.
Ngày trước, người bình dân miền quê Tây Nam bộ sống chủ yếu bằng kinh tế tự túc tự cấp. Đặc trưng cơ bản của cuộc sống ấy đó là kiếm được gì ăn nấy. Trẻ con lâu lắm mới được vài miếng bánh hay vài viên kẹo mẹ đi chợ về mua cho. Còn lại, cứ mỗi sáng ngày các em chạy ra vườn, dọc theo bờ kênh, mé rạch lượm bình bát chín bẻ ra ăn ngay vừa ngọt vừa có mùi hôi hôi đặc biệt.
Người tha hương, có lúc bồi hồi nhớ tiếng võng kẽo kẹt với lời ru ngọt ngào của mẹ:
À … ơi! Xa quê vẫn nhớ quê nhà
Nhớ trái bình bát … à .. ơ … nhớ trái bình bát đậm đà ngọt ngon.
Cầu kì hơn thì đem những trái bình bát ấy về, dùng tay bẻ ra, gợt bỏ vỏ rồ bỏ vô ly dầm với đường, thêm ít viên nước đá là thứ giải khát tuyệt diệu lúc trưa hè. Có người làm sạch vỏ, ướp ít đường cát hay đường phèn trộn đều đợt đêm xuống phơi ngoài trời để hứng sướng. Sáng hôm sau được ly bình bát ngọt lịm và mát lạnh. Người ta cho rằng ăn như vậy sẽ chữa được bênh nhức đầu đông.
Do cùng họ với với mãng cầu xiêm, nên dân gian miền Tây còn sáng tạo bằng việc ghép chồi non của mãng càu vào bình bát. Sau đó thân mãng cầu sống trên gốc cây bình bát. Trái mãng cầu tháp cho nhiều nước, vị ngọt lẫn chua mềm, thơm và có vị ngon đặc trưng khác đi ít nhiều so với mãng cầu chính gốc của nó.
Bình bát chín rụng đầy, lượm ăn không hết thì cho cá ăn. Ở miền Tây Nam bộ có tập quán nuôi cá dồ cầu. Thời gian sau cá lớn, người ta chuyển từ hầm này sang hầm rọng để cá sạch mình và sẽ ăn dần. Đây chính là lúc người ta lượm những trái bình bát chín rụng về nuôi cá. Cá ăn bình bát vừa sạch, vừa béo, chừng nửa tháng sau lấy lưới kéo lên tả pín lù hay kho tương đều ngon miệng.
Loại thứ hai là bình bát dây. Dân gian ở miệt đất này hay ngâm nga rằng:
Chiều chiều bắt cá nấu canh
Sao mà ngon lạ lá bình bát dây.
Những buổi chiều hè, sau công việc đồng ruộng, người lao động miền Tây Nam bộ thường phải tất bật lo cho bữa cơm chiều. Bữa cơm nhà quê thường không thể thiếu món canh. Đây là món ăn rất đa dạng và phong phú. Nét độc đáo vừa lạ mà vừa quen trong số đó phải kể đến nồi canh đọt bình bát dây nấu với cá trê vàng hoặc tép bạc, tép trấu, …
Khác với cây bình bát, loài gỗ tạp cho trái màu vàng mọc ven các bờ kênh, mé rạch, bình bát dây là loại dây leo mọc hoang, bò phủ um tùm trên các tán cây lớn với lá xanh mướt. Lá bình bát dây mọc so le, hình trái tim, hoa màu trắng, có năm cánh. Trái bình bát dây lúc còn non có màu xanh giống như dưa leo, to bằng ngón tay cái, vị đắng, lúc chín có màu đỏ rực, vị trở nên ngọt. Con nít thường hay hái trái hoang này lúc chín vừa ăn vừa đùa nghịch, để rồi sau này dù tha phương vẫn luôn hoài niệm về ngày xưa ấy!
Người ta thường hái những chiếc lá bình bát dây xanh tươi kèm với những đọt non đem về để nấu canh. Cá trê vàng chạy lộp hay cắm câu còn tươi rói được đem đập cho chết rồi vùi vô tro bếp để làm sạch nhớt. Làm sạch râu, mang và bụng cá, để nguyên con hoặc khứa hai, ba tùy ý. Sau đó, thả cá vào nồi nước sôi nấu thêm vài dạo, hớt sạch bọt, nêm nếm cho vừa ăn. Cuối cùng cho lá bình bát vào. Nồi canh vừa sôi lại thì nhắc xuống, cho lên phía trên ít gừng xắt chỉ, nhuyễn. Hương vị đặc trưng này không thể thiếu trong nồi canh cá trê nấu lá bình bát dây. Vị nồng cay của gừng tăng thêm hương vị quyến rũ của món ăn.
Bên nồi cơm gạo mới nóng hổi, chan miếng canh bình bát dây húp mấy cái đã hết chén. Mồ hôi vả ra, bao miệt nhọc dường như tan biến.
Thịt cá trê vàng ươm chấm với nước mắm gừng, hoặc nước mắm ớt để lắng lòng nghe tiếng vọng của hồn quê dân dã.
Nấu tô canh nóng mời anh
Thủy chung vẫn vẹn mối tình thôn quê – Ca dao.
Bài Sưu tầm Anthony Ly
No comments:
Post a Comment