Kim ngọc kỳ ngoại, bại tự kỳ trung
Ý của câu thành ngữ này là chỉ: Bề ngoài trông đẹp mã, nhưng bên trong thì thối nát.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ: "Người bán cam nói" của Lưu Cơ triều nhà Minh.
Lưu Cơ tự Bá Ôn, là người giúp Chu Nguyên Chương lập nên triều nhà Minh, sau đó ông được phong chức Ngự sử trung thừa. Ông từng viết một bài văn nhan đề: "Người bán cam nói", kể về một sự việc từng trải của mình.
Vào một ngày mùa hè, Lưu Cơ thấy một người bán cam bên lề đường bèn mua mấy quả đem về. Nhưng sau khi về đến nhà mới phát hiện bên trong quả cam đều bị ủng nát, ông tức giận tìm người bán cam trách anh ta lừa bịp người khác.
Nhưng người bán cam điềm nhiên trả lời rằng: "Tôi làm nghề bán cam đã nhiều năm, nhưng chẳng thấy người nào như ông cả". Anh ta ngừng lại một lát rồi nói tiếp: "Trên đời này có khối người chuyên đi lừa dối người khác, nào có riêng gì tôi? Tôi xin hỏi ông, Những võ tướng bề ngoài trông oai phong lẫm liệt kia, chúng ăn mặc còn sang trọng hơn Tôn Tử và Ngô Khởi, nhưng họ có hiểu gì binh pháp đâu? Còn những văn quan mũ cao đạo mạo, nghênh ngang trong bộ triều phục kia, họ có thật sự có tài năng trị nước yên dân không? Nay trộm cướp như rươi, mà họ không trị nổi; Dân chúng cực khổ, họ không thể giúp đỡ cưu mang; Tham quan vô lại mà họ không thể nghiêm trị; Kỷ cương phép nước đồi bại mà họ không thể chỉnh trị được. Họ ngồi bề vệ trên cao, nhà cửa khang trang, ăn toàn những món sơn hào hải vị, uống toàn rượu ngon thượng hạng, đi đâu cũng cưỡi ngựa cao to, người nào người nấy mặt mũi trang nghiêm, trông thật nghiêm chỉnh đứng đắn, nhưng có đứa nào mà chẳng giống những quả cam tôi đang bán đây, bề ngoài thì trông thật vàng mọng, nhưng bên trong thì ủng nát không thể nào ăn được". Lưu Cơ nghe mà đực người ra, chẳng biết ăn nói ra sao.
Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ này để chỉ đồ hàng mã, ngoài đẹp trong xấu.
No comments:
Post a Comment