Hạc lập kê quần
"Hạc lập kê quần" có nghĩa là hạc đứng giữa đàn gà, dùng để ví về bề ngoài nổi bật xuất chúng, tài năng và phẩm cách cũng vượt trội hơn người khác.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Thế thuyết tân ngữ".
Kê Khang là nhà văn và nhạc sĩ nổi tiếng của nước Ngụy thời Tam quốc, là một trong "Thất hiền trúc lâm". Ông là người tính tình cương trực, lại khôi ngô tuấn tú được nhiều người khen ngợi. Về sau do bất mãn với triều chính nên bị sát hại, hưởng thọ 41 tuổi.
Kê Thiệu con của Kê Khang cũng rất giống bố, không những khôi ngô tuấn tú, lại rất có học vấn.
Khi Tư Mã Viêm lên làm vua, đã triệu Kê Thiệu đến kinh đô Lạc Dương làm quan.
Có người nhìn thấy Kê Thiệu mới nói với Vương Nhung bạn của cha Kê Thiệu rằng: "Hôm qua tôi nhìn thấy Kê Thiệu, anh ta thân hình cao to vạm vỡ, đứng giữa đám người mà chẳng khác nào một con hạc đứng giữa đàn gà".
Vương Nhung nghe vậy nói: "Ông còn chưa thấy Kê Khang cha của anh ta, ông này còn xuất chúng hơn nhiều".
Sau khi Tấn Huệ đế Tư Mã Trung lên kế vị, Kê Thiệu được đảm nhiệm chức thị trung, theo hầu vua trong cung đình.
Có một lần, Kê Thiệu theo vua đi chinh chiến, vì bảo vệ nhà vua chẳng may bị trúng tên chết, máu nhuộm ướt cả áo bào vua
Huệ Đế vô cùng thương xót, nhằm tỏ lòng tưởng niệm Kê Thiệu, nhà vua đã không cho nội thị tẩy rửa vết máu trên chiến bào mình.
Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ "Hạc lập kê quần" để ví với người có thân hình xuất chúng, tài năng và phẩm cách hơn người.
No comments:
Post a Comment