Tiễn tại huyền thượng
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Thái bình ngự lãm".
Thời Tam quốc, Viên Thiệu trong đám quân phiệt phương bắc với dã tâm to lớn, khi thấy Tào Tháo đang nổi lên sẽ trở thành mối uy hiếp lớn đối với mình, bèn chĩa mũi nhọn vào Tào Tháo.
Bấy giờ, dưới trướng của Viên Thiệu có một viên thư ký tên là Trần Lâm, đã soạn thảo một bài hịch cho Viên Thiệu, hô hào các nơi cùng tiến đánh Tào Tháo, hịch văn lời lẽ đanh thép, đã phanh phui hết mọi tội danh của Tào Tháo, thậm trí còn lôi tổ tiên ba đời của Tào Tháo ra chửi mắng thậm tệ, phần cuối bài hịch còn hô hào các Châu Huyện cùng khởi binh chinh phạt Tào Tháo.
Lúc này, Táo Tháo đang bị bệnh nhức đầu khá nặng. Một hôm, khi Tào Tháo đang trong cơn đau thì tùy tùng đem hịch văn vào trình báo. Mặc dù lời hịch khiến Tào Tháo vô cùng tức giận, nhưng cách hành văn tuyệt diệu cũng khiến Tào Tháo không thể không công nhận tài viết lách của Trần Lâm.
Tào Tháo càng đọc càng hứng thú nên cơn nhức đầu đã tan biến. Nhưng sực nghĩ lại tỏ ra tiếc thay cho Trần Lâm, một người có tài như vậy lại đi theo Viên Thiệu.
Nhưng cuối cùng thì Tào Tháo cũng đánh bại Viên Thiệu, Trần Lâm buộc phải quy hàng và làm việc cho Tào Tháo.
Một hôm, Tào Tháo trách Trần Lâm rằng: "Ông viết hịch chửi tôi đã đành, nhưng đằng này ông lại lôi ông tổ ba đời tôi ra chửi bới là cớ làm sao?". Trần Lâm thưa rằng: "Tình hình lúc bấy giờ có khác nào tên đã nạp trên dây cung, tôi không thể không bắn nó ra".
Tào Tháo nghe có lý, không những không bắt tội Trần Lâm, mà còn phong ông làm Tư Không tham mưu tế tửu.
Hiện nay, người ta vẫn dùng câu thành ngữ "Tiễn tại huyền thượng" để ví với sự việc đã đến lúc không thể không làm, hoặc lời nói đã tới lúc không thể không nói ra.
No comments:
Post a Comment