Thursday, March 31, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - 9 câu chuyện ngắn, thay đổi góc nhìn về thế giới

 9 câu chuyện ngắn, thay đổi góc nhìn về thế giới


Bài sưu tầm

(1)
Bố không tìm thấy chiếc đồng hồ của mình, vô cùng tức giận, tìm khắp nơi cũng không thấy. Đợi khi bố đi ra ngoài, con trai lặng lẽ vào trong phòng, chỉ một lát là tìm thấy đồng hồ.

Bố hỏi: “Sao con lại tìm thấy?”. Con trai trả lời: “Con ngồi im lặng lắng nghe, chỉ một lúc sau là thấy tiếng tích tắc của đồng hồ…”

Chúng ta càng vội vã tìm kiếm, càng không tìm được thứ chúng ta cần, chỉ cần bình tĩnh lại, có thể nghe được tiếng nói từ nội tâm.

(2)
Hai con hổ, một con bị nhốt trong lồng, một con ở ngoài hoang dã. Cả hai con hổ đều cho rằng hoàn cảnh sống của mình không tốt, cả hai đều ngưỡng mộ đối phương.

Chúng quyết định hoán đổi thân phận, lúc đầu thì vô cùng vui vẻ. Nhưng ít lâu sau, cả hai con đều chết: một con chết vì đói, một con chết vì buồn phiền.

Đôi khi, con người thường nhắm mắt làm ngơ với hạnh phúc của mình, luôn nhìn vào hạnh phúc của người khác. Thật ra, những gì bạn có chính là thứ mà người khác đang ngưỡng mộ.

(3)

Trong một đám tiến sĩ có người nêu câu hỏi: “Một giọt nước rơi tự do từ một nơi rất cao xuống, khi rơi vào người thì người có bị thương không?”
Đám đông liền xôn xao, mọi người liền đưa các loại công thức, các loại giả định, các loại tính toán lực cản trở, trọng lực, gia tốc, họ thảo luận mất gần một tiếng đồng hồ.

Sau đó, một người vô tình đi nhầm vào đám đông lặng lẽ hỏi: “Các người chưa từng tắm mưa sao?”

Con người thường bị kìm hãm bởi những tư duy thông thường, mà lại quên mất rằng đơn giản nhất chính là đi đường thẳng.

(4)

Một ông già nói với con của mình: “Nắm chặt bàn tay con vào, nói cho ta biết con có cảm giác gì?”. Đứa con nắm chặt bàn tay: “Có chút mệt mỏi!”. Ông già nói: “Thử dùng thêm chút lực xem sao!”. Đứa con: “Càng mệt hơn! Có chút nghẹt thở!”.
Ông già: “Vậy con buông tay ra!”. Đứa con thở phào nhẹ nhõm: “Thoải mái hơn nhiều!”. Ông già: “Khi con cảm thấy mệt, con càng nắm chặt càng mệt, buông tay ra, có thể nhẹ gánh đi nhiều!”.

Đạo lý đơn giản biết bao, buông bỏ mới thoải mái!

(5)

Một người đàn ông đi mua xe, cần 20 triệu, nhưng anh ta chỉ mang theo 19.990.000 tiền mặt, thiếu mất 10 ngàn! Đột nhiên anh ta nhìn thấy trước cửa có một người ăn mày, liền đi qua nói với người ăn mày: “Cầu xin anh, cho tôi 10 ngàn đi, tôi muốn mua xe!”.

Người ăn mày nghe xong, hào phóng rút ra 20 ngàn đưa cho người đàn ông nọ và nói: “Giúp tôi mua một chiếc”.

Nếu như bạn đã hoàn thành chín phần nhiệm vụ, vậy thì bất cứ người nào cũng có thể dễ dàng giúp bạn thành công, ngược lại, nếu như bạn không làm gì, Thần tiên cũng không cứu được bạn.

(6)
Sư phụ hỏi: “Nếu con muốn đun sôi nồi nước, giữa chừng thấy không đủ củi, con phải làm thế nào?”. Có đệ tử nói phải mau chóng đi tìm, có đệ tử nói đi mượn, có người nói đi mua. Sư phụ nói: “Tại sao không đổ bớt nước trong nồi đi?”

Thế sự không thể lúc nào cũng thuận lợi như ý, có đi thì mới có lại.

(7)

Đứa con không đồng ý làm bài tập mà người bố giao cho, vậy nên người bố liền nhanh trí nói: “Con trai, bố làm bài tập, con kiểm tra xem thế nào?”.

Đứa con vui vẻ đồng ý, hơn nữa cẩn thận kiểm tra “bài tập” của bố, ngoài ra còn liệt kê các công thức giải thích cho người bố.

Nhưng có một điều mà người con không hiểu là tại sao toàn bộ bài tập bố đều làm sai. Khéo léo thay đổi vai trò, lùi một bước, đôi khi cũng là một cách để tiến lên.
8)

Nước hoa của các công ty bách hoá, 95% đều là nước, chỉ có 5% là khác biệt, đó chính là bí kíp mỗi công ty. Con người cũng như vậy, 95% cơ bản là giống nhau, sự khác biệt chỉ gói gọn trong 5% mang tính then chốt, bao gồm trình độ nổi bật, sự vui vẻ, nỗi đau khổ, và dục vọng của mỗi người.

Hương liệu phải mất năm, mười năm tinh chế mới pha vào nước hoa, con người cũng như vậy, phải trải qua thời gian tôi luyện trưởng thành, mới có được hương vị độc nhất vô nhị của riêng mình.

(9)

Một ông lão đến chợ mua rau, chọn ba quả cà chua đặt lên bàn cân, chủ cửa hàng cân xong bèn nói: “Một cân rưỡi ba đồng bảy”.

Ông lão: “Làm canh cũng không cần nhiều đến vậy”. Liền bỏ quả cà chua lớn nhất ra. Chủ cửa hàng nói: “Một cân hai lạng, ba đồng”.

Khi người bên cạnh đang muốn nhắc nhở ông lão để ý đến cái cân, ông lão liền thong dong rút ra bảy hào, cầm lấy quả cà chua to nhất vừa bỏ ra, ung dung rời đi.

Thay đổi cách suy nghĩ, tự vạch lối đi, bạn sẽ tìm ra một phương pháp khác để giải quyết vấn đề.
Trong cuộc sống khó tránh khỏi những lúc lâm vào tình cảnh tư duy bế tắc, có lúc lập tức có thể thoát ra được, chỉ cần chúng ta thay đổi cách suy nghĩ, xem xét vấn đề từ một góc độ khác, có lẽ, kết quả sự việc sẽ khác hẳn.

Đời người mười việc thì tám chín việc không như ý. Trong cuộc sống, nếu biết cách vận dụng lối tư duy ngược, nhìn nhận vấn đề theo một góc độ khác, bạn sẽ thấy rằng, mất mát đôi khi cũng là một loại sở hữu, thất bại hay vận đen đôi lúc cũng trở nên thi vị.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Cuộc Sống

 CÁI ĐẬP CUỐI CÙNG.


Tangen đã học với Sengai từ thời thơ ấu. Khi anh ta 20 tuổi anh muốn rời thầy của mình và đến tham quan những vị thầy khác để so sánh sự học hỏi, nhưng Sengai đã không cho phép anh làm chuyện này. Mỗi lần Tangen gợi ý, Sengai đã gõ vào đầu anh.

Cuối cùng Tangen nhờ vị sư huynh tới năn nỉ sự cho phép của Sengai. Vị sư huynh này đã năn nỉ và rồi báo cáo cho Tangen: "Đã được dàn xếp. Tôi đã bố trí cho sư đệ để bắt đầu cuộc du hành ngay bây giờ."

Tangen đến gặp Sengai để cám ơn ông đã cho phép anh. Vị thiền sư trả lời bằng cách gõ lên đầu anh nữa.

Khi Tangen cho sư huynh biết điều này vị sư huynh nói: "Nguyên nhân gì? Sengai không có lý do gì mà đã cho phép và rồi lại thay đổi ý của ông. Để ta nói với ông ấy." Và anh ta đi đến gặp sư phụ.

"Ta đã không hủy bỏ lời hứa," Sengai nói. "Ta chỉ muốn cho anh ta một cái đập cuối cùng vào đầu, để khi anh ta trở lại sẽ giác ngộ và ta không thể khiển trách anh ta một lần nữa."

Cổ Học Tinh Hoa - Học trò biết học

 HỌC TRÒ BIẾT HỌC


Công Minh Tuyên đến học thầy Tăng Tử. Ở nhà thầy đã ba năm mà không mấy khi đọc sách. Thầy Tăng Tử hỏi: Ngươi đến đây học đã ba năm nay, ta xem ý người không mấy khi học tập sách vở như các anh em, là tại làm sao? Công Minh Tuyên nói: Thưa thầy, con vẫn học. Còn thầy: thầy ở trong nhà, trước mặt song thân, lúc nào cũng hiều thuận, hòa nhã, cho đến giống vật như chó, mèo, thầy cũng không quở mắng bao giờ. Thầy ứng tiếp bạn bè cung kính ung dung, rất có lẽ độ, kẻ dở người hay, ai nấy đều thiếp phục. Thầy ở triều đình, đối với kẻ bề ngoài rất là nghiêm trọng mà trong bụng rất là nhân từ, không có ý hại ai bao giờ cả. Ba điều ấy con lấy làm vui lòng mà mãi làm chưa được. Con đâu dám không học mà cứ ở cửa nhà thầy. Thầy Tăng Tử nghe đoạn, tạ Công Minh Tuyên và nói rằng: Ta nay không bằng nhà ngươi. Thuyết Uyển
GIẢI NGHĨA
Công Minh Tuyên: người nước Lỗ về đời Xuân Thu, học trò thầy Tăng Tử..
LỜI BÀN
Học trò như Công Minh Tuyên, thầy dạy như Tăng Tử, mới thực là học trò biết học, ông thầy biết dạy, xứng đáng thầy trò vậy. Làm ông thầy, không những lấy tri thức mà truyền thụ, lại cần lấy đức tính mà làm gương giáo hóa cho kẻ đi học nữa. Sách có câu: “Dĩ ngôn vi giáo, dĩ thân vi giáo”, cũng là lấy nghĩa ấy. Làm học trò nhưng không những bo bo ở việc học tập văn bài, lại phải học cả động, tĩnh, ngữ, mặc, thái độ hình dung của thầy để bắt chước cho được được thầy nữa. Học như thế mới là học được cái tinh hoa. Công Minh Tuyên chỉ học trong ba điều kể trong bài này, mà tức là học được đủ bồn phận của người đối với gia tộc và xã hội vậy. Đây là học ở trường học thường mà biết học còn hay như thế, huống chi học trường tự nhiên là trường thế giới mà biết học thì hay còn biết chừng nào.

Truyện cười trong ngày

 

NGỰA PHI NƯỚC TIỂU

Trong giờ sinh vật giảng về con ngựa. 
Cô giáo hỏi: con ngựa chạy nhanh thì gọi là gì? 
Trò: thưa cô nuớc đại ạ. 
Cô giáo:thế con ngựa chạy chậm thì gọi là gì? 
Trò: thưa cô nước....tiểu ạ

Wednesday, March 30, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Một việc nhỏ thôi

 MỘT VIỆC NHỎ THÔI


Trích trong những câu chuyện cảm động/thư viện ebơok

Một gia đình gồm hai vợ chồng và bốn đứa con nhỏ. Dịp hè, họ cùng đi nghỉ mát ở một bãi biển. Bọn trẻ rất thích tắm biển và xây những tòa lâu đài trên cát. Bố mẹ chúng thuê một cái lều ngồi uống nước trên bờ, dõi nhìn các con vui đùa không quá xa ngoài kia phía trước mặt.

Thế rồi họ trông thấy một bà cụ già nhỏ nhắn ăn mặc xuềnh xoàng, trên tay cầm một chiếc túi cũ đang tiến lại. Tóc bà đã bạc trắng, bị gió biển thổi tốc lên càng làm cho khuôn mặt nhăn nheo của bà thêm khó coi. Bà cụ đang lẩm bẩm một điều gì đó, dáo dác nhìn rồi thỉnh thoảng lại cúi xuống nhặt những thứ gì đó trên bãi biển, bỏ vào cái túi.

Hai vợ chồng không hẹn mà cùng vội chạy ra gọi các con lại, căn dặn chúng phải tránh xa người đàn bà khả nghi kia. Dường như họ cố ý nói to cho bà ta nghe thấy để bà ta nên đi chỗ khác kiếm ăn.

Cụ già không biết có nghe thấy gì không giữa tiếng sóng biển ì ầm, chỉ thấy bà cứ từ từ tiến về phía họ. Thế rồi bà cụ dừng lại nhìn mấy đứa trẻ dễ thương đang ngơ ngác nhìn mình. Bà mỉm cười với họ nhưng không ai đáp lại, chỉ giả vờ ngó lơ đi chỗ khác. Bà cụ lại lẳng lặng làm tiếp công việc khó hiểu của mình. Còn cả gia đình kia thì chẳng hứng thú tắm biển nữa, họ kéo nhau lên quán nước phía trên bãi biển.

Trong lúc chuyện trò với người phục vụ bàn ăn cùng những khách hàng trong quán, hai vợ chồng quyết định hỏi thăm xem bà cụ khả nghi kia là ai và họ... sững sờ: Bà cụ ấy là người dân ở đây, từng có một đứa cháu ngoại vì bán hàng rong trên bãi biển, vô tình đạp phải một mảnh chai rồi bị nhiễm trùng, sốt cao, đưa đi bệnh viện cấp cứu không kịp và đã chết không lâu vì bệnh uốn ván. Từ dạo ấy, thương cháu đến ngẩn ngơ, bà cứ lặng lẽ đi dọc bãi biển, tìm nhặt những mảnh chai, mảnh sắt hoặc hòn đá có cạnh sắc. Mọi người hỏi lý do thì bà đáp mà đôi mắt ướt nhòe: "ồ, tôi chỉ làm một việc nhỏ thôi ấy mà, để các cháu bé có thể vui chơi trên bãi biển mà không bao giờ bị chết như đứa cháu đáng thương của tôi!".

Nghe xong câu chuyện, người chồng vội chạy ngay xuống bãi biển mong có thể nói một lời xin lỗi và một lời biết ơn chân thành, nhưng bà cụ đã đi rất xa rồi. Bóng bà chỉ còn là một chấm nhỏ trên bãi biển vắng người khi chiều đang xuống...

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Bài Thơ Cuối Cùng Của HoShin


Thiền sư Hoshin đã sống ở Trung Hoa nhiều năm . Rồi Hoshin trở về miền đông bắc Nhật Bản , ở đây Hoshin dạy nhiều đệ tử . Khi thấy mình đã già lắm rồi . Hoshin kể lại cho các đệ tử một câu chuyện mà Hoshin đã nghe được lúc Hoshin còn ở Trung Hoa . Câu chuyện như thế này :

Vào ngày hai mươi lăm tháng chạp một năm nọ , Tokufu thấy mình đã quá già và biết mình sắp chết , Tokufu nói với các đệ tử :” Ta sẽ không sống đến sang năm, vậy các anh hãy cư xử tốt với ta trong năm này đi “.

Các đệ tử tưởng ông nói đùa , nhưng Tokufu là một bậc thầy có tấm lòng độ lượng , nên mỗi người trong bọn họ thay phiên đãi tiệc Tokufu vào những ngày cuối năm . 
Vào một buổi chiều năm mới , Tokufu kết luận :

_ “ Các con đã đối xử tốt với ta . Ta sẽ giả từ vào chiều mai , khi tuyết ngừng rơi “.

Các môn đệ của Tokufu đều cười cho rằng Tokufu đang đóng trò và nói chuyện vô lý bởi vì đêm nay trời đất quang đãng , thì làm gì có tuyết rơi , và ngày kế các đệ tử không tìm thấy tokufu đâu cả . Họ chạy vào thiền phòng , Tokufu đã qua đời ở đó .

Hoshin , người đã kể lại câu chuyện này , nói với các đệ tử mình :” Một thiền sư không cần phải nói trước việc từ giã cõi đời của mình , nhưng nếu ông ta thật sự muốn làm thế , ông ta có thể làm được “.

Một đệ tử hỏi :” Thầy làm được ?”

Hoshin đáp :” Ðược , Ta sẽ nói cho các con biết những gì ta có thể làm được những gì ta có thể làm được trong bảy ngày sắp tới kể từ bây giờ đây “.

Không một đệ tử nào tin lời Hoshin , hầu hết họ đã quên mất câu chuyện hôm trước khi Hoshin gọi họ đến quanh mình . Hoshin nhắc :

“ Bảy ngày đã qua . Thầy đã nói thầy sẽ giã biệt các con . Theo thường lệ , thầy phải viết một bài thơ để vĩnh biệt , nhưng thầy không phải là thi sĩ cũng không phải là người viết chữ đẹp . Vậy một anh nào trong các con hãy viết lại những lời cuối cùng của thầy “.

Các đệ tử cho rằng Hoshin đùa , nhưng một người trong bọn họ bắt đầu viết :

Hoshin hỏi “ Con sẵn sàng chưa ?” 
Người viết đáp :” vâng , bạch thầy “. Rồi Hoshin đọc :

“ Ta đến từ tánh sáng Và trở về với tánh sáng . Tánh sáng là gì ?

Bài thơ là một dòng ngắn gồn bốn hàng như thường lệ , vì thế người đệ tử nói :” Bạch thầy chúng còn một dòng ngắn “.

Hoshin hét lên một tiếng : “ Kaa ! “ như tiếng gầm của một con sư tử đã chiến thắng , rồi ra đi .

Cổ Học Tinh Hoa - Vợ răn chồng

 VỢ RĂN CHỒNG


Án Tử làm tướng nước Tề, một hôm đi việc quan, có tên đánh xe theo hầu.

Vợ tên đánh xe dòm qua khe cửa, thấy chồng tay cầm cái dù, tay cầm cương, mặt vác lên trời, dương dương tự đắc.

Lúc chồng về nhà, nàng xin bỏ nhà ra đi. Chồng hỏi: Tại làm sao? Nàng nói:

“Án Tử, người thấp bé nhỏ làm đến Tướng nước Tề, danh tiếng lừng lẫy khắp thiên hạ, thế mà thiếp thấy ông ấy vẫn có ý trầm trọng, khiêm nhường, như chửa bằng ai. Chớ như chàng, cao lớn đẫy đà chỉ mới làm được một tên đánh xe tầm thường hèn hạ thế mà thiếp xem chàng đã ra dáng lấy làm vinh hạnh, tưởng không ai bằng nữa, nên thiếp xin bỏ chàng, thiếp đi”.

Từ hôm ấy, tến đánh xe bỏ được cái bộ vênh váo, chữa được cái tính nông nổi. Án Tử thấy thế làm lạ, hỏi. Tên đánh xe đem việc nhà kể lại. Án Tử bèn cất cho làm đại phu.

Án Tử Xuân Thu
LỜI BÀN

Tên đánh xe của Án Tử thực là sang vì vợ, nhờ được người vợ giỏi, biết lấy cái địa vị hèn hạ, cái dáng bộ ngông nghênh của chồng làm xấu hổ, mà sửa được cái tâm tính tâm tính chồng và thành được thân danh cho chồng. Tiếc thay ở đời bây giờ, có biết bao nhiêu kẻ chỉ làm môn hạ người ta, đã bênh váo lên mặt, ngênh ngang tự đắc như tên đánh xe, mà lại không có được những người vợ,như vợ tên đánh xe để khuyên răn lấy chồng, làm cho chồng biết tự sỉ mà phấn chí tu tỉnh cho ra người.

Truyện cười trong ngày

 

TƯƠNG TỰ NHAU

Trong giờ học về hôn nhân, giáo sư hỏi sinh viên:

- Anh có hiểu tại sao người ta nói hôn nhân giống như giông bão không?

- Thưa giáo sư, bởi vì cả hai đều bắt đầu bằng sự cuốn hút, giằng co, tàn phá dữ dội rồi nổ tung. Cho đến khi mọi sự yên lặng trở lại thì bạn mất luôn cả cái nhà đang ở

Tuesday, March 29, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Bài học từ chiếc bánh rán

 BÀI HỌC TỪ CHIẾC BÁNH RÁN


Bố mẹ chạy vội ra và sau khi nghe anh tôi mếu máo tường thuật lại sự việc thì mẹ ra sức dỗ dành còn bố thì chỉ lẳng lặng dắt xe ra khỏi nhà.

***

Nhà tôi có hai anh em trai, anh tôi hơn tôi 3 tuổi. Một con số không nhỏ nhưng cũng chẳng đủ lớn để chứng minh độ trưởng thành hơn một thằng nhóc 8 tuổi, là tôi. Còn nhớ hồi ấy kinh tế chưa phát triển, gia đình tôi cũng không dư dả cho lắm nhưng bố mẹ vẫn lo cho anh em tôi ăn học đàng hoàng. Niềm vui của hai anh em tôi cũng như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác là được mua quà vặt cho ăn, còn đồ chơi là một cái gì đó rất xa xỉ thời ấy. Thế nên khỏi phải nói chúng tôi đã vui như thế nào khi bố đi làm về và mua bánh rán cho hai anh em. Là con trai nhưng tôi lại hảo ngọt, nhìn chiếc bánh rán tròn tẩm đường thơm phức, lại đang chờ mẹ nấu cơm chiều nên mắt tôi sáng rực như đèn pha ô tô.
Hai anh em ăn bánh ngấu nghiến, mẹ lắc đầu :"Thế này bụng dạ đâu mà ăn cơm" còn bố chỉ cười xuề : "Còn mấy cái mua nốt hộ bà cụ đầu xóm !". Nghe bố nói vậy tôi mới hiểu tại sao lại có 3 cái bánh vì bố tôi công bằng lắm, bình thường mua gì cũng phải chia đều cho hai đứa. Với bản tính ham ăn, tôi nhanh chóng xơi hết cái bánh của mình và thèm thuồng nhìn vào cái bánh cuối cùng. Đúng lúc bắt gặp anh trai tôi cũng đang nhìn nó tràn đầy hy vọng. Vậy là chẳng nói chẳng rằng, đã khá quen với tình huống này, hai anh em cùng lao tới. Anh tôi lớn hơn nên nhanh tay chộp được chiếc bánh rồi nhìn tôi đầy hả hê. Tôi cũng nhanh chân đá ngay vào 'điểm yếu' của anh và nhân lúc anh đang á khẩu vì đau thì liền cướp lại chiếc bánh. Vậy là anh trai tôi khóc ầm lên, có lẽ vì đau và vì ức. Bố mẹ chạy vội ra và sau khi nghe anh tôi mếu máo tường thuật lại sự việc thì mẹ ra sức dỗ dành còn bố thì chỉ lẳng lặng dắt xe ra khỏi nhà.

Một lúc sau bố tôi trở về. Không thể tin vào mắt mình, lần đầu tiên tôi thấy bố mua nhiều bánh rán như thế. Vậy là hai anh em tôi lại tha hồ 'chén' và quên luôn chuyện giận dỗi lúc trước. Và đó cũng là lần đầu tiên hai chúng thôi không thể ăn hết bánh vì quá no và ngấy.
- Hai đứa ăn xong chưa ? - Bố hỏi khi thấy hai anh em đã có dấu hiệu dừng lại - Ăn xong rồi thì nằm lên giường cởi quần ra !

- Dạ ? - Anh tôi ngơ ngác hỏi lại.

Bố không trả lời mà chỉ đi lấy cái roi ở góc nhà mà thỉnh thoảng hay đem ra dọa mỗi khi chúng tôi không nghe lời. Nhưng lần này tôi biết bố làm thật, vì anh tôi đang trèo lên giường và từ từ tụt quần xuống, vậy là tôi cũng làm theo trong nước mắt.

- Làm anh thì phải biết nhường em, nhớ chưa !

"Vút", tiếng roi quất xuống, anh trai tôi bật khóc nức nở. Sợ quá nên tôi cũng òa khóc theo.

- Còn con, không bao giờ được đánh anh lần nữa !

'Vút", tôi gào lên làm mẹ đang nấu cơm trong bếp cũng phải chạy ra. Nếu mẹ không xuất hiện và ngăn bố thì chắc sau hôm ấy anh em tôi phải nằm sấp dài ngày. Vậy là sau khi nghe chúng tôi mếu máo xin lỗi, hứa không tái phạm và ôm nhau làm lành thì bố cũng bỏ qua.

Ngày hôm ấy, tôi đã sợ đến nỗi hôm sau mới nhận ra rằng bố không hề đánh hai anh em tôi mà chỉ quất roi vào giường mà thôi. Nhưng cảm giác lo lắng, sợ sệt và cả hối hận lúc ấy là hoàn toàn thật. Giờ đây khi đã trưởng thành, tôi không còn thích ăn bánh rán nhiều như hồi nhỏ nữa nhưng tôi vẫn nhớ mãi mùi vị chiếc bánh ngày nào. Vì đó là chiếc bánh rán ngon nhất mà tôi từng được ăn, chiếc bánh rán của bố, chiếc bánh đã dạy cho hai anh em tôi bài học làm người. Bài học về sự nhường nhịn và tình yêu thương.

_ songsinh _

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 THỜI GIAN ĐỂ HỌC 


Một người trẻ tuổi nhưng là thiền sinh nghiêm chỉnh đã thăm dò ý kiến sư phụ của hắn, và đã hỏi vị Thiền Sư.

"Nếu con cố gắng làm việc chăm chỉ và siêng năng cần cù thì con phải bao lâu để đạt được thiền."

Vị Thiền Sư suy nghĩ về điều này, và rồi trả lời, "Mười năm."

Vị thiền sinh khi đó nói, "Nhưng điều gì nếu con hết sức cố gắng, rất cố gắng và thực sự ghép mình vào để học nhanh -- Vậy thì bao lâu?"

Vị Thiền Sư trả lời, "Vậy thì, hai mươi năm."

"Nhưng, nếu con thật sự, thật sự con làm việc đó. Vậy thì bao lâu?" vị thiền sinh hỏi.

"Ba mươi năm," Vị Thiền sư trả lời.
"Nhưng, con khong hiểu," vị thiền sinh thất vọng nói. "Với mỗi lần con nói con sẽ cố gắng hơn nữa, Sư Phụ nói nó sẽ khiến con kéodài hơn. Tại sao Sư Phụ nói như thế?"

Vị Thiền Sư trả lời, "Khi con có một con mắt trên mục đích, con chỉ có một mắt trên con đường đạo."

Cổ Học Tinh Hoa - Giữ lấy nghề mình

 GIỮ LẤY NGHỀ MÌNH


Nước Trịnh có người học nghề làm dù che mưa ba năm mới thành nghề. Trời đại hạn, không ai dùng đến dù, anh ta bèn bỏ nghề làm dù, đi học nghề làm gầu tát nước. Lại học ba năm mới thành nghề làm gầu, thì trời mưa luôn mãi không ai dùng đến gầu. Bây giờ anh ta lại quay về nghề làm dù như trước. Không bao lâu, trong nước có giặc, dân gian nhiều người phải đi lính, mặc đồ nhung phục, không ai cần đến dù, anh ta xoay ra nghề đúc binh khí thì đã già quách rồi.

Úc Ly Tử thấy anh ta, thương tình, nói rằng:

-Than ôi, ngươi chẳng đã già đời mất rồi ư! Già hay trẻ không phải là tự người, là tự trời, điều ấy đã cố nhiên. Nhưng nghề nghiệp thành hay bại dù lỡ thời không gặp dịp, cũng không nên đổ cả cho trời, tất có mình ở trong. Ngày xưa nước Việt có một người làm ruộng, cấy lúa chiêm ba năm đều hại vì lụt cả . Có người bảo anh ta nên tháo nước mà cấy mùa, anh ta không nghe, cứ cấy chiêm như trước. Năm ấy nắng to, mà nắng luôn ba năm, vụ chiêm nào cũng được, thành ra anh ta kéo lại hoà cả mấy năm mất mùa trước. Cho nên có câu rằng: "Trời đại hạn nghĩ đến sắm thuyền, trời nóng nực nghĩ đến sắm áo bông", đó là một câu thiên hạ nói rất phải.

Lưu Cơ

GIẢI NGHĨA

Trịnh: Tên nước chư hầu thời Xuân Thu tức huyện Tân Trịnh, tỉnh Hà Nam bây giờ.

Đại hạn: Nắng to và nắng lâu ngày.

Nhung phục: Y phục nhà binh.

Úc Ly Tử: Tên một bộ sách của Lưu cơ thác danh làm Úc Ly Tử mà nói trong bài này.

Đại nạn sắm thuyền...: Ý nói người ta cứ phòng xa là hơn, ở đời thường có cái sức đang đi thế này, tất có lúc đi ngược hẳn lại, như nắng lâu quá tất có lúc mưa lụt, nóng nực quá tất có lúc giá rét, nên người khôn lúc nắng lâu nghĩ sắm thuyền trước để phòng khi ngập lụt, lúc nóng nực nghĩ sắm áo bông trước để phòng khi giá rét.

Lưu Cơ: Người đời Minh tên tự là Bá Ôn có công giúp vua Thái Tổ gây dựng lên nhà Minh, giỏi văn chương lại kiêm cả thiên văn binh pháp.

LỜI BÀN

Người ta làm nghề gì, ai chẳng muốn cho nghề ấy được phát đạt, thịnh vượng. Song gặp thời, thì hay, lỡ thời, hoá dở. Như thế thì cái thời cũng là quan hệ với nghề của mình lắm. Khốn cái thời là tự ở đâu đâu chớ không tự mình gây lấy được, cho nên có lắm người làm nghề, không thành nghề, thường nói rằng: "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên" nghĩa là người chỉ mưu tính công việc, còn công việc nên, hay không nên, là do tại trời. Song người có gan, dù cho lỡ thời cũng cứ vững dạ mà giữ lấy nghề, vì nghề chắc đã thành, thì tất cũng có chốn dụng, chẳng chóng thì chầy, chẳng nhiều thì ít, chớ cứ nay làm nghề này, mai xoay nghề khác, như hòn đá lăn mài không bao giờ mọc rêu, thì chỉ nhọc xác, già người mà vẫn không ăn thua gì cả.

Truyện cười trong ngày

 

KIỂU ĐẦU KHÓ LẶP LẠI

Khách ngồi vào ghế, thợ cắt tóc đến bên hỏi:

- Ông muốn cắt kiểu gì ạ?

- Trái cao, phải thấp, giữa bằng, đỉnh đầu lởm chởm. Đặc biệt, cắt sát da đầu vài chỗ như những đồng xu!

- Thưa ông, tôi không thể cắt như ông tả được.

- Tại sao không!? Lần trước anh đã cắt cho tôi như vậy đấy!

Monday, March 28, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Bình trà đá miễn phí

 BÌNH TRÀ ĐÁ MIỄN PHÍ


Thời mới vô Sài Gòn, tôi phát hiện ra một điều rất thú vị ở đây, trên các con đường ở khu trung tâm thành phố thường xuất hiện những bình nước cạnh những gốc cây cổ thụ với dòng chữ: Trà đá miễn phí. Dù mưa hay nắng thì nó vẫn ở đó, vẫn lặng lẽ chứng kiến mọi sự thay đổi của Sài Gòn đầy bon chen.
Sài Gòn mùa khô thường nắng rất gay gắt. 12h trưa mà nắng đến nỗi dù mặc chiếc áo khoác dày bự vẫn cảm thấy dát. Đang đứng chờ đèn đỏ thì tôi tình cờ lắng nghe được câu chuyện rất nhỏ nhặt của hai mẹ con nhà nọ.

- Mẹ ơi, con khát nước.

- Sắp về đến nhà rồi con.

- Ở kia có trà đá miễn phí kìa mẹ, lấy cho con uống đi.

- Nước đó dơ lắm

- Nhưng con khát lắm mẹ à

- Đã bảo nước đó dơ, không uống được, lát mẹ mua nước ngọt cho.

Sau câu nói đầy sự tức giận của người mẹ, là khuôn mặt phụng phịu của thằng nhóc ngồi phía sau, rồi chiếc xe lao thẳng vun vút khi đèn xanh lên.

Tôi vẫn đứng đó, nhìn bình trà đá mà người ta đã dành rất nhiều tình cảm và tâm tư cho những người qua đường cần đến nó. Thử hỏi: Nếu Sài Gòn này không có những bình trà đá đó thì sao nhỉ? Thử hỏi bình trà đá đó và chai nước ngọt cái nào tốt hơn?

Hanah
13-11-2018

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 ĂN CẮP MẶT TRĂNG


Một Thiền Sư sống 1 cuộc sống đơn giản trong 1 cái liều nhỏ ở dưới chân núi. Một buổi tối nọ, trong khi ông ta đi ra ngoài, ăn trộm lẽn vào trong, nhưng tìm không thấy gì để ăn cắp.

Thiền sư trở về và thấy tên ăn trộm “anh đến thăm tôi đấy à” ông ta nói với tên ăn trộm “và anh đừng trở về tay không, hãy lấy quần áo của tôi mà làm qùa”

Tên trộm bối rối và lấy quần áo chạy đi ngay. Thiền sư ngồi lõa lồ nhìn mặt trăng

“1 gã nghèo” ông ta mơ màng “Tôi ước gì tôi có thể cho anh cái mặt trăng đẹp đẽ này

Cổ Học Tinh Hoa - Thế nào là trung thần

 THẾ NÀO LÀ TRUNG THẦN


Vua Quân đất Lỗ Dương bảo Mặc Tử: “Có kẻ nói với ta rằng: Trung thần là người bắt cúi thì cúi, ,bắt ngửng thì ngửng, để thì im, gọi thì thưa, như thế có cho là trung thần được không?”

Mặc Tử nói: “Bắt cúi thì cúi, bắt ngửng thì ngửng, như thế khác nào cái bóng? Để thì im, gọi thì thưa, như thế khác nào tiếng vang? Quan liêu mà dùng đến những kẻ như bóng, như vang, thì còn được ích gì? Cứ như tôi đây mà gọi là trung thần, thì khi vua có lầm lỗi, phải liệu cách can ngăn mà đưa vào điều thiện; khi mình có điều hay, phải tìm đường bày tỏ, mà không lộ ra ngoài; trên thì thành thực một lòng, một dạ với vua; dưới thì không a dua vào bè kết đảng với ai; những sự tốt lành yên vui thì để phần vua hưởng, những điều oán thù lo lắng thì mình hứng đựng. Có được như thế, thì tôi mới cho là trung thần.”

Truyện cười trong ngày

 

SONG SẮT

Một phạm nhân hỏi cai tù:

- Sao cửa sổ ở đây lại có tới hai lớp song sắt vậy?

- Để đảm bảo chắc chắn hơn.

- Vớ vẩn thật, làm quái gì có đứa nào muốn vào đây ăn trộm cơ chứ!

Sunday, March 27, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Suốt đời gặp may

 SUỐT ĐỜI GẶP MAY!

Buổi sáng đi làm, Chị nhìn thấy bánh trước của chiếc xe máy bị xẹp hoàn toàn, Chị nghĩ:

"May quá, nếu xe xẹp lốp trên đường cao tốc thì không biết hậu quả sẽ ra sao”.

Vì phải dắt xe đi thay săm nên chị đến công ty trễ mất 15 phút. Bà phó phòng nói rằng Giám đốc cho gọi Chị. Chị nghĩ:

"Nếu giám đốc khiển trách về việc đi làm trễ thì mình sẽ thành khẩn xin lỗi chứ không thanh minh”.

Nhưng không có một lời khiển trách nào cả. Sếp gặp Chị để mong Chị thông cảm rằng, lẽ ra hôm nay Chị phải nhận được quyết định tăng lương, vì đã đến hạn, nhưng vì mục tiêu chống lạm phát nên chính phủ đã cắt giảm nhiều hạng mục đầu tư công, trong đó có một dự án của công ty. Do vậy, tình hình tài chính của công ty có gặp khó khăn nên Chị và một số người đáng lẽ được tăng lương đợt này nhưng phải lùi lại một thời gian và sẽ được đền bù vào kỳ tăng lương sau.

Chị về phòng làm việc với một niềm vui nho nhỏ:

"Vẫn là may. Nhà nước cắt giảm đầu tư công hàng chục nghìn tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp lao đao, phải giảm lương của cán bộ công nhân viên, thậm chí có đơn vị phải cắt giảm nhân lực. Mình không bị giảm lương, lại còn được đền bù vào kỳ tăng lương sau, thế là may. Cái may thứ hai là mình được làm việc với một ông Giám đốc tài ba và rất tử tế”.

Buổi chiều, Chị mua hải sản, làm một bữa cơm thịnh soạn để cả nhà ăn mừng ba cái may trong ngày của Chị.

Ngày hôm sau, trên đường đi làm về, Chồng chị bị một gã ngổ ngáo chạy xe đánh võng va vào xe của anh ấy, khiến chồng chị bị tai nạn, xây xát ở chân và tay. Khi nghe chồng kể chuyện này, Chị nghĩ:

"Thế là quá may, bị tai nạn giao thông mà chỉ xây xát nhẹ chứ không phải vào viện”. Và chị lại làm một bữa để ăn mừng cái may của gia đình mình.

Chị xin nghỉ việc ở công ty, ra lập doanh nghiệp riêng. Thương trường như chiến trường. Ban đầu vất vả lắm. Ngược xuôi chèo lái con thuyền công ty. Nhưng chị luôn giữ một tâm thái lạc quan tích cực như vậy. Ở đâu và bao giờ, nụ cười cũng luôn nở trên môi chị và nhờ thế, trong giao tiếp chị luôn chiếm được cảm tình của người khác và chị làm việc gì cũng hanh thông. Dần dà, công ty làm ăn khấm khá. Chị có dư của ăn của để.

Bữa Chị mua căn biệt thự, nhờ người bạn làm nghề điện nước đến lắp đặt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trong và ngoài nhà. Chẳng ngờ, người bạn sinh lòng tham, lắp cho chị toàn bóng đèn hàng chợ nhưng tính với chị giá trên trời. Được dăm bữa, bóng đèn dở chứng, cái sáng cái tối. Ánh sáng chuyển màu, cái màu trắng cái màu vàng. Chị gọi ông bạn vàng kia thì mất hút. Chị chẳng lấy làm buồn. Chị bảo: "Cũng may không mua đèn của hắn để lắp cho showroom mà chị sắp khai trương. May mà có cậu em Thần Đèn tình cờ xuất hiện và thiết kế lại toàn bộ ánh sáng cho nhà chị. Nhà chị đẹp hơn, lung linh hơn rồi".

Đến một ngày, Chị phát hiện chồng có bồ. Anh chị chia tay. Chị nói với anh lúc đứng ở cổng tòa: "Thôi vậy cũng may. May mà biết sớm để rồi kết thúc sớm. May mà con mình cũng đã đủ lớn để hiểu chuyện của bố mẹ nó và không oán trách ai cả".

Như thế đó, chị là một người suốt đời gặp may. Đó không chỉ là một lối tư duy tích cực mà còn là một lối sống lạc quan và nhờ lối sống này mà những người sống quanh chị không bao giờ phải nghe tiếng thở dài.

Giờ đây tuy đã gần 50 tuổi rồi nhưng trông chị vẫn trẻ trung như tuổi 30.

Một lối sống lạc quan và tích cực là cái mà chúng ta hoàn toàn có thể tự tạo ra được. Và đó còn là sự biểu hiện của một con người có trí tuệ và đạo đức.

Và chỉ những ai làm được điều đó thì mới xứng đáng để được hưởng bình an và hạnh phúc trong cuộc sống.

NGƯỜI HẠNH PHÚC KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI ĐƯỢC SỐNG TRONG HOÀN CẢNH THUẬN LỢI MÀ LÀ NGƯỜI CÓ THÁI ĐỘ TÍCH CỰC TRONG BẤT KÌ HOÀN CẢNH NÀO.


(ST)

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 BÊN BỜ BÊN KIA


Một ngày kia có một chú tiểu trên một chặng đường về nhà, tới bờ đê của một con sông rộng. Nhìn chằm chằm một cách tuyệt vọng vào sự cản trở to lớn trước mặt, chú tiểu suy nghĩ hàng giờ để làm sao vượt qua một con sông rộng lớn như thế. Trong lúc chú sắp sửa đầu hàng sự theo đuổi cuộc hành trình trở về thăm nhà thì chú nhìn thấy một vị Thầy vĩ đại đang ở bên bờ bên kia của con sông. Chú tiểu la lớn về phía vị Thầy "Oh vị trí tuệ, Ngài có thể nói cho con biết như thế nào con có thể tới bên bờ bên kia của con sông không"?

Vị Thầy suy nghĩ một lúc nhìn lên rồi nhìn xuống giòng sông và la lớn cho chú tiểu nghe "Này con của ta, con đang ở bờ bên kia đấy".

Cổ Học Tinh Hoa - Cách dùng pháp luật

 CÁCH DÙNG PHÁP LUẬT


Qúi Cao làm quan sĩ sư nước Vệ có làm án chặt chân một người.

Sau nước Vệ loạn, Quí Cao chạy trốn, ra đến cửa thành, gặp người giữ cửa thành, lại chính là người mình chặt chân ngày trước.

Người ấy bảo: “Kia có chỗ tường đổ”.

Quí Cao nói: “Người quân tử không trèo tường”.

Lại bảo: “Ở đây có lỗ hổng”.

Quí Cao nói: “Người quân tử không chui lỗ hổng”.

Lại bảo: “Ở đây có cái nhà”.

Quí Cao mới chạy vào nhà ẩn. Bởi vậy mà quân đuổi theo không thể bắt được.

“Trước ta theo phép nước mà chặt chân người, nay ta gặp nạn chính là cái dịp để người báo thù mà người ba lần chỉ lối cho ta trốn, thương ta như thế nghĩa là làm sao?”

Người giữ thành nói:

“Tội tôi đáng chặt chân, tránh sao cho khỏi. Lúc ông luận tội, xoay xở pháp luật, ý muốn nới tay, tôi cũng biết. Lúc án đã định, đem ra hành hình, nét mặt ông buồn rầu, tôi lại biết lắm. Ông làm như thế, há có vị riêng gì tôi, đó là tâm địa quân tử tự nhiên như vậy…Thế cho nên tôi muốn cứu ông”.

Đức Khổng Tử nghe chuyện này, nói rằng: “Cũng là một cách dùng pháp luật, mà có lòng nhân từ thì gây nên ơn, dùng mà ra dáng tàn bạo thì gây nên oán. Như Quí Cao là người làm quan biết dùng pháp luật vậy.”

GIẢI NGHĨA
Sĩ sư: tên một chức quan đời nhà Chu; coi xét việc hành ngục.

Truyện cười trong ngày

 

HUẤN LUYỆN TỐT

Nhà bác học nuôi 2 con chuột, huấn luyện chúng mỗi lúc thèm ăn thì bấm một cái nút nhỏ. Cuối cùng cũng thành công. Một ngày nọ, 2 con chuột nói chuyện với nhau:

- Mày thấy không, mình đã huấn luyện được gã đó, mỗi lúc bấm nút là lại đem đồ ăn đến cho mình!

Saturday, March 26, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Bí quyết kiếm thuật

 Bí quyết kiếm thuật


Có một anh học trò đến gặp Takahara Bokuden, kiếm khách nổi tiếng dưới thời Mạc phủ Ashikaga. để học đánh kiếm. Takahara lúc đó đã về hưu và đang sống trong núi, đồng ý cho anh theo học. Người học trò giúp ông kiếm củi, gánh nước từ con suối gần bên, bửa củi, đốt lò, nấu cơm và quét nhà quét vườn, nói chung là lo việc nhà cửa cho ông. Không hề có một buổi dạy thực sự nào về kỹ năng sử dụng kiếm cả. Sau một thời gian, anh học trò tỏ ra không hài lòng vì anh đến đây không phải là làm đầy tớ cho ông thày già mà là để học kiếm thuật. Do đó, một hôm anh đến cạnh thày và xin ông dạy cho. Takahara đồng ý.

Kết quả là anh học trò từ đó không làm được việc gì mà cảm thấy an toàn. Sáng sớm khi anh bắt đầu nấu cơm, Takahara đã có thể hiện ra và đập cho anh một gậy từ sau lưng. Giữa lúc anh đang quét nhà, anh cũng có thể bị ăn đòn kiểu đó bất cứ ở đâu và không biết từ hướng nào. Anh không còn được bình an trong tâm hồn. Anh lúc nào cũng ở trong trạng thái phòng thủ. Phải mất một vài năm như thế trước khi anh đủ sức tránh né được ngón đòn cho dù nó đến từ đâu. Tuy vậy, Takahara vẫn chưa lấy làm bằng lòng về trình độ của anh.

Một hôm khi thấy Takahara đang xào rau ăn cơm trên một cái lò. Anh học trò thấy thế và không bỏ qua cơ hội tốt. Cầm lấy một cây gậy lớn, anh phang xuống đầu Takahara lúc đó đang cúi mặt xuống chảo xào nấu. Thế nhưng cây gậy của anh đã bị thày chặn lại bằng cái nắp vung. Điều này đã làm anh tìm ra được bí quyết của kiếm thuật được Takahara giữ kín và hoàn toàn xa lạ với anh cho đến hôm ấy. Đó là lần đầu tiên anh cảm thấy biết ơn tấm lòng quí hóa vô vàn của Takahara.

Bí quyết tuyệt luân của kiếm đạo nằm ở chỗ kiến tạo nên một khung sườn hay một cấu trúc trong tâm hồn giúp cho chúng ta lúc nào cũng sẵn sàng đối phó nhanh chóng với những đột biến đến từ bên ngoài. Trong khi kỹ năng đóng một vai trò rất lớn, nó vẫn chỉ là một cái gì giả tạo, tập đắc được là nhờ có ý thức và biết tính toán.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

                             Trăm năm nghiền giấy cũ, ngày nào mới lộ đầu.


(Thần Tán Lục)

Lão tăng ở Đại Trung Tự thuộc vùng Phước Châu Trung Quốc có ba người đệ tử. Cả ba đều trở về bổn tự sau cuộc du hành tu tập. Tương truyền một người thì học thi văn trên kinh đô, một người thì học kinh luận ở khắp nơi, nhưng chỉ có người út Thần Tán thì chẳng học được gì cả. Vì lẽ đó ông ta bị lão tăng ghét bỏ, xem chẳng khác gì kẻ tôi tớ trong chùa. Một hôm, Thần Tán vừa chà lưng cho thầy trong phòng tắm vừa thưa rằng:

- Chánh Điện thì rực rỡ nguy nga, nhưng tượng Phật có vẻ thì không ra gì.

- Tượng Phật thì không ra gì, nhưng còn có thể phóng hào quang.

Về sau, có hôm nọ khi thầy ông đang im lặng xem kinh dưới cửa sổ, bỗng có con ong muốn bay ra ngoài, nhưng chạm phải khung giấy nơi cửa sổ ấy. Thấy vậy Thần Tán thưa rằng:

- Phòng thì mở của toang như vậy mà chẳng chịu ra ngoài, có phá bung giấy kia đi nữa cũng uổng thay, chỉ gãy xương mà thôi!

Rồi ông làm bài thơ rằng:

"Cửa không nào chịu thoát bay ra, lao vào cửa sổ đau điếng mà, trăm năm giấy cũ nghiền chi mãi, biết đến ngày nào lộ mặt qua."

Thầy ông bèn bảo rằng"

- Dầu sao lời ngươi nói có khác với mấy người kia. Chắc chắn ngươi đã từng gặp bậc kỳ nhân nào rồi!

Khi ấy Thần Tán mới kể cho thầy nghe rằng mình đã từng tu tập với Hòa Thượng Bách Trượng ( 749 - 814 ) và được đại ngộ. Thầy ông nghe vậy lấy làm hổ thẹn, xin Thần Tán chỉ giáo cho mình, và ông bảo rằng mãi cho đến tuổi này bây giờ mới có thể biết được cốt tủy của Thiền, nên ông vui vẻ mà rơi lệ.

Cổ Học Tinh Hoa

  ÔM CÂY ĐỢI THỎ

Một người nước Tống đang cày ruộng. Giữa ruộng có một cây to. Có con thỏ đồng ở đâu chạy lại, đâm vào gốc cây, đập đầu chết. Người cày ruộng thấy thế, bỏ cày, vội chạy đi bắt thỏ. Đoạn, cứ ngồi khư khư ôm gốc cây, mong lại được thỏ nữa. Nhưng đợi mãi chẳng thấy thỏ đâu, lại mất một buổi cày. Thiên hạ thấy vậy, ai cũng chê cười.
Hàn Phi Tử

GIẢI NGHĨA
Hàn Phi Tử: Công tử nước Hàn, học trò Tuân Tử chuyên về bình danh pháp luật, nước Hàn không dùng, sang ở nước Tần, được đại dụng, nhưng sau bị kẻ gièm pha, rồi tự tử. Sách của Hàn Phi Tử có 50 thiên, đặt tên Hàn Tử. Nhà Tống sau thêm chữ Phi để khỏi lầm lẫn với Hàn Dũ.
Đoạn: nghĩa đen là đứt, việc nầy đứt đến việc khác.

LỜI BÀN
Thấy mùi, quen mui làm mãi. Ở đời những kẻ ngẫu nhiên gặp may, mà ước ao được gặp may luôn như thế nữa, không biết sự may là tình cờ mới có, thì có khác gì người nước Tống ôm cây đợi thỏ nầy. Anh ôm cây đợi thỏ này lại còn là người cố chấp bất thông, không hiểu thời thế, không thấu tình cảnh, khư khư đười ươi giữ ống, cũng một phường với những hạng chơi đàn gắn chặt phím, khắc mạn thuyền để nhớ chỗ gươm rơi.

Truyện cười trong ngày

 Mắt còn tốt


Hai vợ chồng già nói chuyện với nhau:

- Anh vẫn chơi golf tốt chứ, Jack?

- Anh đánh vẫn tốt nhưng mắt đã kém quá rồi, nên không biết quả bóng nó lăn đi đâu.

- Thì anh đã 75 tuổi rồi còn gì! Sao anh không rủ anh Scott của em đi chơi cùng với?

- Nhưng anh ấy đã 85 tuổi, anh ấy còn chơi golf nữa đâu.

- Nhưng mắt anh ấy còn tốt lắm. Anh ấy có thể nhìn thấy quả bóng lăn đi đâu đấy. Có điều trí nhớ anh ấy hơi kém...

Hôm sau Jack đánh bóng và nhờ ông anh vợ Scott quan sát bóng. Jack đánh bóng, quả bóng lăn vào giữa sân.

- Anh có thấy quả bóng lăn đi đâu không? - Jack hỏi.

- Có.

- Nó đâu?

- Tôi quên mất rồi!

Friday, March 25, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Khôn dại

 Khôn dại


Đời Xuân Thu, vua nước Tề là Hoàn Công đi săn, đuổi theo một con hươu, đến một hang đá, thấy ông lão ở đó, mới hỏi:
- Hang này tên gọi là hang gì?
Ông lão đáp:
- Là hang Ngu Công.
- Sao lại đặt tên như thế?
- Tại kẻ hạ thần ở đây nên mới có tên như thế.
Nhà vua nhìn ông lão hồi lâu rồi hỏi:
- Coi bộ lão không phải người ngu, cớ sao lại gọi là Ngu Công?
Ông lão chậm rãi thưa:
- Nguyên hạ thần có con bò cái đẻ được một con nghé. Nghé lớn lên, hạ thần đem đi bán, lấy tiền mua một con ngựa con đem về nuôi chung cùng bò cái. Một hôm, chàng thanh niên đến lấy lý rằng bò cái không đẻ được ngựa con, nên bắt con ngựa đem đi. Hạ thần không cãi được, đành chịu mất ngựa. Xa gần nghe chuyện, ai cũng chê hạ thần là ngu, mới gọi hang hạ thần ở đây là hang Ngu Công.
Nhà vua cười lớn:
- Như thế thì lão ngu thật!
Trở về cung, Hoàn Công đem chuyện ông lão mất ngựa kể lại cho quan Tể Tướng là Quản Trọng nghe, Quản Trọng nói:
- Đó chính là cái ngu của Di Ngô này. Nếu được vua giỏi như vua Nghiêu, bầy tôi giỏi như Cao Dao, thì khi nào có kẻ dám ngỗ ngược lấy không ngựa của người ta vậy! Ngu Công đành chịu mất ngựa, hẳn vì biết rõ hình pháp ngày nay không ra gì. Xin Chúa Công kíp chỉnh đốn chính sự lại.
Đức Khổng Phu Tử nghe chuyện, gọi đệ tử:
- Đệ tử ta đây? Hãy ghi lấy việc ấy. Hoàn Công là Bá Quân, Quản Trọng là hiền thần, tuy đã vào bậc khôn ngoan mà còn tự cho là ngu dại.
- Đành chịu mất ngựa như thế, sao gọi là khôn?
- Khôn là vì biết rõ hình pháp không ra gì, thà chịu mất ngựa còn hơn đi kiện. Bởi đi kiện để mong lấy lại ngựa, nhưng quyền bính ở trong tay bọn tham quan ô lại do hình pháp không ra gì sinh ra và làm cho hình pháp trở thành công cụ để đè ép và bóc lột dân lành, nơi tụng đình, công lý không còn, mà chỉ còn có cường quyền bạo pháp; như thế thì kiện đã không mong lấy lại được ngựa, mà có khi còn mất luôn bò. Đó là lý tất nhiên. Vì tham nhũng và ngang ngược là do chính thể thúi nát sinh ra, thì thế nào lại chẳng giống nhau được. Kẻ cướp ngựa con, người cướp bò cái, là việc không thể tránh được. Cho nên chịu mất một để khỏi mất hết, như thế chẳng phải là khôn lắm sao?

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

                                                             Thùng sơn chẳng hiểu


(Bích Nham Lục)

Đen ngòm như thùng sơn thì quả tình hoàn toàn chẳng hiểu gì cả. Ngay chính như Hòa Thượng Lâm Tế cũng bảo rằng:

- Ta đây xưa kia khi chưa khai ngộ cũng đã từng đen thùi cả mặt rồi.

Và ông gọi việc giải thoát khỏi sự mê vọng của chính bản thân mình và hoát nhiên đại ngộ là "đã phá thùng sơn".

Vị Ni Như Đại, có tục danh là Thiên Đại Dã, ban đầu đến tham vấn Hòa Thượng Vô Học Tổ Nguyên ( 1226 - 1286 ) ở Viên Giác Tự, sau đó đến bái yết Thanh Nhất Quốc Sư Viên Nhĩ Biện Viên (1202 - 1280 ) trên kinh đô. Rồi cô dừng chân trú tại Tùng Kiến Tự vùng Mỹ Nùng ( Mino ), hằng ngày chuyên tâm lo châm củi nấu nước cho các Thiền tăng Vân Thủy ( Unsui ). Một hôm, khi đang đội thùng nước trên đầu bỗng đáy thùng toát ra, nước chảy xối xả xuống người cô, và ngây lúc ấy cô hốt nhiên tỉnh ngộ. Cô bèn làm bài ca đạt ngộ rằng:

" Cám ơn thay đáy thùng Thiên Đạt đội trên đầu, như không đọng lại, sao có trăng hiển hiện."

Ngay hôm ấy cô đã đả phá được chính cái thùng sơn và thể nghiệm được cảnh địa của Bổn Lai Vô Nhất Vật ( xưa nay chẳng có vật nào ). Hòa Thượng Bàn Khuê cũng có bài ca như sau:

" Đáy thùng xưa vỡ toang, đất trời một vòng tròn sáng."

Nếu như đáy thùng mà vỡ tang ra, thông thường còn lại vòng tròn của cái thùng. Tuy nhiên, cảnh địa của Chơn Tướng Vô Tướng triệt để thì thậm chí cái vòng tròn kia cũng chẳng còn.

Cổ Học Tinh Hoa - Mã Viện

 Mã Viện


Mã Viện ra công, ra sức cày cấy, chăn nuôi, không bao lâu giàu có hàng ức triệu. Mà hình như chưa được phỉ chí, thường nói với người ta rằng: “Phàm làm nên giàu, mà có biết đem của thí chẩn cho người khốn cùng, thì mới là quí. Bằng không, thì chỉ làm tôi tớ đồng tiền, suốt đời canh giữ đồng tiền, chớ có ích gì.”

Sau Mã Viện đem hết tiền của chẩn cấp cho người nghèo, rồi ra làm quan giúp vua Quang Vũ nhà Hán. Tuổi bấy giờ đã già, mà cứ hay xin đi đánh Nam, dẹp Bắc. Mỗi khi thắng trận trở về, họ hàng bà con ra chào mừng đón rước thì Mã Viện nói rằng:

- Làm tài trai nên chết ở chốn biên thuỳ, lấy da ngựa bọc thây mà chôn mới là đáng trọng; chớ ốm nằm xó giường, chết ở trong tay lũ trẻ nâng đỡ, thì có hay gì.

Lời bàn:

 Đối với nước Việt Nam ta, Mã Viện là một người cừu địch, đáng ghét. Nhưng ta cũng không nên, vì ghét mà không biết đến cái hay của người. Như Mã Viện mồ côi nghèo khổ mà trở nên giầu có, là người có chí lập thân đáng khen. Giàu có mà biết dùng của , đem của cấp cho kẻ khốn cùng, lại là người có chí cứu khổ đáng trọng. Có tuổi mà vẫn đem thân ra chốn chiến trường để tận trung báo quốc lại là một người có chí ái quốc đáng phục, thật không phụ cái tiếng anh hùng. Một người cùng khổ yếu đuối mà làm nên phú quí, lúc phú quí lại hiểu được cái nghĩa phú quí nên làm thế nào, thực rất đáng làm gương cho cả mọi người!

Truyện cười trong ngày

 Vừa bán vừa biếu


Một bà bán hàng nổi tiếng bán đắt. Một hôm, có người nông dân vào mua hàng, bà ta giở giọng ngọt nhạt:: "Tôi vừa bán vừa biếu ông đấy".

 Người nông dân chẳng phải tay vừa, ông nói: “Cảm ơn bà, tôi xin nhận một nửa là số hàng biếu, nửa còn lại bà cất giùm, ngày mai tôi mang tiền đến lấy sau”.