Wednesday, November 26, 2014

Ngày 26-11-2014 Khởi Nguồn Chánh Pháp

Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể
Con nuôi cha mẹ tính kể từng ngày

BÀ LA MÔN MAHĀSĀLA VỐN LÀ MỘT ĐẠI PHÚ GIA NHƯNG SAU NGHÈO KHỔ VÌ BỊ CON BẤT HIẾU SANG ĐOẠT TÀI SẢN. ĐỨC PHẬT GIÚP VỊ NẦY CẢM HÓA CON CỦA MÌNH BẰNG BÀI KỆ.

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center.

Chuyện ngắn - Mất xe

Mất xe 
Bài sưu tầm

Nhà có hai chiếc xe đạp. Mẹ đi dạy hàng ngày phải chạy một chiếc. Còn lại một chiếc cho nó đi học đại học.

Hơn hai năm đại học trôi qua, lối sống nhộn nhịp ở thành phố đã cuốn hút nó. Những quán nhậu, quán cà phê, quán bi da trở nên quen thuộc đối với nó.

Một buổi tối nó đi bộ về nhà trọ. Mặt buồn xo. Hai đứa bạn cùng phòng đang học bài bật dậỵ “Xe mày đâu?”. “Mất rồi”. Để giáo trình lên bàn, nó nằm úp mặt vào gối, chẳng buồn nói chuyện. Hai đứa bạn lại gần vỗ về, an ủi.

Cuối tháng nó về quê. Ba mẹ không mắng, chỉ buồn. Ngày đi, ba cho tiền. Nó nhét tiền vào bóp. Một tờ giấy mỏng chợt rơi xuống đất. Mẹ nhặt vội tờ giấy và trả lời thắc mắc của ba :”Hóa đơn thuốc của em, tháng trước em cho con tiền vô tình cái hóa đơn bị kẹp vào giữa xấp tiền, may mà còn”.

 Nó nhìn mẹ, hai dòng nước mắt lăn dài trên má. Ba đâu biết rằng, cái hóa đơn thuốc mà mẹ nói chính là giấy biên lai cầm chiếc xe đạp của nó

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

TRONG CÕI MỘNG 

Một đệ tử của Thích Tông Diễn kể: “Thầy chúng tôi thường ngủ trưa một giấc ngắn. Chúng tôi trẻ con hỏi tại sao thầy ngủ trưa, thầy chúng tôi đáp, “Tôi vào cõi mộng gặp các hiền triết thời xưa giống như Khổng Tử vậy.” Khi Khổng Tử ngủ, mộng thấy các hiền triết thời thượng cổrồi kể lại cho đệ tử nghe.

Một hôm trời nóng ghê gớm, vài đứa chúng tôi ngủ một giấc ngắn. Bị thầy mắng, chúng tôi giải thích, “Chúng con đi vào cõi mộng gặp các hiền triết thời thượng cổ như Khổng Tử vậy.” Thầy liền hỏi, “Thế có tin tức gì của các hiền triết đó không?” Một đứa trả lời, “Chúng con vào cõi mộng, gặp các vị hiền triết và hỏi có thấy thầy chúng con đến đây mỗi buổi trưa không, nhưng họ bảo là không thấy một kẻ nào như vậy.”

Chuyện xưa tích cũ - Ăn Trầu Ngắt Đuôi

ĂN TRẦU NGẮT ĐUÔI
Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Thuở ấy, ở xóm kia có chàng thanh niên và cô thiếu nữ rất xứng đôi vừa lứa. Cha mẹ của đôi bên đều bằng lòng kết tình thông gia nhưng chưa nói cho con mình biết. 

Vì quá yêu nhau, hằng đêm cô thiếu nữ lén mở cửa phòng rước cậu trai vào tự tình. Mãi đến gà gáy hừng đông, cậu trai mới ra về. Cứ như vậy ngày này qua tháng kia. 

Buổi tối, trước khi về, cậu trai ao ước được ăn một miếng trầu. Nhìn trong khay thấy hết trầu, cô thiếu nữ liền chạy ra vườn hái một lá đem vô, têm vôi, mời chàng. Dè đâu miếng trầu nhai chưa dập là chàng nọ ngã lăn, trào đờm rồi chết. Hoảng hốt, nàng tri hô lên. Quan làng chạy lại khám xét tử thi, thấy nhiều đốm đỏ loang khắp mình. 

Thế là cô nọ bị bắt giam để xét hỏi về tội bỏ thuốc độc giết người. Cô cứ một mực kêu oan. Cuộc tra tấn kéo dài, lần lần cô trở nên ốm o gầy mòn, gần chết trong ngục. 

May sao, có ông quan Án đi qua. Quan Án hỏi cô: -Đầu đuôi tự sự như thế nào? Mi phải khai rõ rệt. 

Cô nọ nói sự thật. Nghe xong, vị quan suy nghĩ, gật đầu. Ông đi ra ngoài vườn xem kỹ lưỡng từng lá trầu trên nọc. Ông chú ý: ở mấy lá sát gốc đều dính một chất gì nhớt ngay chót đuôi lá, giống như là con ốc, con sên bò qua nhả nước miếng. 

Nhưng không thấy con ốc, con sên nào cả! 

Ông quá tức trí, ra lệnh đào dưới đất, ngay nọc trầu. Đào xuống thật sâu, bỗng nghe tiếng khè khè. Rõ ràng là con thuồng luồng nằm khoanh trong hang. Dân chúng chạy tứ tán. 

Ông quan nói: -Con thuồng luồng này hằng đêm lén bò lên mặt đất để kiếm nước uống. Vì quá khát nước, nó phải liếm mấy giọt sương mù ở chót đuôi mấy lá trần gần dưới đất. Nọc con thuồng luồng dính lại trên lá nên gây chết người. Cô gái này bị hàm oan. 

Chòm xóm nhìn nhận lời vị quan nọ là chí lý, tài trí như Bao Công thuở trước. Từ đó về sau, trước khi têm trầu, ai nấy đều ngắt chót đuôi lá vì sợ nọc con thuồng luồng. Bây giờ giống thuồng luồng không còn, nhưng thói quen của con người hãy còn.

Chuyện cười trong ngày

Bệnh truyền nhiễm

- Thưa bác sĩ - Người đàn ông nói trong máy - Con trai tôi bị sốt ban.

- Tôi biết - Bác sĩ đáp - hôm qua tôi đã đến nhà ông và cho cậu ta uống thuốc. Ông hãy cách ly cậu ta với những người khác.

- Nhưng nó đã hôn con hầu.

- Vậy thì chúng tôi sẽ đem cách ly chị ta...

- Và chính tôi cũng hôn con hầu.

- Như thế có nghĩa là ông có thể mắc bệnh rồi.

- Vâng và từ lúc đó đến giờ tôi đã hôn vợ tôi.

- Khốn khổ - Bác sĩ hốt hoảng - Vậy thì tôi cũng bị lây mất rồi.

Tuesday, November 25, 2014

Ngày 25-11-2014 Khởi Nguồn Chánh Pháp

Gieo trồng mảnh đất tâm linh
Cho hoa thắm nở vô sinh lối về

BÀ LA MÔN KASI BHĀRADVĀJA THẤY ĐỨC PHẬT ĐI KHẤT THỰC, HỎI NGÀI CÓ LÀM RUỘNG ĐỂ NUÔI THÂN KHÔNG. ĐỨC PHẬT NHÂN ĐÓ NÓI VỀ NHỮNG HUÂN TẬP NỘI TÂM. KASI ĐÃ QUI Y PHẬT.

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Chuyện ngắn - Diệu kỳ số 1

Diệu kỳ số 1
Bài sưu tầm

 Bạn có nghĩ rằng số 1 là nhỏ bé? Hãy khám phá những điều bất ngờ của con số đầy ý nghĩa này! 
• Ai cũng chỉ có một mẹ, mẹ là người cho con tình yêu mãi mãi. Mẹ cho con tất cả, vô điều kiện. Mẹ là tài sản quý giá nhất mà con có được ngay từ khi mới sinh ra. 
• Mỗi người chỉ có một trái tim để giữ nó trong sạch. Trái tim hoàn hảo nhất là trái tim đã chia sẻ tình yêu thương nhiều nhất.
 • Mỗi cuộc đời có thể trải qua nhiều mối tình, mối tình đầu khó quên nhất, nhưng mối tình cuối mới là mối tình đẹp nhất.
 • Một người yêu đúng nghĩa là người mà trái tim họ có thể sưởi ấm khi giá lạnh nhất.
 • Hãy tin vào tình yêu, luôn có một ai đó dành cho một ai đó.
• Một người bạn chân thành đủ khiến ta bình tĩnh, tự tin và an tâm dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã hay nguy hiểm nhất. Đó là món quà quý báu đặc biệt của cuộc sống.
 • Một ánh nhìn ấm áp, nói được nhiều hơn những điều vô vị. 
• Một nụ cười có thể làm nên những điều kì diệu.
 • Ai cũng có ít nhất một khả năng hơn người, chẳng qua là họ chưa thấy được để nhìn nhận khả năng mới của họ mà thôi.
• Mỗi người chỉ có một cái miệng để cẩn thận khi dùng lời nói, để không còn làm nó dơ bẩn và không làm tổn hại đến người khác. 
• Một cuốn sách có thể làm thay đổi con người. Cuốn sách với nội dung xấu xa đủ làm hư hỏng người đọc, nhưng không ai thành công với chỉ một cuốn sách hay
. • Một lần ăn cắp thì mãi là kẻ cắp. 
• Một người không có gì ngoài gia tài kếch xù thì không bằng một người nghèo khổ mà có tri thức, sáng tạo, kinh nghiệm và lý tưởng.
 • Một đồng tự lao động được quý giá hơn nhiều so với hàng ngàn đồng nhặt được hay làm việc bất chính mà có. 
• Ai cũng chỉ có một cuộc sống để làm việc và yêu thương hết mình. 
• Chuỗi ngày quá khứ đã qua, tương lai rộng mở nhiều bất ngờ. Ta chỉ có một hiện tại để sống và để tận hưởng từng phút từng giây. 
• Có nhiều cơ hội chỉ đến một lần trong đời. 
• Với thế giới, bạn chỉ là một ai đó, nhưng có thể với một ai đó, bạn là cả một thế giới. Vì vậy, ngay khi đọc xong những dòng này, bạn hãy làm ngay một việc gì đó có ích cho cuộc sống, nhé!

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

SỰ NGHÈO NÀN


Một ngày nọ người cha trong một gia đình giàu có đã đưa người con trai của mình đi du lịch về làng quê với mục đích cho người con nhìn thấy đời sống của những người nghèo như thế nào.

Họ đã sống một ngày và một đêm tại một nông trại mà được coi là một gia đình nghèo nhất.

Trên đường trở về, người cha hỏi người con, "chuyến du ngoạn như thế nào?"

" Thật là vĩ đại, thưa Ba."

"Con đã thấy những người nghèo họ sống như thế nào? Người cha hỏi.

"oh, dạ có" người con trả lời

"Vậy hãy nói cho cha con đã học được gì từ cuộc du ngoạn?" người cha hỏi.

Người con trả lời: "Con đã thấy chúng ta có một con chó và họ đã có bốn. Chúng ta có một hồ bơi trải ra tới giữa vườn của chúng ta và họ có một nhánh sông bất tận. Chúng ta có những đèn lồng nhập cảng tại vườn của chúng ta và họ có nhiều ngôi sao vào ban đêm. Hàng hiên của chúng ta trải ra tới sân trước và họ thì có cả một vùng trời. Chúng ta có một miếng đất nhỏ để sinh sống và họ có nhiều cánh đồng mà chúng ta thấy bao la bát ngát . Chúng ta có nhiều người hầu để phục vụ chúng ta, nhưng họ thì phục vụ những người khác. Chúng ta mua thực phẩm cho chúng ta, nhưng họ thì tự trồng trọt lấy. Chúng ta có những bức tường bao bọc chung quanh tài sản của chúng ta để bảo vệ chúng ta, họ có nhiều bạn để bảo vệ họ.

Người cha đã không nói được lời nào

Và rồi người con nói tiếp "Cám ơn Cha, đã cho con thấy được chúng ta nghèo nàn như thế nào."

Chuyện xưa tích cũ - Tích Bà Đen ở núi Tây Ninh

TÍCH BÀ ĐEN Ở NÚI TÂY NINH

Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Ngày xưa, núi Bà Đen gọi là núi Một. Trên đó, có tượng Phật bằng đá rất linh thiêng. Người Việt Nam, Cao Miên, Chàm … xúm nhau dọn đường để lên cúng Phật. Họ phải đi từng đoàn vì dọc đường cọp beo rất nhiều. 

Lý Thị Thiên Hương là cô gái văn hay, võ giỏi, gốc ở Trảng Bàng, thuở nhỏ, nước da của cô đen đúa nhưng lớn lên trở nên xinh đẹp. 

Mỗi ngày rằm, cô lên núi lạy Phật. Trong làng có chàng thanh niên tên Lê Sĩ Triệt đem lòng yêu mến cô. 

Một hôm, vị quan Cao Miên nọ toan dùng võ lực bắt cô đem về làm thiếp. Quan ta bèn ra lệnh cho tên thầy võ thi hành. Lúc cô Lý Thị Thiên Hương bị tên võ phu nọ đánh hạ, bỗng nhiên Lê Sĩ Triệt xông ra cứu được. Về nhà, cô thuật lại cho cha mẹ hay. Cha mẹ cô đồng ý cho làm lễ thành hôn. Nhưng lúc ấy nhằm lúc Võ Tánh chiêu binh giúp vua Gia Long đánh Tây Sơn, Lê Sĩ Triệt lập tức tòng quân. 

Cô Thiên Hương chờ ngày Lê Sĩ Triệt trở về ca khúc khải hoàn. Rủi thay hôm nọ, lúc đang cầu khẩn trên núi, bọn cướp Miên đến bao vây. Nàng phải chạy vào rừng mất tích luôn. 

Qua đời Minh Mạng, có vị Hòa thượng trụ trì trên núi Tây Ninh. Một hôm đang niệm Phật, sư cụ thấy một nàng nọ, mặt đen nhưng xinh đẹp hiện ra nói văng vẳng: -Ta đây là lý Thị Thiên Hương, khi mười tám tuổi bị bọn cướp rượt nên té xuống hố chết. Nay ta đắc quả rồi. Hòa thượng nên xuống triền núi phía Đông Nam tìm thi hài ta mà chôn cất giùm … 

Đúng như lời, Hòa thượng gặp xác của cô, đem chôn cất. Vì tiếng đồn, vài người Cao Miên đến coi đám ma nọ, nhưng vừa tới nơi là họ hộc máu ngã ra chết. 

Quan Thượng Quốc Công Lê Văn Duyệt bèn lên núi để biết hư thực. Ngài hứa dâng sớ về trào để truy phong cho cô Thiên Hương, nếu cô làm thế nào cho ngài thấy tận mắt sự hiển hách. Dứt lời cô Thiên Hương bèn nhập vào xác một đứa con gái mà nói: -Hồn của Thượng quan nay mai được chức Thần kỳ linh hiển, nhưng xác của Thượng quan phải bị hành hạ. 

Quan Thượng Quốc Công Lê Văn Duyệt nói: -Bổn chức không cầu xin biết tương lai của mình. Bổn chức muốn biết rõ căn do của nàng. 

Xác nọ bèn rơi nước mắt thuật lại việc chết oan của mình và nhắc lại duyên tiền định với Lê Sĩ Triệt. Theo lời thuật lại thì sau khi thành Bình Định thất thủ, Lê Sĩ Triệt tử tiết theo Võ Tánh, đã được phong chức Thần tướng coi sóc hai tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận. Vì muốn được trường sanh bất tử nên hai đàng không chung chăn với nhau. 

Nhờ vậy nàng được phép xuống cõi trần thế để cứu dân độ thế. 

Dứt lời cô gái nọ nhào ngửa, bất tỉnh nhân sự, hồi lâu mới tỉnh. 

Quan Thượng Quốc Công Lê Văn Duyệt bèn thay mặt nhà vua mà phong cho Lý Thị Thiên Hương chức vị “Linh Sơn Thánh Mẫu”, ngự ở núi Một, tức là núi Bà Đen bây giờ.

Chuyện cười trong ngày

Quảng cáo độc !

Một cửa hàng kính thuốc:

"Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Để bảo vệ cho tâm hồn của bạn, hãy lắp kính vào cửa sổ".

Monday, November 24, 2014

Ngày 24-11-2014 Khởi Nguồn Chánh Pháp

Lụy chi bất tịnh hình hài
Khổ chi tự trói bằng dây kiết thằng

PRAKRITĪ, THEO NGOẠI SỬ, ĐEM LÒNG QUYẾN LUYẾN TÔN GIẢ ĀNANDA. SAU NẦY ĐƯỢC ĐỨC PHẬT GIÁO HÓA CỞI BỎ DÂY TRÓI BUỘC ÁI DỤC.

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Chuyện ngắn - Người con trai

Người con trai
Bài sưu tầm

 "Bác ơi,con trai bác về rồi đây này" cô y tá thì thầm vào tai người bệnh. Cô gái phải lặp lại nhiều lần câu nói, mi mắt của ông già mới khẽ hấp háy. Nặng nhọc và lờ đờ sau cơn đôt quỵ tim vào lúc nửa đêm, ông chậm chạp đưa ánh mắt đờ đẫn về phía người thanh niên đứng bên giường. Có lẽ trong lúc này, ông chỉ nhận ra bóng dáng lờ mờ của đứa con trai duy nhất.

Chàng trai mặc quân phục nhìn ông thảng thốt, bối rối. Dường như chàng muốn nói gì đó nhưng lại thôi. Chàng trai cúi xuống khẽ gọi:"Cha! Cha nhận ra con không?" và cầm lấy bàn tay ông lão. Bàn tay rắn chắc của anh nắm chặt lấy cổ tay gầy gò của ông. Những ngón tay cứng đờ của ông lão bấu víu lấy tay chàng như muốn được tiếp thêm sức sống như bịn rịn ko muốn từ bỏ cái thế giới mà ở đó còn lại cái núm ruột duy nhất của ông.

Chàng trai mặc áo lính mệt mỏi ngồi xuống ghế. Trong tiếng rít của máy thở oxy, tiếng rên của các bệnh nhân khác, chàng trai vẫn nắm chặt bàn tay nhỏ bé, miệng thì thầm bên tai ông già những lời yêu thương và an ủi. Chàng trai kể cho cha nghe về những tháng ngày hạnh phúc của gia đình, về nỗi nhớ cha khi chàng trong quân ngũ, về những chuyến đi, những kế hoạch mà hai cha con cùng dự định khi chàng xuất ngũ. Chàng nhắc đến chuyện cha chàng muốn chàng sớm lấy vợ để ông có cháu.....

Trong tiếng thì thầm của chàng trai, những vết nhăn đau đớn trên vầng trán ông lão dường như giãn ra, những tia sáng yếu ớt lấp loé trên đôi mắt ông. Đêm dài lặng lẽ trôi đi. Vài lần cô y tá vào kiểm tra tình trạng của ông lão. Cô hiểu ông lão khó qua khỏi trong đêm nay, nhưng cô không thể nói điều đó cho người con đang cố tiếp sức cho cha mình. Cô chỉ biết khuyên nghỉ một lát lấy sức, nhưng chàng trai kiên quyết từ chối.

Khi vầng đông đỏ ối nơi chân trời sắp tắt,ông lão thanh thản thở hơi cuối cùng. Chàng vuốt mắt cho ông lão. Tay chàng nắm chặt bàn tay gầy gò của ông lão như ko muốn rời. Cô y tá khẽ vỗ vai chàng trai :" anh nên nghỉ lấy một chút sức rồi điền vào tờ khai này. Còn bây giờ là phận sự của chúng tôi". Chàng trai ngẩng đầu,ngước đôi mắt đỏ ngầu vì mất ngủ nhìn cô y tá: " khai gì cơ?". " họ tên và địa chỉ của cha anh. Anh xem đi, có gì cần chỉ dẫn cứ hỏi chúng tôi." " nhưng ...tôi...tôi đâu có biết ông ấy là ai đâu mà khai" chàng trai lúng túng trả lời. Đến lượt cô y tá sửng sốt.

"Không phải cha tôi. Lần đầu tiên trong đời tôi gặp ông ấy. Có lẽ người ta đã nhầm tôi với con trai ông ấy." chàng trai phân bua." Thế sao anh im lặng khi tôi đưa anh đến đây?" cô y tá hỏi. "tôi định nói nhưng tôi nghĩ nhưng tôi nghĩ ông ấy chắc không qua khỏi đêm nay. Ông ấy muốn có con ở bên cạnh,nhưng để tìm đúng người có lẽ không kịp nữa, thế nên tôi quyết định ở lại." chàng trai đáp.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

TẤT CẢ MỌI THỨ ĐỀU NHẤT.


Khi Banzan đi bộ xuyên qua khu chợ ông nghe một cuộc nói chuyện giữa người hàng thịt và khách hàng của anh ta

"Đưa tôi một miếng thịt ngon nhất mà ông có," người khách hàng nói.

"Tất cả mọi thứ trong gian hàng của tôi thì là ngon nhất," người hàng thịt trả lời. "Ông không thể nào kiếm thấy bất cứ miếng thịt mà nó không là ngon nhất."

Với những lời nói đó Banzan trở lên giác ngộ.

Chuyện xưa tích cũ - Truyện con chó đá

TRUYỆN CON CHÓ ĐÁ
Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Thuở xưa, có một anh học trò, mỗi ngày đi đến nhà thầy, phải ngang qua một nơi có con chó đá. Lạ một điều, ai đi qua thì con chó cũng trơ trơ, chỉ có anh học trò mỗi lần đi đến thì con chó nhổm dậy tỏ vẻ mừng rỡ. 

Anh học trò không khỏi lấy làm lạ, lần kia anh liền dừng lại hỏi con cho đá rằng: -Người qua lại ở đây cũng đông, sao các người khác mày không mừng, chỉ riêng có một mình tao thì mày mừng là tại cớ chi? 

Con chó đá đáp rằng: -Khoa này bao nhiêu người kia, chẳng có ai đỗ đạt cả, chỉ có mình cậu thi đỗ, số trời đã định nên tôi mừng cho cậu vậy. 

Anh học trò nghe nói vậy rất mừng, lúc về nhà kể chuyện lại cho cha mẹ nghe. Từ đó, người cha bỗng lên mặt kiêu căng, phách lối bắt nạt mọi người. Có lần người cha dắt trâu bò ra đồng cày ruộng, thả trâu cho dẫm lên mạ của người làng. Người ta nói, ông ta không thèm đáp. Hôm sau, đem thêm trâu ra dẫm be bét cả ruộng của người ta. Chủ ruộng lấy làm bất mãn phiền hà, thì người cha trợ mắt múa chân tay đe dọa: -Coi chừng, khoa này con ông thi đỗ thì bây sẽ biết tay ông. 

Chủ ruộng nghe vậy thì hoang mang, lo lắng nên phải chịu lép mọi bề. Hôm sau, anh học trò đi qua chỗ con chó đá thì không thấy nó nhổm dậy vẫy đuôi mừng nữa. Lúc quay về nó cũng không mừng. Anh học trò ngạc nhiên hỏi con chó: -Mọi lần tao qua đây thấy mày mừng, cớ sao bữa nay mày không mừng, tao có làm điều chi không hay chăng? 

Con chó đáp rằng: -Việc này hổng phải tại cậu mà tại cha của cậu lên mặt hống hách, bắt nạt đầu này, ức hiếp đầu kia, cho trâu phá ruộng mạ của người ta còn lên giọng hăm dọa, nên Thiên Tào bôi sổ cậu rồi, khoa này cậu không đỗ đâu, như vậy tôi còn mừng cậu làm gì nữa. 

Anh học trò nghe con chó đá nói vậy thì buồn bã ra về thuật chuyện cho cha mẹ nghe. Người cha lấy làm hối hận, từ đó không lên mặt hống hách nữa. Riêng anh học trò, khoa đó vào thi mặc dầu học giỏi và cố gắng anh vẫn không đỗ. Lòng lấy làm buồn vác lều chiếu trở về đợi khoa sau. 

Khoa sau và khoa sau nữa anh đều thi rớt, cha mẹ anh bấy giờ mới biết lẽ trời chí công, nên hết lòng tu nhân tích đức, ăn ở rất tử tế với tất cả mọi người. 

Một hôm, anh học trò đi ngang qua chỗ con chó đá, con chó bỗng nhổm dậy mừng rỡ nhìn anh. Anh chưa hỏi gì thì con chó đã lên tiếng: -Bấy lâu cha cậu biết ăn năn sửa mình làm điều thiện, nên Thiên Tào đã ghi tên cậu vào sổ tân khoa, tôi mừng cho cậu. 

Quả nhiên, khoa thi đó, anh học trò đậu đầu, lúc trở về làng được đón rước linh đình, lúc qua chỗ con chó đá, thì con chó biến đi đâu mất.

Chuyện cười trong ngày

Bệnh nhân:

- Ối chao ơi... ruột tôi đau quá!

Bác sĩ trấn an:

- Đừng lo, để tôi kiểm tra xem ! Chà,... bị lủng ruột... uống viên thuốc giảm đau này đã!

- Ối chao, bác sĩ ơi! Ruột vẫn đau.

- Thế à? Chắc là thuốc bị rơi ra ngoài chỗ thủng rồi!

Sunday, November 23, 2014

Ngày 23-11-2014 Khởi Nguồn Chánh Pháp

Bận lòng chi những thị phi
Biết khen không dễ, nói gì biết chê

DU SĨ NGOẠI ĐẠO SUPPIYA ĐI THEO SAU ĐỨC PHẬT VÀ CHƯ TĂNG DÙNG NHIỀU LỜI HỦY BÁNG TAM BẢO TRONG KHI ĐỆ TỬ LÀ BRAHMADATTA TÁN THÁN KHÔNG TIẾC LỜI.

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Chuyện ngắn - Sói và Sếu

Sói và sếu
Bài sưu tầm

 Sau nhiều ngày nhịn đói, một con sói cuối cùng tìm được ít thức ăn. Nó đói quá nên ăn ngốn ngấu hấp tấp và gặp rắc rối. Một khúc xương mắc vào họng sói. 

Trong khi sói đứng đó ho, khạc, mắc nghẹn, không biết làm sao để lấy khúc xương ra, thì có một con sếu đi ngang qua.

-Chỉ có anh mới giúp được tôi nhờ cái mỏ dài,- sói vừa nói vừa khạc tiếp, nếu anh giúp được tôi, thì tôi sẽ trọng thưởng. 

Sếu đồng ý, thế là sếu thò sâu cái mỏ dài vào trong cổ họng sói, rồi nhẹ nhàng gắp khúc xương ra. 
Công việc đã làm xong và sếu đòi được thưởng như đã hứa. Nhưng con sói xảo quyệt đã đổi ý. 

-Ta không cắn nát đầu ngươi là may mắn lắm đó, tha cho ngươi cái đầu là một phần thưởng xứng đáng rồi, cút đi !-Con sói vô ơn nói.

Phản ứng của chúng ta sẽ là:"Sao mà gian manh và vô ơn bạc nghĩa đến thế !". Và phản ứng như thế là dễ hiểu, bởi sói đã không giữ đúng lời hứa; sói đã không công bằng.

Nhưng hãy suy nghĩ thêm. Phần lớn chúng ta luôn mong đợi một cái gì đó đáp lại khi ta tỏ ra tử tế với người khác. Ta không bao giờ cho không. Và đều đó cũng hơp lý thôi. Sói không đúng khi nói với sếu rằng:" Tha cho ngươi cái đầu là phần thưởng xứng đáng rồi". Nhưng sâu xa hơn, ta phải hiểu rằng một hành vi có nghĩa phải được thực hiện với ý nghĩ chính nó đã là một phần thưởng. 
Hãy luôn nhớ rằng:"cho đi hạnh phúc hơn nhận về".

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Vẻ Đẹp Thiên Nhiên 


Một vị Sư có trách nhiệm coi sóc khu vườn của một thiền tự nổi tiếng. Sư được trao cho trách nhiệm này bởi vì Sư rất yêu thích các loài hoa, cây cảnh. Kế bên ngôi thiền tự là một ngôi chùa nhỏ ở đó có một vị thiền sư trưởng lão.

Một ngày nọ, trong khi vị Sư đang chờ đợi một vài vị khách đặc biệt đến, Sư đã chăm sóc kỹ khu vườn. Sư nhổ cỏ, cắt những bụi bông hoa cho gọn gàng, làm sạch rong rêu, và Sư đã bỏ ra rất nhiều giờ tỉ mỉ cào những lá cây và cẩn thận vun gọn vào một chỗ. Trong khi Sư làm việc thì vị thiền sư trưởng lão thích thú quan sát từ bên kia bờ tường của ngôi chùa. 

Khi làm xong việc Sư ngắm nghía công trình của mình. 

"Đẹp quá có phải không," Sư nói với vị thiền sư trưởng lão.

"Đúng vậy," vị thiền sư trưởng lão trả lời, "nhưng còn thiếu sót. Hãy đỡ ta qua bên đó ta sẽ lấy nó ra cho Sư."

Sau một phút do dự, vị Sư đến nhấc vị thiền sư trưởng lão qua và đặt vị thiền sư xuống bên vườn của mình. Chầm chậm, vị thiền sư bước đến bên một cây gần trung tâm của khu vườn, thiền sư ôm thân cây, và lắc mạnh. Những chiếc lá rơi rụng như mưa đầy cả khu vườn.

Chuyện xưa tích cũ - Sự tích câu phướn

SỰ TÍCH CÂY PHƯỚN
Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Ở các chùa chiền thường có treo một tấm vải dài, viết chữ nho, gọi là ngọn phướng. 

Theo tích xưa, ngọn phướng ấy là hình ảnh của con rắn bị trừng phạt. 
Thuở ấy, có anh nông phu nọ bắt được con rắn nhỏ, đem về nuôi nấng kỹ lưỡng. Tuy bận công việc đồng áng, anh vẫn tìm bắt cá, nhái, ếch đem về cho rắn ăn, nhiều khi rắn quá đói, anh nọ sẵn sàng cho rắn ăn mấy con gà nuôi trong nhà. 

Rắn càng ngày càng lớn, ăn càng nhiều. Hôm ấy, nó than đói. Anh nông phu lắc đầu: -Hết phương thế rồi. Bữa nay ta chưa kiếm được thức ăn cho mầy. Thôi ráng chờ sáng mai đi. 

Rắn nổi giận, trở mặt, phùng mang trợn mắt: -Ông không nuôi tôi nổi thì tôi phải cắn ông chết. 

Anh nông phu vô cùng buồn bã, nói với rắn: -Lời tục thường nói: Cứu vật, vật trả ơn. Tại sao mi đem oán mà báo ơn? Bây giờ ta sẵn sàng chịu cho mi cắn, nếu hành động của mi được các loài vật khác công nhận. 

Rắn gật đầu: -Vậy thì ông đi với tôi. 

Hai bên bèn lên đường, chập sau gặp con hạc đậu trên ngọn cây. Rắn trình bày đầu đuôi sự việc, hạc nghe xong bèn nổi giận: -Rõ ràng mi là kẻ vong ân bội nghĩa. Nếu không có chủ nhà thì làm sao mi đủ thức ăn, sống đến ngày nay. 

Rắn chưa chịu thua, nói với chủ nhà: -Ta hãy đi tìm vài con vật nữa. 

Hai người đi mãi, bỗng gặp con rùa bò lê lết bên bờ ao. Rắn bèn thuật lại hoàn cảnh của mình. Rùa gật đầu: -Mi nên cắn chủ nhà cho hắn chết rồi đời. Hắn nuôi mi tại sao hắn lười biếng để mi chịu đói khát? 

Chủ nhà nói: -Nãy giờ ta chỉ mới gặp hai con vật, con đồng ý, con phản bội. Để giải quyết, ta cần gặp con thứ ba. 

Con quạ đậu ngất nghểu trên cành cây được mời xuống, nghe vừa dứt câu chuyện, quạ nổi giận: -Đồ vô ơn bạc nghĩa. Ta đố mi chạy thoát. 

Rồi quạ mổ liên tiếp vào đầu, vào bụng rắn. Rắn chết ngay tại trận, mình mẩy nát bấy. 

Nhưng con rắn vẫn chưa chịu thua. Hồn của nó bay vẩn vơ đến tìm đức Như Lai để nhờ phân xử. 

Phật nghe rõ câu chuyện, phán rằng: -Hạc là loài có nghĩa, từ nay ta cho nó đứng trên cao, rùa nói vô lý, ta cho nó bò dưới thấp. Còn rắn là vật vô ơn, bị quạ giết đáng lắm. Từ nay con quạ hãy tha xác rắn bêu lên ngọn cây, nêu gương cho muôn loài vạn vật soi vào đó mà răn lấy mình. 

Từ đó về sau, hạc được đứng chầu trên bàn hương án, rùa phải cố sức đội bia đá, quạ đậu trên chót vót cây phướng và hình dáng lòng thòng của lá phướng chính là hình con rắn phơi xác.

Chuyện cười trong ngày

Bệnh di truyền...

Một người đàn ông đến bác sĩ khám bệnh.

– Thưa bác sĩ, cái lưng khốn khổ của tôi đau quá.

Sau khi khám bệnh:

– Tôi nghĩ là ông bị bệnh di truyền.

– Bác sĩ nói đúng quá! Kể từ khi tôi bị cái tủ của ông nội tôi để lại đè lên người, lúc nào tôi cũng bị đau lưng.

Saturday, November 22, 2014

Ngày 22-11-2014 Khởi Nguồn Chánh Pháp

Pháp không làm khó Pháp Vương
Từ hòa kham nhẫn vì thương muôn loài

DẠ XOA ALAVAKA ĐỐI XỬ VỚI ĐỨC PHẬT BẰNG THÁI ĐỘ TRỊCH THƯỢNG VÀ NHỮNG CÂU VẤN NẠN. ĐỨC PHẬT CÀM HÓA BẰNG SỰ NGHIÊM TỪ VÀ GIẢNG GIẢI DIỆU PHÁP.

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Chuyện ngắn - Paganini và 1 dây

Paganini và 1 dây
Bài sưu tầm

 Niccolo Paganini, 1 thiên tài violon của thế kỷ 19 đang đứng trên sân khấu, chơi 1 bản nhạc rất khó. Hỗ trợ cho ông là cả 1 dàn giao hưởng lớn. Bỗng "Pựt!", 1 sợi dây đàn bị đứt, đong đưa trên thân đàn.
Những giọt mồ hôi chảy xuống trán ông. Người nghệ sĩ hơi nhăn mặt, nhưng vẫn tiếp tục bản nhạc, ứng biến 1 cách tuyệt vời. Trước vẻ sửng sốt của vị nhạc trưởng, dây thứ 2 lại đứt. Rồi 1 vài phút sau, dây thứ 3 đứt luôn. Trên sân khấu, người nghệ sĩ hoàn thành bản nhạc với sợi dây duy nhất còn lại. Cả khán phòng đứng bật lên, ào ào tiếng vỗ tay cùng những tiếng "Hoan hô! Hoan hô!".

Khi tiếng vỗ tay đã lắng xuống, người nhạc sĩ đề nghị mọi người ngồi xuống. Rồi ông đưa cây violon lên cao để mọi người thấy. Gật đầu ra hiệu cho nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc chơi tiếp, ông quay sang phía khán giả. Nháy mắt tinh nghịch, ông cười rồi hô to: "Paganini và 1 dây" . 

Rồi ông lại đặt cây violon sát dưới cằm, kéo bản nhạc chỉ với 1 dây. Khán giả thán phục với nhiều tiếng xuýt xoa.

Cuộc sống của ta cũng vậy, bộn bề ko biết bao lo âu, phiền muộn, thất vọng... Thật lòng mà nói, chúng ta đã mất rất nhiều thời gian chỉ để tập trung vào những buồn bực vì những sợi dây bị đứt, treo lòng thòng - những điều mà chẳng thể thay đổi - mà không để ý thấy với sợi dây còn lại ta có thể làm được gì!

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

UỐNG TRÀ ĐI 


Triệu Châu là một Thiền sư xuất sắc sống vào đời nhà Đường ở Trung quốc. Một hôm, một ông tăng hành cước đếnviếng sư. Sư hỏi, “Ông từng đến đây chưa?” Ông tăng đáp, “Dạ, từng đến.” Triệu Châu nói, “Uống trà đi.”

Một ông tăng hành cước khác cũng đến viếng sư, sư lại hỏi, “Ông từng đến đây chưa?” Ông tăng đáp, “Dạ chưa.”

Triệu Châu bảo, “Uống trà đi.”

Vị tăng viện chủ của Triệu Châu, có mặt trong cả hai trường hợp, khá bối rối, hỏi sư, “Tại sao đối với một ông tăng đã ngộ hòa thượng bảo ‘Uống trà đi’ rồi đối với một ông tăng chưa ngộ hoà thượng cũng bảo ‘Uống trà đi’?” Triệu Châu đáp, “Uống trà đi.”

Đây là Thiền của Triệu Châu, siêu việt lý luận, chỉ là “Uống trà đi.” Chỉ thế thôi! Trà này là trà phổ hiện. Nếm trà này là nếm Thiền. Nói như vậy có lẽ cũng đã quá nhiều.

(Thiền Ngữ Thiền Tự)

Chuyện xưa tích cũ - Quẻ tử vi tốt xấu

QUẺ TỬ VI TỐT XẤU
Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Ngày xưa, vị hoàng đế nọ sau khi bình định sơn hà bèn trở về cố hương, giao thiệp thân mật với các bực kỳ lão trong làng, bày tiệc yến ẩm để tạ ơn xưa. 

Vị hoàng đế ngồi nơi ghế danh dự, xung quanh ngài còn hàng trăm quân sĩ hầu cận, giữ trật tự. Bỗng nhiên, một quân hầu đến quỳ trước mặt vua: -Tâu bệ hạ, có ông lão nọ muốn ra mắt nhưng bề tôi ngăn cản, chờ lịnh của bệ hạ.

Vị hoàng đế tỏ vẻ không bằng lòng: -Cứ gọi lão ấy vào đây hầu chuyện cùng ta. 

Chập sau, một ông lão quê mùa bước tới, quỳ xuống lạy … 

Hoàng đế nói nhanh: -Cứ bình thân. Chuyện gì quan trọng. 

Ông lão đáp: -Kẻ phàm phu này muốn kêu oan với Điện hạ một điều nhưng nói ra sợ phạm thượng. 

-Cứ nói. Ta không hề câu chấp. 

-Tâu Điện hạ, tính theo quẻ tử vi thì Điện hạ và kẻ phàm phu này cùng sinh vào một làng, một ngày, một giờ. Nhưng lớn lên, cớ sao Điện hạ trở nên một bực kỳ tài, trị vì muôn dân trăm họ, còn kẻ phàm phu này cứ sống hẩm hiu, cơm ăn chưa đủ, áo chưa đủ thay. Mong Điện hạ xét dùm. Tại sao dường như con tạo trớ trêu, bày nhiều điều … hơi bất công. 

Hoàng đế mỉm cười, truyền quân hầu rót rượu mời ông lão quê mùa ấy. Chập sau, hoàng đế hỏi khẽ: -Hàng ngày lão sinh sống bằng nghề gì? 

-Tâu Điện hạ, vì tuổi già sức yếu, hàng ngày kẻ phàm phu này chuyên nghề nuôi ong mật, bán sáp và mật mà độ nhật, ngoài ra chẳng còn nguồn lợi nào khác nữa. 

-Tất cả được bao nhiêu ổ ong? 

-Tâu Điện hạ, được mười tám ổ. 

Hoàng đế thích chí, vỗ vai ông lão mà giải đáp: -Thế là rõ ràng quá rồi. Lão sung sướng hơn ta. Quẻ tử vi đúng lắm. 

Ông lão ngơ ngác: -Xin Điện hạ … nói thêm. 

-Trời đã định cho mỗi chúng ta trị vì thiên hạ. Như ta đây, lên ngôi hoàng đế nhưng quyền hành chỉ gồm một nước. Còn lão, trời hậu đãi hơn nhiều, cho cai trị đến mười tám nước. Mỗi ổ ong là một nước, có ong chúa, có quần thần, có dân chúng. Mời tám ổ ong tức là mười tám nước chư hầu dưới tay của vị hoàng đế trung ương. Vị hoàng đế ấy chính là lão đó. 

Ông lão gật đầu, suy ra lời vị hoàng đế, gẫm hữu lý. Hoàng đế truyền ban thưởng cho lão một trăm quan tiền rồi an ủi: -Thế là bằng lòng rồi chớ. Lão hãy uống rượu với ta rồi trở về nhà, vui sống với mấy ổ ong, đừng trách trời, đừng oán người.

Chuyện cười trong tuần

Thiên đường trong mắt... anh

Giáo sư hỏi cả lớp:

- Ai có thể nêu hai sự kiện lớn trong cuộc đời của nhà thơ Anh Milton?

Một nam sinh viên nhanh nhẩu phát biểu:

- Sau khi kết hôn, nhà thơ viết tác phẩm "Thiên đường đã mất". Đến khi vợ ông mất, ông viết tác phẩm "Thiên đường trở lại".

Friday, November 21, 2014

Ngày 21-11-2014 Khởi Nguồn Chánh Pháp

Của đời xin trả cho đời
Tâm tư giải thoát chẳng nơi bận lòng

TÔN GIẢ RATTHAPĀLA ĐI KHẤT THỰC NGANG NHÀ CHA MẸ GẶP NỮ TỲ NHẬN RA THIẾU CHỦ. CHA MẸ NGÀI TÌM CÁCH KHIẾN NGÀI HOÀN TỤC. NHƯNG AI CÓ THỂ THAY ĐỔI ĐƯỢC MỘT BẬC THÁNH ?

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Chuyện ngắn - Hai sự lựa chọn

Hai sự lựa chọn 
Bài sưu tầm

Jerry lúc nào cũng trong tâm trạng vui vẻ và luôn nói những điều tích cực. Khi có ai hỏi cậu ta thế nào, cậu ta luôn đáp: "Nếu may mắn hơn, thì tôi hẳn phải là sinh đôi!".

 Kiểu cách của cậu ta luôn làm tôi tò mò, nên một ngày tôi hỏi Jerry: - Tớ không thể hiểu nổi. Làm sao cậu lúc nào cũng vui vẻ như vậy? 

- Mỗi buổi sáng tỉnh dậy, tớ tự nói với mình- Jerry kể- Tớ nói là tớ có hai lựa chọn: tâm trạng tốt hoặc xấu. Tớ luôn chọn tâm trạng tốt. Mỗi khi có chuyện không hay xảy ra, tớ lại có hai lựa chọn: là nạn nhân hoặc là người học được kinh nghiệm từ việc đó. Tớ chọn cách học hỏi. Mỗi khi có ai than thở, tớ có hai cách lựa chọn: chấp nhận nghe lời than thở hoặc chỉ ra những điểm tốt để người đó không than thở nữa, và tớ chọn cách thứ hai. 

Tôi cố gắng làm theo những gì Jerry nói, nhưng không dễ. Chúng tôi mất liên lạc sau khi ra trường. 
Vài năm sau, tôi nghe nói Jerry gặp chuyện. Cậu ấy trực ở tiệm ăn và quên không đóng cửa sau. Hai tên cướp đã bắn cậu ta. Jerry được đưa vào bệnh viện. Sau hàng tiếng đồng hồ phẫu thuật và hàng tuần nằm trên giường bệnh, cậu ra viện với một phần viên đạn vẫn còn trong cơ thể.

Tôi tìm thăm Jerry. Khi tôi hỏi cậu ta ra sao, cậu ta vẫn cười:

- Nếu may mắn hơn, tớ đã là sinh đôi! Có muốn xem sẹo của tớ không?

 Tôi sợ không dám nhìn, nhưng muốn nghe kể về tai nạn của cậu ta. Jerry vui vẻ nhắc lại: 

- Việc đầu tiên tớ nghĩ đến là "Ô, lần sau mình không được quên khoá cửa sau". Rồi khi tớ nằm bị thương trên sàn nhà, tớ nghĩ "mình có hai lựa chọn sống hoặc chết", và tớ chọn sống. Các bác sĩ thật tốt. Họ cứ luôn miệng bảo tớ sẽ không sao. Nhưng khi họ đẩy tớ vào phòng mổ, tớ nhìn thấy trên mặt họ có vẻ như là "Chẳng sống được đâu". Tớ rất sợ nên nghĩ mình chắc chắn phải hành động.

 - Hành động gì?- Tôi hỏi.

 -Cậu biết không, có một cô y tá cứ quát tớ: "Có bị dị ứng với cái gì không?". Tớ cố hết sức đáp: "Có". Các bác sĩ và y tá có vẻ ngạc nhiên, dừng lại chờ tớ nói tiếp. Tớ lại nén đau kêu lên: "Dị ứng với đạn". Họ cười ồ. Rồi tớ bảo: "Tôi muốn sống. Hãy phẫu thuật cho tôi và coi tôi là người sống, đừng nghĩ là tôi sẽ chết".

Jerry qua khỏi một cách dễ dàng, nhờ vào những bác sĩ tài năng nhưng cũng nhờ vào thái độ hết sức tích cực của cậu. 

Nói cho cùng, thái độ của con người với cuộc sống là điều hết sức quan trọng.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Thoát khỏi địa ngục 


Một ngày kia có một người rất là ác chết đi và xuống địa ngục. Ông ta được đưa đến trước vua Diêm Vương (King Yama), ông ta van nài Diêm Vương.

"Kính tâu Diêm Vương xin Ngài hãy từ bi thương xót mà khoan dung cho con, bởi vì con luôn luôn niệm Namo Amitabha Buddha."

"Nhà ngươi có thể cho ta biết những việc thiện gì mà ngươi đã làm khi ở trên trái đất không, nếu mà nhà ngươi có thể kể được thì ta sẽ cho nhà người lên thiên đàng thay vì ở dưới địa ngục này." Vị Diêm Vương hỏi.

Người đàn ông ác suy nghĩ một thời gian lâu và nói.

"Con đã cứu sống một con nhện. Một con chim bay vào vườn của con và phá một tổ nhện, con đã đuổi con chim đó bay đi."

"Được, ta sẽ hỏi mấy tên qủy xứ đi điều tra những gì nhà người đã nói. Vị Diêm Vương nói như vậy. Kế đến Diêm Vương sai hai tên qủy xứ đi điều tra con nhện mà người đàn ông ác nói là đã cứu mạng nó.

Sau một thời gian tìm kiếm, hai tên qủy xứ cuối cùng cũng kiếm được con nhện ở trên vườn thiên đàng và trong chức vụ là dệt tơ trời cho vua Đế Thiên.

Con nhện trả lời hai vị qủy xứ.

"Dạ thưa đó là sự thật ông ta đã cứu mạng con. Con rất là cảm động về điều này và vì thế con rất muốn giúp đỡ ông ta ra khỏi địa ngục."

Hai viên qủi xứ hỏi:

"Nhà người làm như thế nào?"

"Con sẽ xe sợi tơ dài và từ trên thiên đàng xuống địa ngục. Và rồi ông ta có thể nắm lấy sợi tơ đó và con sẽ kéo ông lên thiên đàng. Đó là một trường họp: Sợi tơ của con nhìn thì rất mỏng, nhưng lại rất là mạnh. Ông ta sẽ rớt trở xuống trước khi ông ta được kéo lên tới thiên đàng."

Kế hoạch đã được Vua Đế Thiên và Diêm Vương chấp thuận. Một sợi tơ rất mỏng bằng lụa được con nhện nhả ra và thả xuống từ thiên đường xuống địa ngục. Người đàn ông ác nắm sợi tơ và con nhện bắt đầu kéo ông ta ra khỏi địa ngục. Tất cả mọi việc dường như rất là tốt đẹp cho đến khi......

Người đàn ông ác được nâng ra khỏi địa ngục, ông ta nhìn xuống và thấy hàng trăm và hàng trăm tù nhân của địa ngục cũng nắm sợi tơ và đang cố gắng ra khỏi địa ngục để lên thiên đàng. Sức nặng của những người đó đã trì những sợi tơ của con nhện rất căng. Thình lình, một luồng tư tưởng tới trong đầu ông ta.

"Ta có thể tin tưởng vào sợi tơ mỏng manh này kéo được quá nhiều người sao? Nếu ta cắt đứt các người tù nhân kia thì sợi tơ sẽ không phải mang nhiều sức nặng và ta chắc chắn rằng ta sẽ lên tới thiên đàng an toàn!" Và ông ta nhớ rằng ông ta có một con dao trong túi của ông ta.

Ông ta cố gắng tìm con dao trong túi áo của mình, nhưng khi ông ta rời tay ra khỏi sợ tơ, ông đã rơi trở lại địa ngục. Thật vậy, trong khi những người tội nhân kia lên tới thiên đàng một cách an toàn, còn ông ta thì không thể nào ra khỏi địa ngục. Con nhện thở dài và nói với hai viên qủy xứ.

"Sợi tơ của con thì vô cùng chắc nhưng co dãn mềm deỏ. Nó không đứt dù có bao nhiêu tội nhân đeo trên nó. Ông ta đã không tin tưởng vào nó và đã không muốn ai tới thiên đàng ngoài ông ta. Con không có cách gì khác mà con có thể làm để mang ông ta ra." 

Chuyện xưa tích cũ - Đạo sĩ núi Na

ĐẠO SĨ NÚI NA
Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Ở Thanh Hóa có ngọn núi Na, đúng là khu Na Sơn, tức là ngọn núi đuổi ma. Xưa kia, theo lời truyền khẩu thì trong hang động núi nay ma quỷ thường tới lui, quấy rối bọn tiều phu. Về sau, một đạo sĩ vô danh đến đọc thần chú, ma quỷ biến mất. 

Đời nhà Trần, dân chúng đồn đãi rằng: -Trong cái động ở ngọn núi phía tả, thỉnh thoảng một đạo sĩ xuất hiện, ăn mặc thô sơ. Trước kia ông ta là tiều phu, sau này vào núi tu tiên. 

Cuối đời Trần họ Hồ soán ngôi, Hồ Hán Thương (con của Hồ Quý Ly) đi săn, đến núi Na bỗng gặp một người đang ca hát nghêu ngao, đoán chừng là vị đạo sĩ tu tiên mà dân chúng thường đồn đãi. Đạo sĩ hát những lời tao nhã như sau (bản dịch Tu Trai): 

Ngọn Na sơn, đá mọc miên man, 
Cây xanh xanh, khói mịt mịt, nước sàn sàn. 
Sớm ta ra đi, chiều ta lại hoàn, 
Áo ta dệt bằng lá, 
Giày ta kết bằng lau. 
Cửa ta cây xanh che nắng sớm, 
Ruộng ta lúa tốt gội thác tràn. 
Mặc ai danh lợi, 
Mặc ai xe ngựa. 
Bụi hồng không chút tới giang san, 
Triều Tống giáo gươm cỏ lấp. 
Đời Tấn xiêm áo mộ tàn, 
Vương Tạ phong lưu, Tiêu Tào sự nghiệp. Truyện "Chuyện Xưa Tích Cũ " được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)
Rút lại từ cổ tới kim khanh tướng, bia đá rêu màn, 
Sao bằng ta: Ngóc đầu tỉnh dậy, trời đã ba can. 

Lời ca biểu lộ tâm trạng của một người không màng công danh, sống đơn giản không xa hoa, tự ví mình là ông tiên nho nhỏ, không lo âu, cứ ngủ tới khi mặt trời mọc ba sào mới thức dậy. Con người bôn ba cho lắm thì tới chết cũng nắm hai bàn tay không. 

Hồ Hán Thương biết rằng đó là bực kỳ tài nên muốn mời ra để hỏi việc nước. Nhưng đạo sĩ nọ đã mất dạng trong động. Hồ Hán Thương gọi cận thần: -Mời đạo sĩ ấy gặp ta. 

Cận thần vào hang, thấy trên vách đá có đề hai bài ca, nhan đề là Ái Miên và Ái Kỳ biểu lộ rằng đạo sĩ chỉ thích có hai việc là ngủ thẳng giấc và đánh cờ tướng. Mặc dầu được nài nỉ khẩn khoản, đạo sĩ cương quyết từ chối, bảo rằng chỉ thích sống thung dung với cây cỏ đá hoa. 

Hồ Hán Thương không bỏ cơ hội, tìm cách trở lại động, tin rằng đạo sĩ là bực kỳ tài, chán đời vì quá hiểu đời. Nếu được ông ta giúp một tay thì Hồ Hán Thương biết đâu sẽ thành công lớn lao, khi Lưu Bị gặp Khổng Minh. 

Lần sau, Hồ Hán Thương dùng lại an xa, đến núi Na. Đây là loại xe nhẹ nhàng, không gây tiếng động. Mục đích của ông ta là rình gặp đạo sĩ để đàm đạo trực tiếp, chừng đó, đạo sĩ khó từ chối. 

Hỡi ôi! Khi trở lại cửa động thì Hồ Hán Thương thấy gai mọc đầy. Trên vách đá hai câu thơ đề sẵn tự bao giờ, đại ý tiên đoán rằng cửa biển Kỳ La và núi Cao Vọng là nơi sầu thảm (tức là nơi cha con Hồ Hán Thương thất bại). Hồ Hán Thương tức giận truyền cho quan sĩ đốt lửa, xông khói vào trong để đạo sĩ chạy ra. Nhưng trên làn khói, con hạc bay chập chờn như ca ngợi thú phong lưu, như chọc tức kẻ ham danh lợi. 

Đây là chuyện cổ tích, chúng ta đoán rằng do một nho sĩ đặt ra, với dụng ý đả kích Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương đã âm mưu dựng một triều đại mới, khi soán ngôi nhà Trần.

Chuyện cười trong ngày

Đặc ân

Tổng thống đang đi thăm một khu dân cư và mọi người đều diện bộ quần áo đẹp nhất của mình. Tất cả đứng dọc hai bên đường đi để mong nhận được sự quan tâm của ngài.

Một người dân địa phương mặc bộ quần áo đi lễ đẹp nhất của mình và đinh ninh Tổng thống sẽ ngừng lại và nói chuyện với mình. Ông ta đứng cạnh một kẻ vô gia cư rất hôi hám. Chợt Tổng thống đi ngang, kề vào tai gã vô gia cư thì thầm câu gì đấy rồi đi ngang tiếp. Không thể tin được là Tổng thống lại không thèm đếm xỉa đến mình, ông bèn đến bên kẻ vô gia cư nọ và nhanh chóng thương lượng đổi bộ quần áo xịn của mình lấy bộ đồ rách rưới của kẻ khốn cùng, thêm tất cả số tiền đang có trong ví.

Mặc bộ quần áo hôi hám ấy vào, ông ta chạy như bay xuống phố, vòng ra phía trước đón đầu Tổng thống để mong có cơ hội được diện kiến và tiếp chuyện.

Vừa may Tổng thống đi đến, nhác thấy ông ta, ngài tiến lại gần, vẻ mặt cực kỳ niềm nở làm người đàn ông như nở từng khúc ruột. Thế rồi, ngài kề vào tai ông ta thì thầm:

- Lúc nãy ta đã bảo ngươi cút khỏi đây với mớ giẻ rách khốn kiếp này rồi mà?

Thursday, November 20, 2014

Ngày 20-11-2014 - Khởi nguồn chánh pháp

Nhớ xưa ước hẹn bằng lời
Bây giờ ánh đạo rạng ngời trong tâm

ĐỨC PHẬT VÀO THÀNH VƯƠNG XÁ ĐỘ VUA BIMBISARA. VỊ VUA DÂNG CÚNG NGÔI CHÙA ĐẦU TIÊN CỦA PHẬT GIÁO, TỨC TRÚC LÂM TỊNH XÁ (VELUVANA VIHĀRA).

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Chuyện ngắn - Nụ cười rạng rỡ

Nụ cười rạng rỡ
Bài sưu tầm

Ở quê tôi, ai nấy đều “ra trường” từ năm 14 tuổi vì chỉ có đến lớp 9. Khi tôi lên 14, tôi tạm biệt thầy giáo, đóng cái ngăn bàn thân quen, đi một vòng quanh trường rồi về nhà.

Sau khi nghỉ xả láng trong hai ngày, đến ngày thứ ba tôi bắt đầu nhận thấy rằng mình đang gặp phải một vấn đề tương đối nghiêm trọng: Tôi vẫn chưa có việc làm.

 Chiều thứ sáu, Tom đến nhà tôi thông báo: 

- Mình đã nói với giám đốc, nhưng cậu vẫn phải tự đến xin ông ta.

 - Nhưng… - Tôi lúng túng vì quả thật, tôi chưa từng nói chuyện với một ông chủ.

- Không sao, mình sẽ dạy- 

Tom quả quyết. Thế là Tom lôi tôi vào bếp và cả bố mẹ tôi cũng ngồi trên ghế xem Tom dạy tôi những gì.

 - Điều đầu tiên mà ngài Binwel (ông chủ ga xe lửa) không thích đó là các cậu con trai cho tay vào túi quần- Tom cao giọng. 

Tôi lập tức rút ngay tay ra khỏi túi quần và lấm lét nhìn sang bố mẹ. Bố tôi lại sắp sửa lặp lại câu quen thuộc: “Đã dặn nó hàng trăm lần…”

 Rồi Tom oang oang: 

- Còn nữa, ngài Binwell rất có cảm tình với các cậu con trai đứng thẳng và hiên ngang như những người lính. 

Tôi nhìn lại Tom. Hình như vì chính cái lưng hơi gù mà nó không được lòng ông chủ thì phải. Thế nên tôi càng phải cố. 

- Ngài Binwell rất ghét những ai ăn nói lắp bắp. Đừng nói: “Thưa… thưa… thưa ngài… ngài… có… có cần một thanh niên làm việc ở ga không?” mà hãy nói: “tôi muốn xin một việc làm, thưa ngài”.
Tôi còn chưa biết mình có nhớ hết nổi không thì Tom tiếp tục:

- Quan trọng nhất: ngài Binwell đặc biệt thích một nụ cười rạng rỡ. - Thế nào là một nụ cười rạng rỡ?- Tôi thắc mắc.

 - Nói chung thì ngài Binwell không thích những người lúc nào trông cũng buồn bã. Cậu hiểu không, những ông chủ không mấy khi cười nhưng luôn muốn trông thấy khuôn mặt tươi cười của người khác. 

Nói rồi Tom quay sang tôi: 

- Nhớ cả rồi chứ?

- … Chắc vậy… 

Thế là suốt hai ngày cuối tuần tôi đánh vật với những quy tắc và cố luyện đến cả tá nụ cười. Cuối cùng thì buổi sáng thứ hai cũng đến. Tôi bước ra khỏi nhà, hiên ngang như một người lính, miệng cười thật rạng rỡ. Nhưng khi qua khỏi tầm mắt của bố, tôi lại cho tay vào túi quần va` đi chậm lại, tất nhiên tôi cũng chẳng còn lý do gì để cười nữa cả. 

Cuối cùng thì tôi cũng đến được ga xe lửa. Tôi bước thẳng vào văn phòng của ngài Binwell, lại hiên ngang như một người lính với nụ cười hết cỡ. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là ngài Binwell trông rất phúc hậu với khuôn mặt tròn trĩnh. Ngài có vẻ rất hài lòng với nụ cười của tôi. Tôi nói bằng giọng rành mạch nhất:

 - Thưa ngài, tôi muốn xin làm việc ở đây. 

Tôi hầu như đã chắc chắn đã được nhận vào vì ngài Binwell nở một nụ cười thân thiện. Nhưng rồi ý nghĩ đó tiêu biến ngay tức khắc vì người đa`n ông ấy nói: 

- Tôi không phải là ông chủ, ngài Binwell ở bên kia kìa! 

Tôi thật sự thất vọng vì đó chỉ là người lau chùi mà thôi. Tôi tắt ngóm nụ cười và thọc hai tay vào túi quần. Đúng lúc đó thì ngài Binwell bước vào phòng. Ông ta nhìn vào tôi và hỏi không được nhã nhặn lắm: 

- Cậu muốn gì? 

Tôi quên bẵng mọi thứ Tom đã dạy, tôi không rút tay ra khỏi túi quần, cũng chẳng đứng thẳng hay cười gì mà chỉ lắp bắp: 

- Ngài… Ngài… có… cần thêm người làm không ạ? 

Ngài Binwell gầm lên: 

- Tôi chẳng cần ai hết, nhất là những người như cậu. 

Đến lúc đó thì tôi cảm thấy rất bị xúc phạm. Tự nhiên tôi thấy cần phải nói cái gì đó với ông ta thay vì sửa lại tư thế của mình, tôi dõng dạc:

 - Tôi cũng không muốn có một ông chủ như ông!

Tôi cảm thấy thực sự thoải mái và thanh thản đi về nhà.

 Tối hôm ấy Tom đến tìm tôi và nói ngài Binwell đã đồng ý nhận tôi vào làm. - Ông ấy đã rất ngạc nhiên trước sự thẳng thắn của cậu. Trước đây chưa ai nói với ông ta như thế. Mọi người trong nhà ga đều cười, nhưng ông ấy chỉ muốn một nụ cười rạng rỡ, thực sự từ đáy lòng. 

Và tôi bắt đầu đi làm. Tôi hiểu ra rằng tôi không thể gò ép mình để trở thành một con người khác- không cho tay vào túi quần, không lắp bắp, càng không thể biến nụ cười của mình theo ý ai đó được. Nhưng sáng hôm sau thì chẳng cần ai bảo, tôi đã có một nụ cười thực sự rạng rỡ từ tận đáy lòng.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Cho Đời Sống

CƠN TỨC GIẬN 


Một thiền sinh đến gặp Bankei và thỉnh cầu giúp đỡ anh ta kiềm chế cơn giận dữ.

"Đưa cho ta xem cơn giận dữ này," Bankei nói. "Nó nghe có vẻ rất quyến rủ."

"Ngay lúc này con không thể tỏ lộ cái đó ra, do vậy con không thể cho sư phụ thấy được," người thiền sinh trả lời.

"Vậy thì, mang nó đến cho ta khi con có nó." Bankei nói.

"Nhưng con không thể mang nó khi con bất ngờ có nó," vị thiền sinh phản kháng. "Con chắc chắn rằng con sẽ mất nó khi con mang đến gặp sư phụ."

"Trong thường hợp đó," Bankei nói, "nó đối với ta cơn giận dữ đó không phải là bản tánh thật sựcủa con. Nếu nó không là bản tánh thật sự của con, nó phải xâm nhập vào con từ bên ngoài. Ta đề nghị rằng bất cứ khi nào nó xâm nhập vào con, con tự đánh con bằng cây gậy cho đến khi cơn giận dữ không thể chịu đựng, và nó sẽ biến mất."

Chuyện xưa tích cũ - Ông Cống Quỳnh tiếp vua và sứ Tàu

ÔNG CỐNG QUỲNH TIẾP VUA VÀ SỨ TÀU
Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Cái tài ứng đáp của ông Cống Quỳnh như thế nào, tưởng phần đông những người có đọc chuyện xưa tích cũ đều biết. Chẳng những Cống Quỳnh làm cho vua quan ta thời đó phải kính phục, mà cho đến sứ Tàu cũng phải lắc đầu bái phục. 

Một lần nọ, phái đoàn sứ giả nước Tàu sang nước Nam để nhắc lễ cống, họ có mang theo mọt khúc cây sơn phết rất đẹp, dâng lên vua nước Nam xem, rồi đố vua và các quan ta biết là cây gì.

Lúc bấy giờ, vua và quan ta đều cầm khúc cây lên xem một lượt, họ lấy làm khó đoán vì chẳng ai biết cây gì mà nói trúng tên. 

Thói thường, cách đố chơi như vậy của sứ Tàu là điều điếm nhục cho triều đình ta, nếu không có tài đoán ra. Vua ta và triều thần đều lấy làm bối rối, sứ Tàu chỉ hạn kỳ có ba ngày, mà mất hai ngày rồi, chẳng có ai tìm biết được cây gì. Họ đinh ninh thế nào cũng bị sứ Tàu cười đùa chế nhạo. Đang lúc bối rối, có người nhớ đến ông Cống Quỳnh, liền tâu với vua xin vời ông đến. 

Ông Cống Quỳnh đã nghe biết chuyện, nhưng vẫn làm như chẳng hay biết gì. Để cho bá quan thuật chuyện xong, Cống Quỳnh bảo đem khúc cây ra. Ông cầm thử thì thấy nhẹ hỏng khác hẳn những thứ cây thường. Dùng dao chẻ ra thì thấy nhiều sớ ít thịt, đem thả xuống nước thì trôi băng băng. Cống Quỳnh liền cười ha hả, bảo gọi sứ Tàu đến, rồi ông ứng khẩu nói lên mấy lời: -Còn nước con no con mập, hết nước con ốm con gầy. Tức là cây gòn 1. 

Sứ Tàu đều lắc đầu le lưỡi bái phục tài xét đoán của Cống Quỳnh. 

Một lúc nọ nghe vua than, chẳng biết ăn món gì cho ngon miệng. Trong hoàng thành thì sơn hào hải vị, khô lân chả phụng chẳng thiếu một món gì. Đã vậy, bá quan ngày càng đều tìm của lạ dâng lên vua, vậy mà vua xứ kêu là ăn không được. 

Bấy giờ, Cống Quỳnh nghĩ ra một mẹo. Liền viết thơ mời vua đến nhà mình ăn trứng đá, mà Cống Quỳnh cam kết rất ngon miệng. 

Vua lấy làm lạ quá, thuở giờ đá làm gì có trứng, tại sao Cống Quỳnh có trứng đá để làm món ăn? Tuy hoài nghi, nhà vua cũng chịu khó vi hành đến nhà Cống Quỳnh để xem món lạ.

Cống Quỳnh liền cho bắc một cái chảo thật to, đem một hòn đá tảng đặt vào chảo và đổ nước thật đầy, đậy nắp lại đoạn bảo quân hầu vua nổi lửa lên đun. 

Lò lửa đặt ở giữa sân, hai bên có hai chiếc ghế dùng để cho vua và ông Cống Quỳnh ngồi. 

Trong lò lửa cháy phừng phừng, nước sôi ồn ào. Thỉnh thoảng vua hỏi Cống Quỳnh: -Trứng đá ở đâu? 

Cống Quỳnh đáp: -Ở trong hòn đá đang nấu. 

Vua hỏi: -Chừng nào trứng đá mới nở? 

Cống Quỳnh đáp: -Còn lâu. 

Từ giờ thìn đến giờ ngọ, nhà vua ngồi đợi sốt cả ruột, thỉnh thoảng lại hỏi: -Chừng nào trứng đã mới nở? 

Cống Quỳnh thản nhiên đáp: -Còn lâu. 

Cứ như vậy từ giờ ngọ đến giờ mùi rồi sang đầu giờ thân. Nhà vua đói rã ruột, mặt mày bí xị mà không thấy món trứng đá dọn ra để ăn. 

Ở giữa sân, cái chảo nấu hòn đá cứ sôi sùng sục. Cống Quỳnh thì thản nhiên ngồi đọc sách, mặc cho nhà vua nhăn nhó kêu đói bụng. 

Đợi lúc nhà vua đói lả rồi, Cống Quỳnh mới bảo gia nhân dọn ra một mâm cơm chỉ có nước tương và rau luộc, đoạn tâu với vua: -Trong lúc chờ đợi trứng đá nở ra, xin bệ hạ ăn tạm vài bát cơm đỡ đói. 

Nhà vua đang đói nên thuận ăn ngay. Dầu cho bữa cơm chỉ có rau luộc với nước tương, nhà vua ăn cũng ngon lành, hết bát này đến bát khác, chẳng bao lâu nồi cơm hết sạch. 

Đợi nhà vua ăn xong, Cống Quỳnh hỏi: -Bệ hạ ăn có ngon miệng không? 

Nhà vua thật tình đáp: -Ngon lắm. Từ trước tới giờ, trẫm mới được ăn một bữa ngon miệng nhất. 

Cống quỳnh cười ha hả, bảo dẹp cái chảo nấu đá, rồi nói với nhà vua: -Bệ hạ đã được hài lòng rồi đó, còn đợi món trứng đá làm gì. 

Nhà vua vẫn hỏi, món trứng đá chừng nào mới có, Cống Quỳnh cười ngất rồi bảo còn lâu. Bấy giờ nhà vua mới biết Cống Quỳnh bỡn cợt mình. Tuy vậy, được một bữa ăn ngon miệng, nhà vua không phiền mà còn khen Cống Quỳnh là tay cao mưu, nhiều bản lãnh.

--------------------------------
1 Có sách chép là: “Còn lúa con ăn con mập con béo. Hết lúa con ăn con ốm con gầy.” Tích chuyện “Trứng Đá”, cũng có sách chép với tựa là “Đại Phong”, dịch nghĩa gió lớn rồi nói láy là “lọ tương.”

Chuyện cười trong ngày

Kết quả mỹ mãn

Một người phụ nữ tức giận xông vào văn phòng một bệnh viện tư nhân, quát tháo ầm ĩ. Bác sĩ trực ban nhã nhặn hỏi cô xem có chuyện gì và cô đập bàn quát.

- Có ai đó đã đánh cắp bộ tóc giả của tôi trong khi tôi đang phẫu thuật mắt ở đây ngày hôm qua.

Bác sĩ kéo người phụ nữ ngồi xuống và giải thích:

- Tôi chắc chắn với cô là không ai trong kíp mổ của tôi lại làm một việc như thế. Điều gì đã làm cô nghĩ nó bị lấy cắp ở đây?

- Sau ca mổ, tôi thấy mình đang đội trên đầu bộ tóc giả rẻ tiền và thật xấu xí.

- Tôi nghĩ... - Bác sĩ tiếp tục ôn tồn nói. - Điều đó có nghĩa là ca mổ cho cô đã thành công!

Wednesday, November 19, 2014

19-11-2014 - Khởi Nguồn Chánh Pháp

Bao đồ tuế nhuyễn thả trôi
Như bao lầm lạc buông rơi theo dòng

NHỮNG ĐẠO SĨ NHÓM URUVELA XUẤT GIA THEO PHẬT QUĂNG BỎ TẤT CẢ PHÁP KHÍ PHÁP CỤ THEO DÒNG SUỐI KHIẾN CÁC ĐẠO SĨ HẠ NGUỒN THẮC MẮC. RỒI TẤT CẢ ĐỀU THÀNH ĐỆ TỬ PHẬT.

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Chuyện ngắn - Bức tranh

Bức tranh
Bài sưu tầm

 Bạn đã bao giờ nghe câu chuyện về Antonio Rossini (1792-1868) chưa? Đó là một tác giả người Italia rất nổi tiếng, nhất là với vở opera “The Barbar of Seville” và “William Tell Overture”. Lúc đó, vị vua của nước Pháp rất ngưỡng mộ ông nên đã mời ông tới và tặng ông một chiếc đồng hồ.

Ông Rossini rất quý chiếc đồng hồ đó, và thường đem khoe với mọi người. Ai cũng hào hứng chiêm ngưỡng chiếc đồng hồ quý, cho đến một lần, một người bạn của Rossini bảo ông:

- Tôi chắc chắn rằng anh không biết giá trị thực của chiếc đồng hồ đâu! 

Rossini rất bực nội, phản đối rằng chiếc đồng hồ rất quý, đơn giản vì đó là chính một vị quốc vương đã tặng nó cho ông. 

Nhưng người bạn vẫn lắc đầu:

 - Không phải là lý do đó! Nói rồi người bạn cầm lấy chiếc đồng hồ, cẩn thận mở mặt sau của nó ra. Trước sự ngạc nhiên của Rossini: mặt bên trong phía sau của chiếc đồng hồ là bức tranh nhỏ xíu, rất đẹp, vẽ chân dung của Rossini.

Như vậy là Rossini đã giữ chiếc đồng hồ hàng năm trời nhưng vẫn không biết giá trị thực sự của nó không nằm ở bên ngoài, mà chính là ở bên trong nó. Trong cuộc sống cũng vậy, bạn có biết điều gì đã làm cho bạn trở nên giá trị không? Không phải chỉ là những gì bạn thể hiện ra ngoài, mà còn là những gì ở bên trong tâm hồn bạn nữa. Đó mới là bức tranh rõ nhất, hoàn thiện nhất về bạn.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

NGÔI CHÙA TĨNH MỊCH 


Shoichi là vị thiền sư một mắt, sắc sảo với sự giác ngộ. Ông dạy các môn sinh của ông ở ngôi chùa Tofuku.

Ngày và đêm toàn ngôi chùa trong trạng thái tĩnh mịch. Không có một tiếng động nào.

Ngay cả việc tụng kinh cũng bị bãi bỏ bởi thiền sư. Các môn sinh của ông chẳng làm gì ngoài việc thiền định.

Khi thiền sư qua đời, một người hàng xóm già nghe thấy tiếng chuông vang lên và tiếng tụng kinh. Lúc bấy giờ bà biết Shoichi đã ra đi

Chuyện xưa tích cũ - Ông thần xã Đình Lập

ÔNG THẦN XÃ ĐÌNH LẬP
Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Thời Bắc thuộc, nhiều lần dân chúng nổi lên chống ngoại xâm. Vào khoảng thế kỷ thứ 10, quan Châu nọ khởi nghĩa thất bại, vợ và con chạy thất lạc. 

Đứa con lớn lên học võ nghệ tinh thông để báo thù cha. Đang đi trên núi, thình lình gặp con Long mã. Long mã hiến cho nó một cái càn khôn quyện, đeo vào cổ thì ra trận bá chiến bá thắng. 

Quân Tàu đại bại liên tiếp mấy trận, tập trung binh mã để đối phó. Rủi thay, đứa con nọ bị bao vây, chạy dài. Quân Tàu đuổi theo kịp, chém đứt đầu, cái càn khôn quyện văng ra ngoài. 

Trong khi đứa con đứt đầu té xuống, thần Long mã hiện ra, lượm cái đầu dặt lại vào cổ của đồ đệ mình và nói: -Con chưa chết đâu. Con hãy mau mau chạy về. Dọc đường gặp ba người đầu tiên thì con hỏi: “Tôi sống hay chết.” Nếu họ nhìn sắc diện của con rồi nói rằng con còn sống thì tánh mạng của con chưa đến nỗi nào. 

Đứa con vâng lời. Trước tiên, gặp một ông lão. Hỏi thì ông trả lời: -Đừng hỏi bậy. Anh còn sống nhăn chớ chết hồi nào. 

Gặp một người thứ nhì, người ấy đáp: -Nhất định anh còn sống. Nếu chết thì làm sao mở miệng nói chuyện được. 

Đứa con nọ mừng quýnh, chạy về nhà, gặp mẹ. Hỏi thì bà mẹ khóc lóc mà nói: -Con chết thiệt rồi. Con đừng hiện hồn về nhát mẹ. Nếu con còn sống thì cái càn khôn quyện còn đeo trong cổ. Đằng nầy, nó đẫm máu, có người lượm được đem về cho mẹ đây. 

Dứt lời đứa con thất sắc, tay chân bủn rủn, té xuống chết. 

Dân chúng trong nước thương tiếc vị nhân tài trẻ tuổi ấy. Sau này vua phong sắc thần. 

Còn bà mẹ nọ thì thiên hạ nguyền rủa, cho rằng vì bà ta dại đột mà đứa con phải chết. Làng Đình Lập (tỉnh Móng Cái) hằng năm cúng tế vị anh hùng này. 

Có người nói rằng tích trên đây là tích ông Nùng Trí Cao đánh nhà Tống, về sau ông phải bại trận mà chết oan uổng.

Chuyện cười trong ngày

Tưởng mình là bóng đèn

Bác sĩ tâm lý lừng danh đến thăm khu điều dưỡng bệnh nhân tâm thần. Vào một phòng, ông ngẩng đầu lên và thấy trên trần có một người bệnh bám cả hai tay hai chân vào xà nhà.

Bác sĩ hỏi y tá trực phòng:

- Anh ta bị làm sao thế?

- Hắn bị bệnh hoang tưởng, tự coi mình là cái bóng đèn...

- Ừ! Tôi thấy rõ rồi... Nhưng phải có cách bắt hắn xuống, kẻo ngã bị thương thì rày rà to cho uy tín của bệnh viện ta.

- Vâng, nhưng hắn mà xuống thì gian phòng này sẽ tối ạ!

Tuesday, November 18, 2014

Ngày 18-11-2014 Khởi Nguồn Chánh Pháp

Gọi là trí giả ở đời
Biết phân thiện ác, biết lời thật hư

SACCAKA, NỔI TIẾNG LÀ BIỆN TÀI, ĐỊNH ĐẾN TRANH LUẬN VỚI ĐỨC PHẬT VỀ GIÁO LÝ VÔ NGÃ. CUỐI CÙNG ÔNG ĐÃ XẤU HỔ CHẤP NHẬN SỰ NGỤY BIỆN CỦA MÌNH.

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Chuyện ngắn - Đôi tay đẹp nhất

Đôi tay đẹp nhất
Bài sưu tầm

Mấy cô gái đang chuyện trò với nhau bên con suối và khoe nhau những bàn tay đẹp . 

Một cô nhúng đôi tay mình xuống làn nước lấp lánh và nhỏ những giọt nước trông như những viên kim cương rơi xuống từ lòng bàn tay cô.

Cô lên tiếng : 

- Này các bạn ơi , trông đôi tay mình đẹp biết bao ! Nước lăn từ bàn tay này qua tay kia trông như nhũng viên ngọc quý . 

Và cô đưa đôi bàn tay cho các bạn ngắm . Đôi bàn tay mềm mại và trắng muốt , vì cô chưa phải làm gì bao giờ , mà suốt ngày chỉ lo rửa chúng trong dòng nước mát . Một cô khác chạy đi hái những quả dâu tây và bóp nát nó trong lòng bàn tay , nước dâu chảy qua các ngón tay như rượu nho chảy từ máy ép cho đến khi các ngón tay cô ửng hồng như ánh bình minh buổi sớm mai .

 - Nhìn này , bàn tay mình đẹp quá chừng ! Nước dâu tây chảy ra trông như rưỡu nho.

Cô ta vừa nói vừa giơ tay ra cho những người khác ngắm . Đôi bàn tay hồng và mềm , vì cô ta chẳng làm gì ngoài việc rửa chúng bằng nước dâu tây mỗi sáng .

 Một cô khác thu lượm những cánh hoa tím và vò nát chúng trong đôi bàn tay cho đến khi chúng tỏa ra hương thơm

 - Coi này , bàn tay mình đẹp chưa ! Chúng có mùi thơm của những cánh hoa tím trong khu rừng sâu đang độ xuân sang . 

Cô nói và giơ tay ra cho các bạn xem . Đôi bàn tay mềm mại và trắng muốt , vì cô có làm gì đâu , mà chỉ lo rửa chúng trong hương thơm của những cánh hoa tím.

Còn cô thứ tư không đưa tay mình ra mà giấu trong vạt áo . Một bà lão bước xuống, ngừng trước các cô , các cô thi nhau đưa tay ra hỏi xem đôi tay nào đẹp nhất . Bà ta xoa đầu từng đứa , đoạn muốn xem bàn tay của cô cuối cùng vẫn đang giấu trong vạt áo . Cô gái rụt rè đưa bàn tay cho bà lão xem.

- Ồ , đây mới thực sự là đôi bàn tay đẹp - bà lão nói - Dù chúng thô cứng vì vất vả . Đôi bàn tay này đã luôn giúp mẹ cha bao việc , từ rửa chén bát đến quét nhà , nhổ cỏ vườn . Đôi tay này trông nom các em , mang nước cho bà , và hướng dẫn các em chơi vui , đắp nhà , thả diêù . Đúng vậy , đây là đôi tay biến căn nhà thành một gia đình hạnh phúc , ắp đầy tình yêu thương và đỡ nâng.

Rồi bà lão sờ soạng trong túi lấy ra một chiếc nhẫn cẩn kim cương , hồng ngọc , thắm màu hơn cả những trái dâu tây và màu xanh ngọc lam , xanh hơn những cánh hoa tím .

Đây , con hãy đeo chiếc nhẫn này . Con xứng đáng được phần thưởng cho đôi tay đẹp nhất , vì chúng là đôi tay hữu ích nhất .

 Nói rồi bà lão biến mất , bỏ lại bốn cô gái còn ngơ ngẩn bên bờ suối

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

ĂN ĐƯỜNG

Một phụ nữ một lần đã mang con trai của cô đến thăm Mahatma Gandhi, người luôn luôn sẵn sàng để được thăm viếng bởi người dân Ấn Độ. Bà ta đã hỏi xin ông vui lòng nói con trai của mình rằng cậu ta phải ngừng ăn đường.

"Hãy quay lại trong ba ngày và ta sẽ ban cho lời yêu cầu của con," ông nói.

Ba ngày sau, bà ta đã trở lại với con trai của mình, và Gandhi qùi xuống bên cạnh cậu bé, và nhìn vào trong mắt anh ta, nói rằng: "Con thật sự nên ngừng ăn đường, như sự mong muốn của mẹ con." Cậu bé hứa hẹn là sẽ ngừng lại. Nhưng người phụ nữ, hiếu kỳ, Gandhi hỏi lý do tại sao ông đã không làm được điều này vào viếng thăm đầu tiên của họ, ba ngày trước đó.

Ông ta trả lời "Ba ngày trước, ta đã không ngừng ăn đường."

Chuyện xưa tích cũ - Bả Kiềm Giáo

BÀ KIÊM GIAO
Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất trong vịnh Xiêm La, hình dáng giống như con cá hóa long, đầu ở phía Bắc, đuôi ở phía Nam.

Tục truyền hồi xưa có ông chúa người Cao Miên ra đó lập nghiệp. Ông này tên là ông vua Lối. Về sau, mùa màng thất bát, vua Lối bỏ đảo trở về đất Cao Miên. 

Sau đó, có một bà già người Việt Nam tên là Kiêm Giao ra lập nghiệp. Bà chiêu mộ chừng một trăm dân gồm người Việt và người Miên. Bước đầu là khai phá vùng Cửa Cạn. Thấy đất phì nhiêu, bà cho người vào trong đất liền mua đem ra năm chục con trâu. Nhờ vậy, mùa màng càng thêm thịnh mậu. 

Năm đó bà Kiêm Giao được bảy mươi tuổi. Nhuốm bệnh nặng, bà gọi gia nhân lại mà trối: -Khi ta chết, bao nhiêu ruộng đất này sẽ đem ra chia đồng đều cho các ngươi, vì ta không có con kế tự. Ta chỉ ước ao điều này thôi: Làm sao các ngươi cũng phải thả bầy trâu này cho chúng nó được thảnh thơi. Nếu còn trói cầm nó, vong hồn ta ắt bị tội nặng dưới Diêm đình. 

Sau khi bà nhắm mắt, bầy trâu nọ được thả ra chạy tứ tán trong rừng. Vì vậy bây giờ ở Phú Quốc trâu rừng rất nhiều. Nơi chuồng trâu cũ của bà Kiêm Giao còn di tích một cây cột bằng trai. Cột ấy cao chừng một thước rưỡi, cây trở nên cứng như đá.

Chuyện cười trong ngày

Vì sao tái phát?

Một bệnh nhân đến phòng khám da liễu:

- Thưa bác sĩ, tôi bị ghẻ!

- Anh hãy thử tự điều trị bằng cách tắm kỹ xem sao.

- Tháng sau, người bệnh lại đến, vừa gãi vừa nói: Không khỏi, thưa bác sĩ.

- Thế anh đã tắm kỹ chưa?

- Dạ, tôi cũng đã thử, nhưng ngừng điều trị một tháng thì tái phát.

Monday, November 17, 2014

Ngày 17-11-2014 Khởi Nguồn Chánh Pháp

Chưởi người, người chẳng sân si
Tự mình nhận hết những gì thốt ra

BÀ LA MÔN AKKOSAKA BHÀRADVÀJA MẠ LỴ ĐỨC PHẬT. BẬC ĐẠI BI DẠY RẰNG AI MẮNG CHƯỞI NGƯỜI KHÔNG PHẨN NỘ THÌ CHÍNH MÌNH NHẬN TẤT CẢ. BÀ LA MÔN TÌNH NGỘ QUI Y.

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Chuyện ngắn - Mùa đông ấm áp

Mùa Đông Ấm Áp 
Bài sưu tầm

Bà Laurence hỏi tôi mỗi khi tôi đến thăm bà:

 - Cháu có nghĩ là bà bị điên không?

- Cháu nghĩ ai mà chẳng có lúc "điên điên", theo một cách nào đó - Tôi luôn luôn đáp lời bà như thế 
Tôi không phải họ hàng của bà Laurence nhưng tôi thường theo anh trai mỗi khi anh đến giúp bà những việc vặt trong nhà. 

Bà trả cho anh tôi năm đôla một tuần. Đổi lại, anh bổ củi cho bà, đốt lò sưởi, mua vài thứ tạp phẩm, còn tôi giúp bà rửa chén đĩa và thỉnh thoảng còn mang quần áo của bà đến hiệu giặt nữa. Mẹ tôi bao giờ cũng gửi chúng tôi đem một ít thức ăn cho bà.

- Nhớ lấy thêm một đĩa cho John nghe cháu. Ông ấy có thể về nhà ngày hôm nay - Bà Lawrence nói khi tôi bày thức ăn ra bàn. Bà đã để thêm một cái đĩa cho John, chồng bà, trong suốt bảy mươi hai năm qua, bà chờ đợi ông trở về sau Thế chiến thứ nhất.

- Mái tóc của John có màu của lá sồi vào tháng mười. Không ai có được một mái tóc đẹp đến như vậy. Hồi đó, mẹ bà thường nói rằng mái tóc đẹp đến vậy lại ở trên đầu một cậu con trai thì thật phí của! - Bà Lawrence mỉm cười, những nếp nhăn trên mặt bà hằn sâu thêm. "Lúc John ra trận, chúng ta chỉ mới có mười bảy tuổi. Ông ấy hứa sẽ yêu bà mãi mãi và sẽ trở về nhà".

Lúc bà nói những lời đó, tôi dường như đã thấy lại cô gái mười bảy tuổi ngày xưa. Bà Lawrence vuốt lại mái tóc bạc trắng khô xác và quấn những sợi tóc lòa xòa thành một búi nhỏ. Ngày trước, tóc bà xoăn và vàng óng. Có đôi lúc, khi bà bật cười, ánh mắt bà lại vụt sáng lấp lánh, đó hẳn là ánh mắt khi bà ở bên John ngày trước. Họ chắc hẳn là một cặp rất xứng đôi.

Tất cả mọi người đều biết là ông John đã chết tại một nơi nào đó ở Đức trong mùa đông giá lạnh khủng khiếp, chỉ có bà Lawrence là không bao giờ tin. Cuối cùng, mọi người đều cảm thấy tốt nhất là cứ để bà tin rằng ông sẽ trở về.

Bà Lawrence không tái giá cũng không có con. Chỉ có anh em tôi và một người y tá do hội đồng thành phố cử đến để khám sức khỏe cho bà mỗi tháng một lần.

Ngay cả vào mùa hè, chiều nào anh tôi cũng phải nhóm lò sưởi cho bà trước khi ra về.

 - Buồn cười thật - bà Lawrence nói, thời tiết bây giờ thật khác hồi trước. Khi bà con trẻ, mùa đông thật ấm áp. Bà và John đi bộ trong rừng, bà thọc tay vào đôi găng của John. Thỉnh thoảng, John nhảy lên cao và với lấy một cành cây, tuyết rơi xuống người cả hai nhưng chúng ta không hề thấy lạnh. Bà không bao giờ thấy lạnh khi ở cạnh John. Sau khi John ra đi, thời tiết đã thay đổi. Bà không bao giờ còn cảm nhận được sự ấm áp nữa.

Khi tôi lắng nghe những điều bà Lawrence nói, Thế chiến thứ nhất không chỉ còn là một sự kiện được ghi trong sách lịch sử. Đối với anh em tôi, đó là một cái gì thật khủng khiếp đã cướp đi mạng sống của hàng vạn người trai trẻ như John. Nỗi đau, sự mất mát và sự cô đơn của bà Lawrence hãy còn mới như thể trận chiến vừa xảy ra ngày hôm qua.

Tôi thương tiếc những người lính đã ngã xuống; tôi yêu quý những người lính trở về nhà với những vết thương trên cơ thể và trong tâm hồn; nhưng trên hết, tôi thương bà Lawrence và những người quả phụ mòn mỏi chờ người yêu trở về.

Không ai nói đến những người phụ nữ lặng thầm đó. Họ không có một ngày lễ kỷ niệm hay một tấm huân chương nào. Nhưng họ thật dũng cảm và nỗi đau mà họ gánh chịu thật nặng nề.

Một trong những lần cuối tôi đến thăm bà Lawrence, bà lại kể cho tôi nghe về câu chuyện đó. Lần này, bà nhờ tôi giúp một việc.

 - Cháu giúp bà một việc được không? - Bà hỏi, đặt tay lên vai tôi

 "Cháu có thể hứa là sẽ luôn nhớ tới John của bà không? Cần có ai đó nhớ đến ông ấy" - Giọng bà run run

- Cháu nhớ rằng ông John có mái tóc màu lá sồi tháng mười - tôi nói. Hai ông bà khi đó chỉ mới mười bảy tuổi, hai người đi dạo trong rừng. Ông rung những cành cây và tuyết rơi xuống người bà, và hai người sẽ yêu nhau mãi mãi. 

- Phải, phải - Bà thở dài và mỉm cười buồn bã - Cháu nhớ kỹ lắm. Giờ thì bà yên tâm là đã có một ai đó luôn nhớ đến những điều ấy rồi! Bà cảm ơn cháu.