Monday, May 31, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Có nhau trọn đời

                                                              Có nhau trọn đời


Vào một ngày đẹp trời, có một cặp vợ chồng già khoảng 70 tuổi dắt nhau đến văn phòng luật sư. Hình như họ tới đây là để xin ly hôn.

Vị luật sư đã rất bối rối, sau khi nói chuyện với họ một hồi, ông dần hiểu được vấn đề của họ...

Cặp vợ chồng già này đã bất hoà với nhau suốt 40 năm nay kể từ ngày cưới và dường như những mối bất hoà này là không thể giải quyết được.

Ngày còn trẻ thì lý do con cái còn nhỏ, với lại sợ chuyện ly hôn sẽ làm ảnh hưởng đến lối sống và suy nghĩ của bọn chúng. Đôi vợ chồng đành cố chịu đựng. Bây giờ, khi chúng đã đã đều lớn cả, mỗi đứa lại có gia đình riêng, chẳng còn chuyện gì phải lo lắng hay bận tâm nữa, đôi vợ chồng già muốn có một cuộc sống thoải mái và của riêng mình sau nhiều năm chung sống không hạnh phúc. Vì vậy, việc làm đơn xin ly hôn vào lúc này, theo hai người nghĩ, là hoàn toàn chính đáng.

Vị luật sư đã phải rất khó khăn mới đưa được tờ đơn xin ly hôn cho hai người kí vào, bởi ông vẫn không hiểu, tại sao sau những 40 năm chung sống và hiện giờ thì đã ở tuổi 70, đôi vợ chồng già này lại vẫn muốn ly hôn...(?!?!?)

Khi bắt đầu kí, bà vợ quay sang nói với ông chồng: “Em thực sự vẫn rất yêu anh, nhưng em không thể chịu đựng thêm được nữa, em xin lỗi...”. Ông chồng chậm rãi: “Ừ, không sao đâu, anh hiểu mà”. Sau khi hoàn thành mọi thủ tục xin ly hôn, vị luật sự ngỏ ý muốn mời đôi vợ chồng cùng đi ăn tối, để họ có thể, một lần cuối cùng, được ngồi ăn tối cùng nhau, trước khi trở về vị trí của những người bạn.

Bữa tối ấy đã diễn ra trong cái im lặng của sự lúng túng. Món đầu tiên là thịt gà nướng. Ngay lập tức, ông chồng xé lấy một cái cẳng gà và nói với bà vợ: “ăn đi này, đây chẳng phải là món em ưa thích sao...?”

Nhìn cảnh đấy, vị luật sư cảm thấy như còn chút gì đó có thể cứu vãn được, thế nhưng người phụ nữ già lại tỏ vẻ khó chịu, bà trả lời: “Đây luôn luôn là vấn đề, anh thì lúc nào cũng đề cao bản thân mình, trong khi đó lại chẳng bao giờ để ý xem tôi đang nghĩ gì, tôi cảm thấy như thế nào. Chẳng nhẽ anh lại không biết là tôi ghét cẳng gà à ?”.

Bà vợ thì chưa bao giờ biết rằng, đã nhiều năm nay, ông chồng luôn cố gắng tìm mọi cách để chiều lòng bà, bà cũng không biết rằng cẳng gà là món ăn ưa thích của ông chồng. Còn ông chồng thì lại cũng không hay biết rằng vợ mình đang nghĩ ông hoàn toàn không hiểu chút gì về bà, ông không biết rằng vợ mình ghét tất cả những chiếc cẳng gà mà ông đưa cho mặc dù cuối cùng ông cũng chỉ muốn tốt cho bà.

Đêm hôm đó, cả hai người không sao ngủ được, hết quay người qua bên phải lại trở mình sang bên trái... Nhiều giờ sau, người đàn ông không thể chịu đựng lâu hơn được nữa, ông biết rằng ông quá yêu vợ mình, và ông không thể sống mà thiếu bà ấy được. Ông muốn bà ấy quay trở về, muốn nói thật to với bà, bằng tất cả con tim của mình, rằng ông xin lỗi, rằng ông yêu bà rất nhiều...

Ông chồng nhấc máy điện thoại, ấn số nhà bà vợ, những âm thanh tín hiệu như kéo dài bất tận trong vô vọng,... nhưng ông ấy vẫn không ngừng gọi điện...

Ở bên chỗ bà vợ, bà cũng đang vô cùng đau buồn, có điều bà không thể hiểu nổi, là tại sao sau ngần ấy năm, cho đến tận bây giờ, ông chồng vẫn không biết rằng bà rất yêu ông ấy. Những tiếng chuông điện thoại lại tiếp tục vang lên phá vỡ không gian yên tĩnh đáng sợ. Đoán được ai là người ở đầu dây bên kia, bà vợ nhất định không nhấc máy. “Để làm gì nữa, tất cả đã kết thúc rồi mà, cứ sống như thế này thôi là được rồi...” – bà nghĩ.... Những tiếng chuông điện thoại lại tiếp tục đổ, ngày 1một dồn dập và liên tiếp hơn.

Có điều, dường như bà đã quên hoàn toàn về căn bệnh tim của ông chồng.

Sáng hôm sau, bà nhận được tin ông ấy đã qua đời... Bà vội đến ngay khu nhà của ông, nhìn thấy ông đã không còn chút hơi thở nào, lạnh lẽo. Ông ấy vẫn đang nằm trên ghế tràng kỉ, và tay thì vẫn đang cầm chiếc điện thoại... Ông đã bị lên cơn đau tim trong khi cố gắng gọi điện cho bà.

Bà vợ cảm thấy đau buồn vô hạn, và tuyệt vọng, mọi thứ xung quanh dường như đều trở nên vô nghĩa.... Bà quyết định, sẽ phải xoá nhoà tất cả những gì thuộc về ông. Trong khi dọn dẹp, bà tìm thấy 1 chiếc quần của ông chồng, trong túi quần là một mảnh giấy, đó là hợp đồng bảo hiểm, có hiệu lực kể từ ngày hai người làm đám cưới với nhau, tên bà được ghi ở phần Người sẽ giữ tài sản trong trường hợp rủi ro, kèm theo mớ giấy tờ là một bức thư...

"Gửi em – cô vợ yêu dấu nhất trên đời của anh, khi em đọc được những dòng này, thì anh chắc rằng anh đã không thể còn ở trên cõi đời này được nữa. Anh đã mua cái bảo hiểm này cho em. Với số tiền 100.000 $ này, anh hi vọng chúng sẽ có thể tiếp tục thay anh làm tròn trách nhiệm, bổn phận, và lời hứa mà anh từng hứa với em khi chúng ta làm lễ cưới. Anh có thể sẽ không tồn tại mãi mãi bên cạnh em được, nhưng anh mong số tiền này sẽ thay thế anh để chăm sóc em thật tốt, giống như là khi anh còn sống vậy. Anh chỉ muốn em biết rằng, anh sẽ vẫn luôn ở bên cạnh em, trong trái tim em... Anh yêu em, mãi mãi yêu em, vợ của anh ạ!!!"

Nước mắt của người phụ nữ già tuôn rơi, lã chã... trào ra như một dòng sông...

“Khi bạn yêu một ai đó, hãy thể hiện cho họ biết tình cảm của mình... Bởi có thể bạn sẽ chẳng còn cơ hội nào để bày tỏ được tình cảm của mình đâu, vì bạn không biết rằng, chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai... Hãy học cách để yêu một ai đó... Học cách để sống bên nhau trọn đời....”

Cổ Học Tinh Hoa

 31. ĐÁNH ĐÀN


Vua nước Tề thích nghe sáo. Có kẻ muốn cầu chút công danh, đem đàn đến đứng trước cửa Nhà vua mà đánh. Đánh luôn ba năm, mà vua không hỏi tới. Anh ta giận lắm, gắt mà nói rằng: “Ta đánh đàn đến cả quỷ thần cũng phải say mê, thế mà vua không biết cho ta!”
Có người nghe nói, cười mỉa, bảo rằng: "Vua thích nghe tiếng sáo, mà bác đánh đàn, cho đàn bác hay đến đâu, nhưng vua không thích thì làm thế nào được? Thế là bác chỉ giỏi ngón đàn, chớ không khéo cầu danh ở nước Tề này vậy!”

GIẢI NGHĨA

Công danh: công là khó nhọc mà được việc, danh là tiếng tăm; công danh là đem sự khó nhọc ra để được danh giá. 

LỜI BÀN

Đem đàn ra đánh cho người thích nghe sáo, mà cầu cho người ta ưa mình, thì chẳng là khờ vụng lắm ư! Cho nên mình tuy có tài, muốn thi thố cái tài, thì phải dò trước xem người dùng mình có ưa cái tài ấy không. Bằng không, mà mình cũng cứ phô tài, thì chẳng những việc muốn cầu không được, mà lại để thiên hạ người ta chê cười cho nữa.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Câu Chuyện Shunkai


Tuyệt đại mỹ nhân Shunkai , có một tên khác là Suzu , bị bắt buộc phải lập gia đình trái với ý muốn của nàng Khi Shunkai còn nhỏ tuổi quá . Sau này , khi cuộc hôn nhân đã kết thúc , Shunkai theo học triết học ở một trường đại học .

Nhìn thấy Shunkai là phải yêu nàng . Luôn luôn và bất cứ nơi nào nàng bước chân đến là có kẽ yêu nàng , và chíng nàng cũng yêu nhiều người . Tìh yêu đã đến với Shunkai ở đại học , và sau này , khi triết học không làm Shunkai thỏa mãn . Shunkai đến viếng một ngôi đền để học Thiền , nhiều Thiền sinh yêu nàng . Toànthể cuộc đời Shunkai đẫm ướt tình yêu . Cuối cùng đến Kyoto , Shunkai mới trở thành một Thiền sư thật sự . Những sư huynh đệ của Shunkai ở một ngôi đền phụ thuộc đền Kennin đã ca ngợi lòng chân thành của Shunkai . Một người trong bọn họ đã chứng tỏ tinh tần đồng chí hướng với Shunkai bằng cách đã giúp đỡ Shunkai trong việc nắm vững căn bản Thiền học .

Sư trưởng của đền Kennin , Mokurai có nghĩa là Im lặng Sấm Sét là một người nghiêm khắc . Mokurai tự giữ giới luật rất nghiêm trang và muốc các đệ tử cũng làm như mình .

Ở nước Nhật hiện thời , dù bất cứ nhiệt tâm nào dường như các tu sĩ đã đánh mất tinh thần Phật giáo , vì họ có vợ . Mokurai thường xách chổi đuổi những người đàn bà khi ông tìm thấy họ ở bất cứ nơi nào trong ngôi đền của ông . Nhưng Mokurai càng quét đuổi nhiều bà vợ đó chừng nào thì dường nghư họ càng trở lại nhiều chừng ấy .

Trong ngôi đền đặc biệt này , bà vợ của tu sĩ trưởng nổi ghen với sự chăm chỉ và sắc đẹp của Shunkai . Nghe các đệ tử ca ngợi sự hành Thiền trang nghiêm của Shunkai , bà vợ tu sĩ trưởng ngứa ngáy khó chịu . Cuối cùng bà phao đồn về việc Shunkai với một thanh niên bạn . Vì thế Shunka và anh bạn bị trục xuất ra .

Shunkai nghĩ :” Có thể ta đã gây nên một lỗi lầm về chuyện yêu đương , nhưng bà ấy sẽ không thể ở lại ngôi đền đó được , nếu bạn ta bị đối xử quá bất công như thế “’ 

Ðêm đó , Shunkai mang một thùng dầu hỏa châm kửa đốt rụi ngôi đền đã xây hai mươi lăm năm này .

Sáng hôm sau Shunkai thấy mình bị cảnh sát bắt giữ .

Một luật sư trẻ thích Shunkai và cố gắng giúp nàng được nhẹ tội . Nhưng Shunkai bảo vị luật sư rằng :” Ðừng , đừng giúp tôi làm gì , biết đâu tôi lại quyết định làm một việc gì khác rồi tôi lại ngồi tù nữa . Vô ích “.

Cuối cùng Shunkai bị tuyên án bảy năm tù . Shunkai lại được một cai tù sáu mươi tuổi thả ra vì ông ta cũng say mê nàng . 

Nhưng bây giờ người ta xem nàng như một “ con chim tù “. Không ai còn muốn giao kết với Shunkai . Cả đến các Thiền nhân , những người được cho là tin vào sự giác ngộ ngay trong đời này và với thân này , tất cả đều tránh nàng . Shunkai đã nhìn thấy Thiền là một việc và những kẽ theo Thiền là một việc khác hẳn hoàn toàn , Những người thân thuộc của Shunkai cũng không còn gì . Shunkai trở thành người bệnh tật , và yếu đuối . Shunkai gặp một tu sĩ Shinatru , nàng niệm danh hiệu của Ðức Phật A Di Ðà . Shunkai đã tìm được nơi đây một chút an ủi thanh bình của tâm hồn . Shunkai đã qua đời khi nàng còn đẹp tuyệt trần và chưa đầy ba mươi tuổi Shunkai đã viết lại câu chuyện đời nàng trong một sự cố gắng hữu ích để hổ trợ cho chính nàng . Một phần nhỏ câu chuyện này được nàng kể cho một người đàn bà khác ghi lại . Vì thế câu chuyện đã đến tai người dân Nhật . Những người đã từ chối Shunkai , những người đã phỉ báng và oán ghét Shunkai , bây giờ đọc lại chuyện đời Shunkai với những giọt lệ ăn năn

Truyện cười trong ngày

 Bố nào con nấy

Mẹ:
- Bố con lười quá! Chẳng động đến chân tay chút nào. Sáng nay con lau nhà hộ mẹ nhé, mẹ sẽ thưởng con năm ngàn.
Trưa về, Tí khoe:
- Mẹ thấy chưa? Nhà sạch bóng. Mẹ trả công lao động cho con đi.
- Từ từ đã...
- Con phải trả ngay cho ba thằng bạn giúp con lau nhà, mỗi đứa một ngàn, con ngồi không thì cũng có hai ngàn hì hì...

Sunday, May 30, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - NHÌN ĐỜI BẰNG TÂM

 NHÌN ĐỜI BẰNG TÂM


Ở giữa một đàn vịt trên khắp cánh đồng tự dưng xuất hiện con vịt mù. Nó mù nên chẳng thấy đường về chuồng thế là nó cứ la quát quát như hi vọng số còn lại sẽ la theo để nó biết được hướng về cùng, nó cứ lạng hết bên này đến bên kia nó mệt nhoài rồi nó lại xoay vòng tròn. Nó cứ nghĩ cả bầy sẽ đợi nó nhưng không... là ngược lại mới đúng.
Nó la quát quát là số con vịt kia lại tránh xa ra như thể sợ điều xui rủi gì đó, rồi con đầu đàn hỏi con vịt mù:

- Ngươi từ đâu xuất hiện?

Con vịt mù nói nhẹ nhàng: tôi vốn dĩ xưa giờ đã cùng đàn với ngài mà!

- Con vịt đầu đàn cười khinh bỉ rồi nói: ngươi nhìn đi , trong đàn của ta có con nào mù như nhà ngươi không?mà ngươi lại nói cùng đàn với ta...

Con vịt mù im lặng và chỉ biết rưng rưng nước mắt.... nó lạng lạng xoay xoay và chẳng ai biết được nguyên nhân vì sao nó mù... cũng chẳng ai buồn bận tâm tới nó.

Nó buồn nó lầm lũi rồi nó về nhà nói với chủ nó:

- Ông chủ ơi ông hãy giết tôi đi!

Chủ nó ngạc nhiên:

- Tại sao? trong muôn loài, con vật nào cũng muốn sinh tồn vậy tại sao ngươi muốn chết?

- Thưa ông, tại tôi mù.

- Ngươi mù, vậy là ngươi muốn chết sao?

- Dạ, thưa ông, tôi mù làm cả đàn xa lánh tôi, cả đàn ghét bỏ tôi.

- Vậy à, vậy bọn chúng có hỏi tại sao ngươi mù không? Bọn chúng có biết được ngươi vì kiếm ăn mà vô tình bị tổn thương ở đôi mắt nên ngươi mù không? Bọn chúng có biết dù ngươi mù nhưng hằng ngày ngươi vẫn biết đường về đến chuồng biết được điều mà bọn chúng không hề biết không?

Ngươi mù nhưng tâm ngươi sáng thì sao ngươi phải chết? Ngươi sống vì ngươi đâu phải vì bọn chúng?

Đến khi nào ngươi cảm thấy tâm ngươi không còn sáng nữa thì ngươi hãy chết còn ngày nào tâm còn sáng thì ngươi hãy sống!

Cổ Học Tinh Hoa - Ứng đối lanh lợi

 Ứng đối lanh lợi


Thiệu(2) là con vua Nguyên đế nhà Tần(1), lúc nhỏ đã cực kỳ thông tuệ.

Một hôm, có sứ thần ở Trường An(3) đến, vua Nguyên đế hỏi thử rằng: “Trường An gần hay mặt trời gần hơn?”

Thiệu đáp: “Trường An gần hơn”.

- Tại làm sao?

- Tôi chỉ thấy nói có người ở Trường An lại, chớ chưa từng thấy nói có người ở mặt trời lại đây bao giờ”.

Vua nghe câu nói lấy làm lạ.

Cách mấy hôm sau, vua đem câu chuyện kể lại cho quần thần nghe. Nhân Thiệu đứng hầu bên lại hỏi đùa: “Trường An gần hay mặt trời gần hơn?”

Thiệu đáp: “Mặt trời gần hơn”.

Vua ngạc nhiên hỏi: “Sao hôm nay lại trả lời khác hôm nọ như thế?”

- Tôi ngửng đầu lên, trông thấy ngay mặt trời chớ không thấy Trường An đâu cả.

Vua nghe, lại càng lấy làm lạ.

Tấn Sử

Lời bàn:

Thiệu đối đáp lanh lợi như vậy, thực đáng khen là đĩnh ngộ. Khi ai hỏi gì, mà đối đáp được xác lý là đã khó, đã xác lý mà lại mau trí khôn lại càng khó hơn nữa. Lẽ phải không cùng, ứng đối mau mắn và xác đáng, thế mới là người thông tuệ có tài. 

--------------------------------- 

(1) Tần: tên một triều đại bên Trung Quốc (265 – 419)

(2) Thiệu: sau nối ngôi Nguyên đế làm vua gọi tên là vua Minh Đế.

(3) Trường An: tên một đô thành cũ bên Tàu, tức là Tây Bắc, huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây bây giờ.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 PHÂN TRÂU CŨ ĐI ĐÂU CŨNG VẬY



 Một viên quan nhỏ đã tiêu phí phần lớn đời mình làm thị vệ phục vụ hoàng đế trong hoàng cung. Khi đã lớn tuổi, ông ta bắt đầu ghét những tranh biện nhỏ nhen và sự dùng mưu kế để tranh đoạt địa vị .

 Đến khi về hưu, ông ta ly dị bà vợ vô tích sự và dời đến một ngôi chùa Thiền nào càng xa kinh đô càng tốt.

Ông ta tự hứa với mình: “đây, không có những ti tiện nhỏ bé của bản tánh con người, nếu không giác ngộ thì ta cũng được yên tĩnh.”

 Đến khi ở trong chùa, ông ta thấy mình lên chức nhanh chóng trong hệ thống đẳng cấp; những kỹ năng cũ trong đời sống cung đình lại dự phần ở đây

 Mười một tháng sau, ông ta dọn ra khỏi chùa và đến ở trong một sơn động đạm bạc. Khi có người hỏi lý do, ông

ta giải thích: “Phân trâu cũ đi đâu cũng vậy.”

 (Ngụ Ngôn Thiền)

Truyện cười trong ngày

 Tán gái bá đạo

Chàng trai hỏi cô gái: "Bố em là đầu bếp à?"

– Không ạ!

– Mẹ em là đầu bếp à?

– Dạ cũng không ạ. Sao thế hả anh?

– Thế sao làm ra em ngon thế? Thế em với Google có quan hệ gì không ?

– Dĩ nhiên là không. Sao anh hỏi gì kì thế?

– Ờ thì anh thấy ở em có tất cả những gì anh đang tìm kiếm. Thế em có phải nhà ảo thuật không?

– Dạ không… Anh lại định nói gì nữa đây?

– Không. Chỉ là mỗi khi anh nhìn em, mọi thứ xung quanh lại biến mất


Saturday, May 29, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Cô Đơn

 Câu chuyện dài

CÔ ĐƠN...

Buổi chiều hai “ vợ chồng son” ngồi vào bàn ăn. Bà Lệ mở nồi cơm điện xúc ra hai bát cơm thì ông Kính lên tiếng hỏi ngay:

- Vẫn cơm buổi sáng hả?

- Cơm còn nhiều đủ cho buổi chiều anh ạ.

Nét mặt ông không vui:

- Em biết là anh chỉ thích ăn cơm nóng mới nấu thôi mà.

- Vâng, em biết, nhưng cơm còn nhiều, nấu thêm cơm mới ngày mai chúng ta lại có cơm cũ.

Ông lại nhìn vài con tôm bày trong chiếc đĩa nhỏ xinh xinh bên cạnh bát canh rau cải xanh nấu thịt bò cũng nho nhỏ xinh xinh và…phát giác thêm:

- Tôm rim của ngày hôm qua, còn bát canh của buổi sáng nay. Anh nhắc lại anh chỉ muốn cơm canh nóng sốt, bữa nào ra bữa ấy.

Giọng bà dỗ dành:

- Ngoan đi, nghe lời em. Hôm nay em hơi mệt, anh chịu khó ăn đồ còn dư đỡ mất công em nấu, đỡ tốn tiền và đỡ chật tủ lạnh.

Bà đã nhẫn nhịn, đã dịu ngọt mà ông Kính vẫn sưng xỉa bưng bát cơm ăn như kẻ bị lưu đày, bị đối xử tàn tệ.

Ông ăn lưng bát cơm thì buông đũa suồng sã thô lỗ và đứng dậy xong bữa.

Bà Lệ cảm thấy bị tổn thương và ngán ngẩm. Nỗi buồn bã và ân hận dâng lên tận cổ . Bà nghẹn lời không muốn nói gì nữa.

Mới ở với nhau hơn một năm mà ông Kính đã thay đổi và lộ hẳn con người thật của ông. “Chàng” của…năm ngoái, thuở mới quen không còn nữa.

Hai ông bà gặp nhau trong một buổi sinh hoạt cộng đồng ở Nam Cali. Họ ngồi cạnh nhau. Ông Kính bắt chuyện làm quen trước, qua vài câu thăm hỏi khéo léo, cả hai cùng biết chút đời tư của nhau, cùng độ tuổi và cùng góa bụa đơn lẻ như nhau.

Bà Lệ về hưu tiền ít ỏi nên xin hưởng welfare, bà ở căn apartment dành cho người cao niên lợi tức thấp. Đứa con trai duy nhất của bà đã lập gia đình, vợ nó người Mỹ. Một hai năm vợ chồng nó mới từ tiểu bang khác về Cali thăm bà.

Bà Lệ quen với cảnh sống một mình kể từ khi chồng bà qua đời và con ở xa.

Căn phòng bà ở tầng lầu hai, có lan can cửa sau ngập bóng mát cây cao, bà kê chiếc ghế dựa dài ở đây, những lúc rảnh nằm thảnh thơi đón gió và đọc sách báo. Thỉnh thoảng bà gấp sách báo ngừng đọc cho đỡ mỏi mắt và phóng tầm nhìn xa mây trời lênh đênh hay nhìn xuống dưới đất người ta qua lại trong khu apartment mà vui.

Từ khi ông Kính làm quen, niềm vui của bà nhiều hơn. Đã mấy lần bà ngồi ở lan can hiên sau nhìn thấy ông Kính đang đậu xe và đi bộ vào nhà bà, ông ngước lên, bà nhìn xuống, bốn mắt ở xa nhau mà cùng giao cảm, cùng rộn ràng. Họ như mới ở tuổi đôi mươi hẹn hò.

Mỗi lần ông đến thăm luôn mang theo một món quà, khi thì bó hoa đẹp nên thơ lãng mạn, khi thì thực tế đời thường một hộp heo quay và hai ổ bánh mì còn nóng để hai người cùng ăn.

Bà đáp lễ, có lúc mời ông dùng chung bữa cơm trưa, cơm chiều, ông đều vui vẻ ăn và khen ngon, dù đó là nồi cơm bà nấu hai ngày ăn chưa hết, là nồi cá kho ba ngày vẫn còn, hay nồi thịt kho trứng ít nhất cũng vài ngày cứ kho đi kho lại. Bà cảm động vì đã gặp người cùng sở thích, cảm thông.

Bà tính đơn giản và tiết kiệm vì đồng tiền ít ỏi. Một mình nấu một cup gạo chỉ dính nồi thì bà nấu hẳn vài cup gạo để ăn vài lần, các món kho món mặn cũng thế.

Bà có nhiều thời giờ thảnh thơi xem phim truyện trên you tube và đọc sách bạn bè gởi tặng hay báo miễn phí tha về một đống ngoài chợ búa.

Khi ông Kính ngỏ lời muốn kết hôn với bà, muốn cùng bà “dìu nhau” đi nốt quãng đường đời còn lại bà đắn đo nhiều lắm. Đánh đổi cuộc sống độc thân tự do và nhàn hạ lấy cuộc sống chung hai người trên danh nghĩa vợ chồng rất nhiều khác biệt. Ít nhiều bà sẽ lệ thuộc vào ông.

Về với ông nhà cao cửa rộng, tiền bạc không thiếu. Nhưng trái tim đa cảm của bà đã chọn ông, chọn cuộc sống lứa đôi cuối đời với người mà bà tin là tri kỷ tri âm chứ không vì những thứ vật chất ấy.

Nhà bà cách nhà ông chỉ 30 phút lái xe mà hai khung trời khác biệt.

Ông ở trong khu hàng xóm sang trọng, căn nhà to đẹp, cuộc sống trung lưu. Các con ông đứa nào cũng thành danh trong ăn học, trong kinh doanh.

Khi bà dọn về với ông, ba đứa con ông giỏi xã giao lịch sự với bà, nhưng bà vẫn đọc thấy chúng nhìn bà với vẻ ái ngại và nghi ngờ. Chắc chúng tưởng bà ăn welfare này lấy ông vì tài sản và danh giá của gia đình ông? Chúng đâu biết ông đã phải năn nỉ cầu mong bà nhận lời và bà đã đắn đo suy nghĩ mãi mới đi đến quyết định sống chung.

Những ngày đầu sống chung đã là những tuần trăng mật, họ như đôi vợ chồng son luôn cho nhau những ánh mắt thắm tình và nụ cười trìu mến bao dung. Họ xưng hô “anh, em” ngọt ngào và trân trọng.

Nhưng ông Kính không đơn giản như bà nghĩ. Chắc ông quen sống trong giàu sang, quen được chiều chuộng và quen ra lệnh sai bảo người khác, ông khó tính khó nết đến khác người. Nhà chỉ hai người nhưng ông muốn cơm phải nấu hai bữa sáng chiều, món trưa khác, món chiều khác. Bữa ăn luôn là cơm canh nóng sốt.

Ban đầu bà hào hứng chiều ý ông, nghĩ ra những món ăn ngon để thay đổi và không trùng lập. Bà đã lên danh sách những món cho mỗi tuần. Chưa bao giờ bà phải trổ tài gia chánh chăm chỉ đến thế, chồng con bà trước kia chưa được bà tận tình chăm sóc đến thế.

Dần dần bà cảm thấy mệt mỏi với công việc bếp núc ngày hai bữa này, vì cả khi bà cảm thấy nhức đầu sổ mũi muốn được nghỉ ngơi vẫn phải lăn vào bếp..

Khi xưa ở một mình, nếu không thể vào bếp bà chỉ ăn một tô mì gói cũng xong bữa.

Hôm nào bà ước lượng sai, còn dư cơm dư canh là bị ông cằn nhằn hao tiền tốn bạc vì ông không thích ăn lại món cũ dù cùng một ngày. Ông đưa ra thí dụ cho bà học hỏi:

- Tách trà ngon chỉ nhỏ bằng hạt mít, nhấp từng chút một mới thú vị, cũng trà ấy mà cho vào ly cối tổ bố và uống ào ào thì chẳng ra gì. Cơm canh em cứ nấu ngày hai buổi, mỗi thứ một ít vừa đủ thôi, trông thanh cảnh và ngon.

Bà chán kiểu ăn uống “quý phái” của ông quá rồi. Bàn ăn mỗi thứ một chút, bày trong bát đĩa sạch đẹp sẵn sàng để mời ông ngồi vào bàn như một khách quý.

Lúc còn ở apartment bà từng vừa ăn ổ bánh mì vừa nằm ghế dựa và nhìn mây nhìn gió ngoài hiên sau nhà cũng là hạnh phúc.

Có lần bà làm bếp, đang đứng chặt miếng sườn heo non trên kitchen island thì ông hơ hãi từ trong phòng chạy ra và... chỉ thị:

. Em làm gì ầm ầm thế? mang xuống nền nhà, tha hồ mà băm mà chặt cho …đỡ hư hại cái quầy này.

- Ngồi đau lưng lắm, mà em chặt vài nhát sườn non thôi mà.

Tuy nói thế bà vẫn phải mang thớt xuống đất để chặt miếng sườn cho xong còn hơn là đứng lý luận với ông và biết là sẽ không có sự thông cảm.

Hay khi bà vào rửa mặt trong restroom thì ông đã vài lần theo bén gót chỉ để ân cần nhắc nhở:

- Em đừng làm nước văng tung tóe lên trên kẻo sinh ra nấm mốc khó sửa chữa lắm.

- Em biết rồi, dù ở apartment em vẫn cẩn thận giữ gìn thế mà. Anh cứ làm như em mới đến Mỹ ngày hôm qua.

Ông Kính rất qúi hóa căn nhà của ông, sợ bẩn tường, trầy sơn hư hỏng đủ thứ. Có lần ông nói hớ, bà Lệ hiểu rằng căn nhà này ông đã sang tên cho con gái út và nó muốn ông phải giữ gìn nhà cho tốt để sau này bán sẽ được giá.

Thì ra cha con nhà ông tính toán quá. Biết đâu ông cũng đã chia tiền của, sang tên tài sản cho các con rồi mới…được quyền bước thêm bước nữa.

Cũng may bà chưa làm hôn thú giấy tờ gì với ông cả, chỉ dọn đến sống chung trước nên đỡ mang tiếng.

Bà Lệ bỗng nhận ra mình như kẻ ở nhờ, hầu hạ cơm nước cho “chủ”, chăm sóc dọn dẹp căn nhà cho “chủ” và mất quyền tự do của chính mình.

Hiếm hoi lắm gia đình thằng con trai mới về thăm bà. Bà không muốn tiếp đón chúng trong căn nhà không phải của bà. Mẹ con bà cháu đã hẹn nhau ở nhà hàng, xong con cháu về khách sạn, bà về…nhà chồng.

Hôm ấy bà tủi thân, nghĩ đến con cháu mà rơi nước mắt . Đáng lẽ con cháu sẽ ùa vào căn phòng apatment như mọi lần, bà sẽ nấu bữa ăn ngon đãi con trai và con dâu, bà mua món bánh kẹo mà hai đứa cháu nội yêu thích, chúng sẽ tha hồ cười nói, đùa nghịch và làm xáo trộn căn phòng hẹp. Gia đình bà sẽ trò chuyện hỏi han nhau nhiều hơn, vui vẻ hơn, ấm cúng biết bao nhiêu.

Ông Kính đã không hiểu được nỗi lòng bà, không an ủi mà còn cau có:

- Gặp con cháu thế đủ rồi, gặp nhiều thêm phiền phức chứ ích lợi gì.

.Bà Lệ đã âm thầm xin thuê lại một căn phòng trong khu chung cư cũ, căn phòng trước kia có bóng cây cao râm mát nơi lan can sau nhà đã có người khác ở.

Nhưng căn phòng nào cũng là căn phòng độc thân, căn phòng vui vẻ cho bà trở về.

Khi nhà cửa đã thuê xong xuôi bà Lệ mới lên tiếng chia tay ông Kính. Ông tức giận và ngạc nhiên, ông đơn giản tưởng bà …thoát khỏi cảnh nhà nghèo, rời xa khu chung cư rẻ tiền về với ông ở nhà đẹp, đi xe sang sẽ là may mắn và hãnh diện cho bà.

Thấy bà cương quyết đòi chia tay, ông đành xuống nước năn nỉ. Dù ông thương yêu bà bao nhiêu không làm bà Lệ xúc động nữa. Bản chất vẫn là ông Kính dở hơi khó tính, là người chồng gia trưởng, không thích hợp với bà.

Xách valy ra khỏi cửa nhà ông, bà Lệ đổi cách xưng hô và cay đắng nói:

- Mỗi ngày ông chịu khó hai lần ra khu chợ Việt Nam, vào hàng... cơm chỉ nhé. Sáng chỉ một vài món, chiều chỉ một vài món là luôn có cơm canh nóng sốt, thức ăn đổi mới cho ông vừa lòng.

[Nguyễn Thị Thanh Dương.]

Bài sưu tầm

Cổ Học Tinh Hoa

 Tu Thân


Thấy người hay, thì phải cố mà bắt chước; thấy người dở thì phải tự xét xem có dở như thế không để mà sửa đổi.

Chính mình có điều hay, thì phải cố mà giữ lấy; chính mình có điều dở, thì phải cố mà trừ đi.

Người chê ta, mà chê phải, tức là thầy ta; người khen ta, mà khen phải, tức là bạn ta; còn người nịnh hót ta lại là người cừu địch hại ta vậy.

Cho nên người quân tử trọng thầy, quí bạn và rất ghét cừu địch, thích điều phải mà không chán, nghe lời can mà biết răn... như thế dù muốn không hay cũng không được.

Kẻ tiểu nhân thì không thế. Cực bậy, mà lại ghét người chê mình; rất dở, mà lại thích người khen mình; bụng dạ như hổ lang, ăn ở như cầm thú, mà thấy người ta không phục, lại không bằng lòng; thân với kẻ siểm nịnh, xa cách kẻ can ngăn, thấy người chính trực thì cười, thấy người trung tín thì chê... Như thế thì dù muốn không dở cũng không được.

Lời Bàn:

Cái đạo tu thân rút lại chỉ có biết theo điều hay, biết tránh điều dở. Mà muốn tới cái mục đích ấy, thì không những là tự mình phải xét mình lại còn phải xét cái cách người ở với mình nữa. Đối với người, cần phải biết hai điều: Ai khen chê phải, khuyên răn hay, thì phục, thì bắt chước; ai chiều lòng nịnh hót, thì tránh cho xa, coi như quân cừu địch. "Nên ưa người ta khuyên mình hơn người ta khen mình" có như thế, thì mới tu thân được.

Tuân Tử: tên thật là Huống, tên tự là Khanh, người nước Triệu, sinh ra sau Mạnh Tử độ 50 năm, thấy đời bấy giờ cứ loạn luôn mãi và phong hóa suy đồi, làm sách nói về lễ nghĩa, lễ nhạc, cốt ý để chỉnh đức và hành ạo. Quân tử: Người có tài đức hơn người.

Tiểu nhân: Kẻ bất chính, gian ác, tự tư, tự lợi.

Cầm thú: cầm: giống có hai chân và hai cánh; thú: giống có bốn chân, hai chữ chỉ loài chim và loài muông.

Chính trực: ngay thẳng.

Trung tín: hết lòng, thật bụng.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 CÁI TÂM ĐÁ


 Pháp Nhãn (Hogen) là một Thiền sư Trung quốc, sống trong một ngôi chùa ở miền quê. Một hôm có bốn ông tăng hành cước xuất hiện và hỏi xem họ có thể đốt lửa trong chùa để sưởi ấm hay không, vì trời tuyết lạnh lắm.

Trong khi họ nhóm lửa, Pháp Nhãn nghe họ tranh luận về chủ và khách. Sư nhập bọn với họ và nói: “Có một hòn đá bự. Các ông xem nó ở trong hay ở ngoài tâm các ông?”

Một ông tăng đáp: “Theo quan điểm của Phật giáo mọi vật là đối thể hóa của tâm, vì vậy tôi nói hòn đá ở trong tâm tôi.”

Pháp Nhãn nhận xét: “Cái đầu của ông chắc phải nặng lắm, nếu ông mang một hòn đá như thế trong tâm ông.”

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

Truyện cười trong ngày

 Điểm hấp dẫn của hôn nhân

Quan toà hỏi người phụ nữ nộp đơn xin ly hôn:

- Nhưng ngày xưa, chắc hẳn chồng bà cũng có điểm gì hấp dẫn thì bà mới lấy ông chứ?

Người phụ nữ gật gù:

- Có, dĩ nhiên là có.

- Thế bây giờ bà không còn thấy điểm đó hấp dẫn nữa sao? - quan tòa hỏi.

Người phụ nữ khẽ thở dài:

- Dĩ nhiên không phải. Chẳng qua là tất cả đã được tiêu xài đến tận đồng xu cuối cùng rồi.

- !?!


Friday, May 28, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn

Đọc và Suy Ngẫm 

Bạn là một nhân viên mẫn cán nhất phòng, không ngại ôm nhiều việc, chẳng ngại làm thêm giờ. Bạn luôn tâm niệm rằng chỉ cần công việc tốt lên là được, tính toán thiệt hơn gì việc ai làm ít ai làm nhiều làm gì. Bạn không phải là người nhanh nhẹn nhất nhưng sẽ luôn là người cần mẫn nhất. Bạn không phải là người giỏi nhất nhưng sẽ là người chăm chỉ nhất.

Bất chợt đến một ngày, bạn cảm thấy mình đuối sức. Bạn cảm thấy mình cần về nhà sớm và bạn cảm thấy mình cần có người chia sẻ công việc. Sếp dường như trở thành một người khác, đánh giá thấp kỹ năng của bạn, cho rằng những cố gắng của bạn bằng 0 và phóng đại cả những khuyết điểm của bạn lên nữa chứ.

Bạn làm việc hết mình chẳng tính toán thiệt hơn. Nhưng sếp bạn có thể lại cho rằng đó là bổn phận, trách nhiệm của bạn. Trực ngoài giờ, là trách nhiệm của bạn. Không để khách hàng nào khiếu nại, là trách nhiệm của bạn. Hoàn thành công việc sớm, là bổn phận bạn cần làm.

Đồng nghiệp thì lại cho rằng bạn đang lười biếng, đang buông bỏ. Bạn đang đùn đẩy trách nhiệm cho họ, khiến tự nhiên họ phải làm những việc trước đây chẳng phải động tay. Dù bạn có làm 200% sức lực thì đến hiện tại điều đó đã trở thành nghĩa vụ- mà bạn phải thế. Cho nên, khi bạn chỉ làm đủ 100% những việc cần, mọi người cho rằng bạn chưa hoàn thành đủ trách nhiệm".

Cổ Học Tinh Hoa

 Muôn Vật Một Loài


Người ta ở trong khoảng trời đất thường hay tự phụ mình làm chủ cả muôn vật: vì mình mà muôn vật phải sinh, vì mình mà cây thóc mọc mà con lợn béo, mà con tằm nhả tơ, con ong gây mật, cho đến cả mặt trời sáng ban ngày, ngôi sao lóng lánh ban đêm. Nhưng xét lại, thì loài người chẳng qua cũng chỉ là một loài cùng sinh, cùng sống như muôn loài trong trời đất

Người họ Điền nước Tề sắp phải đi xa, làm tiệc để cáo biệt anh em. Khách mời kể có nghìn người. Cỗ bàn đủ các thứ sơn hào hải vị. Lúc ăn đến món chim, món cá, người họ Điền trông thấy, nói rằng: “Trời đãi người hậu thật! Sinh ra thóc lúa, sinh ra chim cá, không thiếu thứ gì, để cho người dùng”. Bao nhiêu khách ăn đồng thanh khen câu nói ấy là phải. Duy có đứa con họ Bảo, tuổi mới mười hai, đứng dậy nói rằng:

- Cứ như ý tôi thì câu nói ấy là không phải. Muôn vật trong trời đất là cùng sinh với ta, cùng một loài như ta, không có gì sang hay hèn cả. Sang hèn mà phân biệt, chẳng qua là các loài chế lẫn nhau, lớn nuốt nhỏ, khôn đè dại, khoẻ lấn yếu mà thôi. Chớ nào có phải trời vì loài này mà sinh ra loài khác đâu! Người ta cái gì ăn được thì lấy mà ăn, chớ trời nào lại vì người mà sinh ra ăn thứ nọ thứ kia?

Cứ theo lý ấy, ruồi muỗi hút máu người, hổ lang ăn thịt người, thì có nói được rằng trời vì những giống ấy mà sinh ra người không? 

Liệt Tử

Lời bàn:

Người ta ở trong khoảng trời đất thường hay tự phụ mình làm chủ cả muôn vật: vì mình mà muôn vật phải sinh, vì mình mà cây thóc mọc mà con lợn béo, mà con tằm nhả tơ, con ong gây mật, cho đến cả mặt trời sáng ban ngày, ngôi sao lóng lánh ban đêm. Nhưng xét lại, thì loài người chẳng qua cũng chỉ là một loài cùng sinh, cùng sống như muôn loài trong trời đất. Loài người sở dĩ hơn muôn vật là chỉ hơn có một chút trí khôn mà thôi. Nên câu nói như đứa bé họ Bảo mới thực là cao, rộng, hiểu được cái lẽ vạn vật, tịnh sinh ở đời vậy.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 TÔI KHÔNG MUỐN CHẾT


 Khi các đệ tử của Thiền sư Tiên Nhai hỏi sư (nằm trên giường sắp chết) lời phó pháp theo truyền thống, sư viết: “Tôi không muốn chết.” Nghĩ rằng đây chẳng phải lời phó pháp, họ lại hỏi sư, lần này sư viết: “Sự thật là tôi không muốn chết.” Không muốn chết, hay bám lấy sự sống, hay bi tâm vô lượng -- đúng là tình cảm không giả dối của con người, và sư không cho phép suy lý bất cứ điều gì khác.
 Khi đến, biết từ đâu đến;
 Khi đi, biết đi về đâu.
 Nhưng khi bám chặt vào triền núi đá,
 Giữa mây dày, y chẳng biết là đâu.
Cùng một ý ấy, khi có một vị khách hỏi Thiền sư Độc Viên, trụ trì chùa Tướng Quốc ở cuối thế kỷ trước, về kệ phó pháp, sư nói: “Tôi sẽ không viết kệ phó pháp vì tôi không thích chết.” Và sư chẳng để lại kệ phó pháp.

 (Bước Đầu Đọc Thiền)

Truyện cười trong ngày

 Đeo găng tay


Bà nọ vào một nhà hàng, trong lúc gọi món thấy các bồi bàn không đeo găng tay nên tỏ vẻ không hài lòng.

Bỗng một nhân viên đi ngang, đeo găng tay rất lịch sự, bà liền yêu cầu anh ta phục vụ riêng mình và boa rất hậu. Sau khi ăn, bà gặp người quản lý, than phiền:

- Tại sao nhà hàng này chỉ có anh bồi bàn kia là mang găng tay thế?

- Thưa, đó không phải bồi bàn mà là nhân viên vệ sinh đấy ạ.

Thursday, May 27, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn

                                                              Tiếp thêm sức mạnh 

Bài sưu tầm

“Có chuyện gì vậy mẹ?”, tiếng chuông điện thoại và tiếng khóc của tôi đã làm bọn trẻ thức giấc khi trời còn chưa sáng, và rồi từng đứa một xuất hiện sục sạo lung tung trong bóng tối để cố leo lên giường tôi.

 Cha chúng thay tôi trả lời: “Mẹ đang rất buồn vì ông ngoại Bastien vừa mới qua đời”.

Thế là cả ba đứa bắt đầu vuốt ve tôi, cố giúp tôi làm dịu nỗi đau mà theo tôi nghĩ thì chúng chẳng thể nào hiểu nổi. Ba cặp mắt ngây thơ bất lực nhìn những dòng nước mắt cứ thế tuôn trào trên mắt tôi.

 Bọn trẻ chẳng biết nhiều về ông ngoại của chúng như tôi vẫn thường mong muốn. Cứ nhìn cái khoảng cách hơn một ngàn kilomét từ nhà chúng tôi đến nhà ông thì biết. Những ký ức về ông ngoại Bastien chỉ là những cuộc viếng thăm vào ngày lễ Tạ ơn hàng năm, hay những cuộc điện thoại đường dài, và những tấm ảnh của ông được dán trong quyển album gia đình. Chúng không thể nào biết đươc tôi yêu quý người cha cao lớn và mạnh mẽ của mình như thế nào. Bất chợt, tôi lại cảm thấy mừng vì biết đâu chính vì thế mà chúng sẽ không cảm thấy quá đau đớn vì mất mát như tôi.

Các con tôi chưa từng nghe hay thấy tôi khóc lóc trước mặt chúng như vậy. Tôi cố gắng trấn an bọn trẻ rằng mình sẽ không sao, nhưng không thể nào giải thích cho chúng hiểu được nỗi thương đau của mình. Làm sao tôi có thể giải thích cho bọn trẻ con mới lên bốn, lên sáu, và lên tám tuổi hiểu rằng cuộc đời của mẹ chúng đã thay đổi từ đây. Trong chốc lát, từ một người có cha giờ lại trở thành mồ côi. Những tấm hình và những kỷ niệm về cha trong suốt ba mươi bốn năm qua đối với tôi giờ chẳng còn ý nghĩa gì nữa khi cha đã bỏ tôi ra đi.

Sẽ là ích kỷ nếu tôi đem nỗi đau thương của mình trút lên đầu bọn trẻ, rằng từ nay tôi sẽ không bao giờ được nghe thấy giọng nói của cha, không còn được nắm lấy tay cha, và chẳng còn một người cha để tôi gởi thiếp chúc mừng vào những ngày lễ nữa. Không, tôi không nên nói ra nỗi đau của mình, tôi quyết định giữ chúng lại và để cho nước mắt lặng lẽ tuôn. Bọn trẻ cũng lặng yên ngồi đó, những bàn tay nhỏ xinh xắn cứ nhè nhẹ vỗ về tôi.

Khi tia nắng đầu tiên lọt qua cửa sổ vào phòng ngủ của tôi thì bọn trẻ bắt đầu nói chuyện rì rầm. Rồi từng đứa từng đứa ôm hôn tôi và lỉnh ra khỏi phòng.

Tôi đoán chúng ra ngoài chơi hay xem hoạt hình gì đấy. Thế cũng tốt, tôi chỉ mong cho những trái tim non nớt của chúng không phải chịu đựng nỗi đau này.

Mặc dù vậy, tôi vẫn cảm thấy chạnh lòng khi bọn trẻ bỏ đi. Chỉ một cú điện thoại đã đưa tôi đến một thế giới khác không còn cha nữa, để rồi tôi cảm thấy quá bất lực vì không biết làm sao để quay trở lại. Tôi tự hỏi, nếu phải sống trong nỗi đau đớn vô cùng này, làm sao tôi còn có thể trở lại là tôi trước đây, làm sao tôi có thể hoàn thành tốt vai trò một người mẹ của những đứa con bé bỏng của mình. Tôi nằm đó tưởng chừng như thời gian ngừng trôi, cuối cùng, tôi quyết định lau nước mắt và sẽ giải thích cho bọn trẻ hiểu tâm tư tôi lúc này bằng một cách đơn giản nhất. Trong lúc tôi đang sắp xếp từ ngữ trong đầu thì bọn trẻ quay trở lại.

“Đây nè mẹ”, cả ba cùng đồng thanh: “Tụi con làm cho mẹ nè”. Tôi nhận lấy cái gói nhỏ từ tay ba đứa rồi cẩn thận tháo miếng giấy gói ra. Bên trong là dòng chữ nhỏ xíu do cô chị lớn viết: “Tặng mẹ, chúng con yêu mẹ. Shae, Andrew, và Annie.”

 “Cảm ơn các con”, tôi nói: “Nó đẹp lắm!”

 “Không không, mẹ lật qua bên kia kìa”, một đứa nhắc tôi. 

Tôi lật tờ giấy qua mặt kia và nhìn thấy một cái khung ảnh được vẽ bằng bút màu sáp và trang trí bằng những hình trái tim, ở giữa là một tấm ảnh của cha tôi đang mỉm cười. Đây là một trong những tấm hình đẹp nhất mà tôi đã chụp khi ông còn sống, trước khi bệnh tật cướp đi cái nhìn lấp lánh trong đôi mắt ông. 

Tất cả những lời tôi chuẩn bị nói chợt tan biến hết, tôi biết mình chẳng cần thiết phải giải thích điều gì. Bọn trẻ đã hiểu hết những giọt nước mắt của tôi, và món quà của chúng đã cho tôi thêm sức mạnh. Khi nhìn tấm ảnh của cha, những ký ức thời thơ ấu chợt ùa về lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn tôi. 

Thật ra, bọn trẻ cũng hiểu được nỗi buồn này nhưng chúng có một cách khác để đối diện với nó. Sự ngây thơ của chúng đã giúp tôi nhận ra rằng chính những tấm ảnh kỷ niệm và những ký ức đẹp là thứ giữ cho hình ảnh của cha luôn sống mãi trong lòng tôi - những thứ mà trước đây tôi cho là vô nghĩa khi cha đã không còn.

Cổ Học Tinh Hoa

 86. CỨU NGƯỜI LÚC NGUY CẤP


Trang Chu nghèo túng sang hỏi vay thóc Ngụy Văn Hầu. Ngụy Văn Hầu nói: “Tôi có cái ấp, người ta sắp nộp tiền thóc, tôi sẽ cho ông vay ba trăm lạng, ông có bằng lòng không?”

Trang Chu giận nói: “Khi Chu đến đây, đi giữa đường nghe có tiếng gọi, ngoảnh lại thấy một con cá đang ngắc ngải trong cái vết bánh xe. Chu này hỏi: Cá ở đây làm gì thế? -Cá đáp: Tôi là thủy thần ở bên bể Đông mắc nạn tại đây, ông có thể cho tôi bát nước để cứu tôi lúc nguy cấp này không? -Chu này bảo: Để tôi qua chơi nước Ngô, nước Việt rồi lấy nước sông Tây Giang về đón ngươi, ngươi có bằng lòng không? Cá giận nói: Tôi đang cần đến nước, ông chỉ cho tôi được một ít là tôi sống. Nay ông nói như thế; đợi đến lúc ông về, thì có khi ông đến chỗ hàng cá khô đã thấy tôi đấy rồi.”

Thuyết Uyển

GIẢI NGHĨA
Ngụy Văn Hầu: Văn Hầu nước Ngụy, cứ theo sách Trang Tử tuyết thi là Giám Hà Hầu

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 TỊNH TÂM TỊNH ĐỘ 



Một hôm, một người đàn bà, tên gì không ai biết, đến nghe Bạch Ẩn (Hakuin), nói pháp. Trong bài pháp, có đoạn sư nói, “Tịnh Tâm Tịnh Độ, Phật ở nơi mình: một khi Phật hiện, mọi vật trên thế gian liền chiếu hào quang. Nếu ai muốn thấy được như thế, hãy quay vào tâm mình, nhất tâm tìm kiếm.”

“Vì là tịnh tâm Tịnh Độ, làm sao Tịnh Độ được trang nghiêm? Vì là Phật ở nơi mình, Phật có tướng tốt gì?”

Nghe vậy, người đàn bà suy nghĩ, “Cái đó có khó gì lắm đâu.” Trở về nhà, bà nhìn vào đó ngày đêm, mang nó trong lòng dù thức hay ngủ. Rồi một hôm, trong lúc đang rửa nồi, bỗng nhiên bà thông suốt.

Ném cái nồi sang một bên, đến gặp Bạch Ẩn, bà nói: “Tôi đã qua đến ông Phật trong chính thân tôi đây. Mọi vật đều chiếu sáng. Kỳ diệu quá! Thật là kỳ diệu!” Bà sung sướng nhảy múa vì vui.

Bạch Ẩn nói, “Đó là bà nói, còn cái hầm chứa phân thì thế nào?”

Bà liền bước lên tát Bạch Ẩn một cái, nói, “Cái lão này chưa thông rồi.”

Bạch Ẩn cười rống lên.

(Giai Thoại Thiền)

Truyện cười trong ngày

 Ngăn ngừa hành vi xấu


Hai vợ chồng đi cùng một cô gái xinh đẹp trong chiếc thang máy nhỏ. Người chồng mê mẩn ghé sát vào cô gái. Bỗng nhiên, cô này quay phắt lại, tát bốp vào mặt ông ta và mắng:

- Đồ đê tiện! Chừa cái thói cấu véo phụ nữ trong thang máy đi nhé!

- Lúc ra ngoài, ông chồng nhăn nhó với vợ: Khổ quá, anh có véo cô ta đâu cơ chứ!

- Bà vợ nói: Tôi véo đấy! Tôi sợ rằng nếu không làm như vậy thì anh còn có hành vi tồi tệ hơn!

Wednesday, May 26, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Câu chuyện ngắn về tình yêu

 CÂU CHUYỆN NGẮN VỀ TÌNH YÊU


 Sự hiểu lầm có thể làm cho con người ta mất đi vĩnh viễn 1 thứ gì đó mà ta rất yêu quý, để rồi, khi nhận ra thì đã quá muộn... 
Có một chàng trai đã gấp 1.000 con hạc giấy tặng người anh yêu. Mặc dù lúc đó anh chỉ là một nhân viên quèn trong công ty, tương lai chẳng có vẻ gì sáng lạn nhưng họ vẫn luôn rất hạnh phúc bên nhau.

Rồi cho đến một hôm người yêu của anh nói rằng nàng sẽ đi Paris, sẽ không bao giờ còn có dịp gặp lại anh nữa. Nàng rất lấy làm tiếc về điều này và an ủi chàng rằng rồi nỗi đau của chàng cũng sẽ trở thành dĩ vãng. Hãy để cho nó ngủ yên trong ký ức của mỗi người. 

Chàng trai đồng ý nhưng trái tim tan nát. Anh lao vào làm việc quên cả ngày đêm, cuối cùng anh đã thành lập được công ty của riêng mình. Nó không chỉ giúp anh vươn đến những điều mà trước đây vì thiếu nó mà ngưới yêu đã rời bỏ anh, nó còn giúp anh xua đuổi khỏi tâm trí mình một điều gì đó của những tháng ngày xưa cũ. 

***

Một ngày mưa tầm tã, trong lúc lái xe, chàng trai tình cờ trông thấy một đôi vợ chồng già cùng che chung một chiếc ô đi trên hè phố. Chiếc ô không đủ sức che cho họ giữa trời mưa gió. Chàng trai nhận ngay ra đó là cha mẹ của cô gái ngày xưa. Tình cảm trước đây anh dành cho họ dường như sống lại.

Anh chạy xe cạnh đôi vợ chồng già với mong muốn họ nhận ra anh. Anh muốn họ thấy rằng anh bây giờ không còn như xưa, rằng anh bây giờ đã có thể tự mình tạo dựng một công ty riêng, đã có thể ngồi trong một chiếc xe hơi sang trọng. Vâng, chính anh, chính người mà trước đây con gái họ chối từ đã làm được điều đó.

Đôi vợ chồng già cứ lầm lũi bước chậm rãi về phía nghĩa trang. Vội vàng, anh bước ra khỏi xe và đuổi theo họ. Và anh đã gặp lại người yêu xưa của mình, vẫn với nụ cười dịu dàng, đằm thắm nàng từng đem đến cho anh, đang dịu dàng nhìn anh từ bức chân dung trên bia mộ.

Cạnh cô là món quà của anh, những con hạc giấy ngày nào. Đến lúc này anh mới biết một sự thật: nàng đã không hề đi Paris. Nàng đã mắc phải căn bệnh ung thư và không thể qua khỏi. Nàng đã luôn tin rằng một ngày nào đó anh sẽ làm được nhiều việc, anh sẽ còn tiến rất xa trên bước đường công danh. Và nàng không muốn là vật cản bước chân anh đến tương lai của mình. Nàng mong ước cha mẹ sẽ đặt những con hạc giấy lên mộ nàng, để một ngày nào đó khi số phận đưa anh đến gặp nàng một lần nữa, anh có thể đem chúng về bầu bạn.

Chàng trai bật khóc.
Chúng ta cũng vậy, như chàng trai kia, cũng chỉ nhận ra giá trị lớn lao về sự có mặt của một người mà cuộc đời đã ban tặng cho cuộc sống của chúng ta khi một sáng mai thức giấc, người ấy đã không còn ở bên ta nữa. Có thể họ đã chẳng yêu bạn như cách mà bạn mong đợi ở họ nhưng điều này không có nghĩa rằng họ không dâng hiến tình yêu của họ cho bạn bằng tất cả những gì họ có. 

Một khi bạn đã yêu, bạn sẽ mãi mãi yêu. Những gì trong tâm trí bạn có thể sẽ ra đi, nhưng những gì trong tim bạn thì mãi mãi ở lại.

Cổ Học Tinh Hoa

 Tên tù nước sở


Chung Nghi là người nước Sở(1) bị nước Trịnh bắt nộp sang nước Tấn(2). Nước Tấn đem bỏ tù.

Một hôm vua Cảnh Công đòi ra, cho cởi trói, gọi đến tận nơi, rồi hỏi:

-          Ông cha nhà ngươi xưa nay làm nghề gì ?

-          Chung Nghi thưa: “Ông cha tôi xưa nay làm nhạc quan(3)”.

-          Thế ngươi có biết nhạc không ?

-          Cha tôi xưa làm chức ấy, tôi nay vẫn giữ nghiệp nhà, đâu dám xao nhãng.

Cảnh Công đưa cho đàn cầm, bảo gảy một khúc. Chung Nghi gảy thuần tiếng Nam tức là tiếng nước Sở. Nghe xong, Cảnh Công hỏi:

-          Vua Sở là người thế nào ?

Chung Nghi thưa:  “Tôi trí khôn hèn kém không đủ biết được thịnh đức(4) của quân vương nước tôi”.

Cảnh Công hỏi đi hỏi lại hai ba lần.

Sau Chung Nghi phải thưa:

-          Quân vương tôi khi còn là Thái tử(5), nghe lời quan Sư(6) quan bảo dạy dỗ, buổi sáng đến chơi với Anh Tề, buổi chiều chơi với Tử phản. Tôi biết có thế, còn việc khác tôi không được rõ.

Cảnh Công đem chuyện ấy nói cho Phạm Văn Tử nghe. Văn Tử thưa:

-          Tên tù nước Sở như thế thật là một bậc quân tử. Chức nghiệp vẫn giữ nước nhà, là người không quên gốc, âm nhạc vẫn giữ tiếng Nam, là người không quên nước; khen vua Sở mà khen tự nhiên là vô tư, nói với nhà vua đây, mà gọi hẳn hai tên quan khanh là tôn quân, không quên gốc là “nhân”, không quên nước là “tín”, vô tư là “trung”, tôn quân là “mẫn”. Nhân, thì xử được việc; tín thì giữ được việc; trung thì nên được việc; mẫn thì xong được việc. Có bốn đức ấy, việc to đến đâu làm cũng phải xuôi, sao nhà vua không giao trả tên tù cho nước Sở, để hắn về yêu kiết(7) việc hoà hiếu của nước Tấn, nước Sở với nhau ?

Cảnh Công nghe theo lời Văn Tử, hậu đãi Chung Nghi, đưa về Sở để cầu việc hoà hiếu.

Tả Truyện

Lời bàn:

Tên tù này không phải vì phạm tội thường mà bị tù, nhưng vì việc nước mà bị nước khác bắt tù. Khi đã bị bắt, người ta tra hỏi, không rối trí, cứ ung dung đối đáp rất thông hoạt, và có ý vị khiến cho vua tôi nước ngoài nghe thấy phải khen, phải phục, như thế thì chẳng là vì một cái trí lự khi khái của mình, mà mình được thoát nạn, nước mình cũng được nhân đấy mà thêm tôn lên! Ôi! Một nước được một tên tù giỏi mà kiến trọng, huống chi là có bao nhiêu hiền tài thì nước được mong cậy biết là bao. “Quốc hữu phân tắc thực” nghĩa là nước có người giỏi, thì nước mới đầy đủ vững chắc, câu trong sách dạy quả là đúng lắm.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 LẠC THÚ TRONG NÚI SÂU


 Ngày xưa, khi vua Cao Tông nhà Đường ở Trung quốc hỏi một hiền triết tu Đạo trên núi: “Hiền giả lúc nào cũng sống trong núi sâu. Ở những nơi như thế có lạc thú gì?”
Vị sơn nhân đáp bằng bài thơ sau đây:
 Trong núi có những gì ?
 Trong núi lắm mây trắng.
 Nhưng muốn thưởng thức nó,
 Bệ hạ phải thân hành,
 Tôi không thể đem được
 Mây lành về đây dâng.

Hoàng đế hỏi:
- Trong núi có những lạc thú gì?
- Tâu Hoàng thượng, trong núi sâu là lũ mây trắng tìm đến từ lâu. Sáng chiều vây quanh tôi, đem lại cho tâm tôi sự an tĩnh. Nhưng đây là niềm vui một mình tôi, bởi vì nó là cái gì chính mình phải kinh nghiệm lấy. Ôi lũ mây trắng! Tôi muốn bỏ chúng nó vào hộp đem dâng cho ngài, nhưng không thể làm được. Người ta không thể bắt mây đem cho người khác, thật là không may.

 (Bước Đầu Đọc Thiền)