TRÀ SƯ VÀ KẺ ÁM SÁT
Taiko, một chiến sĩ Nhật sống trước thời Đức Xuyên, học Trà thang (Cha no yu) với Thiên Lợi Hưu (Sen no Rikyu), một bậc thầy trong nghệ thuật diễn đạt tịch tĩnh và hài hòa.
Kato, chiến sĩ thị vệ của Taiko, cho rằng nhiệt tâm dành cho trà đạo của kẻ bề trên mình là chểnh mảng chuyện quốc gia, nên anh ta quyết định giết Thiên Lợi Hưu. Anh ta giả vờ viếng xã giao trà sư và được mời uống trà.
Trà sư là người thiện xảo trong nghệ thuật, thoáng nhìn thấy chiến sĩ là biết ngay ý định của anh ta, vì thế liền mời Kato bỏ kiếm bên ngoài trước khi vào phòng trà, giải thích rằng trà đạo tượng trưng cho hòa bình.
Kato không nghe, nói: “Tôi là chiến sĩ, tôi phải luôn luôn có kiếm. Trà thang hay không trà thang, tôi phải có kiếm.”
“Tốt lắm. Hãy mang kiếm anh vào uống chút trà,” Thiên Lợi Hưu bằng lòng.
Chiếc ấm đang sôi trên lò than hồng. Bỗng nhiên Thiên Lợi Hưu lật nhào nó xuống. Hơi nước sôi phụt lên, khói và tro tràn ngập cả phòng. Chiến sĩ giật mình chạy ra ngoài.
Trà sư xin lỗi. “Ấy là lỗi của tôi. Hãy trở lại uống chút trà. Kiếm của anh tôi đang cầm đây, bị dính đầy tro, tôi sẽ lau sạch và trả lại anh.”
Trong tình trạng này chiến sĩ nhận thấy rằng thật
không thể giết được trà sư nên anh ta bỏ ý định.
(Thiền Cốt Thiền Nhục).
No comments:
Post a Comment