Thursday, August 31, 2017
Chuyện ngắn - MUỐN THÀNH CÔNG PHẢI TIẾT KIỆM TỪNG ĐỒNG BẠC LẺ
MUỐN THÀNH CÔNG PHẢI TIẾT KIỆM TỪNG ĐỒNG BẠC LẺ
"Chỉ có tiết kiệm mới mang lại sự giàu sang cho bản thân và cho chính đất nước mình. Đừng tiêu vào những thứ vô bổ, hãy đầu tư vào những thứ các con thực sự cần và có ích. Nếu các con muốn giàu, hãy cân nhắc và tính toán như một nhà kinh tế đích thực trong mọi việc"
- Warren Buffett -
***
Nổi tiếng là tỷ phú trong ngành đầu tư chứng khoán, Warren Buffett là một người có đầu óc kinh doanh hết sức nhạy bén và tận dụng thời cơ chớp nhoáng. Tuy nhiên, ông cũng được mệnh danh là tỷ phú bình dân từ cách sống không xa hoa, không ồn ào hay "khua chiêng múa trống".
- Du thuyền hay máy bay chỉ là "cục nợ"
Ông chủ của Berkshire Hathaway – một trong những công ty được ngưỡng mộ nhất ở Mỹ năm nay đã 83 tuổi nhưng ông vẫn nằm trong danh sách những tỷ phú hàng đầu thế giới. Câu nói "Mất 20 năm để gây dựng danh tiếng nhưng chỉ mất 5 phút để hủy hoại nó" đã trở thành một chân lý cho tất cả các tỷ phú nổi tiếng khác. Nhưng đối với Buffett, danh tiếng đó không đi liền với việc luôn tỏ ra mình là người giàu có như sắm nhà cao cửa rộng, ăn tiêu lãng phí, đầu tư vào các trang thiết bị hiện đại... Buffett chỉ muốn sống một cuộc đời giản dị mà hạnh phúc. Hiện tại, Buffett vẫn sống trong ngôi nhà 31.500 USD (tương đương khoảng 250.000 USD ngày nay), ông mua cách đây hơn 50 năm ở Omaha, Nebraska (Hoa Kỳ) và ông chỉ sở hữu căn nhà này chứ không có nhiều nhà hay biệt thự như các tỷ phú khác. Căn nhà có diện tích 610m2, một diện tích không phải là nhỏ nhưng so với các tỷ phú khác, nó chỉ là một căn nhà nghỉ dưỡng.
Khi được hỏi nguyên nhân vì sao ông không đầu tư vào một căn biệt thự lớn cho phù hợp với độ giàu có của mình, ông nói: "Ở đó, tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi sẽ chuyển đi nếu tôi cho là mình sẽ hạnh phúc hơn ở một nơi khác. Làm sao mà tôi có thể cải thiện được cuộc sống của mình bằng cách có 10 ngôi nhà khắp thế giới. Nếu muốn trở thành một người quản lý nhà cửa, tôi sẽ làm nghề đó, nhưng tôi không muốn quản lý 10 ngôi nhà và cũng không muốn ai đó phải làm giúp mình công việc như thế...". Buffett từng gọi căn nhà này là khoản đầu tư lớn thứ ba mà ông từng "rót vốn" vào, sau hai chiếc nhẫn cưới. Theo Buffett, ngôi nhà của ông thật tuyệt vời. "Tôi cảm thấy ấm áp trong mùa đông, mát mẻ vào mùa hè. Ngôi nhà thật tiện lợi đối với tôi. Tôi không nghĩ là mình sẽ có một ngôi nhà tốt hơn thế".
Dù là tỷ phú đứng thứ hai thế giới nhưng Buffett không hề sở hữu một chiếc du thuyền nào bởi đối với ông, chúng chỉ là những món đồ chơi, là những "cục nợ" không hơn không kém. Ngay đến đám cưới với người vợ thứ hai, ông cũng chỉ tổ chức lễ cưới hết sức đơn giản tại nhà con gái ở Omaha. Quả thật, hiếm hoi có vị tỷ phú nào tiết kiệm đến từng đồng bạc lẻ đến vậy. Quay lại thời gian cách đây hàng chục năm, khi đứa con đầu tiên của Buffett ra đời, chính ông đã tự tay đóng một chiếc nôi sơ sinh cho con từ chiếc ngăn kéo tủ quần áo cũ chứ không mua ngoài cửa hàng như các gia đình vẫn thường làm. Rồi đến đứa con thứ hai, ông lại đi xin chứ nhất quyết không bỏ một xu ra mua một chiếc mới cho con.
Ông quan niệm, cái gì đáng mua mới mua, không nên chi tiền vào những thứ chỉ dùng trong chốc lát rồi lại "bỏ xó", đó là sự lãng phí không cần thiết. Có lẽ, ông là tỷ phú duy nhất trên thế giới lái một chiếc xe Volkswagen cũ kỹ và chỉ nâng cấp lên chiếc Cadillac mới khi bị vợ "ép" thay đổi.
Buffett hiện đang nắm trong tay khối tài sản kếch xù lên tới 50 tỷ USD và đang điều hành một tập đoàn đa ngành trị giá hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, ông vua chứng khoán vẫn không bỏ thói quen tích cóp từng xu lẻ mà còn dạy những người khác nên học theo tính tiết kiệm này của mình. "Những đồng xu lẻ" ông tích cóp được cũng không mang ra tiêu xài phung phí, ông lại tiếp tục dùng chúng để tái đầu tư. Ở Buffett, cụm từ "tích tiểu thành đại và quay vòng" luôn là điều ông đặt lên hàng đầu, được ông áp dụng một cách triệt để. Thật không "ngoa" khi nói ông là một nhà buôn tiền lừng danh nhưng ông cũng là một nhà từ thiện hiếm có.
- Sống cuộc sống được là chính mình
Đến nay, khi đã ở tuổi bát tuần, Buffett vẫn cảm thấy tiếc vì ông bước chân vào giới chứng khoán, cổ phiếu quá muộn bởi khi đó ông đã... 11 tuổi. Buffett cho rằng: "Không bao giờ là quá sớm nếu người ta có ước mơ làm giàu. Bất kể bạn ở độ tuổi nào cũng có thể là một nhà đầu tư giỏi, chỉ cần biết cách tiết kiệm mà thôi. Những điều này được Buffett thực hiện suốt thời thơ ấu và đến năm 14 tuổi, ông đã mua được một nông trại nhỏ từ số tiền dành dụm việc rao báo. Ngay việc ông chỉ mua một căn nhà nhỏ, đủ cho một gia đình sống đã là minh chứng rõ nhất cho việc "tằn tiện" của ông.
Ông thường nói với các con: "Chỉ có tiết kiệm mới mang lại sự giàu sang cho bản thân và cho chính đất nước mình. Đừng tiêu vào những thứ vô bổ, hãy đầu tư vào những thứ các con thực sự cần và có ích. Nếu các con muốn giàu, hãy cân nhắc và tính toán như một nhà kinh tế đích thực trong mọi việc". Bởi vậy, mặc dù sở hữu một công ty sản xuất máy bay lớn nhất thế giới nhưng bản thân tỷ phú Buffett không bao giờ đi du lịch bằng máy bay riêng. Nhiều người thắc mắc sao ông không tham gia các buổi tiệc tùng, đình đám với tầng lớp thượng lưu để gia tăng danh tiếng cho mình. Ông chỉ cười và trả lời: "Tôi không muốn cố gắng tỏa sáng hay đánh bóng tên tuổi. Tôi chỉ muốn được là chính mình và làm những điều mình thích mà thôi". Sau giờ làm việc, ông thường lái xe về nhà, nằm xem ti vi và thưởng thức bắp rang bơ như một công chức bình thường.
Điều đặc biệt ở Buffett là ông không dùng điện thoại di động dù là một chiếc điện thoại bình thường nhất. Thậm chí, ông cũng không có lấy một chiếc máy tính trên bàn làm việc bởi ông thấy không cần thiết, mọi dữ liệu đều nằm trong đầu ông và sẽ được "lấy ra" một cách nhanh chóng khi cần mà không cần các thao tác phức tạp trên máy tính. Có người nhận xét cuộc sống của vị tỷ phú này như một người dân sống trong cảnh bần hàn, cơ cực, dù có trong tay cả một gia tài khổng lồ cũng không dám động đến. Tháng 2 vừa qua, Buffett tiếp tục bày tỏ quan điểm phi vật chất của mình với báo chí: "Tôi đã được làm mọi công việc tôi muốn. Tôi có những người bạn thậm chí còn làm nhiều nghề hơn. Nhưng tôi cảm thấy một số người đang bị chính nghề của họ chi phối thay vì làm chủ công việc. Thật đáng tiếc!".
Sưu tầm
Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa
LO TRƯỚC CHẮC ĂN
Vào những ngày hè, Kiến vừa đi dạo hết cánh đồng vừa thu nhặt các hạt lúa mì, lúa mạch để dự trữ lương thực cho mùa đông. Bọ Rầy thấy thế liền chế giễu Kiến phải làm chi cho cực trong lúc các loài vật khác được nghỉ ngơi vui chơi, đắm say vào các cuộc hội hè. Kiến vẫn cứ lặng thinh làm việc.
Khi mùa đông đến, trời mưa dầm dề, Bọ Rầy không tìm được thức ăn, đói lả, bèn đến hỏi Kiến vay lương thực. Kiến bảo: "Chị Bọ Rầy ạ, giá trước đây chị cứ lo làm, đừng quở trách gì tôi thì bây giờ đâu đến nỗi chị phải chịu ngồi đói meo!".
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Kẻ Cướp Trở Thành Môn Ðồ
Vào một đêm trong khi Shichiri Kojun đang tụng kinh thì một tên cướp xông vào với lưởi dao bén đòi tiền hoặc giết ngài.
Shichiri bảo: "Xin đừng náo động. Ông có thể lấy tiền trong ngăn kéo kia." và tiếp tục tụng kinh.
Giây lát sau, ngài kêu lên: "Xin đừng lấy hết tất cả. Ta cần một ít để đóng thuế ngày mai."
Kẽ đạo chích gom góp gần hết và sắp sửa chuồn. "Hãy biết cám ơn thí chủ chứ," Shichiri nói thêm. Tên cướp nói lời cám ơn và biến mất.
Vài ngày sau tên cướp bị bắt và thú tất cả mọi tội, trong đó có chuyện liên quan đến Shichiri. Khi Shichiri được vời đến để đối chứng, ngài bảo: "Ông này không phải là kẽ cướp, ít ra là phần có liên quan đến bần tăng. Bần tăng biếu ông ấy một ít tiền và ông ta có tỏ lời cám ơn."
Sau thời gian ngồi tù, người đàn ông kia tìm đến Shichiri và trở thành để tử của ngài.
Những Phong Tục Việt Nam - Nhuộm Răng
Xuất xứ của tục nhuộm răng
Tục nhuộm răng là tục cổ xưa của dân tộc Việt, có từ thời các vua Hùng với tục ăn trầu. Sứ thần của nước Văn Lang (giao chỉ) trả lời vua nhà Chu (Trung Quốc) vè tục ăn trầu "Chúng tôi có tục ăn trầu để khử mùi ô uế và nhuộm cho răng đen...".
Khiếu thẩm mỹ của con người cũng tuỳ thuộc theo đặc điểm dân tộc và tuỳ thuộc theo thời đại mà thay đổi. Đối với các dân tộc ở châu Phi hay ấn Độ thì da càng đen càng đẹp. Nước ta ngày nay, chẳng ai nhuộm răng đen nữa, nhưng ngày xưa "bõ công trang điểm má hồng răng đen". Đến như Phan Kế Bính là một nhà trí thức tiến bộ đầu thế kỷ, chủ trương cải tạo phong tục còn có nhận xét: "Đàn ông răng trắng thì chẳng sao, chớ đàn bà nhà tử tế bây giờ mà răng trắng thì coi khí ngộ một đôi chút. Nhưng lâu dần cũng phải quen mắt, có lẽ quen mắt rồi thì trắng lại đẹp hơn đen nhiều".
Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen.
Tục nhuộm răng đã lỗi thời, nhưng xin giới thiệu cách nhuộm răng cổ truyền của dân tộc ta, để các bạn trẻ được biết: (có thể vận dụng trong ngành mỹ nghệ, kẻ vẽ, nhuộm các chế phẩm bằng xương bằng ngà voi và nhựa).
Trước hết dùng các cánh kiến tán nhỏ, vắt nước chanh để kín 7 ngày, chờ tối đi ngủ phết thuốc ấy vào hai mảnh lá dừa hoặc mo cau rồi ấp vào hai hàm răng. Trong khi nhuộm răng thì phải kiêng nhai. Nhuộm như thế 5, 7 ngày cho răng đỏ già ra màu cánh gián thi bôi thuốc răng đen. Thuốc răng đen làm bằng phen đen trộn với cánh kiến, nhuộm 1, 2 miếng là đen kịt lại, đoạn lấy cái sọ dừa để con dao mà đốt cho chảy nhựa ra, lấy nhựa ấy phết vào răng cho không phải ra được nữa.
(Trích Phong tục VN của Phan Kế Bính, tr 351).
Chuyện cười trong ngày
Mua Vé Xổ Số…
- Cô bán vé: “Anh ơi, mua một vé xổ số nhé! bảo đảm là sẽ trúng lớn”.
- Người mua: “Tôi mua rồi!”
- Cô bán vé: “Mua thêm vé nữa, mua nhiều trúng nhiều”.
- Người mua: “Nếu không trúng thì sao?”
- Cô bán vé: “Đến gặp em!”
- Người mua: “Tìm em phỏng có ích gì?”
- Cô bán vé: “Mua thêm một vé nữa!”
- Cô bán vé: “Anh ơi, mua một vé xổ số nhé! bảo đảm là sẽ trúng lớn”.
- Người mua: “Tôi mua rồi!”
- Cô bán vé: “Mua thêm vé nữa, mua nhiều trúng nhiều”.
- Người mua: “Nếu không trúng thì sao?”
- Cô bán vé: “Đến gặp em!”
- Người mua: “Tìm em phỏng có ích gì?”
- Cô bán vé: “Mua thêm một vé nữa!”
Wednesday, August 30, 2017
Chuyện ngắn - XÂU CHUỖI TRONG TÂM HỒN
XÂU CHUỖI TRONG TÂM HỒN
Có một ngôi chùa, nhân vì thờ một xâu chuỗi Phật Tổ từng đeo mà nổi tiếng.
Nơi thờ phụng sợi chuỗi chỉ có thầy trụ trì và 7 đệ tử biết.
***
7 người đệ tử đều rất có ngộ tính, thầy trụ trì cảm thấy tương lai đem y bát truyền cho bất kỳ người nào trong bọn họ, đều có thể làm rạng rỡ Phật Pháp. Không ngờ, xâu chuỗi đột nhiên biến mất.
Thầy trụ trì bèn hỏi 7 đệ tử: "Các ngươi ai đã lấy xâu chuỗi, chỉ cần trả về vị trí cũ, ta sẽ không truy cứu, Phật tổ cũng không trách tội." Các đệ tử đều lắc đầu.
7 ngày trôi qua, xâu chuỗi vẫn không được trả về. Thầy trụ trì lại nói: "Chỉ cần ai đó thừa nhận, xâu chuỗi sẽ thuộc về người đó." Lại trải qua 7 ngày, vẫn không ai thừa nhận.
Thầy trụ trì rất thất vọng: "Ngày mai các người hãy rời khỏi chùa xuống núi hết đi, riêng kẻ đã lấy xâu chuỗi ta cho phép ở lại đây."
Qua ngày hôm sau, 6 đệ tử thu dọn xong hành lý, thở nhẹ một hơi dài, nhẹ nhàng ra đi. Chỉ có một người ở lại.
Thầy trụ trì hỏi đệ tử ở lại :
– Xâu chuỗi đâu ?
– Con không lấy.
– Vậy tại sao chịu mang lấy tiếng trộm cắp?
– Mấy ngày nay các huynh đệ đều nghi ngờ lẫn nhau, nếu có người đứng ra, mới giải thoát cho chuyện này.
Lại nói:
– Xâu chuỗi tuy mất , Phật vẫn còn đây.
Thầy trụ trì cười, lấy xâu chuỗi từ tay áo mình ra, đeo vào tay người đệ tử.
Không phải mọi việc đều cần nói rõ ràng, cái quan trọng hơn nói rõ ràng đó là: có thể gánh vác, có thể hành động, có thể hóa giải, có thể sắp xếp, có thể thay đổi, nghĩ về mình, càng phải nghĩ cho người khác, đây chính là Phật pháp.
Người hiểu bạn, không cần phải giải thích,
Người không hiểu bạn, giải thích cũng vô ích.
Khuyết danh
Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa
CÂU CHUYỆN VỀ CHÚ ẾCH (SỨC MẠNH CỦA LỜI NÓI)
Một bầy ếch đi dạo trong rừng và có hai con bị rơi xuống một cái hố sâu. Tất cả các con ếch còn lại trong bầy đều bu quanh miệng hố để kéo chúng lên. Nhưng khi thấy cái hố quá sâu, cả bầy liền nói với hai con ếch rằng chúng chỉ còn nước chết mà thôi.
Hai con ếch bỏ ngoài tai những lời bình luận đó và cố hết sức nhảy lên khỏi hố. Những con ếch kia lại nói với chúng đừng nên phí sức, rằng chúng chỉ còn nước chết.
Sau cùng, một con ếch phía dưới nghe theo những gì cả bầy đã nói, nó bỏ cuộc và ngã lăn ra chết trong sự tuyệt vọng.
Con ếch còn lại tiếp tục cố gắng nhảy. Một lần nữa cả bầy xúm lại và thét lên khuyên nó hãy thôi. Nó càng nhảy mạnh hơn nữa. Cuối cùng nó nhảy được lên bờ. Cả bầy vây quanh và hỏi nó: "Anh không nghe tụi tôi nói gì hay sao?". Thì ra con ếch này bị nặng tai. Nó tưởng cả bầy ếch đã động viên nó suốt khoảng thời gian vừa qua.
Cho nên:
1. ĐỪNG vì những lời nói của người khác mà từ bỏ NỖ LỰC của bản thân. Rất nhiều khi THÀNH CÔNG chỉ cách bạn có 1 chút, 1 chút xíu CỐ GẮNG nữa mà thôi.
2. Hãy CẨN THẬN với những gì chúng ta nói. Một lời động viên khích lệ cho một người đang bế tắc có thể vực người ấy dậy và giúp anh ta vượt qua khó khăn. Nhưng một lời nói cũng có thể giết chết một người trong cơn tuyệt vọng. 1 chút quan tâm, 1 chút chia sẻ, thế giới của bạn sẽ tốt đẹp và hạnh phúc hơn.
-ST-
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Thiền Trong Ðời Của Một Người Hành Khất
Tosui là một thiền sư danh tiếng vào thời của ngài. Ngài trụ trì nhiều tự viện và giảng dạy tại nhiều vùng.
Ngôi tự viện sau chót ngài lưu trú lại đông nghẹt môn đồ nên ngài phải tuyên bố với tăng chúng rằng ngài sẽ ngưng giảng dạy. Ngài khuyên họ nên giải tán và tìm nơi khác mà tu học. Sau đó không ai còn gặp ngài đâu nữa.
Ba năm sau một môn đồ tìm thấy ngài đang chung sống với đám hành khất dưới một cái cầu ở Kyoto. Lập tức ông ta van xin ngài chỉ dạy.
"Nếu ông có thể sống được như ta trong hai ngày thì ta sẽ giúp," Tosui trả lời.
Thế rồi vị môn đồ ăn mặc như một kẻ hành khất sống với Tosui một ngày. Qua hôm sau có một người hành khất qua đời. Nữa đêm, Tosui và người môn đồ khiêng xác chết lên chôn ở triền núi rồi trở về chỗ trú ẩn dưới chân cầu.
Tosui ngủ vùi, nhưng người môn đồ lại không thể nào chợp mắt được. Ðến sáng, Tosui bảo: "Chúng ta không phải di xin ăn bửa nay. Ông bạn vừa chết đã để lại một ít nơi kia." Nhưng người môn đồ lợm giọng không ăn được.
"Ta đã bảo là ngươi không thể sống được như ta mà," Tosui kết luận. "Thôi hãy rời khỏi đây và đừng quấy rầy ta nữa."
Điển Hay Tích Lạ - Gia đồ tứ bích
Gia đồ tứ bích
Gia đồ tứ bích hay còn gọi là "Gia đồ bích lập". Chữ "Tứ" ở đây là lượng từ , còn chữ "Bích" là chỉ vách nhà, tức bốn vách nhà. Câu thành ngữ này là chỉ cảnh nhà nghèo xơ xác, ngoài bốn bức vách ra không có một thứ đồ đạc nào khác.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Hán thư-Truyện Tư Mã Tương Như".
Đây là một giai thoại về một mối tình chân chính giữa Tư Mã Tương Như - nhà văn nổi tiếng thời Tây Hán TQ và nàng Trác Văn Quân vào hơn 2000 năm trước. Truyện xảy ra tại huyện Lâm Cùng ,tức huyện Cùng Lai tỉnh Tứ Xuyên ngày nay. Bấy giờ, huyện lệnh Vương Cát thường xuyên mời Tư Mã Tương Như đến thăm huyện Lâm Cùng, thu xếp cho chàng nghỉ tại nhà khách và hàng ngày đến gặp mặt cùng trò chuyện với nhau.
Vậy tại sao vị quan huyện này lại làm như vậy? Nguyên là gia đình Tư Mã Tương Như rất nghèo khó, Vương Cát mong thông qua việc này để nâng cao uy tín và thân phận cho Tư Mã Tương Như, để mọi người chú ý tới chàng.
Bấy giờ ở Lâm Cùng có một phú ông tên là Trác Vương Tôn. Ông này rất muốn làm quen với Tư Mã Tương Như, đã bày tiệc rồi mời chàng đến dự. Trong buổi tiệc, Tư Mã Tương Như gảy đàn cho mọi người nghe, tài nghệ tuyệt vời của chàng được mọi người tấm tắc khen ngợi, cử chỉ ung dung lịch lãm của Tư Mã Tương Như đã làm khuynh đảo đám khách dự tiệc.
Trác Văn Quân con gái Trác Vương Tôn là một tuyệt sắc giai nhân, do góa mụa hiện về sống với cha mẹ.
Nàng vốn say mê âm nhạc, khi nghe nói có một quý khách đang gẩy đàn bèn nấp sau rèm lắng nghe, nghe được hồi lâu nàng bỗng nảy sinh lòng mến mộ vị khách tài ba này. Tư Mã Tương Như đã phát hiện có một giai nhân đang ngồi nghe ở sau rèm, bèn trổ hết tài năng gẩy lên bản nhạc "Phượng cầu Hoàng", những mong qua đó làm rung động trái tim nàng.
"Phượng cầu Hoàng" là một bản tình ca cổ , Trác Văn Quân mới nghe đã hiểu ý Tư Mã Tương Như và ngay đêm đó, nàng đã bất chấp sự phản đối của cha, vùng thoát khỏi sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến, đã cùng Tư Mã tương Như bỏ nhà ra đi để đeo đuổi cuộc sống hạnh phúc của mình.
Tư Mã Tương Như đưa nàng về quê ở Thành Đô, Khi mới đặt chân vào nhà, Trách Văn Quân thấy gia đình Tư Mã Tương Như nghèo xơ xác, trong nhà ngoài bốn bức vách ra không có thứ đồ đạc gì khác. Nhưng nàng không mảy may chê trách điều này, đã một lòng cùng chồng chung sống trong hoàn cảnh nghèo khó, vì nàng tin chắc rằng chồng mình ắt sẽ có ngày ăn nên làm ra.
Về sau, Tư Mã tương Như quả nhiên trở thành một nhân vật trụ cột nhà nước. Hiện nay, người ta vẫn dùng câu "Gia đồ tứ bích" để miêu tả về hoàn cảnh nghèo khó của người hoặc bản thân mình.
Chuyện cười trong ngày
Ngày trăng lưỡi liềm..
Trong quán rượu, một anh kể chuyện:
- Này, người ta nói rằng diện tích trên mặt trăng đủ cho hàng triệu người sống đấy!
- Đúng là lũ ngu, đến ngày trăng khuyết thì lộn cổ chết cả nút!
- Ừ nhỉ!
Trong quán rượu, một anh kể chuyện:
- Này, người ta nói rằng diện tích trên mặt trăng đủ cho hàng triệu người sống đấy!
- Đúng là lũ ngu, đến ngày trăng khuyết thì lộn cổ chết cả nút!
- Ừ nhỉ!
Tuesday, August 29, 2017
Chuyện ngắn
CÓ MỘT LOẠI THẤT BẠI GỌI LÀ "BẬN RỘN MỘT CÁCH MÙ QUÁNG"
Tại một ngôi chùa nơi khe núi có một lão thiền sư, ông có một đồ đệ rất là chuyên cần, không kể là đi hóa duyên, hay là xuống bếp rửa rau, vị đồ đệ này từ sáng đến tối, bận rộn không ngừng.
Nhưng trong tâm của tiểu đồ đệ rất là mâu thuẫn, vành mắt của cậu càng ngày càng tối sạm.
Cuối cùng, cậu không thể chịu đựng thêm được nữa, đến tìm sư phụ. Cậu nói với lão thiền sư rằng: "Sư phụ, con thật sự quá mệt mỏi rồi, nhưng cũng không thấy được thành tựu đâu cả, rốt cuộc là bởi nguyên nhân gì vậy?".
Lão thiền sư trầm ngâm một lúc rồi nói: "Con hãy đem cái bát ngày thường con dùng để hóa duyên lại đây".
Tiều đồ đệ liền đem cái bát ấy đến, lão thiền sư nói: "Tốt lắm, hãy để nói ở chỗ này, con hãy đi lấy mấy quả óc chó đến đựng đầy cái bát cho ta".
Tiểu đồ đệ không rõ được dụng ý của sư phụ, ôm một đống quả óc chó đi vào. Khoảng chục quả óc chó này vừa đặt vào trong cái bát, toàn bộ cái bát đều đã đầy ắp cả.
Lão thiền sư hỏi tiểu đồ đệ: " Giờ con còn có thể cho thêm quả óc chó vào trong cái bát nữa không?"
"Không cho thêm được nữa, bát đã đầy rồi, nếu cho thêm nữa thì nó sẽ rơi ra ngay".
"Ồ, bát đã đầy rồi phải không? Con hãy mang một chút gạo đến đây nữa".
Tiểu đồ đệ lại mang một số gạo đến, cậu cho hạt gạo vào trong cái tô từ những khe hở của hạch đào, không ngờ lại có thể cho được nhiều hạt gạo vào đến như vậy, cứ cho mãi cho đến khi bắt đầu rơi ra ngoài. Tiểu đồ đệ mới dừng lại, bất chợt giống như ngộ ra được điều gì đó: "Ồ, thì ra cái bát lúc nãy vẫn còn chưa có đầy".
Lão thiền sư: " Thế bây giờ đã đầy chưa?".
Tiểu đồ đệ: "Bây giờ đã đầy rồi".
Lão thiền sư: "Con hãy lấy một ít nước đến đây".
Tiểu đồ đệ lại đi lấy nước, cậu lấy một gáo nước đổ vào trong cái bát, mãi cho đến khi nước trong bát tràn ra, lần này ngay đến cả khe hở cũng đều đã bị lấp đầy hết cả.
Lão thiền sư hỏi tiểu đồ đệ: "Lần này đã đầy chưa?".
Tiểu đồ đệ nhìn thấy cái tô đã đầy rồi, nhưng lại không dám trả lời, cậu không biết liệu sư phụ có phải còn có thể cho thêm cái gì vào nữa hay không.
Lão thiền sư cười nói: "Con hãy đi lấy thêm một muỗng muối đến đây".
Lão thiền sư lại cho muối tan vào trong bát nước, nước không có tràn ra chút nào. Tiểu đồ đệ như ngộ ra điều gì đó.
Lão thiền sư hỏi cậu: "Con nói xem điều này đã nói rõ gì nào?"
Tiểu hòa thượng nói: "Con biết rồi, điều này nói rõ thời gian chỉ cần ta biết khéo léo tận dụng thì luôn sẽ có đủ".
Lão thiền sư lại cười, lắc đầu nói: "Đây vốn không phải điều ta muốn nói với con".
Tiếp đó, lão thiền sư lại đổ những thứ trong cái bát kia vào trong một cái chậu, lấy ra một cái bát không. Hành động của lão thiền sư khá là chậm rãi, ông vừa đổ vừa nói: "Lúc nãy chúng ta cho quả óc chó vào trước, bây giờ chúng ta hãy làm ngược lại, xem thử sẽ thế nào?".
Lão thiền sư cho một muỗng muối vào trong cái bát trước, rồi đổ nước vào, sau khi nước đầy rồi, thì vừa cho gạo vào trong cái bát, nước đã bắt tràn ra ngoài, và khi trong chén đã đựng đầy gạo rồi, lão thiền sư hỏi tiểu đồ đệ rằng: "Con xem, bây giờ trong chén còn có thể cho quả óc cho vào được nữa không?".
Lão thiền sư nói: "Nếu như cuộc đời của con là một cái bát, khi trong cái bát toàn là những chuyện nhỏ nhặt giống như những hạt gạo này vậy, thì những quả óc chó đó của con làm sao có thể cho vào được đây?".
Tiểu đồ đệ lúc này mới vỡ lẽ ra.
Nếu như bạn bôn ba cả ngày, vô cùng bận rộn, thế thì bạn hãy nghĩ thử: "Chúng ta làm sao mới có thể cho quả óc chó vào trong cuộc đời mình trước đây? Nếu như cuộc đời chỉ là một cái bát, lại nên làm thế nào để tách biệt quả óc chó và hạt gạo đây?".
Chúng ta cần cho quả óc chó vào trong cái tô của cuộc đời mình trước, nếu không cả một đời sẽ ở trong những chuyện nhỏ nhặt như hạt gạo, hạt mè, nước, thế thì ta không thể cho quả óc chó vào được nữa.
Bởi vì bận rộn mà bỏ lỡ những chuyện có ý nghĩa trọng đại đối với cuộc đời của mình, chính gọi là bận rộn một cách mù quáng. Bận rộn mù quáng có nghĩa là bạn đang đi đến thất bại, càng bận rộn càng nghèo khổ, càng nghèo khổ lại càng bận rộn!
Cuộc đời mỗi người là một cái chén không, nhưng nên cho cái gì vào trước? Cái gì mới là quả óc chó của bạn ? Nếu như mỗi một người đều rõ ràng quả óc chó của mình là cái gì, thế thì cuộc sống đã đơn giản nhẹ nhàng hơn rồi.
Theo Thiện Sinh (dịch) – Thoibaotoday
Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa
ĐÀN CỪU VÀ BẦY SÓI
Thượng đế đã an bài cho hai bầy cừu sống trên thảo nguyên, một bầy sống ở phía Nam, một bầy sống ở phía Bắc.
Thượng đế còn cho hai bầy cừu tự tìm kiếm hai loại kẻ thù tự nhiên (thiên địch) – một là sư tử, một nữa là sói.
Thượng đế nói với bầy cừu rằng:
"Nếu như các ngươi chọn sói thì ta sẽ cấp cho các ngươi một con và nó có thể tùy ý cắn giết các ngươi. Còn nếu như các ngươi chọn sư tử thì sẽ cấp cho các ngươi hai con, các ngươi có quyền lựa chọn sống cùng một con trong chúng và tùy thời điểm mà hoán đổi".
Vấn đề đặt ra trong câu chuyện này là: Nếu như là bạn, thì bạn sẽ chọn sói hay chọn sư tử?
Rất dễ dàng để lựa chọn phải không nào?
Lựa chọn xong rồi, bạn hãy nhớ kỹ lựa chọn của mình và đọc tiếp.
Bầy cừu ở phía Nam nghĩ rằng, sư tử thì hung mãnh hơn sói rất nhiều, hay là chúng ta chọn sói đi! Thế là, chúng chọn một con sói.
Bầy cừu ở phía Bắc nghĩ rằng, mặc dù sư tử hung mãnh hơn sói rất nhiều, nhưng chúng ta lại có quyền được lựa chọn, hay là chúng ta chọn sư tử đi! Thế là chúng chọn hai con sư tử.
Ở phía Nam, sau khi sói tiến vào bầy cừu, nó liền bắt đầu ăn thịt chúng.
Thân thể sói nhỏ, sức ăn cũng nhỏ, cho nên một con cừu cũng đủ cho nó ăn mấy ngày. Và như thế, bầy cừu vài ngày mới bị truy đuổi một lần.
Bầy cừu ở phía Bắc chọn một con sư tử, con còn lại được lưu lại ở nơi của Thượng đế. Sư tử sau khi tiến vào bầy cừu, nó cũng bắt đầu ăn chúng. Sư tử không những hung mãnh hơn sói, mà sức ăn của nó cũng kinh người. Mỗi ngày nó đều phải ăn một con cừu. Như vậy, bầy cừu ngày ngày bị truy sát nên cũng vô cùng hoảng loạn.
Bầy cừu phía Bắc đã vội vã xin Thượng đế đổi con sư tử kia.
Nhưng thật không ngờ rằng, con sư tử kia khi lưu lại chỗ Thượng đế đã không hề được ăn gì, đói khát không chịu được, nên đã nhào vào bầy cừu mà cắn giết còn điên cuồng hơn con lúc trước.
Bầy cừu phía Bắc suốt ngày chỉ lo trốn chạy để khỏi chết, ngay cả cỏ cũng không kịp ăn.
Bầy cừu phía Nam may mắn khi đã lựa chọn đúng kẻ thù thiên địch, lại cười nhạo bầy cừu phía Bắc không có con mắt tinh tường khi lựa chọn.
Bầy cừu phía Bắc thấy hối hận vô cùng và thống thiết kể khổ với Thượng đế, cầu mong được thay đổi thiên địch – đổi thành sói.
Thượng đế nói: "Một khi đã lựa chọn thiên địch rồi thì không thể thay đổi được, nhiều đời sau cũng phải tuân theo, các ngươi chỉ có quyền lợi duy nhất là ở cùng hai con sư tử đã lựa chọn đó mà thôi".
Bầy cừu phương Bắc đành phải không ngừng hoán đổi chung sống với hai con sư tử.
Nhưng hai con sư tử đều hung tàn như nhau, hoán đổi con nào thì cũng bị thê thảm hơn bầy cừu phương Nam rất nhiều. Chúng dứt khoát không hoán đổi nữa, khiến cho một con ăn đến béo mập, cơ thể cường tráng, con còn lại tắc thì bị đói bụng đến gầy còm.
Khi con sư tử gầy đói kia sắp chết, bầy cừu liền lên Thượng đế xin đổi sang ở cùng với nó. Con sư tử gầy trải qua thời gian dài đói khát dần dần hiểu ra một đạo lý: Bản thân tuy hung mãnh phi thường, 100 con cừu cũng không là đối thủ, nhưng vận mệnh của nó là nằm trong tay bầy cừu điều khiển. Bầy cừu bất cứ lúc nào cũng có thể đưa nó trở về chỗ Thượng đế, cho nó chịu đủ sự dày vò, hành hạ của đói khát, thậm chí có thể bị chết đói.
Sau khi nghĩ thông suốt đạo lý đó, con sư tử gầy gò đối xử với bầy cừu rất khiêm nhường, nó chỉ ăn con cừu chết hoặc con cừu bị bệnh, mà không ăn con cừu khỏe mạnh nào nữa.
Bầy cừu mừng rỡ, có mấy con cừu nhỏ muốn đề nghị ở cố định với con sư tử gầy, không muốn con sư tử mập kia nữa.
Một cừu già liền nhắc nhở: "Con sư tử gầy này là sợ chúng ta trả nó lại nơi Thượng đế để nó chịu đói chịu khát nên mới đối tốt với chúng ta như thế. Nhưng ngộ nhỡ con sử tử mập kia chẳng may chết đói thì chúng ta sẽ không có sự lựa chọn nào nữa, vì con sư tử gầy này sẽ rất nhanh chóng khôi phục lại bản tính hung tàn của nó".
Bầy cừu cảm thấy con cừu già nói rất có lý, vì không muốn cho con sư tử mập kia chết đói, chúng vội vàng đổi nó về sống cùng.
Con sư tử béo tốt trước kia bây giờ cũng đã đói bụng đến nỗi chỉ còn lại da bọc xương, hơn nữa cũng hiểu được đạo lý rằng số mệnh của mình là nằm trong sự điều khiển của bầy cừu. Để có thể sống trên thảo nguyên lâu hơn nữa, nó lại tìm mọi cách để nịnh nọt bầy cừu. Còn con sư tử bị trả về nơi Thượng đế kia khổ sở đến chảy nước mắt.
Bầy cừu phía Bắc sau khi đã trải qua trùng trùng điệp điệp những trắc trở, cuối cùng chúng đã vượt qua và sinh sống tự do tự tại.
Tình cảnh của bầy cừu phía Nam thì càng ngày càng bi thảm, con sói kia vì không có đối thủ cạnh tranh, bầy cừu lại không có cách gì thay thế nó, nó lại được thể làm xằng làm bậy. Mỗi ngày đều muốn cắn chết mấy chục con cừu, con sói từ sớm đã không thèm ăn thịt cừu nữa, nó chỉ uống máu của cừu, còn không cho phép con cừu nào được kêu. Con cừu nào mà kêu thì sẽ bị nó cắn chết ngay lập tức.
Bầy cừu phía Nam lúc này chỉ có thể than thở trong lòng: "Sớm biết như thế này, chi bằng lựa chọn hai con sư tử còn hơn!"
***
Bài học: Bạn muốn được sống một cuộc đời vui vẻ thoải mái, thì ngoài khả năng mạnh yếu bên ngoài ra, còn cần tự mình "nắm giữ quyền quyết định" cũng là yếu tố vô cùng quan trọng!
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Câu Trả Lời Của Người Chết
Khi Mamiya, về sau trở thành một giảng sư đại tài, đến một thiền sư để được chỉ giáo, liền được cho một công án về tiếng vỗ của một bàn tay.
Mamiya chú tâm quán chíếu đến đề thọai đầu này. "Ngươi vẫn chưa cố gắng lắm," vị thiền sư bảo với ngài. "Ngươi vẫn còn quá vướùng mắc đến thức ăn, tài, vật và cái tiếng động đó. Tốt hơn nếu ngươi chết đi thì mới giải quyết được vấn nạn."
Lần sau Mamiya đến bái kiếân thầy thì lại được hỏi đã được gì để chỉ tiếng động của một bàn tay. Tức thì Mamiya ngã lăn ra như thể đã chết rồi.
"Thôi được, ngươi đã chết," thiền sư quan sát. "Thế nhưng cái tiếng động thì thế nào?"
"Con chưa giải nó được," Mamiya ngước nhìn lên trả lời.
"Người chết không nói được," thiền sư bảo. "Cút ngay!"
Cổ Học Tinh Hoa - Cậy người không bằng cậy mình
Cậy người không bằng cậy mình
Người làm vua, điều cần nhất là phải giữ hết nghĩa làm vua và thương yêu giáo hoá dân. Cái chính sách giao hiếu với kẻ mạnh chỉ là cái thế phải thế, cái chính sách tự lo cho mạnh mới là toàn bằng cái lý ở mình. Vì rằng mình tự vào người, tất mình khinh mà mình phải e nể. Đã gặp cái cảnh khinh, cảnh e nể không chóng thì chầy an toàn sao cho được.
Văn Công nước Đằng(1) hỏi thầy Mạnh Tử rằng:
- Nước Đằng ta là một nước nhỏ ở vào khoảng giữa nước Tề và nước Sở là hai nước lớn. Kể phận thì phải chiều cả hai nước, nhưng kể sức thì không thể chiều được cả. Chiều nước Tề chăng? Chiều nước Sở chăng? Ta thực không biết nên tựa vào nước nào để cho nước ta được yên, nhờ thầy mưu tính(2) hộ cho ta.
Thầy Mạnh Tử thưa:
- Phàm việc mà cứ trông cậy vào người thì không thể chắc được. Chiều Tề thì Sở giận, chiều Sở thì Tề giận; mưu ấy chúng tôi không thể nghĩ kịp. Xin nói chỉ có một cách là tự giữ lấy nước, đào hào cho sâu, đắp thành cho cao, cai trị một cách cố kết(3) lòng dân, cùng dân giữ nước. Hoặc như có biến cố gì xảy ra, vua đã liều chết để giữ nước, thì chắc dân cũng liều chết để giữ nước, không nỡ bỏ vua. Thế là ta dùng cái lòng dân để giữ lấy đất nước, tự cường mà lo toan lấy việc nước. Còn chiều Tề hay Sở thì tôi không thể quyết được.
Lời bàn:
Người làm vua, điều cần nhất là phải giữ hết nghĩa làm vua và thương yêu giáo hoá dân. Cái chính sách giao hiếu với kẻ mạnh chỉ là cái thế phải thế, cái chính sách tự lo cho mạnh mới là toàn bằng cái lý ở mình. Vì rằng mình tự vào người, tất mình khinh mà mình phải e nể. Đã gặp cái cảnh khinh, cảnh e nể không chóng thì chầy an toàn sao cho được. Đã đành rằng, nước nhỏ phải nể nước lớn, cũng là một cách giao tế không thể thiếu được.
Nhưng đây vì Văn Công chỉ chăm chăm việc thờ kẻ mạnh, nên ông Mạnh mới bảo như thế. Mà phải thật, người lãnh đạo dân đã cùng dân cùng sống chết cả dân cũng can tâm cùng sống chết cả. Thế là cả nước một lòng, cái sức mạnh vô hình ấy, hồ dễ nước nào đã dám xâm phạm. Đã được như thế có việc gì phải sợ hãi ai.
Tuy vậy, thời thế ngày nay, có phần khác xưa, nội trị dù có đầy đủ, ngoại giao càng cần phải sáng suốt khôn ngoan thì nước mới đứng vững ở trên thế giới này được.
----------------------
(1) Đằng: tên một nước nhỏ thời Chiến Quốc tức là huyện Đằng tỉnh Sơn Đằng bây giờ
(2) Mưu tính: trù liệu đắn đo một việc gì rồi mới làm
(3) Cố kết: buộc chặt lại với nhau.
Chuyện cười trong ngày
Uống thuốc độc không chết..
Có một anh nhà giàu nghiện rượu, sợ đầy tớ uống vụng, nên cố chọn nuôi một người lù khù. Anh ta có việc phải đi vắng, bảo người ở phải trông nhà:
- Mày ở nhà, phải trông coi lấy cái chân giò treo đó, với con gà sống thiến trong chuồng, kẻo chó mèo nó tha đi, nghe.
Rồi anh ta chỉ vào hai be rượu doạ:
- Còn hai be này là thuốc độc để bẫy chuột. Uống chết đấy!
Anh ta đi rồi, người đầy tớ bắt con gà sống thiến để làm thịt, luộc chân giò lên ăn, lại lấy cả hai be rượu uống hết, say mềm cả người. Khi anh ta về thấy người đầy tớ nằm sấp dưới đất, hơi men nồng nặc, liền đánh thức dậy hỏi gà, đùi heo và hai be kia đâu. Người đầy tớ khóc mà thưa rằng:
- Con vâng lời ông ở nhà coi nhà, rủi có con mèo và con chó chạy lại, con mèo thì tha cái chân giò, con chó thì cắp con gà sống thiến chạy mất. Con sợ ông mắng nên lấy hai ve thuốc độc uống cho chết, không ngờ vẫn chưa chết!
Monday, August 28, 2017
Chuyện ngắn - Tình mẫu tử
TÌNH MẪU TỬ
Tôi cứ ám ảnh mãi về cảnh một cháu gái mới 8 tuổi đầu đi chăm mẹ ở viện. Những cử chỉ, việc làm của cháu khiến cả phòng bệnh phải ngạc nhiên và xúc động, đã có nhiều bệnh nhân bật khóc khi chứng kiến những việc làm của cho mẹ.
Hè năm 2007, tôi vào viện chăm sóc vợ sau một tai nạn giao thông, hơn chục ngày nằm phòng cấp cứu vợ tôi được chuyển xuống phòng điều trị của khoa ngoại bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên. Phòng nằm trên tầng 2, lúc cao điểm bệnh nhân có thể lên tới chục người mỗi phòng, kèm theo cả người nhà bệnh nhân nữa, nên phòng điều trị luôn trong tình trạng quá tải, mọi diện tích trong phòng được bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tận dụng một cách triệt để. Việc sắp xếp đồ đạc, hành lý, các vật dụng sinh hoạt đều được để rất gọn gàng, tránh sự bất tiện cho mọi người. Tuy thế cũng không tránh khỏi những va chạm nhỏ giữa những người nhà bệnh nhân và nhiều khi cả với nhân viên bệnh viện, bởi đến viện mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách... nên sự sô bồ, thiếu ý thức trong sinh hoạt là không tránh khỏi.
Là phòng điều trị của những bệnh nhân nặng nên người nào nhanh cũng phải hàng tuần, có người điều trị kéo dài đến hàng tháng, cùng cảnh ngộ nên mọi người dễ dàng cảm thông và nhanh chóng nhập vào nếp sống chung của phòng bệnh. Trong phòng tôi đặc biệt chú ý đến hai mẹ con người phụ nữ nằm cuối phòng. Đã 3 ngày liền mà tôi không thấy có ai đến thăm và thay cho cô bé và mọi người trong phòng cho tôi biết cháu mới 8 tuổi. Mẹ cháu bị tai nạn trong khi đang lao động, nhà ở một huyện vùng cao, chị được chuyển đến viện khi đã hôn mê nặng, đi theo chăm sóc chị chỉ có mỗi cô con gái nhỏ này. Bố cháu chỉ đưa hai mẹ con nhập viện rồi lại phải tất tả quay về nhà lo vay mượn tiền nong cho hai mẹ con nên không có ai thay cháu cả.
Chị nằm đây đã hơn một tháng mà bệnh tình thuyên giảm rất chậm, mọi sự sinh hoạt từ ăn uống, vệ sinh, giắt rũ... đều một mình cháu lo, ban ngày đã vậy, đêm đến cháu cũng phải thức trông mẹ, nhiều đêm mất điện cháu ngồi quạt cho mẹ thâu đêm, khi mệt quá cháu gục xuống bên mẹ thiếp đi. Mỗi khi thay quần áo, làm vệ sinh cho mẹ thì càng tội nghiệp...Vì lẽ đó cả phòng đều rất quan tâm giúp đỡ hai mẹ con.
Nhìn dáng gầy gò của cô bé tôi biết để làm được mọi việc như vậy cháu đã nỗ lực hết sức và tôi hiểu ẩn sâu trong trong tâm hồn non trẻ kia là cả một tấm lòng yêu thương mẹ vô bờ bến của cháu với mẹ. Sức trai như tôi mà chỉ mới hơn chục ngày coi vợ tôi đã cảm thấy bã bời, huống hồ tấm thân bé nhỏ kia. Chính vì lẽ đó mà tôi thường quan tâm để ý tới cháu.
Lúc người bệnh ngủ, tôi lân la hỏi cháu tên gì, học lớp mấy? Thì cháu cho biết cháu tên là Ngọc Châu, hiện cháu mới học lớp 3, nhà neo người nên cháu phải đi nuôi mẹ một mình. Cháu bảo nhà cháu xa lắm nghe nói cách đây hơn 200 cây số, đi lại đường rừng rất khó khăn, nên từ khi mẹ nhập viện bố chỉ xuống được hai lần, lần đầu là khi đưa mẹ nhập viện, lần thứ hai cách đây nửa tháng bố vay tiền mang xuống cho hai mẹ con rồi lại vội vã về quê ngay, nhà cháu trên núi cao và nghèo lắm!
Điều làm tôi ngạc nhiên và vô cùng khâm phục là cháu rất biết cách chăm sóc mẹ, cháu là đứa trẻ giàu nghị lực và có cá tính mạnh mẽ. Sáng cháu dạy sớm theo mọi người đi lấy nước về lau rửa cho mẹ, xong cháu đi mua cháo về cho mẹ ăn. Mỗi lần cho mẹ ăn cháu cũng biết quấn khăn dưới cổ để cháo không vãi vào cổ, vào áo, khi mẹ không muốn ăn cháu thì thầm nói với mẹ những câu khiến mọi người trong phòng ai nghe thấy cũng xúc động, cháu thường nói: "Mẹ ơi! Mẹ cố ăn đi nào, bác sĩ bảo mẹ có chịu khó ăn thì mới mau khỏi, mẹ thương con, mẹ phải nghe con chứ! Chỉ nay mai thôi mẹ khỏi về nhà, con lại sẽ đi học, con sẽ học thật giỏi cho mẹ xem! Nhưng mẹ phải ăn đi đã! Mẹ hãy thương con và thương bố mẹ nhé!"... Cứ thế cháu khẽ khàng bón từng thìa cháo cho mẹ, đến khi xong, cháu lại cười vỗ về mẹ một cách vui vẻ: "Mẹ ơi thế là mẹ ăn xong rồi! Nhìn mẹ hôm nay xinh hơn hôm qua nhiều rồi! Con thương mẹ, mẹ uống nước nữa này!"...
Hình như những lời nói nhẹ nhàng mà thẫm đẫm tình mẫu tử ấy thật sự có tác dụng với người mẹ, vì tôi thấy dù chị ăn rất vất vả, bữa ăn của chị thường kéo dài đến cả tiếng đồng hồ nhưng lần nào cháu cũng bón hết được cho mẹ. Khi bác sĩ đến tiêm thuốc cháu thường nói : "Bác sỹ ơi! Xin bác sỹ nhẹ tay kẻo đau mẹ cháu!" Rồi cũng bắt chước mọi người, cháu cắt mỏng lát chanh để chườm lên chỗ tiêm cho mẹ. Cứ thế, ngày lại ngày cháu làm mọi việc với tình thương yêu mẹ vô bờ bến.
Một buổi trưa sau khi tôi cho vợ ăn, phía cuối phòng tôi thấy cháu cũng vừa cho mẹ ăn xong, tôi liền hỏi:
- Thế mẹ cháu hôm nay có ăn hết không? Cháu thấy mẹ cháu thế nào rồi?
- Dạ, mẹ cháu cũng chỉ ăn được như mọi hôm thôi bác ạ! Mẹ cháu nhận biết được nhiều thứ hơn rồi bác ạ!
-Thế cháu đã ăn cơm chưa? Mọi khi cháu ăn ở quán nào? Bác mới đến nên không rõ cháu dẫn bác đi cùng ăn được không?
Tôi nói thế cốt để cháu tự nhiên đi cùng. Thoáng chút lưỡng lự trên gương mặt ngây thơ của cháu, cháu cúi nhìn mẹ, nửa như muốn giúp tôi, nửa như ngần ngại vì bản thân, hiểu ý cháu, một cô nằm giường bên bảo:
- Đúng đấy bác ấy mới đến chưa quen cháu dẫn bác đi cùng, cả phòng cũng chỉ còn hai bác cháu chưa ăn thôi. Cháu cứ đi đi, mẹ đã có mọi người trông giúp đừng lo.
Chần chừ một lát rồi cháu cũng gật đầu đồng ý. Vừa đi cháu vừa nói với tôi như một người từng trải:
- Bác ơi !Ăn ở quán này sạch sẽ và giá rẻ hơn ở ngoài cổng bác ạ! Nhưng cháu bảo nhé, mình ăn bao nhiêu tự chọn lấy, chứ cứ gọi là bị người ta ép hàng, ép giá đấy!
Vừa bước vào quán cô chủ đã ân cần hỏi cháu:
- Thế nào sao hôm nay cháu đi ăn muộn thế? Mẹ có đỡ hơn không?
- Dạ, lúc nãy vừa mất điện, trời nóng quá nên cháu vừa quạt vừa bón cho mẹ nên chậm cô ạ! Mẹ cháu cũng khá hơn rồi!
Tôi nhìn tủ thức ăn định gọi các món thì cháu đã tự đi lấy bát đũa, cháu đưa tôi một cái bát và một đôi đũa rồi bảo:
- Đấy, bác thích ăn gì thì tự chọn, còn canh lấy sau.
Tôi ngăn cháu lại bảo:
- Bác biết rồi nhưng hôm nay cháu cho bác phá lệ một lần được không?
Cháu ngơ ngác nhìn tôi không hiểu, thấy vậy tôi giải thích:
- Nghĩa là hôm nay bác cháu mình cùng ăn, cháu để bác gọi thức ăn, cháu khỏi phải chọn được không?
Nghe vậy cháu vội lắc đầu dứt khoát:
- Không được, bác kệ cháu, bác thích ăn gì để cháu lấy cho, còn cháu thì quen rồi... cháu không có nhiều tiền ạ!
Câu cuối em nói nhỏ, mặt cúi xuống, mũi chân khẽ di di trên nền gạch. Tôi biết em đang khó xử trong tình huồng này nên tôi nói luôn:
- Cháu không phải lo, tiền bác sẽ trả, coi như là bữa cơm ta làm quen với nhau thôi mà, không đáng là bao, cháu đồng ý chứ?
Nghe vậy cháu giãy nảy, cương quyết từ chối:
- Không được, cháu ăn, cháu phải tự trả. Bố mẹ cháu vẫn dặn cháu không được làm phiền người khác, bác thông cảm.
Nói rồi cháu tiến lại quầy thức ăn chọn món. Biết không thể làm gì khác được, tôi vội theo cháu chọn thức ăn, cháu lấy gì, tôi lấy thế , hai bác cháu bê cơm canh đến bàn ngồi ăn. Nhìn bát cơm của tôi cháu ngạc nhiên hỏi:
- Bác bắt chước cháu à? Người lớn phải ăn nhiều mới khoẻ được chứ?
- Ồ bác cũng như cháu thôi, ta còn phải dành tiền chăm người ốm đúng không?
Cháu gật đầu cười, hai bác cháu ăn cơm, mỗi người có hai miếng đậu kho, một gắp rau muống sào, một bát con canh rau ngót. Bữa cơm đạm bạc ấy ám ảnh tôi mãi đến giờ, khi đó tôi thương cháu vô cùng mà không có cách gì giúp cháu. Lúc trả tiền cả hai bác cháu mỗi người chỉ hết vẻn vẹn 2 ngàn đồng! Tôi biết đã hơn một tháng nay cháu ăn uống như thế. Người bán cơm đã quen với những bữa ăn của cháu nên dù không bán được nhiều chị cũng không hề trách móc.Mọi việc sau đó cứ diễn ra như cũ. Vợ tôi nhẹ hơn nên sau một tháng thì được ra viện, còn mẹ cháu khi đó cũng đã phục hồi nhiều, chị đã nói được và đang tập đi. Vậy là cháu lại sớm tối dìu mẹ tập đi. Hôm chia tay hai mẹ con, tôi để lại tất cả những đồ dùng còn lại cho họ kèm theo 400 ngàn, tôi nói là biếu chị để thêm vào tiền viện phí. Chị xúc động lắm, còn Ngọc Châu thì cứ ngần ngại, cháu nằng nặc xin địa chỉ của tôi, hẹn khi nào mẹ khỏi cháu sẽ cùng mẹ đến thăm tôi.
Những ngày sáu đó, bận công việc khiến tôi quên ngay cô bé. Bẵng đi rất lâu, sáng đó 27 tết tôi đến trường và nhận được một giấy mời lĩnh tiền, tôi ngỡ ngàng không hiểu ai gửi tiền cho mình. Chiều về tôi đến bưu điện, chị bưu tá đưa cho tôi một tờ biên lai, kèm một bức thư, tôi vội mở ra xem, trong thư viết:
"Cháu là Ngọc Châu. Năm mới sắp đến cháu kính chúc gia đình bác mạnh khoẻ, hạnh phúc! Thưa bác! Thật là không phải với bác bởi mãi tới giờ gia đình cháu vẫn chưa đến thăm bác được vì gia đình cháu rất khó khăn, mẹ cháu hiện vẫn chưa thể làm việc được. Cháu xin gửi lại bác số tiền mà bác đã giúp mẹ cháu khi trước. Đây là số tiền cháu bán củi mà có! Cháu cảm ơn bác rất nhiều. Hy vọng khi nào lớn cháu sẽ đến thăm gia đình bác! Cháu Ngọc Châu."
Cầm bức thư trên tay hình ảnh của cô bé lại hiện lên trong tôi. Vậy là đã gần 4 năm mà cô bé vẫn âm thầm làm lụng để có được món tiền trả lại cho tôi, không biết tết này gia đình cháu ra sao? Tôi biết làm được những việc như em đã làm hẳn trong trái tim em phải có một tình thương yêu mẹ vô bờ bến. Tự nhiên nước mắt tôi bỗng trào rơi. Em quả là viên Ngọc Châu quý mà tôi gặp trên thế gian này!
Bùi Nhật Lai
chuyện ngụ ngôn ý nghĩa
CHUỘT NHÀ VÀ CHUỘT ĐỒNG
Chuột nhà và Chuột đồng là bạn thân của nhau. Chuột đồng sống ở nông thôn, ngày ngày ra đồng ăn thóc, cuộc sống rất vui vẻ, hạnh phúc. Chuột nhà sống trong một hốc tường của một gia đình giàu có ở thành phố. Khi chủ nhà đi vắng, Chuột nhà chạy ra trộm thức ăn: nào là đỗ, thóc, pho mát, mật ong... Cuộc sống của Chuột nhà cực kỳ sung túc.
Một hôm, Chuột đồng mời Chuột nhà đến chơi. Chuột nhà diện lễ phục về chốn đồng quê dự tiệc. Chuột đồng mang đại mạch và thóc mà mình dự trữ được ra đãi khách. Chuột nhà vừa ăn đại mạch và thóc vừa bảo Chuột đồng:
- Bạn thân mến ơi, bạn sống như một con kiến tầm thường vậy. Còn chỗ tôi thì có bao nhiêu là thứ ngon. Bạn hãy lên thành phố hưởng thụ với tôi.
Thế là Chuột đồng theo Chuột nhà lên thành phố sinh sống. Trong bếp nhà chủ của Chuột nhà, Chuột đồng thấy có đõ, thóc, lại còn có cả pho mát, mật ong... Nó thèm đến nỗi nước miếng cứ chảy ra ròng ròng. Không ngờ Chuột nhà lại có lắm cái ăn như vậy, nó rất ngưỡng mộ Chuột nhà.
Khi chúng đang chuẩn bị đánh chén thì có tiếng người mở cửa bếp. Chuột nhà nhát gan, nghe thấy tiếng động liền ba chân bốn cẳng chui tọt vào hang. Khi xung quanh yên tĩnh trở lại nó mới dám chui ra. Vừa định cầm miếng pho mát lên thì lại có người mở cửa bếp. Chuột nhà lại vội vàng trốn vào hang.
Lúc này, Chuột đồng đói đến mức bụng kêu òng ọc. Nó run run nói với Chuột nhà:
- Tạm biệt bạn thân mến! Bạn cứ việc hưởng thụ những thứ ngon lành này đi, còn tôi không muốn cứ phải nơm nớp lo sợ như thế nữa. Tôi sẽ quay về ăn thóc, sống một cuộc sống bình thường và yên ổn.
Lời bàn:
Một cuộc sống giản dị nhưng vui vẻ, hạnh phúc còn hơn là sung túc, ăn ngon mặc đẹp nhưng luôn phải lo lắng, sợ hãi.
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
Không Xa Cõi Phật
Một sinh viên đại học đến thăm Gasan và hỏi: "Có bao giờ ngài đọc Thánh kinh không?
"Không, hãy đọc cho ta nghe," Gasan bảo.
Người sinh viên mở cuốn Thánh kinh và đọc một đoạn ở phần Thánh Ma-thi-ơ (Matthew): "Còn về đồ mặc, sao các ngươi lo lắng làm chi? Hãy gẫm xem hoa huệ ngoài đồng lớn lên thế nào: chẳng lao khổ, chẳng kéo chỉ, nhưng ta nói cùng các ngươi, dẫu Sa-lô-môn vinh hiển cả thể, cũng không mặc được bằng một trong những hoa ấy... Vậy nên, chớ lo lắng chi về ngày mai, vì ngày mai sẽ tự lo lắng cho ngày mai."
Gasan bảo: "Ai đã nói được những lời đó, ta cho là kẽ giác ngộ."
Người sinh viên đọc tiếp: "Hãy xin, sẽ cho, hãy tìm, sẽ gặp; hãy gỏ, sẽ mở cho. Vì hai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gỏ thì được mở cho."
Gasan nhận xét: "Thật tuyệt. Ai nói điều ấy không xa cõi Phật là bao."
Lời Dạy Dè Xẻn
Một bác sĩ trẻ ở Ðông kinh tên là Kusuda gặp một người bạn đang học thiền. Anh bác sĩ trẻ hỏi thiền là gì.
"Tôi không thể nói được," người bạn trả lời, "nhưng có một điều chắc chắn là nếu anh ngộ được thiền thì anh không còn sợ chết nữa."
"Ðược," Kusuda nói. "Tôi sẽ thử xem. Vậy tìm thiền sư ở đâu?"
"Ðến thầy Nan-in," người bạn bảo.
Thế là Kusuda tìm đến Nan-in, mang theo con dao bén để xem thiền sư có thực không sợ chết.
Khi Nan-in trông thấy Kusuda, ngài lên tiếng: "Chào ông bạn. Khỏe không? Chúng ta đã lâu không gặp!"
Kusuda sửng sốt, bảo: "Chúng ta không từng biết nhau mà."
"Ồ! đúng thế," Nan-in trả lời "Tôi nhầm ông với một vị bác sĩ khác thường đến đây học thiền." Với sự khởi đầu như vậy, Kusuda mất cơ hội thử thách vị thiền sư, anh ngập ngừng hỏi xem nếu anh ta có thể học thiền được không?
Nan-in bảo "Thiền chẳng khó. Nếu ông là thầy thuốc, hãy chửa trị bệnh nhân với từ tâm. Ðó là Thiền.
Kusuda trở lại viếng Nan-in ba lần và mỗi lần đều được dạy cùng một câu. "Một người thầy thuốc chớ nên phí thì giờ ở đây. Hãy trở về chăm sóc bệnh nhân.ẽ
Kusuda vẫn chưa hiểu tại sao lối dạy như vậy có thể giúp cho người học đạo không sợ chết. Ðến lần thứ tư anh phàn nàn: "Bạn tôi bảo tôi rằng khi học thiền người ta không còn sợ chết nữa. Mỗi lần tôi đến đây ngài đều bảo tôi phải về chăm sóc bệnh nhân. Việc đó thì tôi rành lắm rồi. Nếu thiền chỉ có vậy thì tôi sẽ không đến thăm ngài nữa."
Nan-in mĩm cười và vỗ vai người bác sĩ. "Tôi đã quá khắc khe với ông. Ðể tôi cho ông một công án."
Ngài dạy Kusuda quán tưởng về KHÔNG của Joshu (Triệu Châu), bài đốn ngộ đầu tiên trong cuốn Vô Môn Quan.
Hai năm liền, Kusuda quán tưởng đến công án KHÔNG. Khá lâu anh tưởng chừng đãõ ngộ được chân tâm, nhưng thiền sư vẫn bảo: "Ông chưa đạt đến.ẽ
Kusuda tiếp tục quán chiếu thêm một năm rưỡi nữa. Tâm bắt đầu định. Các vấn nạn được giải tỏa. KHÔNG trở thành chân lý. Anh ta chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, mà chính anh cũng chẳng hề biết đến, anh đã không còn bận tâm đến sự sống và chết nữa. Từ đó mỗi khi anh đến thăm Nan-in, vị sư già chỉ mĩm cười.
Subscribe to:
Posts (Atom)