Tuesday, September 30, 2014

Chuyện xưa tích cũ - Cá thần và cá ma

CÁ THẦN VÀ CÁ MA
Tác giả: Sơn Nam & Tô Đình Nguyệt

Ở Hậu Giang, thỉnh thoảng chúng ta còn nghe truyền tụng nhiều giai thoại về loại cá to ở sông Cái (Hậu Giang). 

Tại rạch Cái Tắc (Cần Thơ) có cặp cá vồ cờ to lớn khác thường. Thỉnh thoảng cá nổi, cái cờ to nhô lên khá cao (kỳ = cờ), cá tới đâu là cái cờ rẽ nước như nổi sóng. Lát sau, cá lặn mất. Người ta cho rằng cá ở hang ngoài sông Cái, nếu xuất hiện là đem điềm dữ cho dân chúng. 

Sở dĩ có sự mê tín ấy vì từ xưa, thiên hạ đồn đãi rằng sông rạch là khu vực do Hà Bá cai quản (cũng như Long vương cai quản ngoài biển cả). Cá to lớn quá mức trung bình phải chăng là binh tướng của Hà Bá? Ai đụng chạm hoặc giết cá nọ thì xúc phạm đến người khuất mặt. 

Cặp cá vồ ở Cái Tắc nổi lên, tình cờ trong lúc cha con lão nọ vừa quăng chài xuống. Đôi cá dính trong miệng chài, cựa quậy rồi chạy trốn. 

Lúc mất bình tĩnh, lão nói với con: -Giữ cái chài, buộc vô ghe!

Thế là đôi cá kéo cái chài và chiếc ghe, dân chúng hai bên bờ đứng xem, ngạc nhiên. Cá quá mạnh kéo chiếc ghe chạy nổi sóng. 

Lão chài kêu cứu. Có người đưa sáng kiến: -Chặt bỏ sợi dây. Đừng tiếc cái chài mà mang họa. 

Lão làm y lời. Hai con cá nọ lặn xuống đáy sông mất dạng. Về sau, cặp cá này bị bắn, theo lời đồn đãi thì trong bao tử cả có vòng vàng, chuỗi hột chứng tỏ nó đã ăn thịt người. 

Ở Cần Thơ, còn giai thoại khác về cá vồ ma. Ông lão nọ nuôi hai hầm cá, một dành cho các vồ, một dành cho cá trê trắng. 

Là người giàu có, ông để bầy cá sống nhiều năm, cá lớn thì bán có giá hơn. Gần hai ao này, bấy lâu dân trong xóm đem thân nhân tới chôn cất vì vùng đất trống trải, thuộc về công điền. 

Năm mười năm sau, gia đình ông lão gặp nhiều tai biến xảy ra liên tiếp: vợ chết, con đau ốm. Đêm khuya thanh vắng, nơi ao cá nhiều bóng dáng ma quái chập chờn, kèm theo là tiếng kêu hú. 

Một thầy địa lý đi ngang qua, xem kỹ hai hầm cá vồ và cá trê rồi lắc đầu: -Cá đã thành ma, nên bán gấp. 

Lái cá đến nơi, chịu giá và chủ nhà bán với giá rẻ mạt. Hôm sau, chủ nhà cho bốn người bạn tát nước. Lạ thay, khi nước gần cạn ao thì bao nhiêu cá đều biến mất. 

Lái cá nói: -Như vậy là chủ nhà gạt tôi để lấy tiền cọc! 

Chủ nhà cãi lại: -Hôm qua, dưới ao cá lội nhung nhúc, tôi bắt lên để làm gì? Làm sao tôi bắt hàng mấy trăm con cá, khi nước còn lễnh lãng dưới ao? May rủi thì chú chịu. Tôi cũng chịu lỗ như chú. 

Mấy ông kỳ lão nghe chuyện lạ bèn tới nơi rồi bày ra sáng kiến: -Chủ nhà thắp nhang khấn vái người khuất mặt, họa chăng là bầy cá trở về. 

Đêm sau, cá trở về đầy ao. Chủ nhà và chú lái vô cùng mừng rỡ. Cá đã xuống ghe nhưng khi tách bến một đỗi thì ai nấy la hoảng: -Cá biến mất rồi! 

Lại xảy ra chuyện thắc mắc giữa chủ nhà và chú lái. Thắp nhang khấn vái không đem lại kết quả nào cả. Chủ nhà đành tát ao cá trê để bồi thường cho chú lái đến mua cá vồ. 

Chuyện “cá vồ ma.”được loan truyền từ đó. 

Cá tra, cá vồ, cá hô đều là loại ở sông Cái, từ Biển Hồ (Cao Miên) tràn xuống. Người Việt Nam ta vì ở xa nên chưa gặp những con cá ở Biển Hồ. Ba loại kể trên rất to, nếu sống lâu năm. Chúng tôi xin nêu vài con số: 
Cá tra, bề dài từ sáu tấc tây đến tám tấc tây, bề cao hai tấc, bề ngang bai tấc rưỡi hoặc ba tấc. Cá vồ lớn hơn cá tra, dài tối đa là hai thước tây, trung bình là một thước hai hoặc một thước ba. Cá hô, dài từ một thước tám đến hai thước, lúc nhỏ thì đuôi và kỳ màu hường, lớn nhiều năm thì đổi ra màu đen. 

Đối với người ở Biển Hồ, thì con các vồ dài non hai thước chẳng có gì là lạ. Ở xứ ta, vài con cá to từ Biển Hồ trôi xuống hoặc lớn nhờ nuôi lâu năm lại trở thành chuyện hoang đường, căn cứ vào giả thuyết “sống lâu năm thành tinh.” từ con cọp, con sấu đến con cá!

No comments:

Post a Comment