Mãn thành phong vũ
Ý của câu thành ngữ này là chỉ cảnh sắc mùa thu hoặc đêm xuân trong mưa gió.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Lãnh trai dạ thoại" của Huệ Hồng triều nhà Tống.
Tạ Dật và Phan Đại Lâm triều nhà Tống là đôi bạn tri kỷ. Tuy hoàn cảnh gia đình nghèo khó, nhưng hai người đều là nhà thơ nổi tiếng thời bấy giờ. Mặc dù nhà ở cách xa nhau, nhưng hai người thân như anh em một nhà, họ thường xuyên thư từ qua lại thăm hỏi nhau và trao đổi về thơ phú.
Một hôm, Tạ Dật viết một lá thư sang hỏi thăm và mong Phan Đại Lâm gửi cho mình mấy bài thơ sáng tác gần đây. Sau khi nhận được thư bạn, Phan Đại Lâm mừng lắm bèn lập tức hồi thư rằng: "Nay đang là mùa thu khí hậu mát mẻ, phong cảnh say đắm lòng người, cảnh vật đã gây cho tôi biết bao cảm hứng. Nhưng chẳng may lại bị những chuyện vụn vặt không đâu làm tan biến.
Hôm qua, tôi nằm trên giường nghe gió lùa bên song, lá thu xào xạc trong tiếng mưa, tức cảnh tôi vội trở dậy cầm bút viết lên tường câu: "Mãn thành phong vũ cận trùng dương". Nhưng giữa lúc đó bỗng có một người thu thuế sộc vào trong nhà, làm tôi mất hết cảm hứng. Nên chỉ viết được mỗi câu này gửi tặng anh thôi ".
Do câu thơ này đã miêu tả được thời tiết và cảnh sắc mùa thu, mặc dù còn chưa thành bài thơ nhưng vẫn được người ta ưa thích.
Về sau, "Mãn thành phong vũ cận trùng dương " dần dần diễn biến thành câu thành ngữ "Mãn thành phong vũ", nhưng nó không còn dùng để miêu tả về cảnh sắc mùa thu nữa, mà dùng để ví về tin tức một khi truyền ra sẽ lan đi nhanh chóng, bị mọi người bán tán xôn xao. Câu thành ngữ này thường chỉ dùng để chê bai mà thôi.
No comments:
Post a Comment