Tô Đông Pha: Biết đủ để thấy mình luôn hạnh phúc
Ở đời, danh lợi phù du chỉ khiến con người nhọc thân, khổ tâm. Coi nhẹ vật chất một chút, phòng đủ ở là được rồi, cơm đủ ăn là xong thôi, bạn sẽ thấy cuộc sống bớt ngột ngạt đi nhiều, vui vẻ dù sao vẫn là điều quan trọng nhất.
Giữa xã hội nhiễu nhương thời Bắc Tống chợt nổi lên một hồn thơ, hồn văn đầy phóng khoáng, một nhân cách lớn của thời đại, sau hàng nghìn năm còn có sức chiếu soi đến hậu thế hôm nay: Tô Thức – Tô Đông Pha.
Tô Thức (1037 – 1101), tự Tử Chiêm, là một trong 8 nhà văn lớn nhất của Đường – Tống, hậu thế gọi là “Đường Tống bát đại gia”. Hồn thơ ấm áp và tinh tế của ông đã tạo nên cảm hứng cho thi nhân bao đời, cũng là chốn đi về của nhiều tấm lòng độc giả đồng điệu.
Hơn 64 năm bôn ba góc biển chân trời đã mang đến cho Tô Đông Pha rất nhiều trải nghiệm mới mẻ, sâu sắc. Nhìn vào cuộc đời họ Tô, người ta có thể thấy được biết bao bài học làm người, triết lý vĩ đại.
Xem nhẹ vật chất, sống đơn giản, đời người quan trọng là hai chữ vui vẻ
Tô Thức lấy hiệu là Đông Pha cư sỹ nên người đời gọi ông là Tô Đông Pha. Những vần thơ của ông khi thì ấm áp, tinh tế, lúc lại hào hùng, đầy khí thế. Màu sắc anh hùng toát lên từ những vần thơ ấy hoàn toàn trái biệt với cuộc sống lưu lạc bể dâu của bản thân ông.
Thuở nhỏ, Tô Thức sống ở núi My Sơn. Năm 21 tuổi, ông theo cha và em trai ra ngoài lập nghiệp, từ đó danh tiếng lẫy lừng thiên hạ. Nhưng sau đó vận may của Tô Thức dường như đã cạn. Trong phần đời còn lại của mình, ông bị giáng chức hết lần này tới lần khác.
Năm Tô Thức 43 tuổi, vì viết một bài thơ chỉ trích chính sách thuế muối của Vương An Thạch mà ông bị biếm chức, phải chuyển tới Hoàng Châu. Ở Hoàng Châu, Tô Thức sống trong một căn phòng nhỏ đơn sơ bên bờ sông. Không có tiền cũng chẳng có cơm ăn, Tô Thức đành phải tự mình cày ruộng.
Thế nhưng đối mặt với sự cùng quẫn của cuộc sống, Tô Thức vẫn không hề để mất đi khí chất của mình. Ông chưa từng để đồng tiền làm mình nguy khốn. Tô Thức vẫn sống rất vui vẻ trong căn nhà nhỏ bên bờ sông. Thịt lợn ở Hoàng Châu rẻ như bèo mà ông vẫn ăn ngon lành như sơn hào hải vị.
Ở Hoàng Châu, Tô Thức sống đời rất thanh đạm, đọc sách, ngâm thơ, vẽ tranh, viết thư pháp… Ông được một người bạn xin chính quyền địa phương cấp cho chục mẫu đất ở một trang trại tên là Đông Pha (nghĩa là: dốc ở phía Đông). Từ đó người đời gọi ông là Tô Đông Pha. Ông cất nhà, trồng rau, đào giếng, cày ruộng, vui cảnh điền viên. Dù ngày càng trở nên bất đắc chí với chuyến lưu đày dài đằng đẵng, ông lại nảy sinh tình yêu với miền đất hẻo lánh này và dùng gần trọn thời gian để sáng tác thi ca, thư họa.
Kỳ thực, trên đời này, người ta không cần quá nhiều những thứ vật chất để có thể duy trì cuộc sống và sức khỏe. Thế nhưng chúng ta vẫn thường quá coi trọng tiền tài. Ai cũng cho rằng mình kiếm tiền vẫn chưa đủ nhiều, nhà chưa đủ rộng, ăn chưa đủ đẳng cấp. Nhưng một người quá coi trọng vật chất thì thường mệt mỏi về tinh thần.
Danh lợi phù du chỉ khiến mình nhọc thân, khổ tâm. Thử coi nhẹ vật chất một chút, phòng đủ ở là được rồi, cơm đủ ăn là xong thôi, bạn sẽ thấy cuộc sống bớt ngột ngạt đi nhiều. Và dẫu sao tiền kiếm dù chưa thỏa lòng thì vui vẻ vẫn là điều quan trọng nhất.
Chữ Dụ (裕), nghĩa là giàu có. Chữ này gồm bộ Y 衣 (衤) chỉ quần áo và chữ Cốc 谷 nghĩa là ngũ cốc, lương thực. Tiêu chuẩn để đánh giá một người là giàu có hay không, không phải lầu son gác tía, cũng chẳng phải kiệu hoa của ngày xưa hay nhà lầu, xe hơi như ngày nay.
Hóa ra một người chỉ cần có cơm ăn, áo mặc đã được coi là giàu có! Nghe có vẻ phi lý? Nếu vậy thì người trong thiên hạ ai mà chẳng được coi là giàu có đây? Vì sao người ta cứ phải chạy theo quần áo hàng hiệu, nước hoa đắt tiền, đồng hồ Thụy Sỹ, xế hộp sang hay nhà mặt phố, bố làm to?
Kỳ thực, điều mà người xưa coi trọng không phải là vật chất. Bởi lẽ chúng chỉ là vật ngoài thân. Hoàng đế Alexander đại đế đã phải từ giã cõi đời ở tuổi 33. Khi ấy ông đang thống lĩnh cả một đế chế hùng mạnh, đang ở trên đỉnh cao của sự nghiệp, danh vọng và quyền lực. Trước lúc lâm chung ông đã để lại 3 điều trăn trối kỳ lạ. Một trong số đó là ông muốn binh sĩ rải hết vàng bạc, châu báu, ngọc ngà mà mình để dành cả đời suốt dọc con đường dẫn ra nghĩa địa. Bởi lẽ ông muốn con người hiểu rằng tiền bạc, của cải dù nhiều đến đâu, khi chết đi cũng trở thành vô nghĩa, chỉ có thể dùng để lót đường mà thôi.
No comments:
Post a Comment