Saturday, September 24, 2016

Sự tích Nhân Gian Việt Nam - Sự Tích Cố Đô Việt Thường



Hồng Lĩnh - Sông La

Cho đến nay, thời kỳ Hùng Vương được các nhà sử học khẳng định là thời kỳ có thật trong lịch sử. Tuy nhiên, không có một tư liệu thành văn nào ghi chép về thời kỳ này cho nên chúng ta tạm bằng lòng với việc “dựng” lại lịch sử bằng các truyền thuyết dân gian, dân tộc học, ngôn ngữ học, địa phương học, kết hợp với kết quả của ngành khảo cổ học. Vì vậy, nếu đề cập tới thời kỳ Tiền Hùng Vương thì còn khó khăn gấp bội phần. 

Tuy nhiên, chúng ta cắt nghĩa thế nào về những ghi chép của các sử gia Trung Hoa về một đất nước Việt Thường xuất hiện rất lâu trước thời kỳ Hùng Vương, trong khi đó thì quốc gia Văn Lang lại không được các sử gia Trung Hoa ghi lại? Chúng ta cắt nghĩa thế nào về một cố đô Ngàn Hống xuất hiện trước khi có kinh đô Văn Lang, nhất là khi những ghi chép đó lại xuất hiện trong Ngọc phả Hùng Vương, như một sự truy niệm về kinh đô cũ? Xin cung cấp cho các nhà nghiên cứu và  bạn đọc hai tư liệu trên.
1. Sự tích cố đô Việt Thường
(Truyền thuyết )

Tục truyền, cha của Long Vương là Dương Vương, khi mới mở nước, đi xem phong cảnh núi sông, tìm nơi xây dựng kinh đô. Khi về phương Nam, đến vùng Ngàn Hống, thấy phong cảnh núi non trùng trùng điệp điệp, 99 ngọn (Ngọc phả Hùng Vương ghi là 199 ngọn) cao tận trời xanh, chân núi vờn đến gần cửa Đơn Hay (tức cửa Đan Nhai, tức Cửa Hội) có thế rồng vây hổ chầu, Dương Vương rất lấy làm vừa ý.
Vương bèn quyết định đắp thành dưới núi, lấy nơi này làm đô ấp, cứ như vị trí ngày nay thì thành ấy là đất Nội- Tả - Hữu Thiên Lộc thuộc Châu Hoan (nay thuộc phạm vi các xã Thiên Lộc, Phúc Lộc, Tùng Lộc thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).


Dựng xong đô ấp, Dương Vương lại cưỡi thuyền thẳng về hướng bắc, tiếp tục đi xem phong cảnh đất nước. Thuyền đang đi, bỗng có một người con gái “tóc dài ngài (người) đẹp, da phấn mặt hoa” từ dưới nước nổi lên, tự xưng là Thần Long. Sau khi chào hỏi ân cần, vương mời nàng lên thuyền, đôi bên trò chuyện rất ăn ý. Dương Vương đưa nàng về đô ấp Ngàn Hống và cưới làm vợ.

Vương lại tiếp tục tuần thú phương Bắc. Đến vùng núi như ngày nay là Sơn Tây, vương thấy cảnh núi sông thật là hùng vĩ đặc biệt ngã ba Hạc là nơi thủy bộ thuận lợi, xem ra nhiều chỗ ưu việt hơn đất Hoan Châu. Vương bèn cho xây dựng đô ấp mới ở vùng Nghĩa Lĩnh, từ ngã ba Hạc đến vùng núi Hi Cương, làm nơi hành tại. 

Dương Vương lại lên vùng Hưng Hóa - Tuyên Quang bây giờ, lấy thêm một người con gái họ Mã là nàng Ngọc Nương làm vợ và dựng một cung sở cho nàng ở, cung sở đó xưa là vùng Tiên Cát, gần Việt Trì ngày nay. 

Vương ở Tiên Cát ít lâu rồi trở về đô ấp Ngàn Hống. Lúc này, nàng Thần Long đã đến ngày mãn nguyệt khai hoa, sinh con trai đầu lòng. Đó là Long Vương, con trưởng của Dương Vương, tức là Vua Hùng thứ nhất, sau này gọi là Hùng Hiền Vương (tức Lạc Long Quân).

Khi Long Vương lớn lên, Dương Vương giao cho đô ấp Nghĩa Lĩnh để trông coi việc nước ở phương bắc và thay cha chăm sóc bà mẹ thứ là Mã Ngọc Nương. Trong thời gian ở kinh thành Nghĩa Lĩnh, nhân một chuyến đi tuần thú, Long Vương gặp nàng Âu Cơ ở vùng Sơn Tây cũ và lấy làm vợ.Long Vương đưa nàng Âu Cơ về động Hi Cương, còn mình thì ở luôn Phong Châu (gần ngã ba Hạc) làm việc nước. 

Về sau Long Vương bỏ kinh đô cũ Ngàn Hống, lấy Phong Châu làm kinh đô chính, đặt tên nước là Văn Lang, chia làm 15 bộ. Từ đó cố đô Việt Thường ở Ngàn Hống bị thời gian xóa dần dấu vết.

Nguồn: Sự Tích Nhân Gian Việt Nam

No comments:

Post a Comment