Tuesday, October 31, 2017

Suy Niệm Trong Ngày 31-10-2017

Chuyện ngắn - Lòng người là giấy

Lòng người là giấy

'Lòng người ta là giấy, chứ không phải vàng đá'.

Là giấy nhưng sao người ta cứ nghĩ là vàng để đem đi thử lửa? Đến lúc cháy mất rồi lại thất vọng lòng dạ bạc đen? Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy, nên cái cần và nên làm là chúng ta phải nâng niu, giữ gìn cho nhau để tránh khỏi nắng mưa của cuộc đời?

Tôi muốn được kể một câu chuyện:.
Chuyện xưa kể rằng, có một đạo sĩ nổi tiếng thần thông, trong một lần ngao du sơn thuỷ, thấy một phụ nữ đang quỳ bên một ngôi mộ mới, vừa khóc vừa quạt. Lấy làm lạ, đạo sĩ đến hỏi sự tình. Mới hay rằng, người dưới mộ là người chồng vừa khuất của thiếu phụ. Ngán thay, trước khi chết có trăn trối lại rằng đến khi mộ khô thì người vợ trẻ hãy tái giá. Người thiếu phụ vì thế mới ở đây, quạt cho mộ nhanh khô.

Người đạo sĩ động lòng, mới hoá phép giúp cho thiếu phụ, ngôi mộ thoắt cái đã khô như những ngôi mộ cũ. Người thiếu phụ vui vẻ cảm ơn đạo sĩ để về nhà, nơi người tình mới của mình mong đợi.

Người đạo sĩ về nhà, đem chuyện kể với vợ của mình. Vợ của đạo sĩ chê cười người đàn bà kia thật bạc tình.

Được một thời gian, bỗng dưng người đạo sĩ mắc phải bạo bệnh, liệt giường và tạ thế. Trước khi nhắm mắt mới trăng trối lại rằng hãy giữ quan tài đủ bảy bảy bốn chín ngày rồi hãy an táng. Người vợ khóc vâng lời.

Một ngày kia, có một người xưng là học trò đến xin ở lại chịu tang người đạo sĩ. Dung mạo người học trò thật khôi ngô tuấn tú. Thế rồi, chỉ ba ngày sau, người vợ đạo sĩ đã ăn nằm với người học trò. Được bảy ngày sau, người học trò lăn ra ốm. Bệnh ngày một nặng. Mới nói với người vợ đạo sĩ rằng, ta mắc phải bạo bệnh, chỉ có ăn óc người mới khỏi được.

Người vợ liền lấy vồ, bật nắp quan tài định đập vỡ đầu xác chết để lấy óc cho nhân tình ăn. Nào ngờ, vừa bật nắp quan tài thì vị đạo sĩ tỉnh lại. Người thiếu phụ quay lại thì chàng trai trẻ đã biến mất tự khi nào. Mới hay, đó là do phép thuật phân thân của người đạo sĩ cao tay. Người vợ xấu hổ quá, mới tự tử mà chết.

Người đạo sĩ đó là Trang Chu (còn gọi là Trang Tử), cũng là một hiền triết của phương Đông chúng ta. Câu chuyện đó, câu chuyện "vợ thầy Trang Chu" lưu truyền gần hai nghìn năm để chê cười cái gọi là "lòng dạ đàn bà".

Ngày nay, lại có chuyện anh đảng viên nọ sau khi "hoàn thành kế hoạch" (hai con), mới giấu vợ đi đình sản. Người vợ thì lại muốn sinh thêm con cho vui cửa vui nhà nên "tích cực cố gắng" mà mãi không thấy "kết quả". Người chồng vẫn giấu vợ, thậm chí bởi vì cái khoản đình sản kia không ảnh hưởng đến khả năng đàn ông của anh, nên anh lại còn làm ra vẻ hăng hái "phụ giúp" vợ mình.

Thế rồi, một hôm người vợ vui vẻ thông báo những "nỗ lực cố gắng" của hai vợ chồng đã có "kết quả tốt đẹp", cô đã có thai ba tháng. Choáng váng, nhưng người chồng giấu đi để đi "kiểm định lại". Kết quả biểu đồ của anh là 0%. Cuộc tiểu phẫu đình sản đã thành công tốt đẹp.

Ấy, cái câu chuyện thời nay cũng đang nói đến cái lòng dạ con người...

Lại có người lấy email giả, để chính mình chat và "thử lòng" người chồng mà mình hết mực thương yêu. Để đến khi anh ta trở nên lạnh nhạt tình cảm vì cho rằng người vợ thiếu tin tưởng tình yêu của mình. Rồi lấy bạn gái của mình để thử chồng, và rước đau khổ vào mình khi người chồng chẳng "trước sau như một". Còn bao nhiêu câu chuyện trớ trêu nữa mới đủ để chúng ta hiểu rằng, lòng người ta là giấy, chứ nào đâu phải vàng đá...

Vì là giấy, nên sao ta cứ nghĩ là vàng để đem đi thử lửa? Đến lúc cháy mất rồi lại thất vọng lòng dạ bạc đen? Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy, nên cái cần và nên làm là chúng ta phải nâng niu, giữ gìn cho nhau để tránh khỏi nắng mưa của cuộc đời? Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy nên đẹp xấu là do ta vẽ nên, tốt lành là do ta viết nên mà thù hận cũng là ta đặt bút. Sao ta không viết lời hay, vẽ lấy bức tranh yên bình để xây dựng, gìn giữ cái hạnh phúc mong manh của gia đình?

Tôi chẳng cho cách làm của thầy Trang Chu là hay, tôi chẳng cho người đảng viên kia là không có lỗi. Tôi cũng chẳng ủng hộ việc thử lòng của các chị thời nay với email và các phương tiện khác. Thời gian thì trôi đi, nhưng lòng người thì vẫn vậy thôi, vẫn là giấy. Mà đá cũng mòn, vàng cũng phai, huống hồ là giấy... Người ta, cùng là một người, sao có lúc nhân từ đáng yêu, lại có lúc cay nghiệt thế? Ấy bởi ai cũng có hai mặt tốt xấu trắng đen lẫn lộn. Là những người thề non hẹn biển với nhau, cam kết gắn bó với nhau để xây dựng tổ ấm của mình, tôi thiết nghĩ việc nên làm là mang cái mặt tốt ra để đối đãi với nhau. Lấy mặt trắng mà đối đãi với nhau (phu phụ tương kính như tân – vợ chồng kính nhau như khi còn mới). Đó mới là cái kế vạn toàn. Chứ nếu cứ mang cái mặt trái để đối đãi với nhau, mang cái xấu để dành cho nhau, như thế thì đồng sàng mà dị mộng, người hiền lành mà đối xử với nhau như trộm cướp. Cái đó gần với sự tan vỡ lắm.

Ai ơi, nếu còn thương nhau, chớ có thử lòng nhau. Và hãy hiểu, lòng con người là giấy. Ai không động lòng trước một cử chỉ ân cần? Ai vô cảm bởi một lời khen? Ai vắng nhau lâu ngày mà không hề ham muốn? Chẳng phải lòng mình cũng vậy ư? Vậy nên, nâng niu bao nhiêu vẫn chưa đủ. Một chút nghi kỵ đã là thừa.

Nguồn http://truyenhay.vn/long-nguoi-la-giay.html#ixzz4vhzj8Ap7 
Bài viết từ : TruyenHay.Vn - Website đọc truyện hay online 

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Quạ uống nước

Có một mùa hè nóng nực, trời nóng như thiêu như đốt, mãi mà không có giọt mưa nào. Đất đai bị hạn hán khô cằn, nứt nẻ, sông suối cạn khô. Muôn loài nháo nhác vì thiếu nước.
Không có nước uống, mẹ con nhà Quạ sắp lả đi vì khát. Quạ mẹ đã dẫn các con đi khắp nơi, nhưng không tìm đâu ra nước. Cuối cùng Quạ mẹ cũng tìm được một cái bình. Nhưng cái bình rất sâu, Quạ chẳng có cách nào uống được tí nước còn lại dưới đáy bình.
Quạ mẹ nghĩ mãi rồi bảo các con đi lấy sỏi thả vào bình. Nhờ vậy mà nước dâng lên đến miệng bình, Quạ mẹ và Quạ con có nước uống, qua được cơn khát.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Tiếng Vỗ Của Một Bàn Tay


Mokurai là thiền sư của chùa Kennin, biệt danh là Tịnh Sấm. Ngài có một đệ tử được gởi gấm tên là Toyo, chỉ mới có mười hai tuổi. Mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối Toyo thấy các đệ tử lớn tuổi hơn thường đến viếng sư phụ mong được chân truyền thiền học và chỉ dạy công án để định tâm.

Toyo cũng ước được tọa thiền.

"Hãy ráng chờ thêm nữa," Mokurai bảo. "Con hãy còn bé lắm."

Nhưng đứa trẻ cứ nài nĩ mãi nên sư phụ cũng chiều lòng.

Một buổi tối Toya đến bên ngoài cửa phòng của sư phụ đúng giờ. Cậu đánh chiêng báo hiệu, đãnh l ba lần ngoài cửa rồi đến ngồi trước mặt sư phụ trong sự yên lặng kính cẩn.

"Con đã nghe tiếng vỗ của hai bàn tay," Mokurai bảo. "Bây giờ chỉ cho ta tiếng vỗ của một bàn tay."

Toyo cúi lạy và lui về phòng mình mà quán chiếu đến công án này. Từ cửa phòng cậu ta có thể nghe văng vẳng tiếng nhạc của các cô đầu geisha. "Ồ! có rồi!" cậu reo lên.

Ðêm hôm sau, khi sư phụ bảo cậu din tả tiếng vỗ của một bàn tay, Toyo bắt đầu đàn bài nhạc của các cô đầu.

"Không, không,ẽ thiền sư Mokurai bảo. "Chẳng phải thế đâu. Ðó không phải là tiếng vỗ của một bàn tay. Con chẳng hiểu gì cả."

Cho rằng tiếng nhạc văng vẳng quấy rầy quá, Toyo bèn tìm một căn phòng vắng lặng hơn. Cậu ta nghĩ miên man. "Thế nào là tiếng vỗ của mộât bàn tay?" Cậu chợt nghe có tiếng nước rơi. "Ta được rồi," cậu tưởng.

Khi cậu gặp lại sư phụ, Toyo bắt chước tiếng nước rơi.

"Cái gì vậy?’ thiền sư Mokurai hỏi. "Ðó là tiếng giọt nước rơi, nhưng không phải là tiếng vỗ của một bàn tay. Ráng nữa đi."Thất vọng, Toyo mặc tưởng đến tiếng vỗ của một bàn tay. Cậu nghe tiếng gió thỏang. Nhưng lại bị gạt đi.

Cậu nghe tiếng cú kêu. Lại cũng bị từ chối.

Tiếng vỗ của một bàn tay lại không phải là của bầy châu chấu.

Toyo đến và đi cũng phải mười bận viếng Thầy với nhiều tiếng động khác nhau. Tất cả đều sai bét. Cả một năm cậu cứ suy nghĩ về tiếng vỗ của một bàn tay là thế nào.

Cuối cùng, cậu bé Toyo đi vào thiền định và quán chiếu tất cả các tiếng động. "Con chẳng còn biết thêm tiếng động nào khác nữa," cậu giải thích về sau này, "do đó con đạt đến tiếng động vô thanh."

Toyo đã ngộ được tiếng vỗ của một bàn tay.

Điển Hay Tích Lạ

Hoàng lương nhất mộng

Hai chữ "Hoàng lương" là chỉ hạt kê. Ý của câu thành ngữ này dùng để ví với sự mơ tưởng viển vông và những ước mong không thể thực hiện được.

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Chẩm trung ký" của Thẩm Ký Tế triều nhà Đường.

Truyện rằng, ngày xưa có một chàng thư sinh nghèo họ Lư. Một hôm, chàng vào nghỉ trong một nhà trọ ở Hàm Đan thì tình cờ gặp đạo sĩ Lã Ông, chàng không ngớt lời than phiền với đạo sĩ về cuộc đời nghèo khổ của mình. Đạo sĩ Lã Ông nghe vậy bèn rút một chiếc gối từ ống tay áo ra nói với thư sinh rằng: "Anh hãy gối đầu lên chiếc gối này thì mọi việc sẽ được như ý cả ". Bấy giờ, người chủ quán đang bắc nồi cháo kê, còn thư sinh do vất vả đường trường, đã nằm gối đầu lên chiếc gối của Lã Ông ngủ thiếp đi.

Thư sinh ngủ được một lúc thì nằm mơ mình cưới được một cô vợ họ Thôi rất xinh đẹp. Vợ chàng tuy là con gái cưng của một gia đình giàu có, nhưng lại chăm chỉ và khéo tay, nàng đã giúp chồng thuận lợi trên bước đường công danh và có với nhau mấy mụn con. Về sau các con khôn lớn, ai nấy đều có cuộc sống khá giả, ấm cúng, thư sinh lại có thêm cháu nội cháu ngoại, chàng sống cuộc đời nhàn nhã trong gia đình đến hơn 80 tuổi rồi qua đời.

Khi chàng thư sinh tỉnh giấc, thấy mình vẫn đang ở trong căn nhà trọ nhỏ hẹp, sự vinh hoa phú quý vừa rồi chẳng qua chỉ là một giấc mộng. Nồi cháo kê của chủ quán bắc trên bếp vẫn còn chưa chín.

Câu thành ngữ "Hoàng lương nhất mộng" cũng do đó mà có.

Hiện nay, người ta vẫn thường dùng "Hoàng lương nhất mộng" để ví với ảo mộng và những mong ước không thể thực hiện được.

Chuyện cười trong ngày

Trượt chân..

Chuyện kể rằng: Có một hồ nước thiêng ở Canada. Ai muốn ước gì cứ nói lời ước của mình rồi nhảy xuống hồ tắm là được toại nguyện.

Thế là mọi người từ khắp nơi trên thế giới kéo nhau đến rất đông. Người thì ước thành gấu trắng, người thì muốn thành đại bàng và có người còn ước thành hoa anh đào nữa. Có một anh đến bên hồ, hấp tấp thế nào lại trượt chân, vội thốt lên “Oh,SHIT!” và … rơi tõm xuống hồ.

Monday, October 30, 2017

Suy Niệm Trong Ngày 30-10-2017

chuyện ngắn - Bó hoa có lõi

Bó hoa có lõi

Với mẹ, hoa là thứ không ăn được, tất nhiên, trừ loại có lõi vừa mới xuất hiện vài năm trở lại đây. Ai sáng kiến ra cái kim tây cũng hay.

Họ đem hoa bày bán ở cổng trường, nhiều hoa giả, và cả hoa tươi. Bà mẹ đảo một vòng rồi chọn mua hoa nhựa.

Bên trong nó, như cô bán hàng quảng cáo, có một cây kim tây dùng để kẹp chặt phong bì. Bà mẹ cuộn bao thư có tờ giấc bạc hai trăm ngàn đồng vào trong bó hoa,.
dùng kim giữ nó chặt vào cành hoa vô cảm, dặn đứa bé con vào sân trường mang tới tặng cô ngay, cấm chạy nhảy, phải cầm hoa dựng thẳng lên như thế này thế này.

- Có tiền trong đó, con đừng để rơi rớt mất, nhớ nghen.

Mẹ dặn đi dặn lại làm em bé căng thẳng, nó đi ngập ngừng như thể đang cầm một bó hoa thủy tinh, dễ vỡ. Đường từ cỗng trường vào lớp tự dưng xa.

Hôm nay là ngày 20/11, Lễ nhà giáo Việt.

Hôm qua một bà mẹ khác cũng đặt tiền vào bao thơ, bảo con hai tay tặng hai cô giáo mầm non.

Bà mẹ vẫn thường tặng quà kiểu này cho cô giáo, không vì dịp lễ lạt nào. Ban đầu còn lấm lét dúi vào tay cô, sau nhận ra kẻ tặng người nhận đều cóm róm như tội phạm nên quyết định đưa phong bì một cách đĩnh đạc.

Mẹ biết ơn cô đã chăm sóc con mình ngày này sang ngày khác, một việc mà chính mẹ cũng sợ hãi mỗi khi hè đến. Trẻ con, như chị Vàng Anh nói đại ý cũng như cảnh đẹp, chơi một chút rất thích nhưng chơi lâu đâm ngán ngược. Nên món quà của mẹ không nhằm mục đích để cô chăm chút con hơn (nếu ai cũng tặng thì cô biết thiên vị trò nào), chỉ là lời cảm ơn thiết thực. Cô giáo mầm non, trăm đường cực.

Thí dụ, chuẩn bị cho ngày hai mươi tháng mười một, cô phải tham gia đội múa của trường đi thi cấp thành phố. Tập dượt cực khổ đã đành, nghe nói trường còn phải thuê một anh ở đoàn ca múa tới huấn luyện. Mẹ nghe chuyện, hơi tức mình, tiền ấy dùng để làm quà cho các cô có phải ý nghĩa hơn không.

Trường nghèo, lớp ít, đông học trò, giáo viên lưa thưa, khích lệ được chút nào hay chút ấy. Không thể nói đây chỉ là phong trào văn nghệ văn gừng thôi, vì cái chất ăn thua đã thể hiện rõ ràng trong việc mời chuyên gia ca múa về dạy. Những cái thành tích hão thì không ăn được, và nếu sướng chỉ lãnh đạo trường sướng.

Cô giáo của con mẹ thì không. Ngày mai là ngày Tết của mình, hôm nay cô còn phải dạy tụi nhỏ múa hát trình diễn trong buổi lễ, và cái gọi là "món quà của các cháu dành cho cô" thực ra là một thứ hoa cô trao từ tay phải qua tay trái.

Hoa ấy mà có lõi, cũng chẳng phải là một bó hoa xấu.

Bà mẹ vẫn thường ghét hoa, gửi quà cho cô giáo tiểu học đang dạy thằng con lớn, mẹ ép phong bì vào cuốn sách văn chương. Với mẹ, hoa là thứ không ăn được, tất nhiên, trừ loại có lõi vừa mới xuất hiện vài năm trở lại đây. Ai sáng kiến ra cái kim tây cũng hay.

Bạn của mẹ nghe chuyện tặng quà, hơi phẫn nộ. Nhà bạn sát vách một trường mẫu giáo khác, hôm nào cũng nghe cô bên ấy mắng trẻ con. "Sao đái dầm nữa rồi ông cố nội?", "má ơi má tự xúc cơm ăn cho con khỏe coi", "không ngủ đi còn hát hoài vậy bà ngoại?", lời của những cô chăn trẻ trường công nghe sợ không ? Như dân chợ trời.

Các cô giáo không nghĩ lời nói cũng để lại những tì vết, vô hình, cứ tưởng tan loang đi không bằng chứng. Họ không trọng cái bản thân của họ, thì ai trọng, bạn mẹ nói. "Em có tự tin sẽ tìm lại thái độ dịu dàng tử tế của mấy cô giáo bên đó bằng một bó hoa có lõi không ?", bạn hỏi.

Mẹ đắn đo. Nếu lớp học vẫn là một chiến trường cho cả cô và cháu, chật chội và nóng nực, đầy những áp lực thành tích, vừa phải đưa trẻ đi vệ sinh vừa phải trang điểm múa hát, hoặc ôm bụng bầu tám tháng lặc lè mà phải chăn năm chục đứa trẻ thì một năm chỉ bó hoa (có lõi hoặc không) cũng chẳng ích gì.

Mẹ sẽ vẫn tặng quà cho các cô, những cái phong bì phẳng lì không nhàu nếp, như biết ơn và kính trọng. Sự tôn trọng không hao hụt đi nếu mẹ thấy cô giáo đem quăng vào thùng rác những bông hoa nhựa (sau khi đã lấy lõi ra). Nhưng bà mẹ cũng ao ước chính các cô hãy kính trọng chính mình, tôn trọng cái nghề giáo được xem là cao quý và có ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội này.

Nguồn http://truyenhay.vn/bo-hoa-co-loi.html#ixzz4vhyMwwW3 
Bài viết từ : TruyenHay.Vn - Website đọc truyện hay online 

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Vẽ gì dễ

Một anh họa sĩ vẽ hình cho Tề Vương (Vua Tề). Một hôm Tề Vương hỏi anh:
- Nhà ngươi vẽ cái gì khó nhất?
- Thưa bệ hạ, vẽ chó, ngựa là khó nhất.
- Vậy vẽ cái gì là dễ nhất?
- Thưa bệ hạ, vẽ ma quái là dễ nhất.
Bởi vì chó ngựa ngày ngày đều xuất hiện trước mặt mọi người, ai củng quen thuộc chúng nó, nên vẽ không phải dễ. Còn loài ma quái chúng không có hình dạng nhất định, chưa có ai nhìn thấy chúng bao giờ, nên vẽ rất dễ.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Lời Mẹ Dạy


Jiun, một vị Thiền sư phái Shingon, vốn là một học giả chữ Phạn thời Tokugawa. Lúc còn là thiền sinh, ngài hay thuyết giảng cho các đồng môn.

Khi hay tin, mẹ ngài liền viết cho ngài một lá thư: "Con ạ, Mẹ không tin rằng khi con hiến mình vào cửa Phật là cốt để trở thành một cuốn tự điển sống. Biện bác, sành sõi, vẽ vang và tự màn chẳng đi đến đâu. Mẹ muốn con hãy dẹp cái trò lên lớp đó đi. Hãy dọn mình tĩnh tu trong một tiểu viện ở chốn thâm sơn cùng cốc. Dành mọi thì giờ cho việc thiền quán, may ra con mới ngộ được chánh đạo.

Cổ Học Tinh Hoa

Cổ cầm – Nhạc cụ của hiền nhân câu thông Thiên – Địa – Nhân

Người ta thường nhắc đến cổ cầm như “nhạc cụ của hiền nhân”, nhưng không phải vì nó là nhạc khí để văn nhân ngâm thơ ca hát, mà là phương tiện để kẻ sĩ tu thân dưỡng tính. Kỳ thực nó chính là công cụ thông qua âm nhạc để câu thông Thiên – Địa – Nhân.
Tương truyền, gia tộc Thần Nông sau khi kế thừa thiên hạ đã làm theo nguyên lý vũ trụ vạn vật, gọt gỗ ngô đồng làm thân cầm, dùng dây tơ làm dây đàn, tạo ra đàn cổ cầm đầu tiên. Cây đàn này có thể trên thông tâm ý thần minh, dưới dẫn dắt vạn vật hài hòa.

Bản thân cổ cầm chính là một tiểu vũ trụ. Cổ cầm dài 3 xích 6 thốn 5 phân (khoảng 1,2m), vừa khớp với con số 365 ngày của một năm. Cổ cầm có 13 chủy (chủy – một trong 5 âm thời cổ đại), đối ứng với một năm 12 tháng cộng thêm tháng nhuận là 13 (theo Âm lịch). Bề mặt đàn có hình vòm cung tượng trưng cho Trời tròn, phía dưới hình vuông tượng trưng cho Đất vuông.
Cổ cầm mới đầu có 5 dây đàn, đối ứng với ngũ hành gồm kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Theo truyền thuyết, Văn Vương vì tưởng niệm Bá Ấp Khảo đã thêm một dây nữa, nên gọi là Văn Huyền. Khi Võ Vương lật đổ vua Trụ, vì cổ vũ sĩ khí nên đã thêm một dây nữa, gọi là Võ Huyền, vậy nên đã hình thành đàn bảy dây gọi là Văn Võ thất huyền cầm, âm dương ngũ hành đều có hết ở trong đó.

Thiên Khúc lễ hạ trong sách Lễ ký có câu: “Sĩ vô cố bất triệt cầm sắt“, nghĩa là kẻ sĩ  không nên chia lìa đàn cầm đàn sắt một cách vô cớ. Tại Trung Quốc cổ đại, cho dù là quý tộc có địa vị thấp nhất đều phải biết đánh cổ cầm. Đây không chỉ là nhạc khí đệm nhạc cho văn nhân ngâm thơ ca hát, mà càng là phương tiện bắt buộc để tu thân dưỡng tính.
Cầm không hề giống như loại nhạc khí dùng để thổ lộ tình cảm, mà hoàn toàn trái lại, “cầm giả, cấm dã, cấm chỉ vu ác, dĩ chính kỳ tâm“, nghĩa là người chơi đàn, cấm kị, cấm chỉ làm việc ác, để giữ cho cái tâm của bản thân được ngay chính. Cầm chỉ dùng cho tình cảm thuần khiết, để thanh trừ tà niệm. Kể cả người nghe tiếng đàn cũng có thể đạt tới cảnh giới bình thản, tĩnh tâm, quên mất sầu muộn thế tục.

Hiên Viên Hoàng Đế từng khảy khúc nhạc “Thanh Giác” trên Tây Thái Sơn triệu tập Quỷ Thần. Đế Thuấn chỉ ngồi một chỗ khảy đàn ngũ huyền cầm, dùng khúc “Nam Phong” mà trị bình thiên hạ, nhà nhà đều lạc nghiệp âu ca. Vào thời Xuân Thu, khi Bá Nha khảy cổ cầm, “cá cũng phải ngoi lên nghe, ngựa cũng phải dừng ăn”, ngẩng đầu lên để thưởng thức.
Khi bị vây khốn tại đất Khuông, trong lúc mọi người hoảng loạn vì hết lương thực, đói dậy không nổi nữa, Khổng Tử chỉ làm một chuyện chính là “huyền ca không ngừng”, liên tục đánh đàn, ca hát, dạy học, khiến cho hoàn cảnh cuồng bạo gần như bình tĩnh trở lại.
Thời Ngụy Tấn, có một nhạc gia nổi tiếng trong nhóm “Trúc Lâm thất hiền” là Kê Khang. Kê Khang bị vu cáo mà vào ngục, đến ngày hành hình ông đã có hành động có một không hai trong đời, lúc đó thấy còn chút thời gian Kê Khang đã xin huynh trưởng mang một cây cổ cầm tới, thong dong khảy khúc “Quảng lăng tán”.

Đại thi hào Nguyễn Du có nhắc đến khúc “Quảng Lăng tán” trong “Truyện Kiều” như sau:

Kê Khang, này khúc Quảng Lăng

Một rằng lưu thủy, hai rằng hành vân.

Nguyễn Du cũng than rằng sau này, không có ai còn đàn được khúc “Quảng Lăng tán” trọn vẹn như Kê Khang nữa:

Thán tức Quảng Lăng huyền tuyệt hậu

Tì bà tân phổ bán Hồ Khương.

Tạm dịch:

Than thở cho tiếng đàn Quảng Lăng nay đã thất truyền

Bài nhạc mới cho đàn tì bà, một nửa là theo điệu Hồ Khương.

Cổ cầm là nhạc khí mà Kê Khang cho rằng có “Đức” nhất, “trong tất cả khí cụ, cầm đức đứng đầu“, ông cũng dùng nhạc cụ này bày tỏ nhân cách và tiếng lòng bản thân.
Vương Duy, nhà thơ và cũng là nhạc sĩ nổi tiếng đời Thịnh Đường, sáng tác bài thơ “Trúc Lý quán” như sau:

Độc toạ u hoàng lý,

Đàn cầm phục trường khiếu.

Thâm lâm nhân bất tri,

Minh nguyệt lai tương chiếu.

Tạm dịch:

Ngồi buồn một mình trong bụi trúc,

Gảy đàn rồi hát nghêu ngao.

Rừng sâu nên người không biết,

Trăng sáng đã lên rọi xuống.
Cổ cầm chưa bao giờ là kiểu công cụ biểu diễn, mà là trực tiếp trở thành lễ khí hoặc thần khí. Quân tử đánh đàn không phải lấy lòng người khác, mà là tự mình lắng nghe. Trong quá trình diễn tấu, đối thoại với tâm linh bản thân, đạt tới tình trạng hư nhất tĩnh.

Những câu chuyện về Cổ Cầm vẫn còn rất nhiều, có thể lưu truyền đến hôm nay đương nhiên là có nguyên nhân. Văn hóa Thần truyền tuyệt nhiên không chỉ là đơn thuần vì đặt định cho xã hội nhân loại điều gì đó mà nội hàm thâm sâu hơn. Kỳ thực cổ cầm chính là một công cụ thông qua âm nhạc để câu thông Thiên – Địa – Nhân, đạt tới sinh mệnh và vũ trụ tương hỗ lẫn nhau, hợp lại cùng nhau. Mỗi một cây cổ cầm chính là một thần khí dẫn dắt con người trở về thiên giới.

Tú Văn biên dịch

Chuyện cười trong ngày

Ai nói dối giỏi hơn ? !!

Một chính khách đang trên đường đi vận động tranh cử thì bất chợt bắt gặp một lũ trẻ đang vây quanh một con chó, cãi nhau chí chóe. Ông liền dừng xe, lại gần hỏi chuyện.
Một cậu bé nói:
- Chúng cháu nhặt được con chó này, ai cũng muốn mang về nuôi nên chúng cháu quyết định là đứa nào nói dối giỏi nhất sẽ được nuôi con chó.
- Các cháu không được thi nói dối vì đó là điều tội lỗi. – Nhà chính khách khuyên nhủ. – Khi ta ở tuổi các cháu, ta không bao giờ nói dối và bây giờ cũng vậy…
Bọn trẻ con im lặng một phút rồi cậu bé thở dài:
- Đưa con chó cho ông ấy đi!

Sunday, October 29, 2017

Suy Niệm Trong Ngày 29-10-2017

chuyện ngắn - Dòng sông quê hương

Dòng sông quê hương

Hồi tôi còn nhỏ cũng thế, nếu không sợ mẹ đau lòng thì tôi đã không đem đổ cả lũ tượng đất lớn nhỏ mà tôi hì hụi nắn được trong góc vườn. Bắt đầu biết nghịch đất sét, tôi đã mày mò nặn con chó, con mèo, nặn hình ông Thọ, cô tiên.
Bé Dung người mảnh dẻ, khuôn mặt nhỏ. Đôi mắt to, đen và có cái nhìn mới sáng làm sao.
Mẹ tôi mỗi lần nhìn vẻ sáng ấy cứ thì thầm nói với tôi: "Sao cứ như là ba con đang nhìn?"
.- Mẹ cho em ăn uống đầy đủ lắm mà sao em cứ gầy.

"Khi con còn nhỏ mẹ đâu có chăm kỹ như thế này phải không?" Có lần tôi hỏi khi thấy mẹ buộc khăn vào cổ em, rồi chọn gắp từng miếng thức ăn bỏ vào cái chén kiểu trước mặt. Mẹ bảo: "Em khác, con khác". Mắt mẹ thoảng vẻ buồn.

Cái dáng gầy của mẹ ra vào trong nhà ngoài sân thật đúng như người xưa vẫn ví von: mình hạc xương mai. Lớn lên một chút, tôi thường nghĩ mẹ tôi là con hạc từ trên trời bay lạc xuống đậu trên mảnh đất gồ ghề đầy sóng gió là cha tôi. Cả đời lúc nào tôi cũng mang một ám ảnh. Trong máu của mình, mẹ hay là cha đang ngự trị?

Nhà tôi ở trên bờ sông lớn có con đập chắn ngang. Khi cơn mưa đầu mùa dội về, nước sông cuộn lên vỗ ào ạt như rồng dữ lồng lộn xô mạnh vào bờ đá. Nghe mưa dội ào ào trên mái hiên, em Dung reo lên, chạy ào ra sân nhập bọn cùng lũ trẻ trong xóm, ngửa mặt lên trời tắm mưa.

Mẹ tôi hốt hoảng kêu lên. Tôi đội mưa lao ra, tóm cổ con bé lôi về. Tóc nó ướt lướt thướt dính bết quanh khuôn mặt gầy nhỏ, hàm răng sún nhe ra vô tư. Quần áo dán vào thân thể, hóa thành mỏng tanh, trong suốt như gương. Mẹ tôi ôm chầm lấy em, bọc nó vào trong cái khăn lông mà lau lấy lau để.

Cho thay quần áo rồi, chải tóc hơ chân rồi, mẹ tôi mới lấy cái thước kẻ lớn dần mạnh mấy lần vào bàn tay em. Em tôi rụt tay lại, khóc òa. Mẹ nghiêm giọng quát:

- Con gái nhà lành, ai cho lõa lồ tắm mưa như thế? Đánh thật đau cho nhớ!

Em Dung cứ tức tưởi khóc, hai con mắt to và đen cứ lấp lánh vẻ uất ức gan lì. Cái vẻ gan lì ấy làm hại nó. Mẹ tôi định tha, nhưng thấy vậy lại bắt em quỳ quay mặt vào vách. Tôi muốn xin cho em, muốn nói với mẹ rằng dù sao nó cũng chỉ mới là một con nhãi ranh còn chưa hỉ sạch mũi. Nhưng mẹ bảo tôi, mắt đỏ hoe:

- Măng non không uốn, để cứng thành tre làm sao uốn được?

Tôi lặng im. Khi nào cũng vậy, nhìn thấy đôi mắt rơm rớm của mẹ là tôi đầu hàng. Hồi tôi còn nhỏ cũng thế, nếu không sợ mẹ đau lòng thì tôi đã không đem đổ cả lũ tượng đất lớn nhỏ mà tôi hì hụi nắn được trong góc vườn. Bắt đầu biết nghịch đất sét, tôi đã mày mò nặn con chó, con mèo, nặn hình ông Thọ, cô tiên.

Các bạn rượu của cha tôi xoa đầu tôi mà bảo: "Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh", con của một họa sĩ thì tương lai rõ là một nhà điêu khắc rồi, không sai... Rất có thể điều tiên đoán ấy sẽ thành sự thật và tôi sẽ trở thành con kế nghiệp của cha tôi nếu một hôm tôi không khờ dại nặn ra pho tượng đất sét ấy.

Thấy nó, mẹ tôi choáng váng, nghẹn không nói được. "Huân, con làm gì thế này?" Bức tượng của tôi chỉ dài chừng ba tấc, đây là hình ảnh một người đàn bà không mặc quần áo. Năm đó tôi mười hai tuổi, với cục đất sét tôi thể hiện sự tò mò giới tính của tôi, và không quên dùng một nhúm tóc rối nhét vào giữa hai bắp vế pho tượng.

Mẹ tôi đập bể tan tành cái tượng ma quỷ đó. Tôi uất ức, vì đó chỉ là kết quả sự chiêm ngưỡng hồn nhiên khi một lần tôi tình cờ thấy mấy cô hàng xóm đi tắm ngoài bến nước. Mẹ tôi khóc không thành tiếng. Người cho đào hết bộng đất sét sau vườn đem đổ đi, thay vào bằng đất bùn lấy ở bờ sông sau mùa lũ. Bộng đất ấy dài bốn mét, sâu đến hai mét tư, khi vét xong để lại một lỗ trống toang hoác nơi góc vườn.

Người ta lấp đầy nó bằng đất thịt lấy ở triền sông. Ba tôi bảo: "Việc gì phải thế". Mẹ tôi chỉ nói: "Đất này trồng cây, trồng hoa tốt hơn". Từ lâu rồi mẹ tôi vẫn thường đối phó với ba tôi bằng cách dịu dàng lảng tránh như thế. Giữa ba mẹ tôi không bao giờ to tiếng, bởi người nhường nhịn lúc nào cũng là mẹ. Mẹ mảnh khảnh, nhỏ nhẹ, tối ngày cố xếp đặt căn nhà, khu vườn thật chỉn chu, ngăn nắp.

Ba tôi thì cao lớn, nóng nảy, ra vào trong cái trật tự của mẹ như một con ngựa chiến bị buộc trong chuồng. Từ ngày ấy, mẹ luôn đóng cửa phòng vẽ của ba tôi, nó đã trở thành một thế giới riêng đầy bí ẩn. Ngoài giờ ăn, ngủ, hầu hết thời gian ba tôi giam mình trong đó. Rồi ít lâu sau, người ngủ luôn ở đấy, hầu như không quay về phòng nữa.

Cuộc sống gia đình vẫn lặng thầm trôi đi trong êm ấm, và với tôi thế giới bên trong căn phòng vẽ vẫn là một thế giới bí ẩn đầy kích thích khiến tôi luôn tưởng tượng mà không dám đặt chân đến bao giờ.

Em Dung quỳ úp mặt vào tường, thật tội nghiệp. Tôi mua bánh chuối ram, gói trong miếng giấy, len lén đem vào cho em. Lúc đó tôi mới biết em đã không quỳ yên một chỗ như tôi tưởng. Em nhích dần dần đến bên cửa sổ, bây giờ em chẳng còn úp mặt vào bức vách mà đang nhìn ra sông. Gió từ ngoài thổi vào, làm tóc mai em bay nhẹ, em nheo mắt và cười, trong khi cao hứng em tì luôn hai khuỷu tay chồm lên cửa sổ như người ngắm cảnh.

"Thế mà gọi là chịu phạt đấy à? Mẹ thấy thì lại bắt quỳ thêm cho đến chiều!" Em giật mình, quay nhìn tôi, hơi e dè một lát rồi nhoẻn cười: "Suỵt, mẹ đang nấu ăn, không thấy đâu". Hai anh em quỳ bên nhau nhìn ra con đập. Con nước đầu mùa vẫn lồng lộn dưới chân kè đá. "Anh Hai ơi, sao mà mắt anh đỏ?". Em Dung hỏi, bàn tay nhỏ của em chạm lên má tôi. "Anh nhớ ba" "Ba ngày xưa ra sao hở anh?" Tôi lúng túng, không biết nói sao.

Thực tình là ba đã có nhiều điều không phải với mẹ. Nhưng tôi không thể không yêu ba tôi, không thể không cảm thấy mối liên hệ máu thịt và sức hấp dẫn kỳ lạ toát ra từ người đã cho tôi cuộc sống. Mỗi lần nhìn con đập này, tôi không sao quên được những ngày vừa ngớt cơn mưa đầu mùa, ba dẫn tôi lội nước đến bên bờ sông. Dòng nước đã vượt qua con đập, chảy xiết. Có năm nước dữ, một bên mé đập sạt đi những tảng lớn, sau mùa lũ người ta phải vá lại.

"Ba ơi, sao người ta không xây đập cao lên chừng năm tấc nữa cho nước khỏi tràn hở ba?". Tôi hỏi. Ba tôi cười, người cõng tôi lên vai cho nước khỏi làm ướt chân tôi. "Con đập là kỷ cương của dòng sông, nhưng nó không phải là chính dòng sông". Ba tôi nói, câu trả lời của người bay thoảng trong trí nhớ vô tư của tôi hồi ấy, đến giờ tôi vẫn nhớ nhưng chẳng hiểu thật sự người muốn nói gì.

Có lẽ đó là những giờ đáng nhớ nhất của hai cha con, vì ba tôi về sau này càng ngày càng lặng lẽ, nếu không giam mình trong phòng vẽ thì cũng đi giang hồ đâu đó, cho đến khi người mất đột ngột trong một chuyến ngao du. Tôi còn nhớ đấy là tháng cuối mùa mưa, tôi sắp tròn mười bảy tuổi.

Mẹ tôi một đời khổ hạnh, âm thầm, nhẫn nhục chỉ để được danh chính ngôn thuận đứng ở đầu quan tài cha tôi khi đưa người đến mộ. Tôi gói những cái cọ vẽ bỏ xuống huyệt cho cha tôi. Ở đằng xa, người đàn bà ôm đứa bé đứng co ro, khép nép, cái nón che nghiêng nửa mặt. Nhiều người ném về phía ấy những cái nhìn khinh rẻ, những cái nguýt, cái háy đầy vẻ lạnh nhạt.

Cô ta xin một chiếc khăn tang. Bà thím tôi trề môi: "Khăn tang gì mà khăn tang, ý nó muốn chia gia tài đó". Nhiều người rỉ tai mẹ tôi: "Đừng cho. Phải thử máu xem có chắc không cái đã". Mẹ tôi chỉ khóc, che mặt không dám nhìn. "Hỏi thằng Huân, nó là con trai, quyền huynh thế phụ" "Đừng cho, bây giờ mà cho, sau phiền phức lắm" - Tiếng người thì thào bên tai tôi. Tôi đau thắt, lòng ngổn ngang, cảm giác như có ai xô ập mình đến bên góc tường.

Người đàn bà ấy bồng đứa bé đến trước mặt tôi. Bất giác tôi đưa hai tay đón đứa bé vào lòng. "Mày điên sao Huân, đã nhắc cho mà biết...". Người nọ, người kia xì xào, có câu đầy mỉa mai: "Thằng này có căn tu, không chừng là Bồ Tát chắc. Mẹ đẻ ra mà không binh, đi nghe lời người dưng". Tôi không nói, ôm em vào lòng. Không cần phải thử máu, tôi thấy nơi khuôn mặt của đứa trẻ là ánh mắt dữ dội của cha tôi, những sợi tóc và đôi môi hoang dã của cha tôi...

Tôi đã không thành nhà điêu khắc mà trở thành một kỹ sư nông lâm, như mong ước của mẹ tôi. Mẹ chỉ muốn tôi sống một đời yên bình, không phải bước lên con đường nghệ thuật đầy sóng gió và bất trắc.

Tôi cũng thích nghề của tôi vì tôi yêu cỏ cây, yêu cái mầu xanh thẳm sâu từ đất hiện ra rồi vươn cao theo mưa nắng. Thuở đầu đời tôi cũng muốn đi thật xa, nhưng mẹ tôi rơm rớm nước mắt, thế là tôi ở lại... Mẹ ước ao sau này các con tôi lớn lên bên cạnh người, như cành lá từ cội mọc ra rồi lại rụng về cội, ấm cúng thân thương. Mẹ sợ tôi phải sống như ba tôi, người ở đây mà hồn bay xa đến tận nơi nào.

Khi ba tôi mất rồi, tôi mới đặt chân vào phòng vẽ. Những bức tranh người để lại đan kín trên các bức vách rộng, lộng lẫy và hoành tráng, đấy là cả một gia sản mà người để lại cho tôi. Mỗi bức tranh như một ẩn ngữ mà tôi, kẻ kế thừa, chưa có chiếc chìa khóa mật mã trong tay để giải thích. Nhưng cần gì, chẳng phải ngày xưa cha tôi thường bảo: "Cuộc đời là để sống chứ không phải để giải thích" hay sao?

Trong những bức tranh này có rất nhiều bức vẽ hình người đàn bà với da thịt lộng lẫy. Từ những mảng mầu trên ngực, trên môi, trên đôi tay mọc lên cây lá và cỏ hoa đầy sức sống: cái vẻ rực rỡ của mầu xanh cây cỏ, của mầu hồng da thịt này, tôi biết cội nguồn của nó. Hào quang lấp lánh ấy tôi đã thấy một lần nơi gương mặt người đàn bà đã trao em Dung cho tôi.

Có phải người đàn bà ấy đã đem đến cho cha tôi cái gia sản của sắc mầu và ngôn ngữ này? Có thể nói thế hay không, tôi cũng không biết nữa... Đôi khi tôi hoang mang tự nhủ: Lẽ nào tôi đang mắc nợ bà ấy sao, hay là bà ấy nợ tôi?
Trời ngớt mưa, tôi vội vã từ những cánh đồng Hương Thủy về thăm mẹ. Sân nhà sũng nước, mái hiên ngói cổ nhỏ từng giọt, từng giọt vẽ ra một hàng lỗ chỗ trũng xuống trên mặt đất.

Em Dung chạy ra đón tôi, hai cánh tay gầy như hai cái que ôm lấy cổ tôi, nhảy thót lên hông tôi cứ như thể em còn nhỏ lắm. Tôi bẹo má em:

- Lên mười rồi nghe, còn làm ra vẻ nhỏ em quá há.

Em cười, cầm tay tôi kéo vào phòng em, chỉ cho tôi những bức tranh mầu nước nguệch ngoạc. Em khoe: "Anh Hai ơi, em đi thi vẽ ở nhà Thiếu nhi, được giải nhất".

- Đâu nào, đưa anh coi, tranh mèo cào của Dung sao hên thế.

Em đưa cho tôi xem bức tranh em vẽ dòng sông đang chảy tràn qua con đập, với những con cá đang tung mình nhảy qua theo dòng nước. Những con cá có đôi *** rất nảy nở, như đang căng đầy sữa.

Tôi cười. Em bảo tôi: "Để cho cá con bú thật nhiều, cho nó mau lớn". Tôi nhìn một lát, gật đầu rồi cất bức tranh vào hộc bàn. "Xem chừng mẹ thấy thì chết". Em Dung nhìn tôi: "Sao thế, khi nhỏ em không bú mẹ sao?".

Tôi không trả lời, chỉ nhìn vào mắt em. Mắt em tôi có hàng mi dài và cong đen mướt như mắt di-gan. Tôi biết, mẹ tôi đã phí bao nhiêu công phu để dập tắt cái căn cơ hoang dã trong đôi mắt này. Nhưng vô ích. Tôi biết, rồi một ngày em sẽ ra đi...

Từ lúc yêu cây cỏ và đất đai, tôi cũng đã hiểu dòng sông và con đập. Tôi biết nếu không có con đập thì mỗi mùa mưa cả vùng đồng bằng phía nam sẽ trở thành vực xoáy tàn khốc, nhưng nếu con nước không tràn qua thì hoặc là vùng đất ấy sẽ khô thành hoang mạc, hoặc là con đập sẽ vỡ tan tành trong cuồng nộ của dòng sông mùa lũ.

Vì thế mà hằng năm con đập vẫn chịu đựng vết đau sạt lở. Nó chịu đau để được cùng tồn tại với sông...

Nguồn http://truyenhay.vn/dong-song-que-huong.html#ixzz4vhxoB4OM 
Bài viết từ : TruyenHay.Vn - Website đọc truyện hay online 

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Lừa và Hải Cẩu

Một cái cây đẹp mọc ngay giữa đồng.
Bác Lừa ta chạy băng đồng, mải nhìn ngang nhìn ngửa nên đâm bổ vào, nẩy đom đóm mắt.
Lừa giận lắm, bác ta đến bờ sông, gọi Hải Cẩu:
- Hải Cẩu ơi ! Anh có biết giữa cánh đồng có một cái cây mọc không?
- Sao lại không biết!
- Thế thì anh đi hạ cái cây ấy đi ! Răng anh sắc lắm mà...
- Để làm gì?
- Tôi vừa va phải nó, sưng hết cả mặt mũi lên đây này! Khốn khổ làm sao!
- Anh nhìn đi đâu?
- Nhìn đâu... nhìn đâu... Tôi mới mải nhìn có một tý mà ra nông nỗi này đây... Đi mà hạ cái cây đi cho rồi!
- Hạ đi thì tiếc lắm. Nó làm đẹp cho cả cánh đồng.
- Nhưng nó cản trở việc đi lại của tôi. Hạ nó đi anh !
- Tôi không muốn.
- Khó nhọc lắm sao?
- Không khó nhọc nhưng tôi sẽ không hạ.
- Tại sao?
- Tại vì nếu tôi hạ cái cây ấy xuống thì anh sẽ lại va vào gốc.
- Thế thì anh hãy đào cả gốc nó đi !
- Tôi mà đào cả gốc thì anh lại rơi xuống hố, què chân.
- Tại sao?
- Tại vì anh là con Lừa !

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Nhất Ðế


Nếu ai đến thăm thiền viện Obaku ở Kyoto đều nhìn thấy một bảng gỗ khắc chữ đại triện "Nhất Ðế" trên cỗng. Ðối với người biết thưởng thức lối viết chân phương ai cũng đều tấm tắt khen ngợi là một tuyệt tác. Nó được viết bởi thiền sư Kosen hai trăm năm trước.

Thực ra ngài viết trên giấy, rồi nghệ nhân mới dựa theo khắc trên gỗ thật lớn. Khi Kosen viết thảo thì một thiền sinh đã đứng bên cạnh mài cả hàng mấy hủ mực lớn tướng, và cũng bạo dạn không ngừng phê bình lối viết của sư phụ.

"Chưa được," Y thưa với Kosen sau bản thứ nhất.

"Cái này thì thế nào?ẽ

"Còn kém, tệ hơn bản trước nữa," đệ tử phê.

Kesen kiên nhẫn viết bản này qua bản khác cho đến khi đếm được tám mươi tư bản với chữ "Nhất Ðế" chồng chất mà đệ tử vẫn chê.

Ðến một lúc thiền sinh trẻ kia bước ra ngoài trong chốc lát, Kosen nghĩ: "Bây giờ là lúc ta thoát ra khỏi cái dòm chừng của nó," và ngài phóng bút viết liền tay với tâm thơ thới chữ "Nhất Ðế." Quay vào, nguời đệ tử reo lên: "Tuyệt tác."

Điển Hay Tích Lạ

Đắc tâm ứng thủ

Ý câu thành ngữ này là chỉ làm việc thuần thục, xuôi lọt, rất trôi chảy.

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Trang Tử Thiên đạo".

Truyện xảy ra tại nước Tề thời Xuân Thu Chiến Quốc . Một hôm, Tề Hằng Công đang ngồi đọc sách ở trong nhà. Bấy giờ ở ngoài hiên có một anh thợ mộc tên là Luân Biển đang ngồi đẽo bánh xe, anh này là một tay rất hóm hỉnh, khi nghe tiếng đọc sách khô khan, nhát ngừng từ trong nhà vọng ra thì cảm thấy vô cùng khó chịu, mới vào nhà hỏi Tề Hằng Công rằng: "Tâu bệ hạ, bệ hạ đang đọc sách gì vậy?". Tê Hằng Công sửng sốt trước sự đường đột của Luân Biển, nhưng cũng đáp rằng: "Trẫm đang đọc sách của thánh nhân". Luân Biển lại hỏi: "Thế thánh nhân hiện còn sống không?". Tề Hằng Công đáp: "Thánh nhân đã qua đời từ lâu rồi". Luân Biển nghe vậy tỏ ra vô cùng ngạc nhiên: " Ồ, ra thánh nhân đã chết từ đời tám vánh nào rồi, vậy thì sách bệ hạ đang đọc đây chắc chắn là những thứ cặn bã của cố̉ nhân để lại ".

Tề Hằng Công nghe vậy tức giận nói: "Trẫm đang đọc sách của thánh nhân, ngươi là một anh thợ mộc quèn, đầu óc lúc nào cũng chứa toàn những dùi đục với dìu búa thì biết cái đếch gì mà cũng chõ mõm vào, ngươi dám nói sách của cổ nhân là cặn bã, nếu ngươi không nói rõ được nguyên nhân thì liệu thần hồn".

Luân Biển thản nhiên đáp: "Xin bệ hạ bớt giận, thần chẳng qua chỉ dựa theo kinh nghiệm làm bánh xe của mình mới nói vậy thôi. ví như đẽo mộng chẳng hạn, nếu đẽo nhỏ rồi thì mộng bám không khít, không thể chắc chắn được. Còn như đẽo quá to thì lại không thể lắp vào mộng cái, cho nên chỉ có đẽo cho vừa phải, không to mà cũng không nhỏ thì mộng mới bám chặt, bánh xe mới không bị xộc xệch. Kỹ thuật này có thể dùng lời nói để miêu tả. Còn những thứ độc đáo và tuyệt diệu trong học vấn của cổ nhân thì làm sao có thể nói rõ ràng được, cho nên những thứ bệ hạ đang đọc đây chẳng phải cặn bã của cổ nhân là gì?".

Tề Hằng Công nghe xong, cảm thấy lời nói của Luân Biển rất có lý, nên không nỡ bắt tội.

Hiện nay, người ta vẫn dùng câu thành ngữ "Đắc tâm ứng thủ" để mô tả về làm việc thuần thục và trôi chảy.

Chuyện cười trong ngày

Bí quyết học toán

Bạn A bảo bạn B: Cậu muốn có “bí quyết” học toán nhớ lâu không ?
- B: Làm cách nào , chỉ cho mình với .
- A: Dễ thôi ! Cậu chịu khó “sưu tầm” là được
- B: Sưu tầm thế nào ?
- A: Phải tìm vật thật, ví dụ: Hình tròn thì tìm: cam, nho, bưởi, táo…, còn hình vuông, hình chữ nhật thì tìm: Bánh trung thu, kẹo cao su…Các thứ ấy luôn để bên mình mọi lúc mọi nơi thì cậu sẽ nhớ lâu thôi .
- B: Ồ! Hay thật! Thế còn đọan thẳng chắc phải nhờ đến “roi mây” của bố mẹ và “thước kẻ” của cô giáo để nhớ lâu phải hông nè?

Friday, October 27, 2017

Suy Niệm Trong Ngày 27-10-2017

chuyện ngắn - Đâu là sự thật

Đâu Là Sự Thật

Sáng nay, trời mùa xuân quang đảng quá, những mầm non đầy nhựa đang e ấp dưới những nách thân yêu của các kẻ lá, cành cây, muôn chim đang hòa vui, reo hót những bản nhạc mừng xuân, líu lo lãnh lót. Gió xuân lùa nhẹ những làn hương trong sạch của muôn hoa, làm giảm bớt một ít u buồn của những khách trần gian tục lụy, đồng thời gạt vỡ những giọt sương còn bám chặt, đè nặng trên mình ho.
Sáng nay, trời mùa xuân quang đảng quá, những mầm non đầy nhựa đang e ấp dưới những nách thân yêu của các kẻ lá, cành cây, muôn chim đang hòa vui, reo hót những bản nhạc mừng xuân, líu lo lãnh lót. Gió xuân lùa nhẹ những làn hương trong sạch của muôn hoa, làm giảm bớt một ít u buồn của những khách trần gian tục lụy, đồng thời gạt vỡ những giọt sương còn bám chặt, đè nặng trên mình hoa lá.

Vầng thái dương đã bắt đầu lên, nhả những tia nắng vàng chiếu tỏa khắp không gian, đem lại loài người nguồn sinh lực vô biên, đánh tan sự đen tối của đêm dài đầy sợ hãi.

Thành Xá Vệ đã trở về với những sự náo nhiệt của một đô thị lớn.

Khắp các nẻo đường, người đi, kẻ lại lăng xăng nhứt là con đường lớn vô ra cửa thành.

Ô kìa! Sao những người đi đường họ đứng dừng lại và nép qua một bên đường hết thế kia? Họ còn đứng im ra dáng cung kính nữa! À, thì ra có Ðức Phật từ vườn Cấp Cô Ðộc vào thành hóa trai, đi gần đến họ. Phải, ai thấy Phật mà không cung kính cuối đầu cho được. Bước đi khoan thai, tướng người oai nghiêm, hùng dũng sức sáng của trí huệ cao siêu, dường như không thể tiềm tàng hết trong người phải tung phát ra ngoài, thành muôn ngàn tia hòa quang rực rỡ. Ðứng xa trông cũng đủ khiếp; lựa là phải đứng gần; càng ngắm lâu, càng nép phục. 

Ðức Phật vào thành, theo đường phố, tuần tự hết nhà nầy sang nhà khác để hóa trai. Ði như thế ngót một tiếng đồng hồ. Rồi bỗng nhiên Ngài đứng lại trước cổng một ngôi nhà khá sang trọng. Chẳng nói chẳng rằng, Ngài đứng im đấy thật lâu. Cửa cổng vẫn đóng kín và bên trong lặng lẽ tiếng người. Nếu nom kỹ, ta có thể thấy được bên trong vợ chồng chủ nhà và đứa con đang xúm quanh mâm ăn thì phải.

Ðức Phật bèn thâu hào quang và dùng thần lực bay vào.

Tại thành Xá Vệ này, có một ông trưởng giả giàu có vô số thế mà thảm ông lại là người keo kiết nhất đời, không ưa làm việc bố thí, cũng không giúp đỡ ai bao giờ. Mỗi khi ăn ông sai vợ đóng chặt cửa cổng, không tiếp bất cứ một ai. Hơn nữa, cửa cổng nhà ông ít khi mở; ông rất sợ những vị Sa môn đến hóa trai và nhất là những người ăn mày. Ông keo kiết đến có tiếng khắp đô thành, thì phải biết! Ngày hôm nay, ông nghe sao thèm thịt gà lạ thường, lại thêm thằng con cũng đồng một ao ước như ông. Sao một hồi tranh chấp trong cõi lòng, ông bèn quyết định bạo dạn bảo vợ làm thịt con gà trống tơ.

Khi món ăn làm xong, dọn lên mâm, lên bát, vợ chồng và con đồng nhau hỷ hả.

Ðang thích thú khen miếng ngon, miếng béo, ép con, mời vợ, ông trưởng giả bỗng giật nẩy mình, tiếng động chân của Ðức Phật đã đến tận thềm.

- Ðàn việt! Ông bà nên cúng dường cho các thầy Sa môn, được phước báo vô lượng, đức Phật lên tiếng.

Bị quấy rầy, lại thêm keo kiết, trưởng giả nhà ta đổ cáu:

- Quái trong lúc vợ chồng người ta đang ăn uống, ông lại đến kỳ kèo xin xỏ? Nếu biết sự xấu hổ xin mời ông ra ngay cho.

- Trưởng giả là kẻ còn mê muội, tự mình không biết xấu hổ, chớ ta là nhà tu hóa trai có gì mà phải hổ thẹn.

- Tôi và vợ tôi, con tôi đang ăn uống ngon lành như thế này, vui sướng như thế này, mà ông bảo là xấu hổ à?

- Trưởng giả giết cha để ăn, lấy mẹ làm vợ, nuôi nấng cung cấp cho kẻ oán thù, đã không tự xấu hổ, còn lên mặt trở lại chê ta là nhà tu hành không biết thẹn à?

- Ðạo sĩ nói thế nào? Nhà tu hành sao ăn nói kỳ cào thế, tôi giết cha, lấy mẹ hồi nào?

- À, thì ra trưởng giả chưa hiểu gì cả. Con gà trống tơ đang dọn ăn trên mâm kia là cha của ông. Hồi trước vì bản tánh tham lam, keo kiết, nên nhiều đời phải sanh làm loài gà, để ăn bẩn cối xay để trả nghiệp. Vì nghiệp quả của ông ngày nay chấm dứt, nên khiến ông thèm, con ông lại đốc thúc. Vợ ông tuy phải buộc lòng bắt gà làm thịt, chớ khi giết bà ta vẫn đau khổ hung lắm, bởi dây oan nghiệp nhiều đời còn vương vấn. Ðứa con của ông hiện đây, đời trước nó là quỷ La Sát. 

Còn vợ ông bây giờ, là mẹ ông hồi nhiều đời trước. Vì ái ân sâu nặng chưa dứt, nên ngày nay phải làm vợ ông để trả cho hết tình yêu thương tiền kiếp.

Ông vì si mê không thấu biết căn nguyên, nên đành giết cha nuôi kẻ oán cừu, lấy mẹ làm vợ, thật là điên đảo luân thường.

Chúng sinh vì nghiệp chướng che ngăn, tạo nghiệp, thọ quả, quay cuồng mãi mãi, sanh tử trôi lăn trong ba nẻo, sáu đường không ngày nào cùng tận. Thật đáng hổ thẹn, đáng thương tiếc biết bao!

- Bạch Ngài phải làm thế nào để có thể hiểu rõ được và bậc người nào mới có thể thoát khỏi vòng khổ lụy của sanh tử, luân hồi, xin Ngài từ bi bảo cho chúng tôi thật muôn phần cảm tạ.

- Nầy thiện nam tử! Những sự oan oan tương báo, tử khứ sanh lai, lặn hụp nổi chìm như thế, chỉ những bậc tu hành đã dứt trừ tất cả phiền não mê lầm, chứng đặng ngũ nhãn lục thông mới mong thoát khỏi. Còn ngoài ra đều khó tránh được sự trả vay của nhiều đời nhân quả. Ta này đã quan sát kỹ, thấy trưởng giả nhân tiền căn có gieo hột giống Phật vào thức điền, dù trải bao nhiêu kiếp luân hồi đền trả oan khiên, nhưng phước báo vẫn không mất.

Ngày nay nghiệp quả trả xong, căn lành thuần thục, nên ta khuyên trưởng giả hãy phát tâm cho mạnh mẽ tinh tấn tu hành kẻo ngày sau khó thoát.

Kỳ diệu thay! Lời của Ðức Phật vừa thốt xong như liều thuốc trị bệnh, ông trưởng giả sợ tháo mồ hôi, tóc lông đều dựng đứng. Phật liền hiện oai thần cho ông nhớ lại những tội khiên tiền kiếp.

Bấy giờ ông trưởng giả hết sức ăn năn lạy Phật để sám hối những tội khiên ông đã tạo và phát nguyện tu hành, mong thoát khỏi những tội nghiệp do ngu muội tạo ra, tánh bỏn sẻn bỗng nhiên tiên tan mất.

- Lạy Ngài, nhờ thần lực của Ngài phá tan những lớp mây mờ trong đầu óc của con, ngày nay con mới thấy rõ đâu là sự thật. Bấy lâu nay, con tưởng những cái gì xung quanh con, nào vợ, nào con, nào của cải, đều là chân thật của con, nên con mới lẫn tiếc từ đồng. Xét ra con vì nghiệp chướng ngăn che, càng nhận thấy càng chìm, nên càng mê muội, lấy giả làm chơn, cho hư là thật. Ngày nay con đã rõ ra thì sự đã rồi, mong nhờ ơn Ngài giải thoát giùm con. Con thật muôn phần cảm tạ.

Ðức Phật nhận lời thâu ông vào hàng đệ tử. Ông xin thọ 5 giới của Phật, tu hành chứng đặng quả Tu Ðà Hoàn. 


Hết


Nguồn http://truyenhay.vn/dau-la-su-that.html#ixzz4vhwkSbOC 
Bài viết từ : TruyenHay.Vn - Website đọc truyện hay online 

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Một kẻ hợm mình

Anh Gà Trống bay lên đậu trên hàng rào rồi rướn cao đầu lên trời.
- Anh đang ngắm bầu trời đấy à? - Chị Vịt thấy thế liền hỏi.
- Bầu trời là cái gì đối với tôi cơ chứ ! – Gà Trống đáp lại và rướn cao đầu hơn - Một khoảng không gian ngu xuẩn chất đầy hành tinh đến nỗi không còn chen vào đâu được. Một sự luân phiên nhàm chán giữa ngày và đêm. Tất cả những cái đó đã quá quen thuộc.
- Thế mà từ lâu em không biết anh là một người thú vị đến thế ! Anh có những ý tưởng mới cao siêu làm sao! Chị Vịt thốt lên.
- Tôi dang đôi cánh của mình – Anh Gà Trống tiếp tục nói – Tôi sẽ bay cao hơn cả bầu trời, sẽ thách thức với tất cả các hành tinh và rồi bí ẩn nhưng kiêu hãnh, tôi sẽ quay trở về với biển xanh khôn cùng và ... tôi sẽ chìm.
Nói đến đây, Gà Trống chóng mặt mất thăng bằng, ngã nhào xuống vũng nước.
- Ôi ! - Chị Vịt sợ hãi – Anh đang chìm đấy ư?
- Ừ ! Đang chìm ! – Gà Trống tức giận trả lời, và rồi nhìn thấy một chú giun, anh ta liền mổ, nuốt chửng.
Hệt như tất cả những anh gà khác !

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Ngụ Ngôn


Trong Kinh, Ðức Phật có dạy một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Một người đi qua một cánh đồng và gặp một con hổ . Anh ta bõ chạy, con hổ đuởi theo. Ðến một bờ vực sâu, anh chụp được một sợi dây leo và đu lững lơ gần bờ vực. Bên trên con hổ đang cúi xuống đánh hơi. Run sợ cuống cuồng, anh nhìn xuống đáy vực sâu lại thấy một con hổ khác đang nhe răng nhìn lên.

Bỗng lại xuất hiện hai con chuột, một trắng một đen đang gậm nhấm sợi dây leo. Chợt anh thấy một quả dâu chín mọng bên cạnh. Một tay nắm chặt dây, tay kia nhặt quả dâu bỏ vào miệng. Chao ôi sao nó ngọt thế!

Đọc và suy ngẫm


Nếu bạn đang cảm thấy quá mệt mỏi, bế tắc, bài viết này sẽ cho bạn động lực

Trên đường đời đầy nhấp nhô sóng gió, chúng ta đều không tránh khỏi những lúc cảm thấy mệt mỏi, tuyệt vọng, chán nản… đây là cảm xúc bất cứ ai cũng sẽ gặp phải. Vậy làm sao để vượt qua?
Chúng ta thường cảm thấy tuyệt vọng, chán nản nhất khi đặt niềm tin vào thứ gì đó quá nhiều rồi thất vọng, cảm thấy cuộc đời thật chông chênh, không biết phải dựa vào đâu, bấu víu vào đâu. Mọi thứ bất định, mông lung, không có gì làm điểm tựa, không tin được ai và chán chường mọi thứ…
Khi tuyệt vọng tâm ta trở nên lu mờ hơn bao giờ hết, ta nhìn mọi thứ bằng con mắt bi quan và có cảm tưởng như mình không còn gì để sống. Sự thật là đất trời vẫn đang ôm ấp nuôi dưỡng ta, những người thân yêu vẫn luôn bao bọc che chở ta, những điều kiện thuận lợi vẫn tồn tại yên ổn bên ta.

Chỉ vì trong khi hy vọng vào đối tượng này, ta đã vô tình hoặc giới hạn hoặc chấm dứt niềm tin vào những đối tượng khác, ta bị năng lực khát khao quá lớn trong lòng thúc đẩy đi về phía ấy mà bất chấp tất cả.

Khi ta đau khổ, đừng vội buông xuôi, phải nghĩ vì sao, ai đã làm ta đau khổ? Nếu câu trả lời chính là người ấy thì ta hỏi thêm rằng, người ấy là ai mà sao ta lại dễ dàng phó thác cuộc đời mình cho họ thao túng như vậy? Họ chỉ có thể làm cho ta mất niềm tin nhưng họ không có quyền làm cho ta khổ. Bởi cuộc sống mà ta đang sở hữu không phải là đời sống của riêng ta, ta không có quyền coi thường hay hủy hoại nó.
Có phải khi đau khổ, chúng ta thường tự dằn vặt mình bằng hai từ “giá mà”?

Thực ra mọi thứ khi đã xảy ra rồi, cứu vãn thế nào thì cũng không bao giờ nguyên vẹn được. Càng mong muốn “giá mà” hay “giá như” sẽ càng khiến bản thân thêm mỏi mệt và chán nản.

Người ta vẫn nói, cuối cùng mọi chuyện đều sẽ ổn, nếu chưa ổn thì cũng không phải cuối cùng. Nghe có vẻ vô lý, nhưng thực tế là vậy, dù là chuyện gì to tát, nghiêm trọng hay khiến bạn suy sụp cỡ nào thì cũng đều sẽ qua. Thời gian sẽ làm phôi phai mọi thứ, bao gồm cả nỗi đau.
Đừng tự giam mình trong suy nghĩ tiêu cực, nếu không tự mở cửa cho mình, sẽ không ai có thể tìm ra bạn hay kéo bạn lên…

Nếu một ngày người bạn yêu thương hết mực bỗng dưng lạnh lùng nói câu từ biệt;

Nếu một ngày bạn lỡ cáu giận, làm cha mẹ phiền lòng;

Nếu một ngày đám bạn thân lâu năm quay lưng lại, nói những lời nặng nề khiến bạn tổn thương;

Nếu một ngày công việc của bạn không thuận lợi, gặp quá nhiều trắc trở mà không nhận được sự trợ giúp của bất cứ ai…

Thì bạn hãy nhớ rằng: Có thể bạn không nhận ra nhưng bạn luôn là cả thế giới đối với một ai đó.
Nụ cười của bạn khiến người khác cảm thấy hạnh phúc, kể cả những người không thích bạn.

Có những người không mấy thiện cảm với bạn, rất có thể vì họ đang mong muốn được như bạn.

Trung bình, bạn được ít nhất một tá người yêu thương theo cách của riêng họ
Ngay cả khi bạn mắc sai lầm lớn nhất trong cuộc đời, thì hãy tin rằng vẫn luôn có một điều tốt đẹp đi kèm theo đó

Khi bạn cảm tưởng cả thế giới đều bỏ rơi bạn, hãy cố gắng nhìn sự việc từ một góc độ khác. Bạn sẽ hiểu mọi chuyện không bi đát như bạn nghĩ vì một thứ kết thúc là để nhường chỗ cho một điều khác bắt đầu.

Mọi sự có thể không được như bạn mong muốn, nhưng hãy nhớ rằng bên cạnh bạn còn rất nhiều người chân thành. Bạn có thể trải lòng cùng họ và nhờ họ giúp đỡ khi cần thiết. Hoặc không thể giúp đỡ, thì chí ít bạn vẫn được lắng nghe.

Mọi điều không mong muốn có thể đến bất ngờ, hoa có thể nở giữa mùa đông, mây có thể vẫn bay giữa trời mưa gió… vì thế hãy luôn tin rằng, điều tốt đẹp vẫn có thể xảy đến ngay cả trong tăm tối nhất.

Những ai từng đi qua cuộc đời bạn cho dù là bỏ rơi bạn, thù ghét bạn, yêu thương bạn hay giúp đỡ bạn đều là những người “thầy” đáng quý. Hãy mở rộng lòng mình để yêu và vị tha cuộc sống. Và mỗi sáng thức dậy, hãy chọn niềm vui thay vì nỗi buồn!

Sưu Tầm

Chuyện cười trong ngày

Thắng thua..

Hai cha con nhà kia vốn là dân chơi cờ tướng chuyên nghiệp. Buổi tối ngày thi đại học đầu tiên, ông bố hỏi han:
- Con trai! Hãy nói cho bố nghe hai môn thi hôm nay con làm bài thế nào?
- Bố tin vào con chứ? Thắng thua ăn nhau ở cờ cuối bố nhỉ?
- Chính xác, con trai ạ. Có khi ta thua trắng ván đầu mà vẫn chiến thắng ở hai ván cuối cùng vẫn là thắng đó con trai.
- Vâng! Nghe lời bố, con cũng để trắng giấy thi môn đầu, dồn sức cho hai môn thi cuối vào ngày mai đó bố.
- Hả???