Tuesday, March 31, 2020

Suy Niệm Trong Ngày 31 tháng 3, 2020

Truyện ngắn - Tức giận

TỨC GIẬN

Một bà cụ có tính tình cau có, thường xuyên nổi giận vì những sự việc nhỏ nhặt, hơn nữa, mỗi khi tức giận hay dùng lời lẽ ác độc, vô tình đã làm tổn thương nhiều người, vì thế bà ta giao tiếp với hàng xóm bạn bè đều không ...được hài hòa.
Bà ta cũng biết khuyết điểm của mình , mong muốn sửa lại lỗi lầm nầy. Nhưng mỗi khi tức lên thì chính bà ta cũng không thể khống chế được tâm mình.
Một hôm, một người đã nói với bà: “Chùa gần đây có một vị thiền sư, cũng là vị cao tăng, tại sao bà không đến xin lời chỉ dạy, biết đâu thiền sư có thể giúp được cho bà.”
Bà ta cũng cảm thấy có lý, đã đến tham vấn với thiền sư.
Khi bà ta thổ lộ tâm trạng của mình, bà ta có thái độ rất thành khẩn, rất mong muốn có được một vài lời khai thị từ vị thiền sư đó. Vị thiền sư im lặng nghe bà kể lể, chờ cho bà ấy nói hết, mới dẫn bà ta vào một thiền phòng, sau đó khóa cửa thiền phòng và rời khỏi đó.
Bà ta một lòng muốn có được lời chỉ dạy của thiền sư, nhưng không ngờ thiền sư đã nhốt bà ta vào trong một thiền phòng vừa lạnh vừa u tối. Bà ta tức tối hét lên, cũng như ngày thường, bà ta buông những lời nhục mạ quái ác. Nhưng cho dù bà ta có la hét cách nào, nhưng ở ngoài vẫn im lặng, thiền sư hình như không nghe thấy lời nào.
Khi không còn chịu đựng được nữa, thì bà ta thay đổi thái độ cầu xin thiền sư thả mình ra, nhưng thiền sư vẫn không động lòng thay đổi cách hành xử của mình, vẫn mặc kệ bà ta tiếp tục nói gì thì nói.
Qua một hồi rất lâu, cuối cùng trong thiền phòng cũng không còn tiếng la hét hay nói năng của bà ta nữa, thì lúc này, phía ngoài thiền phòng mới có tiếng nói của thiền sư hỏi : “Bà còn giận không ?”
Thế là bà ta giận dữ trả lời : “Tôi chỉ giận tôi, tôi hối hận sao phải nghe lời người khác, tìm đến cái nơi quỷ quái này để xin ý kiến của ngươi.”
Thiền sư ôn tồn nói : “Kể cả chính mình bà cũng không chịu buông tha, thì bà làm sao có thể tha lỗi cho người khác chứ ?” Nói xong thiền sư lại im lặng.
Sau một thời gian im lặng, thiền sư lại hỏi : “Bà còn giận không ?”
Bà ta trả lời : “Hết giận rồi !”
“Tại sao hết giận !”
“Tôi giận thì có ích gì ? không phải vẫn bị ông nhốt tôi trong cái phòng vừa u tối vừa lạnh lẽo này hay sao ?”
Thiền sư nói với vẻ lo lắng : “Bà xử sự kiểu này càng đáng sợ hơn đấy, bà đã đè nén cơn tức giận của mình vào một chỗ, một khi nó bộc phát ra thì càng mãnh liệt hơn.” Nói xong, thiền sư lại quay đi.
Lần thứ 3 thiền sư quay lại hỏi bà ta, bà ta trả lời : “Tôi không giận nữa, ông không xứng đáng để tôi giận !”
Thiền sư nói : “Cái gốc tức giận của bà vẫn còn, bà cần phải thoáng ra khỏi vòng xoáy của tức giận trước đã.”
Sau một hồi lâu, bà ta đã chủ động hỏi thiền sư : “Bạch thiền sư, ngài có thể nói cho con biết tức giận là cái gì không ?”
Thiền sư bước vào, vẫn không nói chuyện, chỉ có động tác như vô tình đổ đi ly nước trong cái ly trên tay. Lúc này thì bà ta hình như đã hiểu:
"Thì ra mình không bực tức, thì làm gì có tức tối giận hờn ? Tâm địa trống không, không có một vật gì, thì làm gì có tức tối ? Trong lòng không có bực tức, thì làm sao có cơn giận ? Những sự việc nhỏ nhặt cũng giống như những hạt cát trong đôi giày đã làm cho bạn khó chịu. Thế thì bạn lựa chọn cách giũ bỏ hạt cát hay vứt bỏ đôi giày? Chúng ta không thể không mang giày, vì còn con đường dài phía trước, thế thì tại sao chúng ta không chịu giũ bỏ hạt cát !"

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Thanh Thản

Một người môi giới chứng khoán rất đau khổ vì đã sạt nghiệp. Ông bèn vào tu viện để tìm sự thanh thản nội tâm. Nhưng lại quá thất vọng để có thể thiền định.
Sau khi ông ta ra về, Thiền Sư an ủi:
- Những ai nằm dưới đất sẽ không bao giờ bị té khỏi giường.

Truyện cười trong ngày

Nếu Nó Nổ Thì Sao?

 Hai cảnh sát đi tuần tra tìm thấy ba trái lựu đạn trên đường phố. Họ quyết định bỏ lên xe đem về đồn. Anh cảnh sát trẻ lo lắng hỏi:
- Lỡ dọc đường nó nổ một trái thì sao đại ca?
Anh cảnh sát già trả lời có vẻ sành đời hơn:
- Chú mày lo gì, nếu nó nổ một trái thì mình về báo cáo là chỉ nhặt được có hai trái thôi, có vậy mà cũng hỏi !

Monday, March 30, 2020

Suy Niệm Trong Ngày 30 tháng 3, 2020

Truyện ngắn Khẩu nghiệp

Khẩu nghiệp

Trong chùa, có một anh câm. Không ai nhớ anh ta đến chùa từ bao giờ, vả lại cũng không mấy người để ý đến anh ta. Anh ta lo mấy sào vườn ở sau chùa, lúc thì trồng rau, lúc thì trồng đậu, làm việc rất là siêng năng. Lúc rảnh, anh ta vào bếp giã gạo và vào những ngày sóc vọng, chùa đông khách, anh ta giúp việc dưới bếp, và rửa bát ở bờ ao cạnh bếp.
Vì anh ta câm, nên chẳng ai nói với anh và nếu có việc cần nói thì phải ra hiệu. Hết việc, tối nào anh cũng quanh quẩn ở trên chánh điện, quét dọn, lau chùi, và mỗi năm vào kỳ Kết hạ, mỗi lúc có khóa giảng thì anh ta cầm chổi đứng gần cửa phòng hội, ra vẻ đang quét nhà, nhưng thật ra là nghe giảng kinh ...
Một ngày kia, không thấy anh, vị tri sự bước vào căn phòng nhỏ xíu của anh ở góc vườn, lúc đó mới biết rằng anh câm bị đau, sốt nặng không dậy được. Vị tri sự trình Tổ và mọi người thấy Tổ vào thăm anh câm. Ngài ngồi với anh rất lâu và khi Ngài trở về phòng, nét mặt trang nghiêm của Ngài thoáng vẻ hân hoan.
Từ hôm ấy, chú tiểu ngày hai ba lần mang cháo vào cho anh câm và Tổ mỗi khi xuống thăm thì ngồi cả giờ, mọi người cho rằng anh câm có phúc, được Tổ thương và nếu có mệnh hệ nào thì được Ngài độ cho.
Vào đúng giờ Ngọ hôm đó, người ta thấy Tổ chậm rãi bước ra khỏi phòng anh câm và khi Tổ nhận thấy mọi người chắp tay vây quanh thì Tổ nói rất ngắn: “Ngài đã viên tịch rồi”.
Ai ai cũng tỏ vẻ ngạc nhiên: Tổ gọi anh câm cuốc vườn là Ngài! Tổ là một thiền sư đạo hạnh nổi tiếng không những trong vùng, mà ngay cả ở chốn kinh kỳ xa xôi nữa. Nhưng không ai dám hỏi Tổ cả.
Cho đến khi làm lễ hoả thiêu xong, bài vị của anh câm đã được đặt trên chùa, và khóa cầu siêu thường lệ chấm dứt, mọi người được nghe Tổ nói như sau:
“Thật ra, vị chấp tác làm vườn ở chùa ta là một vị tăng . Ngài biết rằng Ngài chưa xóa được khẩu nghiệp. Vì thế Ngài phát nguyện tu tịnh khẩu nghiệp. Ngài tịnh khẩu, ai cũng tưởng là Ngài câm. Đến nay thân, khẩu, ý của Ngài đều đã thanh tịnh nên Ngài đã ngộ, vì thế ta mới nói rằng Ngài tịch diệt. Bàn thờ Ngài ở kia, có thể bỏ đi được, nhưng thôi hãy cứ để đấy, không phải là để cúng Ngài, mà chính là để nêu cái gương tu hành cho mọi người.”
Người nghe chuyện, ai ai cũng yên lặng cúi đầu, nghiền ngẫm về sự tu hành. Từ ngày đó, trong chùa, không ai bảo ai, người ta chỉ nói vừa đủ, những mong đến lúc nào đó tịnh được khẩu nghiệp, thoát khỏi sinh tử luân hồi như vị bồ-tát đóng vai anh câm làm việc sau chùa.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Giàu Có

Một doanh nhân hỏi:
- Đời sống tâm linh có thể giúp một người phàm tục như tôi như thế nào?
Thiền Sư đáp:
- Điều đó sẽ giúp bạn có được nhiều hơn.
- Tại sao?
- Bằng cách dạy bạn ham muốn ít hơn.

Truyện cười trong ngày

Tư Vấn Bảo Hiểm

Một nhân viên bảo hiểm của bộ quốc phòng Mỹ được phân công xuống các đơn vị binh chủng mời các tân binh mua bảo hiểm chiến tranh Iraq, anh ta đã rất xuất sắc mời được gần 100% số lượng khách hàng mà anh nhận tư vấn.
Và đây là những bí quyết được anh ta chia sẻ với đồng nghiệp:
- Tôi cũng làm viêc như các anh thôi, tôi gặp gỡ các tân binh, giới thiệu tất cả các loại hình bảo hiểm, lợi ích khi tham gia bảo hiểm chiến tranh... Tôi nói với họ: Nếu các anh mua bảo hiểm, khi chẳng may phải chết ở chiến trường gia đình các anh sẽ được chính phủ bồi thương 50.000USD, những ai không mua bảo hiểm chính phủ chỉ lo mai táng và trả 3.000 USD mà thôi. Và cuối cùng, tôi nói thêm một câu:
- Vậy theo anh, chính phủ sẽ cử nhóm lính nào ra trận đầu tiên đây?

Sunday, March 29, 2020

Suy Niệm Trong Ngày 29 tháng 3, 2020

Truyện ngắn - Thiền Sư và con vẹt

THIỀN SƯ VÀ CON VẸT

Thiền sư Ishu Sato có nuôi một con Vẹt tên là Zun. Nhưng nó chỉ có khà năng lập lại tiếng sau cùng trong câu nói.
Thiền sư Sato nói: “Mô Phật”.
Con vẹt Zun nói: “Phật!”
Thiền sư nói: “Sống chết”.
Con vẹt nói: “Chết!”
Thiền sư nói: “Nghe không?”.
Con vẹt nói: “Không!”
Thiền sư nói một tràng về lý thuyết nhà Phật: “Tánh không. Tâm không. Trí không. Chân không. Tịnh không. Hoàn không. Huyền không. Thinh không.”
Con vẹt nói: “Không, không, không, không…”
Bỗng dưng hôm sau, con vẹt mất khả năng nghe và nói. Nó đậu trên nhánh Bồ Đề trong tu viện. Mắt lim dim và dường như trong nó hoàn toàn vắng lặng.
Thiền sư nhìn con vẹt thân yêu, dáng vẻ buồn buồn và nói: “Không biết bây giờ ta và nó, ai là người an lạc và gần Phật hơn ai?!”
Người thị giả chắp tay thưa: “Bạch sư ông, Con Zun nói theo như vẹt còn ngài thì nói bằng trí tuệ cao vời, làm sao mà so sánh được.”
Thiền sư Sato trả lời: “Đạo Phật không phải là nói hay nghĩ bàn mà thực sự đang sống. Sống trong vùng năng lượng lành để thu nhiễm tinh túy của môi trường sinh khởi. Kỳ dư tất cả chỉ là phương tiện. Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh là vậy.”
Người thị gỉa mỉm cười: “Có vẻ như Zun đắc đạo mà chúng ta thì đang tu…”
Thiền sư cũng mỉm cười im lặng.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Sáng Suốt

Các đệ tử hăng say tranh cãi về nguyên nhân đau khổ của nhân loại.
Người này bảo là do tính ích kỷ. Người kia thì nói là do ảo tưởng. Kẻ khác thì cho là không biết phân biệt giữa hiện thực và không hiện thực.
Khi được hỏi ý kiến, Thiền Sư trả lời:
- Mọi đau khổ đến từ việc con người không thể ngồi một mình trong yên lặng.

Truyện cười trong ngày

Thế Giới Sợ Nước Nào Nhất ? 

Cả thế giới phải sợ người Mỹ vì người Mỹ đã nói là làm.

Thế nhưng người Mỹ lại sợ người Nhật vì người Nhật làm xong mới nói.

Vậy người Nhật sợ ai, xin thưa, đó là người Trung Quốc, vì người Trung Quốc không nói cũng làm. Người Nhật luôn đề phòng người Trung Quốc vì Trung Quốc là một cường quốc có tiềm lực quân sự.

Vậy xin hỏi người Trung Quốc sợ ai ? Đó là người Việt Nam, vì người Việt Nam nói một đằng làm một nẻo đố ai biết đâu mà lần.

Saturday, March 28, 2020

Suy Niệm Trong Ngày 28 tháng 3, 2020

Truyện ngắn - Người gác dan

Người gác dan

Có một câu chuyện kể về một ông già, cứ mỗi sáng, ông xách một giỏ thức ăn và một chai nước đi ngang khu phố thị kia, tới bờ sông, ngồi lại đó. Đến chiều mặt trời lặn, ông đi về. Đều đặn như thế. Anh gác dan của một ngôi biệt thự nọ rất kinh ngạc. Một hôm anh chặn ông già lại hỏi:
- Xin nói cho tôi biết ông làm gì mà cứ sáng xách giỏ đi, chiều xách giỏ về. Tôi đã bỏ ra ba ngày, ra bờ sông xem ông làm cái chi nhưng không thấy ông làm gì cả. Ông chỉ ngồi chơi ngoài ấy, nhìn nước chảy, nhìn người qua lại, cười cợt với gió mây. Hỏi ai, ai cũng bảo ông là người rất bình thường. Vậy xin nói tôi nghe ông làm gì?
Ông già cười đáp:
- Trước khi tôi nói cho anh biết tôi làm cái chi, anh nói cho tôi biết anh làm cái gì đi!
Anh kia đáp:
- Giản dị lắm, ông biết tôi ngồi nơi cổng này, tôi làm công việc của người gác dan. Người nào đi vào tôi biết họ đi vào. Người nào đi ra tôi nhìn thấy họ đi ra. Giản dị vậy thôi!
Ông già nói:
- Ồ! Tôi cũng làm công việc giống anh.
Anh kia đáp:
- Ông nói vô lý. Ông đâu có cái cổng đặt bên ngoài toà biệt thự. Ông cũng không lãnh lương của ai, và ông ngồi cũng đâu thấy ai đi qua đi lại. Nói ông là người gác dan thì không đúng.
- Ông hãy nghe tôi giải thích! Ông gác dan người bên ngoài. Tôi gác dan người bên trong. Tôi chỉ làm mỗi một việc là ngồi yên đấy, nhìn những người khách qua lại trong tâm thức của tôi. Những ngày đầu tiên, tôi thấy nhiều người qua lại quá. Này anh khách buồn, anh khách giận, anh khách ghét, thương, sầu tủi, bất an v.v.. luôn đi ngang, có khi từng đoàn người, đếm không xuể. Có điều vui là đi bao nhiêu thì cứ đi, tôi chỉ ngồi nhìn mỉm cười với những người khác đi qua ấy. Dần dần tôi phát giác càng ngày người đi càng ít. Rồi đến một lúc, dăm ba hôm mới có một người khách đến rồi đi. Người khách đó ở bên trong tôi. Ông thì ngồi gác cửa bên ngoài, tôi làm người chủ gác cửa bên trong. Việc chúng ta giống như nhau. Thế mà khác nhau vô cùng : ông thì ra ngoài, tôi vào bên trong”.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Thay Đổi

Một sử gia thăm viếng Thiền Sư, ông ta rất ưa tranh luận.
Ông ta hỏi:
- Những cố gắng của chúng ta có làm thay đổi dòng lịch sử không?
Thiền Sư trả lời:
- Ồ! Có chứ.
- Và lao động của con người có làm thay đổi trái đất không?
Thiền Sư đáp:
- Chắc chắn rồi.
- Vậy tại sao ngài dạy rằng những cố gắng của con người không mang lại chút kết quả gì hết?
Thiền Sư đáp:
- Bởi vì khi gió lặng, thì lá vẫn rơi như thường.

Truyện cười trong ngày

Chú Ý An Toàn

Trên xa lộ dẫn vào một thành phố ở Philippin có một bảng báo lớn như sau:

"Thành phố chúng tôi xin chào đón quí khách. Nếu chạy với tốc độ 40 dặm, quý khách có thể thưởng thức phong cảnh thành phố; với tốc độ quá 60 dặm, quý khách sẽ nhận được một giấy phạt của cảnh sát giao thông; với tốc độ quá 80 dặm, bệnh viện hiện đại nhất của thành phố chúng tôi xin sẵn sàng để được phục vụ; nếu tốc độ quá 100 dặm, chúng ta hãy nói lời vĩnh biệt nhau kẻo trễ."

Friday, March 27, 2020

Suy Niệm Trong Ngày 27 tháng 3, 2020

Truyện ngắn Của Mình - Của Người

Của Mình - Của Người

Xưa có một cô gái mồ côi cha mẹ, không ai nuôi. Cô phải đi ăn xin ngoài chợ. Tối lấy chiếu quấn nằm ngủ. Một hôm nghe nói Rằm Tháng Bảy cúng dường Tam Bảo có phước lắm, cô tự nghĩ làm sao mình tạo phước để khỏi nghèo khổ nữa.
Hôm đó xin được có hai xu, cô muốn cúng cái gì mà chư Tăng trong chùa đều hưởng được hết. Nghĩ vậy cô mua hai xu muối, đem vô chùa năn nỉ vị nấu cơm: "Con xin được có hai xu để mua muối, xin được cúng hết chư Tăng trong chùa, mong người giúp cho". Vị ấy liền bỏ nắm muối của cô vào nồi canh to, thế là chư Tăng đều được hưởng đầy đủ. Bẵng đi một thời gian dài, cô cũng không còn nhớ chuyện cúng muối nữa.
Lần lần lớn khôn, cô càng xinh đẹp lạ thường. Khi đó trong triều đình nhà Vua muốn chọn người làm vợ Thái Tử nhưng thấy mỹ nhân nào Thái Tử cũng từ chối. Vua ra lệnh cho các quan tìm người nào Thái Tử vừa ý sẽ được trọng thưởng. Bấy giờ một ông quan đi ngang vùng đó, thấy trên trời có vầng mây đỏ, ông nghĩ nơi đây chắc có dị nhân phước lớn.
Giờ trưa, trên đường trở về, ông thấy cô bé khoảng 16 tuổi đang trùm chiếu ngủ. Ông đến gần nhìn, bất chợt cô bé thức dậy tốc chiếu ra. Thấy người con gái đẹp đẽ phi thường lại sống đầu đường xó chợ như vậy, ông tội nghiệp đem về nuôi. Cô được cho ăn mặc dạy dỗ đàng hoàng, tới năm cô 18 tuổi ông dẫn đến trình nhà Vua. Vua gọi Thái Tử lại, vừa thấy cô bé Thái Tử đẹp lòng ngay. Cô được Đông Cung Thái Tử cưới làm vợ.
Khi Vua băng hà, Thái Tử lên ngôi vua và cô bé trở thành Hoàng Hậu. Khi làm Hoàng Hậu cô cứ nghĩ, không biết mình đã làm gì mà được phước thế này. Chừng ấy mới nhớ chắc do việc cúng muối năm xưa mà ra. Một hôm, Hoàng Hậu sắm đủ thứ vật dụng sang trọng truyền chở vô ngôi chùa ngày xưa.
Nhưng lúc trước chỉ với hai xu muối của cô bé ăn xin, mà thầy trụ trì nói bữa nay có đại thí chủ đến cúng dường, bảo chư Tăng đánh chiêng trống đón. Bây giờ Hoàng Hậu đem nhiều tài vật đến nhưng thầy trụ trì không đánh chuông trống đón. Lấy làm lạ, Hoàng Hậu gặp thầy trụ trì hỏi "Thưa Thầy, ngày xưa con là đứa ăn mày, chỉ cúng dường có hai xu muối mà nghe chuông trống đánh rình rang. Ngày nay, con là Hoàng Hậu cúng cả xe trân bảo mà không nghe chuông trống gì hết?”.
Thầy đáp: "Ngày xưa hai đồng xu rất quý vì đó là mạng sống của con. Muốn cúng chùa con phải nhịn đói, nên hai xu ấy lớn vô cùng. Ngày nay con là Hoàng Hậu, của cải đầy xe nhưng đó là của dân chớ đâu phải của con. Lấy của người làm phước cho mình thì đâu có gì quan trọng."

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Nhận Thức

- Sự cứu rỗi đạt được nhờ hành động hay nhờ thiền quán?
- Không nhờ hành động cũng như thiền quán. Sự cứu rỗi đạt được khi người ta thấy.
- Thấy gì?
- Thấy rằng cái kiềng bằng vàng mà bạn mong có được thì đang tròng vào cổ của bạn. Thấy rằng con rắn mà bạn khiếp sợ chỉ là một khúc nhợ kéo lê lết trên mặt đất.

Truyện cười trong ngày

Hàng Xóm Tốt

Hai ông hàng xóm trò chuyện với nhau, một ông nói: "Tôi rất tiếc là mấy con gà nhà tôi đã mổ sạch số hạt hoa vừa gieo trong vườn nhà bác".

Ông kia điềm tĩnh trả lời: "Chuyện vặt thôi mà. Nhân tiện bác cũng thứ lỗi cho, con chó nhà tôi cũng đã cắn chết mấy con gà ấy rồi."

- Không sao, bà nhà tôi đã lỡ cán chết con chó nhà bác bằng ôtô rồi.

- Tôi biết rồi, vì thế lúc tôi cưa cây tôi đã cưa thủng lốp xe của bà nhà.

- Vậy à! Nhân tiện tôi xin hỏi: nhà bác đã mua bảo hiểm hỏa hoạn chưa ạ !

Thursday, March 26, 2020

Suy Niệm Trong Ngày 26 tháng 3, 2020

Truyện ngắn Bằng Lòng Với Cuộc Sống

Bằng Lòng Với Cuộc Sống

Sau một thời gian cần cù và chắt chiu, một người đàn ông nọ đã trở thành người giàu có nhất trong ngôi làng nhỏ bé của mình.
Từ lúc mua đươc một con lừa, anh ta mới có ý nghĩ làm một chuyến đi xa cho biết đó biết đây. Anh đến một ngôi làng khác lớn hơn ngôi làng của anh. Một ngôi nhà thật đẹp và sang trọng đập vào đôi mắt của anh. Sau khi dò hỏi, anh biết được đó là ngôi nhà của người giàu có nhất trong làng.
Anh bèn trở về ngôi làng nhỏ bé của mình và quyết chí làm ăn, dành dụm để có thể may ra xây được một ngôi nhà đẹp hơn ngôi nhà mà anh vừa trông thấy ở ngôi làng bên cạnh. Không mấy chốc, tiền bạc dư dả, không những anh đã xây được một ngôi nhà sang trọng đẹp đẽ hơn mà còn mua được cả đàn ngựa và xe nữa.
Lần này, anh vượt qua các ngôi làng nhỏ để đến một đô thị lớn. Tại đây, đâu đâu anh cũng thấy những ngôi nhà đẹp và ngôi nhà nào cũng đẹp hơn ngôi nhà của anh. Anh nghĩ bụng: cho dẫu có lao nhọc cả quãng đời còn lại, anh cũng không tài nào có thể xây được một ngôi nhà đẹp như thế.
Anh bèn tiu nghỉu đánh xe quay lại ngôi làng cũ của mình. Nhưng rủi thay, xe gặp tai nạn, anh đành phải bỏ chiếc xe để leo lên lưng ngựa cố gắng chạy về ngôi làng cũ của mình. Nhưng dọc đường, vì mệt mỏi và đói lả, ngựa cũng lăn ra chết. Người đàn ông chỉ còn biết lủi thủi đi bộ về nhà.
Đêm đến, giữa sa mạc, anh nhìn thấy một ánh lửa bập bùng từ xa. Anh nấn ná tìm đến và khám phá ra túp lều của một vị ẩn sĩ. Vào trong túp lều, người đàn ông mới nhận ra rằng có lẽ trong đời anh, chưa bao giờ anh thấy có cảnh nghèo nàn cùng cực hơn.
Anh ái ngại nhìn nhà tu hành rồi thắc mắc: "Thưa ông, làm sao ông có thể sống được trong cảnh cùng cực như thế này?".
Nhà ẩn sĩ mỉm cười đáp: "Tôi bằng lòng với cuộc sống... Thế còn ông, xem chừng như ông không được thỏa mãn về cuộc sống của ông cho lắm".
Người đàn ông ngạc nhiên hỏi: "Sao ông biết tôi không được thỏa mãn?".
Nhà ẩn sĩ nhìn thẳng vào đôi mắt của người đối diện rồi thong thả nói: "Tôi nhìn thấy điều đó trong đôi mắt của ông. Đôi mắt của ông cứ chạy theo giàu sang, nhưng sự giàu sang không bao giờ đến với ông ... Ông hãy nhìn cảnh hoàng hôn. Ông có thấy những ánh sáng yếu ớt đang chiéu rọi trên cánh đồng không? Chúng tưởng mình đang soi sáng cả vũ trụ. Nhưng không mấy chốc, các ngôi sao mọc lên, và những tia sáng hoàng hôn biến mất. Những ánh sao tưởng chúng đang soi sáng cả bầu trời, nhưng khi mặt trăng vừa ló rạng, thì những ánh sao ấy cũng bắt đàu tắt ngụm. Vầng trăng sáng kia tưởng mình soi sáng cả trái đất, nhưng không mấy chốc, mặt trời mọc lên và mọi thứ ánh sáng của đêm đen đều biến mát. Nếu những thứ ánh sáng trên đây đều biết suy nghĩ về những điều ấy, thì có lẽ chúng sẽ tìm thấy nụ cười đã đánh mất".
Nghe câu chuyện ví von của nhà hiền triết, người đàn ông mở miệng mỉm cười, nhưng nỗi buồn vẫn còn thoáng trên gương mặt ông.
Vị ẩn sĩ tiếp tục câu chuyện: "Ông có biết rằng sánh với tôi, ông là vua không?". Người đàn ông tự nhiên so sánh căn nhà của mình với túp lều của vị ẩn sĩ. Nhưng đó không phải là điều mà vị ẩn sĩ muốn nói đến...
Ông cầm chiếc đèn đưa lên cao và mời người đàn ông đến gần bên mình.
Dưới ánh đèn, người đàn ông mới nhận ra rằng vị ẩn sĩ là người không còn ngay cả đôi chân để có thể di chuyển một cách bình thường.
Sưu tầm

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Tưởng Tượng

- Kẻ thù lớn nhất của tỉnh thức là gì?
- Nỗi sợ hãi.
- Nỗi sợ hãi từ đâu đến?
- Từ ảo tưởng.
- Ảo tưởng về điều gì?
- Tưởng rằng những bông hoa quanh mình là những con rắn độc.
- Thế thì làm sao con có thể đạt được tỉnh thức?
- Con hãy mở mắt để thấy.
- Thấy gì?
- Thấy rằng không có con rắn độc nào ở chung quanh con.

Truyện cười trong ngày

Đính Chính

Một tờ báo của Việt Nam trong bài viết có đăng tin: "50 phần trăm Quốc Hội Việt Nam không có học!".
Liền sau đó, tờ báo nhận được sự phản đối mạnh mẽ từ phía Việt Nam. Hôm sau tờ báo này viết đính chính lại: "Bản tin lần trước chúng tôi in bị sai sót, xin được đính chính lại như sau: "50 phần trăm Quốc Hội Việt Nam ... có học!"

Wednesday, March 25, 2020

Suy Niệm Trong Ngày 25 tháng 3, 2020

Đọc và suy ngẫm Đại Thụ và Cây Sậy

Đại Thụ và Cây Sậy

Tại một khu rừng nọ, có một cây đại thụ và một cây sậy mọc gần nhau đã từ nhiều chục năm. Đôi bên vẫn thường tâm sự qua lại mặc dù một bên thì sừng sững cao ngất trời xanh, một bên thì mảnh mai không quá đầu người. 

Một hôm, đôi bên luận bàn về sức mạnh của nhau. 

Sậy khiêm nhường nói: "Tôi biết thân phận bé nhỏ của tôi không bằng anh nhưng tôi nghĩ tôi an toàn hơn anh". 

Đại thụ nhìn xuống cây sậy cười ngạo nghễ: "Sao chú mày chủ quan tự tin thế. Anh to lớn thế này mà lại kém an toàn hơn chú à. Chú cho anh biết cái gì có thể quật ngã thân hình to lớn với gốc rễ thọc sâu vào lòng đất của anh. Ngoài ra, với chiều cao, anh có thể nhìn xa trông rộng, ngắm phong cảnh khắp nơi, hưởng gió mát trăng thanh mà chú mày chả bao giờ được hưởng". Rồi cây đại thụ cười ha hả khoái chí. 

Sậy ta biết thân, âm thầm số phận.

Tối hôm đó, một cơn giông tố thổi về với sấm sét ầm ầm rung chuyển đất trời. Muông thú sợ hãi tìm nơi trú ẩn. Cây cối nghiêng ngả, cành lá tả tơi gãy rụng vương vãi khắp nơi. 

Với chiều cao quá khổ, đại thụ chịu không nổi sức mạnh của phong ba bão táp, bật gốc nằm trơ trên mặt đất. Nhìn sang bên cạnh, nó thấy sậy vẫn đứng trên rễ, chỉ rụng bớt vài chục cánh lá. Ấy là nhờ sậy mọc thấp, uốn mình theo gió lại được các cây lớn hứng hết phũ phàng mưa gió, cho nên sau bão táp, nó vươn mình thẳng lên được. Đại thụ thở dài, ân hận về tính tự cao tự đại của mình, chào vĩnh biệt sậy, chờ thợ rừng tới cưa xẻ về dùng. Thông cảm, sậy nhìn sang ái ngại... chia tay.

Ở đời thiếu gì hoàn cảnh tương tự. Phúc đấy, hoạ đấy. Khi danh vọng lên cao thì dương dương tự đắc, coi trời bằng vung, mà khi xuống thấp thì lủi thủi như chó cụp đuôi. Giá mà có một chút khiêm cung, nhìn trước nhìn sau, nhận ra thiếu sót của mình để chấn chỉnh tu bổ thì chẳng hay lắm sao.

Khương Tử Nha xưa kia nhận xét: "Chớ thấy mình sang mà khinh người hèn; chớ thấy mình cao mà khinh người thấp; chớ cậy mình khôn mà gạt người dại; chớ cậy mình mạnh mà khinh kẻ yếu."

(Sưu tầm)

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Ý Thức Hệ

Một nhóm tranh đấu chính trị cố thuyết phục Thiền Sư:
- Với ý thức hệ của chúng tôi sẽ làm thay đổi toàn diện thế giới.
Thiền Sư chăm chú lắng nghe.
Ngày hôm sau Thiền Sư nói:
- Một ý thức hệ tốt hay xấu đều tùy vào con người sử dụng. Nếu một triệu con chó sói tụ tập lại để tranh đấu cho công lý thì có phải vì thế mà chúng không còn là một triệu con chó sói nữa chăng?

Truyện cười trong ngày

Làm Được Gì

Quan tòa không giấu nổi thái độ khó chịu hỏi bị cáo nhiều lần tái phạm:

- "Anh sống để làm gì? Anh đã làm được gì cho xã hội?"

Bị cáo thủng thẳng đáp:

- "Sao ông lại hỏi tôi như thế? Ông khiến tôi ngạc nhiên quá. Thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều người mất việc làm. Ông không thấy tôi luôn đem lại công việc cho cảnh sát và những người làm việc ở tòa án như ông hay sao?"

Tuesday, March 24, 2020

Suy Niệm Trong Ngày 24 tháng 3, 2020

Đọc và suy ngẫm Sáu giai đoạn của cuộc đời

Sáu giai đoạn của cuộc đời

Có những lúc con người hay lí sự hay nói cách khác là hay cãi cọ đối với những chuyện không đáng. Tuy nhiên, một khi con người già đi và sắp kết thúc một giai đoạn của sự tồn tại thì con người lại thấy cái gì cũng hợp lí, cái gì cũng có nguyên do của nó… Theo Khổng Tử, cuộc đời của mỗi người được chia làm 6 giai đoạn như sau:
• Giai đoạn 1: “Thập hữu ngũ nhi chí vu học” – nghĩa là 15 tuổi thì để hết tâm trí vào việc học; nói cách khác, thiếu thời cần tập trung vào việc tu dưỡng, xác định chí hướng và tích lũy kiến thức.
• Giai đoạn 2: “Tam thập nhi lập” – 30 tuổi lập thân, lập nghiệp, lập gia đình– đã trụ vững, có nghề nghiệp, việc làm, có khả năng nuôi sống bản thân và gia đình, đã xác định vị trí của mình trong xã hội.
• Giai đoạn 3: “Tứ thập nhi bất hoặc” – 40 tuổi không còn mê hoặc, đến tuổi này thì đã chín chắn, lịch duyệt; có kiến thức và kinh nghiệm phong phú, nên đối với những việc diễn ra trong xã hội có chính kiến rõ ràng, kiên định, không còn nghi ngờ (bất hoặc).
• Giai đoạn 4: “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh” – 50 tuổi thì biết rõ sứ mệnh của mình; đã nắm vững quy luật tự nhiên và xã hội, biết được xu thế của thời cuộc, nên công việc thường thuận lợi và dễ dàng đi đến thành công.
• Giai đoạn 5: “Lục thập nhi nhĩ thuận” – 60 tuổi thì không còn chướng tai gai mắt; do lý giải đúng căn nguyên của mọi việc diễn ra xung quanh và thấu hiểu nhân tình thế thái, nên dễ thông cảm và có thái độ khoan dung hơn – nhìn sự việc không còn thấy chướng tai gai mắt (thuận nhĩ); không như tuổi trẻ hiểu biết còn nông cạn, nên trước nhiều sự việc thường cảm thấy khó chịu, bực mình.
• Giai đoạn 6: “Thất thập nhi tòng tâm sử dục, bất du cửu” – Tới tuổi 70, cổ lai hy thì đạt đến cảnh giới đắc đạo tâm tính và đạo đã hợp nhất, mọi thứ đã thành bản năng nên nghĩ gì hay làm gì cũng đều hợp đạo, chẳng vi phạm phép tắc (bất du cửu = không vượt ra ngoài quy tắc).

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Khai Mở

Thiền Sư là người cổ võ cả Kiến Thức lẫn Minh Triết.
Khi được hỏi về điều đó, Thiền Sư trả lời:
- Kiến Thức có được bằng cách đọc sách hay lắng nghe các bài giảng thuyết.
- Còn Minh Triết?
- Bằng cách đọc một quyển sách.
- Quyển sách nào?
- Chính bản thân mình.
Sau khi suy nghĩ, Thiền Sư nói thêm:
- Đây không phải là việc dễ, vì mỗi phút trong ngày bản thân mình đều phát hành một ấn bản mới về quyển sách đó!

Truyện cười trong ngày

Cam Dai Bay

Một nữ du khách nước ngoài hỏi anh hướng dẫn viên:
– Tôi đã đến Việt Nam nhiều lần. Ở Việt Nam có hai vịnh rất nổi tiếng mà tôi đã tham quan, tiếng Anh gọi là là “Nha Trang Bay” và “Ha Long Bay”. Nhưng còn một vịnh tôi thấy quảng cáo rất nhiều, ở khắp nơi. Anh có thể dẫn tôi tham quan không?
Anh hướng dẫn viên tò mò hỏi:
– Xin bà cho biết tên của cái vịnh đó.
Bà khách chỉ lên dòng chữ trên một bức tường bên đường rồi bập bẹ đánh vần:
– Cam Dai Bay!

Monday, March 23, 2020

Suy Niệm Trong Ngày 23 tháng 3, 2020

Truyện ngắn Một nụ cười

Một nụ cười

Văn hào Pháp Antoine de Saint Exupéry là một phi công trong thời Đệ nhị thế chiến. Chính từ những năm tháng này mà ông đã viết ra truyện ngắn có tính tự thuật với tựa đề “Nụ cười” (Le sourire). Trong câu truyện, ông thuật lại việc ông bị quân Đức quốc xã bắt làm tù binh và bị đối xử một cách tàn bạo. Ông viết: “Tôi trở nên quẫn trí. Bàn tay tôi giật giật, cố gắng rút trong túi áo một điếu thuốc. Nhưng tôi lại không có diêm quẹt. Qua hàng chấn song nhà giam, tôi trông thấy một cai tù. Tôi gọi: “Xin lỗi, anh có lửa không?”...Anh ta nhún vai rồi tiến lại gần. Khi rút que diêm, tình cờ mắt anh nhìn vào mắt tôi. Tôi mỉm cười mà chẳng hiểu vì sao lại làm thế. Có lẽ vì khi muốn làm thân với ai đó, người ta dễ dàng nở một nụ cười. Lúc này dường như có một đốm lửa bùng cháy nhanh qua kẽ hở giữa hai tâm hồn chúng tôi, giữa hai trái tim con người. Tôi biết anh ta không muốn, nhưng do tôi đã mỉm cười nên anh ta phải mỉm cười đáp lại. Anh ta bật que diêm, đến gần tôi hơn, nhìn thẳng vào mắt tôi và miệng vẫn cười. Giờ đây trước mặt tôi không còn là một viên cai tù Phát xít nữa, mà chỉ còn là một con người. Anh ta hỏi tôi: “Anh có con chứ?” Tôi đáp: “Có” và lôi từ trong ví ra tấm hình nhỏ của gia đình mình. Anh ta cũng vội rút trong túi áo ra hình những đứa con và bắt đầu kể lể về những kỳ vọng của anh đối với chúng. Đôi mắt tôi nhòa lệ. Tôi biết mình sắp chết và sẽ chẳng bao giờ gặp lại người thân. Anh ta cũng bật khóc. Đột nhiên, không nói một lời, anh ta mở khóa và kéo tôi ra khỏi buồng giam. Anh lặng lẽ đưa tôi ra khỏi khu vực thị trấn chiếm đóng, thả tôi tự do rồi quay trở về. Thế đó, cuộc sống của tôi đã được cứu rỗi chỉ nhờ một nụ cười” (x. Hanoch McCarty, Short Stories to warm the heart).
Nếu có một lúc nào đó trong đời, bạn gặp một ai đó không cho bạn được một nụ cười như bạn đáng được nhận, thì bạn hãy quảng đại mà nở một nụ cười với người đó. Bởi lẽ không ai cần đến nụ cười cho bằng người không bao giờ biết cười” (Khuyết danh).
Dĩ nhiên, cười cũng có 36 vạn cái cười khác nhau. Có cái cười phải trả bằng cái giá của cả một đế quốc như cái cười của nàng Bao Tự thời Đông Chu liệt quốc. Có cái cười của bạo chúa Nero khi cho nổi lửa đốt thành La Mã để có cái cớ bách hại các tín hữu Kitô tiên khởi...Gần đây, có cái cười chỉ có thể làm cho thế giới văn minh muốn nôn mửa đó là cái cười của những tên khủng bố người Nam Dương khi ra trước tòa để bị xét xử vì tội đặt bom sát hại những người vô tội.
Nhưng loại bỏ những cái cười ngạo nghễ, độc ác và điên cuồng ấy đi, người ta thấy nụ cười nào cũng đều là gạch nối tự nhiên giữa con người với nhau. Cười là muốn đi vào cái phần sâu thẳm nhứt của tâm hồn mà không gì có thể đạt tới được. Cười có sức tước đoạt mọi vũ khí tàn độc nhứt trong con người. Bên dưới cái vỏ ngụy tạo của mỗi người là một “cung thánh” bất khả xâm phạm. Đó là nơi duy nhứt để gặp gỡ nhau, liên kết với nhau bên kia ranh giới của hận thù, đố kỵ, sợ hãi hay chiến tranh. Chính nơi đây mà văn hào Saint Exupéry và người cai tù Phát xít đã gặp nhau và gặp nhau nhờ một nụ cười.
Tác giả Hanoch McCarty, khi bình về truyện ngắn “Nụ cười” của Saint Exupéry, đã nêu lên câu hỏi: “Tại sao chúng ta cười khi gặp một bé thơ?” Và tác giả đã trả lời: “Có lẽ vì chúng ta thấy được một tâm hồn tinh sạch không vướng mắc trong bất cứ một lớp vỏ bọc nào. Chúng ta biết và cảm thấy nụ cười của trẻ thơ là một nụ cười chân thực, không lừa dối và tâm hồn trẻ thơ trong chính chúng ta mỉm cười đáp trả một cách say sưa”.
Nụ cười chân thực luôn có tính lây lan.Thấy ai đó cười một cách chân thực, chúng ta không thể không cười đáp trả. Tôi thường nghĩ đến nụ cười của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng. Nhìn ngài, tôi mới hiểu được hình tượng của Phật Di Lặc. Tôi cho rằng với Phật Giáo, đời không chỉ là bể khổ. Đời cũng đáng để vui hưởng, để cười và để trao cho nhau nụ cười hơn là thù hận hay buồn phiền.
Nhìn nụ cười của Đức Đạt Lai Lạt Ma, tự dưng tôi cũng muốn làm một phật tử. Dĩ nhiên theo cách thế của tôi hay ít ra theo tinh thần của nhà lãnh đạo tinh thần này. Cuộc sống có quá nhiều phúc lành cần được vui vẻ đón nhận và chia sẻ với mọi người. Ngay cả bệnh tật, xét cho cùng, cũng là một phúc lành. Nhờ nó mà ta biết cảm thông với người khác hơn. Nhờ nó mà ta cũng biết cảm thông với bản thân hơn. Và dĩ nhiên, cũng nhờ nó mà ta được tôi luyện để biết mỉm cười với cuộc đời.

Chu Thập

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Chuộc Lỗi

Một người đàn ông gặp nhiều khó khăn trong đời sống vợ chồng đến thỉnh ý Thiền Sư.
Thiền Sư trả lời:
- Bạn hãy tập lắng nghe vợ nói.
Ông ta ghi nhớ trong lòng lời chỉ bảo của Thiền Sư và một tháng sau, ông trở lại nói rằng đã tập lắng nghe từng lời vợ nói.
Với một nụ cười, Thiền Sư bảo:
- Giờ đây bạn hãy trở về nhà và lắng nghe từng lời mà vợ bạn không nói.

Truyện cười trong ngày

Liên tưởng

Hai ông “tiến sĩ giấy” nói chuyện với nhau:
– Theo cậu, câu “chín bỏ làm mười” nói về chuyện gì?
– Về chuyện chạy điểm.

Sunday, March 22, 2020

Suy Niệm Trong Ngày 23 tháng 3, 2020

Truyện ngắn Không có gì là rác cả

Không có gì là rác cả


Sống sót trở về sau chiến tranh tàn khốc giữa thập niên bốn mươi, Soko Morinaga tìm về căn nhà cũ, trực diện với những khó khăn và mất mát tận cùng của đời người. Cha mẹ không còn, anh chị em phân tán, nhà cửa, tiền bạc bị tịch thu. Ông cố ngoi lên bằng ý chí trở lại học đường nhưng đành chào thua vì cuộc vật lộn cam go, có khi bao tử thường xuyên lên tiếng kêu khóc.
Giữa quạnh hiu đổ nát cả thân và tâm, một sự mầu nhiệm kỳ diệu nào đó đã dẫn bước chân vô định của Soko tới trước cửa chùa Daishuin ở Tokyo. Ngước nhìn mái chùa rêu phong, lưỡng lự đôi ba phút rồi Soko mạnh dạn gõ cửa. Người mở cửa chính là Đại sư Zuigan Goto. Soko ngỏ lời xin được đại sư thâu nhận làm đệ tử. Đại sư chỉ hỏi một câu duy nhất :
- Ngươi tin ta chứ ? Nếu không tin ta thì có ở đây bao lâu cũng chẳng học được gì, phí công ta thôi.
Soko trả lời :
- Con xin hết lòng tin tưởng
Đại sư mở rộng cửa, lạnh lùng truyền :
- Theo ta.
Soko líu ríu theo vào. Tới góc sân, đại sư chỉ cây chổi tre, ra lệnh :
- Quét dọn vườn.
Trước khi cầm chổi, Soko quỳ xuống bái tạ đại sư đã thâu nhận mình.
Công việc quét vườn thì có chi là khó, Soko hăng hái quét... quét… và quét. Không bao lâu đã gom được đống rác cao nghệu đầy đất, sỏi, đá vụn và lá khô. Dừng chổi, Soko lễ phép hỏi :
- Bạch thầy, con phải bỏ đống rác này đi đâu ạ ?
Bất ngờ, đại sư quát lên :
- Rác! người nói gì? Không có gì là rác cả!
Soko ngẩn ngơ nhìn đống chiến lợi phẩm, không hiểu, đây không là rác thì là gì? Còn đang lúng túng thì đại sư lại bảo :
- Vào nhà kho kia lấy cái bao lớn ra đây.
Khi Soko tìm được cái bao mang ra thì thấy đại sư đang dùng hai tay, gạt đám lá khô sang một bên. Ông lại bảo :
- Mở rộng miệng bao ra.
Soko tuân lời, lẳng lặng theo dõi thầy đại sư quơ từng ôm lá, bỏ vào bao, thỉnh thoảng lại giậm giậm cho lá xẹp xuống. Cuối cùng, những lá khô trong đống rác đã được nhồi vào bao, cột lại. Soko lại nghe lệnh truyền :
- Đem bao lá này vào nhà kho, để dành đun nước tắm.
Vừa vác bao lá trên vai, Soko vừa nghĩ :
- Còn đống đất đá, không phải rác thì dọn đi đâu ?
Ấy thế mà khi ở nhà kho ra, Soko thấy đại sư đang lượm những viên sỏi, đá vụn ra. Trước vẻ ngẩn ngơ của Soko, ông vừa hỏi, vừa sai :
- Có thấy hàng hiên ngay dưới máng xối kia không ? Có thấy những chỗ bị nước mưa xoáy lồi lõm không ? Đem những sỏi, đá vụn này trám vào những chỗ đó.
Soko vừa làm, vừa thán phục thầy mình, vì quả thật, sau khi trám, không những chỗ lồi lõm bằng phẳng mà còn đẹp hẳn lên nữa.
Bây giờ, đống rác (theo Soko) chỉ còn lại đất và rêu. Lần này thì chắc chắn phải hốt, đổ đi rồi. Nhưng kinh ngạc biết bao khi Soko quay lại sân, thấy thầy mình thong thả nhặt từng miếng đất, từng tảng rêu trên tay, rồi chậm rãi nhìn quanh, tìm những khe tường nứt, những chỗ lõm nhỏ trên mặt đât, từ tốn trám vào.
Bây giờ thì đống rác không còn đó. Nhưng cũng không phải là vật phế thải vô dụng gom quẳng đi đâu. Mỗi loại rác, nếu biết tận dụng, sẽ lại trở thành hữu ích.
“Không có gì là rác cả” là bài học đầu tiên đại sư Zuigan Goto dạy cho người đệ tử vừa thâu nhận, sau này chính là Thiền sư Soko Morinaga nổi tiếng của xứ Phù Tang. Viện trưởng Đại học Hanazono, thuộc tông Lâm Tế Nhật Bản.
“Không có gì là rác cả !” tuy đơn giản mà bao hàm một thông điệp về triết lý duyên khởi. Trong rác có hoa và trong hoa có rác, rác chính là hoa và hoa chính là rác. Nhờ thấy được sự thật này nên không hề có sự loại bỏ, đối kháng và mâu thuẫn mà hoàn toàn nhuần nhuyễn, tùy thuận, các pháp cùng nương vào nhau để tồn tại và phát triển.
Hãy nhìn thật kỹ, thật sâu sắc vào những bất đồng, những việc không như ý và tất cả những gì được gọi là xấu xa, đáng loại trừ, vứt bỏ… “Nhìn” cho đến khi nào nhận ra “Không có gì là rác cả !” để ôm ấp, bao dung và tận dụng hết thảy thì cuộc sống này đẹp biết dường nào !

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Ý Nghĩa

Lần kia các đệ tử tập trung tranh luận về lợi ích của việc đọc sách. Có người cho đó là việc mất thời giờ, người khác nói ngược lại.
Khi được hỏi ý kiến, Thiền Sư trả lời:
- Có bao giờ các con đọc được một văn bản mà những ghi chú bên lề của một độc giả lại có ý nghĩa hơn chính văn bản không?
Các đệ tử gật đầu đồng ý.
Thiền Sư nói:
- Cuộc sống được xây dựng trên những ghi chú bên lề này.

Truyện cười trong ngày

Hàng xóm thế đấy

Trong phiên tòa xét xử vụ cướp của giết người, quan tòa hỏi nhân chứng là hàng xóm của nạn nhân:
– Thế tức là anh có nhìn thấy bọn cướp bóp cổ ông hàng xóm của anh không?
– Thưa tòa, nhìn thấy ạ.
– Anh khẳng định?
– Chắc chắn ạ!
– Vì sao anh không xông tới giúp?
Nhân chứng thản nhiên đáp:
– Tôi cũng định vào trợ giúp nhưng thấy bọn cướp tự giải quyết được nên tôi quyết định không can thiệp nữa.

Saturday, March 21, 2020

Suy Niệm Trong Ngày 21 tháng 3, 2020

Đọc và suy ngậm Điều đáng sợ nhất trong cuộc sống

Điều đáng sợ nhất trong cuộc sống
o 0 o

Điều đáng sợ nhất trong cuộc sống không phải là cái chết, mà là bị lãng quên, bị xem
... là hạt bụi sau những vầng hào quang rực rỡ
…là khi người bạn yêu dấu nhất từ bỏ tấm chân tình của bạn để chạy theo những điều hư ảo
…là khi người thân quá bận rộn với cuộc sống đã không thể an ủi bạn khi bạn cần được nâng đỡ tinh thần
…là khi dường như không còn ai trên cõi đời này quan tâm tới bạn.
Cuộc đời ai không trải qua đắng cay! Liệu có bao giờ con người ta trở nên độ lượng hơn với chính mình?
Bao giờ con người mới biết quan tâm người khác và giành chút thời gian cho sự giúp đỡ
Mỗi người chúng ta đều có những vai diễn trên sàn diễn vĩ đại của cuộc đời.
Mỗi chúng ta đều có trách nhiệm với những người xung quanh, nói với họ rằng chúng ta yêu mến họ…
Nhưng nếu bạn không quan tâm tới mọi người thì cũng chẳng sao đâu… bạn chỉ bị lãng quên, hững hờ… y như bạn đã từng đối với người khác…

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Không Lay Chuyển

Thiền Sư la to khi gặp lại người bạn thuở nhỏ:
- Trời ! Sao bạn già quá vậy.
Người bạn đáp:
- Người ta không thể ngăn tôi già đi, phải không?
Thiền Sư đáp:
- Đúng vậy. Nhưng chúng ta nên tránh việc trở nên già nua.

Truyện cười trong ngày

Cảnh sát trẻ “hoang tưởng”

Một sĩ quan cảnh sát trẻ mới nhận nhiệm vụ đi tuần tiễu cùng với người đồng nghiệp già đầy kinh nghiệm. Đột nhiên, có một cú điện thoại gọi đến yêu cầu họ giải tán một số người đang lảng vảng ở khu vực.
Hai người sĩ quan lái xe ra phố và quan sát thấy một đám đông nhỏ đứng ở góc phố. Tay nhân viên công lực mới hạ cửa sổ xuống, trỏ dùi cui điện hét lớn:
– Biến ngay khỏi chỗ này!
Vài người liếc nhìn, nhưng không ai di chuyển cả. Nóng tiết anh ta lại gào to hơn:
– Biến khỏi góc phố đó… ngay! Muốn bị phạt vì gây cản trở giao thông hả?
Nhóm người bắt đầu lục tục bỏ đi. Hãnh diện về hành động của mình, người cảnh sát trẻ quay sang người đồng nghiệp già và hỏi:
– Thế nào, tôi làm việc cũng đầy uy lực đấy chứ?
Người cảnh sát già mỉm cười:
– Ồ khá tốt! Chỉ có điều đó là điểm chờ xe buýt.

Friday, March 20, 2020

Suy Niệm Trong Ngày 20 tháng 3, 2020

Truyện ngắn - Bầu trời sau ô cửa

BẦU TRỜI SAU Ô CỬA

Xung quanh cuộc sống, tôi bắt gặp những câu chuyện hay và đẹp về cuộc đời như câu chuyện về cô bé Hải An – thiên thần ánh sáng đã hiến giác mạc của mình để đem lại niềm hi vọng ánh sáng cho cuộc đời khác trước khi em phải xa rời thế giới này, là câu chuyện một bệnh nhân 15 tuổi bị suy tim đã được cứu sống sau nhiều nỗ lực của các chuyên gia y tế và bác sĩ để vận chuyển một trái tim từ Hà Nội vào Huế. Người hiến tim là một thanh niên rất trẻ, không may bị tai nạn và rơi vào trạng thái chết não. Ở thời điểm đó gia đình anh đã quyết định hiến toàn bộ nội tạng. Mỗi câu chuyện cuộc đời đều rất đẹp lan tỏa tình yêu thương đến mọi người. Nhưng khi bắt đầu tham dự cuộc thi tôi lại nhớ đến và muốn viết về một câu chuyện thật gần gũi, thật giản dị và cũng vô cùng trong sáng. Câu chuyện về một cậu bé tự kỷ cũng là học trò của tôi.

(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời - Lần 2")

***

Cách đây khoảng hai năm, lúc đó tôi là một cô giáo khá trẻ. Tôi được giới thiệu nhận dạy một bạn học sinh tại nhà và chăm sóc bạn ý luôn. Lúc mới đến, hình ảnh đập vào mắt tôi là một cậu bé tự kỷ tên M, M chưa có ngôn ngữ. Hàng ngày bạn ý hay đứng bên khung cửa sổ ngước nhìn dòng người qua lại.
Công việc dạy và chăm sóc M là một trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời của một cô giáo trẻ như tôi. Sáng sáng một trong những việc của tôi là dẫn M đi đến công viên gần nhà. Trên con đường đến công viên đi qua một khu chợ, nơi có rất nhiều người, việc của tôi và M là ngày ngày cứ đi qua đó. Tôi bắt gặp bao ánh mắt nhìn mình, người như cảm thông cũng không ít người hoài nghi nghĩ tôi đang bắt cóc trẻ con.

Đôi lần tôi cũng muốn có người hỏi han học sinh của mình một chút bởi việc ra ngoài của hai cô trò là muốn M hòa nhập, tiếp xúc với bên ngoài nhiều hơn. Nhưng nhiều lần cũng chả có ai quan tâm đến chúng tôi mà chỉ nhìn. Dường như mọi người vẫn cón ái ngại và chưa biết tôi và M là thế nào.

Tôi nhớ có một lần khi đi qua khu chợ một bác bán gạo thấy tôi và M thì vui vẻ, tươi cười hỏi han, tôi cũng cười, chào đáp lại bác. Bỗng nhiên khi tôi và M đang dừng lại thì bất ngờ cậu bé lấy tay vẩy vào thúng gạo của bác, làm gạo tung tóe ra khắp mặt đường. Khuôn mặt bác bán gạo bỗng biến sắc, từ vui vẻ trở nên tức giận. Tôi cũng ái ngại xin lỗi bác và vội kéo M đi trong con mắt của biết bao người ở gần đó đổ dồn vào. Vậy thì còn ai dám gần M nữa? Tôi tự hỏi.

Sau đó, tôi dẫn M đến công viên nơi đó có khá nhiều người, đó là các bác trung niên đến tập thể dục. Hồi đó tôi ấn tượng với nơi này. Một công viên nhỏ nhỏ nhưng lại là nơi tôi chứng kiến nhiều cuộc đời.

Các bác trung niên hay ngồi trên ghế đá truyện trò, cùng nhau hát, có lần M cũng ngồi cùng trên ghế đá ấy. Có Bác thấy M thì vừa hát vừa đung đưa theo điệu nhạc và nhìn M vui vẻ. M vẫn nhìn chung quanh với ánh mắt vô hồn của một cậu bé tự kỷ. Dường như có điều gì đó ngăn M đến với mọi người.

Có đôi ba cô bé, cậu bé nhỏ tuổi hơn M nhìn thấy M thì không dám lại gần, có chị có con nhỏ thấy M thì sắc mặt cũng không mấy vui vẻ. Ngồi với M một lúc trên ghế đá cùng mọi người, tôi lại cùng M đi ra chỗ khác. Hai cô trò cứ lang thang hết công viên nho nhỏ ấy cả 2 tiếng buối sáng rồi lại về học.

Công viên lúc sáng sớm không chỉ nhộn nhịp mà không khí cũng thật thoáng đãng. Thi thoảng tôi lại nhìn M đang cúi gằm mặt xuống những cánh hoa nhỏ xinh, tay nắm những chiếc lá xanh mơn mởm. M vốn ít khi ngẩng mặt lên mà hay cúi như vậy.

Cả công viên có một bác trung niên là gần gũi với tôi và M hơn cả. Bác và tôi thi thoảng gặp nhau là lại nói chuyện về các bạn nhỏ tự kỷ và về cuộc sống. Có lúc bác bảo hai cô trò ngồi vào đây. Bác hay nhìn ra phía xa, dáng vẻ đạo mạo như một bà tiên hay chí ít cũng có dáng vẻ của một người mà theo tôi là có hiểu biết và lòng yêu thương. Bác hỏi tôi về M: M mấy tuổi? M đã nói được chưa? Lần nào gặp bác tôi cũng như "vớ được vàng" vì bác là người duy nhất quan tâm, hỏi han nhiều đến hai cô trò và theo tôi bác có thể giúp cậu bé gần gũi hơn với mọi người ở công viên đó. Bác bảo tôi:

- Nếu có con thế này thì người mẹ phải biết hi sinh! Hi sinh cả công việc và mọi thứ để giúp cậu bé hòa nhập. M đẹp trai , sống mũi cao, mặt mũi thông minh nhưng đôi mắt buồn vô hạn!

Nghe bác nói tôi cũng hơi giật mình. Bấy giờ tôi mới để ý đến đôi mắt của M. Đôi mắt màu nâu như một khoảng trời mênh mông trừ những lúc M thật sự vui còn những lúc khác trông khá buồn.

Ở công viên, có một bác sáng nào cũng rất chăm chỉ tập thể dục, lúc tôi ra đã thấy bác say sưa, có lúc trên mặt lấm tấm mồ hôi và có lần, tôi thấy bác nhìn M cười. Một bác bảo tôi:

- Bà này chắc bị thần kinh hay làm sao đấy, tập thể dục gì mà cả một buổi sáng không nghỉ?

Lúc đó, tôi cũng chỉ biết im, nghĩ bác nói đúng. Lần khác, tôi ngồi cùng với bác trung niên hay quan tâm đến tôi và M. Bác bảo tôi:

- Bác kia đang bị bệnh nan y sắp chết cháu ạ! Bác ý đang tập khí công để mong khỏi bệnh.

Tôi khá bất ngờ khi bác nói vậy và tôi tin lời bác hơn vì tôi thấy bác cũng hay truyện trò với bác đang tập thể dục. Cùng một con người nhưng mỗi người lại có những nhận xét khác nhau. Chỉ có sự gần gũi, nói chuyện mới giúp người ta hiểu hơn và cảm thông về nhau. Cũng như M, cậu học trò của tôi, nếu những ai chưa hiểu sẽ thấy M khác biệt và không muốn đến gần bạn ý.

Tôi thích nhất là được nắm tay M trên những đoạn đường vắng chỉ có hai cô trò. Nơi chúng tôi không chịu những định kiến hay phán xét từ người khác. Nơi đó thật đẹp, đó là một con đường tắt, thi thoảng tôi dẫn M đi qua như một quãng nghỉ để cả hai cô trò thấy thoải mái. Trên con đường ấy, có những chùm hoa ở ven đường đung đưa trong gió và nắng của sớm mai. Tôi thích ngắm những chùm hoa ấy, thi thoảng vặt một bông đưa cho M, cậu bé cũng có vẻ thích thú. Tôi và M lại tung tăng trên đường.

Câu chuyện của M – một cậu bé tự kỷ khá nặng và những em nhỏ tự kỷ khác khiến tôi suy ngẫm khá nhiều. Cuộc đời của các bạn ý sẽ ra sao nhất là khi bố mẹ già đi hay không còn ai chăm sóc? Đó cũng là câu hỏi của những phụ huynh và những ai quan tâm đến các bạn ý. Có lần, lần đầu tiên tôi dẫn M đi ăn phở. Cậu bé chẳng thể nào ngồi im được một chỗ khi bước vào một thế giới lạ lẫm và kích thích đầy các giác quan. M nghịch cái này, vớ cái nọ, làm tôi cũng "trở tay không kịp". Chủ quán vội ném cho tôi một cái nhìn sắc lạnh như muốn mời hai cô trò ra khỏi quán của họ. Tôi bảo:

- Chị cho em phở vào túi để em mang về nhé!

Rời quán, tôi khá bực với thái độ của chị chủ quán đó và đưa M về nhà. Xung quanh M và các em nhỏ tự kỷ còn biết bao người chưa hiểu và định kiến như vậy?

M là một cậu bé gây ấn tượng cho tôi bởi M không chỉ thông minh chơi điện tử giỏi, thích lật những trang sách như đang muốn đọc, M còn là một cậu bé giàu tình cảm. Có lần tôi nổi nóng mắng bạn ý, M khóc và nhìn tôi. Lúc đó, tôi lại vội vàng lau nước mắt của M và ôm cậu bé vào lòng. Lúc bố M về, bạn ý chạy lại rụi vào lòng bố khóc như muốn mách, tôi chỉ biết im lặng và bố M cũng không nói gì.

M thích đứng ở cửa sổ ngắm dòng người qua lại....Hình ảnh đó của M cứ khiến tôi thi thoảng lại nhớ đến. Tôi thấy buồn và thương M. Gía như cũng như nhiều phụ huynh khác nếu gia đình có thể kịp thời phát hiện dấu hiệu của con lúc khoảng 1 tuổi và can thiệp tích cực thì có lẽ sẽ ít hơn hoặc không có những câu chuyện như M.

Nếu như M là một cậu bé như bao bạn nhỏ khác nhỉ? Có lúc tôi đã nghĩ vậy. M sẽ là một cậu bé tuyệt vời vừa thông minh lại tình cảm. Bạn ý còn có nước da rất trắng và đẹp, sống mũi cao mà khó tìm thấy ở một cậu bé khác.

Câu chuyện của M có nhiều điều khiến tôi phải nghĩ. M có một cô em gái đáng yêu, khá tinh ranh. Cô bé đó rất quý cô giáo của anh trai và tôi cũng quý em M. Nhưng cứ thi thoảng M lại gần là cô bé lại đánh anh mình một cái. Có lẽ cô bé không muốn M đến lại gần, sợ sẽ tranh mất đồ của mình. Có lúc tôi bắt gặp mẹ M đã quát khiến cô bé bật khóc vì đã làm đau anh. Những người anh em của các bạn nhỏ tự kỷ cũng gặp những khó khăn và stress khi có anh, chị mình như vậy. Nhưng điều tôi hi vọng là sau này cô bé sẽ yêu quý và giúp đỡ anh trai mình khi cả hai lớn lên.

Trong gia đình M, tôi cảm nhận bố M là người yêu quý bạn ý nhất. Lúc ăn cơm anh hay làm trò để con cười nhưng cũng có lúc về nghỉ trưa anh đóng sầm cửa lại mặc cho M đòi bố ở ngoài. Có lần tôi và M đang ở khu chợ. Bà M đi qua hỏi một câu rồi lại phóng xe vù đi, mẹ bạn ý yêu quý con nhưng cũng có lúc bận bịu với công việc...Đôi khi, tôi thấy M thật cô đơn trong chính căn nhà của mình.

Lúc đó còn trẻ, tôi có khá nhiều câu hỏi đặt ra mà không tìm được câu trả lời. Giờ đây, sau hai năm khi viêt những dòng này tôi mới dần nhận ra. Gia đình và mọi người có thể yêu quý M vì ít ai đã lại thờ ơ trước một cậu bé tự kỷ, lại không nói được nhưng những khó khăn, rối loạn về hành vi là một trong những rào cản ngăn bạn ý với thế giới bên ngoài và cả những người thân. Hành trình gia đình can thiệp cho các bạn ý cũng là một hành trình tốn nhiều công sức, tiền của và cả những hi sinh. Làm gì để giúp M? Chỉ có cách là cha mẹ và cộng đồng, xã hội cần có kiến thức và thấu hiếu các bạn ý bằng cả một tình yêu thương vô điều kiện.

Quay lại câu chuyện của M, lại liên quan đến một người nữa là chính tôi, cô giáo của bạn ý. Tôi là một giáo viên bình thường như bao giáo viên khác hỗ trợ các em nhỏ đặc biệt. Tôi khá yêu các bạn ý, say mê, mải mê với công việc. dạy M rồi tôi lại nhận dạy một, hai bạn ở xa. Phần vì muốn có thêm thu nhập, phần vì thương những học trò ở xa mà tôi không nỡ lòng bỏ.

Trong một buổi sáng dạy M, tôi thấy mình xuất hiện một cơn chóng mặt. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy cả thế giới quanh mình nghiêng theo. Lúc đó, tôi nghĩ mình không sao cả. Buổi sáng, tôi thường phải dậy sớm cho bắt kịp chuyến xe đến nhà M.

Dần dần những cơn chóng mặt ngày càng nhiều lên. Buổi tối trong khi mọi người vui vẻ bên gia đình thì tôi thấy cả con đường trước mặt và ánh sáng từ những ngọn đèn chiếu xuống như cũng loạng choạng theo. Một hai tháng sau, tôi thường xuyên đi làm muộn và cuối cùng phải xin nghỉ làm sau bốn tháng gắn bó với bạn ý.

Nghỉ dạy M rồi, tôi phải nghỉ luôn cả dạy ở chỗ khác. Sức khỏe của tôi chưa bao giờ tồi tệ đến thế, có người bảo sao mà tôi xanh xao như thiếu máu vậy? Có lẽ do tôi đã mải dạy mà quên mất cả việc chăm sóc sức khỏe. Đắn đo mãi tôi quyết định thu dọn hành lý ở Hà Nội và trở về nhà trong sự tiếc nuối nơi tôi đã sáu năm gắn bó.

Về nhà lại là những cơn chóng mặt hành hạ, tôi đã phải vô cùng cố gắng mới vượt qua được giai đoạn đó. Có lúc, nằm trên giường tôi chỉ ước mình được nghe tiếng chim hỏi líu lo bên hiên nhà như bao người. Hết xuân, hạ rồi lại thu đông. Tôi thấy mình chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh như vậy. Trong khi mọi người vui vẻ với công việc, bạn bè thì tôi mệt mỏi vì ốm. Giữa cái nắng chói chang của mùa hè có lúc tôi còn không cảm nhận được đây có phải là mùa hè hay không khi cơ thể yếu và mệt.

Tôi chỉ ước mọi thứ sẽ trôi qua, có lúc tôi thấy tuyệt vọng và rồi lại cố gắng từng ngày hết uống thuốc lại ăn uống tập luyện. Nhiều lúc tôi muốn từ bỏ nhưng hình ảnh của M và học trò khác lại hiện lên làm động lực cho tôi cố gắng. Ban đầu, tôi không thể đi được vài bước ra khỏi giường rồi dần dần tôi mới có thể đi lại tốt hơn. Sau đó một năm tôi có thể bắt xe ra Hà nội đi học là cả một kì tích. Một ngày hai ngày rồi đã hai năm trôi qua, mọi thứ với tôi mới dần dần thay đổi và biến cố ấy như một giấc mộng tôi chưa bao giờ nghĩ tới và không dám nghĩ lại.

Trong thời gian ốm đau đó, tôi như đứa thất nghiệp. Không có việc gì làm, tôi lên mạng tìm những cơ hội. Tôi tham gia hai cuộc thi cho những giáo viên giáo dục đặc biệt và đều dành được học bổng, cùng với đó là giấy chứng nhận trong một cuộc thi viết về giáo dục của VTV7 tổ chức. Cuộc sống của tôi dần dần thay đổi, nó như một bước ngoặt. Từ một giáo viên bình thường, thậm chí như rơi xuống vực thẳm tôi lại đạt được thành tích và được nhiều người chú ý và biết đến hơn. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc, tôi đã cố gắng vượt qua khó khăn và lại tiếp tục đồng hành cùng các bạn ý dù cho có những lần đã muốn từ bỏ.

Câu chuyện không dừng ở đó, một lần đi thực hành trong một khóa học bên trường sư phạm. Tôi đến thực tập ở một ngôi trường. Lạ thay, tôi lại gặp M, cậu học trò ngày nào mình đã từng nắm tay. M cũng bất ngờ khi nhìn thấy tôi, cậu bé dừng lại một chút. Tôi cũng nhìn lại M.

Buổi trưa khi ra ngoài hành lang bất chợt tôi thấy M chạy ra. Cậu bé đứng im nhìn tôi như muốn nói điều gì. Giữa sự ồn ào của một ngôi trường hòa nhập cho các bạn học sinh khuyết tật lại có một không gian yên tĩnh đến lạ lùng. Tôi đứng im trong bóng tối và sự im lặng nhìn M. Hành lang vắng lặng chỉ có hai cô trò. Học sinh cũ của mình đó ư? Tôi muốn chạy lại ôm bạn ý vào lòng. Nhưng không dường như có một điều gì ngăn tôi lại không cho tôi đến lại gần cậu bé. Là tôi ngại ngùng hạy bản thân rụt rè. Tôi cũng không biết nữa.

Sau đó, có tiếng gọi của cô giáo: M ơi vào lớp! Cậu bé vẫn đứng im, cô giáo vội chạy ra và kéo M vào. Hình ảnh đó khiến tôi nhớ mãi. Nếu như bây giờ, có lẽ tôi nên đến bên bạn ý ôm, xoa đầu hoặc chí ít hỏi han vài câu. Nhiều lần tôi tự trách mình: - Tôi đã từng là cô giáo của M vậy mà không làm được điều đó, vậy thì tại sao tôi lại trách người khác được khi không đến gần M.

M hay đứng ở bên ô cửa sổ ngước nhìn dòng người qua lại nơi đó còn có một cây cao và nở hoa trắng muốt. Thi thoảng, tôi đứng gần M lấy tay đón những cánh hoa đưa cho bạn ý. M khẽ nở nụ cười và cùng tôi ngước nhìn những bông hoa trắng. Tôi ước những bông hoa cứ nở mãi bởi đó là khoảng trời của riêng bạn ý.

Sau khi nghỉ dạy M, tôi cũng tích cực học hỏi nhiều hơn vì trong thời gian đó tôi thấy mình cần phải trau dồi nhiều hơn nữa mới giúp được M và cả những bạn nhỏ tự kỷ khác nữa. Tôi nghĩ mình là giáo viên dạy M thì không nên ngại ngần mà cần giúp mọi người hiểu hơn về các bạn ý. Tôi vẫn đi trên con đường của mình và cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày, chia sẻ những điều mình biết về thế giới của các bạn ý đến mọi người. Công việc nhỏ bé và thầm lặng vậy thôi nhưng nó khiến tôi vui.

Câu chuyện của M và tôi dung dị vậy thôi nhưng tôi cũng thầm cảm ơn. Cảm ơn M một cậu bé tự kỷ, không nói được nhiều nhưng giàu tình cảm cho tôi những bài học, chiêm nghiệm trong cuộc đời mình. Đi cùng M tôi hiểu hơn về thế giới của các bạn ý. Tôi biết yêu thương, chú ý đến bản thân nhiều hơn. Nếu không có khó khăn của ngày hôm qua liệu có tôi của ngày hôm nay, mạnh mẽ và trưởng thành hơn trong suy nghĩ?

Nhắm mắt lại, tôi thấy M và tôi tung tăng trên con đường ngày nào, lần này có lẽ cả hai cô trò bớt ngại ngùng hơn. Tôi thấy M cười và tôi cũng vậy! Bất chợt tôi nghĩ đến những câu hát trong bài hát nói về suy nghĩ của những em nhỏ tự kỷ:

Mẹ cho con đi chơi, đừng bắt con ở nhà
Mẹ cho con nghe nhạc, cùng con học đàn nha
Mẹ cho con gặp bạn, cho con tới học cô
Con muốn chơi với cún, muốn bơi cùng với ba
Nhiều lúc con quên, nhiều khi ăn chậm
Mẹ gọi không thưa, biết mẹ lo lắng
Chẳng thể nói ra, con luôn yêu mẹ
Chỉ biết ôm mẹ, thiên thần của con!

Nắng ban mai
nguồn: truyenngan.com

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Ưu Tiên

Thiền Sư hoan nghênh những tiến bộ kỹ thuật, cho dù Thiền Sư rất biết rõ về những giới hạn của kỹ thuật. Khi một kỹ nghệ gia hỏi Thiền Sư làm nghề gì, Thiền Sư trả lời:
- Tôi hoạt động trong kỹ nghệ nhân sinh.
Kỹ nghệ gia hỏi:
- Xin thầy cho biết thầy muốn nói điều gì?
Thiền Sư đáp:
- Lấy thí dụ trường hợp của ông. Những cố gắng của ông nhằm sản xuất những đồ vật tốt hơn; còn tôi lo đào tạo con người tốt hơn.
Sau đó, Thiền Sư nói với đệ tử:
- Mục đích cuộc sống là sự phát triển của con người . Ngày nay, hình như người ta lại cho sự phát triển kỹ thuật là quan trọng.