Thursday, November 30, 2017
Chuyện ngắn - Gã xay bột nghèo khó và chú mèo đốm
GÃ XAY BỘT NGHÈO KHÓ VÀ CHÚ MÈO ĐỐM
Sống trong nhà xay bột kia là một bác thợ xay nghèo không có vợ con gì cả. Có ba gã giúp việc ở với bác đã nhiều năm nay. Một hôm bác bảo họ:
- Giờ ta đã có tuổi nên muốn được ngồi bên lò sưởi ấm. Chúng mày hãy ra đi, đứa nào kiếm được con ngựa hãy mang về cho ta, sẽ được hưởng nhà xay và sẽ phụng dưỡng ta tới khi ta nhắm mắt xuôi tay.
Gã thứ ba là trẻ nhất trong đám nên bị hai gã kia coi là đồ ngờ nghệch, không xứng đáng được hưởng nhà xay. Nhưng chính gã cũng không nghĩ tới chuyện đó.
Ba người đi với nhau, trước cổng làng kia, hai gã kia bảo Hans ngờ nghệch:
- Chú Út ở lại đây nhé, ngờ nghệch vậy thì suốt đời cũng chẳng kiếm nổi lấy một con ngựa còm.
Nhưng Hans vẫn cứ lẳng lặng đi cùng. Khi họ tới một chiếc hang thì trời đã tối, họ ngủ lại đó. Hai gã tinh khôn kia đợi cho Hans thiu thiu ngủ liền dậy đi ngay, để mặc chú Hans nằm đó và cho thế là đắc sách. Nhưng đâu có phải thế là họ hơn.
Mãi tới lúc mặt trời mọc, Han-xơ mới tỉnh giấc và thấy mình đang nằm trong hang sâu. Nhìn quanh chẳng thấy ai, chú la:
- Trời ơi, mình đang ở đâu thế này?
Chú đứng dậy, cố trèo bò ra khỏi hang và đi thẳng vào rừng. Chú nghĩ:
- Mình bị bỏ rơi ở đây một mình, thế này thì mò đâu ra được ngựa!
Đang mải vừa đi vừa nghĩ thì chú gặp một con Mèo đốm, mèo ta chào hỏi thân mật:
- Chú Hans, chú đi đâu đấy?
- Hừm, đồ mày thì giúp gì được tao?
Mèo đáp:
- Tôi biết tỏng chú mong muốn gì, chú muốn có một con ngựa đẹp chứ gì! Giờ thì theo tôi, hầu hạ tôi trung thành trong bảy năm, sau đó tôi sẽ cho chú một con ngựa đẹp mà trong đời chú chưa bao giờ trông thấy.
Hans nghĩ bụng:
- Ờ, chắc đây là mèo thần! Nhưng để ta xem những điều nó nói có đúng không?
Mèo đưa chú tới lâu đài đã bị phù chú của nó, chạy tung tăng lên xuống, hầu hạ Mèo đốm và một lũ mèo con. Buổi tối, lúc ngồi ăn thì có ba con chơi nhạc: một con chơi đại vĩ cầm, một con chơi tiểu vĩ cầm, còn con nữa phồng má thổi kèn Trômpếtơ.
Ăn xong, bàn ghế được dọn đi, lúc đó Mèo nói:
- Nào, chú Hans thân mến, ta nhảy đi!
Hans đáp:
- Không, ai lại nhảy với Miu ấy, tôi chưa nhảy với Miu bao giờ cả.
Mèo đốm ra lệnh cho đám mèo con:
- Thôi đưa chú lên giường ngủ!
Thế là một con cầm đèn dẫn chú tới phòng ngủ, rồi con cởi giày, con tháo tất, con thổi tắt đèn để cho chú ngủ.
Sáng hôm sau, lũ mèo con lại tới, con đi tất, con xỏ giày, con lau người, con khác lấy đuôi vung vẩy quệt sạch mặt cho chú. Hans nói:
- Kể cũng thú vị đấy chứ!
Công việc Hans hàng ngày phải làm là bổ củi. Chú được phát một cái rìu, một cái chêm và một cái cưa bằng bạc, chỉ có cái chùy là bằng đồng thau. Cuộc sống của chú giờ đây là như vậy: hàng ngày bổ củi, được ăn uống ngon lành, nhưng chẳng thấy một ai ngoài Mèo đốm và lũ mèo con.
Có lần Mèo đốm bảo Han-xơ:
- Giờ chú đi cắt cỏ ở đồng và tải ra cho cỏ khô nhé!
Rồi Mèo đốm đưa cho chú chiếc hái bằng bạc và hòn đá mài bằng vàng, nói chú nhớ mang những thứ đó về nộp lại.
Hans đi làm ngay việc đó đúng như lời Mèo đốm nói. Cắt cỏ xong, Hans mang hái, đá mài và cỏ về và hỏi Mèo đốm liệu đã được lĩnh tiền công chưa. Mèo đốm nói:
- Chưa được đâu. Chú phải làm cho ta một việc nữa. Cột, kèo, ván đều bằng bạc, dụng cụ như rìu, thước vuông và những thứ cần thiết khác cũng đều bằng bạc cả. Chú hãy lắp cho ta một chiếc nhà nhỏ đi.
Làm xong căn nhà nhỏ xíu, Hans nói, việc đã xong đáng nhẽ phải cho lĩnh ngựa ngay mới phải.
Quanh đi quẩn lại đã bảy năm trôi qua mà cứ tưởng chừng mới có nửa năm. Mèo đốm hỏi Hans có muốn xem ngựa không. Hans nói:
- Muốn quá đi chứ!
Mèo đốm mở cửa chiếc nhà nhỏ, Hans thấy ngay mười hai con ngựa. Trời, chúng béo đẹp, lông mượt làm sap, nhìn chúng mà tim chú đập rộn ràng. Rồi Mèo mời chú cùng ngồi ăn uống và nói:
- Giờ chú cứ đi người không về nhà. Ba hôm nữa chính tôi sẽ mang ngựa đến cho chú.
Mèo chỉ cho Hans đường về nhà xay và chú cứ thế thẳng đường về. Trong bảy năm ở cho Mèo đốm, Mèo chẳng may cho Hans áo mới, bắt chú mặc nguyên chiếc áo cũ đã rách bươm và ngắn cũn cỡn mà về.
Khi chú về đến thì thấy hai gã kia đã có mặt ở nhà, mỗi người một ngựa, con của người này thì mù, của người kia thì què. Cả hai đều hỏi:
- Hans, ngựa mày đâu?
- Ba ngày nữa mới tới.
Chúng cười và bảo:
- Ờ, Hans, đồ mày thì làm sao kiếm được ngựa cho ra hồn.
Hans bước vào buồng. Bác thợ xay không cho chú ngồi vào bàn ăn, sợ có ai lạ vào trông thấy chú rách rưới bác sẽ bị ngượng mặt. Họ chia cho chú chút ít và bắt ra ngoài ăn. Đến tối hai gã kia không cho chú ngủ chung giường, chú đành nằm trên ổ rơm ở trong chuồng ngỗng. Khi chú tỉnh giấc thì đã ba ngày trôi qua. Có một cỗ xe sáu ngựa tới, xe nom thật tráng lệ. Chạy theo bên xe là con ngựa thứ bảy. Đây chính là ngựa mang đến cho Hans, chú xay bột nghèo khó.
Từ trên xe bước xuống là một công chúa đẹp tuyệt vời, nàng bước vào nhà xay. Công chúa chính là Mèo đốm mà Hans nghèo khó đã hầu hạ trong bảy năm trước kia. Nàng hỏi bác thợ xay về chú thợ xay trẻ tuổi, muốn biết giờ chú ở đâu.
Bác đáp: - Chúng tôi không cho nó vào nhà xay, nó rách rưới bẩn thỉu nên đang nằm ở chuồng ngỗng ấy.
Công chúa truyền cho gọi chú lên, chú chẳng có gì ngoài tấm áo rách che thân, đám người hầu liền lấy quần áo đẹp ra, tắm rửa và thay đồ đẹp cho chú. Giờ trông chú có kèm gì một ông vua!
Sau đó công chúa đòi đi xem ngựa mà hai gã xay bột kia mang về: con thì mù, con thì què. Rồi nàng bảo người hầu dắt con ngựa thứ bảy vào. Bác thợ xay khen là chưa có con ngựa nào bước vào sân nhà bác lại đẹp bằng con ngựa ấy. Công chúa nói:
- Đây chính là con ngựa của gã xay bột thứ ba.
Bác thợ xay liền nói:
- Vậy thì chú ấy được hưởng nhà xay.
Công chúa nói, giờ bác đã có ngựa tốt, nhưng bác cứ giữ lấy nhà xay. Rồi nàng dắt tay Hans trung hậu lên xe đi thẳng. Hai người đi tới căn nhà nhỏ mà Hans xây bằng những dụng cụ bằng bạc. Nơi đó đã thành một tòa lâu đài đồ sộ, đồ đạc ở trong lâu đài toàn bằng vàng, bằng bạc.
Hai người lấy nhau. Giờ đây Hans trở nên giàu có, giàu tới mức ăn suốt đời không hết. Giờ thì chẳng ai dám nói, những kẻ có vẻ ngu ngốc chẳng làm nên trò trống gì.
-- Hết --
Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa
Bài học đâu tiên của Gấu con
Ngày chủ nhật Gấu con xin phép mẹ ra đường chơi cùng các bạn. Gấu mẹ dặn:
- Con chơi ngoan nhé. Nếu làm sai điều gì, con phải xin lỗi. Được ai giúp đỡ thì con phải cảm ơn.
Gấu con tung tăng chạy nhảy và mải lắng nghe chim Sơn Ca hót nên va phải bạn Sóc khiến giỏ nấm văng tung toé ra đất. Gấu con vội vàng khoanh tay và lễ phép nói:
- Cảm ơn bạn Sóc!
Nói xong Gấu con cúi xuống nhặt nấm bỏ vào giỏ giúp Sóc. Sóc ngạc nhiên nói:
- Sao Gấu con lại cảm ơn, phải nói xin lỗi chứ!
Mải nhìn Khỉ mẹ ngồi chải lông cho Khỉ con nên Gấu con bị trượt chân, rơi xuống hố sâu. Gấu con sợ quá kêu thất thanh:
- Cứu tôi với! Ai cứu tôi !!!
Bác Voi ở đâu đi tới liền đưa vòi xuống hố và nhấc bổng Gấu con lên mặt đất. Gấu con luôn miệng:
- Cháu xin lỗi bác Voi, Cháu xin lỗi bác Voi!
Bác Voi cũng rất ngạc nhiên liền nói:
- Sao Gấu con lại xin lỗi, phải nói cảm ơn chứ!
Về nhà, Gấu con kể lại chuyện cho mẹ nghe. Gấu mẹ ôn tồn giảng giải:
- Con nói như vậy là sai rồi. Khi làm đổ nấm của bạn Sóc, con phải xin lỗi. Còn khi bác Voi cứu con ra khỏi hố sâu, con phải cảm ơn.
- Con nhớ rồi ạ! - Gấu con vui vẻ nói.
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Học được từ sự khó khăn
Người con trai của vị tổ sư đạo chích hỏi cha dạy cho mình bí quyết nhà nghề. Vị đạo chích lão luyện bằng lòng và đêm đó ông dẫn người con trai tới ăn trộm một căn nhà rộng lớn. Trong lúc mọi trong nhà ngủ, ông ầm thầm dẫn người con trai học nghề của mình vào trong một phòng có phòng chứa đựng quần áo. Người cha nói với con mình bước vào trong phòng chứa quần áo để lấy vài bộ quần áo. Khi người con đã vào, cha của nó nhanh chóng đóng cửa tủ và khóa con của mình trong đó. Sau đó ông trở ra bên ngoài, gõ thật lớn vào cánh cửa trước, bằng cách đó để đánh thức mọi người trong gia đình, và nhanh nhẹn bỏ chạy trước khi mọi người nhìn thấy ông ta. Nhiều giờ sau, con trai của vị tổ sư đạo chích trở về nhà, bê bết và mệt lử.
"Cha," nó giận dữ gào khóc, "Tại sao cha lại khóa con trong phòng chứa quần áo đó? Nếu con đã không liều mạng vì quá sợ bị bắt, thì con không bao giờ có thể trốn thoát. Con đã phải hết sức khéo léo để thoát ra!"
Vị tổ sư đạo chích mỉm cười. "Con trai, con đã học được bài học thứ nhất trong nghệ thuật đạo chích."
Cổ Học Tinh Hoa
Khéo can được vua
Vua Cảnh Công thấy con ngựa yêu của mình chết mà bắt phanh thây kẻ nuôi ngựa là đang cơn tức giận, không còn hiểu nghĩa lý, pháp luật là gì nữa. Thế mà Án Tử can ngăn được là vì tuy gọi chiều lòng, kể tội người nuôi ngựa, mà kỳ thực lại gợi đến cái lòng nhân ái của Cảnh Công, làm cho Cảnh Công phải tỉnh ngộ và biết hối. Giỏi thay! Mấy lời nói dịu dàng, thảnh thơi, mà cảm hóa được quân vương.
Vua Cảnh Tông nước Tề có con ngựa quý, giao cho một người chăn nuôi. Con ngựa tự nhiên một hôm lăn ra chết. Vua giận lắm, cho là giết ngựa, sai ngay quân cầm dao để phanh thây người nuôi ngựa. Án Tử đang ngồi chầu thấy thế, ngăn lại hỏi vua rằng:
“Vua Nghiêu, vua Thuấn xưa phanh thây người thì bắt đầu từ đâu trước?”(1)
Cảnh Công ngơ ngác nhìn nói: “Thôi hãy buông ra, đem giam xuống ngục để rồi trị tội.”(2)
Án Tử nói rằng: “Tên phạm này chưa biết rõ tội mà phải chịu chết, thì vẫn tưởng là oan. Tôi xin vì vua kể rõ tội nó, rồi hãy hạ ngục”.(3)
Vua nói: “Phải”.
Án Tử bèn kể tội rằng: “Nhà ngươi có ba tội đáng chết. Vua sai nuôi ngựa mà để ngựa chết là một tội đáng chết. Lại để chết con ngựa rất quí của vua, là hai tội đáng chết. Để vua mang tiếng, vì một con ngựa mà giết chết một mạng người, làm cho trăm họ(4) nghe thấy ai cũng oán vua, các nước nghe thấy ai cũng khinh vua, ngươi làm chết một con ngựa mà để đến nỗi dân gian đem lòng oán giận, nước ngoài có bụng dòm dỏ, là ba tội đáng chết, ngươi đã biết chưa? Bây giờ hãy tạm giam ngươi vào ngục...”
Cảnh Công nghe nói ngậm ngùi than rằng: “Thôi, tha cho nó! Thôi, tha cho nó! Kẻo để ta mang tiếng bất nhân”.
Lời bàn:
Vua Cảnh Công thấy con ngựa yêu của mình chết mà bắt phanh thây kẻ nuôi ngựa là đang cơn tức giận, không còn hiểu nghĩa lý, pháp luật là gì nữa. Thế mà Án Tử can ngăn được là vì tuy gọi chiều lòng, kể tội người nuôi ngựa, mà kỳ thực lại gợi đến cái lòng nhân ái của Cảnh Công, làm cho Cảnh Công phải tỉnh ngộ và biết hối. Giỏi thay! Mấy lời nói dịu dàng, thảnh thơi, mà cảm hóa được quân vương.
-----------------
(1) Câu này hỏi thế là có ý làm cho Cảnh Công không có lối mà trả lời. Đời Nghiêu, Thuấn chưa có tội phanh thây.
(2) Thôi hãy buông ra: Cứ theo sách Án Tử Xuân Thu thì là “Tòng quả nhân thủy” (Khởi tự ta ra), theo Hàn thi ngoại truyện thì lại là túng chi (buông ra). Đây dịch là buông ra để cho ăn nghĩa với câu trên.
(3) Đời xưa bao nhiêu tội nhân đã hạ xuống ngục tối là phải xử tử cả.
(4) Chỉ nhân dân trong nước.
Chuyện cười trong ngày
Tặng hoa
Hai người bạn hỏi thăm nhau:
- Tối qua, cậu đến nhà nàng chơi vui vẻ chứ?
- Ừ, tớ đứng dưới cửa sổ nhà nàng hát tình ca và cô ấy ném xuống cho tớ một cành hoa...
- Lãng mạn quá, thế còn đầu cậu bị sao thế?
- À... vì cô ấy đãng trí không... rút cành hoa ra khỏi bình!
Wednesday, November 29, 2017
Chuyện ngắn - Thử thách trong cuộc sống
THỬ THÁCH TRONG CUỘC SỐNG
Sống một cuộc đời đầy khó khăn, vào giữa một thời điểm khó khăn, bạn vẫn đừng quên dành thời gian để dừng lại, suy nghĩ và cảm ơn cuộc sống vì những gì mình có được, thay vì chỉ nghĩ đến những gì mình thua thiệt. Bạn tìm thấy sự yên bình ngay giữa cơn giông bão, đó mới là sự bình yên thực sự. Đó là niềm bình yên của những người học cách đối diện với những thất bại, mất mát, suy sụp, để rồi đi tiếp.
***
Cậu bé ấy sinh ra trong một gia đình nông dân, bố mẹ nghèo khó đến mức không thể cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Năm cậu lên 7 tuổi, cả nhà bị buộc phải rời khỏi nơi mà mình đang ở. Chẳng còn cách nào khác, cậu bắt đầu làm đủ thứ việc để đỡ gánh nặng cho cả nhà.
Thế rồi năm lên 9 tuổi, cậu mồ côi mẹ. Gánh nặng lại càng dồn lên vai "người đàn ông bé nhỏ" của gia đình. Cậu làm việc quần quật từ sáng đến tối, hầu như không biết đến những thú vui hay trò chơi của bạn bè cùng tuổi. Rồi bố cậu tục huyền, cậu gọi người phụ nữ đó là "mẹ", nhưng sự xa cách giữa hai bố con cứ lớn dần lên.
Cậu bé ấy lớn lên nhọc nhằn như thế, trở thành một chàng trai mà nơi duy nhất anh ta có thể trông cậy là đôi bàn tay mình. Năm 20 tuổi, khi đang làm nhân viên tại một cửa hàng thì anh bị mất việc. Anh muốn theo học trường Luật, nhưng lại không đủ khả năng tài chính. Năm 23 tuổi, anh vay một khoản tiền để chung lưng với một người bạn để mở một cửa hàng nhỏ. Ba năm sau đó, người bạn ấy qua đời, kết quả là anh gánh trên vai một khoản nợ mà phải mất nhiều năm mới trả xong được.
Năm 28 tuổi, sau khi yêu chân thành và kiên trì theo đuổi một cô gái 4 năm trời, anh ngỏ lời cầu hôn với cô, nhưng bị từ chối. Còn trong sự nghiệp, đến lần cố gắng thứ ba thì anh mới được bầu vào Quốc hội ở tuổi 37, nhưng rồi lại thất bại trong kỳ tái bầu cử.
Vào năm 45 tuổi, chàng thanh niên nay đã là một người đàn ông trung niên ứng cử vào Thượng viện nhưng... thua. Vào năm 47 tuổi, ông tiếp tục tranh cử vào chức Phó Tổng thống, nhưng... thất bại tiếp. Đến tuổi 51, ông được bầu làm Tổng thống của Hoa Kỳ. Đó là Abraham Lincoln.
Với một cuộc sống dường như đầy những thua thiệt và thất bại như vậy, bạn có tin rằng Lincoln chính là người mà, vào giữa thời điểm của cuộc nội chiến của nước Mỹ, năm 1863, đã tuyên bố ngày Lễ Tạ ơn, trước đó vốn chỉ được coi là một ngày lễ nhỏ của địa phương, trở thành ngày lễ quan trọng trong cả nước Mỹ.
Và chỉ từ lúc này, ngày Lễ Tạ ơn mới được đón mừng hàng năm, không chỉ trên khắp nước Mỹ, mà nhanh chóng lan ra các nước khác vì ý nghĩa tốt đẹp của nó – nói lời cảm ơn với cuộc sống dành cho chúng ta nhiều hạnh phúc và cũng nhiều gian khó này.
Sống một cuộc đời đầy khó khăn, vào giữa một thời điểm khó khăn, bạn vẫn đừng quên dành thời gian để dừng lại, suy nghĩ và cảm ơn cuộc sống vì những gì mình có được, thay vì chỉ nghĩ đến những gì mình thua thiệt. Bạn tìm thấy sự yên bình ngay giữa cơn giông bão, đó mới là sự bình yên thực sự. Đó là niềm bình yên của những người học cách đối diện với những thất bại, mất mát, suy sụp, để rồi đi tiếp.
Những khó khăn hiện tại là để tạo nên một bạn rắn rỏi và vững vàng hơn, sẵn sàng cho những điều lớn lao hơn mà chính bạn cũng không thể hình dung hết. Cuộc sống luôn thử thách một cách khắc nghiệt những con người mà nó lựa chọn.
Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa
Cáo và Cò
Cáo là loại rất háu ăn nhưng rất khôn lanh quỉ quyệt. Một hôm, Cáo bỗng mời Cò đến nhà dùng cơm. Thức ăn Cáo dọn ra mời khách là món cháo, được để trong một cái đĩa dẹp, không có chiều sâu. Sau khi mời khách, Cáo thản nhiên liếm hết sạch, trong khi Cò, vì có mỏ dài, chẳng ăn được gì trong đĩa, đành chịu đói.
Vài ngày sau, đến phiên Cò mời Cáo đến dùng cơm Vốn háu ăn, Cáo nhận lời và đến ngay. Thức ăn thật là ê hề, nào là thịt, cá, bắp, gạo, trái cây, nhưng Cò đã để trong một chiếc hũ thuỷ tinh cao cổ. Cáo loay hoay mãi không cách chi lấy đồ ăn được, chỉ còn cách đi nhặt mấy miếng vụn thức ăn mà Cò đã rơi vãi trong khi ăn.
o O o
Lời bàn: Câu chuyện muốn nhắc chúng ta đừng nên làm những gì mình không muốn người khác làm như vậy cho mình.
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Sự tỉnh thức hoàn toàn
Sau 10 năm tu tập, Tenno đạt đến trình độ của một người Thiền Sư. Một ngày trời mưa, ông đến viếng thăm một vị Thiền Sư nổi tiếng Nan-in. Khi ông bước vào, vị thiền sư chào đón ônng với một câu hỏi, "Ông bạn có để đôi guốc gỗ và cái dù ở trên hành lang không?"
"Dạ có," Tenno trả lời
"Nói cho tôi," vị thiền sư tiếp tục hỏi, "ông bạn đã để cái dù bên trái đôi guốc gỗ của ông, hay là để bên phải?"
Tenno đã không biết câu trả lời, và ông nhận ra rằng ông chưa đạt tới sự hoàn toàn tỉnh thức. Do vậy ông trở thành thiền sinh tu tập thiền Nan-in và tu học dưới sự chỉ dẫn của vị Thiền Sư thêm 10 năm nữa
Điển Hay Tích Lạ
Bách bộ xuyên dương
"Bách bộ xuyên dương" là đứng xa trăm bước bắn trúng lá dương.
Đời Xuân Thu (551-479 trước D.L.), tướng Dưỡng Do Cơ và Phan Đảng đều là người nước Sở, có tài thiện xạ. Một hôm, cả hai thử tài nhau chơi.
Phan Đảng bắn luôn ba phát đều trúng đích bia.
Dưỡng Do Cơ nói:
- Nhà người bắn trúng đích bia, chưa lấy gì làm lạ. Ta trăm bước bắn trúng lá dương.
Mọi người đứng quanh lấy làm lạ, hỏi. Dưỡng nói:
- Đánh dấu vào một lá dương, ta đứng xa trăm bước, bắn một phát trúng giữa lá ấy nên mới gọi là "bách bộ xuyên dương".
Để thưởng thức tài họ Dưỡng, mọi người kéo nhau đến cây dương. Một người lấy mực đánh dấu vào một chiếc lá. Dưỡng Do Cơ đứng xa trăm bước, giương cung lắp tên, bắn ra một phát. Không thấy tên rơi xuống đất, mọi người đổ đến cây xem. Thì ra cây tên ấy vướng trên cành cây dương, còn cái mũi xuyên qua chiếc lá đã bôi mực.
Phan Đảng nói:
- May được trúng đấy thôi. Bây giờ, ta theo thứ tự mà đánh dấu vào ba chiếc lá, nhà ngươi lại theo thứ tự mà bắn trúng được cả ba thì mới là tay kiệt hiệt.
Phan Đảng liền đánh dấu ba chiếc lá. Mỗi chiếc mỗi chỗ: chiếc đề chữ "nhứt", chiếc đề chữ "nhị", chiếc đề chữ "tam". Dưỡng Do Cơ nhìn qua một lượt, đoạn lui ra ngoài trăm bước, lại theo thứ tự của mỗi chiếc lá: một, hai, ba mà bắn luôn ba phát, đều trúng cả.
Mọi người chấp tay xá, nói:
- Quả thật là thần nhân.
Phan Đảng lòng khen thầm, nhưng cũng muốn khoe tài mình, bảo:
- Bắn như thế cũng là giỏi, nhưng nghề bắn cần có sức khỏe mới được. Ta có thể bắn suốt qua được mấy lần áo giáp.
Đoạn bảo quân sĩ xếp áo giáp bảy lần liền nhau, dày gần một thước. Mọi người cho là khó bắn qua được. Phan Đảng lại sai đem bảy lần áo giáp ấy treo lên đích bia, đoạn đứng xa trăm bước, cố sức thẳng cánh giương cung bắn một phát. Chỉ nghe tiếng tên bay vút đi mà không thấy tên rơi xuống đất, mọi người đổ lại xem, reo ầm lên:
- Thật tài! Thật tài!
Nguyên Phan Đảng bắn mạnh quá, tên ấy xuyên thấu bảy lần áo giáp như đinh đóng cột. Phan có vẻ tự đắc, truyền cho quân sĩ đem mấy lần áo giáp ấy xuống, và vẫn để mũi tên găm như vậy, định đưa cho tất cả trại lính cùng xem. Nhưng Dưỡng Do Cơ bảo:
- Khoan đã, đừng hạ xuống vội. Để ta thử bắn một phát nữa xem sao.
Mọi người vui vẻ đồng ý.
Nhưng Dưỡng Do Cơ giương cung toan bắn lại thôi. Chúng nhân lấy làm lạ hỏi, Dưỡng nói:
- Nếu cứ theo lối cũ mà bắn như vậy thì không lấy gì hay lạ. Ta sẽ có một cách bắn khác hơn.
Nói xong liền bắn ngay một phát.
Mũi tên đi không cao, không thấp, không lệch về tả hữu mà lại cắm thẳng ngay cái đốc tên của Phan Đảng và đẩy mũi tên này sang qua bên kia. Còn mũi tên của Dưỡng Do Cơ thì thay vào cắm chỗ thủng ấy.
Mọi người xem thấy đều lắc đầu le lưỡi và hoan hô nhiệt liệt.
Bấy giờ Phan Đảng mới chịu phục.
Trong sử lại có chép: Vua Sở đi săn ở Kinh Sơn, gặp một con vượn có tài bắt tên giỏi lắm. Vua Sở truyền quân vây mấy vòng rồi giương cung bắn. Nhưng phát nào, vượn cũng bắt được cả. Vua Sở truyền gọi Dưỡng Do Cơ đến. Con vượn nghe tiếng "Dưỡng Do Cơ" liền kêu gào ầm lên, ra vẻ sợ hãi.
Dưỡng Do Cơ đến, bắn trúng ngay giữa bụng con vượn. Xem thế, Dưỡng là người bắn giỏi nhất đời Xuân Thu.
Trong tác phẩm "Lục Vân Tiên" của cụ Đồ Chiểu, đoạn Võ Thể Loan tiễn Lục Vân Tiên đi thi, có lời khuyên:
Chàng dầu cung Quế, xuyên dương,
Thiếp xin vẹn chữ tao khương đạo hằng.
"Xuyên dương" do điển tích trên và có ý nghĩa mưu việc đều thành tựu.
Chuyện cười trong ngày
Nhân viên văn phòng…
Trong công viên, một người phụ nữ trung niên ngồinghỉ trên ghế đá. Một người đàn ông đứng tuổi ngồi xuống bên cạnh:
- Xin lỗi, chẳng hay bà có phải là nhân viên văn phòng?
Người phụ nữ ngạc nhiên:
- Đúng thế! Sao ông đoán được?
- Nhìn cái mặt đần đần ngơ ngơ.
Người phụ nữ tức giận:
- Mặt ông đần thì có!
Người đàn ông buồn rầu:
- Thì tôi cũng là nhân viên văn phòng.
Trong công viên, một người phụ nữ trung niên ngồinghỉ trên ghế đá. Một người đàn ông đứng tuổi ngồi xuống bên cạnh:
- Xin lỗi, chẳng hay bà có phải là nhân viên văn phòng?
Người phụ nữ ngạc nhiên:
- Đúng thế! Sao ông đoán được?
- Nhìn cái mặt đần đần ngơ ngơ.
Người phụ nữ tức giận:
- Mặt ông đần thì có!
Người đàn ông buồn rầu:
- Thì tôi cũng là nhân viên văn phòng.
Tuesday, November 28, 2017
Chuyện ngắn HỌA SĨ BREKKE
HỌA SĨ BREKKE
Thật hài hước và ngạc nhiên khi nghệ thuật được tôn vinh lại không nằm ở chính nó mà nằm ở những thứ phụ kiện kèm theo. Bạn có từng bị phân tán khi cảm nhận một tác phẩm nghệ thuật?
Ingvald Brekke là một người vẽ tranh, tranh của anh ta cũng đẹp như bao bức họa khác. Nhưng anh chưa nổi tiếng để được gọi là họa sĩ Brekke. Thiệt là tội nghiệp.
Vào một đêm, chúng tôi ngồi ngoài ban công:
- Anh cũng nên quảng cáo đi, phải gây chú ý chứ.
Brekke mỉm cười, tay mồi điếu thuốc lá, mắt hướng nhìn vùng đất rộng. Anh ở căn nhà nhỏ, chỉ lớn hơn nhà nghỉ mát một chút, nhưng phong cảnh chung quanh rất tuyệt vời. Cao ráo, sáng sủa, cảnh đẹp trải daì tới chân trời. Tôi hỏi:
- Tại sao anh không bắt đầu đội mũ nồi đi?
Brekke mỉm cười, ưu tư:
- Lúc đó có người mua tranh của tôi sao?
- Anh cũng biết đấy, người nghệ sĩ nhìn phải kỳ kỳ một chút. Ai cũng nghĩ thế. Anh thì quê mùa và bình thường quá. Anh phải đội mũ nồi đi đã, rồi từ từ tăng lên.
Lúc ấy Gerd, vợ Grekke bưng bình và tách ra ngoài ban công. Chị ta nhỏ tuổi hơn chồng. Dáng người mảnh khảnh, má lúm đồng tiền. Tóc vàng như ruộng lúa chín. Chị lên tiếng bằng giọng trang nghiêm:
- Tôi nghe anh nói gì rồi. Anh nghĩ điều ấy, thiệt là xấu hổ quá.
Chúng tôi uống hết ly rượu nhẹ, rồi uống càfê và ăn bánh nhà làm. Không ai có thể làm bánh ngon như chị Gerd.
Tôi nói:
- Chồng chị nay đã 35 tuổi, kiếm tiền không bằng cách đây 5 năm. Từ đó chúng ta có thể kết luận rằng 5 năm nữa, anh cũng không khá hơn đâu, anh thấy không? Anh chỉ xẹt qua, xẹt lại đấu láo, vui vẻ với mọi người, không là con người kỳ dị để thiên hạ phải chú ý. Anh phải tạo ra ý tếu lạ, để râu, tóc mọc dài. Còn bây giờ nhìn anh bảnh trai, từ tốn như một nhân viên trong nhà băng vậy thôi.
Vợ anh và anh cười, Gerd hỏi:
- Còn anh thì sao? Anh quảng cáo mấy quyển sách của anh như thế nào? Anh cũng đội mũ nồi luôn hả?
Tôi trả lời:
- Tôi thì không bằng anh chị đâu, tôi còn độc thân mà. Rồi chúng tôi nói qua chuyện khác, vui vẻ, ấm cúng. Mặt trời tư từ lặn sau chân trời, đỏ như lữa. Chung quanh nhà, tiếng côn trùng kêu ra ra. Mùa hè tới, thiên nhiên ở Na-uy đẹp không đâu bằng.
Căn nhà nhỏ bé của tôi ở phía bên kia, dưới thấp nên không thấy phong cảnh nhiều. Chúng tôi quen nhau đã được vài năm rồi.
***
Đúng là ingvald Brekke không được may cho lắm. Số anh đi thụt lùi. Lần triển lãm mùa thu, anh bị thất bại. Thế là công việc của anh bị đình trệ.
Hôm tôi đến để an ủi anh, anh tỏ vẻ cay đắng. Trong căn phòng triển lãm nhỏ có rất nhiều tranh. Tôi mua vài bức tranh đẹp và còn thích nhiều bức khác nữa. Tôi không dám biểu lộ sự thích thú ấy, vì sợ anh nghĩ tôi vì tội nghiệp ảnh.
Anh vui vẻ, nói giọng khôi hài:
Đội chiếc mũ nồi đâu có tốt gì hơn? Đội mũ làm tranh đẹp hơn được à?
- Chưa, nhưng rồi anh sẽ được chú ý.
Chưa tin hẳn, nhưng từ đó anh không cạo râu. Một hôm anh đến thăm tôi, thấy râu anh mọc rậm rì. Anh nói nặng giọng:
- Anh nghĩ sao? Gerd đã cười tôi đến đau cả bụng.
- Tốt lắm, - tôi trả lời - nhưng mặc thêm cái áo ấm, và cổ cao vô nữa, nhớ nhé, giờ là mùa thu rồi.
***
Những ngày sau đó, tôi thấy anh thường đạp xe với cái áo ấm đen, đầu đội mũ nồi, râu mọc dài hơn, nom như nhà tiên tri. Khó nhận ra anh. Anh bảo mình chẳng khác gì một thằng hề, và tỏ vẻ bực mình. Nói chuyện với mọi người không còn được dễ thương nữa. Người ta thấy lạ nên tới hỏi tôi:
- Anh chàng Brekke có chuyện gì không? Anh quen anh ta mà. Sao anh ấy khác quá.
Tôi giải thích:
- Brekke đang ở trong thời kỳ sáng tác, không có thời gian làm việc gì khác ngoài chuyện vẽ. Cạo râu thì cũng mất thì giờ, mặc chiếc áo ấm để cởi ra cho mau hơn là những chiếc sơ mi có nhiều nút.
Quả thật vậy, một hôm có người hàng xóm đến mua tranh, ingvald Brekke, trút bao nhiêu nỗi giận dữ từ lâu, ra một giá đắt hơn 5 lần bình thường. Người đàn ông ấy trả cái rụp, rồi hấp tấp ra đi.
10 phút sau, ingvald ra ngoài kể lại cuộc bán tranh lạ lùng ấy.
- Tôi chẳng hiểu gì cả, anh thở hổn hển.
- Chắc là nhờ cái áo ấm và cái mũ nồi?
Anh vừa nói vừa run tay mồi điếu thuốc.
- Anh đã có sự thay đổi rồi đấy, tôi tiếp:
- Nhờ bộ áo, cộng với sự phẫn nộ và bất cần trong lúc bán tranh. Rồi đây sẽ còn nhiều người đến. Cứ việc tiếp tục vậy đi. Từ bây giờ phải nói năng với giọng úp mở, nhìn thềng vào mặt khách hàng. Đến mùa đông thì anh khoác một chiếc áo choàng. Những người nghệ sĩ là thế đấy.
Brekke nhìn tôi chằm chặp:
- Thế anh có mặc áo choàng không?
Tôi nhún vai:
- Tôi không có nhu cầu ấy.
Anh ta bình tĩnh lại, vui mừng với số tiền mới bán được tranh. Khi anh đi, anh vui vẻ lắm. Tôi ngồi xuống, tiếp tục đánh máy.
***
Mùa đông tới, một hôm tôi nhìn ra cửa sổ từ phòng viết, thấy anh mặc áo choàng dài đen, tóc dài đến vai, phất phơ dưới cái mũ nồi. Anh cúi đầu, thềng lưng trên xe đạp, không nghiêng qua trái hoặc qua phải. Coi anh có vẻ không khỏe.
Khi về, anh ghé ngang nhà tôi, mặt đỏ, mắt sáng, hấp tấp hỏi:
- Anh thấy sao? Coi tôi giống đàn bà không?
- Nom anh đúng là nghệ sĩ thứ thiệt, tôi bình tĩnh trả lời để trấn an anh.
- Ngồi xuống đi.
Anh cởi vài nút áo, một loại áo khoác của đàn bà, ngôì xuống, ánh mắt như kẻ sát nhân. Tôi nghĩ rồi anh còn phải mang giầy có nút gài, nhưng cứ từ từ anh mới quen. Tôi pha một ly nước, đưa cho anh. Anh cần uống để được trấn tĩnh.
- Sao?? - tôi nói.
- Uống rồi kể cho tôi nghe công chuyện làm ăn đi.
- Tôi đã bán được 2 bức tranh, anh chậm rãi trả lời - cũng được giá.
- Chắc là nhờ bộ tóc dài đó, tôi bày chuyện
- Cứ mặc chiếc áo này thì anh sẽ bán được thêm 2 bức nữa đấy. Làm sao anh có được cái áo này vậy?
Anh nhìn xuống chiếc áo đàn bà, cởi thêm vài cái nút.
- Ở chợ trời. Tôi mua 2 kroner. Thiệt là mắc cở. Người ta cứ nhìn tôi.
- Bây giờ thì thiên hạ sẽ đồn ầm lên đó, ông bạn thân mến à. Sau này người ta sẽ xếp hàng mua tranh của anh đấy. Bây giờ chỉ cần anh cứ nói chuyện tầm phào là được rồi.
- Ngày nào Gerd cũng cười tôi. Bực quá.
- Tất cả vì nghệ thuật, Ingvald ạ. Nếu cứ bình thường thì không làm ăn được đâu. Cứ tin thế đi.
***
Hôm sau chẳng ai đến mua, nhưng có một nhà báo địa phương, vì đã nghe đồn nhiều về anh nghệ sĩ ở Breidakollen này. Nhà báo đến, tỏ ý muốn phỏng vấn Brekke.
Cuộc phỏng vấn thiệt đáng giá. Gerd mắc cười quá nên phải lánh ra ngoài.
Ngày hôm sau tôi đọc cuộc phỏng vấn ấy trên báo, và cũng thấy buồn cười. Hình chụp đẹp. ingvald Brekke coi có vẻ kỳ lạ, rất nghệ sĩ. Việc bán tranh chạy hơn. Xuân tới, anh không còn bức tranh nào, mặc dù anh vẽ thêm rất nhiều. Anh dự tính tới hè sửa sang lại nhà cửa. Chúng tôi lại ngồi với nhau ngoài ban công, nhìn phong cảnh tuyệt vời.
- Thiệt không ngờ, anh nói như một triết gia,
- Và cám ơn anh nhiều lắm. Đấy cũng là nhờ chiếc mũ và áo choàng, chứ không phải chính vì tôi. Nghệ thuật nằm ở trong bộ áo này.
- Tranh của anh lúc nào cũng đẹp - tôi tiếp
- Nhưng phải để người ta biết đến anh. Phần đông người ta mua vì tiếng tăm của tác giả và khung đẹp.
Tới thu, anh sửa nhà, phòng triển lãm lớn gấp đôi, phòng khách cũng rộng rãi hơn.
Rồi lại quảng cáo. Hàng xóm chú ý và suy nghĩ. Họ bắt đầu đầu tư vào anh, đua nhau mua tranh đẹp trước khi giá tăng. Ingvald Brekke bán tranh và ngạc nhiên, rồi tự gọi mình là họa sĩ. Anh suy nghĩ đến việc mua xe, nhưng tôi can:
- Không được. Cái phòng triển lãm lớn là được rồi, đấy là một bước tiến của anh trong ngành nghệ thuật, còn xe hơi là xa xỉ phẩm, nên đình lại cho tới khi anh nổi tiếng hẳn hoi. Còn bây giờ, anh cứ tiếp tục đội mũ, áo khoác, râu ria. Nếu anh làm anh ốm được một tý, thì nên làm đi. Một nghệ sĩ là nên xanh xao, gầy ốm, mắt trệ, nếu được thì dáng nhìn xương xìu một chút. Nhưng trước hết, đừng có chơi xe !
Cho đến nay, tôi không phải là một cố vấn dở, nên anh ta nghe theo tôi, bỏ ý định mua xe. Bây giờ có người từ Oslo gửi thư đặt tranh, anh không còn là con số không nữa. Thiệt vậy, nếu Ingvald Brekke không tự tin mình.
Nhờ vào sự buôn bán ở Oslo, càng có thêm nhiều người đặt hàng. Những người đặt hàng là các chủ hãng tàu, họ giao tế rộng rãi. Khi " khám phá" được họa sĩ mới, họ tán tụng hết lời. Bạn bè của chủ tàu, đánh hơi được mối đầu tư, họ không bỏ qua. Họ đặt mua tranh trước như họ đặt mua tàu vậy. Brekke được người ta mua tranh nhiều hơn sức anh vẽ. Anh trả lời, hàng chỉ có thể giao sớm nhất vào một ngày nào đấy trong năm sau. Anh trầm ngâm vuốt ve chiếc mũ nồi, rồi ra tiếp một nhà báo, tờ Aftenposten, anh chỉ trả lời úp mở.
Sau đó anh nhập cuộc Triển Lãm Muà Thu, được nhiều sự bình phẩm tuyệt đỉnh. Anh đi vòng vòng với bộ áo choàng, giầy nút, khuôn mặt trệ, cố làm dáng khác khổ, chỉ ăn bánh mì với muối. Nom anh có vẻ nghệ sĩ lắm. Sau đấy, đài truyền hình tới, 2 chiếc xe khổng lồ ầm ầm lái vào, tạo sự náo loạn với những dây cáp, đèn quay phim với những kỹ thuật viên. Chỉ có họa sĩ là giữ được bình tĩnh. Brekke mang đôi giầy nhựa, mình khoác áo choàng, eo thắt khăn quàng đỏ, bước ra cầu thang. Anh chỉ trả lời mập mờ một số câu hỏi về nghệ thuật, rồi màn hài kịch cứ tiếp diễn. Sau cuộc nghi lễ. Hoạ sĩ Brekke cười dài.
14 ngày sau, chương trình được phát hình, 3 chúng tôi ngồi coi trước màn ảnh TV, ăn bánh và uống café.
Họa sĩ Brekke giật mình khi anh nhìn thấy mình trên TV: đứng trên cầu thang, chân mang đôi giầy nhựa, cổ quàng khăn.
- Chúa ôi ! sao trông tôi lại thế này, anh than van
- Nếu tôi không tỉnh táo, tôi sẽ chối đấy không phải là mình.
Lúc đang phỏng vấn, nhìn anh cũng chẳng khá hơn. Nhưng chương trình ấy được các báo khắp cả nước đề cập tới tốt đẹp. Tờ báo Oslo viết: họa sĩ Brekke không những là nghệ sĩ, mà còn là một triết gia thượng thặng! Họa sĩ là người đáng hoan nghênh, chúng ta nên gặp thường xuyên hơn.
Người bạn ingvald của tôi đã trải qua thời gian thử thách nảy lửa.
Anh nổi tiếng toàn quốc, đi tới đâu anh cũng được mọi người kính nể. Họ bàn luận về anh ở những viện đại học, anh được trợ cấp học bổng, mặc dù anh không xin gì cả. Công việc làm ăn của anh thuận buồm xuôi gió.
***
Vào một buổi chiều anh nói:
- Thời gian làm hề đã qua, bây giờ râu và áo choàng cho nó qua luôn.
Anh dùng kéo và dao cạo râu. Tóc và râu, anh đem ra sân đốt. Rồi cả mũ nồi và áo choàng. Ngọn lữa sáng reo vui, anh cho cả đôi giầy nhựa vào. Chúng tôi đứng vòng quanh ngọn lữa, bao điều kiện của nghệ thuật cũng cuốn theo ngọn lữa.
Lúc đó tôi suy nghĩ, chắc mình cũng phải đi mua một chiếc áo choàng quá.
Mấy ngày sau anh lên phố mua xe.
Ragnar W. Otgart (Na U
Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa
Đom đóm và giọt sương
Tối hôm đó không có trăng nhưng bầu trời đầy sao sáng. Đom Đóm bay từ bụi tre ngà ra ruộng lúa. Cây đèn của Đom Đóm cứ chớp lên trong đêm, trông đẹp như ngôi Sao Hôm đang nhấp nháy.
Đom Đóm sà xuống chân ruộng bắt mấy con Rầy Nâu hại lúa để ăn lót dạ. Sau đó, cậu ta bay lên một gò cao, đậu lên một bông cỏ may, vừa hóng gió thu về đêm, vừa làm cho cây đèn của mình sáng thêm. Bỗng Đom Đóm nhìn sang bên cạnh và thấy cô bạn Giọt Sương đang đung đưa trên lá cỏ. Đom Đóm thầm nghĩ: "Ôi! Bạn Giọt Sương thật là xinh đẹp!". Rồi Đom Đóm cất cánh bay quanh Giọt Sương. Lạ thật! Càng đến gần, Đom Đóm lại càng thấy Giọt Sương đẹp hơn. Đom Đóm cất tiếng:
- Chào bạn Giọt Sương, trông bạn lung linh, tỏa sáng như một viên ngọc vậy!
Giọt Sương dịu dàng nói:
- Bạn Đom Đóm ơi! Mình sáng đẹp thế này là vì mình phản chiếu ánh sáng từ các ngôi sao trên bầu trời, có khi còn mờ hơn ánh sáng cây đèn của bạn. Mình nghĩ bạn mới là người đẹp nhất, sáng nhất, vì bạn sáng lên được từ chính bản thân mình. Bạn thật đáng tự hào!
Đom Đóm nói:
- Bạn Giọt Sương khiêm tốn quá! Nhưng mình xin cảm ơn bạn về những lời tốt đẹp bạn dành cho mình. Thôi, chào bạn! Mình đi bắt bọn Rầy Nâu hại lúa đây!
Đom Đóm bay đi, Giọt Sương còn nói với theo, giọng đầy khích lệ:
- Xin chúc bạn làm tròn nhiệm vụ của mình để đồng ruộng thêm tươi tốt nhé!
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Giác Ngộ
Một ngày nọ vị Thiền Sư tuyên bố rằng một vị sư trẻ tuổi đã đạt tới cấp cao của sự giác ngộ. Tin này là lý do kích động một vài người. Một vài vị sư đã đi đến gặp nhà sư trẻ. "Chúng tôi nghe rằng sư đã giác ngộ. Có đúng không?" họ hỏi.
"Đúng vậy," nhà sư trẻ trả lời.
"Vậy cảm giác của sư như thế nào?"
"Nghèo nàn hơn bao giờ," vị sư nói.
Sưu tầm Kim Tự Tháp - Công trình kiến trúc bí ẩn nhất của loài người
Kim Tự Tháp - Công trình kiến trúc bí ẩn nhất của loài người
Nếu như phải chọn ra một công trình kiến trúc vĩ đại nhất, bí ẩn nhất của con người, chắc chắn Kim Tự Tháp sẽ là một ứng viên cực kỳ sáng giá. Cùng với xác ướp, tượng nhân sư, các kim tự tháp vĩ đại của người Ai Cập là chủ đề yêu thích của các bộ phim, câu truyện phiêu lưu, truyện kinh dị... Cho đến nay, vẫn chưa có một câu trả lời chính thức, đầy đủ, chính xác nào cho những bí ẩn của Kim tự tháp. Không phải ngẫu nhiên mà trong 7 kỳ quan thế giới (cổ đại), Kim Tự tháp Giza đứng ở vị trí cao nhất và là kỳ quan cuối cùng còn sót lại cho đến ngày nay.
Kim tự tháp Ai Cập được xây dựng như nào?
Kim tự tháp là gì?
Kim tự tháp là cách gọi chung của các kiến trúc hình chóp có đáy là hình vuông và bốn mặt bên là tam giác đều. Trong suy nghĩ của đa số chúng ta, các Kim tự tháp chỉ có riêng ở Ai Cập nhưng thực tế dạng công trình này có ở khắp nơi trên thế giới và là tác phẩm của rất nhiều nền văn hóa khác nhau. Với mỗi nền văn hóa, Kim tự tháp lại có những đặc điểm và mục đích sử dụng rất riêng.
Với người Ai Cập cổ đại, Kim tự tháp là công trình được xây dựng và sử dụng như một lăng mộ dành cho nhà vua. Đây cũng là các kim tự tháp nổi tiếng và bí ẩn nhất thế giới cổ đại. Theo sử sách, các nhà vua ngay sau khi lên ngôi, việc đầu tiên họ làm sẽ là bắt đầu xây dựng kim tự tháp cho chính mình. Ngoài ra, một số truyền thuyết cũng cho rằng kim tự tháp là nơi mà người Ai Cập bảo vệ các bí mật vĩ đại nhất của mình.
Tiếp theo phải nhắc đến các kim tự tháp của người Mesopotamia mà chúng ta hay gọi là Ziggurats. Các Ziggurat là một phần trong những ngôi đền thờ cúng thiêng liêng nhất của người Mesopotamia.
Kim tự tháp của các nền văn minh ở châu Mỹ mà nổi bật là người Maya được sử dụng làm nơi hiến tế (con người) cho thần linh cũng là những công trình hết sức đáng chú ý.
Ngoài ra, các dân tộc khác như Nigeria, Greece, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Roman, Ấn Độ và cả Indonesia cũng có những Kim Tự tháp riêng cho mình với những đặc điểm riêng biệt. Tuy nhiên, không có bất cứ Kim Tự Tháp nào khác có thể so sánh được về độ vĩ đại, kỳ bí với những công trình của người Ai Cập, vì vậy, trong bài viết này, chúng ta sẽ đề cập đến những lăng mộ của Pharaon.
Vì sao Kim tự tháp Ai Cập lại chứa nhiều bí ẩn đến vậy?
Nếu như các công trình kim tự tháp khác con người gần như đều có câu trả lời chính xác về cách thức mà người xưa đã sử dụng thì riêng với những kim tự tháp Ai cập, đây còn là một đề tài gây nhiều tranh cãi. Kim tự tháp, chưa cần đến những câu chuyện hư cấu bởi chúng ta đã có vàn những bí ẩn về trình độ phát triển khoa học và kỹ thuật của người Ai Cập xưa.
Điểm đầu tiên cần phải được nhắc đến là việc các Kim tháp được xây dựng từ các khối đá thiên nhiên nguyên khối, hoàn toàn không sử dụng các vật liệu liên kết như cách chúng ta dùng xi măng trong công nghệ xây dựng hiện đại. Các khối đá có cân năng đôi khi đến cả chục tấn được đẽo gọt và ghép lại với nhau theo một cách không thể hoàn hảo hơn, điều này đảm bảo độ vững chắc, hoàn hảo và trường tồn với thời gian. Các khối đá này được liên kết với nhau hoàn toàn dựa trên trọng lượng của chúng. Trên thực tế, kim tự tháp lớn và nổi tiếng nhất của Ai cập hiện nay đã tồn tại được trên dưới 5000 năm. Phải biết rằng, loại đá này không phải luôn được lấy ngay ở gần kim tự tháp mà một số trường hợp, phải được vận chuyển từ những địa điểm cách xa nơi xây dựng hàng trăm thậm chí hàng ngàn km. Đồng thời, cách mà người Ai Cập chuyển được những tảng đá nặng hàng tấn này vào những vị trí chính xác để hòan thành kim tự tháp còn là điều bí ẩn.
Thêm nữa, kim tự tháp cũng chứng minh một điều là người Ai Cập đã biết đến số Pi - một hằng số mà sau này Archimedes được coi là người đã phát hiện ra. Các kim tự tháp luôn có một tỷ lệ kích thước rất chuẩn dựa trên việc tính toán được số Pi. Ví dụ như Kim tự tháp Kheops, nếu chúng ta lấy hai lần chiều cao chia cho diện tích đấy, chúng ta sẽ được số Pi. Đây được coi là tỷ lệ chuẩn và hiệu quả nhất để xây dựng những kiến trúc như thế này. Bên cạnh đó, các kim tự tháp cũng được làm chi li đến mức dù được ghép từ các khối đá lớn, riêng biệt nhưng chúng ta thậm chí không thể luồn một lưỡi dao sắc mảnh vào giữa hai phiến đá. Tại kim tự tháp Kheops, chiều cao chênh lệch giữa hai cạnh đối diện ở mức dưới 2cm - một độ chính xác đến kinh hoàng nhất trong điều kiện người Ai Cập không có các máy móc đo đạc chính xác như hiện nay.
Tiếp theo là cách mà người Ai Cập hiểu về hiệu ứng nhiệt và một số yếu tố mà cho đến nay, khoa học vẫn chưa thể làm rõ. Không gian bên trong các kim tự tháp được cho là sẽ đảm bảo điều kiện hoàn hảo về nhiệt độ, độ ẩm... để giúp bảo quản xác của các Pharaon một cách tốt và hoàn hảo nhất. Cuối cùng phải kể đến sự hiểu biết đáng kinh ngạc về thiên văn, các chòm sao và các định hướng xuất sắc của người Ai Cập. Chỉ bằng cách quan sát các vì sao, họ đã định hướng một cách chính xác gần như tuyệt đối (sai số dưới 3 độ).
Nó được xây dựng như thế nào?
Trước tiên phải nói rằng quá trình xây dựng thực sự một kim tự tháp còn là một bí ẩn chưa có lời giải xác đáng. Tất cả những gì chúng tôi đề cập đến sau đây chỉ là những giả thiết được các nhà khoa học cho là có lý nhất về cách người ta xây dựng chúng.
Đầu tiên phải nói tới những điểm khoa học đã thống nhất về cách thức người tay xây dựng Kim Tự Tháp. Các công trình vĩ đại này luôn được các Pharaoh khởi động ngay sau khi họ lên ngôi và sẽ mất tới hàng chục năm để hoàn thành một kim tự tháp. Trong thời gian này, một lượng nhân công khổng lồ sẽ được các vị vua của Ai Cập huy động để xây lăng mộ cho mình. Nói chung, số lượng nhân công phụ thuộc vào nhiều yếu tố: lương thực, thời tiết, chiến tranh... nhưng được cho là dao động từ khoảng 20.000 đến 100.000 người làm việc liên tục. Số lượng nhân công này sẽ được thay thế thường xuyên bởi xây dựng kim tự tháp là công việc rất khổ ải và làm sức khỏe những nô lệ này kiệt quệ. Theo các tài liệu có được, một nhân công trung bình chỉ có thể phục vụ trong khoảng 3 năm là tối đa.
Nguyên liệu được sử dụng trong các Kim Tự Tháp Kheops được lấy chủ yếu từ mỏ đá nằm cách không xa Kim tự tháp này. Tuy nhiên, lớp đá bọc ngoài kim tự tháp phải lấy từ sông Tura về đến nơi xây dựng Kim tự tháp. Mỗi khối đá nặng chừng 2,5 đến 8 tấn được di chuyển vượt sông, vượt hàng trăm km để về đến nơi xây dựng. Quá trình này, kinh ngạc, sử dụng hoàn toàn sức người. Ngoài ra, đá granite phải được lấy từ Aswan, một địa điểm cách công trình chừng 935km. Người ta ước tính, việc di chuyển một khối đá mất chừng khoảng 2 tháng ròng rã.
Tất nhiên, người Ai Cập không thể kéo lê các tảng đá nặng hàng tấn này suốt một quãng đường dài như vậy. Ngoài việc sẽ cực kỳ tốn công sức, các khối đá đã được đẽo gọt này sẽ bị hư hại nghiêm trọng. Để giải quyết, họ sử dụng các thanh trượt bằng gỗ, kéo bằng dây thừng đến công trường. Tất nhiên, dù như vậy, công sức bỏ ra để di chuyển một tảng đá cũng là rất lớn.
Đưa đá lên cao
Đây là bước gây nhiều tranh cãi nhất trong quá trình xây dựng một kim tự tháp. Hãy nhớ một điều quan trọng là người Ai Cập khi đó hoàn toàn chưa có các loại máy móc hiện đại hỗ trợ. Ngay cả bây giờ, tức là khoảng 4000 năm sau khi các kim tự tháp Giza được hoàn thành, việc nâng các khối đá nặng hàng tấn lên độ cao hàng chục mét vẫn là một thử thách lớn. Vậy tại sao, 4000 năm trước, con người, cụ thể là người Ai Cập đã làm được việc đó?
Giả thiết đầu tiên, đơn giản nhất tuy nhiên bản thân tôi thấy là không thực tế cho lắm là người Ai Cập xưa đã sử dụng cần trục và ròng rọc để đưa các khối đá này lên cao. Giả thiết này sẽ rất hợp lý nếu như kim tự tháp được xây bằng gạch hoặc những phiến đá nhỏ hơn. Còn với Kim tự tháp, việc đưa các khối đá nặng chừng 2,5 tấn có vẻ khá khó khăn.
Trước hết, nếu sử dụng ròng rọc đơn, chúng ta sẽ phải cung cấp một lực tương đương trọng lực của nó. Một phiến đá trung bình 2,5 tấn và nếu mỗi công nhân có "lực tay" tương đương 100 kg, chúng ta sẽ cần ít nhất 25 người cùng kéo một phiến đá. Tất nhiên, đây là một con số chấp nhận được. Tuy nhiên, liệu 25 người đó có đủ sức để kéo liên tục hòn đá lên hay không? Ngoài ra, lực kéo tương đương sẽ giảm vài lần nếu chúng ta sử dụng ròng rọc kép (như minh họa dưới hình vẽ). Nghe có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, làm sao để chúng ta có thể chế tạo ra những ròng rọc có khả năng chịu đựng được lực kéo khổng lồ này là một bài toán khó giải. Ngoài ra, đưa được lên cao sau đó làm thế nào để đưa những viên đá này vào đúng vị trí? Giả thiết này có vẻ không hợp lý lắm.
Giả thiết thứ hai, được nhiều nhà khoa học chấp nhận hơn và cũng hợp lý hơn hẳn: người ai cập đã xây dựng những đường dốc bằng đất khổng lồ để đưa những viên đá lên cao. Những đường dốc này được xây dựng vòng quanh Kim tự tháp và sau khi hoàn thành được phá bỏ. Các đường dốc bằng đất này giúp giảm đáng kể lực cần thiết để đưa hòn đá lên cao đồng thời cũng cho phép nhiều người cùng kéo lên dễ dàng hơn.
Cụ thể, người Ai cập sẽ xây dựng một đường dốc dài có độ dốc thấp từ mặt đất đến phần đang xây dựng dở của Kim Tự tháp. Sau đó, khi xây dựng lên những phần cao hơn, người ta sẽ kéo dài con dốc nhằm đảm bảo độ dốc ở mức thích hợp với quá trình xây dựng. Để kéo những viên đá từ chân dốc lên, người ta sử dụng những thanh gỗ tròn nhằm giảm ma sát. Những tốp nhân công với số lượng thay đổi phù thuộc vào kích cỡ phiến đá sẽ được huy động lần lượt.
Càng lên cao, chiều dài của con dốc sẽ càng phải kéo dài và công việc của những người nhân công sẽ càng vất vả. Tuy nhiên, may mắn cho họ, số lượng những phiến đá ở trên cao càng ngày sẽ càng ít. Theo tính toán, tới 96% vật liệu được sử dụng ở 2/3 dưới của tháp.
Tất nhiên, không phải chỉ có một đường dốc duy nhất được sử dụng vì nếu thế, xây dựng một kim tự tháp sẽ mất cả trăm năm. Ngoài 2 hoặc 3 đường dốc chính được sử dụng liên tục, họ còn xây dựng các đường dốc phụ và nhỏ hơn để mang được nhiều đá lên các phần của kim tự tháp nhất có thể.
Xây dựng và hoàn thành
Sau khi đưa đá lên cao, các nhân công sẽ đưa những hòn đá này vào đúng vị trí của nó. Các khối đá được liên kết với nhau dựa hoàn toàn vào trọng lực của chúng, người Ai Cập không phải sử dụng bất cứ loại vật liệu liên kết nào. Tùy vào kim tự tháp, thứ tự sắp đặt các viên đá, họ sẽ tạo nên các cấu trúc bên trong khác nhau. Nói chung, kiến trúc bên trong các kim tự tháp luôn hướng đến một điểm chung là tạo ra các hành lang ảo cho linh hồn nhà vua đi đến được các vì sao.
Sau khi hoàn thành việc đặt các viên đá để tạo nên hình dáng của kim tự tháp. Người Ai Cập sẽ tiến hành trau chuốt mặt ngoài và mặt trong của kim tự tháp cho đến khi hoàn tất. Công việc chau chuốt được thực hiện từ trên xuống dưới. Họ sẽ lược bỏ các phần lồi ra của mặt Kim Tự tháp, các đường dốc được gỡ bỏ, mặt trong của kim tự tháp sẽ được khắc chữ...
Kim tự tháp và quá trình hoàn thành nó vẫn là niềm tự hào của người dân Ai Cập. Sự vĩ đại và kỳ diệu của Kim Tự Tháp thể hiện rõ trình độ và sự sáng tạo của người dân Ai Cập. Cho đến nay, những bí ẩn trong quá trình xây dựng nó vẫn là một câu hỏi lớn của nhân loại.
Theo Howstuffworks, Genk
http://khoahoc.tv/kim-tu-thap-cong-trinh-kien-truc-bi-an-nhat-cua-loai-nguoi-36863
Chuyện cười trong ngày
Tùy thuộc
- Theo cậu thì cái gì dễ quên hơn: bia hay phụ nữ?
- Điều đó còn phụ thuộc chất lượng bia.
Monday, November 27, 2017
Chuyện ngắn - Chiếc rương kính vụn
CHIẾC RƯƠNG KÍNH VỤN
- Em thấy hổ thẹn quá! - Người con út rơm rớm nước mắt. - Chính chúng ta đã ép bố phải hành xử như vậy, bởi vì chẳng ai thèm nhớ đến những lời dạy bảo cùa bố thời thơ ấu.
***
Ngày xửa ngày xưa, có một người đàn ông góa vợ làm nghề khâu vá sống trong túp lều nhỏ. Dù cả đời làm việc rất chăm chi nhưng về già, ông chẳng tích lũy được bao nhiêu. Càng ngày, đôi tay ông càng run rẩy trong khi đôi mắt thì kèm nhèm không sao khâu được thẳng thớm.
Ông lão có ba người con trai, cả ba đều đã khôn lớn và có gia đình. Người nào cùng bận rộn với cuộc sống riêng nên chẳng mấy quan tâm đến người cha già. Mỗi tuần, họ chỉ ghé qua nhà ông lão một lần.
Ông lão ngày càng già yếu hơn và số lần ghé thăm của các con ông cũng thưa thớt dần. Ông tự nhủ: "Các con không còn muốn ở bên ta nữa, chúng sợ ta sẽ là gánh nặng của chúng", ông thức suốt đêm trằn trọc suy nghĩ và cuối cùng nảy ra một kế hoạch.
Sáng hôm sau, ông lão đến thăm người bạn làm nghề thợ mộc và đề nghị ông này đóng cho một chiếc rương thật lớn. Kế đến, ông đến nhà người bạn thợ rèn nhờ làm một cái ố khóa cũ kỹ. Cuối cùng, ông đến chỗ người thợ thổi thủy tinh xin tất cả những mảnh kiếng vụn.
Ông lão mang chiếc rương về nhà, bỏ đầy thủy tinh vụn vào trong rồi khóa nó lại và đặt dưới bàn ăn. Một buổi tối nọ, cả ba người con đến nhà ông dùng bữa tối và vô tình đụng phải chiếc rương dưới gầm bàn.
- Trong này có gì thế bố? - Họ cúi xuống xem xét.
- Ồ, có gì đâu các con. - Người bố trả lời. – Chỉ là một ít tiền bố dành dụm được thôi.
Cả ba người con trai lắc chiếc rương xem nó nặng nhẹ thế nào thì nghe thấy tiếng kêu lẻng xẻng vang lên. "Chắc là bố đã để dành được rất nhiều vàng." - Họ thì thầm với nhau.
Cả ba người thống nhất với nhau rằng họ cần phải canh chừng cái gia tài khổng lố đó. Thế là họ quyết định sẽ thay phiên nhau đến ở với bố, để chăm nom cả ông bố lẫn gia tài. Tuần đầu tiên người con út dọn đến nhà bố, coi sóc mọi thứ và nấu ăn cho ông. Tuần thứ hai đến lượt người con kế và tiếp đến là người anh cả. Mọi chuyện cứ đều đặn diễn ra như thế cho đến ngày ông lão lâm bệnh và qua đời. Họ tổ chức lễ tang cho ông lão thật trịnh trọng. Họ nghĩ với một gia tài kếch sù dưới gầm bàn kia thì việc phung phí đôi chút cho đám tang cũng không hề gì cả.
Khi mọi thứ đã hoàn tất, cả ba anh em lục tìm chìa khóa và mở cái rương. Lúc này, họ nhận ra bên trong chỉ toàn mẩu thủy tinh vụn.
-Thật là một trò bịp đáng khinh. - Người anh cả hét lên. - Bố đối xử thật không ra gì với con cái mình.
- Nhưng liệu bố còn có thể làm gì khác chứ? - Người con kế buồn bã đáp lại. - Chúng ta phải thành thật đối diện với chính mình. Nếu không phải vì chiếc rương này, có lẽ chẳng ai thèm để ý đến bố cho tới ngày bố lìa đời.
- Em thấy hổ thẹn quá! - Người con út rơm rớm nước mắt. - Chính chúng ta đã ép bố phải hành xử như vậy, bởi vì chẳng ai thèm nhớ đến những lời dạy bảo cùa bố thời thơ ấu.
Nhưng người anh cả vẫn lục lọi chiếc rương để kiếm tra xem có thứ gì giá trị nằm lẫn giữa đám thủy tỉnh không. Anh ta trút tất cả máu vụn xuống nền nhà cho đến khi chiếc rương trống rống.
Cả ba người con im lặng nhìn vào bên trong, nơi người cha đã khắc một dòng chữ dành cho họ: "Hãy biết tôn kính cha mẹ mình".
Subscribe to:
Posts (Atom)