Saturday, January 31, 2015

Ngày 31-1-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

NGÔI CHÙA TĨNH MỊCH 

Shoichi là vị thiền sư một mắt, sắc sảo với sự giác ngộ. Ông dạy các môn sinh của ông ở ngôi chùa Tofuku.

Ngày và đêm toàn ngôi chùa trong trạng thái tĩnh mịch. Không có một tiếng động nào.

Ngay cả việc tụng kinh cũng bị bãi bỏ bởi thiền sư. Các môn sinh của ông chẳng làm gì ngoài việc thiền định.

Khi thiền sư qua đời, một người hàng xóm già nghe thấy tiếng chuông vang lên và tiếng tụng kinh. Lúc bấy giờ bà biết Shoichi đã ra đi.

Cổ Học Tinh Hoa - Cậy người không chắc ở mình

Cậy người không chắc ở mình

Người làm vua, điều cần nhất là phải giữ hết nghĩa làm vua và thương yêu giáo hoá dân. Cái chính sách giao hiếu với kẻ mạnh chỉ là cái thế phải thế, cái chính sách tự lo cho mạnh mới là toàn bằng cái lý ở mình. Vì rằng mình tự vào người, tất mình khinh mà mình phải e nể. Đã gặp cái cảnh khinh, cảnh e nể không chóng thì chầy an toàn sao cho được.

Văn Công nước Đằng(1) hỏi thầy Mạnh Tử rằng:

- Nước Đằng ta là một nước nhỏ ở vào khoảng giữa nước Tề và nước Sở là hai nước lớn. Kể phận thì phải chiều cả hai nước, nhưng kể sức thì không thể chiều được cả. Chiều nước Tề chăng? Chiều nước Sở chăng? Ta thực không biết nên tựa vào nước nào để cho nước ta được yên, nhờ thầy mưu tính(2) hộ cho ta.

Thầy Mạnh Tử thưa:

- Phàm việc mà cứ trông cậy vào người thì không thể chắc được. Chiều Tề thì Sở giận, chiều Sở thì Tề giận; mưu ấy chúng tôi không thể nghĩ kịp. Xin nói chỉ có một cách là tự giữ lấy nước, đào hào cho sâu, đắp thành cho cao, cai trị một cách cố kết(3) lòng dân, cùng dân giữ nước. Hoặc như có biến cố gì xảy ra, vua đã liều chết để giữ nước, thì chắc dân cũng liều chết để giữ nước, không nỡ bỏ vua. Thế là ta dùng cái lòng dân để giữ lấy đất nước, tự cường mà lo toan lấy việc nước. Còn chiều Tề hay Sở thì tôi không thể quyết được.

Lời bàn:

Người làm vua, điều cần nhất là phải giữ hết nghĩa làm vua và thương yêu giáo hoá dân. Cái chính sách giao hiếu với kẻ mạnh chỉ là cái thế phải thế, cái chính sách tự lo cho mạnh mới là toàn bằng cái lý ở mình. Vì rằng mình tự vào người, tất mình khinh mà mình phải e nể. Đã gặp cái cảnh khinh, cảnh e nể không chóng thì chầy an toàn sao cho được. Đã đành rằng, nước nhỏ phải nể nước lớn, cũng là một cách giao tế không thể thiếu được.

Nhưng đây vì Văn Công chỉ chăm chăm việc thờ kẻ mạnh, nên ông Mạnh mới bảo như thế. Mà phải thật, người lãnh đạo dân đã cùng dân cùng sống chết cả dân cũng can tâm cùng sống chết cả. Thế là cả nước một lòng, cái sức mạnh vô hình ấy, hồ dễ nước nào đã dám xâm phạm. Đã được như thế có việc gì phải sợ hãi ai.

Tuy vậy, thời thế ngày nay, có phần khác xưa, nội trị dù có đầy đủ, ngoại giao càng cần phải sáng suốt khôn ngoan thì nước mới đứng vững ở trên thế giới này được.

Thích Nghĩa

(1) Đằng: tên một nước nhỏ thời Chiến Quốc tức là huyện Đằng tỉnh Sơn Đằng bây giờ

(2) Mưu tính: trù liệu đắn đo một việc gì rồi mới làm

(3) Cố kết: buộc chặt lại với nhau.

Chuyện cười trong ngày

Sống Thọ Để Làm Gì

Một người đàn ông luôn lo lắng sức khỏe của mình có thể sống đến 100 tuổi hay không nên thường xuyên đi tập thể dục và khám sức khỏe. Có một lần sau khi đã đi khám sức khỏe, ông nhận được giấy báo là mọi việc bình thường, nhưng vì sự lo lắng, ông đã đến hỏi bác sĩ:

-Thưa bác sĩ, liệu tôi có thể sống đến 100 tuổi không ?

Bác sĩ nhìn ông và hỏi: "Vậy ông ở nhà có thường ăn đồ chiên hay nướng không ?"

- Tôi không bao giờ đụng tới mấy thứ đó.

-Thế khi ông có thức thâu đêm tán gẫu cùng bạn bè khi họ mời anh dự tiệc không ?

- Tôi chắc chắn là không.

- Vậy ông có khi nào phải đứng ngoài nắng hàng tiếng đồng hồ để chơi đá banh chưa ?

- Tôi không nghĩ là mình sẽ làm thế.

Bác sĩ lại hỏi: "Vậy ông có thường uống rượu cũng như đã từng tán tỉnh một cô gái nào trên đường chưa ?"

-Tôi thề rằng mình sẽ không bao giờ làm việc đó.

Ông bác sĩ ngưng lại một hồi lâu rồi nói với ông ta:

-Vậy ông muốn sống đến 100 tuổi để làm cái gì ?

Friday, January 30, 2015

Ngày 30-1-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Người ngu ngơ

Người ngu ngơ 

Hoà Vang 

Cả nhiệm sở có 18 nhân viên thì có 16 người tận tâm với mọi loại xổ số kiến thiết trung ương, địa phương, đầu tư, từ thiện... Lẽ ra một đôi người thờ ơ: cô Vĩnh và anh Vũ. Tên cả hai đều có dấu ngã. Thảo nào, cả hai cũng chưa xây dựng gia đình mà cô đã mấp mé 30 và anh thì sắp tròn 46.

 Tuy nhiên, đời không phải dễ suy lí một chiều như thế. Hãy cứ để yên xem sao... 

Cô Vĩnh thì đương nhiên không thể màng tới bất cứ một cái gì ngoài khối lượng công việc đồ sộ, ngổn ngang đầy ắp cả không gian ba chiều của thân phận cô thư kí giám đốc, kế toán trưởng, thủ quỹ, công đoàn, trưởng ban thanh tra nhân dân, chi hội trưởng phụ nữ. Tức là cô bận lắm mà lại còn ham nữa, thấy vui trong công việc nữa, lại còn đang năng nổ nhúng vào một vụ đấu tranh chống tiêu cực động trời nữa. Đến một đức ông chồng mà cô còn không có thì giờ nghĩ đến thì còn ai nỡ trách cô không đoái hoài gì đến xổ số, không khí xổ số đang sôi động, ấm áp, chan chứa quanh mình...

 Mà cô xinh chứ. Không. Cô đẹp. Với tuổi 30 phải nói thế. Toàn thân lẫn mình trắng. Da màu ôliu. Mắt to, đen thắm, môi hồng mọng, cong hươi hươi lên chỗ đót giáp nhân trung. Ngực nhỏ mà rắn rỏi, thẳm mời gọi hoặc... gọi mà như xua đi. Một vẻ đẹp lại Ân khiêu khích. Cho nên, kể đã có đến cả một huyện những anh chàng, ông chàng... lăn lóc đến xin ghi danh “đấu thầu” trái tim cô. Rốt cuộc, cũng không hơn gì một tấm vé xổ số, chưa hề được biết đến ánh mắt cô thoáng lướt qua, chưa hề một lần được những ngón tay cô vân vi kì ảo, ve vuốt. Đêm ngủ một mình, còn thức là còn nghĩ tới những công việc của ngày mai, mãi đến lúc đã bắt đầu liu diu, đầu đã bảng lảng chập chờn, cô bỗng bật cười một mình khi chợt nảy ra trong đầu hình ảnh Vũ. Mà đã nhiều lần như thế, cứ phải bật cười trong chăn riêng, trên gối đơn thì anh ta mới hiện ra. 

Đúng là Vũ có nhiều cái buồn cười thật. Đầu tiên là cái họ của anh, họ Hùng. Cái họ hình như là cổ nhất, oai nhất mà bây giờ không mấy ai có, ai nhớ, nghe lại cứ như cái thứ họ mượn. Rồi đến hình dung hơi quái quái, tóc dài, râu rậm, mắt to mắt nhỏ, cái nhìn lờ đờ mà xóc thẳng. Bất chợt đụng trong. Đêm thì có thể vãi linh hồn tức thì. Mới thấy giữa ban ngày cũng không thể bén mảng nghĩ đến sự cười. Nhưng đi cùng một quãng, ngồi cùng một lúc, lại ở cùng một cơ quan nửa đời nữa... thì cười lắm, cười quá lắm.

 Hùng Vũ ngu nga ngu ngơ đi giữa đời. Lỡ vội chưa chùi dép mà bước vào sàn nhà mới lau thì tự dưng nghiêng đầu ngay xuống phía dưới đất, miệng buột ra: “Xin lỗi” đang oi ngột ngạt chợt đổ mưa rào mát thoáng, lại ngửa mặt lên hướng trời, miệng buột ra: “Cảm ơn” lên xe buýt toàn đứng, vì với ai, anh cũng thấy có lí do để nhường chỗ ngồi. Dạo còn đi xếp hàng mua gạo, mua dầu, bao giờ cũng kiệt tối Vũ mới về với lí do tương tự. 

Một bữa, đi trên vỉa hè chật lèn, đầy xe dựng trước những cửa hiệu sáng choang, có mấy cô cậu dửng mỡ nô nhau, đuổi chạy như trong phim lúc tình yêu hé mở ban đầu, xô đổ kềnh một chiếc xe đạp ngay trước mặt Vũ, rồi kệ, chạy tiếp mất hút. Vũ bước tới, nâng cái xe dậy gạt lại chân chống thì chủ nó đùng đùng từ trong vầng sáng cửa hiệu vọt ra, thét như băm vào mặt anh: “Đi đứng thế nào thế? Mù à?”. Vẫn chưa buông khỏi ghi-đông, sợ nó chưa thật vững, Vũ điềm đạm: “Tôi không đánh đổ xe ông đâu, chỉ là người đỡ hộ nó lên thôi”. Và câu thứ hai của ông chủ xe khiến anh ngớ ra: “Thứ người ấy hóa thạch làu rồi, đào đâu ra nữa thế. Thôi, thu vén miệng lưỡi lại rồi biến đi, bố bịp ạ!”.

Lại một bữa đi qua cầu hẹp, thấy một cô bé đạp xe đạp cứ bám quá sát chiếc xe tải đi trước, Vũ buột miệng: “Khéo đấy cháu ạ, nó mà phanh đột ngột thì khốn đấy”. Cô bé đảo mắt lại, nguýt dài: “Việc gì đến bố già hả? Rỗi hơi à?”. Khổ, những lời như thế đã chao vào mặt nhau, lòng nhau rồi mà buộc vẫn phải đi cùng nhau, cạnh nhau. Đường độc đạo, cầu hẹp, xe thô sơ như đời. Vũ lủi thủi đạp, ngậm cái hơi rỗi của mình lại. Thì cái xe tải phanh gấp thật. Cô bé nhào cả người vào thành sau xe. Cái xe đạp đổ kềnh. Vũ hấp tấp xuống xe chạy lại đỡ cô bé dậy, lại buột miệng như một tiếng thở dài: “Đấy, tôi đã bảo mà...”. Và câu thứ hai thì đôi môi chúm nhọn như cái mỏ chim của cô bé nọ làm Vũ ngớ ra: “Chỉ tại cái mồm ông gở đấy! Thôi, buông ra, bầy hầy lắm chuyện vừa vừa chứ”. 

Tóm lại, Vũ tựa như thứ lông mọc đầy trên mặt “Người lông”, cái đuôi thừa dài dưới đốt sống cùng “Người có đuôi” hiện tượng bản sao lưu quá lâu những đặc điểm sinh học của chặng tiến hóa trước, của nguồn cội, của thứ người đã hóa thạch. Hiển nhiên, anh như không biết trên đời thời này có một thứ gọi là xổ số.
 *
*  *
Ấy vậy mà chiều nay, Vũ mua xổ số, mua hết cả 60.000 đồng tiền thưởng năng suất anh vừa lĩnh ở bàn giấy của Vĩnh ra. Ngay cửa phòng, Vĩnh nhìn nghe thấy tất cả. Và cô không cười. 

Chắc là lúc mà Vĩnh đang đếm tiền để trao cho Vũ cũng là lúc cháu gái mù ấy đã lọc cọc, lần mò lên đường hết cầu thang. Vũ nhận tiền quay ra thì đụng ngay cái mũi gậy đầu đường của nó ở cửa phòng. 
Tay kia nó chìa ra một tập vé số, miệng nó nói thật tươi như hướng vào một ai đó vô hình đang đứng cạnh Vũ: 

- Cô ơi chú ơi, mời chú mua vé số ủng hộ cho trường trẻ em mù của chúng cháu. Tối nay mở thưởng. Giải đặc biệt 100 triệu. Tập vé của cháu nhiều số đẹp lắm. Cô ơi, chú ơi.

 Vũ sững lại, đặt tay lên vai đứa bé mù. Thế là nó ngước lên. Hai gương mặt như đã nhận ra nhau. Vũ nhìn hút vào hai trái nhãn đã bóc vỏ, trơ cùi, đang hấp háy hi vọng và mời chào trên gương mặt đứa bé. Anh hỏi sẽ sàng, lại có gì ngu ngơ nữa:

 - Mỗi vé của cháu là bao nhiêu? 
- Dạ, một nghìn đồng ạ! 
- Ở đây cháu có bao nhiêu vé?
 - Dạ, 60 vé ạ.

Vũ ắng đi, đầu óc anh chậm chạp, lờ mờ thấy có hai con số 60 trùng nhau. Nhưng sự yên lặng của anh khiến đứa bé mù thảng thốt, nó tưởng anh đã bỏ đi. Đột ngột, hai tay nó huơ huơ lên trước và một giọt nước mắt rưng rưng:

 - Chú ơi, chú nghe cháu nói đã. Kì này công ty xổ số dành tất cả tiền bán vé cho chúng cháu tăng tiền thức ăn hằng ngày, tiền sách vở đầu năm học sắp tới mà... Thế mà cả ngày hôm nay, chẳng ai mua cho cháu lấy một vé. Bây giờ, sắp đến giờ phải trả lại vé rồi. Thế là… cháu... cháu chẳng góp được một đồng nào cho trường cháu cả.... Cháu...

Tiếng Vũ đột ngột: 
- Cháu đưa cả tập vé của cháu đây và cầm lấy cả tập này. Sáu mươi ngàn đồng đấy nhé. 

Vũ đã dắt cô bé mù xuống rồi. Từ dưới chân cầu thang vang lên tiếng lảnh lót:
 - Chú ơi, chú mà không trúng số thì cháu buồn lắm. Chú trúng số thì chú phải báo tin cho chúng cháu đấy nhé! 

Và thứ tiếng trầm ấm: - Được được. Nhất định là như thế. Cháu về đi.

 Vũ quay lên, anh đưa cho Vĩnh cả tập vé số: 
- Cô hộ tôi. Tôi có biết theo dõi các thứ này như thế nào đâu. Vĩnh từ  nãy, vì không thể cười nên nay như bị ám thị. Cô ngước lên định nói gì thì đã chẳng còn thấy Vũ đâu nữa.

 Tối ấy, lần đầu tiên cô sắp xếp mọi việc, ngồi bật truyền hình đúng giờ thông báo xổ số, theo dõi căng thẳng. Không tin ở tai, mắt mình một lần qua đi như thế, cô đón cả những tiếng rao lanh lảnh chạy trên hè phố: “Kết quả đê... ê...”. Mua một tờ, lại về phòng lẩn mẩn nhặt tìm, soi chiếu. Không một vé nào trúng, dẫu là một giải cuối, hoặc khuyến khích. 

Bây giờ thì cô bật cười thành tiếng. Tiếng cười không hướng về phía Vũ nữa. Cô cười chính mình. Trong lòng cô như có gì vừa mở ra, ào chảy tưng bừng, một dòng sóng nhỏ ngọt ngào và có hương thơm. “Nhất định, nhất định mình phải làm cho anh ấy ngớ ra một lần nữa. Ngớ ra, nhưng theo chiều ngược lại, đốí nghịch với những lần ngớ trước kia, những lần ngớ ra đã quá nhiều của anh ấy”.
 Và như trời xếp để ủng hộ ý định của cô, trong khu tập thể chỗ cô ở, một bà nghèo đông con, hôm đó tình cờ bớt tiền chợ mua một vé xổ số và trúng thưởng 100.000 đồng. Cô nài nỉ với bà hãy cầm số tiền l00.000 đồng cô đưa và cho tấm vé số may mắn đó.

 Được tin mình trúng thưởng, Vũ ngớ ra thật. Và Vĩnh cười đằm thắm: 

- Có gì đâu anh. Quy luật của muôn đời. Ở hiền gặp lành mà. 

- Ở hiền gập lành, đúng thế, chứ có phái ở hiền gặp may mắn đâu. Này, Vĩnh ơi, em có thể đi cùng tôi xuống trường trẻ em mù một lúc được không? 

- Sao lại không anh? 

Hôm ấy hai người đã không đi một lúc. Sau cuộc gặp gỡ rất vui với đội văn nghệ của các cháu trường trẻ em mù đang tập luyện, trong đó có cả bé gái bán vé số hôm trước, họ đã mua về nhiều nước ngọt và hoa quả chia vui với các cháu. Vĩnh chỉ cầm về một trái táo hồng thắm, thơm phức. Chỉ có một trái táo ấy mà đôi người về rất khuya.

 * *  * 

Một tháng sau, đám cưới Vĩnh - Vũ diễn ra thật vui ở hội trường lớn trường trẻ em mù. Đi đến tặng hoa cô dâu chú rể là những người bước chân không nhờ mắt mà nhờ ở những lối đi đã quen và do nơi đến là những con người đã quen, đã thương yêu gắn bó. Chú rể phát biểu:

- Tôi là một người ngu ngơ hạnh phúc. Xin ghi ơn tất cả người bán vé số và người nhận giải thưởng hộ tôi rồi trao thưởng cho tôi tận nhà, tận tay, trọn vẹn...

 Cô dâu nhìn chú rể. Mắt to, đen thắm. Môi hồng mọng. Da ôliu. Một vẻ đẹp lai Ấn hiền thục không khiêu khích./.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

GIỌNG NÓI CỦA HẠNH PHÚC



Sau khi Thiền sư Bàn Khuê qua đời, một người mù sống bên cạnh chùa sư nói với một người bạn: “Bởi vì mù, không thể nhìn thấy mặt người ta, nên tôi phải phán đoán tính tình con người qua giọng nói. Thông thường khi tôi nghe một người chúc mừng hạnh phúc hay thành công của ngườI khác, tôi cũng nghe cả cái giọng bí mật ganh tị. Khi nói lời chia buồn vì sự bất hạnh của người khác, tôi cũng nghe cả sự khoan khoái và thỏa mãn, tựa hồ người chia buồn thực sự vui mừng vì có một cái gì đó còn lại để chiếm lấy trong thế giới riêng tư của y. Tuy nhiên, trong tất cả kinh nghiệm của tôi, giọng nói của Thiền sư Bàn Khuê luôn luôn chân thành. Khi nào sư biểu lộ hạnh phúc, tôi nghe chỉ có hạnh phúc, khi nào sư tỏ ra phiền muộn, tôi nghe toàn là phiền muộn.”

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

Cổ Học Tinh Hoa - Khéo can được vua

Khéo can được vua

Vua Cảnh Công thấy con ngựa yêu của mình chết mà bắt phanh thây kẻ nuôi ngựa là đang cơn tức giận, không còn hiểu nghĩa lý, pháp luật là gì nữa. Thế mà Án Tử can ngăn được là vì tuy gọi chiều lòng, kể tội người nuôi ngựa, mà kỳ thực lại gợi đến cái lòng nhân ái của Cảnh Công, làm cho Cảnh Công phải tỉnh ngộ và biết hối. Giỏi thay! Mấy lời nói dịu dàng, thảnh thơi, mà cảm hóa được quân vương.
Vua Cảnh Tông nước Tề có con ngựa quý, giao cho một người chăn nuôi. Con ngựa tự nhiên một hôm lăn ra chết. Vua giận lắm, cho là giết ngựa, sai ngay quân cầm dao để phanh thây người nuôi ngựa. Án Tử đang ngồi chầu thấy thế, ngăn lại hỏi vua rằng:
“Vua Nghiêu, vua Thuấn xưa phanh thây người thì bắt đầu từ đâu trước?”(1)
Cảnh Công ngơ ngác nhìn nói: “Thôi hãy buông ra, đem giam xuống ngục để rồi trị tội.”(2)
Án Tử nói rằng: “Tên phạm này chưa biết rõ tội mà phải chịu chết, thì vẫn tưởng là oan. Tôi xin vì vua kể rõ tội nó, rồi hãy hạ ngục”.(3)
Vua nói: “Phải”.
Án Tử bèn kể tội rằng: “Nhà ngươi có ba tội đáng chết. Vua sai nuôi ngựa mà để ngựa chết là một tội đáng chết. Lại để chết con ngựa rất quí của vua, là hai tội đáng chết. Để vua mang tiếng, vì một con ngựa mà giết chết một mạng người, làm cho trăm họ(4) nghe thấy ai cũng oán vua, các nước nghe thấy ai cũng khinh vua, ngươi làm chết một con ngựa mà để đến nỗi dân gian đem lòng oán giận, nước ngoài có bụng dòm dỏ, là ba tội đáng chết, ngươi đã biết chưa? Bây giờ hãy tạm giam ngươi vào ngục...”
Cảnh Công nghe nói ngậm ngùi than rằng: “Thôi, tha cho nó! Thôi, tha cho nó! Kẻo để ta mang tiếng bất nhân”.
Lời bàn:
Vua Cảnh Công thấy con ngựa yêu của mình chết mà bắt phanh thây kẻ nuôi ngựa là đang cơn tức giận, không còn hiểu nghĩa lý, pháp luật là gì nữa. Thế mà Án Tử can ngăn được là vì tuy gọi chiều lòng, kể tội người nuôi ngựa, mà kỳ thực lại gợi đến cái lòng nhân ái của Cảnh Công, làm cho Cảnh Công phải tỉnh ngộ và biết hối. Giỏi thay! Mấy lời nói dịu dàng, thảnh thơi, mà cảm hóa được quân vương.
Thích Nghĩa
(1) Câu này hỏi thế là có ý làm cho Cảnh Công không có lối mà trả lời. Đời Nghiêu, Thuấn chưa có tội phanh thây.
(2) Thôi hãy buông ra: Cứ theo sách Án Tử Xuân Thu thì là “Tòng quả nhân thủy” (Khởi tự ta ra), theo Hàn thi ngoại truyện thì lại là túng chi (buông ra). Đây dịch là buông ra để cho ăn nghĩa với câu trên.
(3) Đời xưa bao nhiêu tội nhân đã hạ xuống ngục tối là phải xử tử cả.
(4) Chỉ nhân dân trong nước.

Chuyện cười trong ngày

Thế Giới Sợ Nước Nào Nhất ?

Cả thế giới phải sợ người Mỹ vì người Mỹ đã nói là làm.

Thế nhưng người Mỹ lại sợ người Nhật vì người Nhật làm xong mới nói.

Vậy người Nhật sợ ai, xin thưa, đó là người Trung Quốc, vì người Trung Quốc không nói cũng làm. Người Nhật luôn đề phòng người Trung Quốc vì Trung Quốc là một cường quốc có tiềm lực quân sự.

Vậy xin hỏi người Trung Quốc sợ ai ? Đó là người Việt Nam, vì người Việt Nam nói một đằng làm một nẻo đố ai biết đâu mà lần.

Thursday, January 29, 2015

Ngày 29-1-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Đò thiêng

Đò thiêng

Phạm Minh 

Chị là người cuối cùng bước xuống đò. Chiếc va li nặng kéo người chị lệch về một bên. Con đò chòng chành. Người lái đò vội đưa tay đỡ giùm chiếc va li, nhưng chị đã kịp ngồi xuống, lắp bắp hai tiếng: “Cảm ơn”. 

Con đò từ từ quay mũi, rời bến. Nước từ thượng nguồn đổ về đỏ ngầu, sôi cuồn cuộn. Mưa liên miên mấy ngày liền. Bầu trời phía đó vẫn nặng trĩu những đám mây đen xám. Người lái đò gác sào, vớ lấy mái chèo. Đò chở nặng, trôi lừ đừ.

 Gió đột ngột thổi mạnh. Đò nghiêng về một bên. Sóng đập mạnh vào mạn thuyền, hắt một chùm tia nước lạnh buốt lên đám hành khách. Mọi người xôn xao. Chị giật mình, ôm chặt lấy chiếc va li.

Hơn hai mươi năm trước, chị đã tiễn anh qua con đò này. Mùa mưa. Đò đầy. Những cơn gió lạnh. Chị ngồi nép vào anh, lạnh từ trong bụng lạnh ra… Ngày ấy con đò từ bên kia sang, đưa anh ra mặt trận. 

- Lạy chúa tôi! – tiếng ai đó thảng thốt kêu lên.

 Con đò chòng chành dữ hơn. Mấy người đàn bà tái mặt, bíu chặt vào nhau. Người lái đò hổn hển, cố gò mái chèo cho con thuyền đừng trôi đi quá xa. Gã thanh niên mặc quần bò, đeo kính mát ngồi cạnh chị, lẳng lặng đứng dậy. Đò mất thăng bằng, chao nghiêng một lần nữa. 

- Muốn chết hay sao thế? – Người lái đó gắt lên, vẻ tức giận. 

Gã thanh niên phớt lờ, chuệnh choạng bước về phía mũi thuyền.

- Sông rộng, đò đầy, rước cho đầy khách vào! Tham lắm, rồi chết oan cả lũ – Lại một giọng đàn bà cấm cẳn, đầy hối tiếc. 

- Quái lạ! Đò như có vong ấy các ông các bà ạ! 

Câu nói sau cùng khiến chị thót tim. Chị nhắm mắt lại. Hai tay ôm ghì lấy chiếc va li, lạnh giá. Ngày ấy, anh hỏi nhỏ bên tai chị: “Nếu bây giờ đắm đò…?”. Chị cười tê tái: “Em sẽ ôm xiết lấy anh”. “Nói dại nào! Không chết như thế được. Nhớ đón anh sang đò nhé”… Rồi anh nhảy lên bờ, nhẹ nhõm đi khuất, để mình chị quay về với cả chuyến đò chông chênh.

 Bao nhiêu năm qua đi, chị vẫn không một lần dám bước chân đến bến đò này. Nhưng chị vẫn mong đến thắt lòng chuyến đò đón anh trở về. Chuyến đò đầy, tưng bừng cờ, hoa, nụ cười và nước mắt… Lại nói dại, anh ơi, đò có đắm ngay trên sông quê, thì hai người cùng được chết! 

Nước ào qua mạn thuyền. Chị bừng tỉnh, mở choàng mắt. Còn kịp nhìn thấy gã đàn ông ở mũi thuyền gỡ kính cho vào túi áo, chuẩn bị tư thế sẵn sàng lao vọt xuống dòng nước ngầu bọt. Con đò rùng mình cập bờ. Đám hành khách trên thuyền vỡ òa, tranh nhau túa lên. Gã thanh niên thản nhiên đeo lại kính, vừa đi vừa huýt một điệu sáo mồm vui vẻ. Rồi tất cả nhanh chóng mất hút vào con đường mòn xuyên qua bãi mía xanh um. 

Chỉ còn lại một mình chị trên bến đò. Chị thận trọng ngồi xuống, mở nắp va li, rút ra mấy nén hương và thắp lên. Thế là rốt cuộc, sau mấy tháng ròng lặn lội trong những cánh rừng phương Nam, chị đã tìm thấy anh, đưa anh trở về nguyên vẹn với mảnh đất quê hương, trong chiếc va li này. Khói hương đã quyện với nước mắt chị. Hòa bình bao nhiêu năm rồi nhỉ? Đã bao chuyến đò đầy qua lại trên sông?

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

TỤNG KINH



Một nông dân yêu cầu một tu sĩ phái Thiên Thai tụng kinh cho người vợ đã chết của anh ta. Sau khi tụng kinh xong, anh ta hỏi: “Thầy nghĩ tụng kinh như thế này vợ tôi có được công đức không?”

“Không nghững chỉ vợ anh mà tất cả chúng sinh đều được phúc lợi khi tụng kinh như vầy,” tu sĩ trả lời. 

Anh nông dân nói, “Nếu thầy nói tất cả chúng sinh đều đượclợi ích, vợ tôi có thể rất yếu, những người kia sẽ chiếm lợi thế, hưởng hết lợi ích của vợ tôi. Như vậy xin làm ơn tụng kinh cho một mình bà ta thôi.”

Tu sĩ giải thích rằng ước vọng của Phật tử là cúng dường phúc lợi và công đức cho mọi chúng sinh.

“Đó là lời dạy rất hay,” anh nông dân kết luận, “nhưng xin cho một ngoại lệ. Tôi có một anh hàng xóm thô

lỗ và ác với tôi. Xin loại anh ta ra khỏi mọi chúng sinh.”

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

Cổ Học Tinh Hoa - Cảm Tình

Cảm tình

Thường con người ta, ai cũng sẵn mối cảm tình, khi gặp thời gặp cảnh xúc động đến thì mối cảm tình ấy tất chứa chan, đầy rẫy hiện ra bên ngoài. Tuy vậy, mối cảm tình đã dùng nhầm thì sau này không còn được như trước.

Có một người nước Yên lúc sinh thì sinh ở nước Yên; lúc lớn lên thì sang ở nước Sở, lúc già lại trở về cố quốc. Khi đi qua nước Tấn (gần nước Yên) bạn cùng đi đường chỉ vào cái thành mà nói dối anh ta: “Đây là thành nước Yên”.

Anh ta buồn rầu, khác hẳn sắc mặt. Chỉ vào nền xã, nói: “Đây là nền xã làng anh”. Anh ta ngậm ngùi than thở. Chỉ vào cái nhà, nói: “Đây là nhà của ông cha anh”. Anh ta rũ rượi rơm rớm nước mắt. Chỉ vào cái gò, nói: “Đây là mồ mả ông cha anh”. Anh ta oà lên khóc.

Bọn cùng đi ai nấy phì cười, nói: “Chúng tôi nói đùa đấy. Đây mới là nước Tấn, chưa phải là nước Yên”. Anh ta nghe nói lấy làm bẽn lẽn.

Kịp khi về đến nước Yên, anh ta trông thấy thật là thành, là xã nước Yên, thật là nhà cửa, mồ mả của ông cha thì lòng cảm thương lại hờ hững không còn được như trước nữa.

Lời bàn:

Thường con người ta, ai cũng sẵn mối cảm tình, khi gặp thời gặp cảnh xúc động đến thì mối cảm tình ấy tất chứa chan, đầy rẫy hiện ra bên ngoài. Tuy vậy, mối cảm tình đã dùng nhầm thì sau này không còn được như trước.

Một người đã đem bụng trung thành thờ kẻ vô đạo, một người đã để lòng ân ái thương gái bất trinh, dù về sau, gặp được bậc anh quân hay người thục nữ, thì mối cảm tình cũng không còn được đằm thắm như xưa.

Chẳng khác nào như người nước Yên này, đã đem hết nước mắt khóc chỗ giả dối mà không biết, đến khi gặp sự thực, thì lại hình như cạn hết nước mắt rồi.

Cho nên đối với tính tình, người ta có biết, lấy học thuật mà di dưỡng, lấy lễ nghĩa mà tiết chế, thì tính tình dùng mới chính đáng và thuần tuý được. Xưa nay thánh hiền hào kiệt đều là người biết lý hội tính tình cả.

Thích Nghĩa

– Yên: một nước mạnh trong bảy nước thời Chiến Quốc, tức là Phụng Thiên, Trực Lệ và một phần phía Bắc nước Triều Tiên (Cao Ly bây giờ).

- Tấn: một nước đời Xuân Thu, đến đời Chiến Quốc bị họ Hàn, họ Triệu, họ Nguỵ lấy mất và chia làm ba nước, ở vào tỉnh Sơn Tây và một phần Trực Lệ bây giờ.

Chuyện cười

Dạy dỗ cháu

Bà Alberg có thói quen đầu năm gửi những món quà giá trị hàng trăm đôla cho các cháu. Nhưng những đứa cháu chẳng bao giờ gửi thư cảm ơn.
Năm nay, bà gửi tặng mỗi đứa cháu một tấm check 100 đôla. Ngay ngày hôm sau, từng đứa cháu đến tận nhà để cảm ơn bà. Một người bạn của bà hỏi:
- Bà đã làm thế nào để dạy những đứa trẻ trở nên lễ phép như thế?
- Có gì đâu. Lúc gửi đi tôi đã không ký vào những tấm check đó.

Wednesday, January 28, 2015

Ngày 28-1-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Tạo nhàn

TẠO NHÀN


Khi còn trẻ, ông Tư là một người lý tưởng, cầu toàn, bởi vậy, nên khi nào cũng tự dằn vặt khổ sở. Nhìn chung quanh, thấy toàn khuyết điểm, bực mình. Ngay cả đàn bà, con gái, ông chẳng thấy cô nào tạm gọi là đẹp. Cô nào cũng có cái khuyết điểm riêng. Cô thì dung nhan sáng sủa, nhưng dáng đi lúc lắc xiêu vẹo, cô khác giọng nói không được thanh tao, cô khác nữa thì hơi ngu. Ngoài xã hội, thì thấy bất công, tham nhũng, nhiều thiếu sót. Bởi vậy cho nên ông Tư thấy khổ tâm, nghĩ là mình "sinh lầm thế kỷ".

Ðến khi ông Tư được sống chung với cộng sản tại miền Nam Việt Nam sau 1975, ông như người ngủ mê thức dậy, cảm thấy những dằn vặt nội tâm của mình trước đây là điều lố bịch, ngây thơ, tội nghiệp. Bởi sống trong chế độ mới chỉ mong cái xấu xa nó bớt phần xấu đi cũng đã quá mừng, đừng nói chi đến cầu toàn, lý tưởng. Như người tu nhìn thấy bến giác, ông Tư quay hẳn đường lối suy tư, cho hợp lý, hợp tình, nhìn sự vật bằng con mắt thực tiễn hơn, chấp nhận sự vật có mặt trái, mặt phải, có tốt có xấu.

Khi thoát ra được xứ tự do, ông Tư đón nhận cuộc đời với một tinh thần lạc quan, cởi mở, cho nên ông dễ dàng tìm được hạnh phúc chân thực trong cuộc sống mới.

2.

Ðể được nhàn nhã, mỗi ngày ông Tư thức dậy sớm hơn một giờ trước khi rời nhà. Khi đồng hồ báo thức reo, ông cứ tự nhiên nằm nướng trên giường thêm chừng năm mười phút, và để đầu óc thảnh thơi, nghĩ đến một chuyện vui trong ngày hôm trước, hoặc một câu chuyện tiếu lâm, nằm cười một mình, đôi khi ông lay bà dậy, kể cho bà nghe, hai vợ chồng cùng cười. Mở đầu một ngày bằng một miềm vui, bằng nụ cười, ông Tư thấy khỏe khoắn hơn từ tinh thần đến thể xác. Trong lúc thong thả làm việc vệ sinh buổi sáng, ông Tư mở nhạc êm dịu nhẹ nhàng từ chiếc máy hát nhỏ để trên bàn trong phòng tắm. Không việc gì mà gấp gáp, còn nhiều thì giờ chán...

Sau khi vệ sinh xong, ông ngồi vào bàn điểm tâm nhẹ, vừa nghe tin tức buổi sáng, vừa uống trà, với tâm hồn thư thái, tự nhiên. Rồi ra xe đi đến sở. Cứ từ từ mà lái, không việc gì mà gấp gáp, nhanh được vài ba phút mà có thể trễ cả một đời nếu gặp tai nạn. Thói quen đi sớm hơn giờ làm việc chừng mười lăm phút, cho ông có cái nhàn nhã khỏe khoắn hơn những người khác. Cái nhàn và khỏe nó lan tỏa, làm tinh thần cũng như thể xác cảm được cái sảng khoái của trời đất trong một ngày mới chớm. Trong lúc các xe khác nôn nóng, lo lắng trễ giờ, lách qua, chuyển lại, bấm còi, thì ông thản nhiên như ngồi thiền. 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

HÀ TIỆN LỜI DẠY



Một y sĩ trẻ ở Tokyo tên là Kusuda gặp một bạn đồng nghiệp đang học Thiền. Y sĩ trẻ hỏi bạn Thiền là gì ?

Người bạn đáp, “Tôi không thể nói bạn biết Thiền là gì, nhưng có một điều chắc chắn là nếu hiểu Thiền, bạn sẽ không sợ chết.”

Kusuda nói, “Hay lắm, tôi sẽ thử. Tôi có thể tìm thầy ở đâu?”

Người bạn bảo, “Hãy đến sư Nam Ẩn.”

Vì vậy Kusuda đến viếng Thiền sư Nam Ẩn. Anh ta mang theo một con dao găm dài hai tấc rưỡi để xem chính Thiền sư có sợ chết hay không.

Khi Nam Ẩn vừa thấy Kusuda liền kêu lên: “Này, anh bạn, anh có khỏe không? Đã lâu chúng ta không gặp nhau!”

Điều này làm Kusuda bối rối. Anh ta đáp: “Chúng ta chưa bao giờ gặp nhau mà.”

“Đúng, đúng,” Nam Ẩn trả lời. “Tôi nhầm anh với một y sĩ khác đang theo học ở đây.”

Sự việc bắt đầu như vậy, Kusuda mất cơ hội thử thầy, nên anh ta miễn cưỡng hỏi xin học Thiền.

Nam Ẩn nói, “Thiền không có gì khó. Nếu là một y sĩ, hãy chữa trị tử tế cho bệnh nhân. Đó là Thiền.”

Kusuda viếng sư Nam Ẩn ba lần. Mỗi lần Nam Ẩn đều nói một câu y nhau. “Một y sĩ không nên lãng phí thì giờ quanh quẩn ở đây. Hãy về săn sóc bệnh nhân đi.”

Đối với Kusuda thật chẳng có gì rõ ràng, làm sao một lời dạy như thế có thể làm cho người ta hết sợ chết. Vì vậy vào lần viếng thứ tư, anh ta phàn nàn: “Bạn con bảo con rằng một khi hiểu Thiền sẽ không còn sợ chết. Mỗi khi con đến đây thầy đều bảo hãy về chăm sóc bệnh nhân. Con biết rõ điều ấy lắm. Nếu đó là cái mà thầy gọi là Thiền, con sẽ không viếng thầy nữa.”

Nam Ẩn mỉm cười, vỗ nhẹ y sĩ, “Tôi có hơi nghiêm khắc với anh. Để tôi cho anh một công án.” Sư giới thiệu Kusuda tham công án “Vô” của Triệu Châu. Đây là công án đầu tiên để giác ngộ tâm trong cuốn sách gọi là Vô Môn Quan.

Kusuda tham công án Vô hai năm. Cuối cùng anh ta nghĩ mình đã đạt yếu tánh của tâm. Nhưng thầy anh phê bình: “Anh chưa vào được.”

Kusuda tập trung tâm lực thêm một năm rưỡi nữa, tâm anh ta trở nên tĩnh lặng. Các vấn đề đã được hóa giải. Vô trở thành chân lý. Anh ta phục vụ bệnh nhân tốt và cũng không biết mình phục vụ tốt nữa. Anh ta không còn quan tâm đến sống và chết nữa .

Rồi khi anh ta trở lại viếng sư Nam Ẩn, ông thầy già của anh chỉ mỉm cười.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

Cổ Học Tinh Hoa - Yêu nên tốt, ghét nên xấu

Yêu nên tốt, ghét nên xấu
Cái thói thường: yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu, khen chanh thì chanh ngọt, chê hồng thì hồng chua. Trong bụng đã thế, thì cư xử chắc cũng theo như thế, lúc yêu hậu bao nhiêu, thì đến lúc ghét lại bạc bấy nhiêu.Yêu nhau cau bảy bổ ba, ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười.
Trước, vua nước Vệ rất yêu Di Tử Hà(1). Phép nước Vệ ai đi trộm xe của vua, thì phải tội chặt chân(2). Mẹ Di Tử Hà ốm nặng. Đêm khuya có người đến gọi, Di Tử Hà vội vàng lấy xe vua ra đi. Vua nghe thấy khen rằng:
“Có hiếu thật! Vì hết lòng với mẹ, mà quên cả tội chặt chân”.
Lại một hôm, Di Tử Hà theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào thấy ngọt còn một nửa đưa cho vua ăn. Vua nói:
“Yêu ta thật! Của đang ngon miệng mà biết để nhường ta”.
Về sau, vua không có lòng yêu Di Tử Hà như trước nữa. Một hôm phạm lỗi, vua giận nói rằng:
“Di Tử Hà trước đám thiện tiện(3) lấy xe của ta đi. Lại một bận dám cho ta ăn quả đào thừa. Thực mang tội với ta đã lâu ngày. Nói xong bắt đem ra trị tội. Ôi! Di Tử Hà ăn ở với vua trước sau cũng vậy, thế mà trước vua khen, sau vua bắt tội, là chỗ tại khi yêu khi ghét khác nhau mà thôi. Lúc được vua yêu, chính đáng tội thì lại hóa công thần; lúc phải vua ghét, chính không đáng tội thì lại hóa ra sơ; cho nên người muốn can ngăn, đàm luận với vua điều gì, thì trước phải xem xét cái lòng vua yêu hay ghét mình thế nào rồi hãy nói.
Lời bàn:
Sự yêu, ghét thường làm cho người ta mờ đi, không rõ hẳn được cái giá trị của nguời được yêu hay bị ghét ra thế nào. Không nói gì yêu người này, ghét người nọ, cũng chỉ một người ấy, lúc yêu cho ra thế này, lúc ghét cho ra thế kia. Cái thói thường: yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu, khen chanh thì chanh ngọt, chê hồng thì hồng chua.
Trong bụng đã thế, thì cư xử chắc cũng theo như thế, lúc yêu hậu bao nhiêu, thì đến lúc ghét lại bạc bấy nhiêu. Yêu nhau cau bảy bổ ba, ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười. Lại chẳng những yêu ghét riêng một người ấy thường yêu ghét đến cả những sự hay những người có can thiệp đến người ấy, yêu nhau yêu cả tông chi, ghét nhau ghét cả đường đi lối về.
Sự yêu, ghét làm cho ta thiên và nhầm như thế, cho nên ta muốn công bình, khi yêu khi ghét phải nên rõ cái giá trị của người được yêu hay bị ghét, biết chỗ phải cũng phải biết chỗ trái, biết chỗ trái cũng phải biết chỗ phải cho người ta mới được.
Thích nghỉa
(1) Người thời Xuân Thu, làm quan Đại phu nước Vệ.
(2) Một thứ hình trong năm hạng trọng hình đời cổ
(3) Chính mình không được làm như vậy mà cứ làm càn

Chuyện cười trong ngày

Máy Bắt Trộm

Sau một thời gian dài nghiên cứu, các nhà khoa học Mỹ đã phát minh thành công một chiếc máy bắt trộm. Để kiếm chứng khả năng bắt trộm của máy, các nhà khoa học đã lần lượt đem qua từng nước để thử nghiệm.
Đâu tiên họ thử nghiệm ở Mỹ, trong vòng 30 phút, máy bắt được 500 tên trộm.
Tiếp theo họ đem qua Trung Quốc, trong vòng 10 phút máy bắt được 6000 tên trộm.
Cuối cùng họ đem qua nước Việt Nam, và trong vòng 5 phút chiếc máy đã bị ăn trộm.

Tuesday, January 27, 2015

Ngày 27-1-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Vết sẹo

Vết sẹo 

Một cậu bé mời mẹ tham dự buổi họp phụ huynh đầu tiên ở trường tiểu học. Điều cậu bé sợ đã thành sự thật, mẹ cậu bé nhận lời. Đây là lần đầu tiên bạn bè và giáo viên chủ nhiệm gặp mẹ cậu bé và cậu rất xấu hổ về vẻ bề ngoài của mẹ mình. Mặc dù cũng là một người phụ nữ đẹp, có một vết sẹo lớn che gần toàn bộ mặt bên phải của cô. Cậu bé không bao giờ muốn hỏi mẹ mình tại sao bị vết sẹo lớn vậy.

Vào buổi họp mặt, mọi người có ấn tượng rất đẹp về sự dịu dàng và vẻ đẹp tự nhiên của người mẹ mặc cho vết sẹo đập vào mắt, nhưng cậu bé vẫn xấu hổ và giấu mình vào một góc tránh mặt mọi người. Ở đó, cậu bé nghe được mẹ mình nói chuyện với cô giáo.

"Làm sao chị bị vết sẹo như vậy trên mặt?" Cô giáo của cậu hỏi.

Người mẹ trả lời, 

- "Khi con tôi còn bé, nó đang ở trong phòng thì lửa bốc lên. Mọi người đều sợ không dám vào vì ngọn lửa đã bốc lên quá cao, và thế là tôi chạy vào. Khi tôi chạy đến chỗ nó, tôi thấy một xà nhà đang rơi xuống người nó và tôi vội vàng lấy mình che cho nó. Tôi bị đánh đến ngất xỉu nhưng thật là may mắn là có một anh lính cứu hỏa đã vào và cứu cả hai mẹ con tôi." 

Người mẹ chạm vào vết sẹo nhăn nhúm trên mặt. 

- "Vết sẹo này không chữa được nữa, nhưng cho tới ngày hôm nay, tôi chưa hề hối tiếc về điều mình đã làm."

Đến đây, cậu bé chạy ra khỏi chỗ nấp của mình về phía mẹ, nước mắt lưng tròng. Cậu bé ôm lấy mẹ mình và cảm nhận được sự hy sinh của mẹ dành cho mình. Cậu bé nắm chặt tay mẹ suốt cả ngày hôm đó.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

KHÔNG XA PHẬT TÁNH



Một sinh viên đại học đến viếng Thiền sư Nga Sơn (Gasan) và hỏi: “Thầy đã từng đọc Thánh Kinh Ky Tô chưa?”

“Chưa, hãy đọc tôi nghe,” Nga Sơn đáp.

Sinh viên mở Thánh Kinh và đọc một đoạn trong sách Thánh Matthew: “Còn phần quần áo, các ngươi lo lắng làm chi. Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào; chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Salomon sang trọng đến đâu, cũng không mặc được áo tốt như một hoa nào trong giống đó. . . Vậy chớ lo lắng chi cho ngày mai, vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai.”

Nga Sơn nói: “Ai nói những lời đó, tôi cho là một người đã giác ngộ.”

Sinh viên đọc tiếp: “Hãy xin sẽ được; hãy tìm sẽ gặp; hãy gõ sẽ mở cho. Bởi vì hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ thì được mở.”

Nga Sơn phê bình: “Tuyệt lắm. Ai nói điều đó không xa Phật tánh.”

(Thiền Cốt Thiền Nhục) 

Cổ Học Tinh Hoa - Mong làm điều phải

Mong làm điều phải
Mong làm điều rất phải không bắt chước cách làm, rồi mà làm được, thế mới thật là khôn
Nước Lỗ có người ở một mình một nhà. Bên láng giềng có người đàn bà góa cũng ở một mình một nhà.
Một đêm, mưa to, gió lớn, nhà người đàn bà đổ, người đàn bà sang xin ngủ nhờ nhà người láng giếng. Người láng giềng đóng cửa, không cho vào. Người đàn bà đứng trước cửa sổ, nói rằng:
- Ngươi sao bất nhân thế! Không cho ta vào ư? Người láng giềng đáp:
- Ta nghe đàn ông, đàn bà sáu mươi tuổi trở lên mới ở chung được. Nay ngươi còn trẻ, mà ta cũng còn trẻ, cho nên ta không cho ngươi vào ngủ nhờ được.
Người đàn bà nói:
- Ngươi sao không làm như ông Liễu Hạ Huệ ủ người con gái ngồi vào lòng mà không tai tiếng gì?
- Ông Liễu Hạ Huệ thì thế được, ta đây thật chưa thế được. Ví ta cho ngươi vào mà ta không được như ông Liễu Hạ Huệ thì thà rằng, ta không cho ngươi vào, mà ta cũng giữ không tai tiếng gì được như ông Liễu Hạ Huệ. Thế chẳng là ta không làm theo như Liễu Hạ Huệ mà cũng được như Liễu Hạ Huệ ư?
Khổng Tử nghe chuyện, nói:
- Phải lắm! Kẻ muốn học ông Liễu Hạ Huệ chưa ai giống được như người nước Lỗ này: Mong làm điều rất phải không bắt chước cách làm, rồi mà làm được, thế mới thật là khôn”.
Lời bàn:
Cái tình cảnh éo le khó xử thật!. Đêm khuya trời mưa gió, một người đàn ông trẻ tuổi có nên tiếp một người đàn bà trẻ tuổi vào nhà không? Không tiếp thì là bất nhân, vì không chịu cứu giúp một kẻ yếu đuối đang gặp lúc mưa gió khổ thân. Tiếp, thì là bất nghĩa và không khỏi cái tiếng trai gái có tình ý, mang cái tội tà dâm bất chính. Một đằng bất nhân, một đằng bất nghĩa, chọn đàng nào vì cái tình cảnh không sao giữ trọn vẹn được cả đôi đàng? Dễ chỉ có làm như ông Vân Trường đốt đuốc cầm suốt đêm chỗ trước cửa cho hai chị dâu ngủ, họa mới rõ là người nghĩa sĩ mà thôi. Như người nước Lỗ đây đành là bất nhân, cố giữ lấy cái “nghĩa” là theo lý tưởng rất nghiêm bên Á Đông ta là: “Nam nữ hữu biệt”.

Chuyện cười trong ngày

Ăn Gì Không Chết ?

(Chuyện bên Việt Nam)

Một gia đình cán bộ buổi tối ngồi nói chuyện với nhau, vợ bảo chồng:

- "Ăn uống phải cẩn thận, thời buổi này thực phẩm độc hại nhiều quá!" 

Ông chồng liền đáp: "Hay ta chỉ ăn cơm với cá thôi! Thịt thì. .. lở mồm long móng, H5N1, tăng trọng, phoóc-môn ..."

Vợ không chịu nói: "Không được đâu! Cá thì bị ướp... u rê! Hay ta chuyển sang... ăn chay!" 

Ông chồng lo lắng: "Ăn chay cũng chết, rau thì dư lượng thuốc trừ sâu, nước tương thì chứa 3-MCPD, gây ung thư..." 

Vợ buồn bã thở dài: "Ăn gì cũng... chết! Biết ăn cái gì đây?" 

Thằng con ngồi nghe bố mẹ nói chuyện từ nãy đến giờ liền góp ý: "Theo con, chỉ có... 'ăn hối lộ' là không chết! Con thấy người ta chỉ bị. .. 'nghiêm khắc phê bình' hoặc. .. 'hưởng án treo' là cùng! Hay ta chuyển sang ăn hối lộ đi bố mẹ nhé!"

Monday, January 26, 2015

Ngày 26-1-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Ca phê muối

CÀ PHÊ MUỐI  

Chàng trai gặp cô gái ở một buổi tiệc. Cô rất xinh đẹp, quyến rũ và đến hơn nửa số người trong buổi tiệc đều để ý đến cô. Trong khi chàng trai chỉ là một người rất bình thường, không ai buồn nhìn tới. Cuối cùng, khi buổi tiệc gần kết thúc, chàng trai ngượng ngập mời cô gái uống cà phê với mình. Cô gái rất ngạc nhiên, nhưng vì lời mời quá lịch sự nên cô đồng ý.

 Họ ngồi ở một chiếc bàn nhỏ trong góc phòng tiệc, nhưng chàng trai quá lo lắng, mãi không nói được lời nào, làm cho cô gái cũng cảm thấy bất tiện. Bỗng nhiên, chàng trai gọi người phục vụ:

 - Xin cho tôi ít muối để tôi cho vào cà phê! 

Mọi người đứng xung quanh đều hết sức ngạc nhiên và nhìn chăm chăm vào chàng trai. Chàng trai đỏ mặt nhưng vẫn múc một thìa muối cho vào cốc cà phê và uống. Cô gái tò mò: 

- Sao anh có sở thích kỳ quặc thế? 

- Khi tôi còn nhỏ, tôi sống gần biển - Chàng trai giải thích - Khi chơi ở biển, tôi có thể cảm thấy vị mặn của nước, giống như cà phê cho muối vào vậy! Nên bây giờ, mỗi khi tôi uống cà phê với muối, tôi lại nhớ tới tuổi thơ và quê hương của mình. 

Cô gái thật sự cảm động. Một người đàn ông yêu nơi mình sinh ra thì chắc chắn sẽ yêu gia đình và có trách nhiệm với gia đình của mình. Nên cô gái bắt đầu nói chuyện cởi mở hơn, về nơi cô sinh ra, về gia đình... Trước khi ra về, họ hẹn nhau một buổi gặp tiếp theo... Qua những lần gặp gỡ, cô gái thấy chàng trai quả là một người lý tưởng: rất tốt bụng, biết quan tâm... Và cô đã tìm được người đàn ông của mình nhờ cốc cà phê muối.

 Câu chuyện đến đây vẫn là có hậu vì "công chúa" đã tìm được "hoàng tử", và họ cưới nhau, sống hạnh phúc. Mỗi buổi sáng, cô gái đều pha cho chàng trai - nay đã là chồng cô - một cốc cà phê với một thìa muối. Và cô biết rằng chồng cô rất thích như vậy. Suốt 50 năm kể từ ngày họ cưới nhau, bao giờ người chồng cũng uống cốc cà phê muối và cảm ơn vợ đã pha cho mình cốc cà phê ngon đến thế.

 Sau 50 năm, người chồng bị bệnh và qua đời, để lại cho người vợ một bức thư:

 "Gửi vợ của anh,
 Xin em tha thứ cho lời nói dối suốt cả cuộc đời của anh. Đó là lời nói dối duy nhất - về cốc cà phê muối. Em có nhớ lần đầu tiên anh mời em uống cà phê không? Lúc đó, anh đã quá lo lắng, anh định hỏi xin ít đường nhưng anh lại nói nhầm thành muối. Anh cũng quá lúng túng nên không thể thay đổi được đành phải tiếp tục lấy muối cho vào cốc cà phê và bịa ra câu chuyện về tuổi thơ ở gần biển để được nói chuyện với em.
Anh đã định nói thật với em rất nhiều lần nhưng rồi anh sợ em sẽ không tha thứ cho anh. Và anh đã tự hứa với mình sẽ không bao giờ mói dối em một lời nào nữa, để chuộc lại lời nói dối ban đầu. 
Bây giờ anh đã đi thật xa rồi, nên anh sẽ nói sự thật với em. Anh không thích cà phê muối, nhưng mỗi sáng được uống cốc cà phê muối từ ngày cưới em, anh chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc vì mình đã phải uống cả. Nếu anh có thể làm lại từ đầu, anh vẫn sẽ làm như thế để có được em, và anh sẽ uống cà phê muối cả cuộc đời". 
Khi người vợ đọc xong lá thư cũng là khi lá thư trong tay bà ướt đẫm nước mắt. 

 Nếu bạn hỏi người vợ rằng: "Cà phê muối có vị thế nào?", chắc chắn bà sẽ trả lời: "Ngọt lắm".

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

MỘT ÔNG PHẬT



Vào thời Minh Trị ở Tokyo có hai vị sư nổi bật với hai cá tính trái ngược nhau. Một người tên Unsho là một giảng sư Chơn ngôn tông (Shingon), giữ giới luật của Phật rất tinh cần. Sư không bao giờ uống rượu, cũng không bao giờ ăn sau mười một giờ trưa. Người kia tên Tanzan, là một giáo sư triết ở Đại Học Hoàng Gia Nhật, chẳng bao giờ giữ giới luật. Khi nào ông ta thích ăn thì ăn và khi nào thích ngủ ngày thì ngủ ngày.

Một hôm Unsho đến thăm Tanzan gặp khi Tanzan đang uống rượu, mà lưỡi của Phật tử, theo giới luật, thì không được dính rượu dù là một giọt nhỏ. Tanzan chào Unsho:

“Chào sư huynh, huynh uống rượu không?”

“Tôi không bao giờ uống rượu,” Unsho nghiêm trang đáp.

“Người mà không uống rượu thì chẳng phải là người,” Tanzan nói.

“Ý huynh muốn nói tôi chẳng phải là người chỉ vì tôi không dầm mình trong thứ nước độc đó!” Unsho tức giận phàn nàn. “Rồi, nếu tôi không phải là người thì tôi là cái gì?”

“Một ông Phật,” Tanzan đáp.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

Cổ Học Tinh Hoa - Đạo vợ chồng

Tưởng mình sắp chết, thấy vợ trẻ trung, không muốn để cho ở vậy thế là quá yêu thương vợ, thể tất cho vợ lắm. Sợ chồng tiếc đẹp, chết đi không dứt, mà khoét mắt để tỏ ra thành tật cho yên lòng chồng, thế là chí tình và nhất tâm với chồng lắm.

Lư phu nhân, vợ ông Phòng Huyền Linh là người tuyệt đẹp và có đức hạnh.

Ông lúc tuổi trẻ hàn vi lắm. Một khi ốm nặng tưởng đã sắp chết, ông gọi Lưu thị đến bảo rằng:

- Tôi bệnh nguy quá, nàng tuổi còn trẻ không nên ở vậy, liệu mà ăn ở cho tử tế với người chồng sau.

Lư thị nghe nói, nức nở khóc. Đoạn vào trong màn khoét một mắt bỏ đi, có ý tỏ cho chồng biết rằng dù chồng bất hạnh có chết, cũng không lấy ai nữa.

Không bao lâu, ông Huyền Linh khỏi bệnh.

Sau ông thi đỗ, làm quan đến chức Tể tướng. Ông một niềm yêu mến, kính trọng Lư thị vô cùng, không hề lấy người tì thiếp nào nữa.

Người ngoài cho thế là tại ông sợ Lư thị có tính hay ghen.

Chính vua Đường Thái Tôn, muốn thử Lư phu nhân, một hôm cho hoàng hậu gọi vào bảo:

Đạo vợ chồng

- Theo phép thường, các quan to vẫn có tì thiếp. Quan nhà ta tuổi đã cao, vua muốn ban cho một người mỹ nhân.

Lư thị nhất quyết không nghe. Vua nổi giận mắng rằng:

- Nhà ngươi không ghen thì sống, mà ghen thì chết.

Rồi sai người đưa cho một chén rượu, giả làm chén thuốc độc, phán rằng:

- Đã vậy thì phải uống chén thuốc độc này.

Lư thị không ngần ngại chút nào, cầm chén, uống hết ngay. Vua thấy thế, nói:

- Ta cũng phải sợ, nữa là Huyền Linh.

Lời bàn:

Tưởng mình sắp chết, thấy vợ trẻ trung, không muốn để cho ở vậy thế là quá yêu thương vợ, thể tất cho vợ lắm. Sợ chồng tiếc đẹp, chết đi không dứt, mà khoét mắt để tỏ ra thành tật cho yên lòng chồng, thế là chí tình và nhất tâm với chồng lắm.

May khỏi bệnh, sau lại làm đến Tể tướng, ông chỉ biết có bà mắt khoét, không thiết gì đến tì thiếp xinh đẹp, thế là ông muốn giữ cho được trọn vẹn cái tình đối với bà. Còn bà không muốn để cho ông có tì thiếp, tuy gọi là thói ghen thường tình, nhưng cũng là vì chung tình với ông, không muốn cùng ai san sẻ mối tình nữa. Quý thay! Đôi vợ chồng này, chân tình và chí tình, suốt đời kính yêu nhau, vợ chỉ biết có chồng, chồng cũng chỉ biết có vợ, chồng một vợ một, không những thoát khỏi cái nạn “đa nhân duyên nhiều đường phiền não” mà còn gây được cái hạnh phúc lâu dài cho thân, cho gia đình, cho con cháu sau nữa.

Chuyện cười trong ngày

Con Đâu Muốn Chết

Sau biến cố 1975, anh chàng kia mất hết sản nghiệp và bà con thân thuộc. Vào chùa, anh thấy tượng Phật chắp tay, nghĩ rằng Phật muốn nói mình phải cầu nguyện. Anh đến nhà thờ đọc kinh, thấy tượng Chúa giang hai tay, anh nghĩ là Chúa cũng không biết làm gì hơn. Chán đời, anh lang thang đến bến Bạch Đằng, gặp tượng Trần Hưng Đạo chỉ tay xuống sông, thế là anh bèn nhẩy xuống sông tự vẫn.

Đến gặp Diêm Vương phán xét hỏi anh ta: "Trông anh còn trẻ, đời còn dài mà sao đã vội chán sống sớm vậy?"

Anh đáp: "Thưa Diêu Vương, con đâu đã muốn chết, tại Đức Thần Trần hưng Đạo bảo con đấy chứ ạ!"

Thần Trần Hưng Đạo đứng gần đó nghe được liền quát lớn: "Cái anh này rõ là ngu, ta chỉ tay xuống sông để anh biết mà tìm đường vượt biên, chứ ta đâu có bảo anh nhảy sông tự vận đâu!"

Sunday, January 25, 2015

Ngày 25-1-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

KỆ PHÓ PHÁP CỦA HOSHIN



Thiền sư Hoshin đã sống nhiều năm ở Trung Quốc. Rồi sư trở về miền bắc Nhật bản, và sư dạy đồ chúng ở đó. Khi đã quá già, sư kể lại cho đệ tử câu chuyện sư đã nghe ở Trung Quốc. Câu chuyện như sau: 


Một năm nọ Thiền sư Tokufu, khi đã quá già, nói với đệ tử rằng: “Ta sẽ không sống đến sang năm, vậy các anh nên đối xử tốt với ta trong năm nay.”

Các đệ tử tưởng sư nói đùa, nhưng vì sư là một bậc thầy có lòng đại độ nên mỗi đệ tử thay phiên nhau liên tiếp đãi sư ăn các món ngon trong những ngày còn lại của năm sắp hết.

Vào chiều cuối năm, Tokufu kết luận: “Các anh đã tốt với ta, ta sẽ từ giả các anh vào chiều mai khi tuyết ngừng rơi.”

Các đệ tử đều cười, nghĩ rằng sư già nua lẩm cẩm nói chuyện phi lý vì đêm hôm đó trời trong và không có tuyết. Nhưng nửa đêm tuyết bắt đầu rơi.

Qua hôm sau họ không thấy sư đâu. Khi vào thiền đường, họ thấy sư tịch ở đó.

Thiền sư Hoshin, người kể chuyện này, bảo các đệ tử của mình: “Thiền sư không nhất thiết phải nói trước sự ra đi của mình, nhưng nếu thật sự muốn, ông ta có thể làm được.”

Một người hỏi, “Hòa thượng làm được không?”

Hoshin đáp, “Được, ta sẽ cho các anh thấy ta có thể làm gì trong vòng bảy ngày tới kể từ bây giờ.”

Không một đệ tử nào tin lời sư và đa số họ còn quên ngay cả cuộc nói chuyện cho đến ngày sư gọi tất cả lại .

Sư bảo: “Bảy ngày đã qua, ta đã nói là sẽ từ giả các anh. Theo thông lệ là viết một bài kệ phó pháp, nhưng ta chẳng phải thi sĩ cũng chẳng phải là người viết chữ đẹp. Vậy hãy để một người nào trong các anh ghi lại những lời cuối cùng của ta.”

Các đệ tử lại nghĩ sư nói đùa, nhưng một người đã bắt đầu viết.

Hoshin hỏi, “Anh sẵn sàng chưa?”

Người viết đáp, “Dạ, rồi.”

Hoshin đọc:

Ta từ quang minh đến

Lại trở về quang minh.

Cái gì đây?



Bài kệ thiếu một câu của bốn câu thường lệ, vì vậy người đệ tử nói: “Hòa thượng, còn thiếu một câu.”

Với tiếng gầm của con sư tử chinh phục, Hoshin hét “Katsu!” và ra đi.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

Cổ Học Tinh Hoa - Ba con rận kiện nhau

Ba con rận kiện nhau

Ba con rận hút máu một con lợn, tranh nhau ăn, đem nhau đi kiện. Một con rận khác gặp, hỏi:

"Ba anh kiện nhau về việc gì thế?

- Ba con rận đáp: Chúng tôi kiện nhau, vì tranh nhau một chỗ đất mầu mỡ.

- Con rận kia nói: Tôi tưởng các anh chẳng nên tranh lẫn nhau thế làm gì. Các anh chỉ nên lo đến con dao của người đồ tể giết lợn, ngọn lửa của bó rơm thui lợn mà thôi."

Ba con rận nghe ra, biết là dại, thôi không đi kiện nữa, cùng nhau quần tụ, làm ăn với nhau, dù no, dù đói, cũng không bỏ nhau. Con lợn thành mỗi ngày một gầy, người ta không làm thịt cứ để nuôi, ba con rận nhờ thế mà no đủ mãi.

Lời Bàn:

Nhân dân một xứ mà cứ tranh giành lẫn nhau cái lợi trước mắt, không nghĩ gì đến cái việc lâu dài cho cả toàn thể, thì trí khôn thật không bằng mấy con rận nói trong truyện nầy.

Tranh nhau, cãi nhau, đánh nhau, kiện nhau, thì oan oan tương kết, lợi chẳng thấy đâu, chỉ thấy hại, hại cho một mình lại hại cho cả đàn, cả lũ nữa. Sao không biết: Sâu đục cây, cây đổ thì sâu cũng chẳng còn: trùng hại vật, vật chết thì trùng cũng hết kiếp.

Thích nghĩa

Quần tụ: quây quần ăn ở bao bọc lấy nhau.

Đồ tể: người làm thịt các giống vật để bán.

Chuyện cười trong ngày

Trong một buổi  thuyết giảng. Sư Thầy giảng:

- Rượu chính là kẻ thù lớn nhất của người Phật tử, là giới cấm trong 5 giới. Người Phật tử phải  tránh xa nó như một thứ bệnh dịch hạch vậy.

Sau bài giảng này một người  Phật tử đến gần đảnh lễ Sư Thầy và nói:

- Thưa Sư, Sư vừa dạy chúng con rượu là kẻ thù lớn nhất, nhưng tuần trước Sư giảng về tâm từ bi Sư cũng dạy chúng con rõ ràng là phải yêu thương kẻ thù mình, vậy hẳn chúng con  được phép yêu rượu chứ !

Vị Sư Thầy mỉm cười và trả lời:

- Phải con ạ, trong kinh Đức Phật đã dạy về tâm từ Đức Phật dạy chúng ta phải yêu cả kẻ thù của mình, nhưng không có nghĩa là chúng ta phải nuốt sống kẻ thù vào trong bụng 

Saturday, January 24, 2015

Ngày 24-1-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Mẹ và dư luận

Mẹ và dư luận

 Lên đại học, học môn tâm lý tôi mới hiểu một phần về sức mạnh dư luận. Nó có thể ví như ngọn gió: hoặc khiến người ta có cảm giác dễ chịu, khoan khoái, hoặc khiến người ta lao đao, khổ sở. Và ngọn gió thứ hai ấy đã đi qua đời mẹ tôi kể từ một ngày… 

Thế là hết, mẹ tôi mất chồng khi tôi vào mẫu giáo và đứa em gái kế tiếp lên hai. Bố tôi ra đi trong một vụ tai nạn đường sông. Hạnh phúc bảy năm chung sống của mẹ lúc ấy như mảnh gương vỡ. Thế là hết, bao nhiêu lo toan, vất vả thời kỳ đầu đất nước mở cửa của gia đình tôi không còn san đều cho hai người mà đã trút hết vào vai mẹ - một người bị bệnh thấp khớp, tay chân lúc nào cũng đau nhức. Thế là hết, biển Đông bây giờ chỉ còn mình mẹ… tát cạn. 

Vẫn còn đó trong nỗi nhớ của tôi bóng dáng mẹ tất tả gánh từng gánh dâu nuôi những mí tằm. Người ta nói “nuôi lợn ăn cơm nằm, làm tằm ăn cơm đứng”. Tối đến mẹ vừa thái dâu vừa bóp thuốc cho tay đỡ đau, đỡ mỏi. Thương mẹ, tôi chỉ biết vâng lời mẹ... đi ngủ sớm. Mẹ vẫn thức tới khuya, hi vọng ngày mai tằm sẽ nhả tơ! Vẫn còn đó hình ảnh đứa em khóc thét khi đòi vú mẹ. Nóng quá nó không bú được. Tội nghiệp em tôi, nhưng có bao giờ mẹ về trước 12 giờ trưa đâu. Vẫn còn đó ánh lửa chập chờn bóng mẹ mỗi sớm: nồi cơm một bên, nồi cám lợn một bên để cải thiện cuộc sống. Mẹ ngồi xuống, đứng lên một cách chậm chạp. Đứa em thứ ba của tôi sắp ra đời. Sao mẹ lại khóc? Mẹ xoa đầu tôi rồi nhìn vào xa xăm: con chưa hiểu gì đâu. Thế nhưng bây giờ tôi đã hiểu: dư luận từ đó, bão táp từ đó… 

Thật là nghiệt ngã khi đứa em thứ ba của tôi ra đời. Nó sẽ không bao giờ được nhìn thấy và sẽ không được gọi tiếng “bố” thân thương cho đến khi nó nói được, hiểu được đã đành; nhưng còn mẹ tôi - sống ở nông thôn, nơi tư tưởng phong kiến và cực đoan trong cách phán đoán vẫn còn ăn sâu vào tâm thức của nhiều người thì lời giải thích nào là thỏa đáng khi thời gian bố mất đến lúc em bé ra đời lại rất trùng khớp. Nằm ở giường sinh mà mẹ chỉ có một mình. Họ ngoại thì quá xa, họ nội thì nặng lời cay nghiệt: không thể chấp nhận kẻ đánh rơi chữ hạnh. Câu nói ấy nặng hơn ngàn búa bổ. Họ đến rồi đi ngay với vài món quà để lại. Đó là sự thương tình với mấy đứa cháu mồ côi. Phận làm dâu của mẹ họ coi như không còn. May thay vẫn có bà cụ neo đơn cùng xóm, thân với nhà tôi từ lúc bố còn sống, đến để chia sẻ nước mắt cùng mẹ. 

Ba tháng sau ngày sinh con, mẹ lại ra đồng. Khớp tay mẹ vẫn còn đau nhưng không đau hơn cái nhìn miệt thị như dao cắt của mọi người xung quanh. Theo họ, tội của mẹ là cỏ mộ chồng chưa xanh mà đã... Mẹ cắn răng chịu đựng, “ông Trời có mắt mà con!”. Sau này tôi thắc mắc thì mẹ chỉ nói thế nhưng tôi biết lúc ấy là cả một sự hi sinh lớn lao. 

Và nỗi đau của mẹ như chất chồng khi không thể chia sẻ cùng ai. Nhưng có tình cảm nào thiêng liêng hơn tình mẫu tử. Dường như mẹ bất chấp tất cả, suốt ngày làm việc để đánh đố với nỗi day dứt trong lòng. Mẹ gửi hai đứa em tôi cho bà cụ. Tiếng khóc trẻ thơ xua tan nỗi cô quạnh của tuổi già nên bà cụ rất thương chúng nó, trông nom, chăm sóc mà không một đồng thù lao. Sáu tháng, một năm rồi hai năm, cuộc sống của mẹ hướng dần về phía mặt trời mọc. 

Đứa em út lớn lên, con bé giống bố như tạc. Mũi cao, mắt đen, sâu là những gì người ta bảo nó “ăn cắp” từ bố. Thế là rõ, mẹ tôi “vô tội” mà không cần một lời thanh minh. Thật ra mẹ cũng bất ngờ về cái thai ấy. Mẹ kể và dự đoán, hóa ra lần cuối cùng mẹ gần bố đã nảy nở một mầm sống. “Sống phải chịu sự đàm tiếu của dư luận nhưng không phụ thuộc vào dư luận”. Đó là mẹ tôi. Còn tôi luôn coi lời dạy ấy như một bài học trong cách làm việc sau này. Nói vậy nhưng không dễ chút nào nếu tình thương con và niềm tin của mẹ không vượt lên tất cả. 

Kinh tế gia đình tôi từ đó cũng khá lên nhờ mẹ liên tiếp trúng những mí tằm. Một phần là sự giúp đỡ của các cô trong hội phụ nữ xã. “Nhờ họ mà mẹ con mình bớt khổ”. Mẹ nói với tất cả lòng biết ơn và một chút duy tâm: “Bố phù hộ các con”. 

Có được một ít vốn, mẹ vào Nam với ngoại. Tôi được gửi cho người dì ruột ở quê để đi học. Thế là mọi người tiếp tục nghi ngờ nhưng với thái độ dễ chịu hơn: chuẩn bị có bố mới rồi nhé, năm năm nay không được gọi bố rồi còn gì... Có lẽ đó là lời ám chỉ mẹ, tôi loáng thoáng hiểu ra nhưng bỏ ngoài tai. Nhớ mẹ, tôi chỉ mong mẹ về thật sớm và họ nói sai. Và cuối cùng, tất cả mọi lời ám chỉ đều sai. Lần đó mẹ chỉ đi chữa bệnh khớp xương hai năm rồi về. Và 15 năm nay, kể từ ngày bố mất, mẹ vẫn ở vậy để nuôi chúng tôi khôn lớn.

 Mẹ không cần chứng minh mà mọi người phải công nhận. Mẹ đã vượt qua ngọn gió thứ hai bằng sức mạnh của tình thương con và niềm tin vào chính mình. 
TRẦN MINH KHÔI

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

THẾ À?

Thiền sư Bạch Ẩn (Hakuin) được những người láng giềng ca ngợi là người sống một cuộc đời trong sạch.
Một cô gái Nhật đẹp có cha mẹ làm chủ một cửa tiệm thực phẩm sống gần chùa sư. Bất ngờ một hôm cha mẹ cô ta khám phá ra cô ta có thai.
Cha mẹ cô nổi giận. Cô ta lại không chịu thú nhận người đàn ông đó là ai, nhưng sau nhiều phiền phức cuối cùng lại là tên Bạch Ẩn.
Cha mẹ cô ta phẫn nộ đi thẳng đến sư. Sư chỉ thốt vỏn vẹn hai tiếng, “Thế à?”
Sau khi đứa bé sinh ra, nó được mang đến cho Bạch Ẩn. Lúc ấy sư đã mất hết thanh danh. Điều này không làm sư phiền não. Sư chăm sóc đứa bé thật chu đáo. Sư xin sữa của những bà mẹ hàng xóm và mọi thứ khác cần cho đứa bé.
Một năm sau đó, cô gái làm mẹ không còn chịu nổi nữa. Cô ta nói sự thật cho cha mẹ cô ta biết--rằng người cha thực sự của đứa bé là một thanh niên làm việc ngoài chợ cá.
Cha mẹ cô ta lập tức đến Bạch Ẩn cầu xin tha thứ, xin lỗi không ngớt, và xin đứa bé trở lại.
Bạch Ẩn ưng thuận. Khi trao lại đứa bé, sư cũng chỉ nói hai tiếng, “Thế à?”
 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

Cổ Học Tinh Hoa - Đánh dấu thuyền tìm gươm

Đánh dấu thuyền tìm gươm

Có người nước Sở đi đò qua sông. Khi ngồi đò, vô ý, đánh rơi thanh gươm xuống sông. Anh ta vội vàng đánh dấu vào mạn thuyền, nói rằng: "Gươm ta rơi ở chỗ nầy đây".

Lúc thuyền đỗ vào bến, anh ta cứ theo chỗ đánh dấu, lặn xuống nước tìm gươm. Thuyền đã đi đến bến, chớ gươm rơi đâu thì vẫn ở đấy, có theo thuyền mà đi đâu? Tìm gươm như thế, chẳng khờ dại lắm ư!

Lời Bàn:

Thanh gươm rơi xuống sông, thì ở ngay chỗ rơi. Nếu muốn tìm thấy gươm, tất phải lặn ngay xuống chỗ rơi mà tìm. Chớ sao lại đánh dấu vào thuyền, đợi đến lúc thuyền đỗ vào bến, mới lặn xuống bến tìm? Người tìm gươm nầy có khác nào như người đánh đàn sắt đem gắn cả ngựa lại, tưởng ngựa không di dịch được là các âm vận tự nhiên điều hòa được đúng! Than ôi! người cố chấp bất thông, chỉ câu nệ biết giữ chặt một cái đã nắm chặt trong tay, chớ không hiểu nghĩa chờ "thời" là gì?

Thích Nghĩa

Lã Thị Xuân Thu: Sách của Lã Bất Vi làm. Lã Bất Vi người đời nhà Tần thời Chiến quốc, trước là lái buôn to, sau làm tướng, chính là cha đẻ của Tần Thủy Hoàng. Khi làm quyển Lã Thị Xuân Thu xong, Bất Vi đem treo ở cửa Hàm Dương, nói rằng "Ai bớt được, hay thêm được một chữ, thì thưởng cho ngàn vàng".

Sở: một nước lớn thời Xuân Thu ở vào vùng Hồ Bắc, Hồ Nam bây giờ.

Thanh gươm: tục xưa người ta đi đâu cũng hay đeo gươm để thủ thân mà lại giữ lễ nữa.