Những bài học vô giá
Bài học của người lang thang
Người mẹ trẻ Mỹ Casey Fischer nhìn ra ngoài và thấy một người đàn ông lang thang đang tìm kiếm tiền lẻ trên đường. Cuối cùng, người đàn ông đi vào cửa hàng và bắt đầu đếm tiền lẻ của mình để mua thứ gì đó. Dáng vẻ của ông khiến mọi người khó chịu, nhưng cô Casey đứng lên và đi về phía ông. Cô thấy ông chỉ có 1 đô la nên đã giúp ông mua một ly cà phê và thức ăn. Sau đó, cô hỏi ông rằng liệu cô có thể ngồi cùng ông được không, người lang thang đã gật đầu đồng ý. Ông ngồi đối diện với cô, vừa ăn vừa trò chuyện.
Tên ông là Chris, ông là người lang thang vô gia cư và thường bị người ta nhìn với ánh mắt xa lánh. Ông nói với cô Casey rằng ông đã thất nghiệp trong cuộc suy thoái kinh tế vào năm 2008, rồi sau đó ông rơi vào vực thẳm của nghiện ngập, cuối cùng vợ ông đã dẫn 2 người con trai bỏ đi. Sau khi mẹ ông qua đời vì ung thư, ông hoàn toàn bị tê liệt, suy sụp. Họ đã nói chuyện với nhau gần 1 giờ đồng hồ. Đây là người đàn ông lang thang chân thành nhất mà cô Casey từng gặp. Sau khi cô Casey nhận ra là cần quay lại lớp học, Chris đã yêu cầu cô chờ một chút để ông có thể viết điều gì đó cho cô. Đưa cho Casey một tờ giấy nhàu nát, ông Chris xin lỗi cô vì ông đã viết run tay, rồi ông mỉm cười rời đi…
Mở tờ giấy ra, những dòng chữ nguệch ngoạc viết trên đó khiến Casey bật khóc: “Ngày hôm nay, tôi đã muốn tự sát, vì cô nên tôi đã không làm như thế. Cảm ơn cô gái xinh đẹp!”
Bạn thường không biết được liệu việc thiện của mình làm có tác dụng lớn như thế nào, nhưng đôi khi nó có thể cứu sống cả một mạng người!
Bài học của người đàn ông vô gia cư
Chuyện xảy ra cách đây đã 15 năm nhưng tôi vẫn còn lưu giữ trong ký ức cho đến tận ngày nay. Trên đường đi làm về vào buổi tối, thường có một người đàn ông vô gia cư đứng ngay lối rẽ vào đường cao tốc. Người này tầm 40 mấy tuổi nhưng có thể trông trẻ hơn nhiều với đôi vai thẳng, tóc đen, râu hàm ngắn và có chiều cao trung bình. Điều làm tôi chú ý nhiều nhất là cặp mắt của ông ấy, chúng màu nâu và có tia sáng lấp lánh như thể có gì đó trong nội tâm của ông ta tỏa ra từ cặp mắt đó. Tôi cho rằng cặp mắt là cửa sổ phản ánh tâm hồn của một người, người ta có thể biết được nhiều điều về người ấy thông qua đôi mắt. Điều này là chắc chắn trong trường hợp của người đàn ông vô gia cư này. Ông ấy thường vẫy từng chiếc xe hơi, luôn vui vẻ và mỉm cười, đôi lúc còn muốn nhún nhảy.
Mỗi ngày sau giờ làm tôi thường nhớ gom các đồng tiền lẻ và đặt qua một bên để cho ông ấy nếu tôi gặp. Một cảm giác hưng phấn tràn ngập trong tôi mỗi khi nhìn thấy ông ấy, như thể tôi đang thả xe xuống dốc. Ông ấy thật sự có sự ảnh hưởng như vậy. Tôi nhanh chóng hạ cửa kính xuống và đưa ông ấy một vài đồng xu. Thỉnh thoảng còn phải chờ đèn đỏ đến cả phút nên tôi và ông ấy hỏi thăm qua lại lẫn nhau về công việc trong ngày. Câu trả lời của ông lúc nào cũng giống nhau: “Tôi thật là hạnh phúc!”.
Mặc dù biết là ông ấy sẽ trả lời như mọi khi nhưng tôi vẫn cứ hỏi. Điều làm tôi ngạc nhiên là ở vào hoàn cảnh như ông ấy mà vẫn cảm thấy lạc quan như vậy và câu trả lời của ông làm tôi nhớ đến tôi hạnh phúc biết bao. Một người mẹ đơn thân với 4 đứa con tuyệt vời, một nơi ở được gọi là nhà và một công việc có thể nuôi con.
Rồi một ngày sếp tôi gọi và nói rằng tôi bị sa thải vì tình hình kinh tế chung. Một cảm giác lo lắng nhấn chìm tôi, và cả ngày hôm đó tôi chỉ nghĩ về việc làm thế nào để nuôi con, trả tiền thuê nhà và tôi sẽ làm gì. Không cần phải nói, trên đường về nhà dĩ nhiên là tôi cảm thấy rất buồn và thất vọng. Tôi không còn nhớ tới việc thu gom đồng xu lẻ và để chúng sẵn sàng như mọi khi. Tôi không cảm thấy vui vẻ gì khi thả dốc nơi người đàn ông vô gia cư nọ đứng. Và vẫn như mọi khi, ông ấy vẫn đứng ở đó khi tôi quẹo vào dốc. Ông nhìn tôi trong khi vẫn mỉm cười và vẫy tay với những người khác. Tôi mong là sẽ bắt kịp đèn xanh để chạy luôn, nhưng không kịp. Trong khi tôi đang đợi, ông ấy trườn qua xe tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi và mỉm cười rồi nói “Hôm nay tôi sẽ cho cô 1 đô la”. Sau đó ông ta thò tay vào túi và rút ra tờ 1 đô la. Tôi ngạc nhiên quá đỗi và bật khóc. Tôi muốn nhảy ra khỏi xe và ôm ông ấy!
Mặc dù ngày đó ông ấy chỉ cho tôi 1 đô la, nhưng thực ra ông ta đã dạy tôi một bài học giá trị. Không kể người khác lấy đi lợi ích vật chất gì từ bạn, họ không thể lấy đi sự lựa chọn thái độ vui vẻ của bạn. Tôi lái xe về nhà thật êm ái, tôi đã mất việc làm, không có tiền tiết kiệm nhưng tôi biết tôi thật hạnh phúc!
Mỗi khi đối diện với thử thách, tôi nghĩ đến bài học vô giá của người đàn ông vô gia cư và nhớ rằng tôi thật hạnh phúc.
No comments:
Post a Comment